Patricia Hollman sống trong một chung cư to, màu vàng, cách lòng đường một vệt cỏ hẹp. Trước cửa chính là ngọn đèn đường. Tôi đậu chiếc Cadillac ngay dưới đó. Trong ánh sáng lung linh, nó trông như một chị voi đen, khổng lồ, bóng như sơn mài.
Tôi đã hoàn thiện bộ cánh của mình. Ngoài cà vạt, còn thêm mũ và găng tay mới. Tôi cũng mặc chiếc áo khoác nâu của Lenz, dệt bằng thứ len Shetland thượng hạng. Trang bị như thế, tôi hy vọng sẽ xóa bỏ vĩnh viễn, nếu chẳng may, bất kỳ ấn tượng say sưa ban đầu.
Tôi bóp còi. Lập tức, như hỏa tiến lao khỏi bệ phóng, đèn lần lượt chớp sáng ở năm khung cửa sổ, từ thấp lên cao. Thang máy bắt đầu kêu rầm rì. Tôi nhìn nó hạ thấp, như một chiếc giỏ mây sáng trưng từ trời cao thả xuống. Nàng mở cửa và bước nhanh xuống mấy bậc thềm. Nàng vận một chiếc áo lông ngắn và một cái váy bó sát màu nâu.
“Chào anh!” Nàng đưa tay. “Rất vui có dịp ra ngoài. Tôi ở nhà suốt ngày hôm nay.”
Tôi thích cách nàng bắt tay — chặt hơn ta tưởng. Tôi ghét những người đưa bàn tay mềm oặt như cá ươn.
“Thế, tại sao cô không nói trước?” tôi trả lời. “Tôi có thể đón cô từ trưa.”
“Vậy, anh có nhiều thì giờ rỗi rảnh nhỉ?” nàng cười.
“Không hẳn thế. Nhưng tôi có thể sắp xếp để ra về sớm.”
Nàng hít một hơi dài. “Không khí tuyệt vời — như hương Xuân.”
“Cô tha hồ hít thở,” tôi nói. “Cô có muốn ra khỏi thành phố, đi qua rừng? Cô thấy đấy, tôi có một chiếc xe hơi.” Tôi hững hờ chỉ chiếc Cadillac, làm như nó là một xe Ford cũ.
“Cadillac?” Ngạc nhiên, nàng nhìn tôi. “Xe của anh?”
“Vâng, tối nay. Những lúc khác, nó thuộc về xưởng. Chúng tôi đang o bế nó, hy vọng sẽ kiếm được một vố để đời.”
Tôi mở cửa xe. “Cô nghĩ sao, nếu chúng ta ghé ‘Chùm Nho’ và ăn tối ở đấy trước?”
“Tất nhiên sẽ ăn tối, thế nhưng, sao lại chọn ‘Chùm Nho’?”
Tôi bối rối nhìn nàng. “Chùm Nho” là quán ăn sang trọng duy nhất mà tôi biết.
“Quán mở cửa,” tôi nói. “Đấy là tất cả những gì tôi biết. Và tôi nghĩ chúng ta có bổn phận với chiếc Cadillac.”
“Bổn phận thì phiền nhiễu,” nàng đáp. “‘Chùm Nho’ thể nào cũng mắc mỏ và chán ngấy. Ta đi chỗ khác nhé.”
Tôi choáng váng. Ý tưởng của tôi về một buổi tối nghiêm túc tan biến vào khoảng không. “Thế thì cô nên đề nghị một nơi nào,” tôi nói. “Những chỗ tôi biết đều có phần luộm thuộm. Tôi không nghĩ chúng xứng đáng với cô.”
“Làm sao anh biết?”
“Tôi có thể thấy –“
Nàng nhìn tôi thật nhanh: “Chúng ta cứ thử, xem sao.”
“Được thôi,” tôi đành buông bỏ toàn bộ kế hoạch của mình. “Vậy, tôi biết một chỗ, nếu cô không dễ khiếp đảm. Chúng ta sẽ đến quán Alfons’.”
“Alfons’, nghe được lắm,” nàng trả lời; “và tôi sẽ không dễ dàng khiếp vía tối nay đâu.”
“Alfons điều hành một quán bia lộ thiên,” tôi nói; “anh ấy là bạn thân của Lenz.”
Nàng cười to. “Vậy, Lenz có bạn khắp nơi.”
Tôi gật đầu. “Anh ấy kết bạn dễ dàng. Cô đã chứng kiến điều ấy, với Binding.”
“Vâng, quả thế.” nàng trả lời. “Nhanh như chớp.”
Chúng tôi lái đi.
Alfons là một người nặng nề to lớn, it lời. Lưỡng quyền cao… Mắt nhỏ… Tay áo xắn lên… Bắp thịt như khỉ đột… Nếu không vừa ý một người nào, kể cả thành viên Công Đoàn Thể Thao Tổ Quốc, anh sẽ đích thân quẳng gã ấy ra đường. Với các khách hàng thực sự khó chơi, anh có một cây búa, dấu dưới quầy. Quán tọa lạc ở một địa điểm tiện nghi; cạnh bịnh viện. Giúp Alfons đỡ phí chuyển thương.
Với bàn tay đầy lông, anh lau cái bàn gỗ thông màu nhạt.
“Bia?” anh hỏi.
“Whisky, và một ít thức ăn,” tôi nói.
“Còn quý cô thì sao?” Alfons hỏi.
“Quý cô cũng gọi whisky,” Patricia Hollmann nói.
“Chọn đúng lắm! Alfons nhận xét. “Hôm nay có sườn heo với bắp cải muối chua.”
“Anh tự xẻ thịt?” tôi hỏi.
“Tất nhiên.”
“Nhưng có lẽ cô ấy hợp với một món nhẹ nhàng hơn, Alfons.”
“Không hẳn đâu,” Alfons phản đối. “Hãy để cô ấy xem miếng sườn.”
Anh gọi người hầu bàn đem ra một phần sườn. “Một chị lợn béo tốt,” anh bảo. “tôi chọn hai con hạng nhất.”
“Đúng là món chính hẩu,” Patricia Hollmann trả lời chắc nịch, trước sự ngỡ ngàng của tôi, như thể đã lăn lộn trong nghề lâu năm.
Alfons nháy mắt. “Vậy ta gọi hai phần?”
Nàng gật đầu.
“Hay lắm! Tôi sẽ đích thân chọn thịt.”
Anh bỏ vào bếp.
“Tôi xin lấy lại nỗi ngờ vực về quán ăn này,” tôi nói. “Cô đã nhanh chóng làm xiêu lòng Alfons. Anh ấy tự tay chọn thịt — thông thường, anh ấy chỉ làm như thế với khách rất quen.”
Alfons trở lại. “Tôi cũng thêm vào một đòn xúc xích tươi.”
“Ý không tệ lắm,” tôi nói.
Alfons nhìn chúng tôi một cách độ lượng. Whisky được đem ra. Ba cái ly. Một cho Alfons.
“Nào, pros’t!” anh nói. “Cầu trời cho con cái chúng ta có cha mẹ giàu có.”
Chúng tôi chạm ly. Cô gái không nhấm nháp. Nàng nghiêng ly uống một mạch.
“Chọn đúng món ngon,” Aflons nói và chậm rãi đi về quày.
“Cô có thích hương vị của loại whisky này? Tôi hỏi.
Nàng lắc đầu. “Hơi mạnh một chút. Nhưng tôi không thể để Alfons thất vọng.”
Món sườn heo rất vừa miệng. Tôi ăn hai phần to và Patricia Hollmann cổ võ tôi. Tôi nghĩ thật tuyệt, cách nàng nhập cuộc và không gặp khó khăn. Và một cách dễ dàng, nàng uống thêm một lượt whisky nữa với Alfons. Anh nháy mắt kín đáo với tôi, ý là anh tin rằng nàng vẫn không sao. Và Alfons là một người sành sỏi. Không hẳn về vấn đề mỹ thuật và văn hóa; mà đúng ra, về cốt lõi và nội dung.
“Sau khi lập gia đình, cô có thể giúp Alfons nhận ra một vài nhược điểm rất người của anh ấy.”
“Đương nhiên,” nàng nói. “Nhưng dường như anh ấy không có nhược điểm.”
“Có đấy.” Tôi chỉ tay vào cái bàn đặt cạnh quầy rượu. ”Kia kìa.”
“Cái gì thế? Máy hát?”
“Không phải máy hát. Hợp xướng thánh ca. Alfons rất yêu nhạc hợp xướng. Chưa bao giờ thích nhạc khiêu vũ hay nhạc cổ điển – hoàn toàn là hợp xướng mà thôi. Hợp xướng giọng nam, giọng nam và nữ – tất cả các dĩa hát ở đấy đều là thánh ca. Kia — cô thấy không. Anh ấy đang đi tới.”
“Ăn được không?” Alfons hỏi.
“Cứ như mẹ nấu ở nhà,” tôi đáp.
“Cô ấy cũng thích chứ?”
“Món sườn heo ngon nhất đời tôi,” cô gái dõng dạc nói.
Alfons gật đầu thỏa mãn. “Bây giờ tôi sẽ chơi dĩa nhạc mới nhất. Sẽ làm các bạn ngạc nhiên.”
Anh ấy đi tới chỗ máy hát. Tiếng kim sột soạt cào lên mặt dĩa và một ban hợp xướng nam vút cao giọng hát vui tươi bài “Im lặng của Núi Rừng.” Quả là một sự im lặng náo nhiệt.
Từ đầu, cả quán đều im phăng phắc. Alfons có thể rất nguy hiểm nếu có ai tỏ ra thiếu tôn kính. Anh đứng ở quày, đôi tay lông lá đỡ lấy càm. Nét mặt anh thay đổi theo của âm nhạc. Anh mơ màng – như một con khỉ đột có thể mộng mơ. Hợp xướng thánh ca tạo ra một hiệu quả vượt bực cho anh; anh trở nên dịu dàng và đa cảm như một con bê. Khi anh còn trẻ và nóng tính hơn, vợ anh thường để sẳn ở máy hát một trong những dĩa nhạc yêu chuộng nhất của anh, để nhỡ khi anh hung hăng và xuất hiện với cây búa, chị có thể vặn nhạc lên; rồi anh sẽ hạ búa, lắng nghe và bình tâm. Không cần phải làm như thế nữa: vợ anh đã mất và chân dung của chị treo trên quày rượu. Ferdinand Grau vẽ bức tranh ấy, đấy là lý do Ferdinand luôn luôn có bàn ăn miễn phí ở đây– ngoài ra, Alfons đã lớn tuổi và chín chắn hơn xưa.
Dĩa nhạc chấm dứt. Alfons tiến đến.
“Tuyệt diệu,” tôi nói.
“Nhất là ca sĩ chính giọng nam cao, ” Patricia Hollmann phụ họa.
“Chính xác,” dường như đã quay về tình trạng cũ, Alfons nói.
“Thế ra cô cũng biết ít nhiều. Người ca sĩ giọng nam cao ấy, thật đặc biệt, không lẫn được với ai.”
Chúng tôi đứng trên vĩa hè. Những ngọn đèn đường trước quán lay lắt chiếu ánh sáng và bóng tối lên mê cung cành lá của một gốc cây già. Những cành cây vốn đã óng mượt màu xanh lục và trong vùng sáng chập chờn bất định từ bên dưới, dường như cây cao hơn và to ra — như thể ngọn của nó mất hút trong vũng tối u buồn trên cao — giống một cánh tay khổng lồ, vươn dài trong ước muốn mãnh liệt nắm bắt bầu trời.
Patricia Hollmann khẻ rùng mình.
“Cô lạnh à?” tôi hỏi.
Nàng bẻ cao cổ áo và dấu đôi bàn tay vào ống tay áo. “Chỉ thoảng qua. Trong quán ăn khá ấm áp.”
“Cô mặc không đủ,” tôi nói. “Ban đêm trời vẫn lạnh.”
Nàng lắc đầu. “Tôi không thích mặc những thứ y phục dầy cộp, nặng nề. Sẽ tuyệt khi trời ấm trở lại. Tôi không chịu được lạnh. Nhất là ở thành phố.”
“Trong xe Cadillac sẽ ấm hơn,” tôi nói. “Tôi đã cẩn thận mang theo một tấm chăn nhỏ.”
Tôi giúp nàng ngồi vào xe và phủ chăn lên gối nàng. Nàng kéo chăn lên cao. “Tuyệt quá! Giờ tôi ấm lắm rồi. Cái lạnh làm ta khổ sở.”
“Không chỉ cái lạnh.” Tôi xoay tay lái. “Bây giờ chúng ta đi chơi nhé?”
Nàng gật đầu. “Vâng ạ.”
“Đi đâu?”
“Chạy chầm chậm. Đi đâu không thành vấn đề.”
“Đúng thế.”
Tôi nổ máy xe và chúng tôi lái chậm và loanh quanh không mục đích trong thành phố. Đó là lúc mật độ giao thông dầy đặc nhất trong đêm. Xe chúng tôi nhẹ nhàng lăn bánh, động cơ nổ êm đềm. Chiếc xe cũng có thể là con tàu im ả lướt trên dòng kênh vui vẻ của cuộc đời. Những con đường lần lượt trôi qua — những cánh cửa màu sắc tươi sáng, những ánh đèn, từng dãy đèn đường, buổi tối nhu nhã dịu dàng sủi bọt hương đời, đêm sáng lung linh trong cơn sốt nhẹ, và trên tất cả, giữa những mái nhà, là bầu trời bao la, xám màu chì mà ánh đèn thành phố hắt lên.
Cô gái ngồi im lặng cạnh tôi; qua khung cửa xe, ánh sáng và bóng tối thay nhau phơn phớt trên mặt nàng. Thỉnh thoảng tôi lại nhìn nàng; nàng làm tôi nhớ đến đêm đầu tiên gặp gỡ. Nét mặt nàng giờ đây nghiêm nghị hơn, xa lạ hơn, tuy rất xinh đẹp; đó chính là nét mặt đã khiến tôi xúc động và không thể nào quên. Với tôi, dường như nó mang một bí ẩn nào đó của sự tỉnh lặng tìm thấy trong những sự vật, gần gụi với thiên nhiên — cây cỏ, trời mây, loài vật– và đôi khi, ở một người đàn bà.
Chúng tôi đã lái đến ngoại ô, đường xá thưa vắng hơn. Gió thổi mạnh thêm. Như gió muốn đẩy xua đêm phia trước. Ở một quảng trường, nơi các ngôi nhà nhỏ đang yên giấc trong những khu vườn con, tôi dừng xe.
Patricia Hollmann làm một cử chỉ như vừa tỉnh giấc.
“Đáng yêu thế,” sau một chốc, nàng nói. “Nếu sở hữu một chiếc xe, tôi sẽ lái chầm chậm khắp nơi như thế mỗi đêm. Có một điều gì đó siêu thực khi ta lướt đi không tiếng động. Ta vừa tỉnh thức vừa mơ màng. Và rồi, tôi có thể hình dung, có người không muốn gặp ai, vào buổi tối — “
Tôi lấy trong túi ra gói thuốc lá. “Người ta cần một thứ gì đó vào buổi tối, hử?”
Nàng gật đầu. “Buổi tối, vâng. Thật kỳ quặc, khi màn đêm buông xuống.”
Tôi xé bao thuốc. “Thuốc lá Mỹ, cô thích chứ?”
“Vâng, có còn hơn không.”
Tôi quẹt diêm cho nàng. Trong một thoáng, đóm lửa ấm áp, gần gủi của que diêm thắp sáng gương mặt nàng và bàn tay tôi và đột nhiên, tôi có cảm giác điên rồ là chúng tôi thuộc về nhau, đã từ lâu.
Tôi hạ kính xe cho khói thuốc thoát ra.
“Cô muốn lái xe không?” tôi hỏi. “Chắc cô sẽ thấy thú vị.”
Nàng quay lại. “Tôi muốn chứ; nhưng tôi không biết lái.”
“Cô thực sự không biết?”
“Không. Tôi chưa học bao giờ.”
Tôi nhìn thấy cơ hội. “Nhưng Binding hẳn đã dạy cô từ lâu,” tôi nói.
Nàng cười. “Binding yêu xe của anh ấy lắm. Không cho ai đến gần.”
“Ngốc thế,” tôi tiếp tục, vui vì có dịp dè bỉu anh Béo. “Còn tôi, tất nhiên sẽ cho cô lái.”
Tôi để tất cả những lời dặn dò của Koster bay theo gió và bước xuống xe, đổi chỗ với nàng. Nàng bức rức. “Nhưng đã nói, thực tình tôi không biết lái.”
“Cô sẽ lái.” tôi trả lời. “Chỉ có điều, cô chưa biết cách mà thôi.”
Tôi chỉ nàng cách sang số và dùng bàn đạp. “Rồi đấy,” tôi nói, “cô lái đi.”
“Khoan đã!” Nàng trỏ vào chiếc xe buýt duy nhất đang chậm chạp đến gần. “Ta nên chờ cho nó qua đi?”
“Đương nhiên là không.” Tôi nhanh tay đẩy cần, vào số.
“Chao ơi!” Patricia Hollmann kêu. “Nó chạy.”
“Thì xe làm ra để chạy mà. Đừng sợ. Nhấn thêm ga, có tôi trông chừng.”
Nàng tuyệt vọng ôm chặt tay lái và lo lắng dán mắt vào con đường trước mặt. “Chúa ơi, chúng ta chạy nhanh lắm, phải không?”
Tôi liếc đồng hồ tốc độ. “Cô đang lái hai mươi lăm cây số một giờ. Trên thực tế, chỉ chừng hai mươi. Lái đường trường như thế là ‘siêu’ lắm đấy.”
“Tôi có cảm giác như tám mươi cây số một giờ.”
Vài phút sau, nỗi sợ hãi ban đầu đã qua. Chúng tôi đang ở trên một con đường thênh thang, thẳng tắp. Chiếc Cadillac thỉnh thoảng loạng choạng như thể xăng trong bình có pha thêm cognac, và một đôi khi, nó suýt lấn lề, nhưng dần dà nó vững vàng hơn, và với kết quả đã tiên liệu — tôi giữ một vai trò quan trọng, bỗng dưng giữa chúng tôi có một mối tương quan thầy trò, và tôi đã đối phó tốt đẹp.
“Coi chừng,” tôi nói, “cảnh sát kìa.”
“Tôi có nên dừng lại không?”
“Trễ rồi.”
“Và nếu họ bắt được, chuyện gì sẽ xảy ra? Tôi không có bằng lái.”
“Thì cả hai đứa ngồi tù.”
“Trời đất ơi!” kinh hoảng, nàng nhấp thắng.
“Nhấn ga!” tôi nói. “Nhấn mạnh vào. Chúng ta phải vượt qua, nhanh và kiêu hảnh. Táo tợn là cách đối phó tốt nhất.”
Người cảnh sát không mảy may để ý đến chúng tôi. Cô gái thở phào nhẹ nhỏm.
“Tôi chưa bao giờ biết cảnh sát giao thông có thể giống như rồng phun lửa thế đấy,” nàng nói, khi đã bỏ xa anh ta chừng một trăm mét.
“Họ chỉ giống thế khi chúng ta đến gần họ.” Tôi từ từ hãm phanh. “Có con đường nhỏ và vắng đây rồi. Chúng ta sẽ thực tập nghiêm chỉnh. Trước hết, hãy rồ máy chạy rồi ngừng.”
Patricia làm xe tắt máy mấy lần. Nàng mở thêm vài cúc chiếc áo khoác lông thú. “Nóng cả người! Nhưng tôi phải cố tập.”
Nàng ngồi, sốt sắng và chăm chú quan sát những gì tôi làm. Sau đó, kêu khẻ đầy lo lắng, nàng bẻ lái quẹo ở các góc phố và nàng rất e sợ những ánh đèn xe ngược chiều, như thể chúng là quỷ sứ, và hảnh diện sau khi vượt qua. Chẳng bao lâu, trong khoảng không gian nhỏ bé lờ mờ soi bởi ánh điện của bảng đồng hồ xe, cảm giác của tình đồng đội, thứ tình cảm bừng nở khi ta gặp những vấn đề kỹ thuật và thực dụng, đã phát sinh; và một giờ rưỡi sau đó, khi đổi chỗ và tôi lái về, chúng tôi trở nên quen thuộc như đã rút gan ruột, chia sẻ tất cả dĩ vãng cho nhau.
Tôi dừng xe ở vùng Nikolaistrasse. Chúng tôi đậu ngay dưới tấm quảng cáo phim màu đỏ. Nhựa đường ánh lên, tím tái. Trên vĩa hè là một vũng đen bóng loáng.
“Thế là,” tôi nói. “Bây giờ ta xứng đáng được uống một chút gì đó. Chúng ta nên đi chỗ nào đây?”
Patricia Hollmann nghĩ ngợi. “Chúng ta hãy trở lại cái quán rượu dễ thương có chiếc thuyền buồm,” nàng đề nghị.
Tôi chợt hoảng. Chàng trai lãng mạn cuối cùng, chắn chắn thế, đang ngồi trong quán ấy. Tôi có thể hình dung ra nét mặt của anh…
“Ach,” tôi gạt đi, “chỗ ấy không phải là nơi xuất sắc nhất. Có những quán hay hơn nhiều.”
“Tôi không biết — tôi nghĩ, vừa mới đây, quán ấy được lắm mà.”
“Thật sao?” tôi ngạc nhiên hỏi. “Cô cho là vừa mới đây, quán ấy được lắm?”
“Vâng,” nàng cười to, trả lời. “Rất được.”
Quả thế, tôi nghĩ, và thật đáng đời tôi.
“Nhưng giờ này chắc quán đông người,” tôi cố vớt vát.
“Ta cứ thử,” nàng đáp.
“Vâng, ta có thể.” Tôi cân nhắc những gì nên làm.
Khi đến nơi, tôi nhanh nhẹn bước khỏi xe. “Tôi vào xem sao. Tôi sẽ trở lại ngay.”
Không một ai quen biết ở đấy, ngoại trừ Valentin. “Thế Gottfried đã đến chưa?” tôi hỏi.
Valentin gật đầu. “Cùng đi với Otto. Họ ra về cách đây khoảng nửa giờ.”
“Tiếc nhỉ,” tôi lấy lại hơi thở. “Phải chi tôi gặp họ thì hay lắm.”
Tôi trở lại xe. “Chúng ta liều một phen,” tôi giải thích. “Hôm nay không đến nỗi tệ lắm.” Và để phòng hờ, tôi đậu chiếc Cadillac cách một góc đường, trong bóng tối tù mù nhất.
Nhưng chúng tôi ngồi chưa đầy mười phút đã thấy mái tóc vàng như rơm của Lenz xuất hiện nơi quày. Chán thật, nhưng đành thôi. Chỉ cần một hai tuần nữa cũng tạm đủ cho tôi, thế mà…
Dường như Gottfried không muốn ở lại. Tôi tưởng chừng mình đã thoát nạn thì nhìn thấy Valentin chỉ trỏ về hướng tôi. Cho đáng kiếp lời gian dối của tôi.
Lúc Gottfried nhận ra chúng tôi, nét mặt của anh xứng đáng làm mẫu cho các diễn viên yêu nghề học hỏi. Mắt anh lòi ra như hai quả trứng luộc và tôi sợ cho hàm của anh há to quá sẽ rụng rơi. Thật đáng tiếc, lúc ấy không có một nhà sản xuất nào có mặt trong quán “The Bar”; nếu có, tôi chắc chắn ông sẽ mời Lenz đóng phim ngay — trong một vai, thí dụ, cảnh con rắn biển bất thần hiện ra gầm rống trước chàng thủy thủ đắm tàu.
Chẳng mấy chốc Gottfried đã lấy lại bình tỉnh. Tôi khẩn khoản nhìn, mong anh biến đi. Anh đáp lại bằng một nụ cười gian ác, chỉnh áo khoác và tiến đến.
Tôi biết những gì sẽ xảy ra và tấn công anh tức thì.
“Thế cậu đã gặp Fraulein Bomblatt ở nhà chưa?” tôi hỏi, hóa giải những gì anh có thể nói.
“Vâng, gặp rồi.” anh trả lời không để lộ ra, dù bằng một cái chớp mắt, rằng cho đến phút giây ấy, chưa bao giờ anh nghe nói đến Fraulein Bomblatt. “Cô ấy gởi lời chào thân ái đến cậu và mong là sáng mai, cậu sẽ gọi điện cho cô ấy ngay.”
Đối đáp cừ khôi. Tôi gật đầu. “Tớ sẽ gọi. Tớ hy vọng cô ấy sẽ mua chiếc xe.”
Lenz há mồm định nói tiếp. Tôi đá vào ống chân anh dưới gầm bàn và tặng anh một cái nhìn khiến anh phải ngưng nói và mỉm cười giả lả.
Chúng tôi uống vài ly. Tôi chỉ uống sidecars, với rất nhiều chanh. Tôi không muốn phạm lầm lỗi một lần nữa.
Gottfried tỉnh táo. “Tớ vừa ghé nhà cậu,” anh nói. “Tìm cậu. Sau đó tớ qua khu công viên. Họ có một vòng quay ngựa gỗ mới. Mọi người nghĩ sao, đi đến đấy nhé?” Anh nhìn Patricia Hollmann.
“Lập tức.” nàng hân hoan trả lời.
“Vậy chúng ta hãy đi ngay.” tôi nói.
Tôi vui vì được ra ngoài. Ở một nơi thoáng đãng, mọi việc sẽ đơn giản hơn.
Trước nhất là những chiếc phong cầm — trạm tiền canh của công viên giải trí. Âm thanh ngọt ngào, rền rỉ, buồn nảo nề. Trên lớp nhung phủ đã sờn, đôi khi có một con vẹt hay một chú khỉ con, lạnh cóng trong bộ áo quần vải chéo go màu đỏ… Rồi đến giọng rao lanh lảnh của chủ nhân các quầy bán chén dĩa, dao cắt kiếng, kẹo Thổ Nhỉ Kỳ, bóng bay và vải may áo lớn… Ánh sáng lạnh xanh và mùi của những ngọn đèn khí đá… Thầy bói, chiêm tinh gia, lều bán bánh tiêu đen, trụ xích đu tiên, những trò tạp lục — và sau cùng, là ngọn tháp quay tít, lấp lánh, đèn đuốc sáng choang như lâu đài, với âm nhạc đinh tai, vui nhộn của những vòng kéo quân…
“Nào các bạn ơi, lên tàu,” Lenz gào lên, tóc bồng bềnh, nhảy ùa đến trò xe lửa lượn quanh công viên. Đó là nơi ban nhạc sôi động nhất. Cứ giáp một vòng, từ sáu cái hốc mạ vàng lại có sáu chàng nhạc sĩ thổi kèn nhô ra, quay sang hướng đông rồi hướng tây, thổi một tràng tí toe, múa tít nhac cụ rồi rút vào chỗ cũ.
Chúng tôi ngồi trong một con thiên nga to và quay nhấp nhô. Thế gian lấp lánh và loang loáng vút qua, cuộn lại và ngã ra sau vào một đường hầm tối đen, qua đó chúng tôi bị quăng quật, xô đẩy vào tiếng trống dồn dập, để rồi lập tức được chào đón lần nữa bởi giọng kèn và ánh sáng huy hoàng.
“Tiến lên!” Gottfried dẫn đường đến một vòng đu bay với phi cơ và phi thuyền. Chúng tôi ngồi vào một khinh khí cầu xì gà và lượn ba vòng.
Gần hụt hơi, chúng tôi lại trèo xuống. “Và bây giờ, bánh xe của quỷ,” Lenz nói.
Bánh xe của quỷ là một cái dĩa phẳng dẹp, to rộng, hơi dầy ở giửa, quay càng lúc càng nhanh, trên đó ta phải cố đứng vững. Gottfried lên dĩa cùng với hai mươi người khác. Anh loi choi như một thằng điên và được tán thưởng nhiệt liệt. Vào phút cuối, chỉ còn lại anh và một chị bếp, người có bàn tọa to như mông một con ngựa thồ. Nhà chị tinh ranh này, khi trò chơi trở nên khó khăn hơn, đã trụ lại ở tâm điểm trong khi Gottfried quay lặt lè chung quanh chị. Những người kia đã rơi khỏi dĩa. Sau cùng định mệnh cũng tóm được chàng lãng mạn cuối cùng; anh lảo đảo ngã vào tay chị bếp, và họ ôm nhau lăn lông lốc ra bìa. Khi anh gặp lại chúng tôi, chị đang trên tay anh. Anh gọi chị, không vấp víu, Lina. Lina cười ngượng ngập. Anh hỏi chị muốn uống gì với anh. Lina trả lời, nghe nói bia là thức giải khát tốt nhất. Hai người biến mất vào quán bia lộ thiên Bavarian.
“Còn chúng ta thì sao? Giờ chúng ta đi đâu?” Patricia Hollmann hỏi, mắt long lanh.
“Mê cung của ma quỷ,” tôi nói, chỉ vào một gian hàng rộng.
Mê cung là con đường đầy bất ngờ. Sau vài bước, mặt đất chao đảo dưới chân, những bàn tay trong bóng tối thò ra chộp lấy tay ta, những hình tượng đeo mặt nạ nhảy xổ từ trong góc, tiếng ma tru quỷ hờn — chúng tôi cười vang, nhưng có một lần, nàng sửng người lùi lại trước một đầu lâu thần chết dưới ánh đèn xanh lục. Trong một chốc, nàng tựa vào tay tôi, hơi thở phơn phớt lên má tôi, tôi có cảm tưởng như tóc nàng mơn man trên môi tôi — rồi ngay tức thì, nàng lại cười dòn tan và tôi để nàng rời khỏi tay tôi.
Tôi để nàng rời khỏi tay tôi — nhưng có một thứ gì đó trong tôi không thể. Rất lâu sau khi chúng tôi đã ra ngoài, tôi vẫn còn cảm giác của đôi vai nàng trên tay tôi, mái tóc mềm mại, làn da thơm mùi đào.
Tôi cố không nhìn nàng. Thình lình nàng trở nên một thứ gì khác biệt.
Lenz đã chờ sẳn. Anh chỉ còn một mình.
“Lina đâu rồi?” tôi hỏi.
“Đang kết thân,” anh trả lời, hất đầu về hướng quán bia, “với một ông thợ rèn.”
“Xin chia buồn,” tôi nói.
“Có hề chi,” Gottfried trả lời. “Bây giờ chúng ta hãy đến một nơi nghiêm chỉnh cho cánh đàn ông.”
Chúng tôi đến một quầy, nơi đó ta thảy các vòng cao su cứng vào móc và có thể thắng được nhiều thứ.
“Thế thì,” Lenz vừa nói với Patricia Hollmann, vừa đẩy mũ lệch ra sau, “bây giờ chúng tôi sẽ sưu tập những món tư trang về nhà chồng cho cô.”
Anh thẩy trước và thắng một cái đồng hồ báo thức. Tiếp theo, tôi được một con gấu bông. Ông chủ quầy giao hàng và ba hoa chiêu dụ thêm khách mới. “Ông sẽ sớm đổi thái độ cho mà xem,” Gottfried cười khảy, và thắng được một cái chảo; tôi, con gấu bông thứ nhì. “Sao mà ác thế,” ông chủ quầy nói, đưa những thứ ấy cho chúng tôi.
Ông ta không biết mình đang ở trong tình huống nào. Lenz là người liệng bom giỏi nhất đại đội; vào mùa đông khi không bận việc, chúng tôi luyện tập hàng tháng không ngừng, thẩy nón của chúng tôi lên đủ các loại móc, cột. Thẩy vòng ở đây chỉ là trò trẻ con, so với chuyện ấy. Không một chút khó khăn, Gottfried lại thắng một lọ cắm hoa thủy tinh, còn tôi, một chục đĩa hát. Ông chủ quán lẳng lặng đùa chúng qua quày và xem xét lại những cái móc của ông.
Lenz nhắm, thẩy và thắng một bình cà phê, giải nhì. Một đám đông hiếu kỳ tụ tập chung quanh. Tôi thẩy liên tiếp ba vòng vào cùng một móc. Lợi phẩm: tranh bà thánh Magdalene sám hối lộng khung vàng.
Ông chủ quầy, vẻ mặt như đang ở phòng khám răng, từ chối không cho chúng tôi chơi nữa. Chúng tôi đã định ngưng, nhưng cử tọa kích động. Họ nhất quyết đòi ông ta phải cho chúng tôi tiếp tục. Họ muốn thấy ông ta thua sạch. Khi cuộc huyên náo lên đến cao điểm, Lina bổng dưng xuất hiện với ông thợ rèn. “Khách lúc nào cũng nên thua, hử?” chị bi bô, “không bao giờ nên thắng, hử?” Ông thợ rèn trầm giọng phụ họa.
“Được rồi,” Lenz đề nghị, “mỗi đứa thẩy thêm một lần nữa thôi.”
Tôi thẩy trước. Một bồn rửa mặt với bình nước và vĩ đựng xà phòng. Rồi đến lượt Lenz. Anh lấy năm vòng. Anh thẩy liên tiếp bốn vòng vào cùng một móc. Trước khi thẩy vòng thứ năm, anh dừng lại, như một chàng nghệ sĩ, lấy một điếu thuốc lá. Ba người bật diêm mời. Ông thợ rèn vỗ vai anh. Lina nhằn góc khăn tay của chị, hồi hộp. Rồi Gottfried nhắm và thảy cái vòng cuối cùng, nhẹ nhàng sao cho nó không bật ra mà nằm yên trên bốn cái vòng trước. Nó dính. Tiếng vỗ tay như sấm. Chúng tôi đã đoạt giải nhất — một cái xe đẩy em bé, nóc hồng và gối bọc ren.
Ông chủ quầy, nguyền rủa, đẩy xe ra. Chúng tôi chất những món kia vào và bước qua gian hàng bên cạnh. Lina đẩy chiếc xe nôi. Ông thợ rèn nói đùa mãi về nó, khiến tôi nghĩ mình nên lùi lại ra sau cùng với Patricia Hollman.
Ở quầy kế, ta chỉ cần thảy vòng lên các chai rượu vang. Nếu vòng dính cổ chai nào, ta được chai ấy. Chúng tôi ra đi với sáu chai rượu. Lenz, rất phong nhã, tặng tất cả cho ông thợ rèn.
Còn một gian hàng tương tự. Nhưng chủ nhân đã linh cảm một điều gì không ổn, tuyên bố đóng cửa ngay khi chúng tôi trờ đến. Ông thợ rèn gây gổ. Ông đã nhìn thấy những chai bia sẳn sàng chờ đợi. Nhưng chúng tôi từ chối. Người chủ quày chỉ có một tay.
Với đám đông bám theo, chúng tôi ra đến xe Cadillac.
“Làm sao bây giờ?” Lenz gãi đầu. “Chắc phải cột cái xe đẩy em bé phía sau.”
“Hẳn rồi,” tôi nói, “nhưng cậu phải ngồi trong ấy, giữ cho nó khỏi lật.”
Patricia Hollmann phản đối. Nàng sợ Lenz sẽ thực sự làm như thế.
“Được,” Lenz nói, “thế thì chúng ta chia phần. Hai chú gấu bông thuộc về cô. Mấy cái dĩa nhạc cũng thế. Nhưng còn cái chảo thì sao?”
Cô gái lắc đầu. “Vậy, đem về tiệm sửa xe,” Gottfried nói. “Bob, cậu nhận đi. Cậu là sư phụ chuyên trị món trứng luộc. Còn bình cà phê thì sao?”
Nàng gật đầu về hướng Lina. Chị bếp đỏ mặt. Gottfried trang trọng giao cho chị như đang phát thưởng. Rồi anh lôi ra cái bồn rửa mặt. “Bộ dụng cụ vệ sinh? Phần của anh bạn đây, có ai nói gì không? Anh ấy sẽ cần dùng chúng khi làm việc. Đồng hồ báo thức, cũng rứa. Mấy ông thợ rèn là chúa ngủ mê.”
Tôi đưa Gottfried lọ hoa. Anh chuyển sang Lina. Chị lắp bắp từ chối. Mắt chị dán vào bức Magdalene sám hối. Chị ấy sợ, nếu nhận bình hoa, có thể chị ấy sẽ không được bức tranh.
“Tôi rất ưa chuộng nghệ thuật,” chị bật ra lời.
“Fraulein,” Lenz hỏi, quay một vòng kiểu cách, “cô nghĩ sao?”
Patricia Hollmann cầm bức tranh, đưa cho chị bếp.
“Tranh đẹp lắm, Lina.” nàng mỉm cười nói.
“Treo trên đầu giường và chiêm bái mỗi ngày,” Lenz nói.
Lina chụp bức tranh. Chị nấc lên, đầy lòng biết ơn.
“Và bây giờ, tới phiên ngươi,” Lenz vẻ suy tư, nói với cái xe đẩy em bé.
Mặc dù chan chứa vui mừng với bức Magdalene, mắt Lina vẫn ánh lên sự ham muốn. Ông thợ rèn nhận xét, người ta không bao giờ biết chắc khi nào người ta không cần một thứ như thế, rồi nghiêng ngã cười với ý tưởng ấy đến nỗi đánh rơi một trong những chai rượu đang cầm.
Nhưng Lenz không đồng ý. “Gượm đã nào. Mới đây thôi, tôi có nhìn thấy cái này,” anh nói và biến mất. Một vài phút sau, anh trở lại, lấy chiếc xe nôi và đẩy đi. “Giải quyết xong,” anh nói khi trở lại, tay không.
Chúng tôi leo vào xe Cadillac. “Cứ như lễ Giáng Sinh ấy,” Lina nói, sung sướng giữa đống đồ tạp nhạp của mình, chìa bàn tay đỏ giả từ.
Ông thợ rèn kéo chúng tôi riêng một bên. “Nhìn đây,” ông nói. “nếu có khi nào các cậu cần nắn gân một đứa nào — tớ ngụ ở số mười sáu đường Leibnitzstrasse, sân sau, cầu thang thứ hai bên trái. Nếu đông hơn, tớ sẽ dẫn theo nguyên băng.”
“Đồng ý,” chúng tôi trả lời và lái đi.
Khi chúng tôi quẹo ở một góc công viên, Gottfried chỉ qua cửa sổ. Kìa, chiếc xe đẩy của chúng tôi — một em bé thứ thiệt nằm trong ấy, và một thiếu phụ xanh xao bên cạnh, vẫn còn háo hức, ngắm nhìn.
“Được quá nhỉ?” Gottfried nhận xét.
“Tặng chị ấy mấy con gấu bông một thể!” Patricia Hollmann kêu lên. “Chúng thuộc về nhau.”
“Có lẽ, một con thôi nhé,” Lenz nói. “Cô phải giữ lại một.”
“Không, cả hai.”
“Được rồi,” Lenz nhảy ra khỏi xe, quẳng hai con gấu bông vào tay thiếu phụ, và, trước khi chị ấy có thể nói nên lời, chạy như ma đuổi.
“Vậy,” anh nói, hơi thở dồn dập, “bây giờ tớ bắt đầu phát gớm cho lòng cao thượng của tớ. Thả tớ xuống quán International. Tớ cần gấp một ly brandy.”
Anh xuống xe và tôi đưa nàng về. Lần này khác hơn trước. Nàng đứng ở khung cửa và ánh sáng của những ngọn đèn lung linh trên nét mặt. Trông nàng thật yêu kiều. Tôi ước mình có thể vào nhà với nàng.
“Tạm biệt cô,” tôi nói, “ngủ ngon nhé.”
“Tạm biệt anh.”
Nàng đưa tay cho tôi rồi bước lên những bậc thang. Tôi nhìn nàng cho đến khi đèn tắt. Rồi tôi lái chiếc Cadillac đi. Tôi cảm thấy tuyệt vời. Không như những đêm khác, khi ta điên mê một cô gái nào đó. Có một điều gì êm đềm ở đấy. Êm đềm, và ước vọng được một lần buông thả.
Tôi đến International gặp Lenz. Quán hầu như trống không. Ở một góc, Fritzi ngồi với bạn, Alois chàng hầu bàn. Họ đang cãi nhau. Gottfried ngồi trên sô-pha gần quày rượu, với Mimi và Wally. Anh rất được cả hai ưa thích, nhất là Mimi đáng thương.
Chẳng bao lâu những cô gái bỏ đi. Hẳn để kiếm khách; bây giờ là thời điểm thích hợp nhất. Mimi thở dài, rên rỉ vì chứng giãn tỉnh mạch của chị. Tôi ngồi xuống cạnh Gottfried.
“Giờ thì cậu tha hồ xỉ vả tớ,” tôi nói.
“Về cái gì cơ chứ, Bob?” anh trả lời trước sự ngơ ngác của tôi. “Những gì cậu làm đều đúng cả.”
Tôi cảm thấy nhẹ nhỏm, vì anh ấy bình thản. “Tớ cư xử tệ quá, không như trước đây,” tôi nói.
Anh vẫy tay. “Vớ vẫn.”
Tôi gọi rum.
“Cậu biết đấy,” rồi tôi nói, “Tớ không hề biết một tí gì về cô ấy. Tớ cũng không biết mối liên hệ giữa cô ấy với Binding ra sao. Anh ấy có nói gì với cậu không?”
Anh nhìn tôi. “Cậu lo chuyện ấy ư?”
“Không.”
“Tớ cũng nghĩ là không. Này, dù sao đi nữa, cái áo khoác vừa với cậu lắm.”
Tôi đỏ bừng hai má.
“Cậu không cần phải đỏ mặt. Cậu đúng lắm. Ước gì tớ được như cậu.”
Tôi im lặng một lúc.
“Sao lại thế, Gottfried?” cuối cùng, tôi hỏi.
Anh nhìn tôi. “Bởi vì tất cả những thứ khác đều là đồ bỏ, Bob ạ. Bởi vì không có cái gì xứng đáng trong thời buổi này. Hãy nhớ lời Ferdinand nói với cậu hôm qua. Chẳng sai nhiều lắm đâu, lão họa sĩ vẽ tranh xác chết ấy… Ôi chào, dù sao đi nữa, hãy đến cái thùng thiếc bể đàng ấy, đàn vài bản quân hành cũ.”
Tôi chơi bài “Ba đóa Huệ” và “Argonnerwald”! Trong căn phòng quạnh quẽ, chúng nghe rờn rợn yêu ma, khi ta nhớ lại nơi chốn ta đã thường hò hát thủa xưa.