Linh Hồn Của Tiền

CUỘC ĐI BỘ VỚI RAMKRISHNA BAJAJ



Mọi người gọi Ramkrishna Bajaj là “người con trai thứ năm của Gandhi”, nhưng ông không có quan hệ máu mủ nào với vị Mahatma vĩ đại, người lãnh đạo phong trào đấu tranh phi bạo động giành độc lập cho Ấn Độ từ ách đô hộ của thực dân Anh vào cuối những năm 1930. Chính lòng trân trọng, sự biết ơn và truyền thống của Ấn Độ đã mang đến cho Gandhi thêm một người con. Ramkrishna là con út của Jamlalal Bajaj, nhà tư bản công nghiệp lớn của Ấn Độ, người đã âm thầm hỗ trợ tài chính cho phong trào giành độc lập.

Chẳng mấy ai trong chúng ta nghĩ đến việc phong trào giành độc lập do Gandhi lãnh đạo cũng cần có người tài trợ, nhưng quả thật có người đã chi trả mọi thứ: việc đi lại, chi phí sinh hoạt, những hỗ trợ để Gandhi và những người khác đến được nơi cần thiết và có những thứ họ cần để thúc đẩy sự nghiệp giành độc lập. Jamlalal Bajaj chính là người đó, là cái túi ba gang phía sau Gandhi và phong trào độc lập. Số tiền ông bỏ ra rất lớn và cực kỳ cần thiết. Chính vì biết ơn sự hào phóng đó, và để tiếp nối truyền thống của Ấn Độ, Gandhi đã đề nghị nhận nuôi người con út của Jamlalal và coi cậu bé như con đẻ. Gandhi đã có bốn người con, do đó, khi ông nhận nuôi Ramkrishna, người Ấn Độ gọi cậu bé là “người con trai thứ năm của Gandhi”.

Hành động cảm ơn đó về sau lại đưa đến những may mắn mới cho đất nước Ấn Độ, vì chính Ramkrishna lớn lên thành một người tuyệt vời. Khi mười ba tuổi, cậu đã là người lãnh đạo phong trào thanh niên phi bạo động có tổ chức của Gandhi, một tổ chức thu hút hàng nghìn thanh niên. Sau nhiều năm sát cánh bên Gandhi, có lúc bị chính quyền bỏ tù hàng tháng liền do chủ trương đấu tranh kêu gọi bất phục tùng và bất hợp tác trong dân chúng, Ramkrishna trở thành một nhà lãnh đạo được kính trọng, và về sau là người đứng đầu đế chế công nghiệp – tài chính mà cha ông đã gây dựng. Tập đoàn Bajaj, hay Gia đình Bajaj như cách gọi của người Ấn Độ, là một trong những công ty lớn nhất nước. Với tư cách là người lãnh đạo mới, Ramkrishna đã chứng tỏ khả năng làm việc cực kỳ hiệu quả và sự hào phóng phi thường. Ông đã lập nhiều quỹ hỗ trợ hàng nghìn dự án vì lợi ích cộng đồng.

Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được Ramkrishna Bajaj làm hướng dẫn viên và cố vấn trong suốt những chuyến đi đầu tiên đến Ấn Độ. Hiền hậu như một người cha, ông dạy tôi hiểu đất nước của những thái cực đối ngược; giữa vẻ đẹp tuyệt vời và giá trị tinh thần tinh tế, với sự nghèo khó khốn khổ và đè nén kinh hoàng.

Tôi vẫn còn nhớ khi tôi bước xuống máy bay ở Bombay, ập vào người tôi là một luồng không khí nóng và ẩm. Mùi của hàng nghìn con người chen chúc trong một diện tích hẹp dưới cái nóng ấy quả là quá sức chịu đựng, ít nhất là đối với phần lớn những người phương Tây lần đầu tiên tiếp xúc với đất nước này. Hồi đó, hàng nghìn người, gồm cả những người ăn xin và những đối tượng khác, sống ở sân bay và bên lề những con đường dẫn đến sân bay, trên các con phố ở Bombay, trên vỉa hè, trước các ngưỡng cửa và gầm cầu thang – hầu như tất cả mọi nơi. Họ tận dụng bất cứ chỗ trống nào để đặt những chiếc nồi nhỏ dùng để nấu món bánh chapatis, ngồi xổm vây quanh chiếc vỏ hộp dùng để nấu nướng. Có người ngủ ngay ngoài đường mà không có gì che chắn. Những người khác dựng chỗ trú ẩn bằng giấy, hộp bỏ đi, rác và dây dợ trên đường phố. Nhiều khi một gia đình sáu người hay đông hơn thế cùng chen chúc trong một chiếc lều tạm bợ như vậy.

Chúng tôi đi bộ qua sân bay. Ngay khi ra khỏi khu vực để hành lý, chúng tôi bị những người ăn mày bao vây. Họ kéo chúng tôi, xô đẩy nhau lại gần mong một hành động đáp lại. Tôi rất sửng sốt. Đến ngày thứ ba ở Ấn Độ, tôi gần như choáng váng. Việc công khai tuyên bố trên thế giới sẽ thanh toán nạn đói toàn cầu, và việc trực tiếp đối mặt với cái đói ở Ấn Độ là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Trước kia tôi đã không nhận ra tầm vóc của vấn đề. Giờ thì tôi đang đối diện với nó.

Vào ngày thứ ba đó, tôi đi bộ dọc những con phố ở Bombay với Ramkrishma, người đàn ông được tôn sùng là hiện thân của Gandhi, người đàn ông nổi tiếng là một nhà tư bản công nghiệp lớn, một mạnh thường quân, một nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại, một người cha lớn, một tâm hồn lớn. Khi chúng tôi đi bộ qua các con phố ở Bombay, tôi chứng kiến những người nhận ra ông qùy sụp xuống và hôn chân ông. Tôi cũng chứng kiến ông lờ những kẻ ăn mày đó đi; như thể ông không hề nhìn thấy họ, như thể họ không hề ở đó. Ông bước qua họ, dường như không chút để tâm tới cảnh ngộ của họ.

Khi bạn đi bộ ở Bombay, nhất là ở một số khu vực của thành phố như nơi chúng tôi đang đi, bạn đúng là phải bước qua những người đang sống trên hè phố. Họ tiến đến, chìa đôi tay tật nguyền xin bố thí, hoặc có thể giơ những đứa con mù lòa ra trước mặt bạn, họ kéo áo bạn hoặc rên rỉ bên cạnh bạn. Đối với một người phương Tây như tôi, cảnh tượng đó thật choáng váng và đau đớn, nên tôi hoàn toàn ý thức được họ. Tôi không thể nhận biết hay nghĩ đến điều gì khác. Nhưng Ramkrishna không hề phản ứng gì.

Họ cũng không xáp đến chỗ ông như cách họ tiến đến tôi. Dường như đã có một thỏa thuận bất thành văn hay một tấm lá chắn bao quanh ông. Ông bước qua đám người đó mà không chạm vào họ, cũng không bình luận gì. Và tôi bàng hoàng khi thấy người đàn ông vĩ đại ấy, con người đầy lòng trắc ẩn như vậy, có thể vờ như không thấy họ. Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra mặt sáng và mặt tối của Ấn Độ, đồng thời cả mặt sáng và mặt tối trong chính con người vĩ đại đó, rằng để có thể tiến lên, ông cần phải bỏ qua những người đó, không liên quan đến họ, thậm chí không thừa nhận sự có mặt của họ.

Cái đói và cái nghèo cùng cực còn nắm giữ những sự thật khác nữa, những điều bắt đầu đặt hành động của Ramkrishna với những người ăn mày dưới một góc nhìn khác. Một sự thật đáng buồn là ăn mày là một ngành kinh doanh ở Ấn Độ − những nước khác cũng có, nhưng Ấn Độ là một ví dụ tiêu biểu. Chúng ta khó có thể chấp nhận chuyện này, nhưng quả thật đó là một ngành kinh doanh được tổ chức chặt chẽ. Ở nhiều nơi, có những ông chủ theo kiểu mafia khuyến khích mọi người biến con cái họ thành tật nguyền để chúng có thể ăn xin hiệu quả hơn. Hành động này đảm bảo chắc chắn rằng ăn xin không chỉ trở thành công việc suốt đời, mà đó còn là công việc truyền từ đời này sang đời khác.

Ở Ấn Độ ngày nay, hệ thống giai cấp trong xã hội đã lơi lỏng đi nhiều, nhưng vào năm 1983, nó vẫn còn ảnh hưởng mạnh. Nó khiến cuộc sống như một hệ thống khép kín, trong đó một khi bạn là ăn mày, bạn không thể nào thoát khỏi kiếp ăn mày. Nhìn cuộc sống dưới góc độ đó, bạn có thể cầu xin được đầu thai thành một người Bà-la-môn được xã hội trọng vọng, hoặc bất kỳ ai khác ở kiếp sau, nhưng trong kiếp này, bạn, con cái bạn, và con của con cái bạn sẽ tiếp tục làm ăn mày. Biết thế rồi, bạn sẽ muốn làm công việc ăn xin của mình sao cho hiệu quả nhất.

Thành công trong nghề ăn xin phụ thuộc vào việc làm người khác thấy mủi lòng, thương hại hoặc tội lỗi để họ cho tiền, do đó, những kẻ cầm đầu và các ông chủ sẽ dạy những người ăn xin cách làm con cái họ trông đáng thương hơn. Dưới sức ép này, đôi khi bố mẹ của những đứa trẻ cào rách mặt con mình, thậm chí chặt tay hay chân chúng. Họ làm con em mình thành tàn tật để tăng khả năng gây xúc động và đồng thời tăng tiềm năng kiếm tiền trong nghề ăn mày.

Ở đất nước mình, tôi đã nhiều lần chứng kiến người ta làm tổn thương nhau vì tiền: trong các vụ ly hôn, kiện cáo, khi bóc lột lẫn nhau hay bóc lột thiên nhiên. Thật dễ dàng để phê phán những lựa chọn sai lầm vì tiền ấy. Giờ tôi còn nhận ra trước đó tôi đã luôn mặc nhiên cho rằng những người nghèo, những người không có tiền để tranh giành với nhau, có lẽ không nằm trong vòng xoáy ấy. Tuy nhiên, ở Ấn Độ, tôi đã chứng kiến những lựa chọn độc ác và tự hủy hoại bản thân mà những người nghèo cũng làm vì tiền.

Trong ngành ăn mày có tính tổ chức cao này, những người khởi xướng, những người tham gia và những người duy trì trò bất lương bệnh hoạn ấy, dù không nói ra, đều là đồng lõa. Những người cho tiền vì sửng sốt hoặc thấy tội lỗi đang xoa dịu tội lỗi của mình, và khi ấy, họ cũng thành kẻ tiếp tay, vô tình cổ vũ ngành kinh doanh tàn bạo ấy. Nạn nhân bi kịch thật sự là những đứa trẻ. Nhu cầu của những người ăn xin là nhức nhối và có thật, nhưng số tiền kiếm được không thể nào phá vỡ được vòng nghèo khó luẩn quẩn. Thực tế, tiền chỉ tiếp sức cho ngành kinh doanh quái ác gây ra đau đớn và hy sinh cho thêm nhiều đứa trẻ nữa.

Những ngày tiếp đó mang đến cho tôi hết bài học này đến bài học khác, hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khiến rất nhiều quan điểm về tiền vẫn in hằn trong đầu tôi, những điều tôi vẫn mặc nhiên thừa nhận hay nghĩ rằng mình hiểu rõ đều bị đảo lộn hoàn toàn. Những tương phản hoàn toàn mới xuất hiện trước mắt tôi, về những người chúng ta gọi là nghèo và những người chúng ta gọi là giàu. Tôi có thể thấy rằng quan điểm, niềm tin của mình về người giàu và người nghèo, thiếu thốn và xa hoa chỉ làm mờ nhạt chứ không hề soi sáng vấn đề.

Đây là vở kịch và nhà hát của những người ăn mày, một thủ đoạn mà những người ăn mày đói khát dùng để diễn những trò gây xúc động, xấu hổ và tội lỗi. Tôi cũng đã bị cuốn vào đó. Tôi không có ý rằng họ không cần tiền để mua đồ ăn hay chữa lành những vết thương, nhưng trong việc xin tiền và cho tiền, rõ ràng ẩn chứa một mặt tối tăm và giả dối.

Ramkrishna, người đàn ông vĩ đại luôn nỗ lực dùng công việc và của cải của mình để phá vỡ vòng nghèo khó đang bủa vây đất nước ông, đã thản nhiên bước qua không nói một lời về những người lê la trên mặt đất ngay trước mắt ông. Công ty của Ramkrishna tạo việc làm cho hàng chục nghìn người. Ông ở trên nấc cao nhất của chiếc thang địa vị xã hội Ấn Độ, nắm giữ cả công việc kinh doanh và vai trò xã hội của mình với trách nhiệm và lòng bác ái phi thường. Chính ông là một mạnh thường quân vĩ đại mà những giúp đỡ và sự hào phóng của ông đã trở thành huyền thoại. Tôi cũng nhận ra rằng để duy trì được tầm nhìn, mục đích và vị trí trong xã hội đó, ông buộc phải tạo ra cho mình một sự thờ ơ nhất định khi ngày ngày đối diện với cái nghèo khắc khoải trên đường. Và ông đã làm vậy.

Chúng ta cũng vậy. Trước tiền bạc, tất cả chúng ta đều phần nào cố gắng mắt nhắm mắt mở. Có lẽ chính bởi sợ hãi và lo lắng rằng nếu biết trước hậu quả của việc chúng ta làm để kiếm tiền, hay của những lựa chọn khi ta chi tiêu, chúng ta sẽ phải đảo lộn toàn bộ cuộc sống của mình. Chẳng hạn, nếu chúng ta thật sự để ý đến vấn đề lao động trẻ em, hoạt động giúp chúng ta hàng ngày được sử dụng những sản phẩm giá rẻ từ nước ngoài, chúng ta sẽ choáng váng và không thể tiếp tục. Nếu chúng ta công nhận cái giá thực về môi trường mà ta trả cho nguồn năng lượng dường như vô tận phục vụ cuộc sống dễ chịu của mình, chúng ta sẽ phải thay đổi thế nào? Nếu chúng ta thật sự xét đến hậu quả của bất cứ ngành nào thuê ta làm hoặc thỏa mãn những điều ta muốn và cần, sự thật là có thể ta sẽ buộc phải dừng lại trong cuộc sống. Và nếu thật sự nhìn lại niềm tin và giả định của mình về người khác trong vấn đề tiền bạc, có thể chúng ta sẽ phải mở rộng bản thân, trái tim và tâm hồn cho những người mà trước đó ta đã khép mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.