Dạy học đôi khi cũng phải… xạo ông à!
– Bậy!
Tôi cãi lại. Ông bạn tôi hạ giọng:
– Thôi được, tin hay không, tùy ông. Nhưng phải nghe tôi kể lại câu chuyện nhỏ này.
– Ông cứ việc.
– Ngày đó đi thực tập sư phạm, tôi phải giảng bài Sinh vật lớp 5: “Cấu tạo kính hiển vi”. Hôm ấựy số giáo viên, giáo sinh đến dự đông hơn số học sinh của lớp. Gặp trường hợp này, đến giáo viên lão luyện cũng còn run sợ ” lấy giẻ lau bảng… lau mặt” nữa là tôi… lần đầu bước lên bục giảng.
Để tăng phần hấp dẫn, trước khi vào bài, tôi gọi một em học sinh lên “thay mặt cả lớp tận mắt nhìn thấy sợi lông chân con ruồi” đã được phóng to gấp trăm lần. Ma xui, quỷ khiến làm sao, bữa đó tôi điều chỉnh mãi, vặn lên vặn xuống chiếc kính hoài mà cái chân ruồi vẫn không chịu hiện ra trên tiêu bản. Tôi bắt đầu mất bình tĩnh, mồ hôi toát ra. Trong khi đó hàng trăm con mắt cứ đổ dồn vào hai bàn tay đang bắt đầu run lên của tôi.
Biết tính sao đây? Tiếp tục chỉnh kính thì mất hết cả tiết học mà chưa chắc đã thành công. Còn nói thẳng ra là mình chưa biết điều khiển kính thì thà bỏ dạy còn hơn … May sao vừa lúc đó lại có một tia sáng lóe lên trong đầu, khiến tôi nói được luôn:
– Nào, mời em!
Em học sinh đến bên chiếc kính rồi nheo mắt nhìn vào. Tôi hỏi tiếp:
– Em đã thấy chưa, những sợi lông chân con ruồi?
Tôi “đánh bạc” với câu trả lời của em. Phúc đức sao,em đã lại đáp:
– Dạ, em thấy rồi!
Mừng quá tôi “bồi” luôn câu nữa:
– Nó đen phải không?
– Dạ, đen!
– To và nhọn như lông con nhím?
– Dạ, đúng thế!
– Thôi được, em về chỗ (tôi thở phào). Vậy là em này đã thay mặt cả lớp tận mắt nhìn thấy sợi lông chân con ruồi. Có được điều kỳ lạ ấy là nhờ một dụng cụ gọi là kính hiển vi . Hôm nay thầy sẽ giảng cho các em nghe về cấu tạo của cái kính đặc biệt ấy.
Cách vào bài êm ái và ngọt xớt ấy đã làm cả lớp hào hứng hẳn lên. Bài thực tập của tôi được xếp vào loại khá.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.