Xưởng của chúng tôi trống hoắc như một vựa lúa trước mùa gặt. Vì vậy chúng tôi quyết định không bán chiếc tắc xi mà giữ nó lại, đưa đón khách một thời gian. Lenz và tôi sẽ thay nhau lái. Koster và Jupp dư sức quán xuyến công việc trong xưởng, đến khi kiếm được một công trình mới.
Tôi nhét tiền lẻ đầy túi, cầm theo giấy tờ, và lái lanh quanh tìm một bãi đáp tốt. Có một cảm giác xao xuyến của buổi ban đầu. Bất kỳ thằng ngốc nào cũng có thể chận tôi lại và ra lệnh. Chẳng phải là một cảm giác tuyệt diệu. Trôi tuột một lần nữa. Tôi không hiểu rõ, vì sao lần này tôi cảm thấy cần phải thu lượm được một điều gì khác hơn trước đây. Công việc này có lẽ không bền — tuy nhiên, được nhìn ngắm chỗ này chỗ kia còn hơn giam mình trong văn phòng, để một tên trưởng phòng u sầu nào đấy hành hạ đến khi ta không chịu nỗi phải ném quyển sổ kế toán vào mặt hắn, rồi bị đuổi.
Tôi chọn một nơi chỉ có năm chiếc tắc xi đang đậu. Đối diện với khách sạn Waldecker Hof, tại trung tâm một khu thương mại. Ở đấy, hy vọng sẽ đắt khách.
Tôi tắt máy xe, bước ra. Từ trong chiếc xe đầu, một người cao lớn mặc áo choàng da tiến đến. Hắn gầm lên, “Cút ngay,”
Tôi bình tỉnh nhìn hắn và nghĩ rằng nếu cần, một cú móc ngược vào càm là tốt nhất. Áo choàng của hắn sẽ vướng víu khiến hắn không dơ tay đỡ kịp.
“Mày không có mũ?” hắn nhấn mạnh, nhỗ toẹt mẫu thuốc lá cùn xuống chân tôi. “Mày nên cút ngay. Ở đây đã đủ người. Không cần nữa.”
Rõ ràng hắn nổi giận vì có thêm người; nhưng tôi có quyền đứng đây nếu tôi thích.
“Tôi bằng lòng đãi mấy chầu ra mắt,” tôi nói.
Theo tôi nghĩ, như thế đã ổn. Thông thường ai mới vào nghề cũng phải chịu vậy.
Một cậu tài xế trẻ tuổi xuất hiện. “Được mà, bạn. Mặc kệ hắn, Gustav –“
Gustav không thích một điều gì đấy ở tôi. Tôi biết điều ấy là gì. Hắn nhận ra, tôi là một tay mơ tập tễnh vào nghề.
“Tao sẽ đếm ba tiếng –” hắn nói. Hắn cao hơn tôi một cái đầu và tin tưởng vào lợi thế ấy.
Tôi hiểu, có nói cũng bằng thừa. Một là tôi phải đi khỏi chỗ này, hay là đánh nhau. Rõ ràng như vậy. “Một,” Gustav đếm, vừa cởi khuy áo choàng.
“Đừng có vô lý,” tôi nói, cố gắng một lần nữa. “Anh không cảm thấy hương vị whiskey nóng bỏng ở cuống họng hay sao?”
“Hai –” Gustav gầm lên.
Tôi thấy rõ, hắn định nện cho tôi một trận đến nơi đến chốn.
“Và một là —” Hắn đẩy mũ của hắn lệch ra sau.
“Câm đi, thằng ngốc!” tôi thình lình quát to. Gustav há mồm kinh ngạc, bước tới một bước. Chính xác ngay vị trí tôi muốn. Tôi lập tức tung nhanh — một cú đấm mạnh như búa bổ, với sức nặng của toàn thân. Koster đã dạy tôi cú đấm ấy. Tôi không giỏi quyền Anh; tôi cho là không cần thiết — thông thường quả đấm thứ nhất sẽ quyết định tất cả. Đây là một quả đấm hay tuyệt.
Gustav gục tại chỗ. “Không sao cả,” người tài xế trẻ tuổi nói. “Anh ấy luôn luôn ước muốn như thế.” Chúng tôi khênh hắn lên, đặt vào xe tắc xi của hắn. “Anh ấy sẽ tỉnh lại ngay.”
Tôi cảm thấy có chút ưu tư, vì khi đấm, tôi đã để ngón cái nằm bên ngoài. Khi Gustav tỉnh dậy, hắn có thể tha hồ đập tôi tùy thích. Tôi nói cho người tài xế trẻ nghe và hỏi cậu ta, liệu tôi có nên chuồn mau. “Vô lý,” cậu ta nói, “chuyện ấy đã giải quyết. Đến quán rượu và trả tiền ra mắt. Anh không phải là dân lái tắc xi chuyên nghiệp?”
“Không.”
“Em cũng thế. Em là diễn viên.”
“Và em thành công?”
“Người ta phải sống,” cậu ấy cười to, “Và đời không hoàn toàn như trong kịch.”
Có năm người cả thẩy, hai người lớn tuổi và ba người trẻ hơn. Một chốc sau, Gustav cũng xuất hiện. Hắn ta nhìn, chầm chầm vào bàn chúng tôi, và đến gần. Tôi nắm chặt chùm chìa khóa trong túi quần với bàn tay trái, quyết tâm sẽ chống đỡ đến khi nào không còn nhúc nhích nữa mới thôi.
Nhưng chuyện ấy đã không xảy ra. Gustav đá một cái ghế và hờn dỗi ngồi phịch xuống. Cô hầu bàn đặt một cái ly trước mặt hắn. Bia mang đến. Gustav uống cạn ly. Gọi thêm một chầu nữa.
Gustav nghiêng mặt nhìn tôi. Hắn nâng ly. “Pros’t,” hắn nói với tôi, nhưng với nét mặt ỉu xìu như bùn.
“Pros’t,” tôi đáp và chạm ly.
Gustav chìa ra một gói thuốc lá. Hắn mời mà không nhìn tôi. Tôi nhón một điếu và bật lửa cho hắn. Rồi tôi gọi một chầu double kummel. Chúng tôi cùng uống. Gustav lại liếc qua.
“Đồ phá hoại,” hắn nói, nhưng bằng một giọng thích hợp.
“Đồ ngu si,” tôi trả lời cùng một kiểu.
Hắn quay lại, đối diện với tôi. “Quả đấm thật tuyệt.”
“Hên thôi,” tôi nói, và chỉ cho hắn xem ngón cái của tôi.
“Xui thật,” hắn nhăn răng cười, đáp lời. “Nhân thể, tớ tên là Gustav.”
“Còn tớ, Robert.”
“Tốt. Vậy thì O.K chứ, Robert? Tớ tưởng cậu vừa dứt sửa mẹ.”
“O.K, Gustav.”
Từ đấy trở đi, chúng tôi là bạn với nhau.
Những chiếc tắc xi chầm chậm lăn bánh tới. Người diễn viên, tên là Tommy, có một mối hời đưa khách ra nhà ga; Gustav chở khách đến một nhà hàng gần nhất, tiền xe ba mươi pfenig. Anh hầu như sẽ nổi cơn tam bành, bởi vì giờ đây, với tiền lời chỉ có mười fpenig, anh phải xuống hạng chót ở cuối hàng. Tôi kiếm được một mối khá đặc biệt — một bà người Anh muốn tham quan thành phố. Gần một tiếng đồng hồ với bà. Lượt về, tôi còn kiếm thêm vài mối nhỏ. Đến trưa, khi chúng tôi lại tụ tập nơi quán rượu và ăn bánh mì với bơ, tôi cảm thấy mình đã thạo nghề lắm rồi. Có một điều gì đó tương tự tình chiến hữu trong quân đội. Đủ mọi hạng người đáp lời sông núi tại đây. Hơn phân nửa lúc nào cũng thế, số còn lại bằng cách này cách khác cũng bị lôi cuốn vào.
Buổi chiều, khá hài lòng với bản thân, tôi lái xe vào sân xưởng sửa xe. Lenz và Koster đang chờ tôi.
“Các cậu kiếm được bao nhiêu?”
“Bẩy mươi lít dầu lửa,” Jupp trả lời.
“Chỉ thế thôi?”
Lenz tuyệt vọng nhìn lên trời. “Cho một giọt nước mưa! Và một vụ đụng xe sơ sài trên mặt đường trơn trợt ngay trước cửa! Dĩ nhiên không ai bị thương. Chỉ có một mối sửa xe nhẹ nhàng.”
“Nhìn đây.” Tôi khoe ba mươi lăm marks trong bàn tay mình.
“Tuyệt vời,” Koesler nói. “Lời hai mươi marks đấy. Chúng ta sẽ tiêu nó ngay tức thì. Phải ăn mừng chuyến ‘hải trình’ đầu tiên.”
“Chúng ta sẽ có một bình rượu vang ướp woodruff,” Lenz nói.
“Một bình?” tôi hỏi. “Cậu định nói gì thế?”
“Đúng. Pat sẽ đến.”
“Pat?”
“Đừng có há mõm to đến thế,” chàng lãng mạn cuối cùng nói. “Tụi tớ đã dàn xếp từ lâu. Tụi tớ sẽ đón cô ấy lúc bẩy giờ. Cô ấy biết tất cả. Nếu cậu không nghĩ ra được những việc đấy, tụi tớ đành phải tự tay làm mà thôi. Dù sao đi nữa, cậu quen với cô ấy qua tụi tớ mà.”
“Otto,” tôi nói, “có bao giờ cậu thấy một điều gì xấc xược hơn không?’
Koster cười. “Tay cậu bị gì thế, Bob? Dường như bị vẹo?”
“Chắc là sái gân rồi.” Tôi kể lại câu chuyện với Gustav. Lenz nhìn tay tôi. “Hẳn thế. Nhưng, mặc dù sự thô lỗ của cậu, như một tín đồ Cơ đốc giáo và một sinh viên trường thuốc hồi hưu, tớ sẽ xoa bóp cho cậu. Vào đây, Ông Đánh Bốc.”
Chúng tôi vào trong xưởng và Gottfried nắn bóp tay tôi với một chút dầu nóng. “Cậu bảo Pat rằng chúng ta sẽ ăn mừng ngày đầu tiên lái tắc xi?” tôi hỏi anh.
Gottfried huýt sáo. “Có thế đã không vui rồi sao, cậu bé? “
“Liệu mà giữ mồm giữ miệng,” tôi trả lời. Bởi có lẽ, anh nói đúng. “Cậu nói cho cô ấy biết, phải không?”
“Tình yêu,” Gottfried bình thản nói, “là một vật đẹp. Nhưng nó làm hỏng tính cách con người.”
“Đơn côi, mặt khác, khiến người ta kém tế nhị.”
“Tế nhị là một thỏa thuận ngầm để phớt lờ thất bại của nhau, thay vì lên tiếng. Đấy là một sự thỏa hiệp đáng khinh. Chẳng có một cựu chiến binh Đức nào lại hạ mình làm chuyện ấy, bé ạ.”
“Vậy giả sử như cậu là tớ, cậu sẽ làm thế nào,” tôi nói, “trong trường hợp có ai đấy ngoắc tay đón tắc xi và cậu nhận ra người đó chính là Pat?”
Anh mỉm cười. “Tớ sẽ chẳng bắt nàng trả tiền xe đâu, cậu nhỏ ơi.”
Tôi huých anh một phát làm anh ngã khỏi chiếc ghế ba chân. “Bố khỉ. Cậu biết tớ sẽ làm gì không? Tối nay tớ sẽ đón nàng bằng xe tắc xi.”
“Xuất sắc.” Gottfried dơ một tay lên cao, khuyến khích. “Chỉ cần nhớ, dù cậu làm gì đi nữa, chớ đánh mất tự do. Tự do còn quý hơn cả tình yêu và cậu chỉ hiểu được điều ấy khi đã muộn. Cậu không trọn quyền sử dụng chiếc tắc xi. Tụi này muốn đón Ferdinand Grau và Valentin. Sẽ là một đêm long trọng, nhưng tuyệt vời.”
Chúng tôi ngồi sau vườn một lữ quán nhỏ ở ven thành phố. Vầng trăng ướt treo thấp trên cánh rừng như một ngọn đuốc đỏ. Những cành hạt dẻ đơm hoa giống một chúc đài óng ánh nhạt, mùi tử đinh hương nồng nàn như thuốc, và trên bàn trước mặt chúng tôi, một chậu thủy tinh to chứa rượu vang ướp hương woodruff, trong bóng tối mờ ảo như một khối ngọc opal long lanh, giữ bên trong tia sáng xanh lam và xà cừ lung linh, ánh sáng cuối cùng của chiều tà. Chưa gì chúng tôi đã châm rượu vào chậu đến bốn lần.
Ferdinand ngồi ghế. Pat ngồi bên cạnh. Nàng cài một đóa lan hồng phấn mà anh mang tặng.
Ferdinand vớt một con cánh ren từ ly rượu của anh, thận trọng quệt nó lên mặt bàn.
“Hãy nhìn nó,” anh nói: “con muỗi này. Mạng nhện chỉ là giẻ rách so với nó. Và chúng chỉ sống một ngày, rồi xong.” Anh đưa mắt quan sát tất cả mọi người. “Người anh em, có ai biết điều gì huyền bí nhất trong thế gian này?”
“Một ly rượu đã cạn,” Lenz trả lời.
Ferdinand phất tay, phủ nhận Lenz. “Điều bại hoại nhất ở thế gian này đối với loài người, Gottfried, là một tay diễu cợt.” Anh quay lại nhìn chúng tôi, “Điều huyền bí nhất trên thế gian, anh em ơi, chính là thời gian. Thời gian. Tượng đài kỷ niệm mà chúng ta sống qua nhưng không thể chiếm hữu.” Anh lôi từ trong túi ra một cái đồng hồ và dí sát mắt Lenz. “Nhìn đây, người lãng mạn sống trên mây. Cái vật cơ giới quỷ sứ này, kêu tíc tắc, sẽ tiếp tục kêu tíc tắc, và không có thứ gì có thể làm nó ngưng lại. Ta có thể sống còn sau một cơn tuyết lở hay một trận núi vùi — nhưng không thể chiến thắng vật này.”
“Tớ không muốn thế,” Lenz tuyên bố. “Tớ muốn mình sống êm ả đến già. Và, dù sao đi nữa, tớ cũng thích sự đổi thay.”
“Thời gian không chịu đựng con người,” Grau nói, phe lờ anh. “Con người cũng chẳng thể chịu đựng thời gian. Do đó, con người phải chế tạo ra giấc mơ cho chính mình. Giấc mơ xưa cũ, vô vọng, bịnh hoạn của loài người, sự vĩnh cữu.”
Gottfried cười to. “Căn bệnh trầm trọng nhất trong thế gian, Ferdinand, là tư tưởng. Một căn bệnh nan y.”
“Nếu nó là căn bệnh duy nhất, thì cậu sẽ bất tử,” Grau đáp. “Cậu, cái túi gồm có chất hữu cơ, vôi, phốt pho và một ít sắt, tồn tại trong một thoáng của trái đất, Gottfried Lenz!”
Gottfried rạng rỡ, hài lòng. Ferdinand lúc lắc cái bờm sư tử của anh. “Đời sống là một chứng bệnh, người anh em ạ, và cái chết bắt đầu từ lúc ta lọt lòng. Mỗi hơi thở, mỗi nhịp tim, là một giây phút chết chóc — xô đẩy ta đến gần điểm kết thúc.”
“Và mỗi ngụm rượu nữa cơ,” Lenz trả lời. “Pros’t, Ferdinand. Đôi khi cái chết lại là một niềm vui sướng đáng ghét. “
Grau nâng ly. Một nụ cười thoáng hiện trên gương mặt to rộng của anh, như một cơn bão không âm thanh. “Pros’t, Gottfied, con bọ nước nhảy loi choi trên luồng chảy của thời gian. Tớ tự hỏi, không biết cái quyền năng điều khiển chúng ta nghĩ thế nào khi họ tạo dựng ra cậu.”
“Hẳn là họ đã thỏa thuận với nhau,” Gottfried nói. “Trong bất kỳ trường hợp nào, cậu không phải là người được quyền miệt thị những chuyện như thế. Nếu loài người bất tử, thì cậu — con ký sinh già, sẽ thất nghiệp.”
Đôi vai của Grau bắt đầu nhô lên. Anh cười to. Rồi anh quay sang Pat. “Em nghĩ sao, bông hoa bé nhỏ trên mặt nước rập rềnh?”
Sau đó Pat và tôi tản bộ riêng với nhau trong vườn. Trăng đã cao hơn và cánh đồng bơi lội trong ánh xám bạc. Bóng cây ngã dài và đen sẩm trên đấy như những tấm biển chỉ đường về một miền vô định. Chúng tôi đi đến tận hồ, rồi quay trở về. Trên đường, chúng tôi gặp Gottfried, anh bê một cái ghế trong vườn, đặt giữa những bụi tử đinh hương rậm rạp. Anh ngồi khuất bên trong, chỉ còn thấy mái tóc vàng và điếu thuốc. Bên cạnh, trên mặt đất là một cái cốc thủy tinh với những gì còn lại của bình rượu vang trắng xứ Rhine tháng Năm tẩm hương woodruff.
“Có chỗ ngồi kìa, nếu anh muốn!” Pat nói. “Trong bụi tử đinh hương.”
“Cũng không tệ.” Gottfried đứng lên. “Thử xem.”
Pat ngồi xuống ghế. Gương mặt nàng bừng sáng giữa những đóa hoa thắm tươi.
“Tôi mê tử đinh hương lắm,” chàng lãng mạn cuối cùng nói. “Nhớ nhà với tôi có nghĩa là nhớ tử đinh hương. Mùa xuân năm hai mươi bốn, từ Rio de Janeiro tôi đã cố trở về thật gấp gáp, chỉ vì tôi nhớ ra, hẳn là tử đinh hương đang mùa hoa nở. Khi tôi về đến nơi, dĩ nhiên là đã muộn.” Anh cười. “Lúc nào cũng thế.”
“Rio de Janeiro.” Pat kéo một chùm hoa xuống gần. “Hai anh đều ở đấy cùng một lúc? “”
Gottfried khựng lại. Tôi rùng mình, cảm thấy một luồng buốt giá chạy dọc theo cột sống.
“Hãy nhìn trăng kìa,” tôi vội vàng nói, cùng một lúc dẫm nhẹ lên chân Lenz để ra hiệu.
Từ đóm lửa ở đầu điếu thuốc của Lenz, tôi thấy một nụ cười phảng phất và ánh mắt tinh nghịch. Tôi được cứu bồ. “Không, chúng tôi không ở đấy cùng một thời gian. Lúc đấy chỉ có một mình tôi. Nhưng, còn một chút rượu woodruff này, cô nghĩ thế nào?”
“Thôi ạ.” Pat lắc đầu. “Em không uống được nhiều rượu.”
Chúng tôi nghe Ferdinand gọi, và quay về. Nhưng tôi đã quyết tâm là một dịp nào đó, tôi sẽ làm sáng tỏ vấn đề Brazil. Goffried nói đúng — tình yêu làm hư hoại tính cách con người.
Ferdinand dềnh dàng đứng ở khung cửa. “Vào đây, các con,” anh nói. “Những người như chúng ta không dính dáng gì đến thiên nhiên vào ban đêm. Thiên nhiên muốn được cô độc. Nếu là nông dân hay ngư phủ, đấy lại là một chuyện khác — nhưng chúng ta, những cư dân thành thị, bản năng đã cùn nhụt, không thể nào.” Anh đặt tay lên vai Gottfried. “Đêm là sự phản kháng của thiên nhiên đối lại bệnh hủi của văn minh, Goffried. Không một người chân chánh nào có thể chống cự lâu dài. Hắn sẽ để ý thấy rằng hắn đã bị loại khỏi sự bầu bạn im lặng của cây cỏ, muôn thú, ngàn sao, và cuộc sống vô thức.” Anh mỉm nụ cười kỳ quặc của mình; người ta không bao giờ biết đấy là nụ vui hay buồn. “Vào đây, các con. Hãy sưởi ấm đôi tay bằng những hồi ức. Ach, thời kỳ tuyệt vời, khi chúng ta còn là cỏ đuôi ngựa và cá lóc — năm mươi, sáu mươi ngàn năm trước — Lạy Chúa, từ đấy đến nay, chúng ta sa ngã đến mực nào.”
Anh cầm tay Pat. “Nếu chúng ta không có chút ý thức về cái đẹp này — thì chúng ta đã tiêu đời.” Một cách tinh tế, bàn tay hộ pháp của anh đặt tay nàng lên cánh tay anh. “Ngôi sao bạc băng qua vực thẳm hun hút — cô có vui lòng uống một cốc rượu với người đàn ông vạn cổ này không?
Pat gật đầu. “Vâng,” nàng nói. “Bất kỳ điều gì anh thích.”
Hai người đi vào trong. Sóng đôi, Pat trông như con gái của Ferdinand — cô con gái mảnh dẽ, táo bạo và trẻ trung của một người khổng lồ mệt mỏi sót lại từ đời tiền sử.
Khoảng mười một giờ, chúng tôi ra về. Valentin và Ferdinand ngồi tắc xi, Valentin cầm lái. Những người còn lại đi trên Karl. Đêm ấm và Koster lái vào những xóm làng say ngủ bên đường, không một dấu hiệu của sự sống– ngoại trừ vài ngọn đèn và tiếng sủa của một con chó. Lenz ngồi trước với Otto, ca hát; Pat và tôi phục ở băng sau.
Koster lái rất cừ. Anh lượn ở những khúc quanh như chim, dễ dàng như trò chơi con trẻ. Anh không lái thô bạo như một số tay đua. Ta có thể ngủ say ở những góc chữ chi; ta không bao giờ phải chú ý đến tốc độ xe.
Chúng tôi lắng nghe tiếng bánh xe xiết trên mặt đường, thay đổi tùy theo loại. Đường tráng nhựa, như tiếng huýt sáo, đường lát đá, như tiếng sấm động. Đèn pha quét về phía trước như những con greyhounds bị kéo dãn, và bất ngờ trong đêm tối, hai hàng bạch dương run rẩy lá, một rặng dương, những cột điện tín trôi lướt, những ngôi nhà thấp lúp xúp và bờ rừng diễn hành đàng xa. Bao la trên đầu chúng tôi, với hàng triệu ngôi sao, dải ngân hà như sương lung linh, dài lướt thướt.
Xe chạy nhanh hơn. Tôi choàng mấy tấm áo khoác lên mình Pat. Nàng mỉm cười với tôi.
“Em yêu anh, thật không?” tôi hỏi
Nàng lắc đầu. “Còn anh?”
“Không. May quá, phải không?”
“Rất may.”
“Như thế, sẽ không có chuyện gì xảy ra với chúng ta, em nhỉ?”
“Không,” nàng trả lời và tìm tay tôi dưới những lần áo khoác.
Đường uốn một vòng cạnh hàng rầy xe lửa. Hàng rây sáng bóng. Đàng xa, một ánh đèn đỏ chập chờn. Karl hí lên và vọt tới. Đó là một con tàu tốc hành với toa ngủ và một toa ăn còn sáng đèn. Chúng tôi tuần tự bắt kịp con tàu. Từ cửa sổ, nhiều người vẫy tay. Chúng tôi không vẫy lại. Chúng tôi vượt qua. Tôi nhìn quanh. Con tàu nhả khói và những tia hoa lửa. Nó rùng rục chạy, đen ngòm trong đêm xanh. Chúng tôi đuổi kịp và qua mặt nó –nhưng chúng tôi lái về thành phố, về xe tắc xi, về xưởng sửa xe, và phòng cho thuê có trang bị bàn ghế; trong khi nó tiếp tục lướt qua những vạt rừng, những cánh đồng và sông ngòi, vào một chuyến viễn du đến những miền đất xa xôi và bát ngát hơn.
Đường phố, nhà cửa tiến gần. Karl trở nên dịu dàng, nhưng tiếng gầm của nó vẫn là tiếng của một con thú hoang. Koster không lái về nhà tôi hay nhà Pat, mà ngừng ở nghĩa trang gần đó, rõ ràng anh nghĩ, chúng tôi muốn được bên nhau. Chúng tôi xuống xe. Hai người kia phóng vèo ngay, không ngoái nhìn. Tôi liếc theo họ. Một cảm giác kỳ cục thoáng qua, rằng họ, bạn của tôi, đã bỏ đi và một mình tôi ở lại.
Tôi xua đuổi ý nghĩ ấy. “Này em,” tôi nói với Pat, đang quan sát tôi như thể nàng có linh tính một chuyện gì.
“Anh theo họ đi,” nàng nói.
“Không,” tôi nói.
“Anh muốn đi theo họ mà, mặc dù –“
“Ach, tại sao lại —” tôi nói, biết đấy là sự thật. “Thôi mà, em.”
Chúng tôi đi ngang qua nghĩa trang; chúng tôi vẫn còn một ít cảm giác bồng bềnh, say gió và xe.
“Bob,” Pat nói, “Em nghĩ, em nên về nhà em.”
“Sao thế?”
“Em không muốn anh phải từ bỏ một thứ gì bởi em.”
“Em nói gì thế?” tôi nói, “anh có từ bỏ điều gì đâu?”
“Bạn anh –“
“Anh không bỏ bạn bè. Ngày mai, việc đầu tiên trong ngày là anh gặp họ.”
“Nhưng, anh biết em muốn nói gì,” nàng nói. “trước đây, anh đi với họ thường xuyên hơn.”
“Vì lúc ấy chưa có em,” tôi trả lời và mở cửa.
Nàng lắc đầu. “Cái ấy lại khác.”
“Dĩ nhiên là khác, tạ ơn Chúa.”
Tôi bế nàng trên tay, đi qua hành lang về phòng mình.
“Anh cần có chiến hữu,” nàng nói, kề sát mặt tôi.
“Anh cũng cần có em,” tôi trả lời.
“Nhưng không nhiều lắm.”
“Rồi chúng ta sẽ thấy.”
Tôi đẩy cửa phòng và để nàng xuống. Nàng bám vào tôi. “Em chỉ là một chiến hữu tồi, Robby.”
“Hy vọng là thế,” tôi nói. “Tuy nhiên, anh không muốn một người đàn bà là chiến hữu của anh. Anh muốn nàng là người tình.”
“Em cũng không phải là người tình,” nàng thì thào.
“Vậy em là ai?”
“Chỉ là phân nửa, không trọn vẹn. Một mảnh vụn –“
“Như thế lại hay hơn cả,” tôi nói. “Sẽ khơi dậy trí tưởng tượng. Người ta mãi mãi yêu những người đàn bà ấy. Những người đàn bà hoàn hảo sớm gây nhàm chán. Những người cao sang, cũng thế. Còn những mảnh vụn đáng yêu, không bao giờ.”
Bốn giờ sáng. Tôi đưa Pat về nhà nàng và đang trên đường trở lại. Trời đã rạng đông. Thoảng đâu đây mùi hương ngày mới.
Tôi đi dọc theo nghĩa trang, qua khỏi quán Café International, về nhà. Cửa quán rượu của tài xế tắc xi cạnh Phòng Thương Mại mở ra và một cô gái xuất hiện. Một cái mũ be bé, một cái áo khoác đỏ, ngắn, cũ mòn, đôi ủng cao, da bóng — tôi sắp bước qua thì nhận ra cô ấy — “Lisa!”
“Anh đây rồi!” nàng nói.
“Em từ đâu đến?” tôi hỏi.
Nàng làm một cử chỉ. “Em đã đợi ở đây nãy giờ. Em nghĩ, anh sẽ đi qua. Anh thường trở về nhà vào giờ này, phải không?’
“Vâng, đúng thế.”
“Đi theo em nhé? ” nàng hỏi.
Tôi ngập ngừng. “Anh không thể.”
“Anh không cần trả tiền,” nàng vội vàng nói.
“Không phải vậy đâu,” tôi trả lời, không suy nghĩ. “Anh có tiền.”
“Ach, vậy ra,” nàng cay đắng nói, lui lại một bước.
Tôi cầm tay nàng. “Không, Lisa.”
Mảnh mai và xanh xao, nàng đứng trên con đường vắng, xám. Tôi quen với nàng từ nhiều năm trước, khi tôi sống trong nhục cảm và cô đơn, không ai chăm sóc, không tình yêu. Lúc đầu nàng đầy nghi ngại, như các cô gái làng chơi ấy; nhưng rồi, sau khi chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều lần, nàng phó thác tâm tư và quý mến tôi đến mức bệnh hoạn. Đây là một liên hệ kỳ lạ — đôi khi nhiều tuần liên tiếp, tôi không gặp nàng, rồi bất ngờ một hôm, nàng sẽ đứng ở đâu đó, chờ tôi. Dạo ấy, chúng tôi chẳng có ai hay thứ gì — vì thế, một chút ấm áp và bầu bạn mang nhiều ý nghĩa với chúng tôi hơn là ở những hoàn cảnh khác. Đã lâu, tôi không gặp nàng — từ khi tôi biết Pat, không một lần gặp lại.
“Thời gian vừa qua, em ở đâu, Lisa?”
Nàng nhún vai. “Có gì khác chăng? Em chỉ muốn gặp anh. Vậy, em nghĩ, em có thể cút đi, hẳn rồi.”
“Thế, công việc lúc này ra sao?”
“Đừng lo,” nàng nói. “Anh không cần bận tâm.”
Môi nàng rung rung. Trông nàng như người ốm đói lâu ngày.
“Anh sẽ đi với em một lúc,” tôi nói.
Gương mặt nghèo khổ, vô cảm, phong trần của nàng bừng sáng và gần như biến thành trẻ thơ. Trên đường đi, ở nhà tạm trú của tài xế tắc xi, tôi mua vài món ăn cho nàng. Lúc đầu, nàng không muốn và chỉ đồng ý khi tôi giải thích rằng tôi đang đói meo. Nhưng nàng để ý sao cho tôi không bị gạt và mua nhầm hàng kém phẩm chất. Nàng không chịu cho tôi mua nửa cân thịt muối;, nàng nói hơn một phần tư cân đủ rồi, nếu ta lấy thêm vài khoanh xúc xích nhỏ. Nhưng tôi nhất định mua đủ nửa cân thịt muối và hai hộp xúc xích.
Nàng sống ở một căn gác mái, phải tự sắm sửa vật dụng. Một cây đèn dầu đặt trên bàn, và cạnh giường là ngọn nến đựng trong lọ thủy tinh. Các tấm ảnh cắt từ nhật báo đính trên tường bằng kim. Trên mặt tủ áo, dăm ba cuốn tiểu thuyết trinh thám nằm chơ vơ bên cạnh một xấp hình khiêu dâm. Khách của nàng, đặc biệt những người có vợ, đôi khi thích xem chúng. Lisa lùa chúng vào ngăn kéo, và lấy ra một tấm khăn bàn đã cũ, nhưng sạch.
Tôi mở gói thức ăn. Trong khi ấy, Lisa cởi bỏ y phục. Đầu tiên là cái áo đầm, dù tôi biết rõ, đôi ủng mới là thứ làm nàng đau nhất; nàng phải đi bộ nhiều biết mấy. Nàng đứng đấy, trong đôi ủng da bóng cao tận gối và tấm áo lót đen.
“Anh thấy chân em ra sao?” nàng hỏi.
“Hạng nhất, như bao giờ.”
Nàng hài lòng và bấy giờ mới ngồi xuống giường, buông một tiếng thở dài nhẹ nhõm, cởi dây buộc giày. “Giá một trăm hai mươi marks,” nàng nói, cầm chúng dơ lên trước mặt tôi. “Và chúng hỏng, trước khi ta kiếm đủ tiền mua đôi khác.”
Nàng lấy từ tủ áo ra một chiếc kimono và một đôi hài gấm của thời vàng son đã bạc màu, và mỉm cười, tuồng như biết lỗi. Nàng muốn làm vui lòng tôi. Tôi chợt có một cảm giác nghẹn ngào, trên căn gác chật hẹp này, như thể có người thân vừa mất.
Chúng tôi ăn và tôi trò chuyện với nàng, mệt mỏi. Nhưng, vì tất cả những chuyện ấy, nàng nghĩ rằng có một điều gì đổi thay. Đôi mắt nàng hoảng sợ. Giữa chúng tôi chưa bao giờ có điều gì nhiều hơn là số phận đẩy đưa. Nhưng có lẽ chuyện ấy lại càng làm nặng nợ thêm và ràng buộc chúng tôi chặt chẽ hơn những việc khác.
“Anh ra về đấy à?” nàng hỏi, khi tôi đứng lên — như thể nàng lo lắng.
“Anh có một cái hẹn.”
Nàng nhìn tôi. “Muộn thế cơ?”
“Việc làm ăn. Rất quan trọng với anh, Lisa. Một người anh cần phải gặp. Tại Astoria, thường thường vào giờ này.”
Không một người đàn bà nào nhạy cảm cho bằng Lisa trong vấn đề này. Nhưng chẳng có ai khó bị lừa dối như nàng. Gương mặt Lisa rỗng tuếch.
“Anh có người đàn bà khác.”
“Nhưng Lisa — chúng ta rất hiếm khi gặp nhau — đã gần một năm nay — em phải hiểu –“
“Không, em không có ý nói thế. Anh đã gặp một người mà anh yêu. Anh thay đổi hẳn. Em có thể cảm thấy điều ấy.”
“Ach, — Lisa”
“Vâng, vâng. Thú nhận đi.”
“Anh cũng không hiểu anh lắm, Lisa. Có lẽ –“
Nàng đứng một lúc. Rồi gật đầu: “Vâng — vâng — dĩ nhiên –Và em ngu quá –thật tình chúng ta chẳng có gì với nhau –” Nàng lướt bàn tay trên trán. “Em không biết tại sao em lại…”
Tấm thân mảnh dẽ đứng trước tôi, khao khát và ẻo lả. Đôi hài gấm — áo kimono — những đêm dài quạnh hiu — kỷ niệm…”
“Au revoir, Lisa…”
“Anh về sao? Anh không ở lại đây thêm chút nữa? Anh về thật ư?”
Tôi hiểu nàng muốn nói gì. Nhưng tôi không thể. Đặc biệt vô cùng, nhưng tôi không thể, và tôi cảm nhận tường tận việc ấy. Chưa bao giờ cảm thấy như thế. Tôi không hề có một khái niệm cường điệu nào về lòng chung thủy. Nhưng chỉ giản dị là không thể nào được nữa. Bỗng nhiên tôi cảm thấy tôi đã tiến xa biết mấy.
Nàng đứng ở ngạch cửa. “Anh về đấy ư?” Nàng chạy vào trong. “Đây, em biết anh để tiền lại cho em — dưới tờ báo. Em không cần tiền. Đấy — đấy — vâng, cứ đi thôi –“
“Anh phải đi, Lisa.”
“Anh đừng bao giờ trở lại.”
“Ô, anh sẽ trở lại, Lisa.”
“Không, không, anh sẽ không bao giờ trở lại, em biết. Và anh đừng trở lại. Nhưng đi, đi ngay đi –“
Nàng khóc. Tôi bước xuống cầu thang và không nhìn lại.
Tôi đi thật lâu trên đường phố. Một đêm kỳ lạ. Tôi vẫn tỉnh táo và không thể ngủ. Tôi đi ngang quán International, nhớ về Lisa và những năm đã trôi qua, về những thứ tôi đã quên; nhưng dường như chúng quá xa vời và không thuộc về tôi nữa. Rồi tôi lang thang đến con đường của nhà Pat. Gió thổi mạnh hơn, tất cả cửa sổ ngôi nhà của nàng chìm trong bóng tối, bình minh lần mò bước chân xám qua những khung cửa; và cuối cùng, tôi trở về nhà.
Lạy Chúa, tôi nghĩ, tôi tin rằng tôi hạnh phúc.