Đừng Kết Hôn Trước Tuổi 30

Chương 3. Yêu là gì



“Mắt của chúng ta nhìn ra thế giới bên ngoài quá nhiều, nhìn vào thế giới nội tâm quá ít.”

— Vu Đan 

Tôi không biết trường kinh doanh ở chỗ các bạn như thế nào, còn tại trường kinh doanh năm đó tôi theo học, sự lựa chọn của những người “khôn ngoan” thực sự (như tôi đây) là chuyên ngành tài chính bất động sản. Tiền chính là quyền lực – chí ít chúng tôi đều cho là như vậy, cho nên chúng tôi cảm thấy người quản lý tiền bạc là người có quyền lực. Lớp chúng tôi có 32 người, chỉ có tôi và một bạn nữa là con gái. Trong nhận thức của tôi đối với thế giới này, chuyên ngành cũng có dăm bảy loại: Chuyên ngành có liên quan đến tài chính là “dành cho con trai”, còn chuyên ngành tiếp thị và nguồn nhân lực là “dành cho con gái” – để muốn nói rằng, nó phù hợp với những người không giỏi toán học. Chúng tôi thỏa sức vùng vẫy với chiếc máy tính tài chính HP 12c, trong lòng thấy tự hào vô cùng.

Nhiều năm trôi qua, khi đã hít vào rất nhiều khói bụi của cuộc sống, tôi mới nhận ra rằng nhận thức của tôi đối với cuộc sống vốn ngược lại. Thực tế là: Toán học chẳng có gì tuyệt vời cả, nó chỉ là một thứ đồ chơi mà lũ ngốc thích mà thôi; giao thiệp với người khác còn khó hơn rất nhiều. “Giao thiệp” bao gồm tương tác, đàm phán, lãnh đạo, yêu đương… nói tóm lại đó là tất cả những hành vi ảnh hưởng qua lại giữa người với người. Và kẻ chiến thắng trong xã hội chính là những người hiểu được phải giao thiệp với người khác như thế nào.

Nữ hoàng Elizabeth và uy lực của sự đồng cảm

Ngày xưa, có một công chúa tên là Elizabeth. Tương lai nàng phải làm Nữ hoàng của đất nước Anh. Công chúa Elizabeth có một vấn đề nan giải: Nàng có hai người đàn ông đều rất xuất sắc theo đuổi, và nàng phải chọn lấy một.

Với chàng trai thứ nhất, công chúa nói: “Sống cùng với chàng khiến em cảm thấy chàng là người giỏi nhất thế giới.”

Với chàng trai thứ hai, công chúa nói: “Sống cùng với chàng khiến em có cảm giác mình là người giỏi nhất thế giới.”

Vậy nàng sẽ chọn ai?

Không sai, chàng trai thứ hai, như cả thế giới đều biết, chính là chồng hiện tại của bà – Hoàng thân Philip; còn số phận của chàng trai thứ nhất ra sao không rõ. Ngày nay cuộc hôn nhân của Nữ hoàng Elizabeth và Hoàng thân Philip đã duy trì được hơn 60 năm.

Trong câu chuyện này, cả hai vợ chồng nữ hoàng đều đáng để chúng ta học tập. Chúng ta phải học tập nhân phẩm của Nữ hoàng Elizabeth. Nàng có thể không cố gắng để giành được tình yêu của người đàn ông – nàng là nữ hoàng trong tương lai! Quyền chủ động lựa chọn nằm trong tay nàng. Bất kỳ người đàn ông nào được lựa chọn đều sẽ cảm thấy mình may mắn.

Có thể bạn không phải là nữ hoàng, nhưng cuộc sống thực sự rất kỳ diệu: Nếu bạn có suy nghĩ và hành vi giống như một nữ hoàng, thì mọi người sẽ cư xử với bạn giống như một nữ hoàng – chúng ta được quyền dạy người khác cư xử như thế nào đối với mình.

Từ Hoàng thân Philip, chúng ta cần học được cách làm thế nào để cuốn hút người khác. Trở thành một người xuất sắc nhất, xinh đẹp nhất, hoàn hảo nhất thế giới thực tế chẳng có gì, muốn đạt được thành công thực sự trong cuộc sống và sự nghiệp, mấu chốt là hiểu được nghệ thuật thu hút người khác.

Gần đây, có một khái niệm rất hot gọi là: “Chính mình”, tất cả mọi người cứ mở miệng ra là hô hào “Hãy là chính mình!” Nhưng họ đã lầm, chỉ là chính mình thôi chưa đủ. Muốn làm nên bất kỳ chuyện gì, bạn còn phải xem xét đến cách người khác làm thế nào để giải thích hành vi của bạn. Hãy nghĩ xem, nếu có thể thu hút được tất cả mọi người đến bên cạnh bạn thì chẳng phải càng tốt hay sao?

Chắc chắn là rất tốt. Bên cạnh bạn có ai luôn được chào đón như vậy không? Ví như, có một phụ nữ, sức hấp dẫn của cô ấy giống như thỏi nam châm, hầu như tất cả đàn ông đều không thể chống lại được sự quyến rũ của cô ấy; lại ví như có một người, trong tất cả các bữa tiệc, nơi mà cô ấy đến luôn luôn là tiêu điểm thu hút mọi ánh nhìn của người khác; lại có một người nữa, trong khi người khác vùi đầu vào công việc mà vẫn không được thăng tiến, nhưng cô ấy vẫn có thể trổ hết tài năng, dễ dàng bước vào hàng ngũ quản lý. Tất cả những người như vậy, họ có chung một khả năng gọi là “sự đồng cảm”, chính là khả năng có thể hiểu và cảm nhận được cảm xúc của người khác. Nó bao gồm những khả năng sau:

Hiểu được tính cách, quan điểm, động cơ và giá trị của người khác;

Xây dựng mối quan hệ cá nhân và mối quan hệ nghề nghiệp thân tình, có ý nghĩa;

Phản ứng thích hợp và có hiệu quả đối với người khác.

Trong cuộc sống, đối với những đối tượng khác nhau xung quanh, chúng ta thường có một số kỳ vọng mặc định. Ví dụ như luôn mong sếp: “Cho tôi thăng chức!’’ mong bạn trai “Đưa em đi du lịch!” Thế nhưng, chúng ta thường quá chú trọng đến những kỳ vọng này của bản thân mà quên mất rằng, những nhân tố tình cảm mới có thể giúp chúng ta đạt được những nguyện vọng ấy.

Chúng ta học hỏi các kiến thức trong trường, nhưng khi giao thiệp với người khác, thứ thực sự có thể phát huy tác dụng là cảm giác qua lại giữa hai người. Đồng cảm là năng lực quan trọng nhất trong sự nghiệp và cuộc sống của mỗi người.

Tôi cho rằng, một trong những vấn đề tiềm ẩn ở xã hội ngày nay đó là: Thiếu sự đồng cảm giữa người với người. Điều này hoàn toàn không liên quan đến ngôn ngữ và văn hóa của đất nước, nó là hệ quả do quá trình trưởng thành của chúng ta tạo ra.

Các bậc phụ huynh một lòng một dạ muốn làm cho chúng ta nổi trội hơn người, cho nên họ luôn dạy chúng ta phải lấy học hành làm trọng. Thế là, chúng ta luôn ghi nhớ một điều: Biểu hiện của chúng ta luôn quan trọng hơn chúng ta là ai. Vì thế, rất nhiều người trong chúng ta trở nên tê liệt về mặt tình cảm, thậm chí ngay đến bản thân họ cũng không tự nhận biết được nữa. Một độc giả có blog cá nhân trên trang Global Rencai đã viết như thế này:

Mọi người gọi chúng ta là “người cao su”. Chúng ta không buồn, không vui, không mơ ước, vì cuộc sống của đa số chúng ta chỉ là những tình trạng (tình trạng hôn nhân, tình trạng công việc, tình trạng thu nhập…). Ngay từ bé chúng ta đã bị mang ra để so sánh với nhau, so thành tích thi cử, so trường học, so học vị, so tiền bạc… chúng ta cảm thấy lo lắng, vì giá trị của chúng ta đều thể hiện trên những con số như vậy. Chúng ta lo người khác cảm nhận như thế nào về bản thân mình hơn là lo sáng tạo những giá trị của chúng ta. Vì thế, mơ ước của chúng ta là – nếu có mơ ước thì mơ ước ấy rất có thể sẽ xây dựng trên sự so sánh với những điều kiện bên ngoài, ví dụ như phải thông minh hơn người, phải có một công ty lớn, phải có rất nhiều tiền… mà không phải là tập trung vào mong muốn trong lòng mình.

Khi chúng ta biết rằng phải dựa vào thành tích xuất sắc để được nhìn nhận, chúng ta mới hiểu, giá trị của bản thân và sự phán xét bên ngoài đối với biểu hiện của chúng ta luôn đi liền với nhau. Và chúng ta hầu như không thể chịu đựng được tất cả những áp lực này.

Đối lập hoàn toàn với cuộc sống này là những bạn bè người Mỹ của tôi. Tôi thường thở ngắn than dài rằng: “Cuộc sống của họ thật thoải mái, vui vẻ! Tại sao họ có thể làm được như vậy?” Thực sự, khi giao thiệp với người phương Tây, tình trạng thiếu đào tạo về khả năng đồng cảm của chúng ta bộc lộ rõ ràng nhất. Còn nhớ lúc mới vào Đại học Duke, tôi vừa hoang mang vừa cô độc, lúc đó nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro xuất bản một cuốn tiểu thuyết ăn khách Tàn dư ngày ấy (The Remains of the day), khi đọc nó, tôi đã khóc từ đầu đến cuối. Nhân vật chính Stevens là một người Anh, ông chủ của Stevens là một người Mỹ vui vẻ dễ chịu; Stevens một lòng muốn trở thành quản gia hoàn hảo của ông chủ. Sự đấu tranh giằng xé nội tâm của anh ta khiến cho tôi như nhìn thấy chính mình trong đó.

 Stevens tự tạo ra áp lực cho mình về tình cảm, anh luôn giữ cử chỉ thận trọng, khiêm tốn lịch sự (tôi cũng vậy!); giao tiếp với mọi người xung quanh tuy rất tệ, nhưng anh ta lại luôn cân nhắc cẩn thận từng chút một (tôi cũng vậy!); lời anh ta nói đều là những lời thực tế nhất, cần thiết nhất khi ông chủ yêu cầu; và mỗi khi anh ta cố gắng tâm sự hoặc trêu đùa với người khác thì người ta lại luôn không rõ ý của anh ấy là gì. Cho nên khi ông chủ mở tiệc tối, anh ta chỉ có thể đứng im lặng bên bàn ăn. Anh tự nói với chính mình rằng:

Thật là kỳ diệu, những người này có thể thân mật với nhau nhanh chóng đến vậy. Có lẽ là vì họ có chung một sự chờ đợi đối với buổi tối hôm nay. Nhưng, mình vẫn cảm thấy rằng, điều khiến họ nhanh chóng thân mật hơn chính là khả năng bông đùa của họ.

Bản thân tôi lúc đó chính là Stevens. Tôi cũng biết trêu chọc có thể khiến mọi người trở nên thân mật với nhau hơn, nhưng trong việc giao tiếp với người Mỹ, trêu chọc lại luôn là điều khó nhất.

Trước khi đưa vào lời nói và hành động, hãy cảm nhận và suy nghĩ trước

Trái ngược với việc xã hội ngày nay đã cởi mở hơn nhiều đối với những biểu hiện tình cảm, nhưng khi nói về sự đồng cảm, người Trung Quốc đã thua ngay ở vạch xuất phát. Thế nhưng, đồng cảm là một khả năng có thể bồi dưỡng được. Và có thể bồi dưỡng bằng các cách như sau:

1. Duy trì sự quan tâm chân thành. Chuyên gia hàng đầu về quản lý Peter Drucker được biết đến nhờ lý luận quản trị học của mình, nhưng quan điểm của ông về con người còn khiến người ta say mê hơn cả: “So với những khái niệm trừu tượng, tôi luôn quan tâm hơn đến con người… Đối với tôi mà nói, con người không chỉ thú vị hơn, đa dạng hơn mà còn có ý nghĩa hơn, đặc biệt là con người có khả năng trưởng thành, hiển thị, thay đổi và thành hình.”

2. Giữ thái độ khiêm tốn. Rất nhiều người cùng với sự gia tăng về tiền bạc và quyền lực, lòng khiêm tốn cũng từ đó mà giảm xuống. Xu thế này rất xấu. Bởi khiêm tốn là điều kiện tất yếu của đồng cảm.

3. Mở rộng kiến thức của bạn. Muốn trở thành một người thông minh lanh lẹ, trò chuyện dí dỏm, bạn phải dày công nghiên cứu đối với thế giới này.

4. Nói những chuyện người khác muốn nói. Tập trung 80% nội dung cuộc trò chuyện vào sự việc mà đối tượng bạn đang nói đến. Tìm và thảo luận về những điều họ quan tâm. Bạn sẽ thấy rằng mỗi người đều có những điều rất thú vị, mỗi người đều có một câu chuyện riêng, và hơn thế nữa – mỗi người đều thích nói câu chuyện của mình!

5. Chăm chú lắng nghe. Các nhà nghiên cứu đã định nghĩa về ba cách lắng nghe:

Mức một: Lắng nghe sâu, tích cực quan sát, giải thích thông điệp không lời, nhận thức ý nghĩa.

Mức hai: Nghe tất cả các từ, nhưng không chú ý đến thông điệp không lời, chẳng hạn như ngôn ngữ cơ thể, giọng nói. 

Mức ba: Chỉ nghe một phần nào đó của câu chuyện, còn những phần khác hoặc bỏ qua, hoặc bị phân tâm.

Trong cuộc sống, chúng ta luôn rất bận rộn, vì thế lắng nghe phần lớn chỉ dừng ở mức hai, thậm chí là mức ba. Nhưng chúng ta đều có thể trở thành một người biết lắng nghe hơn, hãy thử trong tất cả các cuộc đối thoại, cố gắng lắng nghe đến mức một.

Đối với hai con gái của mình, tôi rất coi trọng việc bồi dưỡng khả năng đồng cảm cho chúng. Điều này không phải vì tôi thông minh hơn, hoặc làm được tốt hơn những bậc phụ huynh Trung Quốc khác, cũng không phải vì tôi yêu con mình hơn; mà đó là vì trong cuộc sống của mình, tôi đã tiếp thu nhiều ảnh hưởng – đương nhiên cũng bao gồm việc đọc rất nhiều sách liên quan đến việc làm thế nào để giáo dục và bồi dưỡng cho trẻ em, cho nên tôi và Dave muốn bồi dưỡng hai con theo một cách khác – khiến cho chúng có được cảm xúc, tư tưởng, tài năng và hứng thú của riêng mình.

Khi chúng ta còn nhỏ, những cảm xúc mạnh mẽ có thể biểu hiện ra bên ngoài một cách vô cùng đáng sợ. Bé lớn của chúng tôi hiện đang ở vào giai đoạn “Terrible Twos” (Khủng hoảng tuổi lên 2). Một phút đầu cô bé còn đang chơi say sưa với em gái mình, vậy mà chỉ chớp mắt một cái, khuôn mặt nhỏ bé của cô bé đột nhiên đỏ ửng, biến thành một vẻ mặt cau có, môi dưới trề xuống càu nhàu; nó hít một hơi dài rồi “òa” lên khóc; giống như núi lửa phun trào, phun ra tất cả những cảm xúc giận giữ, thất vọng và sợ hãi. Mỗi lần gặp tình huống này, chúng tôi đều không dỗ dành một cách đơn giản “À không sao! Đừng khóc!” mà là giúp con khơi thông cảm xúc. Chúng tôi sẽ hỏi cô bé rằng: “Thế nào rồi? Có vẻ như con rất tức giận, đúng không nào? Mẹ muốn biết vì sao con tức giận như vậy. Có phải vì em đã cướp mất đồ chơi của con không?’’

Giúp con bày tỏ cảm xúc của mình, hiệu quả giống như cho bé một lối thoát ra khỏi ngọn núi lửa vậy. Khuôn mặt của bé dần giãn ra, tâm trạng cũng bắt đầu ổn trở lại. Trong cuốn Những quy tắc để trẻ thông minh và hạnh phúc (Brain rules for baby), tác phẩm vô cùng hấp dẫn của chuyên gia y học thần kinh John Medina, ông đã trình bày tác dụng của việc dỗ dành đối với não trẻ sơ sinh nhìn từ góc độ tâm lý học.

Khi em bé được sinh ra đã có đầy đủ nhận thức về tình cảm, chúng có thể xác định và tạo ra phản ứng tự nhiên. Cha mẹ giúp trẻ hiểu được cảm xúc, chính là giúp cho kết cấu thần kinh của trẻ phát triển theo hướng ổn định suốt đời. Trẻ lớn lên dưới sự chăm sóc như vậy của cha mẹ, sau khi trưởng thành, xác suất nảy sinh những trạng thái tâm lý tiêu cực như uất ức, trầm cảm hay lo lắng sẽ giảm xuống, đồng thời chúng sẽ có khả năng tự kiểm soát mạnh hơn, khả năng đồng cảm cao hơn; từ đó chúng sẽ có những tình bạn sâu sắc và phong phú hơn.

Ngược lại, có một số người lớn nhưng dường như không bao giờ lớn, về mặt tình cảm, họ dường như mãi mãi sống trong giai đoạn “Terrible Twos”. Họ luôn sống trong sự lơ đãng, khép kín, nhầm lẫn và thường xuyên cảm thấy lúng túng. Dù họ có làm người quản lý, vợ chồng, cha mẹ hay bạn bè thì năng lực đều rất hạn chế. Cảm xúc của họ rất rối rắm, không có cách nào bày tỏ ra được và bị tích tụ thành một thứ dung nham lo lắng.

Nhận thức và thể hiện cảm xúc là hai công cụ cơ bản của cuộc sống. Thông qua cảm xúc, chúng ta thể hiện cách nhìn nhận của mình đối với thế giới này. Cảm xúc rất quan trọng. Nhận thức về nó càng nhiều, chúng ta càng dễ kiểm soát nó. Nghịch lý nằm ở chỗ: Khi chúng ta vờ như không quan tâm đến cảm xúc của mình, nó sẽ bị dồn nén lại, sau đó sẽ tích tụ và phóng to; kết quả tất yếu là sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Phái yếu chúng ta thường chôn sâu sự đau khổ xuống tận đáy lòng, còn phái mạnh lại quen thể hiện nó ra bên ngoài, họ sẽ dùng những cơn giận giữ bộc phát để phóng thích mọi lo lắng trong lòng, thậm chí đôi khi còn gây tai họa cho những người xung quanh.

Một vị giám đốc điều hành gần đây đã chia sẻ với tôi một kinh nghiệm quản lý như thế này: “Nếu cảm thấy tốt, đừng nên nói ra.” Không nên làm theo cảm xúc, phải học cách dùng sự nhạy cảm để thay thế cho phản ứng của cảm xúc. Khi bạn cảm thấy mình ở vào trạng thái áp lực hoặc tâm trạng hóa, bạn phải ấn “nút tạm dừng”. Trước khi đưa ra phản ứng, hãy tự cho mình một chút thời gian để làm những việc sau:

Quan tâm đến mình. Xác định cảm xúc của mình, thể hiện nó ra bằng lời nói.

Trước khi có cơ hội giải quyết vấn đề, không được phát biểu ý kiến, hãy hành động và đưa ra quyết định.

Không nên chỉ cảm nhận hoặc chỉ suy nghĩ về một tình huống, phải cho mình thời gian cần thiết để đồng thời vừa cảm nhận vừa suy nghĩ. Trước khi phát biểu hoặc hành động, phải cảm nhận và suy nghĩ.

Bao nhiêu năm nay, tác dụng to lớn của “nút tạm dừng” này đối với tôi quả thực khó mà nói hết được. Mỗi lần tôi nổi giận, nói hoặc làm gì đó quá đà, sau này nhớ lại tôi luôn cảm thấy rất xấu hổ, tôi hối hận sao lúc đó không dừng lại mà suy nghĩ thấu đáo hơn một chút. Có nhiều lần đối mặt với tình huống rất xấu, một câu nói để cứu vãn tất cả thực ra lại vô cùng đơn giản: “Cho tôi chút thời gian suy nghĩ.” Trong hầu hết các tình huống, người khác sẽ cảm thấy vui khi tôi nói câu đó, vì nó chứng tỏ thái độ cư xử của tôi đối với vấn đề là nghiêm túc. Và mỗi lần tôi tranh thủ được chút thời gian để suy nghĩ là một lần tôi được hưởng lợi lớn.

Dùng sự nhạy cảm thay thế cho phản ứng cảm xúc là một khả năng không thể có được trong một sớm một chiều, mà cần phải trải qua một thời gian để rèn luyện, khi có được nó, bản thân chúng ta và mọi người xung quanh đều được hưởng lợi lớn. Hãy tự ý thức được chúng ta là ai, tại sao làm những việc chúng ta làm, và hiểu biết sâu sắc về trách nhiệm của chúng ta đối với những việc làm ấy. Sự tự nhận thức sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt hơn, thực hiện được nhiều kế hoạch hơn và giành được nhiều sự tôn trọng hơn.

Muốn quản lý người khác, trước tiên phải quản lý được chính mình. Nếu chúng ta luôn cố gắng dung hợp tư duy và cảm xúc lại với nhau một cách tốt hơn, chúng ta sẽ trở thành nhà lãnh đạo tốt hơn, cha mẹ tốt hơn và người tình tốt hơn.

Thế nhưng, thảo luận về vấn đề tình cảm như vậy vẫn khiến tôi cảm thấy có một chút khó chịu – người Trung Quốc không quen bàn về cảm xúc. Cho nên, tôi rất thích một nghiên cứu của nhà tâm lý học John Gottman, ông thành lập một mô hình toán học về sự “quan hệ”. Trong mấy chục năm liền, tiến sỹ Gottman đã tiến hành quan sát đối với sự tương tác qua lại giữa hai vợ chồng, tỉ mỉ ghi chép và đo lường những thay đổi của huyết áp và tất cả các biểu hiện trên nét mặt của hai người. Ông tiến hành định lượng những tương tác đó rồi hình thành nên bảng thông số đối thoại của vợ chồng (Điều này thật tuyệt vời – cuối cùng thì cũng có con số cụ thể rồi!).

Những mức độ tương tác khác nhau được biểu thị bằng những trọng số khác nhau. Ví dụ trọng số của “miệt thị” là -4, trọng số của “chán ghét” là -3, “oán trách” là -1. Ở cột tích cực, trọng số của một biểu hiện yêu thương như nụ cười “thông cảm” hay vuốt ve nhẹ nhàng là +4. Khi tỷ lệ tương tác tích cực và tương tác tiêu cực thấp dưới tỷ lệ 5:1, cuộc hôn nhân này sẽ có nguy cơ đổ vỡ.

Thông qua quan sát cuộn băng ghi hình cuộc đối thoại của một cặp vợ chồng khi tranh luận về một vấn đề nào đó, tiến sỹ Gottman chỉ cần xem vài clip đầu tiên là đã có thể dự báo tương lai cặp vợ chồng này có ly hôn hay không, độ chính xác cao tới 94%, ông gọi những người giữ được hôn nhân hạnh phúc trong nhiều năm là “bậc thầy hôn nhân”.

Khi các “bậc thầy hôn nhân” thảo luận về những việc quan trọng, họ cũng sẽ tranh luận, nhưng họ sẽ vừa nói vừa cười, sẽ trêu chọc nhau và sẽ thể hiện tình yêu với nhau, bởi vì họ đã xây dựng được mối liên hệ về tình cảm. Nhưng rất nhiều người không biết làm thế nào để xây dựng nên mối liên hệ tuyệt vời này, và làm thế nào để tạo ra một bầu không khí hài hước; có nghĩa là, rất nhiều cặp vợ chồng tranh cãi nhau là do họ không thể xây dựng được mối liên hệ về tình cảm. Nếu không có mô tình toán học, chúng ta sẽ không làm rõ được điểm này.

Mô hình toán học của tiến sỹ Gottman xây dựng nhằm vào những cặp vợ chồng đã kết hôn, nhưng tôi cảm thấy có thể ngoại suy kết quả nghiên cứu của ông tới tất cả các mối quan hệ. Bất kỳ mối quan hệ nào cũng đều cần xây dựng tỷ lệ 5:1 giữa tương tác tích cực và tương tác tiêu cực. Trước mỗi lần chỉ trích hoặc phát biểu ý kiến phủ định, bạn phải đảm bảo chí ít rằng có thể đưa ra được năm lời khen ngợi hoặc ý kiến khẳng định. Điều quan trọng nhất là số lượng tổng thể của các tương tác tích cực và tương tác tiêu cực đang được tiết kiệm trong “tài khoản” của chúng ta.

Khi bạn tạo ra một lần tương tác tích cực, bạn sẽ gửi một khoản tiền nhỏ vào trong “tài khoản” này, để có thể chuẩn bị cho nhu cầu bất thường. Khi số lượng cảm xúc tích cực mà bạn tích lũy được đáng kể, bạn sẽ có thể dùng nó để giải quyết tất cả các cảm xúc tiêu cực do những sự chỉ trích gây nên. Phải luôn luôn duy trì được sự cân bằng về cảm xúc.

Khi chúng ta mong muốn giành chiến thắng, chúng ta sẽ phân cách với người khác và với chính bản thân mình. Hậu quả là mỗi người trong xã hội không thể tránh được việc xem người khác là kẻ thù, là chướng ngại vật trên con đường thành công của mình; hậu quả tiếp theo chính là tình trạng giống như ở Trung Quốc ngày nay: chúng ta khó có thể tin bất cứ ai, kiệt sức, rối rắm và hoang mang với tương lai.

Có được sự đồng cảm trong thời điểm này là vô cùng quan trọng. Trong lúc người người đều mệt mỏi, hoang mang, sự đồng cảm sẽ khiến cho chúng ta giành được thành công trên tất cả các khía cạnh của cuộc sống.

Cho nên, hành động đầu tiên phải là – hãy xây dựng mối liên hệ thực sự về tình cảm với người khác, đó sẽ là bước khởi đầu mạnh mẽ tuyệt đối. Ở ý nghĩa sâu sắc hơn, đồng cảm như là một lời mào đầu, nó sẽ truyền tình yêu và niềm tin vào cuộc đời của chúng ta, nó khiến cho mối liên kết thực sự giữa người với người không còn là một loại mặt hàng nữa.

Bạn tâm giao là gì?

Bạn đọc đôi khi hỏi tôi nhìn nhận ra sao về vấn đề bạn tâm giao. “Bạn tâm giao là gì? Mỗi người lẽ nào chỉ có một bạn tâm giao thôi sao?”

Tôi tin rằng trên thế giới này, người có thể làm bạn tâm giao của bạn không chỉ có một, nhưng bản thân bạn chỉ chọn có một. Đầu tiên, các bạn là hai cá thể độc lập. Khi các bạn quyết định đem tương lai của hai người đặt lại với nhau, cuộc sống của các bạn sẽ bắt đầu hòa quyện. Theo thời gian, mối liên hệ của các bạn giống như hai thái cực âm và dương, trở thành một mối quan hệ cộng sinh.

Yêu thì rất dễ, nhưng yêu lâu bền lại là chuyện khác: Tình yêu giống như thủy triều, những ngọn sóng không thể dâng cao mãi mãi. Điều này khiến người ta rất khó chấp nhận, vì trên thế gian không có bất kỳ sự thể nghiệm cảm xúc nào khác khiến con người ta say đắm như khi được chìm trong tình yêu. Và trước khi đủ khôn lớn để phân biệt được đâu là người bạn tâm giao của mình, thì chúng ta hoàn toàn có thể nhận lời yêu ai đó xung quanh. Những đứa trẻ mười mấy tuổi cũng sẽ chiều theo sự say mê và buông thả của mình để đắm chìm vào biển sâu tình ái.

Có một số cặp tình nhân luôn yêu rất sâu nặng, nhưng lại không ý thức được rằng, để đối mặt với tương lai, quan trọng hơn cả là hai người phải nhìn về cùng một hướng. Quá trình điển hình của hôn nhân hiện đại là: Bạn tình cờ biết một người, người này lại tình cờ thích bạn, hai người hẹn hò; sau một thời gian, các bạn kết hôn; tiếp theo là cố gắng thỏa hiệp, nỗ lực duy trì cuộc hôn nhân này; cuối cùng là không thể tiếp tục duy trì được nữa, các bạn ly hôn.

Chúng ta thường nghe mọi người nói, cái giá của hôn nhân không hề rẻ, vậy nên để có thể được ở bên nhau, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt. Nhưng trên thực tế, nếu bạn làm tốt được hai điều này thì hôn nhân sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều: 1. Lấy đúng người; 2. Học kỹ năng yêu.

Tôi muốn Dave của tôi biết rằng, anh là người đàn ông tốt nhất trên thế giới này. Và chính vì tôi tin anh là người đàn ông tốt nhất trên thế giới, thế nên vai trò của tôi trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Trong tương tác hàng ngày giữa chúng tôi, tôi luôn cố gắng khắc phục tính thiếu kiên nhẫn, hẹp hòi và kiêu ngạo của mình, thay vào đó là rèn luyện khả năng đồng cảm.

Trước đây tôi là người thích tranh luận, thường quá quan tâm đến “sự việc”, tính cách này khiến cho chúng tôi thường xuyên xảy ra tranh cãi. Tôi luôn cho rằng mình đúng, sau đó cố gắng chứng minh mình đúng. Nhưng sau một thời gian, tôi ý thức được rằng, nếu mục tiêu của chúng tôi là tình yêu, thì mục tiêu giành phần thắng trong các cuộc tranh luận chẳng có nghĩa lý gì cả. Có lúc nguyên nhân chỉ vì hai đứa nhìn vấn đề ở hai góc độ khác nhau, chứ thực tế chẳng có gì đáng để tranh cãi.

Điểm mấu chốt khiến cuộc hôn nhân của chúng tôi trở nên dễ chịu như vậy, chính là vì chúng tôi ý thức được điều này, trong cuộc sống của hai người, mục tiêu của tôi là tình yêu – tình yêu đối với bản thân, tình yêu đối với Dave, tình yêu đối với con gái của chúng tôi. Mà con đường hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu này, đó là do tôi luôn chú ý rèn luyện khả năng đồng cảm của mình. Trên ý nghĩa này, hôn nhân là môi trường tôi luyện vĩ đại của cuộc sống. Kết quả của sự tôi luyện này là đời sống hôn nhân sẽ trở nên tốt đẹp hơn, bản thân cũng sẽ tốt đẹp hơn.

Hôn nhân và hẹn hò là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hôn nhân giống như một doanh nghiệp nhỏ, hai người là đối tác của nhau, cũng là chủ tớ của nhau. Điều này nghe có vẻ chẳng liên quan gì, nhưng nếu bạn nắm vững được “đối tác” thì điều này thật vô cùng tuyệt vời.

Để “công ty nhỏ’’ này thành công, hai người phải tin tưởng nhau và tin vào khả năng phán đoán của nhau; các bạn cũng phải thống nhất về quan điểm và phương hướng phát triển của công ty. Các bạn phải quyết định công ty kiếm tiền như thế nào, chi phí ra sao. Các bạn phải phán đoán những công việc nào phải làm, và ai sẽ làm. Khác với những việc làm ăn khác, hai người phải cam kết cùng điều hành công ty, dốc sức vì nó suốt đời suốt kiếp.

Khi chúng tôi vừa kết hôn, tôi cảm thấy mình không thể yêu một ai khác sâu đậm như yêu Dave nữa. Vài năm sau, mọi thứ vẫn trôi qua ngọt ngào như thuở ban đầu. Sự ra đời của hai con gái bé bỏng càng khiến cho tình yêu của chúng tôi thêm mặn nồng hơn nữa. Nhưng trong gia đình này, cốt lõi vẫn chỉ có hai chúng tôi. Mỗi sớm thức dậy, tôi cảm thấy thế giới này thật tươi đẹp – người bạn và người tình tuyệt vời nhất đang say giấc bên tôi.

Cuộc sống của tôi có rất nhiều bạn bè, nhưng tôi vẫn thích ở cùng Dave nhất. Đời sống hôn nhân của chúng tôi đã có rất nhiều chuyện tốt đẹp, và tôi vẫn muốn cùng anh tạo thêm thật nhiều ký ức tươi đẹp nữa. Khi ở bên cạnh Dave, tim tôi ca hát rộn ràng, thế giới chan hòa ánh mặt trời. Chúng tôi cùng nhau hoạch địch cuộc sống, cùng có được những cảm xúc giống nhau. Có thể chung sống với anh trọn đời, với tôi đó là một điều hạnh phúc.

Tình yêu có thể tồn tại trong chế độ hôn nhân hợp pháp hay không, điều đó không phải là căn cứ duy nhất để phán xét nó. Tình yêu tồn tại giữa nam và nữ, có tình dục hoặc không có tình dục; tình yêu cùng có thể nảy sinh trong hôn nhân hoặc ngoài hôn nhân. Chính giới Mỹ đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng hơn, nhưng lại luôn lảng tránh vấn đề hôn nhân đồng tính, điều này khiến tôi cảm thấy thực sự khó chịu. Tôi nhìn nhận vấn đề đó thế này: Hai người yêu nhau là chuyện tốt đẹp, điều này không liên quan đến khuynh hướng tình dục của họ. 

Lựa chọn hôn nhân đối với tôi mà nói có đúng không? Đúng. Nhưng liệu điều này cũng đồng nghĩa là tất cả mọi người đều như vậy không? Không. Cho dù giáo huấn xã hội có tiến bộ đến mức nào, trong đám bạn của tôi vẫn có người hôn nhân rất hạnh phúc, có người có cuộc hôn nhân không hạnh phúc; có người sống độc thân rất vui vẻ, có người sống độc thân không vui vẻ.

Ma lực của tình yêu

Trong mối quan hệ của tôi với Dave, một điểm rất quan trọng đó là: Anh là người bạn tốt nhất, nhưng không phải là người bạn duy nhất của tôi.

Là những phụ nữ hiện đại, chúng ta không cần dựa vào hôn nhân mới có thể sinh tồn được, nhưng trong cuộc sống, đích xác là phải xây dựng mối liên hệ thực sự với người khác mới có thể đạt được tình yêu. Tôi tán thành với câu nói của nữ diễn viên Rene: “Tôi cảm thấy tình yêu giữa những người đồng giới cũng giống như tình yêu giữa những người dị giới, đều không thể thay thế được. Những gì mà người đàn ông mang lại cho tôi, phụ nữ không thể làm được; những gì mà người phụ nữ mang lại cho tôi, đàn ông cũng không thể làm được. Tôi rất thích những mối quan hệ khác nhau với những người khác nhau.’’

Tom Rath, tác giả của rất nhiều sách bán chạy (theo danh sách uy tín của tờ New York Times), trưởng phòng thực hành toàn cầu (Global Practice Leader) thuộc Tập đoàn Gallup, từng làm một cuộc điều tra đối với những người vô gia cư trong một thời gian dài tại Mỹ. Đầu tiên anh đoán rằng, hầu hết những người này là do nghiện rượu, nghiện ma túy hoặc mắc bệnh tâm thần mà trở thành vô gia cư. Nhưng sau khi đồng nghiệp của anh tiến hành phỏng vấn chuyên sâu những người này mới phát hiện, nghiện ngập và các vấn đề khác không phải là nguyên nhân căn bản khiến họ trở thành kẻ vô gia cư, đó chỉ là một biểu hiện.

Những người vô gia cư trong mấy thập niên trở lại đây có một điểm chung đó là: Thiếu tình bạn lành mạnh. Vấn đề thiếu tình bạn lành mạnh hầu như lúc nào cũng hiển hiện rõ trên người họ, và vô gia cư chỉ là một biểu hiện nổi trội nhất trong cảnh ngộ của họ mà thôi.

Rath và đồng nghiệp của anh sau đó chuyển sự chú ý đến những người đã thoát khỏi tình trạng vô gia cư, muốn tìm hiểu xem rốt cuộc điều gì đã khiến họ cuối cùng có thể thoát khỏi cảnh ngộ này. Kết quả thực sự đáng kinh ngạc: Tất cả những người thoát ra khỏi cảnh ngộ ấy là do họ đều tìm được một người nào đó – một tình nguyện viên, tìm được người thân đã thất lạc từ lâu, hoặc một người nào khác – tóm lại là một người tin tưởng họ.

Rath đã đem bản nghiên cứu về người vô gia cư và tất cả những phân tích sau khi tiến hành phỏng vấn đối với tám triệu người trong kho giữ liệu toàn cầu Gallup, tập trung vào một cuốn sách có tên “Bạn đồng đảng: Người không thể thiếu trong cuộc đời bạn’’ (Vital friends: The people you can’t afford to live without).

Bạn bè xung quanh chúng ta quan trọng vô cùng, bởi vì chúng ta sẽ trở nên ngày càng giống người bạn tốt nhất của mình. Trong sách, Rath đã đưa ra kết luận rằng: Tình bạn là một trong những nhu cầu cơ bản nhất trong tất cả các nhu cầu của con người: “Nếu không có bạn bè chúng ta sẽ rất khó sống, và muốn sống tốt lại càng không thể.”

Cho nên, những tù nhân sau khi bị biệt giam dài hạn thường bị tổn hại nghiêm trọng về mặt tinh thần là điều không có gì lạ. Con người là sản phẩm của các mối quan hệ xã hội. Quan hệ xã hội rộng rãi sẽ khiến chúng ta luôn thấy vui vẻ và nâng cao ý thức cộng đồng. 

Chúng ta không chỉ cần bạn bè, mà bạn bè còn đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Rath cho rằng, để có được cảm giác thỏa mãn, huy động được tiềm năng lớn nhất của mỗi người, chúng ta đều phải có tám loại bạn cụ thể:

“Bạn xây dựng” truyền cảm hứng và hướng dẫn cho chúng ta; “bạn ủng hộ” hỗ trợ và khuyến khích chúng ta; “bạn hợp tác” chia sẻ hứng thú và niềm đam mê với chúng ta; “bạn cố vấn” luôn ở bên cạnh chúng ta; “bạn môi giới” giới thiệu chúng ta với những bạn bè khác; “bạn truyền sức sống” mang đến nụ cười cho chúng ta; “Bạn giác ngộ” chia sẻ tư tưởng với chúng ta; “Bạn dẫn đường” cho ý kiến đóng góp và chỉ dẫn phương hướng cho chúng ta.

Không một người nào có thể có được tất cả các chức năng trên. Và khi xử lý các mối quan hệ, chúng ta thường phạm phải sai lầm: đó là mong tìm được toàn bộ những đức tính ấy chỉ trong một người – ví dụ như sếp hoặc vợ (chồng) của chúng ta. Các loại bạn bè khác nhau có thể giúp chúng ta phát triển các khía cạnh khác nhau, khiến chúng ta trở thành những cá thể đa dạng và độc lập hơn. Cho nên, các mối quan hệ cá nhân của bạn càng sâu, càng rộng thì càng tốt.

Sống trong một thế giới khiến chúng ta cảm thấy lạnh lùng tàn nhẫn, chúng ta sẽ rất dễ quên đi tình yêu quan trọng nhường nào, cuộc sống sẽ xuất hiện một khoảng trống khủng khiếp. Vì chúng ta thực sự cần được yêu thương, nên chúng ta cần thông qua những mối quan hệ khác nhau để đạt được tình yêu. Bằng lòng đồng cảm, chúng ta hiểu biết sâu sắc về người khác, biết cách yêu người khác như thế nào; và qua việc yêu người khác, bản thân chúng ta cũng trở nên ngày càng hoàn hảo hơn.

 

Nếu ngày ngày chúng ta đều được tắm gột trong tình bạn chân chính, chúng ta sẽ sống vui vẻ, khỏe mạnh và đạt được nhiều thành công hơn. Sau một quãng đường dài mệt mỏi, tình yêu tựa như một dòng suối mát, giúp ta tươi vui và tràn đầy năng lượng để sải chân bước tiếp.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.