Cài Hoa Vào Quá Khứ

MAY MÀ CÁC EM KHÔNG BẢO: “CHÁN VIÊN GHÊ!



Chứng kiến một em học sinh đọc thuộc lòng không sót một chữ bài thơ “Núi đôi” của nhà thơ Vũ Cao cho em khác nghe, tôi thấy vui, nhưng rồi niềm vui bất chợt bị giảm đi ngay khi tôi hỏi em rằng: “Cháu có biết tác giả bài thơ là ai không?”. Em đã lắc đầu. Còn cô bạn của em thì đáp với vẻ nước đôi: “Là nhà thơ Nam Cao phải không chú?”
Chuyện trên làm tôi nhớ đến một giai thoại về nhà thơ Chế Lan Viên. Dịp ấy, về công tác ơ ỷtỉnh nọ, nhà thơ được một số thầy giáo mời về trường dự buổi sinh hoạt câu lạc bộ văn học. Phần nghi lễ “chủ” hào hứng giới thiệu “khách”.
– Xin trân trọng giới thiệu với các em đây là tác giả bài thơ “Người đi tìm hình của nước” nổi tiếng mà các em ai cũng thuộc. Vậy các em có biết đây là nhà thơ nào không?
Cả hội trường im phăng phắc. Lát sau mới có một em trai mạnh bạo đứng lên:
– Thưa là nhà thơ Chế Viên Lan ạ…
Các thầy các cô ngượng chín cả mặt, thiếu điều độn thổ. Không khí phòng họp căng thẳng. May quá, đúng lúc ấy, nhà thơ của chúng ta kịp đứng lên, gỡ thế bí cho cả thầy lẫn trò.
– Cảm ơn các em đã nhớ được tên tôi như thế… Cũng may mà các em không bảo là Chán Viên ghê!
Cả hội trường cười ồ lên, vui vẻ…
Việc người đọc chỉ nhớ tác phẩm chứ không nhớ tác giả có thể là hạnh phúc đối với các nhà văn, nhà thơ. Nhà thơ Tế Hanh đã từng nói lên điều này trong một bài thơ về thi hào Nguyễn Du. Nhưng tôi nghĩ, dù sao cũng chỉ là quan niệm, là cách nói của những người làm ra “sản phẩm”. Còn các thầy giáo chúng ta, những “người phân phối sản phẩm đó đến người tiêu dùng” lẽ nào lại để “khách hàng” của mình không biết đến họ!

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.