Tôi đứng đối mặt bà chủ nhà. “Lại chuyện gì nữa đây?” Frau Zalewski hỏi.
“Có chuyện gì đâu,” tôi đáp. “Cháu chỉ muốn trả tiền nhà mà thôi.”
Còn ba ngày nữa mới đáo hạn, Frau Zalewski suýt nữa ngã ngửa vì kinh ngạc.
“Chắc có âm mưu gì đây,” bà nhận xét.
“Chẳng âm mưu gì cả,” tôi nói. “Bác có thể cho cháu mượn hai chiếc ghế bành bọc gấm ở phòng khách của bác, tối mai, được không ạ?”
Bà chống tay trên bờ hông phốp pháp, sẳn sàng chiến đấu. “À ra thế! Cậu không thích phòng của cậu sao?”
“Có chứ, nhưng cháu thích mấy cái ghế bành gấm hơn.”
Tôi giải thích rằng, có một cô em họ sắp sửa đến thăm và tôi muốn phòng của mình lịch sự hơn. Bà rung rúc cười đến độ ngực rung rinh từng chập.
“Em họ?” bà nhắc lại, chế diễu. “Khi nào cô ấy đến?”
“Chưa biết khi nào,” tôi nói, “nhưng, nếu cô ấy đến, dĩ nhiên sẽ đến sớm; để dùng bửa tối. Và, tuy nhiên, Frau Zalewski, tại sao lại không thể có em họ cơ chứ?”
“Em họ có sao đâu,” bà đáp; “nhưng không ai lại mượn ghế bành cho em họ.”
“Có cháu đấy,” tôi phản đối. “Cháu coi trọng bà con quyến thuộc lắm.”
“Trông có vẻ thế. Cả đám hẳn là bợm nhậu mà thôi. Cậu có thể khuân ghế bành gấm về phòng. Còn ghế nhung đỏ, tạm thời dời ra phòng khách.”
“Cám ơn bác lắm. Ngày mai cháu sẽ trả lại chỗ cũ. Luôn cả tấm thảm.”
“Thảm?” Bà quay lại. “Có ai nói tiếng nào về thảm?”
“Cháu chứ ai. Mà bác cũng vừa nói đấy thôi.”
Bà nhìn tôi, bất mãn.
“Nhưng chúng thuộc về nhau,” tôi nói. “Ghế bành đặt trên thảm, bác biết mà.”
“Herr Lohkamp,” Frau Zalewski trịnh trọng tuyên bố, “đừng thấy được rồi làm tới. Như ông Zalewski quá cố thướng nói, ở đời cần phải giữ đức trung dung. Có lẽ cậu cũng nên lấy câu ấy làm điều tâm niệm.”
Tôi biết ông Zalewski quá cố, mặc dù tôn chỉ của ông, đã thực sự nhậu nhẹt đến chết. Vợ ông thỉnh thoảng nói cho tôi biết điều ấy. Nhưng bà không lấy thế làm phiền. Bà dùng ông như người khác dùng Kinh Thánh. Ông qua đời càng lâu, bà trích lời ông càng nhiều. Hiện nay, trong bất kỳ trường hợp nào, bà cũng có thể dẫn ra một câu vàng ngọc của ông — chẳng khác gì Kinh Thánh.
Tôi bận rộn chuẩn bị phòng ốc. Tôi đã điện thoại cho Patricia Hollmann từ chiều. Nàng bệnh và tôi không gặp nàng gần một tuần nay. Chúng tôi có hẹn lúc tám giờ tối, và tôi đề nghị ăn ở nhà, sau đó sẽ đi xem chiếu bóng.
Ghế bành gấm và tấm thảm trông rất đẹp; nhưng ánh sáng bệch bạc, nhạt nhẽo. Vì thế tôi gõ cửa phòng của Hasse kế bên, mượn cây đèn bàn.
Frau Hasse uể oải ngồi bên cửa sổ. Chồng chị chưa về. Mỗi ngày anh tình nguyện làm thêm hai giờ, hy vọng sẽ không bị sa thải. Nhìn chị, ta liên tưởng đến một con chim ốm. Dưới những nét nhão nhề tàn tạ vẫn là gương mặt nhỏ nhắn của một đứa trẻ — một đứa trẻ chán nản, u sầu.
Tôi lễ phép hỏi. Chị tươi tỉnh hẳn và đưa cây đèn cho tôi. “Ach, vâng,” chị nói với tiếng thở dài. “Bây giờ khi tôi nghĩ về…”
Tôi biết rõ câu truyện. Về những người có thể hỏi cưới chị, nếu chị đã từ chối Hasse. Tôi biết một truyện tương tự, nhưng dưới góc nhìn của Hasse. Trong ấy có những người con gái lẽ ra anh đã gặp, nếu anh vẫn còn đơn chiếc. Có lẽ đây là câu truyện thường xảy ra nhất trên đời. Và vô vọng nhất.
Tôi lắng nghe một lúc, tán nhảm vài câu, rồi qua phòng Erna Bonig để mượn dĩa hát.
Mỗi khi Frau Hasse nhắc đến Erna, chị chỉ dùng nhóm từ “cô gái phòng bên.” Chị khinh bỉ Erna vì ganh ghét nàng. Tôi có nhiều cảm tình với nàng. Nàng không phàn nàn chi về cuộc đời và hiểu rằng ta phải cố gắng, cho dù chỉ có những vụn vằn của cái gọi là hạnh phúc. Nàng cũng biết ta phải trả giá đắt cho hạnh phúc. Hạnh phúc là thứ bất định nhất và đắt giá hơn cả.
Erna quỳ trước thùng dĩa hát và chọn vài cái cho tôi. “Anh có muốn điệu foxtrot không?”
“Không,” tôi đáp. “Tôi không biết khiêu vũ.”
Nàng ngước lên, lạ lẫm. “Anh không biết khiêu vũ ư? Vậy khi đi chơi, anh làm gì?”
“Tôi khiêu vũ với thực quản. Cũng tốt vậy.”
Nàng lắc đầu. “Nếu ông xã tôi không biết khiêu vũ, tôi cũng bỏ ông ấy mà thôi.”
“Chị nguyên tắc gớm nhỉ,” tôi trả lời. “Nhưng chị còn nhiều dĩa khác. Chỉ mấy hôm trước, chị có một dĩa hát dễ thương lắm — giọng nữ đệm với đàn Hạ Uy Di.”
“A, bản ấy thật tuyệt vời. ‘Làm sao em có thể sống xa anh?’ — phải không?”
“Vâng, đúng rồi. Không hiểu các ông nhạc sĩ suy tư điều gì mà viết hay như thế? Tôi đoán, họ là những người lãng mạn còn sót lại.”
Nàng cười. “Nhưng tại sao không? Anh biết đấy, một dĩa hát như thế là một loại niên biểu gia đình. Có một dạo, người ta chép thơ vào sổ lưu niệm; đời nay, người ta tặng nhau dĩa nhạc. Nếu tôi muốn nhớ lại một sự kiện, tôi chỉ cần đặt vào máy hát những dĩa nhạc thời ấy, và dĩ vãng lại ùa ạt quay về.”
Tôi nhìn xuống chồng dĩa hát dưới sàn. “Dựa vào đấy, Erna, hẳn chị có cả chồng kỷ niệm.”
Chị đứng dậy, hất mái tóc đỏ ra sau. “Vâng,” chị nói, lấy chân đẩy chồng dĩa sang một bên. “Nhưng tôi sẽ sớm có một kỷ niệm đẹp.”
Tôi mở những gói thực phẩm đã mua cho bửa ăn tối và cố gắng bày biện theo khả năng của mình. Tôi không nghĩ bà bếp sẽ giúp đỡ. Tôi không thuận thảo với Frida. Thể nào bà ấy cũng sẽ làm đổ vỡ một thứ gì đó. Nhưng không đến nỗi tệ, chẳng mấy chốc tôi hầu như không thể nhận ra căn phòng của mình, nó lộng lẫy hẳn lên. Nào là ghế bành, đèn để bàn, bàn ăn phủ khăn — tôi cảm thấy lòng bồi hồi xao xuyến.
Tôi ra khỏi nhà, vẫn còn hơn một giờ chờ đợi. Ngoài trời, gió thổi từng cơn dài thậm thượt quanh các ngã tư. Đèn đường đã thắp. Bóng tối giữa các căn nhà xanh như biển, và quán International bập bềnh trên đó như con tàu chiến sẳn sàng chuyển hướng. Chỉ một bước tôi đã nhảy lên boong tàu.
“Ới kìa, Robert,” Rosa nói.
“Chị làm gì ở đây?” tôi hỏi. “Chưa đi vòng nào sao?”
“Còn sớm lắm.”
Alois nhẹ nhàng bước tới. “Một?” anh hỏi.
“Ba,” tôi nói.
“Uống dữ thế,” Rosa nhận xét.
“Cần một thứ thật nồng,” tôi nói, nghiêng cốc rượu, uống cạn.
“Em không đàn một bản nào sao?” Rosa hỏi.
Tôi lắc đầu. “Hôm nay không có hứng. Giông gió quá, Rosa ạ. Cháu vẫn khỏe chứ?”
Chị cười khoe hết những cái răng vàng. “Ôi –phỉ phui! Ngày mai chị sẽ đi thăm nó. Tuần này việc làm ăn khấm khá; dê già lại cảm thấy mùa xuân. Chị sẽ đem cho cháu một chiếc áo khoác mới. Dạ đỏ.”
“Dạ đỏ! Hợp thời trang lắm,” tôi nói.
Rosa rạng ngời. “Em là một người hào hiệp, Bob.”
“Hy vọng chị nói đúng,” tôi nói. “Nào, uống một ly với em nhé. Anisette, phải không?”
Chị gật đầu. Alois đem rượu đến và chúng tôi chạm ly. “Rosa, nói cho em biết, chị nghĩ gì về tình yêu?” tôi hỏi. “Chị phải có ít nhiều kinh nghiệm.”
Chị phá lên cười sặc sụa.
“Ui chà, về những thứ ấy, — ” rồi chị nói. “Tình yêu. Ach, Arthur của chị — mỗi khi nghĩ đến tên vô lại hoang đàng ấy, đầu gối chị lại chảy tan thành nước. Để chị nói Bob nghe điều này, nghiêm chỉnh — Đời người quá dài cho tình yêu. Dài quá, thế đấy. Arthur của chị đã nói thế, khi bỏ đi. Và đúng vậy. Tình yêu thì tuyệt vời. Nhưng với một người, tình yêu luôn luôn quá chán chường. Còn người kia, chỉ ngồi đấy, và nhìn đăm đăm. Điên dại.”
“Đồng ý,” tôi nói “Một mặt khác, nếu không có tình yêu, người ta sẽ chẳng hơn gì một xác chết biết đi.”
“Hãy làm giống chị,” Rosa trả lời, “có một đứa con. Như thế em sẽ có một đối tượng để thương yêu và cho tâm hồn được bình yên.”
“Ý không tệ lắm,” tôi nói. “Chưa bao giờ xảy đến với em.”
Rosa lắc đầu, mơ mộng. “Dù Arthur của chị đã bao lần đối xử tàn nhẫn — tuy nhiên nếu ngay lúc này anh ấy bước vào đây, với cái mũ quả dưa hờ hững trên đầu — ôi chao, chỉ nghĩ đến thế, chị đã rưng rưng muốn khóc.”
“Nào, hãy uống mừng sức khoẻ Arthur,” tôi nói.
Rosa cười to. “Mong cho thằng khốn khiếp mạnh giỏi!”
Chúng tôi cạn ly. “Au revoir, Rosa. Đắt khách nhé.”
“Au revoir, Bob.”
Cánh cửa nhà sập mạnh.
“Chào anh,” Patricia Hollman nói, “đang suy tư đấy à?”
“Không. Còn cô thì sao? Khỏe hơn chưa? Cô bị bệnh gì thế?”
“Ach, không có bệnh gì đặc biệt. Cảm và sốt nhẹ mà thôi.”
Rõ ràng, trông nàng không có vẻ ốm đau hay tiều tụy. Ngược lại, chưa bao giờ tôi thấy mắt của nàng to và sáng như hôm nay, đôi má ửng hồng và dáng điệu thanh thoát, uyển chuyển như một con thú tơ non.
“Trông cô tuyệt vời,” tôi nói. “Hoàn toàn khỏe mạnh. Chúng ta sẽ tha hồ vui chơi.”
“Được lắm,” nàng đáp. “Tuy nhiên, hôm nay thì không. Hôm nay, tôi không thể.”
Tôi bối rối nhìn nàng. “Cô không thể?”
Nàng lắc đầu. “Vâng, chẳng may.”
Tôi vẫn chưa hiểu. Tôi chỉ nghĩ rằng nàng đã đổi ý, không muốn đến nhà tôi và ăn tối ở đấy.
“Mấy phút trước tôi vừa điện thoại để nói rằng anh không cần đến. Thế nhưng anh đã đỉ rồi.”
Cuối cùng tôi cũng hiểu. “Cô định nói, thực sự cô không thể đi chơi? Nguyên buổi tối hôm nay?” tôi hỏi.
“Vâng, hôm nay. Tôi có một cuộc phỏng vấn quan trọng. Chẳng may, người ta chỉ báo trước chừng nửa tiếng mà thôi.”
“Cô không thể đình lại? hoãn đến ngày mai? Chúng ta đã hẹn nhau tối nay!”
“Không thể được.” Nàng mỉm cười. “Công ăn việc làm mà.”
Tôi choáng váng. Tôi đã dự phòng tất cả các tình huống, ngoại trừ chuyện này. Tôi không tin dẫu một lời của nàng. Không giống công việc. Có thể nàng chỉ viện cớ. Chắc chắn rồi, không còn nghi ngờ chi nữa. Có cuộc phỏng vấn quan trọng nào lại tiến hành ban đêm hay không? Ban ngày mới là thời gian thích hợp. Và dù sao, chẳng ai lại báo một tin quan trọng trong vòng nửa tiếng. Đơn giản là nàng muốn hủy bỏ buổi hẹn với tôi, thế thôi.
Tôi tiu nghỉu như một đứa trẻ. Chỉ đến lúc này tôi mới ý thức được mình đã thiết tha mong chờ ra sao. Tôi khó chịu vì đã bực bội, và tôi không muốn hé lộ cho nàng biết.
“Tốt lắm,” tôi nói, “vậy thì chẳng làm gì cả. Au revoir.”
Nàng nhìn tôi, dọ dẫm. “Không có chi gấp gáp. Đến chín giờ tôi mới cần có mặt ở đấy. Chúng ta có thể đi dạo một lúc. Cả tuần nay tôi không bước chân khỏi nhà.”
“Cũng được,” tôi do dự. Bỗng nhiên tôi cảm thấy lòng mình trống vắng, rã rời.
Chúng tôi đi trên đường phố. Đêm trong vắt và những vì sao lấp lánh giữa các nóc nhà. Ngang qua một bãi cỏ trống, nơi có vài bụi cây ẩn mình trong bóng tối, Patricia Hollman chợt ngừng lại.
“Tử đinh hương,” nàng nói. “Tôi ngửi mùi tử đinh hương! nhưng vô lý, dĩ nhiên, vì đâu đã đến mùa.”
“Tôi không ngửi được mùi gì cả,” tôi trả lời.
“Có mà!” Nàng nghiêng người qua lớp rào sắt.
“Đấy là Daphne indica, hoa thụy hương, thưa cô,” một giọng khàn khàn từ bóng tối vọng ra.
Một công nhân chăm sóc hoa viên thành phố, với cái mũ vải đính phù hiệu kim loại đang đứng tựa một gốc cây. Ông chếch choáng tiến tới. Cổ một chai thủy tinh sáng lóng lanh thò ra ở miệng túi. “Chúng tôi mới trồng hôm nay,” ông vừa nấc cụt vừa giải thích. “Ở đàng kia.”
“Cám ơn ông,” Patricia Hollman nói và quay lại nhìn tôi. “Anh chưa ngửi thấy mùi gì sao?”
“Có chứ, tôi dư sức ngửi được,” tôi trả lời rất vô duyên. “Brandy ngon và quý.”
“Ăn nói đáo để nhỉ!” Người đàn ông trong bóng tối ợ rõ to.
Tôi hoàn toàn có thể nhận ra hương thơm nồng nàn, ngọt ngào lan tỏa từ bóng tối; nhưng không đời nào tôi thú nhận điều ấy với nàng.
Cô gái cười lớn và hít một hơi dài. “Thật đáng yêu biết mấy, khi ta đã giam mình ở nhà một thời gian quá lâu. Rất tiếc, tôi sắp phải đi. Cái anh Binding này — lúc nào cũng vội vã và đợi đến phút chót — tôi nghĩ anh ấy có thể dời cuộc phỏng vấn đến mai.”
“Binding?” tôi hỏi. “Cô có hẹn với Binding?”
Nàng gật đầu. “Với Binding và một người khác. Chính người ấy mới đáng kể. Việc rất quan trọng. Anh có tưởng tượng được không?”
“Không,” tôi trả lời. “Tôi không thể.”
Nàng cười to và tiếp tục nói. Nhưng tôi không thể lắng nghe nàng nữa. Binding — tên ấy như một tia chớp đâm xuyên thân thể tôi. Tôi không nhận ra, dù sao nàng cũng quen biết anh ấy rất lâu trước khi quen tôi — tôi chỉ thấy diễn ra trước mắt, chiếc Buick to lớn của anh, bóng nhoáng và đồ sộ hơn đời thường; bộ quần áo sang trọng và cái ví tiền dầy cộp của anh. Căn phòng cũ, cố ý trưng bày cho có vẻ lịch lãm, đáng thương của tôi! Không hiểu tôi đã nghĩ gì! nào đèn bàn của Hasse, ghế bành của Zalewski! Nàng không phải là người con gái dành cho tôi, dĩ nhiên. Dù sao, tôi là ai chứ? Một anh bộ hành kiết xác có lần vay mượn chiếc Cadillac, một bợm nhậu ngu khờ, chỉ có thế thôi. Hạng người ta gặp nhan nhản ngoài phố. Tôi hình dung ra cảnh người gác cửa ở quán “Chùm Nho” kính cẩn chào Binding, những căn phòng trang nhã, ấm cúng, sáng sủa, khói thuốc mờ mịt như mây, những con người khôn ngoan tài giỏi. Tôi nghe âm nhạc và tiếng cười — cười chế nhạo tôi. Lui lại, tôi nghĩ, lui nhanh. Một ý tưởng, một hy vọng — như thế cũng đủ lắm rồi. Sẽ rất vô lý nếu tôi để cho mình vướng mắc vì dựa vào sức mạnh ấy. Không có cách gì khác, ngoại trừ tháo lui.
“Không chừng chúng ta có thể gặp nhau tối mai,” Patricia Hollmann nói.
“Tối mai tôi không rảnh,” tôi trả lời.
“Vậy hôm sau hay là một ngày nào đó tuần này. Trong mấy ngày sắp tới, tôi không bận gì cả.”
“Khó lắm,” tôi nói. “Chiều nay chúng tôi vừa nhận một đơn hàng khẩn cấp, có lẽ mỗi ngày chúng tôi phải ở lại làm việc đến khuya, suốt tuần mới xong.”
Đấy là chuyện bịa, nhưng tôi không thể nào làm khác hơn. Có quá nhiều giận dỗi và tủi hổ trong tôi.
Chúng tôi băng ngang công trường, đi trên con đường dẫn về nghĩa trang.Tôi trông thấy Rosa, từ phía quán International đi đến. Đôi ủng cao của chị bóng lộn. Tôi có thể ngoặt sang một con đường mới, và nếu vào một dịp khác, có lẽ tôi đã làm vậy; nhưng tôi vẫn đi thẳng về phía chị. Rosa nhìn qua vai tôi như chúng tôi là hai người hoàn toàn xa lạ. Đúng ra phải như thế; không một cô nào trong bọn sẽ chào hỏi, khi một trong hai bên có người đi kèm.
“Chào Rosa,” tôi nói.
Quá ngạc nhiên, chị nhìn tôi trước, rồi sau đó, nhìn sang Patricia Hollmann; chị hấp tấp gật đầu và cuống quýt bước đi. Chỉ vài bước sau chị là Fritzi, ví xách lủng lẳng, môi đỏ chót và cặp hông đong đưa theo bước chân. Chị lãnh đạm nhìn xuyên qua tôi như thể tôi là một tấm kính trong suốt.
“Gruss Gott, Fritzi,” tôi nói.
Chị nghiêng đầu như một bà hoàng và không để lộ một chút kinh ngạc nào; nhưng khi đã vượt qua, tôi nghe bước chân gấp rút của chị –chị sẽ bàn tán với Rosa về chuyện này. Tôi vẫn còn thì giờ rẽ vào một con đường nhỏ cắt ngang, tôi biết những cô gái còn lại sẽ tiếp tục đi đến – – đúng vào lượt rước khách đầu tiên của họ. Nhưng trong niềm tức giận, tôi vẫn tiếp tục đi — tại sao tôi phải tránh né họ? Tôi biết họ còn nhiều hơn người con gái bên cạnh với Binding của cô ấy và chiếc Buick của anh ta. Cô ấy nên nhìn thấy — tận tường.
Họ đến kìa rồi, qua khỏi dãy đèn đường –Wally xinh đẹp, xanh xao, thon thả, thanh lịch; Lina với cái chân gỗ; Erna vạm vỡ, Marion non nớt, Margot má đỏ hồng; Kiki, anh chàng đồng tính luyến ái trong cái áo choàng lông sóc; và cuối cùng là Mimi, bà ngoại với chứng giãn tỉnh mạch, xác xơ như cú. Tôi chào từng người, và khi chúng tôi gặp Bu ở quày xúc xích, tôi lắc tay bà nồng nhiệt.
“Anh quen biết rộng nhỉ?” Một lúc sau, Patricia Hollman nói.
“Vâng, loại người ấy.” tôi huỵt toẹt đáp lại.
Tôi để ý rằng nàng nhìn tôi. “Tôi nghĩ chúng ta nên quay lại.” Một lúc sau, nàng nói.
“Vâng,” tôi đáp. “Tôi cũng nghĩ thế.”
Chúng tôi dừng lại trước cửa nhà.
“Chúc cô may mắn,” tôi nói, “và có nhiều vui thú.”
Nàng không trả lời. Phải khó khăn lắm tôi mới rời mắt khỏi cái nút bấm chuông để nhìn qua nàng. Và quả tình –tôi không tin được chính mắt mình –nàng đứng đấy, và, thay vì cau có bực bội, vành môi nàng khẻ run giật, đôi mắt long lanh tinh quái; và rồi nàng cười to, chân thành, không giữ kẻ — chỉ đơn thuần thú vị bởi tôi.
“Cưng ơi,” nàng nói, “Ôi trời, anh còn trẻ con quá đi thôi!”
Tôi gương mắt nhìn nàng. “Ơ kìa, nếu cô –” tôi nói. “Dù sao –” và thình lình tôi hiểu ra. “Vậy tôi đoán, cô cho rằng tôi ngớ ngẩn lắm, phải không?”
“Cũng có thể nói như vậy.”
Trông nàng tuyệt vời, ánh đèn nhảy múa lunh linh trên mặt — trẻ trung, vui tươi và xinh đẹp. Tôi nhanh nhẹn bước tới, kéo nàng lại gần, mặc cho nàng tha hồ suy nghĩ. Mái tóc tơ mềm của nàng phơn phớt trên má tôi, mặt nàng kề bên tôi, hương đào thơm của làn da nàng thoang thoảng; rồi đôi mắt nàng nhích lại gần hơn và thình lình, tôi cảm thấy môi nàng áp vào môi tôi…
Nàng đã rời đi trước khi tôi nhận thức những gì vừa xảy ra… Như một con lừa khoang, tôi ngây dại đứng nhìn theo nàng. “Lạy thánh Moses!” rồi tôi kêu lên, thành lời.
Tôi trở về, ngang qua quầy xúc xích của Bu một lần nữa. “Cho cháu một cái bockwurst lớn,” tôi tươi cười nói.
“Có mù tạt không?” Bu, mình quàng tạp dề trắng tinh, hỏi lại.
“Thật nhiều mù tạc, bu nhé!”
Tôi ngấu nghiến ăn tại chỗ, và nhờ Alois đem một ly bia từ International. “Con người là một sinh vật kỳ lạ, bu nhỉ?” tôi nói.
“Bu cũng nghĩ thế,” Bu hăng hái trả lời. “Có một cậu, hôm qua tới đây ăn hai cái Wieners với mù tạc rồi không có tiền trả. Đã khuya lắm, lại không có ai chung quanh, bu có thể làm gì đây? Cho nên, cháu biết, bu đành để cậu ấy đi. Thử nghĩ xem, thế mà hôm nay cậu ấy đến, trả tiền mấy cái Wieners đã nợ và khao bu một ly bia nữa chứ.”
“Đấy là một phẩm cách tiền chiến. Mà bu buôn bán ra sao, đắt hàng chứ?”
“Ế thiu ế chảy! Hôm qua, bu chỉ bán được bẩy cặp Wieners và chín cái Bockwursts. Cháu biết, nếu không có các cô ấy, có lẽ bu đã dẹp chuyện bán buôn từ lâu.”
Các cô ấy, là những cô gái giang hồ ủng hộ bu hết mình. Khi có mối, nếu có thể, họ đưa khách đến quầy ăn một cái bockwurst trước, giúp bu kiếm thêm chút tiền.
“Chẳng mấy lúc trời sẽ ấm lên,” Bu tiếp tục, “nhưng trong cái ướt át rét mướt của mùa đông– cứ mặc thứ y phục mà ta thích, thế nào cũng bắt được một thứ gì đó.”
“Cho cháu một cái bockwurst nữa,” tôi nói; “cháu thấy yêu đời, tham sống lạ. Chuyện nhà bu ra sao rồi?”
Bu nhìn tôi, qua đôi mắt hẹp, sáng màu hồ thủy. “Lúc nào cũng thế. Hôm kia ông ấy bán cái giường.”
Bu có gia đình. Mười năm trước, chồng bu, khi nhảy tàu, đã trượt chân té và bị cán qua người. Phải cưa cả hai chân. Tai nạn để lại một di chứng trầm trọng. Là người tàn phế, ông cảm thấy tủi nhục đến mức không bao giờ gần gũi vợ nữa. Ngoài ra, khi ở bịnh viện, ông đã mắc chứng nghiền ma túy. Từ đấy đời ông tuột dốc rất nhanh; ông vướng vào vòng đồng tính luyến ái, và chẳng bao lâu, ông — một người chồng bình thường suốt năm mươi năm, nay chỉ kết bạn với những chàng trai ẻo lả. Để chu cấp cho họ và ma túy, hễ chộp được vật dụng nào của bu là ông lại bán tống bán tháo. Nhưng bu vẫn gắn bó với ông, dù thường hay bị đánh đập. Mỗi đêm bu túc trực ở quầy xúc xích với con trai đến tận bốn giờ sáng. Ban ngày bu giặt giũ và lau chùi. Lúc nào bu cũng khổ sở vì một chứng bệnh ở vùng bụng và bu cân nặng không đầy bốn mươi ký –tuy nhiên, chưa ai thấy bu kém phần thân thiện bao giờ. Bu tin rằng đời mình cũng chưa đến nỗi nào. Thỉnh thoảng, mỗi khi đau khổ, chồng bu lại tìm về và khóc. Đấy là những lúc hạnh phúc nhất của bu.
“Cháu vẫn làm việc ở cái chỗ ngon lành ấy?” Bu hỏi.
Tôi gật đầu. “Vâng. Hiện nay cháu kiếm tiền khá lắm.”
“Cố mà giữ lấy.”
“Cháu sẽ gắng, bu ạ.”
Tôi về nhà. Ở hành lang, như được Chúa sắp xếp, chị phụ bếp Frida đã lù lù đứng sẳn.
“Chị là người con ngoan,” tôi nói, vì tôi thấy lòng đầy xúc động, cần làm một vài việc thiện.
Chị nhăn nhó như khỉ ăn ớt.
“Nói nghiêm chỉnh nhé,” tôi tiếp tục, “ta gây gổ nhau mãi, để làm gì? Cuộc đời ngắn ngủi lắm, Frida, đầy tai nạn và hiểm họa. Thời buổi này, người ta cần đoàn kết. Hãy giảng hòa với nhau, nhé.”
Làm như không thấy bàn tay tôi đưa ra, chị lầm bầm nguyền rủa chuyện chè chén say sưa, và, đóng sầm cửa, biến mất.
Tôi gõ cửa phòng George Block. Một vệt sáng kéo dài dưới ngạch cửa. Anh đang gạo bài.
“Ra ăn, George ơi,” tôi nói.
Anh nhìn lên. Gương mặt vốn nhợt nhạt, đỏ bừng. “Tớ không đói.”
Anh nghĩ, đấy là thương hại. Do đó anh không muốn.
“Cậu ạ, đến mà xem. Nếu không ai ăn, nó sẽ thiu thối. Làm ơn dùm tớ đi mà.”
Đi trên hành lang, tôi để ý thấy cửa phòng Erna Bonig mở hé. Bên trong, có hơi thở rất nhẹ. “À há”, tôi nghĩ, và nghe tiếng khóa mở lách tách ở phòng Hasse và cũng y thế, cánh cửa xê dịch vài phân. Toàn thể nhà trọ đang canh chừng, rõ ràng vậy, cô em họ của tôi.
Trong phòng, đèn trần gay gắt rọi xuống ghế bành gấm của Frau Zalewski. Đèn bàn của Hasse trình bày một cảnh tượng đẹp mắt, quả thơm vàng óng, xúc xich gan tuyệt hảo, cá hồi, rượu sherry…
Khi tôi và George — không nói ra lời– đã yên vị trong phòng, có tiếng gõ cửa. Tôi biết chuyện gì sắp xảy ra.
“Cậu chuẩn bị nhé,” tôi thì thầm với George, và nói lớn, “Mời vào.”
Cửa mở và, Frau Zalewski háo hức bước vào với tất cả nỗi hiếu kỳ. Lần đầu trong đời, tôi được bà thân chinh giao thư tận phòng — một bản tin thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm. Bà sửa soạn như một bà tiên– một mệnh phụ chính cống thời vàng son xưa cũ, áo đầm ren với khăn choàng kết tua và kim cài áo với chân dung ông Zalewski quá cố đính tòng teng như mặt dây chuyền. Nụ cười mật ngọt trên mặt bà chợt đông cứng; giật nẩy mình, bà chằm chập nhìn George, đang bẻn lẻn. Tôi khoái chí cười hăng hắc. Bà nhanh chóng lấy lại bình tỉnh.
“A ha, lỗi hẹn rồi,” bà nói, châm chọc.
“Đúng,” tôi đồng ý, vẫn còn bị bộ y phục cầu kỳ của bà lôi cuốn. Thật là may, tôi không mời được nàng.
Bảo mẫu Zalewski nhìn tôi, chì chiết. “Thế mà cháu còn cười được nữa ư? Bác đã chẳng thường nói, thay vì trái tim như người ta, trong lồng ngực cháu chỉ có chai rượu mạnh.”
“Nói chữ hay đấy,” tôi đáp. “Nhưng Frau Zelewski, bác làm ơn dùm cháu chuyện này được không?”
Bà ngần ngừ. Nhưng rồi lòng hiếu kỳ chiến thắng, và hy vọng biết thêm một thứ gì đó. Tôi mở nút chai sherry.
Sau đó, khi tất cả đã im lắng, tôi cầm chiếc áo khoác và cái chăn, len lén đi qua hành lang đến chỗ điện thoại. Tôi quỳ trước bàn, nơi đặt điện thoại, trùm áo khoác và chăn lên đầu, nhấc ống nghe và bằng tay trái, túm cái áo khoác cho kín lại bên dưới. Như thế tôi chắc chắn không ai có thể nghe trộm. Nhà trọ Zalewski có những vành tai to tướng, tọc mạch.
May mắn quá. Patricia Hollmann có ở nhà.
“Cuộc phỏng vấn bí ẩn của em xong đã lâu chưa?” tôi hỏi.
“Em về nhà khoảng một giờ rồi.”
“Tiếc quá. Nếu anh biết thế –“
Nàng cười. “Không, cũng chẳng ích gì. Em đang nằm trên giường và lại lên cơn sốt nhẹ. May mà em về nhà sớm.”
“Sốt? Sao lại sốt, có sao không?”
“Ach, chuyện chán lắm. Và tối nay anh làm gì thế?”
“Anh thảo luận tình hình thế giới với bà chủ nhà. Còn em? Việc làm ăn của em có kết quả tốt?”
“Em hy vọng thế.”
Tổ tò vò của tôi nóng kinh hồn. Nên mỗi khi nàng nói, tôi lại hé tấm chăn, hít nhanh một nhúm không khí mát lạnh bên ngoài và khép chăn lại khi đến lượt tôi, miệng áp sát ống nghe.
“Bạn bè của em có ai tên Robert không vậy?” tôi hỏi.
Nàng cười. “Không có ai.”
“Tiếc quá. Anh muốn nghe em gọi tên ấy. Dù sao, em cứ gọi, được không?”
Nàng lại cười.
“Để đùa vui,” tôi nói. “Em có thể nói, thí dụ như: ‘Robert là một gã khờ.'”
“Robert là một em bé, và lạy trời xin được như thế mãi mãi.”
“Em phát âm hay tuyệt,” tôi nói. “Và bây giờ, chúng ta hãy thử với tên Bob. Như: ‘Bob là một – -‘”
“Bob là đệ tử của thần lưu linh,” nàng chậm rãi nói, êm đềm, xa vắng; “bây giờ em phải ngủ — em đã uống thuốc ngủ và mi mắt em nặng chĩu rồi.”
“Vâng- – tạm biệt — em ngủ ngon nhé —“
Tôi đặt ống nghe xuống, vứt áo khoác và chăn sang một bên. Rồi tôi đứng dây và thình lình lạnh cứng người. Như một con ma đứng ngay sau lưng tôi, bác kế toán viên đã nghĩ hưu, sống trong căn phòng cạnh nhà bếp. Tôi làu bàu vài câu, bất bình.
“Xuỵt!” ông chúm môi nói và cười toe toét.
“Xuỵt!” tôi trả lời, rủa thầm ông đi về địa ngục.
Ông chìa một ngón tay lên trời. “Tôi sẽ không tiết lộ — chính trị, hử?”
“Cái gì? tôi hỏi, kinh ngạc.
Ông nháy mắt. “Đừng lo. Bản thân tôi là người Cực Hữu. Thảo luận chính trị bí mật, hử?”
Tôi chợt hiểu. “Rất là chính trị,” tôi nói, và cũng nhe răng cười.
Ông gật đầu và khẽ nói: “Hoàng đế muôn năm.”
“Vạn vạn tuế!” tôi đáp. “Nhưng tôi có chuyện này muốn hỏi; bác có biết ai là người phát minh ra điện thoại hay không?”
Ngạc nhiên, ông lắc cái trán hói.
“Tôi cũng không biết,” tôi nói, “nhưng người đó chắc chẳn phải là một người tuyệt vời.”