Sáng thứ Ba chúng tôi ngồi ở sân trong, ngay trước xưởng sửa xe, dùng điểm tâm. Chiếc Cadillac đã sửa xong xuôi. Lenz cầm một tờ giấy, nhìn chúng tôi đắc thắng. Là ‘quản đốc phụ trách quảng cáo’ cho xưởng, anh vừa đọc cho chúng tôi nghe mẩu rao vặt bán xe do chính anh soạn. Bắt đầu với dòng chữ “Sang trọng. Hãy du lịch miền Nam nắng ấm,” nó là một pha tạp giữa một bản tình ca và thánh ca.
Koster và tôi im thin thít. Ta cần thời gian để hồi phục sau một cơn lũ văn chương hoa gấm như thế. Lenz lại tưởng nhầm chúng tôi đã bị chinh phục.
“Vừa thơ mộng vừa mạnh mẽ, hén?” anh nói, hãnh diện. “Trong thời kỳ thực dụng, cần phải lãng mạn, bí quyết nằm ở chỗ đó. Những cực đối lập hấp dẫn nhau.”
“Không đúng, khi tiền bạc dính dáng vào,” tôi đáp.
“Người ta không mua xe để tiết kiệm, em ơi,” Gottfried giải thích, giọng kẻ cả. “Họ mua xe để đầu tư; và đó là lúc mà, với các doanh nhân, cái lãng mạn tình tứ bắt đầu nảy nở, bất kể ra sao chăng nữa. Còn với phần lớn công chúng, nó tắt ngúm ở đấy. Otto, cậu nghĩ sao?”
“Ơ, cậu biết là –” Koster thận trọng bắt đầu.
“Đừng phí thời gian bàn cãi, Otto,” tôi chêm vào. “Đó là thứ rao vặt dành cho những miền sông nước hay cho kem dưỡng da, không phải cho xe hơi.”
Lenz há mồm.
“Gượm đã,” tôi tiếp tục. Cậu nghĩ tụi này có thành kiến chứ gì. Tớ đề nghị thế này — hãy hỏi Jupp. Ba người sẽ có tiếng nói đa số.”
Jupp là nhân viên duy nhất của chúng tôi, một thiếu niên mười lăm tuổi, giống như thợ tập việc. Thằng bé phụ trách việc bơm xăng, mua thức ăn sáng cho chúng tôi, và dọn dẹp ga-ra buổi tối. Jupp có thân hình nhỏ nhắn, đầy tàn nhang, và đôi tai to nhất tôi từng thấy trong đời. Koster tuyên bố, nếu có bao giờ Jupp bị rơi khỏi máy bay, nó sẽ không hề hấn gì. Đôi tai sẽ giúp nó lượn theo gió, đáp xuống đất an toàn.
Chúng tôi gọi thằng bé đến. Lenz đọc cho nó nghe mẩu rao vặt.
“Em có thích mua một chiếc xe như thế không, hở Jupp?” Koster hỏi.
“Một chiếc xe?” Jupp hỏi.
Tôi cười to. “Dĩ nhiên, một chiếc xe,” Lenz gầm lên. “Thế em nghĩ đó là cái gì, một con hà mã hay sao?”
“Nó có bộ sang số phối hợp, bánh đà thủy lực và thắng hơi không?” Jupp hỏi, không chùn bước.
“Ngốc tử, đương nhiên đó là chiếc Cadillac của chúng ta,” Lenz khịt mũi.
“Anh có nói thế bao giờ!” Jupp trả đũa, cười toe toét tận mang tai.
“Gottfried, cậu thấy rồi.” Koster nói. “Đó là tính lãng mạn thời hiện đại.”
“Trở về bơm xăng đi, Jupp, thằng quỷ sứ thế kỷ hai mươi.”
Cầu nhầu, Lenz lại biến vào trong văn phòng — thêm thắt vài chi tiết kỷ thuật đủ để tương thích và bảo toàn ý thơ tình tứ của mẩu rao vặt.
Vài phút sau, Thanh Tra Barsig xuất hiện ở cổng sân trong. Chúng tôi đón tiếp ông cực kỳ tôn kính. Ông là kỹ sư và nhân viên kiểm tra cho hãng Bảo Hiểm Phượng Hoàng — một người có ảnh hưởng quan trọng tới việc chúng tôi được giao xe để sửa hay không. Chúng tôi có quan hệ tốt với ông. Là một kỹ sư, ông không để thứ gì lọt khỏi cặp mắt cú vọ tinh tường của mình. Thế nhưng với tư cách một người sưu tập bướm, ông mềm như cọng bún thiu. Ông có một bộ sưu tập phong phú, và có lần chúng tôi cho ông một con bướm đêm lớn một hôm bay lạc vào xưởng. Khi chúng tôi đưa nó ra, mặt ông tái xanh vì xúc động. Đó là con bướm đầu lâu, rõ ràng rất hiếm quý, mà ông vẫn hằng ao ước. Ông không bao giờ quên được điều ấy, và từ đó trở đi, luôn luôn tìm cách cho chúng tôi được chia việc theo đúng lẽ công bằng. Để đổi lại, chúng tôi bắt cho ông bất kỳ con bướm đêm nào trong tầm tay.
“Một ly vermouth nhé, Herr Barsig?” Lenz, vừa mới nhú đầu ra, lễ phép hỏi.
“Không uống rượu trước khi trời tối,” Barsig trả lời. “Đó là nguyên tắc nghiêm nhặt của tôi.”
“Nguyên tắc cốt để phá vỡ, hoặc sẽ không có niềm vui,” Lenz trả lời, vừa rót rượu vào ly. “Vì tương lai của bướm đêm phi ưng-thủy lạp, bướm lông công, và bướm đốm.”
Barsig ngần ngừ trong một thoáng.
“Các bạn đã nói thế, làm sao tôi từ chối được,” ông nói, nhận lấy ly rượu. “Nhưng trong trường hợp ấy, chúng ta cũng phải uống mừng tiểu bạch cúc.” Ông cười ra vẻ ngượng nghịu. “Các bạn sẽ hài lòng khi biết, tôi đã khám phá được một loài bướm mới. Râu có lông tơ như lược.”
“Trời đất ơi!” Lenz kêu to. “Hoan nghinh! Vậy nay ngài là một người tiên phong và sẽ lưu danh hậu thế!”
Chúng tôi cạn thêm một ly nữa, mừng loài bướm với cặp râu lược. Barsig lau bộ râu mép.
“Tôi cũng có tin mừng cho các bạn. Đến đấy, mang chiếc xe Ford về. Cấp trên đã chấp thuận cho các bạn.”
“Tốt quá,” Koster nói. “Chúng tôi sẽ làm. Còn tiền ước lượng thì sao ạ?”
“Cũng duyệt xong.”
“Không bị cắt giảm?”
Barsig nheo một mắt. “Ban đầu có vẻ khó khăn một chút. Nhưng cuối cùng thì…”
“Một ly nữa mừng Công ty Bảo hiểm Phượng Hoàng,” Lenz nói, rót thêm một đợt nữa.
Barsig đứng lên.
“Một nghề nghiệp kỳ quặc,” ông nói trong khi ra về.
“Các bạn nhớ người đàn bà trong chiếc xe Ford chứ? Bà ấy chết cách đây mấy hôm. Vết thương rất nhẹ và cạn. Rõ ràng chết vì mất máu.”
“Bà ấy được bao nhiêu tuổi ạ?” Koster hỏi.
“Ba mươi bốn,” Barsig trả lời; “và có mang bốn tháng. Bảo hiểm nhân thọ trị giá hai mươi ngàn marks.”
Chúng tôi lập tức đi lấy hàng, xe của người chủ tiệm bánh. Ông ta lái xe khi đã ngà hơi men và tông vào một bức tường trong đêm. Người vợ bị thương, nhưng ông ta chỉ trầy trụa qua loa mà thôi.
Ông ta nhìn vào ga-ra khi chúng tôi chuẩn bị kéo xe. Đôi vai ú nụ, cổ bò mộng, đầu hơi chúi nghiêng tới trước. Ông ta quan sát chúng tôi một lúc lâu nhưng chẳng nói lời nào. Với gương mặt tai tái, kém sức khỏe của những người thợ nướng bánh, trong bóng tối lờ mờ, ông ta giống một con mọt gạo khổng lồ buồn thảm. Ông ta uể oải đến gần.
“Chừng nào thì xong?” ông ta hỏi.
“Khoảng ba tuần,” Koster trả lời.
Ông ta chỉ vào mui xe: “Dĩ nhiên gồm cả món này, phải không?”
“Tôi không hiểu,” Otto nói. “Tôi không thấy nó hỏng chỗ nào.”
Ông chủ tiệm bánh làm một cử chỉ nóng nảy. “Tôi có nói nó hỏng đâu. Ý của tôi là, tôi muốn thay cái mới. Theo tôi biết, các cậu có một mối hời, phải không? Chúng ta hiểu nhau quá mà, tôi nghĩ thế?”‘
“Chẳng hiểu một ly ông cụ nào,” Koster nói.
Anh thừa hiểu quá đi chứ. Ông ta muốn một cái mui xe mới mà chúng tôi, không phải công ty bảo hiểm, phải đài thọ. Chúng tôi dằng co một lúc, nhưng ông ta dọa sẽ hủy hợp đồng, đi tìm một xưởng khác ngoan ngoãn hơn. Cuối cùng, Koster đành nhượng bộ. Anh không bao giờ làm vậy, nếu chúng tôi không cần việc làm một cách khẩn thiết thế này.
“Các cậu thấy chưa, sao không thỏa thuận ngay từ đầu?” ông chủ tiệm bánh nói, nụ cười quỷ quyệt. “Vài hôm nữa, tôi sẽ quay lại chọn chất liệu. Màu kem, tôi nghĩ. Màu êm dịu.”
Chúng tôi lái đi. Khi ra khỏi nơi ấy, Lenz trỏ vào nệm xe Ford. Có các vết bẩn to và đen sẩm. “Máu của bà vợ lão hãy còn đấy. Thế mà lão ta bắt chẹt cho bằng được một tấm mui mới! ‘Màu kem,” Chúa ơi! “Màu êm dịu’! Tớ phải ngã mũ bái phục! Tớ nghĩ lão ta dám đòi tiền bảo hiểm của hai mạng người lắm cơ. Barsig nói vợ lão ta đang có bầu, phải không?”
Koster nhún vai. “Tớ đoán, lão sẽ nói, buôn bán là buôn bán, và chuyện này không liên hệ gì tới chuyện kia.”
“Có lẽ thế,” Lenz nói, “nhưng cậu biết đấy, nhiều người có thể rút rỉa lợi lộc từ những niềm bất hạnh. Dù sao chăng nữa, chúng mình cũng sắp mất toi năm mươi đồng mark.”
Buổi chiều, tôi viện lý do để về sớm. Tôi có một cái hẹn với Patricia Hollman vào khoảng năm giờ, nhưng tôi không nói cho một ai ở xưởng sửa xe biết. Không phải tôi muốn dấu; nhưng bỗng dưng tôi cảm thấy chuyện ấy khó thành.
Nàng cho tôi địa chỉ một quán cà phê. Tôi chưa bao giờ vào quán ấy; tôi chỉ biết đó là một cơ ngơi nhỏ và lịch sự. Không một chút nghi ngờ, tôi đi vào. Nhưng tôi giật mình kinh hoàng ngay khi bước qua cửa. Phòng đông nghẹt đàn bà con gái trò chuyện huyên thiên. Tôi đã lạc vào một quán trà tiêu biểu của nữ giới. Với một chút khó khăn, tôi cũng dành được một bàn trống. Tôi khổ sở nhìn quanh. Ngoài tôi ra, chỉ có hai người đàn ông khác và tôi không thích bề ngoài của họ.
“Cà phê, trà hay sô-cô -la?” người bồi bàn hỏi trong lúc lấy khăn phủi những mẩu bánh vụn trên mặt bàn xuống áo tôi.
“Một ly cognac lớn,” tôi đáp.
Hắn mang đến, cùng với một đám người, dẫn đầu bởi một bà dáng dấp lực lưỡng khó đoán tuổi, đầu đội một cái mũ tang thương.
“Bốn người? Xin đi lối này,” hắn nói, và chỉ về phía bàn tôi.
“Khoan đã –” tôi nói. “Bàn này không còn trống. Tôi đang chờ một người.”
“Không được, thưa ông,” người bồi bàn nói. “Không thể để dành chỗ vào giờ này.”
Tôi nhìn hắn. Rồi nhìn bà lực sĩ đứng cạnh bàn, tay bấu chặt thành ghế. Nhìn nét mặt của bà, tôi đành từ bỏ tất cả những ý định đối kháng. Nếu không có một bộ súng đại bác tầm gần, đừng ai hòng cản trở người đàn bà đang cương quyết chiếm hữu cái bàn này.
“Dẫu sao, mang cho tôi một ly cognac nữa, hén?” tôi hậm hực nói với anh bồi.
“Vâng, có ngay. Một ly to nữa?”
“Một ly thật to, như thế này!”
“Dĩ nhiên, thưa ông.” Hắn cúi chào. “Bàn này đủ cho sáu người, ông biết đấy,” hắn nói, ra vẻ hối lỗi.
“Được rồi. Chỉ cần mang cognac ra.”
Bà lực sĩ có vẻ cũng là hội viên của hội bài trừ rượu. Bà gườm gườm nhìn ly rượu mạnh của tôi, như thể đó là một con cá ương sình. Để chọc tức bà, tôi gọi thêm một ly nữa và dương mắt nhìn lại. Bỗng nhiên tôi thấy mọi thứ đều vô lý. Tôi muốn gì ở đây nhỉ? Và tôi muốn gì với nàng? Tôi cũng không biết trong không khí náo nhiệt này, liệu tôi có thể nhận ra nàng hay không.
Bực dọc, tôi nốc cạn ly cognac.
“Salut,” ai đó đàng sau tôi, lên tiếng.
Tôi giật nẩy mình. Nàng đứng đấy, cười. “Anh bắt đầu thưởng thức rồi đấy à.”
Tôi đặt cốc rượu trong tay xuống bàn. Bỗng dưng tôi bối rối. Nàng khác hẳn với hình ảnh trong trí nhớ của tôi. Giữa đám đàn bà béo tốt phục phịch ở quán cà phê, trông nàng như một cô gái rừng núi Amazon, thon thả, điềm tỉnh, tươi tắn, vững vàng và ngoài tầm tay với.
“Nơi này không bao giờ thích hợp với chúng ta,” tôi nghĩ bụng, và nói: “Và cô từ đâu xuất hiện một cách bí ẩn thế? Tôi liên tục canh chừng cửa ra vào mà.”
Nàng chỉ qua bên phải. “Có một cái cửa ở đấy nữa. Nhưng tôi tới trễ. Anh có chờ lâu không?”
“Không lâu chút nào. Giỏi lắm là hai hay ba phút. Tôi cũng vừa đến.”
Câu lạc bộ cà phê ở bàn đã im bặt. Tôi có cảm giác cái nhìn của bốn bà cố nội tỉnh như sáo đang dán sát vào lưng. “Cô muốn ngồi lại đây không?” tôi hỏi.
Nàng liếc mắt quan sát những người chung bàn. Nàng cắn môi. Nhìn tôi với vẻ thú vị, nàng nói, “Tôi e là, quán cà phê nào cũng như nhau.”
Tôi lắc đầu. “Những quán vắng tốt hơn chứ. Chỗ này là cái hang quỷ, gây cho người ta cảm giác sút kém. Chúng ta đến bar rượu có lẽ hay hơn.”
“Bar rượu? Thế có tiệm rượu mở cửa lúc ban ngày ban mặt à?”
“Tôi biết một tiệm,” tôi nói. “Ở đó lúc nào cũng yên tỉnh. Nếu cô thích –“
“Ô, tôi thích?”
Tôi nhìn nàng. Trong một thoáng, tôi không hiểu ý nàng. Tôi không ghét những lời cay đắng mỉa mai nếu nó không nhắm vào tôi; thế nhưng, tôi luôn luôn có mặc cảm.
“Được thôi, mình đến đấy,” nàng nói.
Tôi ra hiệu cho người bồi bàn. “Ba ly cognac lớn,” ông ta quang quác như một con chim báo điềm gở muốn thanh toán vấn đề với khách nằm dưới mộ. “Ba đồng rưỡi.”
Nàng quay lại. “Ba ly cognac trong ba phút? Giỏi thế.”
“Có hai ly ngày hôm qua,” tôi vội vàng thanh minh.
“Đồ láo khoét!” bà lực sĩ ở bàn sau lưng, rít lên. Bà ấy nhịn từ nãy giờ đã lâu.
Tôi quay lại và cúi chào. “Giáng Sinh vui vẻ, các bác.” Rồi tôi chuồn ngay lập tức.
“Anh đã cãi nhau với họ à?” nàng hỏi, khi chúng tôi ra khỏi quán.
“Không hẳn thế. Tôi chỉ có ảnh hưởng không thuận lợi với các bà, trong vài trường hợp đặc biệt.”
“Tôi cũng thế,” nàng đáp.
Tôi nhìn nàng. Với tôi, nàng như đến từ một thế giới khác. Tôi hoàn toàn không hình dung nỗi nàng như thế nào và sống ra sao, ở nơi đấy.
Trong bar rượu, vị thế của tôi vững vàng hơn. Khi chúng tôi bước vào, Fred, người pha rượu, đang đứng phía sau quầy chùi bóng cái ly rót cognac lớn. Anh chào tôi như thể mới gặp lần đầu, như thể anh không phải là người đã đưa tôi về nhà, chỉ mới hai đêm trước. Anh được đào tạo từ một trường dạy nghề giỏi, và anh giàu kinh nghiệm.
Phòng vắng tanh chỉ trừ một bàn, như thường lệ, nơi Valentin Hauser ngồi. Tôi quen anh trong thời chiến; chúng tôi cùng chung một đại đội. Có lần anh đem ra tận tiền tuyến một lá thư mà anh nghĩ là của mẹ tôi. Anh biết tôi đang trông tin, vì mẹ tôi vừa trải qua một cuộc giải phẩu. Nhưng anh nhầm –nó chỉ là tờ quảng cáo cho một thứ nón ấm dệt bằng sợi tầm gai. Trên đường về, anh bị thương ở chân.
Sau khi chiến tranh chấm dứt không lâu, Valentin được thừa kế một gia tài nhỏ và anh nhậu nhẹt lu bù từ đấy. Anh coi đó là bổn phận, uống để mừng vận may đã giúp anh sống sót trong chiến tranh. Anh không cần biết là đã nhiều năm trôi qua. Không ai có thể ăn mừng cho đủ, anh thường nói. Anh là một trong những người lưu giữ một ký ức siêu phàm về cuộc chiến. Những người khác đã quên hầu hết; nhưng anh còn nhớ mồn một, từng ngày, từng giờ.
Tôi nghĩ anh uống đã khá nhiều, vì anh ngồi trong góc riêng, xa xôi, chìm lắng. Tôi dơ tay chào.
“Salut, Valentin.”
Anh ngước lên và gật đầu. “Salut, Bob.”
Chúng tôi chọn một góc phòng. Người pha rượu đến gần.
“Cô uống chi?” tôi hỏi.
“Một ly Martini, có lẽ,” nàng đáp. “Martini không đá.”
“Fred là chuyên viên về chuyện ấy,” tôi nói.
Fred tự cho phép mình nở một nụ cười.
“Còn phần tôi, như thường lệ,” tôi nói.
Quán lạnh và tối, thoang thoảng mùi gin và cognac vương vãi đâu đây — một mùi giống mùi rễ đỗ tùng và bánh mì. Một mô hình thuyền buồm bằng gỗ treo trên trần. Vách tường phía sau quầy được bọc đồng. Ánh sáng mờ ảo ở một giá đèn hắt sắc đỏ lên lớp vách đồng như thể một đám cháy ngầm đang lung linh soi bóng. Trong số các giá đèn nhỏ bằng sắt trên vách, chỉ có hai ngọn sáng hơn — một ngọn gần Valentin và ngọn kia, gần chúng tôi. Chụp đèn bằng da mỏng làm từ bản đồ cũ và trông như những giải đất hẹp của địa cầu được chiếu sáng.
Tôi ngượng ngập, không biết bắt đầu câu chuyện ra sao. Gần như tôi chẳng biết gì về nàng, và càng nhìn nàng, tôi càng thấy lạ lẫm. Đã từ lâu, tôi không kết giao với ai; tôi không còn thành thạo nữa. Tôi chỉ quen đàn đúm với đám bạn trai. Mới đây thôi, tiệm cà phê quá ồn ào — và bây giờ ở đây, thình lình bỗng quá yên tỉnh. Không khí lắng đọng làm tăng trọng lượng từng con chữ khiến ta ngại ngùng không dám hé môi. Tôi ao ước phải chi tôi đang ở quán cũ…
Fred mang rượu đến, và chúng tôi nâng ly. Rum nồng đậm và có hương vị nắng mới. Điều đó đáng kể đấy chứ. Tôi cạn ly và lập tức gọi thêm.
“Cô thích chỗ này không?” tôi hỏi.
Nàng gật đầu.
“Hay hơn tiệm bánh ngọt phải không?”
“Tôi ghét tiệm bánh ngọt,” nàng nói.
“Thế tại sao chúng ta lại gặp ở đấy, thay vì những chỗ khác?” tôi ngạc nhiên hỏi.
“Tôi không biết.” Nàng bỏ nón xuống. “Tôi chẳng nghĩ ra nơi nào khác.”
“Cô thích chỗ này lại càng tốt. Chúng tôi thường đến đây. Vào buổi tối, hầu như nơi này là nhà của chúng tôi.”
Nàng mỉm cười. “Chẳng phải như thế đáng thương lắm sao?”
“Không,” tôi nói, “phù hợp với thời đại.”
Fred đem đến cho tôi ly rượu thứ nhì. Anh đặt một điếu Havannah xanh lục lên bàn, cạnh cốc rượu. “Herr Hauser gửi anh.”
Từ góc của mình, Valentin ra dấu và nâng ly.
“Ba mươi mốt tháng Bảy, mười bẩy,” anh nói, giọng khàn đặc.
Tôi gật đầu chào và cũng nâng ly.
Anh luôn luôn phải uống mừng một điều gì đó. Có một đêm, tôi gặp anh ở một lữ quán vùng quê, đang uống rượu thưởng trăng; một ngày ở chiến hào, anh uống khi tình thế đặc biệt tồi tệ, và anh biết ơn vì mình còn sống và còn ngồi ở đấy.
“Anh ấy là bạn cũ,” tôi giải thích với nàng. “một người bạn thời chiến. Anh ấy là người duy nhất tôi biết có thể tinh luyện một chút hạnh phúc từ một nỗi bất hạnh lớn. Anh ấy không biết làm gì với đời mình nữa –do đó anh ấy vui sướng chỉ vì anh ấy còn sống.”
Nàng đăm chiêu nhìn tôi. Một vệt sáng rơi trên vầng trán và đôi môi nàng. “Tôi có thể hiểu điều ấy,” nàng nói.
Tôi ngước mắt. “Ơ, làm sao có thể? Cô còn trẻ quá mà.”
Nàng mỉm cười. Nụ cười lãng đãng trong ánh mắt mà thôi. Nét mặt gần như không đổi; chỉ trong trẻo hơn, như thể tỏa sáng từ bên trong.
“Còn trẻ quá,” nàng nói. “thật là một câu phát biểu! Với tôi, ta không bao giờ quá trẻ. Ta chỉ luôn luôn quá già!”
Tôi im lặng trong chốc lát.
“Từ một bình diện khác, có nhiều thứ để nói lắm ” sau cùng tôi đáp, và ra hiệu cho Fred mang thêm một chút gì nữa để uống. Nàng tự tin và độc lập trong cách nghĩ; so với nàng, tôi có cảm giác mình giống một súc gỗ ngu si. Tôi muốn khởi đầu một cuộc đối thoại nhẹ nhàng vui tươi, một cuộc đối thoại lý thú, thứ mà ta thường nhớ đến khi còn lại một mình. Lenz có thể làm được chuyện ấy; còn với tôi, câu chuyện luôn luôn trở nên vụng về, khó nhọc. Cũng không sai lắm khi Gottfried thường nói, trong vai trò một người chiêu đãi, tôi có trình độ của một bà giám đốc sở bưu điện.
May mắn thay Fred là một người bạn đầy hiểu biết. Thay vì loại ly nhỏ xíu như cái đê khâu thường ngày, anh mang đến một cốc vang to và đầy. Giúp anh khỏi mất công đi tới đi lui nhiều lần và tôi không ra vẻ uống quá nhiều. Tôi phải uống, nếu không tôi không thể nào thoát khỏi sự tẻ nhạt, trì độn này.
“Cô không dùng thêm Martini sao?” tôi hỏi nàng.
“Thế anh đang uống gì đấy?”
“Cái này à? Rum.”
Nàng nhìn ly rượu của tôi. “Cùng một loại như thứ anh vừa uống.”
“Vâng,” tôi nói. “Phần lớn tôi chỉ uống rum.”
Nàng lắc đầu. “Tôi không thể tin rằng nó có mùi vị thơm ngon.”
“Thật tình tôi không còn biết nó thơm ngon ra sao nữa,” tôi nói.
Nàng nhìn tôi. “Vậy anh uống làm gì?”
“Rum,” tôi nói, — vui mừng vì vớ được một thứ mà tôi có thể ba hoa, –“rum không liên quan gì đến hương vị. Nó không phải chỉ là một thức uống –nó còn là một người bạn. Một người bạn giúp cho mọi việc dễ dàng hơn. Nó thay đổi thế giới. Và cho nên ta uống, dĩ nhiên là thế –” tôi đẩy cốc rượu sang một bên. “Nhưng tôi có nên gọi cho cô một ly Martini nữa hay không?”
“Gọi rum, thì hơn.” nàng nói. “Tôi nên thử một lần cho biết.”
“Tốt lắm,” tôi nói, “nhưng đừng thử hôm nay. Rum rất nặng cho người mới tập. Làm ơn cho một ly cocktail Bacardi,” tôi gọi với sang Fred.
Fred mang đến các thứ. Anh còn mang một dĩa hạnh nhân tẩm muối và cà phê rang đen. “Để chai rum của tôi lại đây, anh nhé?”
Dần dần mọi thứ bắt đầu mang một sắc thái mới. Cảm giác thiếu an toàn biến mất, chữ nghĩa nối gót theo nhau. Tôi không còn xét đoán từng chút những gì mình nói. Tôi tiếp tục uống và cảm thấy một con sóng lớn, ấm áp, mềm mại ập đến và ôm ấp tôi; những giờ đen tối đong đầy hình ảnh và cuộc diễn hành lặng lẽ của những giấc mơ len lén trở về, xếp chồng lên vùng phong cảnh ảm đạm xám xì của cuộc sống gieo neo. Vách của quán rượu lùi vào và thình lình, không còn là quán rượu nữa — mà là một góc nhỏ của trái đất, một địa đàng để nương náu, một hầm trú ẩn, bên ngoài đó trận chiến muôn đời của sự hổn loạn diễn ra gay gắt và bên trong, hai đứa tôi ngồi an trú, xô dạt vào nhau một cách bí ẩn qua hoàng hôn của thời gian.
Nàng cuộn mình trên ghế, một thiếu nữ xa lạ, huyền bí, như thể trôi nổi đến đây từ bờ bên kia cuộc đới. Tôi nghe tiếng mình nói, nhưng như thể không phải là tôi, như thể giờ đây có một người khác đang trò chuyện, một người mà tôi ước muốn được trở thành. Lời nói không còn trung thực nữa, chúng mang những ý nghĩa mới, lấn ép vào nhau, nhiều vùng đất màu sắc rực rỡ hơn những sự kiện xẩy ra trong đời tôi. Tôi biết chúng cũng không thực, chúng biến thành những mơ tưởng viễn vông và dối trá; nhưng tôi bất cần — sự thật nhạt nhẻo buồn tẻ, và chỉ có ý nghĩa cùng với vẻ quyến rũ mê hoặc của những giấc mộng mới chính là cuộc sống.
Ánh sáng lung linh trong cái chum đồng đặt trên quày. Thỉnh thoảng Valentin lại nâng ly và nói thầm một con số tháng ngày với khoảng không trước mặt. Âm thanh náo động của đường phố văng vẳng lọt vào, đôi lúc bị ngắt quảng bởi tiếng còi xe như tiếng của loài ác điểu. Mỗi khi có người mở cửa, chúng lại gào to. Dai dẳng như một mụ già ghen tuông.
Trời đã tối khi tôi đưa Patricia Hollman đến tận nhà. Tôi thong thả cuốc bộ trở về. Bỗng nhiên tôi cảm thấy cô độc và trống vắng. Cơn mưa phùn đang rắc hạt. Tôi ngừng chân trước một khung kính cửa hàng. Tôi đã uống quá nhiều. Tôi có thể cảm nhận điều ấy. Không, tôi đâu đã chuyếch choáng, quay cuồng –nhưng tôi biết chắc là thế.
Tôi thấy nóng bức. Tôi mở cúc áo choàng và đẩy mũ ra sau. Tôi bắt gập mình gục thiếp một lần nữa. Kệ bố chúng mày — tất cả những lời mắc gió tôi đã phun ra! Chúng chẳng mang một ý nghĩa nào. Mà tôi cũng không nhớ gì; đấy mới là điều tai hại nhất. Tại đây, một mình trên đường, xe buýt rầm rộ lao qua, tất cả mọi thứ đều mang một vẻ khác biệt so với lúc tôi còn ngồi trong vùng nửa sáng nửa tối của quán rượu. Tôi tự nguyền rủa mình. Ấn tượng ban đầu của nàng về tôi mới đẹp làm sao! Chắc chắn nàng đã nhận ra. Nàng gần như không uống gì cả. Và nàng đã cho tôi một cái nhìn kỳ lạ khi chia tay…
Herrgott! tôi quay ngoắt lại và do đó, đụng phải một lão béo lùn — “Ê?” tôi cáu kỉnh nói.
“Mắt để trên đầu hay sao mà không nhìn thấy bố đây, hở thằng cán chổi?” lão béo quát.
Tôi trân trối nhìn lão.
“Thế đằng ấy chưa bao giờ trông thấy loài người, hả?” lão ta sừng sộ nói tiếp.
Lão lọt đúng tầm nhắm của tôi.
“Con người hả, thấy rồi,” tôi đáp, “nhưng thùng bia biết đi thì chưa.”
“Quân khốn khiếp!” lão nói.
“Lão mập khờ,” tôi đáp lại.
Lão trịnh trọng nhấc mũ. “Chào đằng ấy, nhé.” lão nói, và chúng tôi chia tay.
Những câu xã giao đó làm tôi tỉnh ra, nhưng nỗi ưu phiền vẫn còn đó. Quả tình càng tỉnh táo, tôi càng bực bội. Tôi thấy mình ngu ngốc không tả. Nhưng rồi, dần dần tôi không còn khó chịu với bản thân: tôi khó chịu với tất cả mọi thứ — kể cả nàng. Chính vì nàng mà tôi đã say mèm. Tôi bẻ cao cổ áo. Nàng thích hay không thích một điều gì về tôi, tôi cũng không cần –dẫu sao, nàng là ai cơ chứ? Buổi hẹn hò dù có kết quả xấu tệ đến mấy, tôi cũng không quan tâm — chuyện gì xảy ra, đã xảy ra. Không thể làm gì khác để cứu vãn. Và cũng thế, không chừng…
Tôi quay trở về quán rượu và lần này, say túy lúy.