Nghĩ cho cùng, âm thanh, dù chưa được chắt lọc, sắp xếp theo cung bậc bổng trầm, thành những nốt nhạc, những bài hát, nhưng một khi đã gắn bó với tâm hồn hoặc tâm sự của mỗi người thì nó đều mang sức gợi cảm, sự liên tưởng khác nhau… Chả có vậy mà ở truyện tiếu lâm dân gian kia, khi nghe ông hàng xóm chơi đàn bầu, dù tài năng của ông ta chỉ tới mức bịch bịch phèng phèng, người đàn bà goá nọ vẫn cứ phải thổn thức năm canh. Vì tiếng “đàn” ấy đã làm chị nhớ đến tiếng bịch bông (âm thanh phát ra từ một dụng cụ làm tơi những sợi bông ngày xưa), nghề kiếm sống lúc bình sinh của người chồng quá cố. Mà cũng chẳng riêng gì người quả phụ ấy… Chúng ta cũng thế thôi… Nghe hai thanh tre gõ vào nhau, có người nhớ đến giây phút đau buồn khi đưa tiễn người thân về với “cát bụi”, lại có người nhớ đến một bát mì “xực tắc” từ những gánh hàng rong, đêm đông mưa phùn gió bấc ở Hà Nội…
Âm thanh mộc mạc thô sơ còn thế, huống chi âm nhạc… Sức gọi nhớ, liên tưởng của nó mạnh mẽ biết chừng nào. Người đầu tiên biết sử dụng sức mạnh này vào công tác sư phạm có lẽ là thầy Mác Tuyên. hiện đang dạy ở trường Nguyễn Văn Trỗi, Nha Trang, Khánh Hòa, một nhà giáo đã 30 năm dạy môn Lịch sử, người nhạc sĩ đã bỏ công hàng chục năm trời để sáng chế ra cây đàn mang tên Lạc Cầm độc đáo nổi tiếng, cốt cách Xưa nhưng lại mang âm sắc Nay. Sau mỗi tiết giảng, bao giờ thầy Mác Tuyên cũng dành ra 3,4 phút để hát lại những bài hát liên quan đến những sự kiện lịch sử ghi trong bài giảng. Dạy bài “Khởi nghĩa Bắc Sơn” (lớp 12) thầy hát: Ôi, còn đâu đây sắc chàm pha màu gió. Bắc Sơn, đây hố sâu mồ chôn… trong nhạc phẩm Bắc Sơn của nhạc sĩ Văn Cao. Dạy bài Khởi nghĩa Ba Tơ, thầy hát cho các em nghe bài Du kích Ba Tơ. Dạy Chiến dịch Tây Bắc thầy ca: Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa…. Cứ thế, những sự kiện lịch sử được những âm thanh nâng bổng cứ bay xa, ngân vang mãi trong lòng các em.
Dạy Sử, thực chất không phải chỉ là để bắt các em phải nhớ cho được những sự kiện khô cứng mà là giúp các em biến sự kiện đó thành tâm hồn, thành tình cảm của mình… Về điểm này, nhà giáo, nhạc sĩ Mác Tuyên đã ghi được một dấu son.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.