Cài Hoa Vào Quá Khứ

HAI KỶ NIỆM VUI BUỒN



Tôi có hai kỷ niệm vui, buồn với hai cách chấm bài của hai thầy giáo.
Kỷ niệm vui
Ngày tôi học lớp 6, trong bài Tập làm văn “Hãy kể lại một chuyện phim mà em cho là hay nhất”, tôi đã viết hai câu thế này: “Đêm khuya dưới ngọn đèn mờ tỏ, hai người thi nhau nấu sử sôi kinh. Lúc rỗi việc, hai người cùng nhau đánh cờ “xe pháo”. Đó là tôi tả lại tình bạn khăng khít của Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài! (Khổ, ngày trước, lứa chúng tôi cả năm mới được xem một bộ phim ở ngoài bãi, nên phim nào được xem cũng cho là hay). Khi trả bài, thầy đã nói trước lớp thế này:
– Khi viết, trò K. đã rất chú trọng đến âm điệu của tiếng Việt. Câu văn trên nếu em đặt dấu chấm sau chữ “đánh cờ” cũng được rồi. Vậy mà em lại viết thêm hai chữ “xe pháo” nữa. Vì có thế câu văn mới có nhịp điệu. Các em thử đọc lại xem.
Cả lớp lập tức rì rầm đọc lại.
Bài văn ấy, tôi được thầy cho điểm 5 (điểm cao nhất thời đó) và lời bình của thầy tôi còn nhớ cho đến tận ngày nay, dù đã 38 năm trôi qua.
Kỷ niệm buồn.
Vài năm sau, lên lớp 9, tôi viết trong bài Tập làm văn bình giảng về một bài thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm như thế này: “Cái xã hội ấy (xã hội phong kiến- N.K.Đ.) bùng nhùng như một nhọt bọc sắp vỡ. Thôi thì đủ cả…” Lúc hạ được hai chữ “thôi thì” tôi sướng như vừa nghĩ ra một phát minh mới. Vậy mà khi trả bài, thầy giáo lại gạch xóa đi hai chữ ấy. Đã vậy thầy lại còn phê bài văn của tôi rườm rà, nhiều chữ “thì là mà” và cho điểm 2 (điểm thấp nhất).
Xin các thầy, các cô ngày nay chấm bài hãy để lại trong lòng học trò những kỷ niệm vui!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.