Đó là sáu chữ Hán viết trên những tấm bảng treo nhan nhản tại các gian hàng thực phẩm ở hai bên bến phà Mỹ Thuận (Sông Tiền) miền Tây Nam bộ, nhằm mục đích giới thiệu món ăn đặc sản của vùng này với những khách du lịch không đọc được chữ Việt chỉ đọc được chữ Hoa. Sáu chữ trên dịch nôm có nghĩa là NEM CÔ GIÁO DUNG (Chữ Hán không có âm “nem” nên phải viết thành “Niệm an”. Có thể món thực phẩm đặc sản này, thủy tổ do tài chế biến của cô giáo có tên trên, sau mới phát triển thành một “trường phái” như hiện nay.
Cũng tương tự như thế, ở Vũng Tàu có “Mắm ruốc cô giáo Thảo”. Khách du lịch đến đây không ai không hỏi đặc sản này.
Do kém tài nên “ẩm thực bất tri kỳ vị”, tôi không hiểu hết những đặc sắc của hai thứ thực phẩm mang tên hai cô giáo trên, nhưng nghe ra tôi cứ thấy nó thế nào, mặc dù sản phẩm của các cô làm ra đều có ích cho xã hội và cách đặt tên hàng hóa kiểu ấy cũng không hề xúc phạm đến các cô.
Tôi nghĩ để có tên tuổi làm sáng danh những món nem, món mắm như trên, chắc các cô giáo ấy đã đổ mồ hôi sôi nước mắt cả một đời người. Nhà giáo dốc hết tinh hoa của cả một đời cho những việc không phải của nhà giáo!
Đã một thời, người ta định nghĩa “Thầy giáo là những xã viên có nghề phụ là dạy học”, thấy xót xa. Nay lại nghe thêm ” Nem cô giáo Dung”, “Mắm ruốc cô giáo Thảo”…
Ước mong các thầy cô chúng ta một ngày nào đó không phải mang thêm những cái danh như thế.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.