Hai tuần sau, Pat đã hồi phục đến mức chúng tôi có thể lên đường. Chúng tôi đóng gói hành lý, sẳn sàng chờ Gottfried Lenz. Anh sẽ lái xe về. Còn Pat và tôi, đi bằng xe lửa.
Hôm ấy là một ngày ấm, trắng đục màu sữa. Mây như những cuộn bông nõn bất động trên bầu trời, không khí nóng rung rinh trên những đụn cát và biển nhác lười nằm dưới lớp hơi mù óng ánh.
Gottfried đến, sau bửa ăn trưa. Tôi thấy từ xa, mái tóc của anh vàng óng trên bờ dậu. Cho đến lúc anh rẽ vào con đường dẫn đến biệt thự của Fraulein Muller, tôi mới nhận ra rằng không phải chỉ có một mình anh — đàng sau anh là hình mẫu thu nhỏ của một tay đua, với cái nón kẻ ô lùm xùm đội ngược, cặp kính chắn bụi to đùng, bộ áo liền quần trắng và đôi tai ngoại khổ, bóng và đỏ rực như hồng ngọc.
“Nón của tôi, nhưng lại là Jupp!” tôi nói, sững sờ.
“Chính là cháu, Herr Lohkamp!” Jupp đáp, cười toe toét.
“Và trang phục đua xe! Để làm gì?”
“Cậu chưa bao giờ thấy ai ăn mặc như thế sao?” Lenz vui vẻ nói, bắt tay tôi. “Thằng bé đang học lái xe đua. Tớ đã dạy nó tám hôm rồi. Bửa nay nó nài nỉ xin theo. Đây là cơ hội tốt để tập lái đường xa.”
“Cháu sẽ phá kỷ lục, Herr Lohkamp,” Judd hớn hở nói.
“Và cách nó sẽ phá kỷ lục!” Gottfried cười nhạo. “Tớ chưa bao giờ thấy ai cuồng như nó. Ngay bài học đầu tiên, nó đã cố qua mặt một chiếc Mercedes-Compressor bằng cái taxi cà khổ của chúng ta. Thằng quỷ sứ!”
Jupp sung sướng đến toát mồ hôi và nhìn Lenz, ngưỡng mộ.
“Cháu cứ tưởng mình có thể ăn đứt thằng cha cà chớn ấy, Herr Lenz. Cháu định sẽ qua mặt nó ở khúc quanh, như là Herr Koster.”
Tôi không nhịn được cười. “Cháu khởi sự như vậy là khá rồi, Jupp.”
Gottfried nhìn học trò của mình, hãnh diện như một ông bố. “Trước hết, chộp mớ hành lý kia và đem ra nhà ga.”
“Cháu tự lái?” Jupp gần như nổ tung lên vì kích động. “Cháu được lái ra nhà ga, Herr Lenz?”
Gottfried gật đầu và Jupp chạy ù vào nhà.
Chúng tôi chất hành lý lên mui. Rồi chúng tôi đưa Pat vào xe và lái ra nhà ga. Chúng tôi đến nơi, sớm mười lăm phút. Sân ga vắng ngắt, chỉ có vài lon sửa bò nằm lăn lóc.
“Cháu nên khởi hành ngay thì hơn,” tôi nói. “Nếu không, chẳng biết khi nào mới về đến nhà.”
Jupp ngồi trước tay lái, nhìn tôi, phật ý ra mặt.
“Cháu không thích những câu nói như thế, hả?” Lenz hỏi nó.
Jupp ngồi thẳng lên. “Cháu đã tính đâu vào đấy cả rồi, Herr Lohkamp,” thằng bé nói, trách móc. “Bọn cháu dư sức có mặt ở xưởng sửa xe trước tám giờ.”
“Được lắm,” Lenz vỗ vai thằng bé. “Cá với chú Lohkamp đi. Một chai nước suối.”
“Không chơi nước suối,” Jupp trả lời, “nhưng cháu sẳn sàng cá một gói thuốc lá.”
Thằng bé nhìn tôi đầy thách thức.
“Thế cháu đã biết rằng đường đi rất xấu, phải không?” tôi hỏi.
“Đã ước lượng rồi, Herr Lohkamp.”
“Những khúc quanh gắt, cháu cũng có nghĩ đến rồi chứ?”
“Khúc quanh gắt chẳng có nghĩa gì với cháu. Cháu chẳng dễ bị mất tinh thần.”
“Tốt lắm, Jupp,” tôi nói. “Vậy chú bằng lòng đánh cá. Nhưng Herr Lenz không được lái dùm đâu.”
Lenz đặt tay lên tim. “Hứa danh dự.”
“Giỏi lắm, giỏi lắm. Nhưng, trên tay cháu có cái gì thế?”
“Đồng hồ bấm giờ của cháu. Cháu sẽ canh giờ. Chỉ là muốn biết cái xe trượt tuyết này có khả năng ra sao.”
Lenz nhăn răng cười. “Vâng, cậu ơi. Jupp đã võ trang đầy mình. Tớ dám nói là từng ống xy- lanh của chiếc Citroen thân thương đang run rẩy đợi chờ.”
Jupp phe lờ đi lời nói châm chọc. Nó bồn chồn nắm, rứt vành mũ. “Vậy chúng ta khởi hành chứ, Herr Lenz? Mình có đánh cá mà.”
“Dĩ nhiên, cái máy nén bé con. Au revoir, Pat. Gặp lại cậu sau nhé, Bob.” Gottfried nhảy phóc vào xe. “Nào, Jupp, cháu hãy cho tiểu thư xem, một hiệp sĩ và quản trị gia thế giới trong tương lai khởi hành như thế nào.”
Jupp kéo cặp kính chắn bụi xuống mắt, vẫy tay như dân kỳ cựu, và gài số một, từ lề khéo léo lao vút ra đường.
Trong một lúc, Pat và tôi ngồi ở hàng ghế đầu ở nhà ga. Ánh nắng chói chang, trắng xóa trên bức tường gỗ ngăn sân ga. Có mùi nhựa cây và muối. Pat ngã đầu ra sau và nhắm mắt. Nàng ngồi im phăng phắc, mặt nghiêng về phía mặt trời.
“Em mệt đấy à?” tôi hỏi.
Nàng lắc đầu. “Không, Robby.”
“Tàu đến rồi,” tôi nói.
Đầu máy xình xịch chạy đến, đen, nhỏ và bơ vơ giữa trời đất hoang vu, run rẩy. Chúng tôi lên tàu. Tàu vắng, gần như không có ai. Tàu hì hục khởi chạy. Khói từ đầu máy bốc lên, đen, cuồn cuộn trong không khí. Phong cảnh chầm chậm lùi ra sau — thôn làng với những ngôi nhà lợp lá nâu, những cánh đồng cỏ tha thẩn bò và ngựa, cánh rừng, và rồi, an bình và ngủ ngoan trong cái hốc trống phía sau những đụn cát, căn nhà của Fraulein Muller.
“Fraulein Muller kia kìa,” Pat nói.
“Vâng, đúng thế.”
Bà đứng trước cửa nhà, vẫy tay từ biệt. Pat rút khăn tay ra, để gió thổi phất phơ bên cửa sổ.
“Bà ấy không thấy đâu,” tôi nói, “nó nhỏ và mỏng quá. Đây, lấy khăn của anh.”
Nàng cầm khăn của tôi và vẫy vẫy. Fraulein Mulleer vẫy lại, cuồng nhiệt.
Con tàu dần dần chạy đến vùng quê bát ngát. Nhà cửa biến mất và những đồi cát bỏ lại phía sau. Bên ngoài dãy rừng đen, biển thỉnh thoảng lại hiện ra nhìn — cái liếc mắt canh thức mỏi mòn. Rồi đến màu lục vàng óng, êm ả của cánh đồng và những tai bắp rập rờn uốn theo làn gió nhẹ tận chân trời.
Pat đưa trả tôi chiếc khăn tay, rồi thu mình trong góc. Tôi đóng cửa sổ. Đã qua rồi, tôi nghĩ, cám ơn Chúa, đã qua rồi. Chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ bất hạnh.
Khi chúng tôi về đến thành phố, đã gần sáu giờ. Tôi đón tắc xi và chất hành lý lên xe. Rồi chúng tôi về nhà Pat.
“Anh có lên không?” nàng hỏi.
“Dĩ nhiên.”
Tôi đưa nàng lên, rồi trở xuống lấy hành lý cùng với người tài xế. Khi tôi quay lại, Pat vẫn còn ở tiền sảnh. Nàng đang trò chuyện với Trung Tá Hake và vợ.
Chúng tôi bước vào phòng nàng. Bên ngoài, chiều xuống nhưng trời vẫn sáng. Trên bàn là một lọ thủy tinh với hoa hồng đỏ nhạt. Pat đến bên cửa sổ, nhìn ra. Rồi nàng quay lại, “Chúng mình đã vắng nhà bao lâu rồi, Robby?”
“Đúng mười tám ngày.”
“Mười tám ngày. Dường như lâu hơn thế.”
“Anh cũng nghĩ vậy. Nhưng khi vừa xong, lúc nào ta cũng cảm thấy như thế.”
Nàng lắc đầu. “Em không có ý đó.”
Nàng mở cửa, bước ra bao lơn. Một cái ghế xếp dài trắng, thứ đặt trong vườn, dựa vào vách. Nàng kéo nó ra, im lặng nhìn.
Khi trở vào phòng, nét mặt của nàng đã thay đổi và đôi mắt buồn hiu hắt.
“Ngắm hoa hồng đi em,” tôi nói. “Của Koster tặng. Thiệp của anh ấy để kế bên.”
Nàng cầm tấm thiệp lên, rồi lại bỏ xuống. Nàng nhìn hoa hồng, nhưng tôi có thể nói, nàng không chú ý tới chúng một mảy may. Tâm trí của nàng vẫn còn vương vấn tới cái ghế dài trắng. Nàng tưởng mình đã thoát khỏi, và giờ đây, một lần nữa, có lẽ nó sẽ lại là một phần của đời nàng.
Tôi để yên, không nói thêm câu nào. Cố gắng làm cho nàng nghĩ đến chuyện khác cũng chẳng ích gì. Nàng sẽ phải đối diện với nó, và tốt nhất hãy để cho việc ấy xảy ra lúc này, khi tôi còn ở đây. Người ta có thể trì hoản bằng lời nói; nhưng chẳng sớm thì muộn, nó sẽ trở lại, và có lẽ còn tai hại hơn.
Nàng đứng cạnh bàn, hơi cúi mặt, tay đặt trên bàn. Rồi nàng ngẫng lên, nhìn tôi. Tôi không nói gì. Nàng chậm rãi bước quanh bàn, rồi đặt hai tay lên vai tôi.
“Em thương,” tôi nói.
Nàng tựa vào tôi. Tôi ôm chặt nàng. “Bây giờ chúng ta sẽ giải quyết vấn đề, hở em?”
Nàng gật đầu. Rồi nàng vuốt mái tóc ra sau. “Chỉ là trong giây phút mà thôi, Robby.”
“Anh biết.”
Có tiếng gỏ cửa. Cô hầu gái đẩy xe trà vào. “Tốt lắm,” Pat nói.
“Em uống trà nhé?” tôi hỏi.
“Không, cà phê. Ngon và thật đậm.”
Tôi ở lại nửa giờ. Rồi nàng thấm mệt; tôi nhận ra điều ấy trong mắt nàng.
“Em cần ngủ một giấc ngắn,” tôi nói.
“Còn anh?’
“Anh sẽ về và cũng đánh một giấc. Trong hai giờ, anh sẽ tới, đưa em đi ăn.”
“Anh mệt sao?” nàng hỏi, nghi ngờ.
“Vâng, một tị thôi. Trên tàu nóng quá. Và sau đó, anh còn phải đến xưởng sửa xe.”
Nàng không hỏi câu nào nữa. Nàng mệt nhoài và suy sụp. Tôi đưa nàng lên giường, đắp chân thật chu đáo. Nàng thiếp đi tức thì. Tôi đặt bình hoa hồng gần bên và tấm thiệp của Koster cạnh đó, để khi tỉnh dậy, nàng có một cái gì để mà nghĩ đến. Rồi tôi ra về.
Trên đường đi, tôi ngừng lại ở buồng điện thoại công cộng. Tôi quyết định gọi giáo sư Jaffé. Gọi từ nhà sẽ khó khăn, vì toàn thể nhà trọ sẽ lắng nghe.
Tôi nhắc máy, xin số của bệnh viện. Một lúc sau, Jaffé đến ở đầu dây bên kia.
“Lohkamp đây,” tôi hắng giọng, nói. “Hôm nay chúng tôi đã về đến nhà. Được hơn một giờ.”
“Cậu đi bằng xe hơi?” Jaffé hỏi.
“Không, bằng xe lửa.”
“Thế à, tình hình ra sao?”
“Cũng ổn,” tôi nói.
Ông suy nghĩ một lúc. “Tôi muốn ngày mai khám bệnh cho Fraulein Hollmann. Xem nào, lúc mười một giờ. Cậu làm ơn nói cho cô ấy nhé.”
“Không được,” tôi nói. “Tôi không muốn cô ấy biết tôi đã liên lạc với giáo sư. Ngày mai, chắc chắn cô ấy sẽ gọi. Có lẽ, lúc đó giáo sư nói với cô ấy thì tốt hơn.”
“Được rồi, tôi sẽ nói.”
Một cách máy móc, tôi xê dịch quyển niên giám điện thoại dầy cộp, bẩn thỉu. Nó nằm trên một bục gỗ nhỏ. Các số điện thoại ghị bằng bút chì, chằng chịt trên vách.
“Vậy tôi có thể gặp giáo sư chiều mai?” tôi hỏi.
Jaffé không trả lời.
“Tôi muốn biết bệnh tình của cô ấy,” tôi nói.
“Chiều mai, không thể được.” Jaffé đáp. “Tôi cần phải quan sát cô ấy ít nhất một tuần. Khi ấy tôi sẽ nói cho cậu biết.”
“Cám ơn giáo sư.” Tôi chăm chú nhìn cái bục gỗ trước mặt. Một người nào đó đã vẽ lăng nhăng một bức hình trên ấy. Hình một cô gái béo tròn với cái nón rơm to tướng. Bên dưới có chua dòng chữ, Ella là con dê. “Trong thời gian này, cô ấy có cần làm gì đặc biệt không ạ?” tôi hỏi.
“Ngày mai tôi mới biết. Nhưng tôi tưởng, cô ấy được người ở nhà trọ cô ấy chăm chút cẩn thận mà.”
“Tôi không rõ. Tôi nghe nói họ định đi xa một tuần. Lúc đó, ngoài người tớ gái ra, chỉ còn có một mình cô ấy.”
“Vậy sao? Thôi được, ngày mai tôi sẽ bàn với cô ấy.”
Tôi lại đẩy quyển niên giám điện thoại che đi bức vẽ trên bục gỗ. “Giáo sư có nghĩ rằng cô ấy — sẽ bị xuất huyết, giống như lần trước?”
Jaffé ngần ngừ một thoáng. “Dĩ nhiên, chuyện ấy có thể xảy ra,” ông nói, “tuy nhiên, khả năng không cao lắm. Tôi chỉ có thể nói cho cậu biết, sau khi khám kỹ. Tôi sẽ gọi điện cho cậu sau.”
“Cám ơn, giáo sư.”
Tôi gác ống nghe. Bên ngoài buồng điện thoại, tôi đứng tần ngần một lúc trên phố. Đường xá bụi bậm và ngột ngạt. Rồi tôi trở về nhà.
Tôi gặp Frau Zalewski ở cửa. Từ phòng Frau Bender, bà phóng ra, nhanh như một viên đạn đại bác. Khi nhìn thấy tôi, bà dừng lại.
“Sao thế? Về rồi đấy à?”
“Như bác thấy. Thời gian vừa qua có chuyện gì lạ không ạ?”
“Không có chuyện nào dính dáng tới cậu. Cũng không có thư từ. Nhưng Frau Bender đã dọn ra.”
“Thật ư? Tại sao?”
Frau Zalewski chống hai tay lên hông. “Tại vì thế giới đầy dẫy những tên lưu manh. Chị ấy đã dọn đến viện tế bần Cơ đốc. Với con mèo và hai mươi sáu marks.”
Bà giải thích rằng nhà nuôi trẻ mồ côi, nơi Frau Bender là y tá cho lũ trẻ, đã bất thần đóng cửa. Giám đốc phạm những sai lầm trong việc đầu tư chứng khoán. Frau Bender bị sa thải và bị quỵt mất hai tháng lương còn thiếu.
“Bà ấy kiếm được việc làm mới chưa?” tôi hỏi mà không suy nghĩ.
Frau Zalewski chỉ nhìn tôi.
“Không, không, dĩ nhiên là chưa,” tôi nói.
“Tôi có bảo chị ấy rằng, chị cứ ở đây nếu muốn. Tiền nhà để thư thả rồi trả cũng được. Thế nhưng chị ấy không chịu.”
“Người nghèo thường chân thật,” tôi nói. “Vậy ai sẽ dọn vào phòng của bà ấy?”
“Gia đình Hasse. Rẻ hơn căn phòng mà họ đang ở lâu nay.”
“Còn phòng của gia đình Hasse thì sao?”
Bà nhún vai. “Đành phải chờ xem. Bác không hy vọng là sẽ có khách thuê.”
“Chừng nào phòng ấy trống?”
“Ngày mai. Gia đình Hasse đang dọn.”
“Tiền thuê phòng, bác nói thật đi, bao nhiêu?” tôi hỏi. Một ý tưởng vừa bất thần nảy ra trong đầu tôi.
“Bẩy mươi marks.”
“Đắt quá,” tôi nói, tỉnh ngủ hẳn.
“Có cà phê, hai ổ bánh mì nhỏ, và rất nhiều bơ mỗi sáng mà đắt đỏ ư?”
“Bác nói đúng. Nhưng nếu không uống cà phê sáng thứ sáu — năm mươi marks, không hơn một xu, được không?”
“Cậu định thuê phòng ấy?” Frau Zalewski hỏi.
“Có lẽ.”
Tôi đi về căn phòng tồi tàn của mình và nghĩ mãi tới cánh cửa thông qua phòng của gia đình Hasse. Không, đó không phải là một ý nghĩ hạnh phúc.
Nhưng sau một lúc, tôi lại đổi ý và gõ cửa.
Frau Hasse có ở nhà. Trong gian phòng đã trống gần nửa, bà ngồi trước gương, đội mũ, và tô phấn.
Tôi chào bà, vừa nhìn quanh. Phòng rộng hơn tôi nghĩ. Một số bàn ghế đã được dọn đi khiến ta có thể nhận ra điều đó. Thảm trải sàn đơn giản, sáng sủa và tương đối còn mới, cửa ra vào và cửa sổ vừa được sơn phết, ban công khá rộng và đẹp.
“Chắc cháu đã biết ông ấy đối xử với bác ra sao rồi,” Frau Hasse nói.”Bác phải dọn qua phòng của mụ ấy. Có nhục không chứ?”
“Nhục?” tôi hỏi.
“Vâng, nhục nhã,” bà xổ một tràng. “Cháu biết là bác không ưa con mụ ấy, thế mà Hasse bắt bác phải dọn qua phòng của mụ ấy, không ban công, và có độc một cửa sổ. Chỉ vì tiền phòng rẻ hơn một chút! Thử nghĩ xem, mụ ấy, đang ở viện tế bần Cơ Đốc, sẽ đắc ý biết bao.”
“Cháu không cho là bà ấy đang đắc ý.”
“Dĩ nhiên, mụ ấy, y tá dởm của trẻ con, đang hí hửng! Cháu phải biết, người lù đù vác cái lu mà chạy! Lại còn ở sát vách với cái con ngựa Erna Bonig! Và mùi mèo hôi thối!”
Tôi ngượng ngập nhìn lên. “Nhưng mèo là những con vật rất xinh đẹp và sạch sẽ,” tôi nói. “Ngoài ra, cháu vừa mới vào xem phòng ấy. Có hôi mèo đâu nào.”
“Thế à?” Frau Hasse tức giận trả lời tôi, lấy tay sửa lại mũ. “Dĩ nhiên, chuyện đó còn tùy vào thính giác của từng người. Nhưng bác sẽ không mó tay vào. Ông ấy cứ việc còng lưng khuân đồ đạc qua bên ấy. Bác đi đây. Bác muốn nói là, ít nhất, ra khỏi cuộc đời khổ như chó này.”
Bà đứng lên. Gương mặt với làn da sần sùi rung lên vì giận dữ đến đỗi bụi phấn rơi lả tả như mưa phùn. Tôi thấy bà đã tô đôi môi đỏ chót như máu, và ăn vận như sẳn sàng để giết. Bà thơm lừng như một xưởng nước hoa, khi lướt khỏi phòng.
Tôi ngơ ngẫn nhìn. Rồi tôi xem xét căn phòng một lần nữa. Tôi thử đoán bàn ghế của Pat sẽ sắp xếp ra sao. Nhưng tôi đành chịu. Pat ở đây, luôn luôn ở đây, bên tôi… tôi không thể hình dung được. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ có ý kiến ấy, nếu như nàng vẫn khỏe mạnh. Tuy nhiên… Tôi mở cửa và bước ra ban công. Nhưng rồi tôi lắc đầu và quay trở lại phòng mình.
Nàng vẫn còn ngủ khi tôi bước vào. Tôi rón rén ngồi xuống cái ghế bành bên cạnh giường, nhưng nàng mở mắt ngay tức thì.
“Xin lỗi đã đánh thức em,” tôi nói.
“Anh ở đây từ nãy giờ?” nàng hỏi.
“Không. Anh mới trở lại.”
Nàng vươn tay và ấp má vào tay tôi. “Tốt. Em không thích người ta nhìn em ngủ.”
“Anh hiểu. Anh cũng không thích như vậy. Anh không muốn nhìn em ngủ. Anh chỉ không muốn đánh thức em. Em có muốn chợp mắt thêm một chút nữa?”
“Không, em ngủ đủ rồi. Em dậy liền bây giờ.”
Tôi đi qua phòng bên cạnh, trong khi nàng thay áo. Bên ngoài trời tối dần. Ở cửa sổ phòng đối diện, một cái máy hát đang ong ỏng phát bài Hành khúc Hohenfriedberg. Một gã đầu hói, mang cặp dây đeo quần, lúi húi bên máy hát. Rồi hắn đi tới đi lui, tập thể dục kiểu Thụy Điển theo điệu nhạc. Cái đầu trọc láng bóng nổi trên nền tối lờ mờ như một vầng trăng bực tức. Tôi nhìn hắn, vô cảm giác. Tôi cảm thấy chán nản và u sầu.
Pat bước vào. Trông nàng xinh đẹp, tươi tắn, không một chút mệt mỏi.
“Em đẹp lộng lẫy,” tôi ngạc nhiên nói.
“Em cũng thấy khỏe, Robby. Như thể em đã có nguyên một đêm an giấc. Em hồi phục rất nhanh.”
“Vâng, trời ạ. Nhanh đến nỗi người ta theo không kịp.”
Nàng dựa vào vai tôi và ngước lên. “Nhanh lắm sao, Robby?”
“Không. Chỉ là anh quá chậm. Anh thường hơi chậm chạp, Pat ạ.”
Nàng mỉm cười. “Chậm thì chắc. Và chắc thì tốt.”
“Chắc như nút bần trên nước.”
Nàng lắc đầu. “Anh vững chắc nhiều hơn anh tưởng. Trên thực tế, anh hoàn toàn khác với những gì anh nghĩ. Hiếm khi nào em gặp một người có nhiều nhận định sai lầm về bản thân như anh.”
Tôi bỏ tay khỏi vai nàng.
“Vâng, anh yêu,” nàng nói, gật đầu. “Quả tình là thế. Còn bây giờ, mình đi kiếm món gì ăn nhé.”
“Chúng ta nên đi đâu?” tôi hỏi.
“Quán của Alfons. Em phải ghé lại. Em có cảm giác như mình đã đi vắng từ muôn kiếp.”
“Tốt,” tôi nói. “Nhưng em có đói bụng không? Em không thể đến quán Alfons nếu em không đói. Anh ấy sẽ tống cổ em ra khỏi quán.”
Nàng cười to. “Nhưng em đang đói khủng khiếp.”
“Vậy mình đi thôi.” Bỗng nhiên, tôi rất vui.
Vào quán của Alfons, chúng tôi được đón tiếp hậu hĩnh. Anh chào chúng tôi rồi biến mất ngay và sau đó trở lại, ngột ngạt trong chiếc áo cổ cồn cứng nhắc và cái cà vạt đốm xanh lục. Vị tất anh đã ăn vận như thế với Hoàng đế nước Phổ. Anh lại có vẻ ngượng ngập vì sự suy thoái chưa từng thấy này.
“Alfons, có món nào ngon không ạ?” Pat hỏi, tựa khủy tay trên mặt bàn.
Alfons cười khì, chúm môi lại và nheo mắt. “Cô may mắn đấy. Hôm nay có món cua hấp.”
Anh lùi một bước để quan sát hiệu quả. Hiệu quả hạng nhất.
“Dọn kèm với rượu vang mới cất Moselle,” anh khẻ nói, vui thích, lùi thêm một bước nữa.
Một tràng pháo tay tán thưởng — đặc biệt từ cửa, nơi mà cùng với mái tóc vàng hoang dại và cái chóp mủi rám nắng, xuất hiện gương mặt tươi cười của chàng trai lãng mạn cuối cùng.
“Gottfried!” Alfons reo lên. “Cậu? Chính cậu đấy ư? Trời ơi, ngày vui quá! Đến đây cho tớ ôm một cái!”
“Em sắp chứng kiến một cảnh tượng,” tôi nói với Pat.
Hai người lao vào vòng tay nhau. Alfons vỗ thùm thụp lên lưng Lenz như có một lò rèn kéo bễ ở cạnh quán. “Hans,” anh kêu người hầu bàn, “đem chai Napoleon ra.”
Anh lôi Gottfried tới quầy. Anh bồi mang đến một chai lớn, vỏ còn đóng bụi. Alfons rót rượu ra hai ly.
“Pros’t, Gottfried, con lợn quay già dịch.”
“Pros’t, Alfons, lão cai tù tốt bụng.”
Hai người ực một hớp, cạn ly.
“Hạng nhất,” Gottfried khen. “Loại cognac dành cho thánh mẫu.”
“Đáng tiếc chúng ta đã nuốt trộng như thế,” Alfons nói. “Nhưng làm sao có thể uống chậm khi ta quá sung sướng. Làm thêm một ly nữa, nào.”
Anh rót thêm và nâng cốc. “Nè cậu, tên cà chua vô tín ngưỡng.”
Lenz cười to. “Alfons thân quý của tớ.”
Mắt Alfons ươn ướt. “Một lần nữa, Gottfried,” anh nói, cảm động.
“Tới luôn bác tài.” Lenz chìa ly của anh ra. “Tớ chỉ nói Không với cognac, khi nào tớ lăn kềnh không ngóc đầu lên nỗi mà thôi.”
“Nói như thế mới là sành điệu.” Alfons rót thêm ly thứ ba.
Lenz đi đến bàn, còn thở gấp. Anh lấy đồng hồ ra. “Về đến ga ra với chiếc Citroen lúc tám giờ kém mười. Cậu nghĩ sao?”
“Đạt kỷ lục,” Pat trả lời. “Hoan hô Jupp! Em sẽ đích thân trao cho chú ấy một hộp thuốc lá.”
“Còn cậu, có phần cua làm thêm cho cậu,” Alfons, bám sát Gottfried, nói. Anh đưa mỗi người một thứ gì giống như khăn trải bàn. “Các cậu cởi áo lớn ra, cột khăn vào. Tiểu thư bằng lòng cho chúng tôi làm như vậy không?”
“Em cũng thấy cần phải làm như thế,” Pat nói.
Alfons gật đầu, hài lòng. “Cô là một phụ nữ hợp tình hợp lý, tôi biết. Ta phải thưởng thức món cua thoải mái. Không sợ vấy bẩn quần áo.” Ông tươi cười. “Dĩ nhiên, cô sẽ có một thứ còn hay hơn thế nữa.”
Người hầu bàn, Hans, đem ra một cái tạp dề của đầu bếp, trắng tinh như tuyết. Alfons tháo ra, giúp nàng choàng vào. “Hợp với cô lắm,” anh khen.
“Thế mới đúng,” nàng trả lời, cười to.
“Tôi vui vì cô thích nó,” Alfons thân ái nói.”Làm ấm áp cõi lòng.”
“Alfons!” Goffried thắt tấm khăn quanh cổ, để các góc khăn chìa ra. “Tớ phải nói, hiện thời chỗ này trông không khác gì một tiệm cắt tóc.”
“Chúng ta sẽ thay đổi ngay. Nhưng, một ít nghệ thuật trước đã.”
Alfons đến cạnh máy quay dĩa, và lập tức bài Pilgrims’ Chorus của Tannhauser vang lên. Chúng tôi im lặng lắng nghe.
Bài ca chưa dứt hẳn thì cửa nhà bếp đã mở và người bồi bàn, Hans, bước ra với một cái chậu to như cái thau tắm em bé. Chậu đựng đầy cua hấp, nghi ngút khói. Vừa ho, anh ta vừa đặt chậu cua lên bàn.
“Lấy dùm tôi một cái khăn ăn nữa, nhé,” Alfons nói.
“Bạn cũng ăn với chúng tôi hay sao?” Lenz kêu lên. “Hân hạnh quá.”
“Nếu tiểu thư không phản đối?”
“Trái lại là khác, Alfons.”
Pat nhích ghế qua và anh ngồi xuống bên cạnh.
“Cô cứ tự nhiên,” anh nói, như xin lỗi. “Thực ra tôi có thể bóc vỏ cua sẳn dùm cô. Phụ nữ phải bóc vỏ cua thì hơi cực đấy.”
Anh thò tay vào chậu, nhanh nhẹn bóc vỏ và bẻ cua ra cho nàng. Bàn tay thô to của anh lại khéo léo và lịch lãm đến nỗi nàng chẳng phải làm gì, ngoại trừ thưởng thức những miếng thịt cua xiên sẳn trên cái nĩa anh đưa ra.
“Ngon không?” anh hỏi.
“Ngon tuyệt.” Nàng nâng ly rượu. “Chúc sức khỏe anh, Alfons.”
Alfons vui vẻ chạm cốc với nàng rồi chầm chậm uống. Tôi nhìn nàng. Tôi ước phải chi đó là một thức uống khác, không chứa rượu.
Nàng cảm thấy cái nhìn của tôi. “Salut, Bob,” nàng nói.
Nàng đẹp, rạng ngời hạnh phúc.
“Salut, Pat,” tôi nói, và uống cạn ly.
“Nơi đây đáng yêu quá, phải không?” Nàng hỏi, nhìn tôi một lần nữa.
“Quá đáng yêu.” Tôi rót rượu thêm cho mình. “Pros’t, Pat!”
Mặt nàng thoáng ửng hồng. “Pros’t, Bob; Pros’t, Gottfried!”
Chúng tôi uống. “Rượu ngon,” Lenz nói.
“Graacher Abtsberg mùa năm trước,” Alfons giải thích. “Mình hài lòng là cậu nhận ra.”
Anh kéo con cua thứ nhì từ trong chậu, đưa cho Pat cái càng cua đã lột.
Nàng từ chối. “Anh phải ăn đi chứ, Alfons. Không thôi, anh chẳng còn gì để ăn đâu.”
“Anh sẽ ăn sau. Anh bóc vỏ cua nhanh hơn họ nhiều.”
“Tốt lắm.” Nàng nhận cái càng cua. Alfons hân hoan ra mặt và bóc thêm nữa. Anh như một con cú già bự xự, chăm chút mớm thức ăn cho một con chim trắng bé bỏng mới ra ràng.
Để kết thúc, chúng tôi uống thêm một lượt Napoleon và từ biệt Alfons. Pat rất hạnh phúc.
“Tuyệt vời,” nàng nói. “Cám ơn anh Alfons. Thật tuyệt vời.” Nàng chìa tay ra cho Alfons.
Alfons lẩm bẩm gì đó và hôn tay nàng. Mắt của Lenz như sắp rớt ra, vì kinh ngạc. “Sớm quay lại đây nhé,” Alfons nói. “Cả cậu nữa, Gottfried.”
Chiếc Citroen nhỏ bé, lạc loài đậu bên ngoài, dưới ngọn đèn đường.
“Ô,” Pat kêu lên, đứng chựng lại. Một thoáng co giật lướt qua trên mặt nàng.
“Sau thành tích biểu diễn của nó hôm nay, tôi đã đặt cho nó cái tên cúng cơm là Hercules,” Gottfried vừa nói, vừa mở cửa xe. “Tôi có thể đưa cô về không?”
“Không ạ,” Pat nói.
“Tôi cũng nghĩ thế. Vậy chúng ta đi đâu?”
“Ta đi quán ‘The Bar’ không, vậy Bob?” Nàng quay sang tôi.
“Tất nhiên,” tôi nói; “tất nhiên chúng ta sẽ đi quán ‘The Bar’.”
Chúng tôi lái thật chậm trên đường phố. Trời ấm và trong. Người người ngồi trước quán cà phê. Âm nhạc êm đềm vẳng ra. Pat ngồi cạnh tôi. Bỗng dưng, tôi không thể tin rằng nàng đang ốm; người của tôi nóng lên vì cố gắng, nhưng trong một thoáng, tôi vẫn không thể nào tin.
Trong quán “The Bar” chúng tôi gặp Ferdinand và Valentin. Ferdinand trông khỏe mạnh. Anh đứng lên, đón Pat.
“Diana,” anh nói, “từ rừng thẳm về –” Nàng mỉm cười. Anh quàng tay lên vai nàng. “Nữ thần săn bắn với cây cung bạc, làn da sạm nắng và can trường — cô uống gì đây?’
“Gottfried gỡ tay anh ta. “Thương nhân thường không khéo cư xử,” anh nói. “Tiểu thư đây đã có hai công tử theo hộ tống; bộ anh không nhìn thấy hay sao, hở con bò rừng?”
“Người lãng mạn chỉ là cái đuôi bám theo — không phải là hộ tống viên,” không một chút nao núng, Ferdinand nói.
Lenz cười tươi và quay sang Pat. “Tôi sẽ pha cho cô một món rất đặc sắc. Cocktail Kolibri. Đặc sản của Ba Tây.”
Anh đến quầy rượu, pha lắc nhiều thứ, rồi mang về.
“Cô thấy thế nào?” anh hỏi.
“Hơi loãng, nhưng đậm tính chất Ba Tây,” Pat trả lời.
Gottfried cười to. “Nó cũng mạnh nữa. Pha với rum và vodka.”
Chỉ cần liếc sơ qua tôi cũng thừa biết, không có rum mà cũng chẳng vodka — nó là nước ép trái cây, chanh, cà chua, và có lẽ một giọt Angostura. Một thứ cocktail không rượu. Nhưng Pat, cám ơn trời, không phân biệt được.
Nàng uống ba ly Kolibris lớn, và tôi để ý thấy nàng rất vui vì không bị đối xử như người bệnh. Một giờ sau, chúng tôi ra về, chỉ còn Valentin ở lại. Lenz đã dàn xếp tất cả. Anh mời Ferdinand ngồi vào chiếc Citroen và lái đi. Như thế, Pat và tôi không có vẻ gì là bỏ về sớm. Thật chu đáo, tuy thế, trong một thoáng, tôi có cảm giác khổ sở của một con cún.
Pat khoác tay tôi. Với những bước yểu điệu, duyên dáng, nàng đi bên cạnh; tôi cảm nhận được hơi ấm của cánh tay nàng, tôi thấy ánh đèn đường mờ ảo soi trên gương mặt linh động của nàng — Không, tôi không thể tin rằng nàng đang ốm; tôi có thể tin ở điều ấy giữa ban ngày, còn khi đêm về, khi cuộc sống dịu dàng hơn, ấm áp hơn, và đầy hứa hẹn, thì không.
“Chúng mình ghé qua nhà anh một chút, nhé?” tôi hỏi.
Nàng gật đầu.
Hàng lang của nhà trọ sáng đèn. “Chết rồi,” tôi nói. “Không biết có chuyện gì xảy ra vậy? Em chờ anh một chút, được không?”
Tôi mở cửa và ngó vào. Hành lang dài nằm trơ trẻn dưới đèn, như một đường hẻm nhỏ hẹp ở ngoại ô. Cửa phòng của Frau Bender mở toang, và bên trong cũng sáng. Như một con kiến đen nhỏ xíu, Hasse đang lần mò trong hành lang, một cây đèn chân dài có chụp lụa hồng đè trên vai. Ông từ từ quay lại.
“Chào bác,” tôi nói. “Khuya rồi còn gì?”
Ông ngước bộ mặt xanh xao với chùm ria mép đậm và quặp xuống. “Bác mới ra khỏi sở làm cách đây một tiếng. Và bác chỉ có thì giờ dọn nhà vào buổi tối.”
“Bác gái không có ở nhà sao?”
Ông lắc đầu. “Bà ấy đi với cô bạn nào rồi. Cảm ơn Chúa, cuối cùng bà ấy cũng có bạn — bà ấy dành rất nhiều thời gian cho cô bạn đó.” Ông mỉm cười, hồn nhiên và mãn nguyện, và tập tễnh bước đi. Tôi đưa Pat vào.
“Anh nghĩ mình không nên thắp đèn, hở em?” tôi hỏi, khi chúng tôi đã vào trong phòng.
“Vâng, anh yêu. Chỉ bật lên một giây, rồi anh có thể tắt đi.”
“Em thật tham lam,” tôi nói, và cái ghế bành đỏ hiện ra huy hoàng trong giây lát dưới ánh điện chói chang, rồi cũng nhanh như thế, biến đi.
Các cửa sổ mở ra và không khí ban đêm từ rặng cây đối diện lùa vào, tươi mát như đến từ một cánh rừng.
“Tuyệt vời,” Pat nói và cuộn mình trong góc của băng ghế cửa số.
“Em thực sự thích chỗ này sao?”
“Vâng, Robby. Như thể ta đang ở trong một công viên lớn, vào mùa hè. Tuyệt vời.”
“Anh không biết em có nhìn ngó căn phòng kế bên, khi đi ngang qua?” tôi hỏi.
“Không, tại sao thế?”
“Phần bên trái của cái bao lơn to đẹp này cũng thuộc về phòng ấy. Nó tương đối biệt lập, và không có vật gì đối diện. Nếu em ở phòng đó, em không cần áo tắm khi phơi nắng.”
“Vâng, nếu em được ngụ ở đó –“
“Có thể lắm,” tôi lơ đãng nói. “Em thấy mà, mấy hôm nữa, căn phòng ấy sẽ bỏ trống.”
Nàng nhìn tôi, mỉm cười. “Anh nghĩ, như thế sẽ thích hợp với chúng ta sao? Luôn luôn ở gần nhau?”
“Nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng sống bên nhau,” tôi trả lời. “Ban ngày anh sẽ không có mặt ở đấy, này nhé. Và cũng không thường xuyên, vào ban đêm. Một mặt khác, nếu chúng ta có thể sống ở đây với nhau, chúng ta sẽ không cần phải đi ra tiệm ăn, ngồi ở đó, rồi luôn luôn vội vã chia tay, như thăm viếng.”
Nàng cựa mình trong góc. “Có vẽ như anh đã suy nghĩ cặn kẽ về chuyện này, anh yêu?”
“Đúng vậy,” tôi nói. “Cụ thể là cả đêm hôm qua.”
Nàng nhổm dậy. “Anh thực lòng nghĩ như thế, một cách nghiêm chỉnh, Bobby?”
“Trời ạ, đúng thế,” tôi nói. “Em không bao giờ nhận thấy như vậy hay sao?”
Nàng im lặng trong giây lát. “Robby, nói cho em biết,” giọng nàng sâu lắng hơn bao giờ hết, “thế nhưng vì sao bây giờ anh mới nói?”
“Anh vừa nói tới,” tôi trả lời, hăng hái còn hơn ý tôi muốn, bởi thình lình tôi cảm thấy cái quyết định sắp đến có liên quan đến nhiều thứ hơn chỉ là căn phòng, “anh nhắc đến, bởi vì trong mấy tuần qua, anh thấy tuyệt vời làm sao khi chúng ta hoàn toàn bên nhau. Anh không thể chịu đựng được nữa sự chia tay thường xuyên. Anh muốn có em nhiều hơn. Anh muốn luôn luôn có em bên anh; anh không còn ham thích chi nữa trò chơi ú tim phức tạp của tình yêu; anh chỉ muốn một mình em và một mình em, anh không bao giờ có đủ em, và anh không muốn từ bỏ một giây phút nào bên em.”
Tôi nghe hơi thở của nàng. Nàng ngồi trong góc bên cửa sổ, tay đặt hững hờ quanh đầu gối, và không nói gì. Ánh đèn đỏ của tấm biển quảng cáo từ từ nhô cao, quá ngọn cây đối diện và ấm áp chiếu trên đôi giày màu sáng của nàng. Rồi nó lang thang trên chiếc áo đầm và trên đôi tay nàng. “Em cứ cười anh, nếu em muốn,” tôi nói.
“Tại sao lại cười?”
“Ơ, bởi vì, lúc nào anh cũng nói, anh muốn. Nói cho cùng, em cũng phải muốn, như anh.”
Nàng nhìn lên. “Anh có biết không, Robby, anh đã thay đổi?”
“Không.”
“Vâng, có mà. Anh vừa thú nhận. Anh muốn. Anh không hỏi hay yêu cầu nữa. Anh chỉ muốn mà thôi.”
“Như thế có khác biệt gì lớn đâu. Em vẫn có thể nói Không, cũng y như thế, dù anh có muốn nhiều cách mấy.”
Bất ngờ, nàng nghiêng người tới trước, lại gần tôi. “Nhưng tại sao em lại nói Không, hở Bobby?” giọng của nàng ấm áp, nhu mì. “Dĩ nhiên, em cũng muốn.”
Kinh ngạc, tôi choàng tay quanh nàng. Những sợi tóc của nàng phơn phớt trên mặt tôi. “Thật thế ư, Pat?”
“Vâng, anh yêu, thật đấy.”
“Bậy thiệt,” tôi nói. “Vậy mà anh cứ ngỡ là phải khó khăn lắm.”
Nàng lắc đầu. “Tại anh nghĩ thế mà thôi, Bobby.”
“Anh hầu như tin chắc như vậy mà,” tôi nói, ngạc nhiên.
Nàng quàng tay qua cổ tôi. “Đôi khi lại tốt, nếu ta không phải nghĩ ngợi gì. Không phải một mình làm tất cả mọi thứ. Có thể học hỏi. Ach, anh yêu, thật ra cũng khá dễ dàng — ta chỉ cần không làm cho nó trở thành khó khăn.”
Tôi phải nghiến răng để không trả lời. Không ai khác, chính nàng lại là người nói với tôi điều đó.
“Đúng,” tôi đành nói, “đúng đó, Pat.” Không đúng thật chút nào.
Chúng tôi đứng bên cửa sổ một lúc. “Chúng ta sẽ mang về đây tất cả vật dụng của em,” tôi nói. “Em không phải thiếu thốn một thứ gì. Chúng ta có thể tìm mua một cái xe đẫy. Frida sẽ học cách dọn trà.”
“Nhưng em có đã có một cái rồi, anh yêu. Xe của em mà.”
“Như thế lại càng tốt. Ngày mai, anh sẽ huấn luyện Frida.”
“Nàng ngã đầu lên vai tôi. Tôi cảm thấy nàng mệt mỏi.
“Bây giờ anh đưa em về nhé?” tôi hỏi.
“Chút nữa đi. Em cần nằm nghĩ một lát.”
`Nàng nằm im trên giường, không chuyện trò, như đã ngủ. Nhưng mắt nàng vẫn mở và thỉnh thoảng lại lấp lánh trong ánh đèn của tấm biễn quảng cáo, dâng cao trên vách và di chuyển trên tấm khăn trải giường như ánh sáng vui tươi phương bắc. Bên ngoài, mọi thứ đều yên tĩnh. Từ phòng bên cạnh, thỉnh thoảng ta lại nghe tiếng Hasse lu bu giữa đống hoang tàn của những niềm hy vọng, của mối hôn nhân, và có lẽ của chính cuộc đời anh.
“Em cần phải ở lại,” tôi nói.
Nàng ngồi dậy. “Đêm nay không được, anh yêu.”
“Anh mong em ở lại.”
“Ngày mai.”
Nàng đứng dậy và nhẹ nhàng di chuyển trong căn phòng tăm tối. Tôi nhớ lần đầu tiên nàng đã ở lại với tôi, và cũng đã đi quanh phòng, không một tiếng động, mặc y phục vào trong chút nắng đầu ngày.Tôi không biết cái đó là gì, nhưng có một điều nào đó, vô cùng cảm động, thực thế, gần như gây choáng váng; như một cử chỉ thuộc về một thời kỳ đã rất xa, đã chôn vùi; như sự tuân phục thầm lặng một mệnh lệnh, như một lý do không ai còn nhớ.
Nàng từ bóng tối bước ra, trở lại với tôi và ấp ủ mặt tôi trong đôi tay của nàng. “Bên anh thật tuyệt diệu làm sao, anh yêu. Tuyệt diệu, có anh ở đây.”
Tôi không trả lời. Tôi không thể trả lời.
Tôi đưa nàng về nhà, đoạn quay lại “The Bar.” Koster có mặt tại đó.
“Ngồi xuống,” anh nói. “Thế nào rồi?”
“Chẳng có gì đặc biệt, Otto.”
“Cậu muốn uống gì không?”
“Nếu uống, tớ phải uống thật nhiều. Tớ không muốn làm vậy. Nhưng tớ có thể làm vài chuyện khác. Gottfried đang lái tắc xi?
“Không.”
“Tốt. Vậy tớ sẽ chạy tắc xi vài ba tiếng.”
“Tớ đi ra đó với cậu,” Koster nói.
Tôi nhận xe tắc xi và chia tay Otto. Rồi tôi lái ra bến. Trước tôi, đã có hai chiếc chờ sẳn. Sau tôi là Gustav và Tommy, chàng kịch sĩ. Rồi hai xe trước tôi rời bến, và chỉ một lát sau, tôi cũng có khách — một thiếu nữ, muốn đi tới Vineta.
Vineta là một khiêu vũ trường rất được ưa chuộng, với điện thoại để bàn, hệ thống giao thư bằng ống khí nén, và những thứ tân kỳ tương tự của tỉnh lẻ. Nó nằm tách biệt, trên một con đường nhỏ.
Chúng tôi dừng xe. Cô gái lục mãi túi xách rồi đưa tôi một tờ giấy năm mươi marks. Tôi nhún vai. “Xin lỗi, tôi không có tiền thối.”
Người gác cửa đi tới. “Bao nhiêu?” cô gái hỏi tôi.
“Một đồng bẩy mươi.”
Cô gái quay sang người gác cửa. “Anh giúp được không? Đi với tôi tới quầy thu tiền, tôi sẽ đưa tiền lẻ để anh trả dùm.”
Hắn đẩy cửa, theo cô ta vào quầy thu tiền. Rồi hắn trở ra. “Đây nè –“
Tôi đếm. “Một đồng năm mươi xu, thế thì –“
“Đừng có nói nhảm, chẳng nhẽ chú mày là tay mơ sao? Hai mươi xu nộp cho gác cửa, nếu còn muốn trở lại đây. Thôi cút đi.”
Có những nơi ta phải trả hoa hồng cho người gác cửa, nhưng đó là khi họ đem khách đến cho ta, chứ không phải khi ta đem khách đến cho họ.
“Tôi không hẳn là người mới đâu,” tôi nói. “Đưa tôi một đồng bẩy mươi xu.”
“Đưa cái khỉ khô,” hắn gầm lên. “Chú mày phải tuân lệnh ông, nhóc tì; đây là giang sơn của ông.”
Hai mươi xu với tôi không đáng gì cả. Tôi chỉ không muốn để hắn chơi bẩn. “Đừng gáy nữa, đưa tôi phần tiền còn thiếu,” tôi nói.
Tên gác cửa vung tay lên đánh bất ngờ, khiến tôi không thể chống đỡ, hoặc ngồi trong xe, né tránh. Đầu tôi đập mạnh vào tay lái. Choáng váng, tôi có gượng dậy. Hắn sừng sững đứng trước mặt tôi: “Muốn ăn một đấm nữa không, cái thằng cứng đơ?”
Trong một giây, tôi tính toán khả năng ăn thua. Chẳng có mấy. Gã mạnh hơn tôi nhiều. Hy vọng duy nhất của tôi là tấn công thình lình. Nhưng ngồi trong xe, tôi không thể đấm, vì không có thế. Đợi đến khi tôi mò ra khỏi xe, thì hắn dư sức đập tôi mấy trận nhừ tử. Tôi nhìn hắn. Hơi thở sặc mùi bia của hắn phả vào mặt tôi: “Nói thêm một tiếng, con vợ của chú mày sẽ thành gái góa.”
Tôi nhìn hắn. Tôi không cử động. Tôi chăm chăm nhìn cái bản mặt mạnh khỏe ấy. Tôi muốn nuốt trửng hắn bằng cái nhìn của mình. Tôi biết chính xác chỗ tôi sẽ đấm; tôi lạnh băng vì điên tiết. Nhưng tôi không cựa quậy. Tôi nhìn gương mặt ấy, quá gần, quá rõ, như nhìn bằng một cái kính lúp, quá to, từng cọng râu lồ lộ, làn da đỏ ké thô nhám, lỗ chân lông toang toác…
Một chiếc mũ sắt của cảnh sát lóe sáng. “Có chuyện gì không đó? “
Tên gác cửa khúm núm. “Không có gì hết, Herr Constable.”
Người cảnh sát ngó tôi. “Có gì đâu,” tôi nói.
Ông đưa mắt nhìn tên gác cửa rồi nhìn tôi. “Anh chảy máu?”
“Tôi vấp té.”
Tên gác cửa lùi lại một bước. Một nụ cười toe toét hiện lên trong ánh mắt của hắn. Hắn nghĩ rằng tôi không dám tố cáo.
“Vậy ư. Thôi đi đi,” người cảnh sát nói.
Tôi nhấn ga, lái về bến.
“Trời ơi, ông anh đẹp trai thế,” Gustav nói.
“Chỉ có cái mũi ăn trầu,” tôi trả lời, và kể lại câu chuyện.
“Đi tới quán rượu,” Gustav nói. “Dù gì tớ cũng từng là trung sĩ tản thương. Đánh một người đang ngồi, hèn quá.”
Ở quán rượu, anh dẫn tôi vào bếp, lấy một ít nước đá và săn sóc tôi suốt nửa giờ. “Sẽ không bầm nhiều đâu,” anh giải thích.
Cuối cùng anh ngừng lại. “Còn cái đầu của cậu thì sao? Ổn chứ? Vậy ta sẽ không để phí thời gian.”
Tommy bước vào. “Có phải thằng cha gác cửa to con ở quán Vineta không? Hắn nổi tiếng với những quả đấm hung hãn. Nhưng rủi thay, tớ chưa thử qua lần nào.”
“Ừ, cũng sắp được thử rồi đó.” Gustav nói.
“Đúng, nhưng phải để chính tớ ra tay,” tôi trả lời.
Gustav nhìn tôi, không đồng ý. “Cậu sẽ không kịp bước xuống xe –“
“Tớ đã nghĩ ra một kế hay. Nhưng nếu tớ thất bại, các cậu vẫn có thể nhào vô đánh tiếp.”
“Được.”
Tôi đội nón của Gustav và chúng tôi lái xe của anh, để tên gác cửa không nghi ngờ. Hắn cũng chẳng nhìn thấy gì đâu, đường xá nơi ấy tối mò.
Chúng tôi lái đến nơi. Chẳng có ma nào lai vãng. Gustav nhảy xuống xe, cầm một tờ hai mươi marks.
“Chết cha. Không có tiền lẻ. Anh gác cửa, đổi dùm tôi nhé? Một đồng bảy mươi xu, phải không? Trả dùm tôi.”
Anh làm như đi về hướng quầy thu ngân. Người gác cửa tiến tới, vừa ho vừa đưa tôi một đồng năm mươi xu. Tôi vẫn chìa tay ra. “Cút đi,” hắn gầm gừ.
“Đưa thêm cho đủ, đồ con heo bẩn thỉu!” tôi hét to.
Hắn sững người trong một giây, như hóa đá.
“Cha nội,” rồi hắn nói, nhỏ nhẹ, liếm môi, “cha nội sẽ hối hận về chuyện này cả tháng cho coi.”
Hắn vung tay lên. Quả đấm có lẽ đã làm tôi bất tỉnh. Nhưng tôi có chuẩn bị; tôi xoay mình tránh, và nắm tay của hắn tống vào phần thép bén của cái tay quay xe mà tôi cầm dấu trong tay trái. Hắn rú lên, nhảy lùi lại, rẫy tay. Hắn rên xiết đau đớn như tiếng rít của một cái máy hơi nước, và hắn đứng đó, hớ hênh.
Tôi vọt khỏi xe. “Nhận ra ai chưa?” tôi nhổ phẹt một bãi và thụi vào bụng gã. Gã té nhào.
“Một!” Gustav đứng ở cửa, bắt đầu đếm.
Đến tiếng thứ năm, gã loạng choạng đứng lên, đôi mắt lạc thần. Cũng như lần trước, tôi thấy thật rõ trước mặt tôi, gương mặt của gã — cái bản mặt khỏe mạnh, to bự, đần độn và tầm thường; cái con người cục mịch có một sức khỏe tuyệt vời; cái con lợn ỉ có hai lá phổi không bao giờ đau ốm; và thình lình, tôi thấy một bức màng mỏng đỏ thắm phủ chụp lên não bộ và đôi mắt của tôi, tôi nhảy tới và đấm lấy đấm để vào cái bản mặt ấy; tôi trút lên đó tất cả những gì đã hành hạ tôi trong mấy tháng vừa qua, tôi đấm mãi cho đến khi bị kéo ra.
“Trời đất, cậu giết hắn mất!” Gustav gào lên.
Tôi nhìn lại. Tên gác cửa, máu me bê bết, đứng dựa vách. Rồi hắn té sụm xuống, và như một con côn trùng khổng lồ trong bộ đồng phục bóng lộn, bò chầm chậm về phía cửa.
“Hắn sẽ không còn sức đấm đá nữa,” Gustav nói. “Chúng ta phải chuồn ngay, trước khi có người tới. Gần như là tội tấn công, và tội gây thương tích trí mạng.”
Chúng tôi quăng mớ tiền xuống vĩa hè, lên xe và lái đi.
“Tớ bị chảy máu hả?” Tôi hỏi, “hay là máu của thằng cha gác cửa?”
“Cậu lại bị đấm vào mũi,” Gustav giải thích. “Thằng chả móc trái một cú đẹp lắm.”
“Tớ có hay biết gì đâu.”
Gustav cười to.
“Cậu biết không,” tôi nói, “tớ cảm thấy khỏe hơn nhiều.”