Chiến hữu

CHƯƠNG 28



Gió fohn thổi và làm tan băng giá. Hơi ấm, ẩm ướt, rì rào ngập trong thung lũng. Tuyết mềm ra, nhỏ giọt từ mái nhà. Biểu đồ thân nhiệt lên cao. Pat phải nằm nghĩ trên giường. Cứ vài giờ, bác sĩ lại ghé vào. Càng lúc ông càng tỏ vẻ lo lắng hơn.
Một hôm tôi đang ăn trưa, Antonio đến gần, và ngồi xuống bên cạnh.
“Rita chết rồi,” anh nói.
“Rita? Hẳn cậu muốn nói tới ông người Nga?”
“Không, Rita, thiếu nữ Tây Ban Nha.”
“Nhưng, làm sao có thể như thế được,” tôi trả lời và có cảm giác máu đóng băng. Rita bệnh nhẹ hơn Pat rất nhiều.
“Nơi đây vẫn xảy ra những chuyện không ngờ,” Antonio buồn rầu nói. “Cô ấy qua đời sáng nay. Cũng vì sưng phổi.”
“Sưng phổi? Đấy lại là một vấn đề khác,” tôi nói, nhẹ người.
“Mười tám tuổi. Khủng khiếp. Chết vật vã.”
“Còn người Nga?”
“Ach, đừng hỏi. Ông ấy không tin, nói rằng nàng chỉ trông như đã chết. Ông ấy ngồi rịt bên giường của nàng, không ai có thể mời khỏi phòng.”
Antonio bỏ đi. Tôi đăm đăm nhìn qua cửa sổ. Rita đã chết; nhưng tôi chỉ ngồi đấy, và nghĩ rằng: Không phải Pat, không phải Pat của tôi.
Trong hành lang bóng bảy, tôi nhìn thấy tay nhạc sĩ vĩ cầm. Tôi chưa kịp đứng lên, hắn đã đến gần. Trông hắn thật thảm thiết.
“Cậu lại hút thuốc,” tôi nói, chỉ để mà nói.
Hắn cười to. “Dĩ nhiên. Tại sao không? Giờ đây? Giờ đây cần quái gì nữa.”
Tôi nhún vai.
“Vui lắm hử, thầy tu? ” Hắn hỏi, cay đắng.
“Cậu đang giận,” tôi nói.
“Giận? Không đâu, bị lừa thì có.” Hắn chồm qua bàn, phà hơi thở sặc mùi cognac vào mặt tôi. “Tớ bị bán đứng. Bị phỉnh gạt. Đồ lợn. Mọi thứ đều là lợn. Cả cậu nữa, một con lợn sùng đạo.”
“Nếu cậu không mắc bệnh, tớ đã quẳng cậu ra khỏi cửa sổ.” tôi nói.
“Bệnh? Bệnh? hắn nhại lại. “Tớ đã lành, lành hẳn hòi; tớ sắp được về. Một trường hợp nang hóa cấp tính huyền diệu! Chuyện khôi hài, phải không?”
“Cậu sẽ biết ơn,” tôi nói. “Một khi ra khỏi đây, cậu sẽ sớm quên đi những nỗi muộn phiền của mình.”
“Vây sao?” hắn trả lời. “Cậu tin như thế à? Cậu là một thằng khùng đầy óc thực dụng, đồ trâu bò kéo cày. Trời phú cho cậu một linh hồn tự mãn.”
Hắn lảo đảo bước đi, nhưng rồi quay trở lại. “Đi theo tớ. Nhậu với nhau, nhé. Tớ sẽ bao hết. Tớ không chịu nỗi cô đơn.”
“Bận lắm,” tôi nói. “Hãy tìm người khác.”
Tôi trở lên phòng của Pat. Nàng nằm, hơi thở nặng nề, với nhiều gối lót dưới lưng. “Anh không đi trượt tuyết ư?
Tôi lắc đầu. “Tuyết đang tan khắp nơi, dở lắm.”
“Anh không đánh cờ với Antonio ư?”
“Không,” tôi nói. “Anh muốn ở đây với em.”
“Robby đáng thương!” nàng cố động đậy. “Ít ra, anh cũng thử tìm một thứ gì để uống chứ?”
“Được mà!”
Tôi qua phòng mình, mang về một chai cognac và một ly thủy tinh.
“Em uống vài giọt nhé?” tôi hỏi. “Em có thể uống chút ít, em biết đấy.”
Nàng nhấp một ngụm nhỏ, và một lát sau, một ngụm khác. Rồi nàng trả lại chiếc ly. Tôi rót rượu vào và uống.
“Anh không nên uống bằng ly của em,” Pat nói.
“Uống như thế, càng ngon.” Tôi rót thêm nữa và uống cạn.
“Không nên thế, Robby. Anh cũng không nên hôn em nữa. Anh lại càng không nên ở gần em. Anh không nên để cho lây bệnh.”
“Anh sẽ hôn em, và anh không ngại gì cả.”
“Không, không được. Và anh không nên ngủ trong giường của em nữa.”
“Được thôi, em sẽ ngủ với anh, trong giường của anh vậy.”
Nàng hé môi phản đối. “Đừng, Robby. Anh còn có một đời để sống. Em muốn anh khỏe mạnh, có một đàn con và một cô vợ.”
“Anh không có vợ con nào khác, trừ em. Em là trẻ con của anh và là vợ của anh.”
Nàng nằm im một lúc. “Em thích có một đứa con với anh, Robby,” rồi nàng nói, dựa má vào vai tôi. “Chưa bao giờ em muốn điều ấy. Chỉ là em chẳng thể tưởng tượng ra. Nhưng gần đây, em thường nghĩ đến chuyện ấy. Cũng tốt khi ta có thể để lại một chút gì. Về sau, thỉnh thoảng khi con nhìn anh, anh sẽ nhớ đến em. Và khi ấy, em sẽ lại có mặt.”
“Chúng ta sẽ có một đứa con,” tôi nói. “Khi em lành bệnh. Anh muốn em sinh cho anh một đứa, Pat. Nhưng phải là con gái, và sẽ đặt tên là Pat.”
Nàng lấy ly rượu từ tay tôi và nhấp một ngụm.
“Có lẽ cũng tốt nếu mình đừng có con, anh yêu. Anh cần phải quên em. Và nếu khi nào anh nhớ đến em, chỉ cần nhớ đến khoảng thời gian êm đẹp mà chúng ta đã có với nhau –không gì khác hơn. Tình mình sắp chấm dứt, và chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được điều ấy. Nhưng anh không nên buồn.”
“Anh buồn khi nghe em nói vậy.”
Nàng nhìn tôi một lúc lâu. “Khi nằm như thế này, ta nghĩ ngợi rất nhiều. Về đủ thứ chuyện mà lạ lùng sao, có lẽ ta không bao giờ nghĩ đến, trong một tình cảnh khác. Anh biết hiện nay em không hiểu gì chăng? Đó là, hai người yêu nhau như chúng ta, thế mà một người phải chết.”
“Bình tỉnh em,” tôi nói. “Trên đời này, một người phải mất trước người kia. Nhưng còn lâu lắm mới đến lượt chúng mình.”
“Người ta chỉ nên chết khi cô độc. Hay khi căm ghét –đừng bao giờ phải chết khi đang yêu.”
Tôi cố nặn ra một nụ cười. “Vâng, Pat,” tôi nói, ủ đôi tay nóng sốt của nàng trong tay tôi. “Nếu chúng ta tạo dựng ra thế gian, có lẽ nó đã tốt đẹp hơn, em nhỉ.”
Nàng gật đầu. “Phải đấy, anh yêu. Chúng ta sẽ không cho phép những việc như thế xảy ra. Phải chi ta được biết điều huyền diệu ẩn náu bên trong. Anh có nghĩ rằng, nó sẽ vẫn tiếp tục?”
“Vâng,” tôi nói. “Nó được tạo dựng quá bết bát, nên không biết cách dừng lại.”
Nàng mỉm cười. “Đấy là một cách giải thích, em đoán. Nhưng anh có nghĩ rằng vật này cũng được tạo ra một cách tồi tệ hay không?” Nàng chỉ tay vào bó hồng vàng, đặt bên giường.
“Chính xác,” tôi đáp; “những chi tiết thì tuyệt vời, nhưng tổng thể lại vô nghĩa. Như thể nó được tạo dựng bởi một người điên loạn, không nghĩ ra điều gì tốt hơn những cuộc đời tuyệt đep mà người ấy sáng tạo ra chỉ để mà hủy diệt.”
“Và rồi tạo dựng lại,” Pat nói.
“Anh cũng không hiểu ý nghĩa của chuyện ấy. Cho đến nay, chuyện ấy chẳng mang đến kết quả gì.”
“Dù sao, anh yêu,” Pat nói, “tạo hóa đã không tệ lắm với cuộc đời chúng ta. Chẳng thể nào tốt đẹp hơn nữa. Chỉ tiếc là ngắn ngủi. Vô cùng ngắn ngủi.”
Mấy hôm sau tôi cảm thấy nhoi nhói trong ngực và ho khan. Một ông bác sĩ đang đi trên hành lang, nghe tiếng ho của tôi, thò đầu qua cửa nhìn vào.
“Mời cậu ghé đến phòng chẩn bệnh.”
“Có bệnh gì đâu,” tôi nói.
“Không phải thế,” ông trả lời. “Vấn đề là, khi ho như vậy, cậu không nên ngồi gần Fraulein Hollmann. Đi theo tôi, nhé.”
Trong phòng khám, với một nỗi hài lòng lạ lùng, tôi cởi áo ra. Khỏe mạnh ở chốn này, dường như là một điều không thể biện bạch. Ta có cảm tưởng ta là một thằng đầu cơ tích trữ hay cáo bệnh để trốn việc.
Bác sĩ tò mò nhìn tôi. “Cậu có vẻ hớn hở nhỉ,” ông nói, nhíu đôi mày.
Rồi ông cẩn thận chẩn đoán. Tôi ngắm nghía những vật dụng tươi sáng trên tường, thở mạnh và sâu, nhanh và ngắn, phình ra và hít vào theo yêu cầu của ông. Trong khi thở như thế, tôi thấy đau nhói nơi lồng ngực và tôi sung sướng, vì bây giờ tôi có ít đi lợi thế đối với nàng.
“Cậu bị cảm lạnh,” bác sĩ nói. “Nằm trong giường một hai ngày, hoặc là luôn luôn ở trong phòng của cậu. Không được đi qua phòng Fraulein Hollmann.”
“Tôi có thể nói xuyên qua cửa?” tôi hỏi. “Hay ngoài ban công?’
“Ngoài ban công, vâng, nhưng vài phút thôi nhé, và nói xuyên qua cửa, cũng được, miễn là cậu phải súc miệng kỹ với thuốc khử trùng. Ngoài cảm lạnh ra, cậu còn bị chứng ho của người nghiền thuốc lá.”
“Còn phổi thì sao ạ?” tôi có chút hy vọng rằng ít ra cũng có một vài chi tiết trong ấy không được bình thường cho lắm. Như thế tôi sẽ cảm thấy bớt áy náy với Pat.
“Tôi có thể tách phổi của cậu làm thành ba đôi,” bác sĩ nói. “Cậu là người khỏe mạnh nhất đã từ lâu tôi không gặp. Gan của cậu hơi cứng, chỉ vậy thôi. Có lẽ cậu uống rượu nhiều quá.”
Ông viết toa thuốc cho tôi, và tôi trở về phòng.
“Robby,” Pat gọi từ phòng của nàng, “ông ấy nói gì thế?”
“Anh không được qua phòng em, trong lúc này,” tôi nói, xuyên qua cửa. Cấm ngặt. Có nguy cơ truyền nhiễm cao.”
“Thấy chưa, em đã nói,” nàng hoảng hốt, “em đã không muốn anh vào phòng của em nữa.”
“Có nguy cơ truyền bệnh cho em, Pat. Không phải cho anh.”
“Đừng nói nhảm,” nàng đáp. “Hãy nói cho em biết, thực tình nhé, có chuyện gì thế?”
“Anh nói thực. Y tá ơi,”– tôi nháy mắt với cô y tá, vừa mang thuốc đến cho tôi –“cô làm ơn bảo cho Fraulein Hollmann biết, trong hai đứa chúng tôi, ai là người nguy hiểm hơn?”
“Ấy là Herr Lohkamp,” cô y tá nói. “Ông ấy không được phép vào phòng cô, để tránh lây bệnh cho cô.”
Pat hết nhìn cô y tá lại quay sang nhìn tôi, đầy vẻ nghi hoặc. Tôi đưa thuốc qua khe cửa cho nàng xem. Rồi nàng nhận ra thật tế và bắt đầu cười, càng lúc càng nhiều hơn; nàng cười cho đến khi nước mắt chảy ràn rụa trên má, và nàng bắt đầu ho, khổ sở đến mức cô y tá phải chạy đến đỡ lưng nàng.
“Trời ơi, anh yêu,” nàng khe khẻ nói, “buồn cười quá nhỉ! Và trông anh mới tự hào làm sao!”
Buổi tối hôm ấy nàng rất vui. Lẽ dĩ nhiên, tôi không để nàng trơ trọi một mình, mà tôi ngồi ngoài ban công đến tận nửa khuya, mặc một chiếc áo khoác dầy, một khăn choàng quấn quanh cổ, một điếu xì gà trên tay, một ly rượu trên tay kia, một chai cognac dưới chân, kể cho nàng nghe những câu chuyện đời tôi. Bị ngắt đoạn và thôi thúc bởi những chuỗi cười như chim hót của nàng, tôi nói dối như cuội già, chỉ để nhìn thấy nụ cười nở hoa trên môi nàng. Tôi ho thả dàn và uống cạn chai, và sáng hôm sau tôi khỏi bệnh.
Gió fohn lại thổi. Từng cơn gió tạt vào cửa sổ, mây xà xuống thấp, những đụn tuyết di chuyển, sụm xuống, sầm sập suốt đêm và bệnh nhân nằm trằn trọc, bức rức, lắng nghe tiếng đêm sâu. Trên những sườn đồi kín gió, hoa nghệ tây bắt đầu hé nụ, và ngoài phố, giữa các xe trượt đã lác đác có những chiếc ô tô to bánh.
Pat cứ suy yếu dần. Nàng không thể ngồi dậy nữa. Đêm đêm nàng thường bị ngạt thở. Khi ấy, nàng xám nghoét mặt vì sợ chết. Tôi lại cầm đôi tay mỏng mảnh, ướt mềm của nàng. “Nếu em có thể chịu được một giờ nữa,” nàng ho, “chỉ một giờ nữa thôi, Robby. Người ta chết vào giờ này –“
Nàng sợ giờ cuối cùng, giữa đêm và ngày. Nàng tin rằng khi đêm tàn, dòng đời huyền bí sẽ héo úa và hầu như tắt lim — và nàng chỉ sợ giờ ấy và không muốn ở một mình. Những thời khắc còn lại, nàng tỏ ra can đảm đến độ tôi thường phải nghiến chặt quai hàm.
Tôi cho dời giường mình vào phòng của nàng và ngồi với nàng, mỗi khi nàng thức và khi cái nhìn van xin, tuyệt vọng hiện lên trong ánh mắt của nàng. Tôi thường nghĩ đến những lọ morphine trong túi xách, và đã không ngần ngại sử dụng chúng, nếu như nàng đã chẳng tỏ ra tha thiết với từng ngày mới.
Tôi ngồi cạnh nàng, kể cho nàng nghe tất cả những ý nghĩ trong đầu. Nàng không được phép nói nhiều, và thích lắng nghe tất cả các sự kiện trong đời tôi. Nàng thích nhất những câu chuyện thời tôi còn đi học, và thường thì, sau một cơn nghẹt thở và nửa nằm nửa ngồi, đau đớn và xanh xao, giữa đống chăn gối, nàng sẽ yêu cầu tôi lần lượt nhại lại điệu bộ của một trong các ông giáo ngày xưa. Vừa hoa tay múa chân và quát tháo, vừa nhổ mấy sợi râu đỏ tưởng tượng, tôi sẽ bước lanh quanh trong phòng, gầm gừ những lời huấn thị vàng ngọc. Mỗi ngày tôi lại chế thêm một vai mới, và chẳng bao lâu, Pat đã quen thuộc với tất cả những đứa quậy phá và ăn mặc nhếch nhác trong lớp tôi, những đứa không ngừng bày trò trêu chọc thầy cô. Có lần, người y tá trực đêm phải đến phòng, vì lôi cuốn bởi giọng nói trầm hùng của ông hiệu trưởng; và, Pat thú vị biết mấy, khi tôi phải mất một lúc lâu mới thuyết phục người y tá rằng tôi không điên rồ, dù đang nhảy lò cò trong phòng, khoác áo choàng ngắn của Pat, đội cái mũ phớt rộng vành, đọc luật lệ của dân Medes và Ba Tư cho thằng nhóc con Karl Ossage nào đấy, bị bắt quả tang đang cưa mấy cái chân bàn viết của thầy.
Rồi ánh dương quang rót chậm vào phòng qua cửa sổ. Triền núi trở thành những hình bóng đen đen, sắc ngọt như dao. Bầu trời phía sau lui xa dần, lạnh và tái. Ngọn đèn đêm trên bàn mờ đi, thành màu vàng nhạt và Pat úp gương mặt ướt mềm trong tay tôi. “Đã xong, Robby. Bây giờ, em lại có một ngày mới.”
Antonio cho tôi mượn một cái radio. Tôi nối dây với một bóng đèn và máy sưởi, và cùng với Pat, thử nghe vào tối ấy. Nó kêu rèn rẹt, xột xoẹt, rồ rồ, và rồi thình lình không còn những nhiễu âm nữa, phát ra một thứ âm nhạc ngọt ngào, trong vắt.
“Đài nào vậy, anh yêu?” Pat hỏi.
Antonio cũng đưa cho tôi một tập chương trình. Tôi vội lật ra. “Rome, anh tin thế.”
Rồi gần như tức thì, giọng nói sang sảng và trầm của một xướng ngôn viên vang lên: “Đây là tiếng nói thành phố Rome – Napoli – Firenze-“
Tôi vặn nút chuyển đài. Một bản độc tấu dương cầm. “Anh không cần tìm trong chương trình,” tôi nói. “Ấy là bài Waldstein Sonata của Beethoven. Có một dạo anh chơi được bài ấy –khi anh còn mơ mộng rằng một ngày nào đó, anh sẽ trở thành thầy giáo hay giảng sư nhạc viện, hay nhạc sĩ sáng tác. Bây giờ anh không thể đàn bài ấy nữa. Để anh đổi đài. Những kỷ niệm, chẳng vui vẻ gì.”
Một giọng nữ trầm, âu yếm, vuốt ve: “Parlez-moi, d’amour–“
“Paris, Pat.”
Một bài nói chuyện về cách diệt trừ loài nhện đỏ. Tôi lại vặn nút chuyển sang đài khác. Quảng cáo. Một bản tứ tấu. “Đài nào thế?” Pat hỏi.
“Tiệp Khắc. Tứ tấu đàn dây, Opus 59, Beethoven,” Tôi đọc to.
Tôi đợi cho đoạn giao hưởng ấy chấm dứt, rồi vặn nút tiếp, và bất thình lình, có tiếng vĩ cầm, một dòng vĩ cầm tuyệt vời. “Budapest, Pat. Nhạc Gypsy.” Tôi điều chỉnh nút cho đúng tần số. Làn điệu phong phú và ngọt ngào lênh đênh trên nền hợp tấu của chũm chọe, vĩ cầm và tiêu. “Thật đáng yêu, Pat nhĩ?”
Nàng lặng thinh. Tôi quay lại. Nàng đang chảy nước mắt, đôi mắt mở to. Tôi tắt máy thu thanh.
“Có chuyện gì thế, Pat?” Tôi choàng tay ôm bờ vai gầy của nàng.
“Không có gì, Robby. Em ngốc lắm. Nhưng mà khi lắng nghe — Paris, Rome, Budapest — trời ơi, chỉ cần có thể đi xuống dưới làng một lần nữa là em hạnh phúc rồi.”
“Nhưng Pat…”
Tôi nói đủ thứ chuyện, để nàng quên. Nhưng nàng lắc đầu. “Em không buồn, anh yêu. Anh đừng nghĩ vậy. Em không buồn lúc khóc. Chỉ là, một đôi khi em không cầm được nước mắt, nhưng không lâu. Em nghĩ đến chuyện ấy nhiều quá.”
“Em nghĩ đến chuyện gì cơ chứ?” tôi hỏi, và hôn lên tóc nàng.
“Chuyện duy nhất mà em có thể nghĩ đến hiện thời — cuộc sống và cái chết. Rồi khi em buồn và không hiểu gì nữa, em tự an ủi, chẳng thà em chết khi còn tha thiết sống, còn hơn là chết khi em muốn chết. Anh nghĩ sao?”
“Anh không biết.”
“Vâng, anh biết.” Nàng tựa đầu lên vai tôi. “Nếu ta còn muốn sống, cần có một thứ gì đó mà ta yêu quý. Khó hơn, nhưng lại dễ hơn. Anh thấy không, em sẽ chết; và em biết ơn vì em đang có anh. Em rất có thể dễ dàng đã lâm vào cảnh cô đơn, đau khổ. Nếu là vậy, em sẽ vui lòng chịu chết. Nhưng hiện nay, rất khó cho em; để đền bù, tâm hồn em tràn ngập tình yêu, như một con ong đầy mật buổi chiều khi bay về tổ. Nếu phải lựa chọn một trong hai cách, em vẫn muốn được như hiện nay, giống hệt hiện nay.”
Nàng nhìn tôi. “Pat,” tôi nói, “Vẫn còn một chọn lựa thứ ba —khi gió fohn ngừng thổi, em khỏe hơn và chúng ta sẽ đi xa, rời bỏ chốn này.”
Nàng tiếp tục nhìn tôi, dò dẫm. “Em lo cho anh, Robby. Thật có rất nhiều khó khăn cho anh hơn là cho em.”
“Đừng nói đến chuyện ấy nữa,” tôi nói.
“Em chỉ nói để cho anh đừng nghĩ rằng em buồn,” nàng đáp.
“Anh không nghĩ rằng em buồn,” tôi nói.
Nàng gối đầu lên cánh tay tôi. “Anh không cho em nghe lại bài hát của những người gypsies ư?’
“Em thích nghe họ à?”
“Vâng, anh yệu.”
Tôi vặn máy thu thanh, và tiếng vĩ cầm cùng với tiếng sáo và chũm chọe xập xình vang lên, ban đầu nhẹ nhàng rồi lớn dần và lớn dần, tràn ngập căn phòng.
“Đáng yêu quá,” Pat nói. “Như một cơn gió nhẹ. Một cơn gió đưa hồn ta bềnh bồng trôi xa.”
Đấy là buổi hòa nhạc ban đêm trong khuôn viên một quán ăn ở Budapest. Thỉnh thoảng ta có thể nghe vài mẩu chuyện trò nho nhỏ của thực khách len lỏi trong tiếng nhạc du dương, và năm thì mười họa, một tiếng la hét rộn ràng. Ta có thể tưởng tượng ra những chiếc lá đầu tiên của các cây dẻ vùng Margaretheninsel, bóng bẩy dưới ánh trăng và đung đưa như lay động bởi hơi gió từ những chiếc vĩ cầm. Có lẽ ở nơi ấy đêm đã ấm lắm rồi, và thực khách ngồi ngoài vườn, rượu vang Hungarian vàng đặt trước mặt, những người hầu bàn tất tả tới lui trong đồng phục trắng, những người gypsies dạo đàn, và rồi sau đó họ sẽ cuốc bộ về nhà, mệt mỏi, trong ánh bình minh xanh lục mùa xuân. Và Pat nằm đây, mỉm cười, và sẽ không bao giờ bước ra khỏi căn phòng này, không bao giờ bước xuống khỏi chiếc giường này.
Rồi thình lình mọi việc chuyển biến rất nhanh. Gương mặt thơ ngây vêu vao vì hao gầy da thịt. Xương gò má nhô cao, xương ở thái dương lộ rõ. Cánh tay của nàng tong teo như tay trẻ con, bẹ sườn căng dưới da và những cơn sốt mới theo nhau hoành hành trên cơ thể yếu ớt. Y tá đưa bình dưỡng khí đến phòng và bác sĩ thăm bệnh mỗi giờ.
Một buổi chiều nọ, thân nhiệt của nàng hạ thấp đột ngột, không thể giải thích. Pat thức dậy và nhìn tôi tha thiết.
“Lấy dùm em cái gương soi mặt,” rồi nàng khẻ nói.
“Em cần gương làm gì?” tôi hỏi. “Nằm nghĩ, Pat. Anh tin rằng em đã qua khỏi. Em không còn sốt nữa.”
“Không,” nàng thều thào. “Đưa cho em cái gương.”
Tôi đi vòng qua giường, cầm gương lên và buông ra. Nó vỡ nát thành nhiều mảnh. “Xin lỗi,” tôi nói, “anh vụng về quá. Nó rơi khỏi tay anh và bây giờ là ngàn mảnh vụn.”
“Còn một cái trong ví của em, Robby.”
Đấy là một cái gương bằng kim loại bé xíu. Tôi chùi tay vào để làm mờ đi và đưa cho Pat. Nàng cố sức lau bóng và chăm chú ngắm của nàng trong đó. “Anh phải ra khỏi đây, anh yêu,” nàng thì thào.
“Tại sao thế? Em không còn yêu anh nữa?”
“Anh đừng nên gặp em nữa. Em không còn là chính em.”
Tôi giằng lấy gương. “Thứ gương bằng kim loại này không tốt, Pat. Em cứ thử nhìn bóng của anh. Tái và gầy. Trong khi anh nâu và khỏe. Bề mặt của nó gợn sóng không đều, chính vì thế.”
“Em muốn anh giữ một kỷ niệm khác về em,” nàng thì thầm. ” Đi đi, anh yêu. Bây giờ em sẽ tự lo liệu cho em.”
Tôi dỗ cho nàng nín. Nàng lại hỏi đến cái gương và cái ví của nàng. Rồi nàng bắt đầu tô phấn lên gương mặt tiều tụy đáng thương, lên làn môi nứt nẻ, lên quầng mắt trũng nâu. “Một ít phấn cho có thôi, anh yêu,” nàng nói, cố mỉm cười. “Anh không được nhìn thấy em quá ghê rợn.”
“Em muốn làm gì thì làm,” tôi nói, “em không bao giờ xấu xí. Trong mắt anh, em là người đàn bà đẹp nhất mà anh đã từng gặp.”
Tôi lấy lại gương và hộp phấn, rồi nhẹ nhàng đặt tay trên đầu nàng. Một lát sau, nàng bắt đầu bức rức.
“Có chuyện gì thế, Pat?” tôi hỏi.
“Nó kêu to quá,” nàng khẻ nói.
“Cái gì thế? Đồng hồ của anh?”
Nàng gật đầu. “Nó làm em kinh sợ –“
Tôi tháo chiếc đồng hồ khỏi cườm tay.
Nàng lo âu nhìn cây kim phút. “Vứt nó đi, anh.”
Tôi cầm cái đồng hồ, quăng mạnh vào tường. “Rồi đấy em, nó không còn tích tắc nữa. Thời gian ngưng đọng. Ta vừa làm nó vỡ đôi. Bây giờ chỉ còn hai đứa mình; hai người, em và anh và không ai khác.”
Nàng nhìn tôi. Đôi mắt thật to.
“Anh yêu dấu –” nàng khẻ nói.
Tôi không chịu nổi ánh mắt của nàng. Nó đến từ một nơi xa xôi, xuyên qua tôi, tới một chốn xa hơn.
“Em thương,” tôi thì thầm, “em yêu dấu, em can trường của anh.”
Nàng chết trong giờ cuối cùng của đêm, trước khi ngày đến. Nàng chết khó nhọc và không ai có thể giúp được gì. Nàng nắm chặt cứng tay tôi, nhưng nàng không còn hiểu rằng tôi đang ở bên nàng.
Có lần, ai đấy nói: “Cô ấy chết rồi.”
“Không,” tôi trả lời, “cô ấy chưa chết. Cô ấy còn nắm chặt tay tôi.”
Đèn. Sáng lòa, gay gắt, chói chang. Đông người. Bác sĩ đến. Tôi từ từ mở nắm tay của mình ra. Tay Pat rớt thụp xuống. Máu me. Gương mặt méo mó, chết ngộp. Đôi mắt thống khổ, cái nhìn cố định. Mái tóc nâu, lụa là.
“Pat,” tôi gọi. “Pat.”
Lần đầu tiên trong đời, nàng không đáp lại.
“Cho tôi được ở một mình,” tôi nói.
“Chúng ta có nên, trước nhất….?” một người nào đó hỏi.
“Không,” tôi nói. “Đi ra. Đừng đụng tới cô ấy.”
Rồi tôi lau máu trên mặt nàng. Tôi như gỗ. Tôi chải tóc nàng. Thân thể nàng lạnh dần. Tôi đặt nàng lên giường của tôi và phủ khăn trải giường lên. Tôi ngồi bên cạnh và không thể suy nghĩ được gì. Tôi ngồi trên ghế và chăm chú ngắm nàng. Con chó chạy vào, ngồi với tôi. Tôi nhìn nét mặt của nàng biến đổi. Tôi không thể làm gì khác, ngoại trừ ngồi thừ ra, nhìn nàng. Rồi buổi sáng đến và không còn nàng nữa.
 
HẾT

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.