Hôm sau là Chúa Nhật. Tôi ngủ nướng và chỉ dậy khi nắng rọi đến bên giường. Tôi nhanh nhẹn nhảy xuống và mở tung cửa sổ. Bên ngoài trời trong và tươi mát. Tôi đặt cái bếp cồn lên bệ cửa sổ và đem ra hộp cà phê. Frau Zalewski, bà chủ nhà, cho phép tôi được pha cà phê trong phòng. Cà phê của bà rất nhạt — nhất là khi người ta đã say bí tỉ đêm trước.
Tôi ở trọ nhà bà đã hai năm. Tôi ưa thích địa phương này. Lúc nào cũng có chuyện để làm, vì Phòng Thương Nghiệp, tiệm Café International và Salvation Army Barracks nằm gần nhau như môi với răng. Và ngay trước nhà trọ là một nghĩa trang cũ, không sử dụng nữa. Nhiều cây to bóng mát như ở công viên, và trong những đêm tỉnh mịch, ta có thể tường chừng đang ở thôn quê. Một mặt khác, thường thì phải đến khuya mới có sự yên lặng; vì ngay bên cạnh nghĩa trang là khu giải trí với các vòng ngựa gỗ và thuyền đu.
Đối với Frau Zalewski, nghĩa trang là một tài sản đáng giá. Khi cho thuê phòng, bà thường ca tụng không khí trong lành và tầm nhìn thoáng đãng, và do đó ra giá cao lên. “Nhưng, thưa ông, hãy nghĩ đến lợi thế ấy!” là công thức bất di bất dịch của bà.
Tôi chậm rải mặc y phục. Điều ấy cho tôi cảm giác lười lĩnh của ngày Chúa Nhật. Tôi rửa mặt; tôi thư thả đi quanh phòng, đọc báo, pha cà phê; tôi đứng cạnh cửa sổ nhìn xuống đường; tôi lắng nghe tiếng chim hót trên đầu ngọn cây ở nghĩa trang đối diện — những ống tiêu bạc bé bỏng của Thượng Đế, chúng ríu rít phụ họa cho tiếng phong cầm rền rĩ, êm đềm và buồn thảm ở Hội Chợ bên kia. Có khoảng nửa tá áo sơ-mi và vớ, nhưng tôi chọn thật kỹ, như thể tôi có nhiều gấp hai mười lần; vừa huýt sáo tôi vừa lộn trái các túi quần áo — tiền lẻ, dao xếp, chìa khóa, thuốc lá — và đây rồi, mẩu giấy có ghi tên và số điện thoại của cô gái. Patricia Hollmann — một cái tên thánh hiếm gặp, Patricia. Tôi đặt tờ giấy xuống bàn. Có thật chuyện ấy mới xảy ra hôm qua? Dường như đã xa xôi lắm — gần như đã quên lãng qua hơi rượu xám ngọc. Đó là điều đáng kể của việc chén chú chén anh; nó đưa người ta đến gần nhau rất nhanh, nhưng cũng làm cho khoảng cách giữa đêm và ngày hôm sau dài như những năm trường.
Tôi nhét mẩu giấy dưới chồng sách. Tôi có nên gọi nàng không? Có lẽ có–mà cũng có lẽ không. Sáng hôm sau, ta thường nghĩ khác về những chuyện như thế. Tôi khá hài lòng, thực vậy, có được chút bình yên. Đã có đủ phiền toái trong những năm gần đây. Hãy giữ một khoảng cách an toàn, Koster thường nói. Nếu để cho một điều gì đó thân cận quá, ta sẽ muốn nắm giữ. Mà ta nào có thể giữ được một điều gì.
Vào lúc ấy, sự thù ghét thường lệ của ngày Chúa Nhật bắt đầu ở phòng bên cạnh. Tôi đi tìm cái mũ, có lẽ đã cất kỹ ở một chỗ nào đó đêm qua, và nghe lõm câu chuyện của họ. Đó là Hasse và bà vợ đang lăng mạ lẫn nhau. Suốt năm năm trời, hai người chung sống trong một căn phòng nhỏ hẹp nơi đây. Họ không phải là người xấu. Nếu họ có một căn hộ ba phòng, với gian bếp cho người vợ và thêm một đứa trẻ, có lẽ cuộc hôn nhân của họ đã diễn biến tốt đẹp. Thế nhưng nguyên một căn hộ rất đắt tiền và một đứa trẻ trong thời buổi thiếu an ninh này — làm sao có được! Cho nên họ đành sống vật vã ở đấy, bà vợ phát cuồng và ông chồng lúc nào cũng thắt thỏm lo bị mất việc. Nếu chuyện ấy xảy ra, đời ông sẽ tàn. Ông đã bốn mươi lăm tuổi. Không ai sẽ mướn, một khi ông bị sa thải. Thật là một bất hạnh thời đại — trước đây người ta từ từ lắng chìm và luôn luôn vẫn có một cơ hội để ngoi lên — thế nhưng trong thời buổi này, ở bờ xa bên kia của mỗi lần sa thải, vực thẳm không đáy thất nghiệp kinh niên lại há mõm đón chào.
Tôi cố lẽn ra, nhưng có tiếng gõ cửa và Hasse thất thểu bước vào. Ông gieo mình xuống ghế. Ông là một người hiền lành với đôi vai xuôi và râu mép thưa. Một thư ký nhún nhường, siêng năng. Nhưng nay họ là những người kém may mắn nhất. Có lẽ luôn luôn là thế. Sự khiêm nhường và tính chuyên cần chỉ được tưởng thưởng trong tiểu thuyết. Ngoài đời, họ bị bóc lột rồi quẳng sang một bên.
Hass dơ tay lên. “Có hai người ở văn phòng sẽ bị đuổi. Chắc tôi sẽ là người thứ nhất, cậu nghĩ xem, có phải không.”
Từ kỳ lương này đến kỳ lương sau, ông sống trong nỗi lo sợ ấy. Tôi rót cho ông một cốc rượu mạnh.Toàn thân ông run lẩy bẩy. Ta có thể đoán, một ngày nào đó ông sẽ ngã quỵ. Ông không còn một chút sức kháng cự nào.
“Và lúc nào cũng là những câu đay nghiến này,” ông khẻ nói.
Bà vợ quy chụp trách nhiệm cho ông, hiển nhiên là thế, về cuộc đời của bà. Bà bốn mươi hai tuổi, da thịt hơi nhão và nhan sắc phai tàn, nhưng dĩ nhiên chưa đến mức tang thương như ông chồng. Bà bị bệnh kinh hoảng phút chót.
Dính líu vào cũng chẳng ích gì.
“Hasse này,” tôi nói, “Ông cứ yên lặng ở chơi nơi đây cho tới khi nào cũng được. Tôi phải ra ngoài. Có cognac trong tủ áo, nếu ông muốn. Trong đấy cũng có rum nữa. Mấy tờ báo đây nhé. Rồi chiều nay, dẫn bà ấy đi dạo, chỗ nào cũng được, miễn là ra khỏi ngôi nhà này. Xem chiếu bóng. Không đắt tiền hơn vài giờ ở quán cà phê mà còn một chút gì lưu lại sau đó. Lời vàng ngọc của ngày hôm nay là hãy quên đi, đừng nung nấu trong lòng.”
Tôi vỗ nhẹ vai ông, nhưng lương tâm hơi cắn rứt. Dù sao, phim ảnh lúc nào cũng tốt. Ở đấy, ai cũng có thể mơ mộng một chút gì.
Cửa phòng của họ vẫn mở. Người đàn bà khóc tỉ tê. Tôi đi dài trên hành lang. Căn phòng kế cửa khép hờ. Lắng nghe. Một vầng phấn hương lan tỏa. Erna Bonig, thư ký riêng, sống ở đấy. Quá sang trọng so với đồng lương của chị; nhưng mỗi tuần một ngày, xếp thường đọc văn thư cho chị chép đến sáng. Và hôm sau chị sẽ rất gắt gỏng. Bù lại, chị ra ngoài khiêu vũ mỗi đêm. Khi không khiêu vũ được nữa, chị sẽ không muốn sống làm gì, chị giải thích. Chị có hai người bạn. Một người yêu chị, tặng hoa cho chị. Người kia, chị yêu và đưa tiền cho hắn.
Phòng kế bên thuộc Bá Tước Orlov, bậc thầy kỵ mã, người Nga lưu vong, hầu bàn, phụ diễn phim và điếm đực, râu hai bên má hoa râm. Thiên tài chơi ghi-ta. Mỗi đêm ông cầu nguyện Đức Mẹ Kasan ban cho một chân tiếp tân ở một khách sạn sang bậc nhất; và ông thường khóc khi say.
Phòng kế. Frau Bender. Y tá ở viện nuôi trẻ mồ côi. Năm mươi tuổi; chồng chết trong chiến tranh; hai con chết vì suy dinh dưỡng, năm 1918. Có một con mèo tam thể. Con mèo duy nhất của cả nhà.
Tiếp đó — Muller, kế toán viên đã về hưu, biên tập cho tạp chí của một hội chơi tem. Một bộ sưu tập tem biết đi, không có gì khác hơn. Một người hạnh phúc.
Tôi gỏ cánh cửa cuối cùng. “Này, Georg,” tôi nói, “vẫn không có gì mới hả?”
Georg Block lắc đầu. Anh ấy là sinh viên học kỳ thứ tư. Để đeo đuổi việc học, anh đã làm thợ mỏ trong hai năm. Hiện nay, số vốn dành dụm gần cạn; chỉ còn đủ tiền mua thực phẩm trong hai tháng. Anh không thể trở lại mỏ — có quá nhiều công nhân mỏ thất nghiệp. Anh cố làm đủ nghề vặt để kiếm thêm. Có lần, anh dành nguyên một tuần giao hóa đơn cho một hảng sản xuất bơ thực vật, và rồi hảng phá sản. Ngay sau đó, anh tập tành bán báo và tưởng là dễ thở. Chỉ ba ngày sau, hai tay buôn có môn bài đã tấn công, xé bỏ tất cả báo của anh, và cảnh cáo anh không được để chúng thấy anh ở địa bàn của chúng thêm một lần nữa. Đủ lắm rồi, họ cũng chật vật như anh, nào có khác. Hôm sau anh lại đi, dù phải trả tiền cho số báo đã mất ngày trước. Một người lái mô tô tông phải anh, và báo văng tứ tung xuống bùn. Thế là đi đời thêm hai đồng mark. Anh cố gắng lần thứ ba, chỉ để về nhà với tấm áo khoác rách bươm và mặt mày sưng húp. Thế là anh bỏ cuộc. Nay anh ngồi nhà cả ngày trong tuyệt vọng, học như hóa rồ, như thể việc học có đưa đến một lợi ích nào. Anh chỉ ăn mỗi ngày một bửa. Thế nhưng hoàn tất việc học hay không cũng chẳng có gì khác biệt — nếu như thi đỗ, ít nhất cũng phải mười năm anh mới hy vọng tìm được việc làm.
Tôi đưa anh một bao thuốc lá. “Sao không bỏ cho rồi, hở Georgie? Tớ đã, như cậu biết. Sau này nếu muốn, ta học lại mấy hồi.”
Anh lắc đầu. “Không, nếu không kiên trì ta sẽ đánh mất những kỷ năng đã có. Tớ hiểu như thế, nhờ làm thợ mỏ. Tớ không thể làm việc ở mỏ một lần nữa.”
Gương mặt xanh xao, đôi tai vễnh to, ánh mắt cận thị ngây dại, thân hình tiều tụy, ngực lép kẹp– lạy Chúa tôi!
“Thôi thì chúc anh may mắn, Georgie.”
Và tiếp đến là nhà bếp. Đầu lợn lòi –quà của Zalewski, người quá cố. Điện thoại. Bóng tối nửa vời. Mùi ga và mỡ lâu ngày hăng hắc. Cửa mở vào hành lang, với nhiều danh thiếp gắn cạnh nút chuông. Danh thiếp của tôi, một trong số đó, ghi: Robert Lohkamp, sinh viên ban triết, bấm hai chuông dài. Tấm thiệp cáu bẩn và ố vàng theo thời gian. “Sinh viên ban Triết.” Oách nhỉ. Ngày xưa, có như thế. Tôi xuống cầu thang, đi ra quán Café Internatiional.
International là một lổ hổng dài, tối thui, tù mù khói thuốc, với nhiều phòng ở cuối nhà. Gần cửa ra vào, cạnh quày rượu là cây đàn dương cầm. Thật đáng buồn vì nó sai giọng, có nhiều dây chùng và long mất vài phím trắng. Nhưng tôi rất mến nó vì tất cả những khiếm khuyết ấy. Nó là con ngựa già tàn tật, đã chia sẻ ít nhất một năm của cuộc đời tôi, bởi đây là chỗ tôi được thuê để chơi đàn.
Các gian phòng phía sau, những tay chăn gia súc thỉnh thoảng tụ tập ở đó, cũng như khách vãng lai từ công viên giải trí. Các cô gái điếm thường ngồi gần cửa.
Phòng rượu vắng tanh, trừ Alois, người bồi có gan bàn chân phẳng dẹp, đứng sau quày. “Như thường lệ?” anh hỏi.
Tôi gật đầu. Anh mang đến một cốc rum. Tôi ngồi xuống bàn và nhìn mông lung vào khoảng không trước mặt. Một dãi ánh sáng xám rọi xéo qua ô cửa sổ trên cao, phản chiếu trên những chai rượu mạnh cài trên giá. Brandy anh đào lấp lánh như hồng ngọc.
Alois tiếp tục tráng rửa ly cốc. Con mèo của bà chủ quán rù rù trên mặt dương cầm. Tôi chậm rãi rít mấy hơi thuốc. Không khí làm cho người ta ngầy ngật… Hôm qua, cô ấy có giọng nói đặc biệt làm sao! Hơi khàn một chút, có lẽ thế, nhưng mà, cũng dịu dàng.
“Đem cho chúng tôi mấy tờ báo, Alois,” tôi nói.
Cửa mở kẻo kẹt. Rosa bước vào. Rosa, cô gái điếm ở nghĩa trang, còn được gọi là “con ngựa sắt” — tên thân mật mô tả tính bất khuất của chị. Chị ấy đến, như thói quen mỗi sáng Chúa Nhật, uống một cốc sô-cô-la. Sau đó, chị sẽ đi Burgdorf thăm con.
“Chào em, Robert.”
“Chào Rosa. Con gái chị khỏe không?”
“Chút nữa sẽ biết. Đây –nhìn cái này.” Từ một bọc giấy, chị rút ra một con búp bê má đỏ hây hây, và lấy tay ấn lên bụng nó. “Mama,” con búp bê thỏ thẻ, nét mặt Rosa bừng sáng.
“Hay nhỉ,” tôi nói.
“Đã xong đâu, đợi đấy,” chị ngửa con búp bê ra sau. Đôi mắt nó cụp lại, một tiếng ‘cách’ vang lên khe khẻ.
“Ơ, em không ngờ!”
Rosa sung sướng, sẳn sàng gói con búp bê lại. “Robert, em hiểu những việc này. Chị có thể thấy. Một ngày nào đó, em sẽ là một người cha tốt.”
“Chị nghĩ thế à?” tôi nói, hoài nghi.
Rosa hết lòng sống vì con. Cho đến ba tháng trước đây, khi con bé chưa biết đi, chị còn giữ nó trong phòng. Chị có thể làm được điều ấy, mặc dù nghề nghiệp của mình, nhờ khéo sử dụng một tủ áo nhỏ kế bên phòng chị. Đêm đêm khi trở về với người tình, chị thường viện một lý do nào đó để hắn chờ bên ngoài, trong khi chị vào nhà, hộc tốc đẩy xe em bé vào trong tủ áo, đóng lại; rồi quay ra đón khách. Nhưng trong tháng Mười Hai, con bé thường bị đẩy từ căn phòng ấm của mẹ vào tủ áo không sưởi, nên nhiễm lạnh và khóc toáng vào những lúc mẹ nó cần tiếp khách.
Rất khó khăn cho Rosa xa rời con. Chị gửi nó ở một nhà trẻ đắt tiền, nơi ấy chị đóng vai một bà góa đáng kính– nếu người có thẩm quyền biết sự thật, họ không đời nào chấp nhận đứa trẻ.
Rosa đứng lên. “Thứ Sáu em đến, chắc nhé?”
Tôi gật đầu.
Chị nhìn tôi. “Em biết lý do, phải không?”
“Tất nhiên.”
Tôi không có một ý niệm nào; nhưng tôi không hỏi. Đánh đàn chỗ ấy trong năm đó, tôi có quy tắc của mình. Như thế là tốt nhất. Cùng một nguyên tắc, tôi đối xử với tất cả các cô gái bằng một thái độ thân thiện như nhau. Tôi không thể làm khác hơn, ở vị thế của mình.
“Au revoir, Robert.”
“Cheerio, Rosa.”
Tôi nán lại một lúc. Với tôi, International gần như là chỗ nghĩ ngơi thanh tẩy, thế nhưng hôm nay, vì một lý do nào đó, tôi không đạt được trạng thái mơ màng bình yên thường có những ngày Chúa Nhật. Tôi uống thêm một ly rum, vuốt ve con mèo và bỏ đi.
Cả ngày tôi rong ruỗi khắp thành phố. Tôi không biết vì sao tôi cảm thấy bất an. Tôi bức rức không dừng lại một chỗ nào đủ lâu. Buổi chiều sắp tàn, tôi ghé xưởng sửa xe. Koster đang cắm cúi với chiếc Cadillac. Cách đây không lâu, chúng tôi mua nó với giá rẻ như bèo. Nó đã được tu sửa toàn diện và Koster sắp tô điểm những nét chấm phá cuối cùng. Đó là một sự đầu tư liều lĩnh. Chúng tôi hy vọng sẽ có lời, nhưng tôi không chắc tìm được người mua. Trong thời buổi khó khăn, người ta thường muốn xe nhỏ, không phải một chiếc to kềnh thế này.
“Tớ sợ mình sẽ kẹt với nó, Otto,” tôi nói.
Nhưng Koster đầy hy vọng. “Chính xe cở trung mới bị kẹt, Bob ạ,” anh giải thích. “Có thị trường cho loại xe rẻ tiền, và cũng có thị trường cho loại xe hạng sang. Vẫn còn rất nhiều người giàu có; hoặc những người thích phô trương.”
“Gottfried đâu rồi?” tôi hỏi.
“Đi họp chính chị, chính em.”
“Cái ông điên. Thế anh ấy muốn gì ở những nơi đó?”
Koster cười lớn. “Tớ nghĩ, anh ấy cũng chẳng biết. Một chút mùa xuân khơi động bầu nhiệt huyết. Và hẳn là anh ấy luôn luôn chơi trò đuổi bắt những điều mới lạ.”
“Có lẽ thế,” tôi nói. “Cậu có cần tớ làm gì không?”
Chúng tôi hí hoáy với chiếc xe cho đến khi trời tối không thấy gì được nữa. “Tớ nghĩ như thế đủ rồi, ta về thôi,” Koster nói. Chúng tôi gột rửa dầu mỡ. “Đố cậu, tớ có cái gì đây,” anh nói, vỗ vào cái ví da trong túi.
“Ai mà biết.”
“Vé xem đấu quyền Anh tối nay. Hai vé. Đi nhé?”
Tôi ngần ngừ. Anh nhìn tôi, ngạc nhiên.
“Stilling so găng với,” anh nói, “Walker. Một trận gay cấn đấy.”
“Cậu đi với Gottfried đi,” tôi đề nghị, cảm thấy mình là thằng khờ vì không đi xem đấu võ. Nhưng không hiểu sao, tôi chẳng thấy tha thiết.
“Cậu có sao không?”
“Không.”
Anh nhìn tôi.
“Chắc tớ về nhà,” tôi nói. “Cần viết thư và làm vài thứ lặt vặt. Đôi khi ta phải…”
“Cậu không bệnh chứ?” anh hỏi, lo lắng.
“Không bệnh một tị nào. Có lẽ, cũng có một chút xuân thì khơi lòng nao nức.”
“Thôi được. Tùy cậu.”
Tôi rảo bước về nhà. Một lần nữa, tôi ngồi trong phòng và không nghĩ ra được điều gì muốn làm. Tôi đứng dậy, bước loanh quanh. Tôi hoàn toàn không hiểu vì sao tôi muốn về. Cuối cùng, tôi bước ra hành lang, ghé thăm Georg. Trên lối đi, tôi chạm mặt Frau Zalewski.
“Chèng đéc ơi!” bà nói, ngạc nhiên. “Cậu đấy à?’
“Làm sao chối được,” tôi nói, hơi bực mình.
“Không lông nhông ở ngoài đường!”” Bà lúc lắc mái tóc bạc uốn lọn. “Một kỳ quan, trong những kỳ quan!”
Tôi không ở chơi lâu với Georg. Mười lăm phút sau tôi đã quay về. Tôi lưỡng lự, không biết có nên uống một cốc rượu hay không. Tôi không thấy thèm. Tôi ngồi bên cửa sổ, ngắm nhìn đường phố.
Hoàng hôn buông nhanh xuống những cánh dơi chấp chới bên kia nghĩa trang. Nền trời phía sau Phòng Thương Nghiệp xanh như màu táo non. Đèn đường đã thắp, dù trời chưa tối hẳn — trông chúng như đông đá. Tôi lần tay dưới chồng sách, tìm mảnh giấy có ghi số điện thoại. Cuối cùng rồi… Gọi điện thoại chắc cũng không hại gì. Dù sao đi nữa, hầu như tôi đã hứa. Vả lại, không chừng cô ấy vắng nhà.
Tôi bước ra hành lang, chỗ có điện thoại, cầm ống nghe và gọi tổng đài. Trong lúc chờ đợi, tôi cảm thấy một cảm giác hy vọng dễ chịu trào dâng và ứa ra ở đầu cái ống nghe màu đen. Nàng có nhà. Rồi khi một giọng nói rất trầm và hơi khàn đột nhiên cất lên như bóng ma trong mùi mỡ và tiếng bát đĩa lanh canh từ phòng khách của Frau Zalewski — một giọng nói từ tốn, như nghĩ ngợi từng chữ — tất cả nỗi niềm băn khoăn của tôi tan biến. Tôi gác ống nghe, sau khi đã hẹn gặp nàng vào ngày mốt. Thình lình, cuộc đời dường như không còn vô nghĩa nữa. “Mình điên thật,” tôi nghĩ, lắc đầu.
Rồi tôi lại cầm ống nghe lên và gọi Koster.
“Otto, cậu còn dư vé không?”
“Còn.”
“Tốt lắm. Vậy tớ đi.”
Sau đó, chúng tôi lang thang rất lâu trong thành phố. Những con đường, dù sáng sủa, nhưng hoang vắng. Bảng hiệu neon và đèn ở các cửa hàng thắp lên vô ích. Những tượng sáp bên trong cửa sổ một gian hàng, đầu tô vẽ, phô mình trần trụi. Trông chúng ma quái và bệnh hoạn. Nữ trang lấp lánh trong cửa kính gian hàng kế bên. Rồi một tiệm bách hóa, sáng choang, trắng lốp, nổi bật như giáo đường, tơ lụa màu sắc tươi vui như bọt biển trong cửa kính. Nhiều tượng người xanh xao, hao gầy dựng trước một rạp chiếu phim; và dọc theo đó, một cửa hàng thực phẩm phô bày sự huy hoàng của nó: trái cây đóng hộp chất cao như tháp, đào tiên nằm trong vĩ lót, ngỗng béo xỏ trên dây như phơi quần áo, các ổ bánh mì nâu xếp giữa thịt nguội và xúc xích gia vị cầu kỳ, và, ở trung tâm tất cả, pa-tê gan và cá hồi cắt lát, hồng mượt và vàng mơ.
Chúng tôi ngồi trên ghế, gần công viên. Đêm mát lạnh và trăng treo như một ngọn hồ quang trên những nóc nhà. Đã quá nửa đêm. Công nhân sửa đường xe điện dựng lều trên mặt đường đá gần đó. Ống bễ rên xiết thổi và hoa lửa bắn như mưa xuống những bóng người lom khom, trịnh trọng. Bên cạnh đó, nồi nhựa đường tỏa khói như một cái bếp dã chiến.
Chúng tôi đắm chìm trong suy tư.
“Khá lạ kỳ cho một ngày Chúa Nhật, Otto nhỉ?”
Koster gật đầu.
“Ta hài lòng vì nó đã chấm dứt,” tôi trầm ngâm nói.
Koster nhún vai. “Có lẽ một khi ta đã quen sống trong khuôn khổ, nếu có một chút tự do, ta sẽ cảm thấy khó chịu.”
Tôi bẻ cao cổ áo khoác. “Chẳng nói lên gì mấy cho cuộc đời của chúng ta, Otto.”
Anh nhìn tôi, mỉm cười. “Lại càng ít có gì để nói, chỉ mới vài năm trước thôi, Bob.”
“Đúng,” tôi đồng ý. “Tuy thế…”
Máy khoan lực xịt thứ ánh xanh lục chói gắt xuống mặt đường nhựa. Lều công nhân, với ánh đèn lung linh bên trong, như một miền quê nhỏ bé, ấm cúng.
“Theo cậu, thứ Ba này chiếc Cadillac sẳn sàng chưa?” tôi hỏi.
“Có lẽ,” Koster nói. “Sao cậu hỏi?”
“Tớ chỉ thắc mắc…”
Chúng tôi đứng dậy và quay về nhà. “Tớ có phần gắt gỏng tối nay, Otto,” tôi nói.
“Ai cũng thỉnh thoảng bị như thế,” Koster nói. “Ngủ ngon nhé, Bob.”
“Tạm biệt, Otto.”
Trong phòng mình tôi tiếp tục ngồi thêm một lúc. Bỗng nhiên tôi không còn ưa thích chỗ này nữa. Ngọn đèn chùm trên trần — xấu xí ghê gớm– ánh sáng chói mắt; và những ghế bành, vải bọc đã mòn xơ xác; nhựa lót nền nhà, trông ảm đạm nghèo nàn; bồn rửa tay — ta không thể mời một người đứng đắn đến đây, tôi nghĩ. Phụ nữ, chắc chắn không. Cùng lắm, một cô gái làng chơi từ quán International mà thôi.