Thời tiết trở nên ấm ướt và mưa dầm suốt mấy ngày. Rồi trời trong và nắng ấm mang theo cái nóng âm ỉ. Sáng thứ Sáu, khi đến xưởng sửa xe, tôi gặp Matilda Stoss, chổi kẹp nách, đứng giửa sân như một con hà mã bị thôi miên.
“Xem kìa, Herr Lohkamp, có lộng lẫy không chứ? Mỗi lần như thế, lại là một phép mầu.”
Tôi bàng hoàng – cây mận già cạnh máy bơm xăng tưng bừng nở hoa, chỉ trong một đêm.
Nó đứng đấy, còng queo, trơ trọi, suốt cả mùa đông; chúng tôi thường máng vỏ xe cũ và đặt các can nhớt lên cành cho dễ chiết; nó được dùng như một cái giá rất tiện nghi để cất đủ thứ, từ giẻ lau xe cho đến nắp đậy máy xe. Vài ngày trước, các bộ áo liền quần thợ máy của chúng tôi hãy còn bừa bãi phơi trên đấy; chiều hôm qua cũng không có gì đáng chú ý; thế mà giờ đây, chỉ trong một đêm, nó đã biến đổi, như chuyện thần tiên, thành một vầng mây hồng và trắng lung linh, một vầng mây những bông hoa tươi thắm, như một đàn bướm bỗng nhiên đáp xuống chỗ làm việc lem luốc của chúng tôi.
“Và hương thơm!” bà ấy nói, mắt đảo tròn phấn khởi. “Tuyệt diệu! Cứ như là mùi rượu rum.”
Tôi không ngửi được gì cả, nhưng tôi hiểu ngay. “Theo tôi, thơm như cognac của khách hàng,” tôi đề nghị.
Bà ấy thẳng tay bác bỏ. “Herr Lohkamp, chắc cậu bị cảm lạnh. Hoặc là gai thịt trong mũi, có lẽ thế? Thời buổi này, gần như ai cũng có gai thịt trong mũi. Không, mũi của già Stoss này thính như chó săn; tin tôi đi, đó là mùi rum, rum lâu năm.”
“Được rồi, Matilda…”
Tôi rót một cốc rum và đi ra cây xăng. Jupp đã ngồi sẳn nơi đấy. Cạnh thằng bé, nhiều cành hoa mận cắm trong một lọ mứt cũ bằng thiếc han rĩ. “Cái này để làm gì thế?” tôi ngạc nhiên hỏi.
“Dành cho quý cô quý bà,” Jupp giải thích. “Nếu họ đổ đầy bình, họ sẽ được biếu một cành. Cháu đã bán được chín mươi lít xăng rồi đấy. Cái cây này giá trị tương đương với vàng. Nếu không có nó, chắc chúng ta phải làm một cây hoa giả.”
“Cháu thật giỏi buôn bán,” tôi nói.
Thằng bé cười hể hả. Nắng xuyên qua vành tai của nó, trông như ô cửa kính nhuộm.
“Cháu còn được chụp ảnh hai lần,” thằng bé nói tiếp. “Trước cây hoa.”
“Tốt lắm, cháu sẽ sớm thành tài tử xi-nê,” tôi nói, và đi tới ổ sửa xe, nơi Lenz từ dưới gầm xe Ford chui ra.
“Bob,” anh nói. “tớ mới nhớ một chuyện. Thể nào chúng ta cũng sẽ bận rộn với cô bạn của Binding.”
Tôi chăm chú nhìn anh. “Cậu nói gì thế?”
“Thì y như tớ vừa nói. Mà sao cậu lại nhìn chòng chọc thế?”
“Đâu có –“
“Có mà, cậu nhìn tớ chòng chọc. Tên họ đầy đủ của cô ấy là gì nhỉ? Pat — nhưng Pat gì mới được?”
“Tớ không biết.”
Anh đứng thẳng người. “Cậu không biết? nhưng cậu có viết địa chỉ của cô ấy. Tớ nhìn thấy tận mắt.”
“Tớ làm mất mẩu giấy ấy rồi,” tôi giải thích.
“Làm mất!” Anh ôm mái tóc vàng bằng cả hai tay. “Sau khi tớ phải bỏ ra suốt một giờ ở ngoài sân với Binding! Làm mất! Ơ, không chừng Otto biết.”
“Otto cũng không biết đâu,” tôi nói.
Anh nhìn tôi. “Đồ nửa mùa chết tiệt! Cậu còn tệ hơn thế. Hôm ấy, cậu không biết à, đấy là một thiếu nữ tuyệt vời. Hergott!” Anh đăm đăm nhìn trời. “Khi chỉ một lần duy nhất trong đời, một điều tốt đẹp xảy đến với chúng ta, thì một thằng cả đẩn xúi quẩy như cậu lại làm lạc mất địa chỉ.”
“Tớ có thấy cô ấy tuyệt vời chỗ nào đâu,” tôi nói.
“Bởi vì cậu là một thằng ngốc,” Lenz đáp; “một thằng khờ, không nhận thức được điều gì có giá trị cao hơn một cô gái điếm ở tiệm cà phê International. Cậu là nhạc công dương cầm, thế thôi. Một lần nữa, tớ nói cho cậu biết, cô gái ấy, là một điều may mắn không ngờ, thật thế. Dĩ nhiên, cậu chẳng biết cóc khô gì. Cậu có nhìn vào mắt cô ấy không? Hẳn là không, cậu còn mãi ngắm ly rượu của cậu.”
“Ô, cậu nín đi,” tôi chặn lại, bởi nhắc tới rượu, anh chạm đúng chỗ nhược của tôi.
“Và đôi tay của cô ấy,” anh tiếp tục, không màng tới tôi –” thon dài, như tay của một cô gái hai dòng máu –Gottfried hiểu những chuyện này, Gottfried biết mà. Lạy thánh Moses! Cuối cùng con cũng đã gặp nàng, với những thứ một người phụ nữ cần có — đẹp, dĩ nhiên, và quan trọng hơn cả, khí sắc –” Anh tự ngắt lời. “Cậu có biết, chẳng hạn, khí sắc là gì không?”
“Là không khí, thứ ta bơm vào bánh xe,” tôi nói.
“Cố nhiên,” anh nói một cách thương hại. “Không khí, cố nhiên! Khí sắc, vẻ tinh tuyền, rạng rỡ, ấm áp, huyền bí — là những thứ tạo nên cái đẹp của một linh hồn và làm nó trở nên sống động. Nhưng cậu cần quái gì, khí sắc của cậu là mùi rượu rum –“
“Nín ngay, không thì tớ sẽ phang một cái gì đó lên đầu cậu đấy,” tôi gầm lên.
Nhưng Gottfried vẫn tiếp tục nói và tôi không làm gì cả. Dĩ nhiên anh không biết chuyện gì đã xảy ra và mỗi chữ của anh cắm trúng tâm điểm — nhất là những chữ tả chuyện nhậu nhẹt. Tôi gần như đã quên, tôi đã an ủi mình một cách khá hữu hiệu; thế nhưng giờ đây anh lại đào bới lên tất cả. Anh ca tụng và ca tụng cô gái đến khi tôi cảm thấy mình đã vĩnh viễn đánh mất một điều vô cùng quý báu.
Sáu giờ chiều, vẫn phiền muộn tôi đến Café International. Đấy là nơi trú ẩn xưa nay của tôi; Lenz nói đúng.
Tại đấy, tôi ngạc nhiên trước khung cảnh nhộn nhịp. Các loại bánh kem ướp lạnh và bánh nho khô bày trên quày, và Alois- bàn chân dẹp, tất tả bê một khay đầy ly tách cà phê khua lanh canh vào phòng trong.
Tôi chựng lại. Cà phê, cả bình to ư? Hẳn phải có một bầy đàn lén lút say sưa ở đâu đây.
Nhưng bà chủ quán giải thích. Hôm nay ở phòng sau có tiệc từ giả Lilly, bạn của Rosa. Tôi vỗ trán. Tất nhiên, tôi đã được mời! Và tôi là người đàn ông duy nhất, như Rosa ngụ ý — vì Kiki, chàng trai ẻo lả, cũng có mặt, nhưng không kể. Tôi chuồn ra ngoài, mua một bó hoa, một trái thơm, một cái lúc lắc của trẻ con, và một thanh sô cô la.
Rosa đón tôi với nụ cười của bậc nữ lưu. Chị vận một chiếc áo đầm vải dầy, cổ khoét rất sâu và ngự ở đầu bàn. Răng vàng của chị lại lấp lánh. Tôi hỏi thăm cháu bé, và đưa cái lúc lắc nhựa cùng với phong sô cô la. Rosa rạng rỡ.
Với trái thơm và bó hoa, tôi quay sang Lilly; “Chúc chị những điều tốt lành nhất.”
“Cậu ấy luôn luôn là một người hào hoa phong nhã,” Rosa nói; “Bob ơi, đến đây, ngồi giữa chúng tôi nhé.”
Lilly là bạn thân của Rosa. Có một bề dầy sự nghiệp sáng chói. Chị là gái điếm trụ ở khách sạn, là ước vọng xa vời của những cô điếm trẻ. Gái điếm ở khách sạn không cần kiếm khách ngoài phố –cô ta thuê phòng trọ và chiêu khách tại đấy. Rất ít người đạt được vị trí này — họ không đủ y phục hay vốn liếng để kiên nhẫn đợi khách. Đúng thế, Lily chỉ hành nghề ở một khách sạn tỉnh lẽ; nhưng theo thời gian, chị đã để dành gần bốn ngàn marks. Bây giờ chị muốn lấy chồng. Chồng tương lai của chị có cửa hàng sửa ống nước. Anh biết rõ về chị, nhưng chấp nhận. Và anh không cần lo lắng cho tương lai; khi một người trong bọn lập gia đình, họ là những người đáng tin cậy. Họ đã có đủ những thăng trầm trong đời.
Lilly sẽ cử hành đám cưới ngày thứ Hai. Hôm nay Rosa tổ chức một buổi tiệc nhẹ chia tay. Các cô có mặt đầy đủ để gặp Lily lần cuối. Một khi có chồng, chị ấy sẽ khó lòng đến đây.
Rosa rót cà phê cho tôi. Alois, nhanh nhẩu tiến đến với một cái bánh khổng lồ rắc đầy quả phúc bồn tử, hạnh nhân và bạch chỉ. Chị cắt một lát to, đặt trước mặt tôi.
Tôi biết mình phải làm gì. Tôi thành thạo nếm một miếng và bày tỏ sự ngạc nhiên cao độ.
“Donnerwetter 1, chắc chắn không thể nào mua ở tiệm!”
“Chị tự làm đấy,” Rosa sung sướng nói. Chị nấu ăn rất ngon và thích được mọi người tán thưởng. Món ra-gu Hung Gia Lợi và bánh nho khô của chị không ai sánh kịp. Dòng dõi Bohemia của chị, đâu phải là thừa.
Tôi nhìn quanh. Các cô ngồi ở bàn, những người hái nho trong vườn của Chúa, những bậc thầy thấu hiểu bản chất của con người, những chiến sĩ của ái tình: Wally, người đẹp, áo lông chồn trắng đã bị cuỗm mất trong một phi vụ về đêm mới đây; Lina chân gỗ, thế nhưng lúc nào cũng tìm được mối; Fritzi, người vui tính, yêu thương chàng Alois- bàn chân dẹp, mặc dù chị có thể xây tổ ấm với một người khác, nhưng chị vẫn khước từ; Margot đôi má hồng, lúc nào cũng mặc y phục nữ gia nhân và do đó luôn luôn kiếm được khách hàng thông thái; Marion trẻ nhất bọn, rạng rỡ và phóng túng; Kiki, không được coi như đàn ông vì anh mặc quần áo đàn bà và tô son điểm phấn; Mimi, con người đáng thương, bốn mươi lăm tuổi và bị giãn tỉnh mạch, đi bộ là một việc khó khăn cho chị; vài cô hầu rượu, vài người khách buổi tối mà tôi không quen; và cuối cùng, nhân vật danh dự thứ nhì, thấp bé, tóc bạc và nhăn nheo như một quả táo mùa đông — “Bu,” người mà ai cũng trao gởi nỗi lòng, người an ủi và giúp đở tất cả các cô gái giang hồ. Bu của quày xúc xích ở góc đường Nikolaistrasse, ban đêm là căn bếp di động, là cơ quan đổi tiền, nơi đấy, ngoài xúc xích Frankfort, bà còn dấm dúi bán thuốc lá và bao cao su, và cũng cho vay, nếu cần.
Tôi hiểu phép lịch sự. Hôm nay, không được nhắc tới cửa tiệm, không được có những lời nham nhở; quên đi sức mạnh khét tiếng của Rosa đã tạo cho chị ấy hỗn danh “con ngựa sắt”; quên đi cuộc thảo luận về đề tái ái tình của Fritzi và Stefan Grigoleit, người buôn gia súc; quên đi vũ khúc của Kiki quanh giỏ brezel 2 mỗi sớm mai. Cuộc chuyện trò ở đây phải thích đáng trong một buổi họp của các hiền mẫu.
“Chị chuẩn bị xong chưa, Lilly?” tôi hỏi.
Chị gật đầu. “Chị sắm sửa tư trang cô dâu đã từ lâu.”
“Tư trang của chị ấy, thật tuyệt,” Rosa nói. “Có cả tấm trải lưng ghế và tay ghế!”
“Tấm trải lưng và tay ghế? Để làm gì?” tôi hỏi.
“Ô hay, Bob này!” Rosa nhìn tôi trách móc đến độ tôi phải lập tức giải thích rằng, lẽ dĩ nhiên, tôi biết chúng là gì: những miếng ren, hoặc chỉ móc để trang hoàng bàn ghế, biểu tượng của một chút sang trọng trưởng giả, biểu tượng thiêng liêng của tình yêu trong hôn nhân và thiên đàng đã mất. Không một ai trong họ làm gái mãi dâm vì bản chất; họ là những hoang tàn đổ nát của tầng lớp trung lưu. Tham vọng thầm kín của họ không phải là sự trụy lạc, mà là giường chiếu của hôn nhân. Nhưng không đời nào họ thú nhận điều ấy.
Tôi ngồi xuống ghế dương cầm. Rosa chỉ chờ mong thế. Chị ấy, giống như cả bọn, rất ưa chuộng âm nhạc. Như một lời chia tay, tôi đàn những bản mà Rosa và Lilly yêu thích nhất. Bài mở đầu là “Lời nguyện cầu của nàng trinh nữ.” Tên của bản nhạc có lẽ không thích hợp chút nào với nơi chốn này, nhưng nó là một bản nhạc vui tươi, hào hứng. Tiếp theo là những bản, “Dạ khúc của bầy chim,” “Ánh sáng trên núi cao,” “Khi tình yêu chết,” ” Bạc triệu của anh hề,” và cuối cùng, “Mái nhà yêu dấu.” Rosa đặc biệt yêu thích bản nhạc ấy. Gái điếm là hạng người mà cùng một lúc, vừa cứng rắn nhất vừa yếu mềm nhất. Mọi người đều cất tiếng ca. Kiki hát giọng nữ trầm.
Lilly đứng lên. Chị phải đi gặp chú rễ của mình. Rosa hôn chị một cái rõ to. “Chúc chị may mắn. Đừng nghĩ ngợi nhiều.”
Tay xách nách mang quà cáp, chị ra về. Có trời chứng giám, vẻ mặt của chị khác hẳn khi xưa. Nét khắc nghiệt, thường thấy ở những người phải tiếp xúc với sự đê tiện của loài người, đã hoàn toàn biến mất; gương mặt của chị trở nên hiền thục; quả thật lại có một chút băng trinh.
Chúng tôi đang đứng ở cửa vẫy tay tiễn Lilly, bỗng nhiên Mimi bật khóc. Chị cũng có chồng, nhưng chồng chị mất vì bệnh sưng phổi trong thời chiến. Chị than vãn, nếu anh ấy chết trận, chị đã có một ít tiền hưu bổng và không phải lang thang đầu đường xó chợ.
Rosa vỗ lưng chị. “Thôi đừng buồn nữa, Mimi. Vào uống thêm một chút cà phê.”
Cả đám quay vào tiệm International như một bầy gà mái lục tục vào chuồng. Nhưng bầu không khí thích hợp không còn nữa. “Bob ơi, chơi thêm vài bản trước khi kết thúc,” Rosa nói. “Một bài giúp chúng ta sôi động.”
Rồi đến lượt tôi ra về. Rosa dúi thêm bánh vào túi tôi. Tôi biếu cho con trai của “Má”, vừa chuẩn bị xong xuôi quày xúc xích bán đêm.
Tôi suy nghĩ xem mình nên làm gì. Dù sao đi nữa, tôi cũng không muốn đến “The Bar”; hay rạp chiếu phim. Còn xưởng sửa xe thì sao? Tôi nhìn đồng hồ tay. Tám giờ. Giờ này có lẽ Koster đã trở lại; nếu anh ấy có ở đấy, hẳn Lenz sẽ không càm ràm tôi hằng giờ về nàng. Tôi đi.
Có ánh đèn trong nhà xe. Không chỉ nhà xe mà thôi — toàn thể sân trong sáng rực. Koster ở đấy một mình.
“Rọi đèn làm chi, hở Otto?” tôi hỏi. “Bán được xe Cadillac rồi hở?”
Koster cười. “Không, Gottfried chỉ chiếu đèn xem chơi, thế thôi.”
Tất cả đèn pha chiếc Cadillac đều bật sáng và xe được đẩy nhếch tới trước để chùm đèn xuyên qua cửa sổ vào sân và rọi thẳng lên cây mận. Nó đứng đấy, đẹp tuyệt trần, trắng xóa như phấn bảng và bóng đêm như mặt hồ đen thẩm lấm láp vỗ hai bên.
“Một sự trình bày ngoạn mục,” tôi nói. “Thế cậu ấy đang ở đâu?”
“Mua thức ăn.”
“Tốt,” tôi nói. “tớ cảm thấy hơi chán. Có lẽ chỉ vì đói.”
Koster gật đầu. “Bob, hãy ăn khi có thể; đó là quy tắc đầu tiên của người lính già. Hồi chiều này, tớ cũng bồng bột lắm — tớ đã ghi danh đua xe với Karl.”
“Cái gì?” tôi nói. “Lần thứ sáu?”
Anh gật đầu.
“Nhưng, chết nỗi, Otto, tất cả những xe chiến đấu nhất sẽ tham dự lần ấy.”
Anh lại gật đầu. “Hạng xe thể thao, tranh với Braumuller.”
Tôi xắn tay áo, “vậy hãy làm việc ngay, Otto! Tắm táp người thương cho nhiều vào.”
“Chờ một tí,” chàng lãng mạn cuối cùng vừa bước vào và nói. “Ăn trước đã.” Anh bày bửa tối ra, phô-mai, bánh mì, xúc xích hun khói cứng như đá, và cá mòi. Trong khi ăn, chúng tôi uống bia lạnh. Chúng tôi ngấu nghiến như một đám thợ đập lúa đói khát. Rồi chúng tôi bắt đầu với Karl. Suốt hai giờ, chúng tôi mầy mò, kiểm tra và vô dầu mỡ không sót chỗ nào. Sau đó, Lenz và tôi ngồi xuống ăn thêm đợt hai. Gottfried cũng bật đèn pha chiếc Ford. Trong vụ đụng xe, một bên đèn vẫn còn nguyên. Từ khung xe méo mó, nó ngước lên, đăm đăm nhìn trời.
Lenz quay lại, mãn nguyện. “Vậy, đem mấy chai rượu ra. Chúng ta phải ăn mừng ngày lễ của Cây Hoa.”
Tôi đặt chai cognac, chai gin, và hai cốc thủy tinh lên bàn.
“Còn cậu thì sao?” Gottfried hỏi.
“Tớ không uống.”
“Cậu nói gì? Sao thế?”
“Tại vì tớ chán mấy thứ rượu chè mắc dịch này rồi.”
Lenz ngẫm nghĩ lời tôi. “Thằng con nhà mình uống quá đô rồi, Otto,” cuối cùng anh nói với Koster.
“Vậy để mặc hắn, nếu hắn không muốn thì thôi,” Koster trả lời.
Lenz rót đầy ly của mình. “Mấy hôm nay, đôi khi hắn lại điên điên.”
“Có những chuyện còn tệ hơn,” tôi nói.
Trăng đã lên cao, to và đỏ, bên trên nóc nhà máy phía đối diện. Chúng tôi ngồi im một lúc.
“Này, Gottfried,” cuối cùng tôi bắt đầu, “cậu tự cho mình là chuyên viên trong lãnh vực tình yêu –“
“Chuyên viên ư? Trời, tớ chỉ là thầy đời,” Lenz khiêm tốn đáp.
“Tốt. Vậy cậu cho tớ biết nhé: có phải khi yêu, người ta luôn luôn hành xử như một thằng ngu?”
“Theo ý cậu, thế nào là một thằng ngu?”
“Như nửa tỉnh nửa say, ba hoa, khoác lác và lừa gạt.”
Lenz phá lên cười. “Bé cưng ơi! tất cả chỉ là một sự dối lừa. Một sự dối lừa tuyệt diệu của Bà Mẹ Thiên Nhiên. Thí dụ nhé, hãy nhìn cây mận kia. Nó đang tô điểm cho nó đẹp hơn là về sau. Thật khủng khiếp nếu tình yêu dính dáng ít nhiều với sự thật. Tạ ơn trời, các nhà luân lý không thể nào kiểm soát tất cả mọi chuyện.”
Tôi nhỏm dậy. “Anh muốn nói, nếu không có một chút gian dối thì sẽ không đi đến đâu?”
“Tuyệt đối không, con ạ.”
“Thế nhưng một người đàn ông có thể tự làm cho mình trở nên lố bịch,” tôi nói.
Lenz toét miệng cười. “Ghi nhớ điều này, con trai ơi: không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ một người đàn ông lại trở thành lố bịch trong mắt của người đàn bà, khi anh ta làm bất cứ chuyện gì vì nàng. Ngay cả những hành động ấu trĩ nhất. Làm bất kỳ điều gì cậu muốn — trồng chuối ngược, nói những câu nhảm nhí nhất, huyênh hoang như một con công, hát dưới cửa sổ nhà nàng — tất cả đều được, ngoại trừ một điều: đừng bao giờ khô khan, thẳng thừng, vô tri như miếng ngói. Đừng bao giờ duy lý, thực dụng.”
Tôi bắt đầu phấn khởi. “Otto, cậu nghĩ thế nào?”
Koster cười. “Có lẽ cậu ấy nói đúng.”
Anh đứng dậy, đi đến Karl và dở nắp đậy. Tôi đem ra một chai rum, một cốc thủy tinh và đặt chúng lên bàn. Otto mở máy. Động cơ rồ lên, trầm và khỏe. Lenz gác cả hai chân lên bệ cửa sổ và chăm chú nhìn màng đêm.
Tôi kéo ghế ngồi cạnh. “Có bao giờ cậu say khi ở cạnh một người đàn bà?”
“Thường lắm,” anh trả lời, không cựa ngoạy.
“Và?”
Anh liếc tôi. “Cậu muốn nói, và rồi làm rối tung cả lên? Đừng bao giờ xin lỗi. Đừng bao giờ nói. Gởi hoa. Đừng viết gì. Chỉ hoa mà thôi. Hoa che phủ mọi thứ. Kể cả những nấm mồ.”
Tôi nhìn anh. Anh không cử động. Ánh sáng trắng ngoài kia phản chiếu trong mắt anh, long lanh. Máy xe vẫn nổ đều, gầm gừ khe khẻ, như thể mặt đất dưới chân chúng tôi đang rung động.
“Ơ, thế thì tớ có thể uống vài giọt cũng được,” tôi nói và mở chai rượu.
Koster tắt máy xe. Rồi anh quay sang Lenz. “Trăng sáng đủ cho chúng ta có thể nhìn thấy ly rượu, Gottfried ạ. Thế thì, tắt đèn rọi được không? Đèn xe Ford, ấy mà. Cái xe quái quỷ, với cái đèn pha xéo xẹo như mắt lác làm cho tớ nhớ lại thời chiến. Chẳng phải đùa, khi những chùm đèn ấy rọi theo máy bay của ta.”
Lenz gật đầu. “Và nó cũng nhắc nhở tớ — ối chào, thôi không nói. “Anh đứng lên và tắt hết đèn xe.
Trăng đã lên cao quá nóc nhà máy và lơ lửng như một chiếc đèn lồng Trung Hoa vàng giữa những cành trên ngọn cây mận. Nhánh cây đung đưa nhè nhẹ trong gió thoảng.
“Thật lạ thường,” Lenz nói, sau một lúc im lặng, “người ta dựng tượng đài cho đủ hạng người — thế sao ta lại không thỉnh thoảng dựng một cái cho mặt trăng hay một cây hoa?”
Tôi về sớm. Khi mở cửa hành lang, tôi nghe tiếng nhạc phát ra từ máy hát của chị thư ký Erna Bonig. Một giọng nữ nhẹ nhàng, trong sáng. Rồi tiếng vĩ cầm run run da diết và tiếng ghi-ta êm đềm. Và tiếng hát lại ngọt ngào vút lên như không kềm được niềm vui đang òa vỡ. Tôi lắng nghe lời ca. Thật lạ kỳ, đi trong hành lang tối, giữa cái máy khâu của Frau Bender và hòm xiểng của gia đình Hasse, người ca sĩ hát dịu dàng đến thế.
Tôi ngắm đầu con lợn rừng treo trên cửa bếp.Tôi nghe chị giúp việc khua bát đĩa lịch kịch bên trong. “Làm sao em có thể sống xa anh?” một tiếng hát đàng sau cánh cửa, chỉ cách vài bước chân, vang lên.
Tôi nhún vai, bước vào phòng mình.
Từ phòng kế, tiếng cải cọ phát ra sôi nổi. Vài phút sau, có người gõ cửa và Hasse bước vào.
“Tôi có làm phiền chú lắm không?” anh hỏi, mệt mỏi.
“Hoàn toàn không,” tôi nói. “Anh uống một chút gì nhé?”
“Có lẽ không nên. Tôi chỉ cần ngồi đây một chốc.”
Anh thẩn thờ nhìn về phía trước.
“Như chú thế mà khỏe,” anh nói. “Chỉ một thân, một mình –“
“Ach, đừng nói nhảm,” tôi đáp. “Luôn luôn trơ trọi thế này, cũng không ra gì — anh hãy tin tôi.”
Anh lọt thõm trong chiếc ghế bành. Đôi mắt đờ đẩn dưới ánh sáng tù mù từ ngọn đèn đường hắt vào. Đôi vai hẹp, tròn…
“Tôi đã hình dung cuộc đời khác hẳn,” một lúc sau, anh nói.
“Chúng ta đều như thế,” tôi nói.
Nửa giờ sau, anh trở về phòng mình để làm lành với vợ. Tôi biếu anh vài điếu thuốc và một chai rượu vỏ cam đã vơi nửa, nằm trong tủ của tôi, từ một buổi tiệc nào đó đã lâu — vị khó chịu, ngòn ngọt, nhưng khá thích hợp với anh. Anh nào biết gì về rượu với trà.
Khẻ khàng, gần như không một tiếng động, anh bước ra, một chiếc bóng đi vào bóng tối, như đã bị hủy diệt. Tôi đóng cửa phòng sau lưng anh. Một mảnh âm nhạc từ hành lang lênh đênh trôi vào –vĩ cầm và banjos.
Tôi ngồi cạnh cửa sổ. Bên ngoài, nghĩa trang nằm dưới ánh trăng xanh. Những chùm sáng màu mè phóng từ các bảng quảng cáo điện leo quá ngọn cây và các mộ bia sáng ngời trong bóng tối. Chúng im lặng và không có vẻ đáng sợ. Xe lướt qua, bóp kèn và các luồng đèn quét loang loáng trên những dòng chữ đã phai mờ theo mưa gió.
Tôi ngồi một lúc lâu và nghĩ về mọi thứ. Một trong những thứ đó là, cách chúng tôi trở về từ chiến trường, như những người thợ mỏ sống sót sau tai nạn, trẻ trung và tan vỡ ảo mộng về tất cả mọi thứ, trừ bản thân. Chúng tôi tiến hành chiến tranh với ý định chống lại sự dối trá, ích kỷ, tham lam và ù lì của trái tim, nguyên nhân của tất cả những gì nằm lại phía sau; chúng tôi trở nên chai đá, không còn tin tưởng vào một ai hay một điều gì, trừ các chiến hữu kề cận hay những thứ như — bầu trời, cây cối, trái đất, bánh mì, thuốc lá, những thứ chưa bao giờ biết lừa gạt con người — và rồi được gì? Tất cả đều sụp đổ, đồi trụy và lãng quên. Và với những người chưa bị bỏ quên, chỉ còn lại sự bất lực, tuyệt vọng, thờ ơ và rượu mạnh. Thời của những giấc mơ vĩ đại cho tương lai của nhân loại đã qua. Những tay chuyên thọc gậy bánh xe, những người ích kỷ đã chiến thắng. Thối nát… Khốn khổ…
Cậu thế mà khỏe, chỉ một thân một mình. Hasse nói thế. Cũng đúng — một người cô độc không thể nào bị ruồng bỏ. Nhưng thỉnh thoảng, ban đêm, toàn thể cơ cấu giả tạo bị sụp đổ, cuộc đời trở thành một giai điệu nức nở không nguôi; từ âm thanh muôn thủa rền rỉ một cách vô nghĩa của phong cầm, dâng lên một cơn lốc của những ao ước hoang dại, những thèm muốn, những nỗi buồn thê thảm và những niềm hy vọng, bơ vơ đi tìm đối tượng. Ach, một chút hơi ấm, thứ nhu cầu đáng thương này–có thể nào có đôi tay và một gương mặt cúi chào đâu đấy? Hay nó cũng chỉ là sự giả dối, đầu hàng, và trốn chạy? Như thế thì, có gì không, ngoài nỗi cô đơn?
Tôi đóng cửa sổ. Không, không có gì. Bởi với bất cứ điều gì hơn thế, chỉ có rất ít đất đứng bên dưới chân ta.
Nhưng sáng hôm sau tôi dậy sớm và, trước khi đi làm, gỏ cửa đánh thức ông chủ một cửa hàng hoa. Tôi chọn một bó hoa hồng và nhờ ông gởi đi ngay. Tôi có cảm giác khá lạ kỳ khi chậm rãi viết tên người nhận –Patricia Hollmann — lên tấm thiệp.
——————————–
1 Donnerwetter: một tán thán từ
2 brezel: pretzel (bánh bột mì cọng nhỏ, thường uốn tréo cong queo hình quả tim)