Đầu tháng Mười Một, chúng tôi bán chiếc Citroen. Số tiền ấy đủ để duy trì xưởng sửa xe một thời gian, nhưng mỗi tuần qua tình hình càng thêm bi đát. Vào mủa đông người ta hạn chế chạy xe, để tiết kiệm xăng và thuế, và việc tu sửa cũng trở nên hiếm hoi. Chúng tôi kiếm sống bằng cách lái tắc xi nhưng thu nhập quá ít cho cả ba, vì thế tôi rất vui khi ông chủ quán International mời tôi chơi đàn mỗi đêm, từ tháng Mười Hai. Thương vụ của ông gần đây khấm khá; một hội chăn nuôi gia súc đã chọn căn phòng đàng sau quán làm chỗ họp mỗi tuần, sau đó hội buôn ngựa cũng bắt chước, và cuối cùng là Hội Tương Tế Hỏa Táng. Nhờ thế tôi có thể nhường tắc xi cho Lenz và Koster, và dù sao, công việc cũng thích hợp với tôi, bởi nếu không, thể nào tôi cũng lạc lỏng, không biết làm gi cho đêm qua mau.
Pat đều đặn viết cho tôi. Tôi nao nức chờ thư, nhưng tôi không hình dung được cuộc sống của nàng; và đôi khi, trong những tuần tháng Chạp tối tăm bẩn thỉu, khi trời vẫn âm u ngay cả giữa trưa, tôi cứ nghĩ quẩn rằng nàng đã trôi vuột khỏi tay tôi từ lâu và cuộc tình đã hết. Với tôi, thời gian dường như vô tận, kể từ khi nàng ra đi, và tôi không nghĩ rằng sẽ có lúc nàng quay trở lại. Rồi những đêm tuyệt vọng, đầy nỗi nhớ thương, mà không gì có thể làm vơi đi ngoài cách ra quán, ngồi với các cô gái điếm và bọn lái buôn gia súc và uống rượụ cho đến sáng.
Ông chủ đã xin được giấy phép mở cửa đêm Giáng Sinh. Sẽ có một lễ hội thật tưng bừng cho những chàng độc thân của tất cả hiệp hội. Hội trưởng hội chăn nuôi gia súc, Stefan Grigoleit, tặng hai con lợn sữa và vài cái giò lợn. Ông góa vợ đã hai năm và rất dễ mủi lòng, do đó ông muốn có bầu bạn trong đêm Giáng Sinh.
Ông chủ quán dựng một cây thông lá bạc cao gần ba mét gần quầy rượu; Rosa, chuyên gia về nhà cửa, phụ trách trang hoàng. Marian và Kiki, anh chàng đồng tính, vì khiếm khuyết của bản thân nên rất ưa chuộng cái đẹp, trợ giúp cho chị. Ba người đã bắt đầu từ trưa. Họ dùng rất nhiều quả cầu đủ màu, nến và dây kim tuyến, nhưng không thể không thừa nhận rằng một khi xong xuôi, cây thông trông thật huy hoàng lộng lẫy. Nhiều chú lợn bằng kẹo marzipan hồng được mắc trên cành để tuyên dương Grigoleit.
Buổi chiều tôi lên giường ngủ độ vài giờ. Khi thức dậy trời đã tối. Tôi phải định thần mấy giây để suy nghĩ — còn tối hay đã sáng. Tôi nằm mơ, nhưng quên mất về chuyện gì. Tôi vẫn phiêu diêu ở một chốn xa vời, và tưởng tượng một cánh cửa đen đóng sập sau lưng. Rồi tôi ý thức rằng có ai đó đang gõ cửa.
“Ai thế?” tôi hỏi.
“Bác đây, Herr Lohkamp.”
Tôi nhận ra giọng Frau Zalewski.
“Mời bác vào,” tôi nói, “cửa không khóa.” Then cài rên xiết và tôi thấy bóng Frau Zalewski ở ngưỡng cửa, trên nền sáng vàng vọt của hành lang.
“Frau Hasse có mặt ở đây,” bà thì thầm. “Thức dậy, mau lên. Bác không thể nói cho cô ấy biết.”
Tôi không cục cựa. Tôi cần tìm tôi trước. “Bảo chị ấy ra bót cảnh sát,” rồi tôi nói.
“Herr Lohkamp!” Frau Zalewski đưa hai tay lên trời. “Trong nhà không còn ai. Cậu phải giúp tôi. Nói cho cùng, cậu là người có đạo.”
Bà đứng ở vuông cửa, như một bóng đen nhảy múa.
“Thôi đừng nói nữa,” tôi mơ màng trả lời. “Cháu ra ngay.”
Tôi mặc y phục và bước ra. Frau Zalewski đang chờ tôi.
“Chị ấy có biết gì chưa?” tôi hỏi.
Bà lắc đầu và ép vuông khăn tay lên môi.
“Vậy chị ấy đang ở đâu?”
“Trong phòng của cô ấy.”
Frida đứng ở cửa nhà bếp, tươm mồ hôi vì kích động. “Cô ấy đội một cái mũ toàn lông diệc bạch, và mang kim cài áo kim cương,” bà ta thầm thì.
“Bác đừng cho mụ bếp già mồm ấy nghe trộm nhé,” tôi nói với Frau Zalewski và bước vào.
Frau Hasse đứng cạnh cửa sổ. Chị xoay lại khi tôi vào. Rõ ràng chị ấy ngóng chờ một người khác. Thật ngu xuẩn, nhưng ánh mắt đầu tiên của tôi dừng lại nơi cái mũ và chiếc kim cài áo, mặc dù tôi không định tâm làm vậy. Frida nói đúng; cái mũ trông nhố nhăng, chiếc kim cài đỡ hơn một tị. Toàn thể con người chị khá kệch cỡm, như người muốn khoe khoang sự giàu có của mình. Nói chung, chị không tệ lắm; dù sao đi nữa, cũng khá hơn những năm tháng đã sống nơi đây.
“Hasse đi làm ngay cả tối Giáng Sinh, tôi đoán thế, hả?” chị gay gắt hỏi.
“Không,” tôi đáp.
“Vậy ông ấy ở đâu? Nghĩ mát à?”
Chị tiến lại gần tôi, hông đong đưa. Tôi ngửi thấy mùi nước hoa nồng nặc. “Thế chị muốn gì ở anh ấy?” tôi hỏi.
“Lấy đồ của tôi. Dàn xếp. Dù sao, một phần đồ đạc là của tôi.”
“Không cần nữa,” tôi nói. “Tất cả bây giờ thuộc về chị.”
Chị chòng chọc nhìn tôi.
“Anh ấy chết rồi,” tôi nói.
Tôi nên nói khác đi. Thận trọng hơn, từ tốn hơn. Nhưng tôi không biết khởi sự từ đâu. Ngoài ra, đầu óc tôi hãy còn mụ mị vì giấc ngủ hồi chiều — thứ giấc ngủ hầu như có thể làm cho người ta muốn quyên sinh khi tỉnh dậy.
Frau Hasse đứng giữa phòng, và thật kỳ lạ, tôi thấy rõ, trong giây phút đối đáp với chị, nếu chị té xỉu thì sẽ chẳng đập trúng thứ gì. Quái thật, nhưng tôi chẳng nhìn và chẳng nghĩ ra điều gì khác hơn.
Chị không té, dĩ nhiên. Chị đứng đó và nhìn tôi.
“Thế thì,” chị nói, “thế thì — ” Chỉ có những cọng lông trên cái mũ diệc bạch rung rinh. Rồi bỗng nhiên, trước khi tôi có thể hiểu ra, tôi thấy người đàn bà thơm lừng, trang điểm cầu kỳ, già sụm trước mắt tôi. Như thể mưa tuôn xối xả lên người chị trong một cơn bão, mỗi giây là một năm — sự căng thẳng vỡ ra, vinh quang vụt tắt, gương mặt ủng thối. Trên đó những nếp nhăn hiện ra như giòi bọ bò lổm nhổm; và rồi, với một cử động như bấu chụp, chị quơ vội một lưng ghế và ngôi xuống như sợ làm đổ vỡ một thứ gì, có lẽ không bao giờ còn là người đàn bà trước đây — chị trông quá rã rời, tàn tạ và già cỗi.
“Chuyện gì đã xảy ra cho anh ấy?” chị hỏi, đôi môi hầu như không cử động.
“Chuyện xảy ra đột ngột,” tôi nói. “Hoàn toàn bất ngờ.”
Chị không lắng nghe. Chị nhìn xuống tay mình. “Tôi phải làm gì đây?” chị thì thào. “Tôi biết phải làm sao?”
Tôi đợi một chút; tôi cảm thấy ghê tởm. “Nhưng chắc chắn chị có ai đó để tìm đến,” cuối cùng tôi nói. “Có lẽ chị không nên ở lại. Dù sao chị cũng đâu muốn ở đây — “
“Tuy nhiên, bây giờ thì khác,” chị trả lời mà không ngước lên. “Tôi sẽ làm gì đây –“
“Nhưng chắc chắn có người chờ chị. Đi gặp và kể cho ông ta nghe. Sau Giáng Sinh hẳn đến bót cảnh sát. Mọi thứ ở đấy, số tiền ký thác ngân hàng cũng vậy. Chị phải trình diện sở cảnh sát mới rút được tiền.”
“Tiền, tiền,” chị thẫn thờ nói nhỏ. “Tiền gì cơ chứ?”
“Cũng kha khá. Trên dưới một ngàn hai trăm marks.”
Chị ngửng lên. Đôi mắt thình lình vương nét giận dữ. “Không,” chị rú lên; “không đúng!”
Tôi không trả lời. “Làm ơn nói là không đúng,” chị thì thào.
“Có lẽ không đúng,” tôi nói. “Một mặt khác, có thể anh ấy đã im lặng cóp nhặt từng xu để phòng hờ khi cần thiết.”
Chị đứng lên. Chị đột nhiên hoàn toàn thay đổi. Cử động có vẻ giần giật và máy móc. Chị ghé sát vào mặt tôi.
“Vâng, đúng đấy,” chị rít lên. “Tôi cảm thấy đúng! Nỗi khổ đau! Ôi, nỗi khổ đau! Đã để tôi trải qua tất cả, rồi lại ra cớ sự này. Nhưng tôi sẽ nhận và sẽ quăng bỏ trong một đêm, tôi sẽ vứt nó ngoài đường, để không còn gì nữa. Không còn gì. Không còn gì.”
Tôi giữ im lặng. Tôi đã xong. Chị vừa bắt đầu, chị biết là Hasse đã mất, phần còn lại chị phải lo liệu lấy. Có lẽ chị sẽ kinh động khi biết anh ấy thắt cổ tự ải, nhưng đó là việc riêng của chị. Hasse không thể sống lại cho chị.
Chị khóc. Lệ cứ ứa trào từ khóe mắt. Chị khóc the thé, mộc mạc như một đứa trẻ. Cứ kéo dài như thế một lúc. Tôi có thể đánh đổi bất kỳ thứ gì để được hút một điếu thuốc. Tôi không chịu nỗi khi nhìn người ta khóc lóc.
Cuối cùng chị cũng ngừng. Chị lau mặt, rồi một cách vô thức lấy ra hộp phấn và dậm lên mặt mà không soi gương. Rồi chị cất hộp phấn vào nhưng quên cài ví. “Tôi không biết gì nữa,” chị sụt sùi nói, giọng đứt quãng. “Tôi không biết gì cả. Anh ấy có lẽ là một người chồng tốt.”
“Anh ấy là một người như thế.”
Tôi đưa cho chị địa chỉ của bót cảnh sát và nói rằng nó đóng cửa. Tôi nghĩ là chị không nên đến nơi ấy ngay bây giờ. Đã quá đủ cho chị hôm nay.
Khi chị đã đi khỏi, Frau Zalewski từ phòng khách bước ra. “Lúc nãy ngoài cháu, còn ai khác không?” tôi hỏi, giận dữ với chính mình.
“Chỉ có Herr Georg. Cô ấy nói gì?”
“Chẳng nói gì. “
“Thế thì càng tốt.”
“Cũng tùy. Đôi khi lại không.”
“Bác không thương hại cô ấy,” Frau Zalewsky hăm hở nói. “Chẳng thương hại một chút nào.”
“Thương hại là thứ vô ích nhất trên đời,” tôi bực tức. “Đó là mặt trái của lòng hả hê, bác cần phải hiểu như vậy. Mấy giờ rồi nhỉ?”
“Bẩy giờ kém mười lăm.”
“Cháu muốn điện thoại cho Fraulein Hollmann lúc bẩy giờ. Cũng vì không muốn ai nghe. Có thể được chăng?”
“Không có ai ở nhà, trừ Herr Georg. Bác đã phái Frida ra phố. Nếu muốn, cháu có thể ngồi trong bếp. Dây điện thoại chỉ dài đến thế.”
“Tốt.”
Tôi gõ cửa phòng Georg. Đã lâu tôi không gặp anh ấy. Anh ngồi ở bàn viết và trông thảm sầu. Gần bên anh là một đống giấy xé vụn.
“Chào Georg,” tôi nói, “cậu đang làm gì thế?”
“Kiểm điểm tồn kho,” anh trả lời với nụ cười yếu ớt. “Công việc thích hợp cho ngày lễ Giáng Sinh.”
Tôi cúi xuống, đọc một trong những mẩu giấy. Đó là quyển sổ ghi chép công thức hóa học ở trường cao đẳng.
“Tại sao thế?” tôi hỏi.
“Không còn mục đích, Bob.”
Anh gần như trong suốt. Đôi tai như sáp. “Hôm nay cậu đã ăn gì rồi?” tôi hỏi.
“Có khác biệt gì đâu? Không phải là chuyện ấy, dù sao đi nữa. Không phải là thức ăn. Nhưng tớ không thể tiếp tục. Tớ phải đầu hàng mất thôi.”
“Tệ đến vậy sao?”
“Vâng,” anh đáp.
“Georg,” tôi bình tĩnh nói, “hãy nhìn tớ. Thế cậu nghĩ rằng tớ chưa bao giờ mong muốn trở thành một thứ gì khác hơn là thợ đàn dương cầm trong một ổ điếm ở quán Café International?”
Anh nắn bóp những đốt tay mình. “Tớ hiểu, Bob. Nhưng chuyện ấy không giúp gì cho tớ. Với tớ, đó là tất cả. Và bây giờ tớ không còn thấy một mục đích nào trong đó. Không có mục tiêu ở đâu cả. Chúng ta sống để làm gì, tớ muốn biết.”
Tôi không thể nín cười, anh ấy ngồi đó khổ sở đến vậy và cảm nhận sự việc một cách đen tối. “Cậu ngố lắm, ngốc ạ” tôi nói. “Cậu khám phá được một điều gì đó. Thế rồi cậu cho rằng chỉ có một mình cậu là thông thái hay sao? Dĩ nhiên, chẳng có mục đích gì sất. Ta không sống vì một mục đích, dù thế nào chăng nữa. Thời bây giờ chẳng còn đơn giản như xưa. Nào, thay quần áo. Đi với tớ đến quán International. Chúng ta sẽ liên hoan mừng ngày cậu bước vào đời. Cho tới giờ này, cậu vẫn chỉ là một đứa học trò. Tớ sẽ ghé đón cậu trong nửa tiếng.”
“Không,” anh nói. Anh còn mê mãi nơi đâu.
“Có, cậu phải đi,” tôi nói. “Làm ơn cho tớ đêm nay. Tớ không muốn đi một mình.”
Anh nhìn tôi, nghi ngờ. “Nếu cậu muốn,” anh chán chường nói. “Nói cho cùng, có khác gì đâu.”
“Này, cậu đã thấy rồi,” tôi nói, “đấy là một khẩu hiệu khá hay cho một người mới.”
Lúc bẩy giờ tối, tôi gọi điện thoại cho Pat. Sau bẩy giờ cước phí giảm phân nửa nên tôi có thể nói chuyện lâu gấp đôi. Tôi ngồi trên bàn ở hành lang và chờ. Tôi không muốn vào bếp. Nó sặc mùi đậu Hòa Lan, và tôi không muốn liên hệ nàng với cái mùi ấy.
Mười lăm phút sau đường dây được nối kết. Pat đến máy điện thoại tức thì. Khi nghe giọng nói ấm, trầm và có chút ngập ngừng của Pat gần kề, tôi trở nên kích động đến nỗi không thốt ra lời. Đó là một cảm giác như run rẩy, như nung nấu máu, mà không một nỗ lực nào của ý chí có thể ảnh hưởng…
“Chúa ơi, Pat,” tôi nói, “thực sự là em đấy à?”
Nàng cười to. “Anh đang ở đâu? Tại văn phòng xưởng sửa xe?”
“Không, anh đang ngồi trên bàn ở nhà trọ bà Zalewski. Em khỏe không?”
“Ơ thì, anh yêu.”
“Em ngồi?”
“Vậng. Em ngồi ở bục cửa sổ trong phòng và khoác cái áo choàng tắm màu trắng của em. Tuyết đang rơi ngoài kia.”
Bỗng dưng tôi thấy nàng rất rõ. Tôi thấy những hoa tuyết lượn rơi. Tôi thấy cái đầu thanh tú, tóc sậm, đôi vai thon hơi nghiêng về phía trước, làn da nâu đồng.
“Tin anh, Pat,” tôi nói, “tiền bạc khốn nạn. Nếu chẳng phải vì nó, anh đã ngồi trên một chuyến phi cơ, và đến nơi ấy trước khi đêm tàn.”
“Ach, anh yêu –“
Nàng im bặt. Tôi lắng nghe tiếng nhiễu âm lào xào, vi vu trong máy. “Em vẫn còn đấy chứ Pat?”
“Vâng, Robby. Nhưng anh đừng nói như thế nữa. Làm em chóng mặt.”
“Anh cũng thấy choáng váng,” tôi nói. “Kể cho anh nghe những gì em làm trên ấy.”
Nàng bắt đầu, nhưng chẳng bao lâu tôi không còn theo dõi. Tôi chỉ nghe giọng nói của nàng, và trong khi tôi ngồi đó trên cái bàn trong hành lang tối om, giữa đầu con lợn lòi và nhà bếp với mớ đậu Hòa Lan, một cánh cửa dường như mở ra và một làn sóng của ấm áp và ánh sáng đùa vào, vỗ về và tươi sáng, đầy những giấc mơ và ước muốn và tuổi trẻ. Tôi chống chân vào bàn, tôi tựa đầu trong tay, tôi nhìn đầu con lợn lòi và cánh cửa nhà bếp đáng ghét, nhưng chẳng đặng đừng — mùa hè bất chợt có mặt ở đó; gió, hoàng hôn trên cánh đồng bắp, và ánh sáng xanh lục của lối vào rừng.
Tiếng nói ngừng. Tôi thở sâu. “Thật vui được nói chuyện với em, Pat. Và tối nay em làm gì?”
“Tối nay có một tiệc nhỏ. Bắt đầu lúc tám giờ. Em vừa khởi sự thay y phục.”
“Em sẽ mặc áo nào? Chiếc áo màu bạc?”
“Vâng, Robby. Chiếc áo màu bạc mà anh đã bế em đi trên hành lang vào phòng.”
“Và em sẽ cùng đi với ai?”
“Không ai cả. Tiệc ở ngay đây. Tại phòng khánh tiết dưới lầu. Mọi người đều quen nhau, anh hiểu chứ.”
“Chắc khó khăn lắm cho em, mặc chiếc áo bạc và không lừa dối anh.”
Nàng cười. “Không đời nào với chiếc áo ấy. Em có những kỷ niệm đẹp với nó.”
“Anh cũng thế. Anh đã nhìn thấy hiệu lực của nó. Nhưng anh sẽ không hỏi đến chi tiết, có thế thôi. Em có thể lừa dối nếu em thích, anh chỉ không muốn biết. Sau này, khi em trở về, nó sẽ chỉ là một giấc mơ của em, đã qua và đã lãng quên.”
“Ach, Robby,” nàng chậm rãi nói và giọng trầm hơn. “Em không thể lừa dối anh. Em nghĩ đến anh nhiều lắm làm sao có thể lừa dối. Anh không biết cuộc sống ở đây ra sao. Giam cầm trong nắng đẹp. Ta phải gắng tạo niềm vui cho bản thân, có thế thôi. Khi em nhớ tới căn phòng của anh, đôi khi em không biết làm gì; rồi em ra trạm xe lửa và ngắm những chuyến tàu từ dưới lên đây, và nghĩ rằng em sẽ gần anh hơn nếu em có thể ngồi vào toa, hay giả vờ đón một người nào đó.”
Tôi cắn môi. Tôi chưa bao giờ nghe nàng nói như thế. Nàng luôn luôn e lệ, và kín đáo bày tỏ ý thích qua một cử chỉ, một cái liếc nhìn hơn là lời nói.
“Anh sẽ lo liệu để có lúc nào đó, anh đến thăm em, Pat.” tôi nói.
“Thật ư, Robby?”
“Cuối tháng Giêng, có lẽ.”
Tôi biết khó làm được điều ấy; từ tháng Hai trở đi chúng tôi phải chạy vạy kiếm tiền đóng viện phí cho nàng. Nhưng tôi cứ hứa, để nàng có một điều gì mà nghĩ tới. Rồi sau đó sẽ chẳng khó khăn lắm để trì hoãn cho đến khi nàng trở lại.
“Tạm biệt em, Pat,” tôi nói. “Cố giữ gìn sức khỏe. Hãy hạnh phúc, rồi anh cũng hạnh phúc theo. Em có một đêm vui nhé.”
“Vâng, Robby, em đang hạnh phúc.”
Tôi đón Georg và đi đến Café International. Thật khó nhận ra cái quán cũ, tồi tàn, đầy khói. Cây Giáng Sinh giăng đèn rực rỡ và ánh sáng ấm cúng của nó phản chiếu trên chai lọ, ly tách và các chỗ bằng kền và đồng ở quầy rượu. Những cô gái giang hồ mặc áo dạ hội, đeo đầy nữ trang giả, ngồi quanh bàn chờ đợi.
Đúng tám giờ, ban hợp xướng của Hội những người chăn nuôi gia súc đổ vào. Họ sắp xếp ở cửa, theo vai trò, từ giọng nam cao chính bên phải đến giọng trầm phụ cuối hàng bên trái. Stefan Grigoleit, góa vợ và lái buôn lợn, cầm cái âm thoa, đánh lên một nốt chuẩn rồi họ bắt đầu hợp ca bốn bè: —
Ô Đêm Thánh, hãy đong đầy trái tim chúng con với hòa bình thiên giới,
Ban cho người hành hương khốn khó chỗ nghĩ ngơi; rót nhựa thơm lên vết thương của hắn,
Những vì sao lấp lánh, sáng trên nền trời xanh,
Tìm cách dẫn đường cho chúng con về với người — hướng thiên đàng, chốn quê nhà.
“Cảm động quá,” Rosa nói, lau mắt.
Lời ca thứ hai lịm dần. Những tràng pháo tay nổ lên như sấm. Ban hợp xướng cúi chào cảm tạ. Stefan Grigoleit chùi mồ hôi trán. “Beethoven vẫn cứ là Beethoven,” ông tuyên bố. Không ai chống đối. Stefan cất miếng giẻ lau mồ hôi. “Và bây giờ, sẳn sàng chiến đấu.”
Bàn ăn ở phòng câu lạc bộ. Giữa bàn, hai con heo sữa, dòn rụm và nâu, ngự ở những đĩa bạc bên trên các ngọn đèn cồn nhỏ. Chúng ngậm các quả chanh trong mồm, cành thông bỏng cháy trên lưng, và chúng không còn ngạc nhiên về bất kỳ điều gì nữa.
Alois xuất hiện trong bộ áo đuôi tôm mới nhuộm, quà tặng của ông chủ quán. Ông chủ đem đến nửa chục bình Steinhager và rót đầy ly mọi người. Đến cùng lúc là Potter, thuộc Hội Hỏa Táng, vừa từ một đám tang trở về. “Bình an dưới thế,” ông trịnh trọng nói, bắt tay Rosa và ngồi xuống bên cạnh.
Stefan Gregoleit, lập tức mời Georg ngồi vào bàn, đứng dậy và đọc bài diễn văn ngắn ngọn nhất và hay nhất đời ông. Ông nâng ly rượu gin sủi tăm của mình, nhìn quanh, rạng ngời hạnh phúc, và hét to “Pros’t!” Rồi ông ngồi xuống và Alois mang ra các thứ giò lợn, xúc xích và khoai tây chiên mỏng. Ông chủ tiệc đem đến những ly cối đựng bia Pilsener.
“Ăn chầm chậm nhé, Georg,” tôi nhắc. “Trước tiên, dạ dầy cậu cần phải thích nghi với thịt mỡ.”
“Tớ cần phải thích ứng toàn thể con người tớ trước nhất,” cậu nói và nhìn tôi.
“Không lâu lắm đâu,” tôi nói. “Không so sánh gì cả, chỉ thế thôi. Rồi sẽ ổn.”
Anh chàng gật đầu và cúi mọp trên dĩa thức ăn.
Bất thình lình có tiếng cãi nhau ở cuối bàn. Giọng nói oang oang của Potter vượt trên tiếng ồn của bửa tiệc. Ông nài ép một trong những khách mời, Bush, lái buôn xì gà, uống với mình, nhưng Busch từ chối, viện cớ phải dành bụng để được ăn nhiều hơn.
“Thậm vô lý,” Potter gắt. “Muốn ăn, cần phải uống. Nếu uống, ông lại càng ăn được nhiều hơn.”
“Rõ thối,” Busch, một người cao, gầy với cái mủi tẹt và cặp kính gọng sừng, ồm ồm nói.
Potter nhảy dựng. “Rõ thối?’ Ông nói với tôi như thế hả, đồ cú vọ thuốc lá?”
“Xin can,” Stefan Grigoleit kêu gọi. “Không được cãi trong đêm Giáng Sinh.”
Rồi ông bảo họ giải thích lý do chuyện lộn xộn và đưa ra một đáp án kiểu Salomon. Nên thử nghiệm. Trước mặt mỗi phe tranh chấp là những dĩa thức ăn kích thước như nhau chứa thịt, khoai tây và xúc xích. Những khẩu phần khổng lồ. Potter được phép uống bất kỳ thứ gì, Busch được quyền không uống. Để thêm phần hấp dẫn, cho đặt cuộc. Grigoleit lãnh việc tính toán.
Những ly bia xếp thành một tràng hoa chung quanh Potter, thỉnh thoảng điểm xuyết với những cốc nhỏ, như kim cương, đựng Steinhager. Cá ba ăn một cho Potter. Rồi Grigoleit làm hiệu khởi đầu.
Busch cần cù nhai nuốt, cúi người trên đĩa thức ăn. Potter chiến đấu ở vị thế thoáng, thẳng. Cứ mỗi ngụm bia rượu, ông ta lại phấn khởi reo “Pros’t” với Busch, và được đáp trả bằng một cái nhìn khinh khỉnh.
“Tớ thấy đau bụng,” Georg nói với tôi.
“Đi theo tớ.” Tôi dẫn anh ấy vào phòng vệ sinh và ngồi chờ ở phòng ngoài. Hương thơm dịu dàng của nến hòa với tiếng lắc rắc và mùi khen khét của lá thông cháy. Và thình lình dường như tôi nghe được tiếng chân nhẹ nhàng yêu dấu, cảm được hơi thở ấm áp, và nhìn thấy đôi mắt…
“Chết thật,” tôi nói và đứng lên. “Chuyện gì xảy ra với mình đây?’
Cùng một lúc tôi nghe tiếng hò reo tở mở. “Potter! Hoan nghênh Aloysius!”
Hội Hỏa Táng thắng.
Ở phòng trong, xì gà được đốt và cognac được chuyền tay. Tôi tiếp tục ngồi gần quày rượu. Các cô gái hớn hở bước tới, thầm thì với nhau.
“Các cô định làm gì thế?” tôi hỏi.
“Tụi này sắp mở quà,” Marian đáp.
“Ach, thế à,” tôi tựa đầu lên quày rượu và cố tưởng tượng những gì Pat đang làm. Tôi hình dung phòng khách của dưỡng đường, lò sưởi và Pat ngồi ở một cái bàn cạnh cửa sổ với Helga Guttmann và một vài người khác mà tôi không biết. Xa xôi kinh khủng… Một đôi khi tôi vẫn nghĩ rằng, có một ngày khi tôi thức dậy, tất cả mọi thứ đều sẽ chấm dứt, quên lãng, chìm đắm, chết đuối. Không có gì chắn chắn — ngay cả kỷ niệm.
Chuông reo. Các cô gái tất tả đi qua phòng bi- da, như một bày gà mái trong giờ ăn. Rosa đứng đó với cái chuông. Chị vẫy gọi tôi.
Trên bàn bi-da dưới một cây Giáng Sinh nhỏ là những cái đĩa gói bằng giấy lụa. Trên mỗi đĩa có một mẩu giấy nhỏ ghi tên, bên dưới là quà các cô sẽ tặng nhau. Rosa đã chuẩn bị tất cả. Mỗi cô phải có một món quà cho cô khác, gói lại, đưa Rosa, và chị bày biện chúng trên đĩa.
Các cô hớn hở xô lấn nhau, như trẻ con hấp tấp tìm xem càng sớm càng tốt đã nhận được những gì.
“Em không tìm đĩa của em?” Rosa hỏi.
“Đĩa gì?”
“Đĩa của em. Em cũng có quà.”
Đúng thế, tên tôi kìa, hai màu đỏ và đen, và viết hoa nữa chứ. Táo, hạt, cam — một cái áo len Rosa tự tay đan, một cà vạt xanh lục xám từ bà chủ tiệc, một đôi vớ hồng bằng lụa nhân tạo chính cống từ KiKi, một thắt lưng da rất đẹp từ Wally xinh xắn, nửa chai rum từ Alois người hầu bàn, nửa chục khăn tay của Marian, Lina, và Mimi hùn lại, và hai chai cognac của ông chủ tiệc.
“Ôi chao,” tôi nói, “ôi chao, nhưng em chẳng mảy may ngờ.”
“Ngạc nhiên, hả?” Rosa kêu to.
“Vô cùng.”
Tôi đứng đó bối rối, và, chết thật, xúc động tận xương tuỷ.
“Các chị,” tôi nói,”các chị có biết lần cuối tôi được quà Giáng Sinh là khi nào không? Tôi còn chẳng nhớ. Hẳn phải trước chiến tranh. Nhưng tôi lại không có gì để tặng các chị!”
Tôi hoàn toàn không hiểu được một niềm hạnh phúc mãnh liệt đang òa vỡ quanh tôi.
“Nhưng cậu luôn luôn đàn cho chúng tôi nghe,” Lina nói, đỏ mặt.
“Phải đó, đàn vài bản cho chúng tôi, đó là quà của cậu.”Rosa nói.
” “Tất cả những bài các chị thích,” tôi nói. “Tất cả những bài các chị thích.”
“Một bài nhắc nhở thời thơ ấu,” Marian nói.
“Không, bài nào vui cơ.” Kiki phản đối.
Anh bị áp đảo. Trong bấy kỳ tình huống nào, gần như không bao giờ anh được coi như một người đàn ông. Tôi ngồi trước dương cầm và bắt đầu. Mọi người hát theo.
Từ thời thơ dại — có một bài ca đến với tôi…
Ôi, đã xa lắm rồi — nơi từng là quê hương
Bà chủ tiệc tắt hết đèn điện. Chỉ còn ánh sáng mơ màng của những ngọn nến. Vòi của vại bia róc rách như khe suối trong rừng và Alois chân bẹt đi tới đi lui ở hậu trường như Pan, thần chăn nuôi tóc đen. Tôi đàn qua lời thứ nhì. Với những đôi mắt long lanh và gương mặt sáng sủa của tầng lớp trung lưu, các cô đứng quanh đàn dương cầm — nhưng nhìn kia, ai đang sụt sùi? Kiki, Kiki quê ở Luckenwalde.
Cửa phòng câu lạc bộ mở nhẹ nhàng. Ban hợp xướng, ngâm nga, theo nhịp quân hành, chân đá cao, bước ra xếp thứ tự đàng sau các cô, Grigoleit dẫn đầu với điếu xì gà Ba Tây.
Lần đầu khi tôi nói lời chia tay –thế giới dường như trọn vẹn,
Lúc tôi trở lại –không còn chi nữa!!!
Bản hợp ca nhẹ nhàng chấm dứt. “Hay quá,” Lina nói.
Rosa đốt những cây nến ảo thuật. Chúng kêu xèo xèo, phun phì phì.
“Rồi, bây giờ đến lúc vui nhộn chứ, ” chị nói. “Chúng ta phải giúp cho Kiki vui lên.”
“Cả tôi nữa,” Stefan Grigoleit nói.
Lúc mười một giờ Koster và Lenz đến. Với Georg, vẫn xanh xao, chúng tôi ngồi ở một bàn cạnh quầy rượu. Chúng tôi đưa Georg ăn vài miếng bánh mì khô cho chắc bụng. Chẳng bao lâu Lenz đã biến mất trong đám hỗn độn những người chăn gia súc. Mười lăm phút sau anh xuất hiện ở quầy với Grigoleit. Hai người khóa cánh tay và thề thốt tình huynh đệ đời đời.
“Stefan,” Grigoleit nói.
“Gottfried,” Lenz đáp và cả hai nốc cạn ly.
“Ngày mai tớ sẽ gởi cậu một gói xúc xích huyết và gan, Gottfried. Được không?”
“Vô cùng thích hợp.” Lenz vỗ vai ông ta.”Stefan tốt bụng thật!”
Stefan rạng rỡ. “Cậu có giọng cười hay tuyệt,” ông nói, “tôi thích những người cười nói vui vẻ. Tôi dễ bị trầm cảm, đó là nhược điểm của tôi.”
“Tôi cũng vậy,” Lenz nói, “vì thế tôi hay cười, lẽ dĩ nhiên. Bob, tới đây, uống một ly với chúng tôi, những quán quân cười mãi không thôi.”
Tôi đến bên họ. “Cái cậu kia thì sao?” Stefan hỏi, chỉ vào Georg.”Trông cậu ấy cũng sầu thảm lắm.”
“Tuy thế, chẳng cần nhiều mấy để cậu ấy hạnh phúc,” tôi nói. “Cậu ấy chỉ cần một việc làm khiêm tốn.”
“Không dễ tìm,” Stefan nói, “thời buổi này.”
“Cậu ấy sẽ làm bất cứ công việc gì.”
“Ai cũng sẽ làm bất cứ công việc gì, trong thời buổi này.” Stefan tỉnh táo ra.
“Cậu ấy chỉ cần bẩy mươi lăm marks mỗi tháng.”
“Không thể nào được. Cậu ấy không thể sống nổi.”
“Cậu ấy quả tình sống chỉ với số tiền ấy,” Lenz nói.
“Gottfried,” Grigoleit đáp, “Tôi là một thằng già ghiền rượu. Tốt thôi. Nhưng công việc là một vấn đề nghiêm chỉnh. Không phải thứ mà ta cho ra hôm nay và lấy lại ngày mai. Như thế còn tệ hơn để một người cưới vợ và bắt đi bà vợ sáng hôm sau. Nhưng nếu cậu ấy thật thà và có thể sống chỉ với bẩy mươi lăm marks, hẳn cậu ấy đã trải qua một thời kỳ đen tối. Cậu ấy có thể đến gặp tôi, tám giờ sáng thứ ba. Tôi cần một phụ tá điều hành trại chăn nuôi và những thứ khác. Thỉnh thoảng tôi sẽ thưởng thêm dăm ba gói thịt. Cậu ấy gầy trơ bẹ sườn, cần ăn cho đầy đặn một chút.”
“Hứa danh dự chứ?”
“Lời nói danh dự của Stefan Greigoleit.”
“Georg,” tôi gọi. “Đến đây một phút.”
Anh run lên khi nghe tin. Tôi trở lại với Koster.
“Nghe này,Otto,” tôi nói, “nếu có thể sống cuộc đời mình một lần nữa, cậu có muốn không?”
“Như cuộc đời cũ?”
“Vâng.”
“Không.”
“Tớ cũng thế,” tôi nói.