Chiến hữu

CHƯƠNG 27



Mấy ngày sau đó tuyết rơi không ngừng. Pat lên cơn sốt, và phải nằm nghĩ. Hầu hết các bệnh nhân đều sốt.
“Chính là thời tiết,” Antonio nói. “Gió fohn. Quá ấm. Thứ thời tiết thường gây sốt.”
“Hãy ra ngoài chơi một lúc, anh yêu,” Pat nói. “Anh biết trượt tuyết chứ?”
“Không. Làm sao anh biết? Anh chưa bao giờ sống ở vùng núi.”
“Antonio sẽ hướng dẫn anh. Anh ấy sẽ vui. Và anh ấy mến anh.”
“Anh muốn ở đây với em hơn.”
Nàng ngồi dậy. Áo ngủ trễ quá vai. Bờ vai gầy guộc mỏng. Cả gáy của nàng nữa, cũng thế. “Hãy vì em, ra ngoài chơi, Robert. Em không muốn anh ngồi đây, bên giường bệnh. Hôm qua và hôm kia — quá đủ rồi.”
“Nhưng anh thích ngồi đây,” tôi trả lời. “Anh không mảy may ước muốn ra ngoài tuyết.”
Hơi thở của nàng nặng nề và tôi có thể nghe tiếng khò khè không đều.
“Em có nhiều kinh nghiệm hơn anh về chuyện này,” nàng nói, chống mình trên khủy tay. “Tốt hơn cho cả hai đứa. Rồi anh sẽ thấy.” Nàng cố nở một nụ cười. “Chiều và tối nay, anh tha hồ ngồi ở đây. Buổi sáng em thường bức rức, anh yêu. Khi sốt, người ta trông thê thảm. Đến tối thì khác. Em biết như thế là nông cạn và ngốc nghếch — nhưng em không muốn anh nhìn thấy em xấu như ma.”
“Nhưng Pat!” tôi đứng dậy. “Thôi được, anh sẽ ra ngoài một lát với Antonio. Đến trưa anh trở lại. Hy vọng anh sẽ không bị gẫy miếng xương nào, với ba cái vụ trượt tuyết này.”
“Anh sẽ biết cách chơi mà, anh yêu.” Nàng không có vẻ lo âu nữa. “Chẳng mấy chốc anh sẽ trượt tuyết cừ khôi cho mà xem.”
“Còn em, chẳng mấy chốc em sẽ tống cổ anh khỏi đây, hả?” tôi nói, hôn nàng. Bàn tay nàng ẩm và nóng và đôi môi khô và nứt.
Antonio ngụ ở tầng hai. Anh cho tôi mượn một đôi ủng, khá vừa với chân tôi, vì chúng tôi xấp xỉ một cở với nhau. Chúng tôi đi đến cái dốc thoai thoải dành cho người mới tập nằm bên ngoài làng. Khi bước bên nhau, Antonio nhìn sâu vào mắt tôi. “Sốt làm ta bồn chồn,” anh nói. “Đôi khi những chuyện kỳ quặc xảy ra trong một ngày như thế này.” Anh đặt thanh trượt tuyết xuống và buộc nó vào chân. “Điều khó nhất là phải chờ đợi và không thể làm gì cả. Khiến ta phát rồ lên chứ chẳng chơi.”
“Những người khỏe mạnh, cũng thế,” tôi nói. “Phải chờ đợi và không thể làm gì được…”
Anh gật đầu. “Một số ít chúng tôi hoạt động,” anh tiếp tục nói; “vài người đọc hết tất cả sách trong thư viện. Nhưng đại đa số biến thành trẻ con, họ trốn không tuân lệnh nằm nghĩ dưỡng trên giường, như ngày xưa họ trốn tập thể dục, và giật mình cười khúc khích, núp vào tủ nếu có bác sĩ ở gần đó. Lén hút thuốc lá, bí mật uống rượu, mở tiệc lậu nửa đêm, ngồi lê đôi mách, đùa dai — chỉ để quên đi sự trống rỗng. Và sự thật. Một cách giả vờ; nông cạn, và có lẽ, ngay cả vậy, để quên cái chết một cách anh hùng. Nói cho cùng, họ còn lại gì?”
Vâng, tôi nghĩ, nói cho cùng tất cả chúng ta còn lại gì?
“Chúng ta tập thử nhé?” Antonio hỏi, chỏi đôi gậy của anh vào tuyết.
“Vâng.”
Anh chỉ tôi cách buộc giày vào thanh trợt, và cách giữ thăng bằng. Không khó lắm. Tôi bị ngã vài lượt nhưng tôi quen đi và có thể trượt một chút ít. Một giờ sau chúng tôi ngừng lại.
“Được rồi,” Antonio nói. “Bấy nhiêu, vừa đủ cho cậu biết các bắp thịt nhức mỏi đến đâu.”
“Ra ngoài trời, cũng tốt đấy, Antonio,” tôi nói.
Anh gật đầu. “Chúng ta có thể đi chơi mỗi sáng. Làm giảm bớt lo âu.”
“Chúng ta nên tới quán nào đó, uống một ly?”
“Được chứ. Một ly Dubonnet ở Forster’s.”
Chúng tôi uống Dubonnet và quay trở lại dưỡng đường. Tại văn phòng, cô thư ký bảo tôi là có người đưa thư muốn tìm; ông nhắn tôi ra bưu điện để lãnh tiền. Tôi nhìn đồng hồ tay. Còn đủ thì giờ, và tôi trở lại. Ở trạm bưu điện, họ phát cho tôi hai ngàn marks. Và cả thư của Koster. Tôi không cần lo lắng; vẫn có tiền nếu tôi muốn. Tôi chỉ cần viết cho anh.
Tôi chăm chú nhìn mấy tờ giấy bạc. Anh kiếm chúng ở đâu? Và nhanh đến thế. Tôi biết rành công việc của chúng tôi. Bỗng thình lình tôi hiểu ra. Tôi thấy lại Bollwies, mê đua xe, chủ xưởng may quần áo, đêm ấy ở quán “The Bar” khi thua cuộc, gõ gõ môt cách thèm muốn vào Karl và nói: “Tôi sằn sàng mua xe này bất kỳ lúc nào.” Vâng, con bà nó, Koster đã bán Karl. Vì thế mới có tiền nhanh như vậy. Karl, vật mà anh nói, chẳng thà mất một cánh tay hơn là mất nó — Đã mất Karl. Bây giờ nó đang nằm trong bàn tay mập ú của ông chủ xưởng may, và Otto, đôi tai có thể nhận ra tiếng máy của nó từ hàng dặm xa, bây giờ sẽ nghe tiếng gào rú của nó trên đường phố như tiếng tru của một con chó hoang.
Tôi nhét vào túi thư của Koster và cái gói nhỏ đựng mấy lọ morphine. Không biết làm gì, tôi đứng thừ ra trước quày. Tôi ước gì mình có thể gởi trả lại tiền, nhưng không thể; chúng tôi cần nó. Tôi vuốt cho thẳng những tờ giấy bạc và cất vào túi. Rồi tôi đi ra. Con bà nó — từ nay trở đi tôi phải đánh một vòng rộng tránh những chiếc xe hơi. Xe là bạn, nhưng Karl còn hơn thế với chúng tôi. Karl là một chiến hữu. Karl, Con Ma Đường Lộ. Chúng tôi thuộc về nhau. Karl và Koster. Karl và Lenz, Karl và Pat…
Giận dữ và bất lực, tôi dẫm mạnh chân lên tuyết. Đã mất Karl. Còn Pat? Tôi đưa đôi mắt quáng nắng trừng trừng nhìn lên trời cao, bầu trời xám, vô tận này của một đấng tạo hóa điên cuồng, đã kiến tạo ra cuộc sống và cái chết, để mà chơi.
Buổi chiều, gió đổi hướng, trời trong hơn và lạnh hơn, và đến tối thì Pat khỏe ra. Sáng hôm sau, nàng đã có thể ngồi dậy, và mấy ngày sau nữa, khi Roth, người lành bệnh ra về, nàng còn có thể xuống nhà, đến sân ga.
Một đám đông vây quanh Roth. Đây là tục lệ ở đây mỗi khi có người xuất viện. Roth không lấy gì phấn khởi cho mấy. Anh gặp vận xui theo kiểu riêng của anh. Hai năm trước, một chuyên gia, trả lời câu hỏi của anh rằng anh còn sống được bao lâu, đã nói anh sẽ sống được hai năm ở ngoài, với điều kiện phải chăm sóc bản thân. Để chắc chắn, anh hỏi thêm ý kiến một bác sĩ khác. Ông này ước lượng một thời gian còn ngắn hơn nữa. Vì thế Roth thu thập tất cả tiền của, chia làm hai phần, tiêu pha thỏa thích và không bận tâm đến căn bệnh của mình. Cuối cùng với một cơn thổ huyết trầm trọng, anh được đưa vào dưỡng đường. Tại đây, thay vì lịm chết, anh lại dần dà phục hồi. Khi mới đến, anh nặng bốn mươi mốt kí. Hiện nay, anh cân được sáu mươi tám kí và khỏe mạnh đến nỗi được cho về. Nhưng anh không còn tiền.
“Tớ sẽ làm gì đây?” anh hỏi, gãi mái tóc hoe vàng. “Cậu mới lên, phải không? Tình hình ở dưới ra sao?’
“Nhiều thay đổi lắm,” tôi trả lời, ngắm gương mặt bầu bỉnh với hàng lông mi không màu của anh. Anh khỏi bệnh, dù đã từng tuyệt vọng — những chuyện khác của anh, tôi không quan tâm.
“Tớ cần tìm việc làm,” anh nói. “Có hy vọng gì chăng?”
Tôi nhún vai. Nếu tôi nói có lẽ không thì có ích lợi gì? Chẳng mấy chốc, anh sẽ tự hiểu lấy.
“Cậu có quen biết với ai không?” tôi hỏi.
“Bạn bè –ối trời, cậu biết mà.” Anh cười chua chát. “Khi ta bỗng dưng không còn tiền nữa, họ biến nhanh như đàn bọ chét rời bỏ xác chết. Không chừng ông lang băm của tớ nói đúng khi ông ấy bảo rằng, tớ sẽ ngỏm củ tỏi trong hai năm, dù có lẽ bằng một cách khác — kẹo đồng.”
Thình lình tôi điên tiết với thằng ngốc đang ba hoa chích chòe. Hắn không hiểu cuộc sống là gì cả? Tôi thấy Antonio đi với Pat phía trước, tôi thấy đôi vai và gáy của họ, hao gầy vì móng vuốt của căn bệnh; tôi hiểu họ tha thiết với cuộc sống đến dường nào, và tôi có thể ngay trong giây phút ấy, không run tay giết Roth, nếu như nhờ thế mà Pat được lành bệnh.
Con tàu rời khỏi sân ga. Roth vẫy nón từ giã. Những người còn lại ơi ới gọi, cười cợt. Một cô gái lúp xúp đuổi theo, giọng yếu ớt, đứt khúc. “Au revoir! Au revoir!” Rồi nàng quay trở lại và òa khóc. Những người kia nhăn mặt.
“Mọi người nghe đây!” Antonio nói to. “Ai khóc nhè ở nhà ga phải nộp phạt. Đó là luật từ xưa của dưỡng đường. Tiền phạt sẽ xung vào quỹ của buổi tiệc lần tới.”
Anh trịnh trọng chìa tay. Những người kia cười ầm. Cả cô gái, nước mắt vẫn ướt trên má, cũng cười và lấy từ túi áo khoác một cái ví xác xơ.
Tôi cảm thấy khổ sở. Trên những bộ mặt quanh tôi — không phải là tiếng cười, chỉ là một niềm vui méo mó, co giật, đày đọa — không phải nụ cười mà là nét khổ đau.
“Đi thôi em,” tôi nói với Pat, kéo tay nàng.
Chúng tôi bước đi trong im lặng trên con đường làng. Tôi ghé vào tiệm gần nhất, mua một gói kẹo.
“Hạnh nhân rang,” tôi nói, đưa cho nàng. “Em thích nó, phải không?”
“Robby,” nàng nói, môi run run.
“Đợi anh một chút,” tôi đáp, và đi vào cửa hàng hoa bên cạnh. Tương đối bình tâm, tôi trở ra với một bó hoa hồng.
“Robby,” Pat nói.
Tôi cười buồn. “Anh trở thành hiệp sĩ ở tuổi già, Pat ạ.”
Tôi không biết điều gì đã bất ngờ đánh động chúng tôi. Dường như chuyến tàu ly biệt ấy. Như một bóng tối nặng nề, một cơn gió xám, thổi bay tất cả những gì chúng tôi luyến tiếc. Chúng tôi là đôi trẻ trốn chạy, chẳng biết trời cao đất dầy là gì, nhưng nôn nức muốn duy trì một cuộc chơi gan góc.
“Ta uống một ly, nhanh thôi,” tôi nói.
Nàng gật đầu. Chúng tôi vào quán cà phê gần nhất và ngồi ở bàn cạnh cửa sổ. “Em thích gì, Pat?”
“Rum,” nàng nói và nhìn tôi.
“Rum,” tôi lập lại, tìm tay nàng dưới bàn. Nàng xiết tay tôi.
Rum được mang đến. Bacardi với chanh. “Anh yêu,” nàng nói, nâng ly.
“Em thân yêu,” tôi nói.
Chúng tôi ngồi một lúc.
“Đôi khi, ta thấy kỳ cục, phải không?” Pat nói.
“Vâng. Đúng là thỉnh thoảng ta lại có cảm giác ấy. Nhưng nó sẽ chóng qua.”
Nàng gật đầu. Chúng tôi tiếp tục bước, vai kề bên nhau. Những con ngựa kéo xe trượt tuyết, thở ra hơi nước, chạy nước kiệu vượt qua chúng tôi. Những người trượt tuyết da rám nắng, mệt mỏi. Một đội khúc côn cầu vận áo len hai màu đỏ trắng, hình ảnh của cuộc sống…
“Em cảm thấy thế nào, Pat?” tôi hỏi.
“Tốt, Robby ạ.”
“Phải chi chúng ta cũng được như họ, em nhỉ?”
“Vâng, anh yêu.” Nàng nép vào tay tôi.
Phố vắng tênh. Nắng chiều như một tấm chăn hồng phủ trên dãy núi tuyết.
“Pat,” tôi nói. “Anh chưa nói với em là hiện nay chúng ta có khá nhiều tiền. Koster vừa gửi lên.”
Nàng dừng chân. “Tuyệt vời, Robby. Vậy chúng ta có thể đi chơi một lần nữa, được chứ?”
“Hẳn rồi,” tôi nói, “chúng ta muốn đi chơi bao nhiêu lần cũng được.”
“Vậy thứ Bẩy này ta đến Kursaal. Buổi dạ vũ cuối cùng trong năm sẽ tổ chức ở nơi ấy.”
“Nhưng em không được ở qua đêm mà.”
“Hầu hết các bệnh nhân đều không được ở qua đêm, nhưng họ vẫn đi.”
Tôi làm mặt nghiêm.
“Robby, trong thời gian anh không có mặt ở đây, em luôn luôn tuân theo lời họ. Em chẳng khác gì bộ mặt điển hình cho sự lo âu. Đã không có lợi, mà còn tàn tệ hơn. Đừng ngắt lời em; em biết anh sẽ nói gì. Em cũng biết, hệ lụy sẽ ra sao. Thế nhưng, với quỹ thời gian còn lại của em, lần này có anh bên cạnh– hãy cho em làm theo ý muốn.”
Ánh nắng chiều chan hòa trên mặt nàng. Nghiêm, lặng và tràn ngập dịu dàng. Chúng tôi đang nói gì? miệng tôi đắng ngắt; chúng tôi không thể đứng ở đây, thảo luận một việc không bao giờ có thể, và không bao giờ nên xảy ra. Và Pat lại là người nói lên những lời ấy! Cam chịu, gần như không hối tiếc, như không một điều gì có thể cản trở, ngay cả những manh mún đáng thương của một hy vọng dối lừa —trong tất cả mọi người, lại là Pat, chẳng lớn hơn một đứa trẻ là bao, Pat –người mà tôi có nhiệm vụ che chắn bảo vệ– Pat, thình lình đã xa cách tôi đến thế, đã quen thuộc và hòa giải với một điều không tên bên kia cuộc đời.
“Em không được nói vậy,” cuối cùng tôi khẻ đáp. “Anh chỉ nghĩ rằng, có lẽ chúng ta nên hỏi ý bác sĩ trước đã.”
“Chúng ta không hỏi ai nữa, không một ai.” Nàng lắc cái đầu thanh tao đáng yêu và nhìn tôi trìu mến. “Em không muốn biết gì nữa. Em chỉ muốn hạnh phúc.”
Buổi chiều, có tiếng nói rầm rì, tiếng chân lui tới trong hành lang của dưỡng đường. Antonio mang đến một lời mời. Sẽ có tiệc ở phòng của ông người Nga.
“Cứ đến dự, đơn giản vậy thôi?” tôi hỏi.
“Ở đây?” Pat hỏi.
“Tại đây cậu có thể làm nhiều thứ mà cậu không thể làm ở nơi khác,” Antonio nói, mỉm cười.
Người Nga là một ông lớn tuổi, da ngăm. Chỗ của ông gồm hai phòng, và trải nhiều thảm. Vài chai schnapps để trên một tủ áo. Phòng tối mờ, chỉ đốt nến. Trong số khách, có một cô Tây Ban Nha trẻ trung, xinh đẹp. Tiệc mừng sinh nhật của nàng.
Không khí lạ kỳ trong căn phòng lung linh ánh nến –gợi nhớ một hầm trú ẩn, nửa tối nửa sáng và tình bằng hữu của những con người gắn bó với nhau trong cùng một số phận.
“Cậu uống gì?” người Nga hỏi. Giọng của ông trầm, ấm.
“Thứ gì cũng quý.”
Ông đem ra một chai cognac và một lọ đựng vodka.
“Cậu khỏe chứ?” ông hỏi.
“Vâng,” tôi cảm thấy hơi ngượng.
Ông đưa tôi một điếu thuốc lá có cán giấy dài. Chúng tôi cùng uống. “Tôi đoán, có lẽ cậu thấy nhiều chuyện ở đây kỳ cục lắm?” ông nói.
“Không đến nỗi,” tôi đáp. “Tôi chưa quen với những cuộc sống đặc biệt bình thường.”
“Vâng,” ông nói, ném một cái nhìn ý nghĩa sang cô Tây Ban Nha. “Nơi đây là một thế giới riêng. Làm người ta thay đổi.”
Tôi gật đầu.
“Một căn bệnh kỳ quặc,” ông nói thêm, trầm ngâm. “Nó làm người ta ham sống hơn. Và đôi khi tốt hơn. Một căn bịnh bí ẩn. Chảy mềm xỉ sắt.” Ông đứng dậy, gật đầu chào tôi và đi về hướng cô Tây Ban Nha đang mỉm cười với ông.
“Như phường chèo, phải không?” có ai đứng sau lưng tôi, hỏi.
Một gương mặt với chiếc càm lẹm. Trán lấm tấm mụn. Cặp mắt xục xạo không ngừng, hừng hực.
“Tôi là khách của ông ấy,” tôi nói. “Còn ông, không phải ư?”
“Tuy thế, nhờ vào đó mà ông ta chinh phục được nhiều phụ nữ,” người đàn ông nói tiếp, dai dẳng, không để ý tới lời nhắc khéo của tôi, “ông ấy chinh phục họ. Cả cô bé ở đàng kia.”
Tôi không trả lời. “Ai thế, em?” tôi hỏi Pat, khi ông ta bỏ đi.
“Một nhạc sĩ. Kéo vĩ cầm. Yêu một cách tuyệt vọng cô gái Tây Ban Nha. Kiểu yêu đương của những người ở đây. Nhưng cô ấy chẳng buồn ngó ngàng tới hắn. Cô ấy yêu ông người Nga.”
“Vậy anh có nên ở vào địa vị của cô ấy?’
Pat cười.
“Dường như đó là một người đàn ông mà em có thể đem lòng yêu,” tôi nói. “Đúng không?”
“Không,” nàng đáp.
“Em có bao giờ yêu ai ở đây chưa?”
“Không nhiều lắm,” nàng nói.
“Nếu có, chẳng ảnh hưởng gì tới anh,” tôi nói.
“Thú nhận hay nhỉ,” Pat ngồi thẳng lại. “Lẽ ra, phải có chứ.”
“Anh không có ý nói thế. Anh không biết giải thích ra sao. Và không thể, vì anh vẫn không biết em đã thấy điều gì nơi anh.”
“Để mặc em với chuyện ấy,” nàng nói.
“Mà em có biết không?”
“Không chính xác,” nàng đáp với một nụ cười. “Nếu em biết rõ, thì chẳng còn là tình yêu nữa.”
Người Nga để lại chai rượu. Tôi rót cho mình vài ly. Không khí ngột ngạt khó thở. Tôi không thích nhìn Pat giữa những người bệnh này.
“Anh không thích chỗ này sao? nàng hỏi.
“Không thích lắm. Anh cần phải quen với nó trước.”
“Khổ thân anh yêu –” Nàng vuốt ve bàn tay tôi.
“Anh không khổ khi có em ở đây,” tôi nói.
“Chẳng phải Rita rất đẹp sao?”
“Không,” tôi nói. “Em đẹp hơn nhiều.”
Cô gái tựa cây tây ban cầm trên đầu gối. Dạo vài hợp âm. Rồi nàng cất tiếng hát và trong phòng như có một con chim đen lượn lờ bên cao. Nàng hát những bài Tây Ban Nha, giọng âm u – thứ giọng khản đặt, yếu ớt của một người bịnh. Tôi không biết có phải vì những bài hát xa lạ não nùng, hay vì giọng ngân run rẩy huyền ảo của nàng, hay vì những khối đen của các người bệnh co rúm trong ghế bành và trên sàn, hay vì gương mặt to, sậm, cúi xuống của người Nga, bỗng nhiên tôi nhận ra, tất cả những bài hát của nàng chỉ là một câu chú trừ tà, tĩnh lặng, nức nở, để xua đuổi cái định mệnh bên ngoài màn cửa đang chực chờ — một lời van lơn, một lời phản kháng, và nỗi lo sợ, lo sợ phải một mình với cõi Hư Không đang im ắng ngấu nghiến.
Sáng hôm sau Pat có một tâm trạng phấn khởi. Nàng bận rộn với chiếc áo. “Áo gì rộng quá, lùm xùm,” nàng nói khẻ, nhìn ngắm nó trong gương. Rồi nàng quay sang tôi. “Anh có mang đồ lớn theo không, anh yêu?”
“Không,” tôi nói. “Anh đâu biết là anh sẽ cần tới nó.”
“Vậy anh tìm Antonia. Anh ấy sẽ cho anh mượn một bộ. Hai người có dáng dấp như nhau.”
“Nhưng anh ấy cũng cần nó.”
“Anh ấy sẽ mặc bộ lễ phục cánh én.” Nàng nhíu một nếp áo. “Và anh đi trượt tuyết đi. Em bận lắm. Em sẽ chẳng làm được gì nếu anh ở gần bên.”
“Antonio của em –” tôi nói. “Anh làm phiền anh ấy nhiều quá. Anh tự hỏi, nếu không có anh ấy, ta biết làm gì bây giờ?”
“Anh ấy là một người tử tế, phải không?”
“Vâng,” tôi đáp. “Em nói đúng — một chàng trai tử tế.”
“Em không biết em ra sao nếu không được anh ấy giúp, khi chỉ có một mình em.”
“Đừng nghĩ tới chuyện ấy nữa,” tôi nói. “Đã qua từ lâu. “
“Vâng,” nàng hôn tôi. “Và bây giờ anh đi trượt tuyết nhé.”
Antonio đã chờ sẳn.
“Có lẽ cậu không mang theo bộ đồ lớn nào,” anh nói. “Thử cái áo này xem.”
Áo chật một tí nhưng cũng tạm ổn. Antonio vui vẻ huýt sáo và treo nó một bên.
“Ngày mai sẽ náo nhiệt lắm,” anh nói. “May phước là cô thư ký sẽ trực đêm mai. Bà Rexroth không đời nào cho chúng ta đi. Chính thức mà nói, những chuyện linh tinh thế này đều bị cấm. Nhưng dĩ nhiên, không chính thức, chúng ta đâu còn là trẻ con nữa.”
Chúng tôi đi trượt tuyết. Tôi đã biết kha khá, và chúng tôi không dùng bãi dành cho người mới học. Trên đường đi, chúng tôi gặp một anh chàng, tay đeo đầy nhẫn kim cương, quần thụng túm ống kẻ ô, và cà vạt hoa hòe phơi phới.
“Trên này có nhiều chuyện ngộ nghĩnh,” tôi nói.
Antonio cười to. “Ông ta là một nhân vật quan trọng. Bạn của người quá cố.”
“Bạn cái gì?” tôi hỏi, kinh ngạc.
“Bạn của người quá cố,” Antonio đáp. “Cậu thấy mà, bệnh nhân ở đây đến từ khắp nơi trên thế giới. Nhất là Nam Mỹ. Lẽ đương nhiên, thân nhân của họ muốn đem họ về nước chôn cất. Vì thế, bạn với người quá cố, như ông ta, hộ tống và đưa quan tài về đến nơi đến chốn. Điều bất ngờ là họ kiếm được nhiều tiền, và được đi đó đi đây. Cái chết làm cho ông ta trở thành một anh chàng ăn diện đỏm đáng, như cậu thấy.”
Chúng tôi leo dốc thêm một lúc, rồi mang thanh trượt tuyết vào và trượt xuống. Những sườn đồi phủ tuyết dợn sóng khi cao khi thấp, và sau lưng chúng tôi, sủa gâu gâu, thỉnh thoảng lại vùi trong tuyết tới ngực, Billy như một trái banh đỏ nâu đuổi theo.
Nó đã thân thiện trở lại với tôi, tuy một đôi khi vẫn quay đầu và chạy như bị ma bắt, đôi tai phất phơ trong gió, về hướng dưỡng đường.
Tôi tập kiểu Christianias, và mỗi lần lướt xuống đồi và chuẩn bị lượn vòng và thả lỏng cơ thể, tôi lại nghĩ: nếu lần này tôi không té, Pat sẽ bình phục. Gió bạt trên mặt tôi, tuyết cứng và dính khắn, nhưng tôi vẫn kiên trì. Tôi tìm tòi những đường trượt gắt hơn, những bãi đất khó hơn; và mỗi khi thành công, tôi lại nghĩ “nàng được cứu!” — và tôi biết như vậy là ngu muội, tuy thế tôi vẫn thấy sung sướng hơn tôi từng cảm thấy trong một thời gian dài.
Một cuộc di dân bí mật và vĩ đại xảy ra vào tối thứ bẩy. Antonio thuê mấy chiếc xe trợt tuyết, chờ sẳn ở một địa điểm dưới thấp, cách dưỡng đường một quãng ngắn. Còn anh lại ngồi vào một tấm ván trượt, hi hô vang lừng, lao xuống đồi, trong giày khiêu vũ và áo khoác hở, để lộ bên trong chiếc gi -lê trắng của bộ đồ lớn.
“Anh ấy điên nhỉ,” tôi nói.
“Anh ấy vẫn thường như thế,” Pat đáp. “Khá vô tư. Như vậy mới chịu đựng được. Nếu không, làm sao anh ấy có thể giữ được tính tình vui vẻ.”
“Để bù đấp, chúng ta sẽ gói ghém em kỹ càng hơn.”
Tôi trùm lên nàng tất cả những chăn và khăn choàng có được. Rồi cỗ xe trượt tuyết lao xuống đồi. Đó là một đoàn xe dài thượt. Người nào có điều kiện cũng đều trốn trại. Trông chúng tôi y như một toán người dự một đám cưới dưới thung lũng, các chùm lông trên đầu mấy chú ngựa dẫn đầu, phơi phới gật gù dưới ánh trăng và những chuỗi cười cùng tiếng la hò không dứt phát ra từ chiếc xe trượt tuyết này đến chiếc xe trượt tuyết khác.
Kursaal được trang hoàng lộng lẫy. Khi chúng tôi đến, cuộc khiêu vũ đã bắt đầu. Một góc phòng cách biệt với các ngọn gió lùa từ cửa sổ được dành cho khách từ dưỡng đường. Góc phòng ấm áp và thơm hương của hoa tươi, nước hoa và rượu nho.
Một số đông ngồi tại bàn chúng tôi –ông người Nga, Rita, chàng nhạc sĩ kéo vĩ cầm, một bà lớn tuổi, một đầu lâu mang đầy châu báu, gã trai lơ của bà ta, Antonio và một vài người khác.
“Nào, Robby,” Pat nói, “hãy thử xem nếu chúng ta khiêu vũ được không.”
Mặt đất chầm chậm quay tròn dưới chân chúng tôi. Tiếng vĩ cầm và trung hồ cầm thướt tha bay bay trên nền nhạc êm ái của giàn hòa tấu. Những cặp chân lã lướt trên sàn.
“Anh yêu, em không ngờ anh khiêu vũ tuyệt vời như vậy,” Pat nói, ngạc nhiên.
“Ơ, làm gì được thế –“
“Thật mà. Anh học ở đâu vậy?”
“Gottfried dạy anh,” tôi nói.
“Tại tiệm sửa xe?’
“Vâng, và ở quán Café International. Lẽ tự nhiên, tụi anh cần có bạn nữ. Rosa, Marian và Wally điểm xuyết cho những bí quyết sau cùng. Nhưng anh e rằng cách khiêu vũ của anh chưa thể gọi là tao nhã được.”
“Ô, đúng thế!” Mắt nàng long lanh. “Khi chúng ta khiêu vũ với nhau lần đầu, Robby.”
Song song với chúng tôi, ông người Nga đang dìu cô Tây Ban Nha trong tay. Ông mỉm cười và gật đầu với chúng tôi. Nàng Tây Ban Nha xanh mướt. Mái tóc đen nhánh của nàng lượn theo đôi mày như cánh của loài quạ. Nàng khiêu vũ với nét mặt long trọng, cố định. Trên cổ tay nàng là chiếc vòng đính những viên bích ngọc to, vuông. Nàng mười tám tuổi. Chàng nhạc sĩ vĩ cầm ngồi ở bàn, đôi mắt thèm thuồng theo dõi.
Chúng tôi trở lại bàn. “Em muốn một điếu thuốc,” Pat nói.
“Em không nên hút, em biết đấy,” tôi thận trọng trả lời.
“Chỉ vài hơi thôi, Robby. Đã lâu lắm, em không hút thuốc.”
Nàng cầm điếu thuốc, nhưng chẳng bao lâu lại bỏ xuống. “Em không thích vị của nó, Robby. Chỉ là em không còn ưa thích nữa.”
Tôi cười to. “Luôn luôn như thế, khi ta đoạn tuyệt với một thứ gì trong thời gian dài.”
“Anh đã đoạn tuyệt với em trong một thời gian dài,” nàng nói.
“Câu đó chỉ đúng với độc dược,” tôi nó: “Rượu chè và thuốc lá.”
“Con người là thứ thuốc độc còn nguy hiểm hơn cả rượu chè và thuốc lá, anh yêu.”
Tôi cười to. “Em là một cô bé tinh ranh, Pat ạ.”
Nàng chống tay lên bàn và nhìn tôi. “Anh chẳng bao giờ nghĩ về em một cách nghiêm chỉnh, phải không?”
“Anh chẳng hề nghĩ đến anh một cách nghiêm chỉnh,” tôi đáp.
“Em cũng thế. Hãy nói thực đi, ít ra một lần.”
“Anh không biết điều ấy. Nhưng anh đã nghĩ đến hai đứa mình một cách cực kỳ nghiêm chỉnh, anh biết thế.”
Nàng mỉm cười. Antonio mời nàng khiêu vũ. Hai người đi ra sàn nhảy. Tôi ngắm họ khiêu vũ với nhau. Mỗi khi lướt ngang qua, nàng lại mỉm cười. Chiếc áo dạ hội bạc của nàng hầu như không chạm đất. Nàng có sự uyển chuyển nhanh nhẹn của một con sơn dương.
Ông người Nga lại đang khiêu vũ với nàng Tây Ban Nha. Cả hai đều im lặng. Gương mặt to, da sậm của ông tràn ngập một nỗi dịu dàng. Chàng nhạc sĩ vĩ cầm đã cố mời cô nàng. Nàng chỉ lắc đầu và ra sàn nhảy với ông người Nga.
Chàng nhạc sĩ bẻ gẫy điếu thuốc lá trong những ngón tay dài, xương xẩu. Bỗng nhiên tôi cảm thấy thương hại hắn. Tôi mời một điếu khác. Anh chàng khước từ. “Tớ phải chăm lo sức khỏe của mình,” anh chàng nói, rấm rức.
Tôi gật đầu. “Lão ấy,” anh chàng nói tiếp, cười khẩy, chỉ về phía ông người Nga, “hút năm mươi điếu một ngày.”
“Ai làm chuyện của người ấy,” tôi đáp.
“Cô ấy không muốn khiêu vũ với tớ, nhưng rồi tớ sẽ mời được.”
“Ai chứ?”
“Rita.”
Hắn nhích lại gần tôi. “Có dạo tớ đã kết thân với cô ấy. Chơi bài với nhau. Rồi thằng cha Nga đến, rù quến cô ấy với những lời nói tràng giang đại hải. Nhưng tớ sẽ đoạt lại cô ấy.”
“Vậy cậu phải nỗ lực hết mình,” tôi nói. Tôi không thích hắn.
Hắn bật ra một tràng cười yếu ớt. “Nỗ lực cái mốc xì, ngốc tử? Tớ chỉ phải chờ đợi mà thôi.”
“Vậy cứ tha hồ chờ.”
“Năm mươi điếu,” gã thầm thì, “mỗi ngày. Tớ đã xem hình phổi của lão hôm qua. Thủng lỗ chỗ. Đời tàn.” Hắn cười to. “Tụi tớ đều khởi đầu như nhau. Ta có thể hoán đổi phim phổi của mọi người. Cậu phải thấy sự khác biệt bây giờ! Tớ lên được một kí lô. Không, cậu bé, tớ chỉ cần chờ đợi, và chăm sóc sức khỏe của mình. Tớ trông cho mau đến lần chụp hình phổi kỳ tới. Y tá luôn luôn đưa tớ xem. Chờ đợi, có thế thôi. Khi lão ta không còn nữa, sẽ tới phần tớ.”
“Cũng là một cách, tớ đoán,” tôi nói.
“Một cách,” hắn nhái tôi; “là cách duy nhất, thằng khờ ạ. Nếu lúc này tớ chen vào, làm kỳ đà cản mủi, thì chỉ tổ làm hỏng mất cơ hội về sau của tớ. Không — phải thân thiện, bình tĩnh — chờ –“
Không khí trở nên rin rít và nặng nề. Pat ho khúc khắc. Tôi để ý thấy nàng nhìn tôi ra vẻ lo lắng, nên tôi giả vờ như chẳng nghe gì. Người đàn bà lớn tuổi với nhiều ngọc trai chỉ im lặng, ngồi lọt thỏm trong ghế của mình. Thỉnh thoảng bà ấy lại ré lên một tràng cười lạnh buốt. Cái đầu lâu đang cãi cọ với gã trai lơ. Ông người Nga hút liên miên, hết điếu này sang điếu khác. Người nhạc sĩ vĩ cầm mồi lửa cho ông. Một cô gái bỗng dưng nức lên, lấy khăn tay che miệng, chăm chú nhìn vào và tái mặt.
Tôi nhìn quanh phòng. Ngoài kia là bàn của những du khách đến chơi các môn thể thao mùa đông; còn đây là bàn của giai cấp trung lưu thành thị, người Pháp, người Anh, người Hòa Lan ngồi đấy với những âm tiết thô thiển, tầm thường trong lời nói của họ, gợi nên những cánh đồng cỏ và biển cả — và giữa họ là cái bầy đàn nhỏ bé này của sự bệnh hoạn và chết chóc. Tôi nhìn Pat — những đồng cỏ và biển cả — sóng xô lên bờ và cát và bơi lội –ach, tôi nghĩ, đôi mày thân thương! đôi tay thân thương! cuộc đời thân thương — tôi chỉ có thể yêu mà không thể cứu.
Tôi đứng dậy và đi ra. Tôi cứng nhắc với đè nén và bất lực. Tôi đi chậm trên con đường mòn. Tôi run rẩy vì cái lạnh, và cơn gió thổi sau các ngôi nhà làm tôi rùng mình sởn gáy. Tôi nắm chặt tay và trừng trừng nhìn rặng núi cứng, trắng với một cảm xúc hoang dại pha trộn những niềm vô vọng, giận dữ và đau đớn.
Một cỗ xe trượt tuyết chạy leng keng trên con đường dưới thấp. Tôi trở lại. Pat đi ra đón tôi.
“Nãy giờ anh ở đâu thế?”
“Ở bên ngoài thôi.”
“Anh đang bực dọc?”
“Không đâu.”
“Hãy vui, anh yêu! Hãy vui vẻ hôm nay. Vì em, cho em. Ai biết được, khi nào em sẽ lại có dịp tham dự một buổi dạ vũ khác?”
“Em sẽ đi dự rất thường xuyên.”
Nàng tựa đầu trên vai tôi. “Nếu anh nói thế, chắc phải đúng. Nào, hãy khiêu vũ tiếp. Chúng ta chưa bao giờ khiêu vũ với nhau trước đây.”
Chúng tôi dìu nhau trong tiếng nhạc, và ánh đèn ấm cúng, mờ ảo thật nhân hậu; nó che dấu những quầng thâm mệt mỏi mà đêm khuya đã mang đến trên gương mặt mọi người.
“Em cảm thấy sao, Pat?” tôi hỏi.
“Được lắm, Robby.”
“Trông em đáng yêu lắm, Pat.”
Đôi mắt nàng sáng lên. “Anh thật dễ thương khi khen em như thế.”
Tôi cảm nhận đôi môi khô, ấm của nàng trên gò má mình.
Trời đã rất khuya khi chúng tôi trở lại dưỡng đường. “Hãy nhìn xem, lão ấy bệ rạc ra sao,” người nhạc sĩ cười khẩy, len lén chỉ về hướng ông người Nga.
“Cậu cũng vậy,” tôi bực dọc nói.
Hắn giật mình, lom lom nhìn tôi. “Vâng — dĩ nhiên –đồ lợn lành.” hắn lầm bầm.
Tôi bắt tay ông người Nga. Ông gật đầu với tôi, và nhẹ nhàng, trìu mến giúp cô Tây Ban Nha bước lên những bậc thang. Khi họ đi trên ấy, bóng của bờ lưng rộng, cong của ông và đôi vai gầy mảnh khảnh của cô gái in trên nền sáng yếu ớt của ánh đèn đêm, như thể trọng lượng của toàn thế giới đang đè nặng trên họ. Cái đầu lâu lôi xệch anh chàng điếm đực đang phụng phịu đi vào hành lang. Antonio từ giã chúng tôi. Cuộc chia tay khẽ khàng, gần như vô thanh này, mới ma quái làm sao.
Pat kéo áo qua khỏi đầu. Nàng đứng khom mình, và giật cái áo đang mắc kẹt nơi vai. Áo bị toạt. Pat chăm chú nhìn vết rách.
“Có lẽ nó đã sút ra từ trước,” tôi nói.
“Không sao,” Pat nói. “Có lẽ em sẽ chẳng bao giờ mặc lại nó.”
Nàng chầm chậm gấp nó lại, và không máng vào tủ. Nàng đặt nó vào rương. Nét mặt của nàng đột ngột trở nên rã rời.
“Nhìn đây, anh có cái này,” tôi vội vàng nói, và chìa ra một chai champagne từ trong túi áo khoác. “Cho cuộc liên hoan nho nhỏ của chúng ta.”
Tôi đem ly đến và rót rượu vào. Nàng lại mỉm cười và uống. “Cho hai đứa mình, Pat.”
“Vâng, anh thương, cho cuộc đời đáng yêu của chúng ta.”
Thật lạ lùng sao tất cả những thứ này –căn phòng, sự tĩnh lặng và nỗi khốn khổ của chúng tôi. Và bên ngoài cánh cửa, có phải không cuộc đời cứ trải dài vô tận, với rừng rậm, sông ngòi, và hơi thở khỏe mạnh? Ở bên kia rặng núi trắng, chẳng phải là tháng Ba đã gõ không thôi trên mặt đất đang thức dậy?
“Anh ở lại với em đêm nay chứ, Robby?”
“Vâng, hãy lên giường. Hãy nằm gần nhau đến mức con người có thể, và đặt ly rượu của chúng ta trên chăn và hãy uống.”
Uống… Làn da nâu vàng óng ả… Chờ… Nằm thao thức… Sự tĩnh mịch và ánh sáng khò khè trên khuôn ngực Pat…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.