Linh Hồn Của Tiền

HÀN GẮN MỘT GIA ĐÌNH: LỰA CHỌN CAN ĐẢM CỦA BARBARA



Rất nhiều lần tôi đã chứng kiến mọi người trao tiền đi, đồng thời giải phóng bản thân khỏi chiếc bẫy của sự tích lũy và ham muốn, mở ra cánh cửa mới để trải nghiệm cuộc sống: sự cống hiến. Barbara là một người phụ nữ gần 70 tuổi, thế hệ thừa kế thứ năm của một gia đình dòng dõi tại New England. Những của cải ấy đã tác động đến gia đình bà nhiều đến nỗi không ai trong hay ngoài gia đình có cảm giác gì về gia đình ngoài đống của cải của nó. Đã từ rất lâu, họ sống trong sự mẫu mực khiêm nhường của một gia đình “danh giá”, không giống cuộc sống hào nhoáng phô trương như những tiêu chuẩn hiện nay về sự giàu có. Các thành viên trong gia đình tồn tại để phục vụ số của cải họ có, bảo vệ nó, đại diện cho nó, và sử dụng nó để nâng cao địa vị nổi bật và không có vết nhơ của gia đình trong con mắt mọi người. Khi lựa chọn quần áo, trường học, bạn bè, và thậm chí cả chuyện hôn nhân, họ đều phải chiều theo của cải gia đình và những thành viên làm chủ nó. Giá trị của mỗi thành viên trong gia đình được định đoạt dựa vào vị trí của họ trên bậc thang quyền lực, uy thế, và quyền kiểm soát khối tài sản của gia đình.

Đối với Barbara và hai người chị của bà, số tài sản thừa kế này đã trở thành một lời nguyền, làm nảy sinh tật nghiện rượu trong gia đình, khiến cả một thế hệ mất khả năng trở thành những bậc cha mẹ có trách nhiệm, cho ra đời cả một thế hệ những đứa trẻ giàu có và lệch lạc.

Khi tôi gặp Barbara vào đầu những năm 1990, bà đang quyết tâm cai rượu, đồng thời cố gắng giúp ba người con lớn đối mặt với chứng nghiện và những vấn đề khác của chúng. Dưới sức ép của gia đình phải giữ chặt lấy số của cải, và không được hoang phí, Barbara và họ hàng của bà hầu như không cho đi đồng tiền nào. Thay vào đó, tiền được dùng để đối phó với những cơn khủng hoảng liên miên xảy ra phía sau vẻ ngoài danh giá. Những thảm họa cá nhân và tài chính thường xuyên xảy đến với rất nhiều người họ hàng của bà và những đứa con lớn của chính bà. Bà chứng kiến tiền của gia đình bị tiêu phí và cạn kệt vào những thứ khiến bà đau đớn, rút kiệt không chỉ của cải mà cả tinh thần của bà.

Lần đầu chúng tôi nói chuyện với nhau là khi Barbara quan tâm đến việc ủng hộ tiền cho Dự án Xóa đói. Trong cuộc trò chuyện, bà nói về khao khát mang đến ý nghĩa cho cuộc sống và hy vọng rằng tiền bạc của bà sẽ trở nên
ý nghĩa hơn đối với thế giới. Bà ẩn danh trong lần ủng hộ đầu tiên, biết rằng gia đình sẽ nổi giận bởi họ luôn coi số tiền đó là “của họ”. Tuy nhiên, khi quyết tâm và lòng hào phóng lớn lên, bà mạnh dạn thông báo cho các thành viên gia đình về hoạt động và những khoản tiền ủng hộ của mình. Đúng như bà đã hình dung, họ rất tức giận – nhưng chỉ là lúc đầu. Sau đó, bà đã chủ động lôi kéo họ trực tiếp tham gia, mời họ làm đối tác với những người không quá khác họ nhưng đang phải chật vật để tự chu cấp trong những hoàn cảnh khó khăn.

Dần dần từng người một, con cái bà và những thành viên khác trong gia đình cũng rời bỏ cuộc sống ích kỷ, đến với thế giới rộng lớn hơn của những trải nghiệm được tạo dựng từ sự hợp tác chân thành. Khi hợp tác không hề vụ lợi với người khác, khi trở thành những đối tác hữu ích, hiệu quả, đầy năng lực để tạo ra sự khác biệt, họ bắt đầu nhận thức về mình khác đi. Biến chuyển trong cuộc sống cá nhân và tình hình của gia đình thật đáng ngạc nhiên. Barbara đã thay đổi thành công năng lượng và dòng chảy của tiền. Bà đã đầu tư tiền với thiện ý hàn gắn và xây dựng một gia đình lành mạnh – gia đình của chính bà và của những người khác. Tiền đã đưa nguồn năng lượng đó và sức mạnh hàn gắn đó vào một chu trình tuần hoàn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.