Linh Hồn Của Tiền

NẮM GIỮ CUỘC ĐỜI CHÚNG TA CÙNG VỚI TIỀN BẠC: LẮNG NGHE SỰ VĨ ĐẠI, NÓI LÊN SỰ THẬT



Trừ khi ngủ, tôi dành phần lớn thời gian của mình cho những câu chuyện liên quan đến tiền bạc. Mặc dù, các dự án và các nguồn ngân sách thường có quy mô toàn cầu, phần lớn những câu chuyện đó là tấm gương phản chiếu những câu chuyện thảo luận thường gặp hàng ngày xoay quanh vấn đề tiền bạc – vấn đề về hậu cần – cân nhắc xem bao nhiêu tiền là đủ để thực hiện một công việc, sẽ huy động nó từ đâu, ai sẽ quản lý nó, và nó sẽ được sử dụng như thế nào để hoàn thành công việc đặt ra. Tuy có vẻ giống những công việc thường ngày tẻ nhạt, những câu hỏi và câu chuyện này dẫn dắt chúng ta đến một sự thật, một điều hư cấu ẩn sâu nhất, một sự lừa dối che đậy khéo léo nhất mà chúng ta thường kể về tiền bạc và mối quan hệ của chúng ta với tiền.

Trong suốt đợt thị trường chứng khoán trầm lắng vào năm 2003, một số những quỹ hỗ trợ tầm cỡ hàng đầu nước Mỹ bắt đầu giảm hỗ trợ của mình đối với các cơ quan và tổ chức thực hiện các công việc quan trọng trong các chương trình hỗ trợ các gia đình và trẻ em, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng, giáo dục và an ninh công cộng. Đặc biệt, vào một tuần nọ, phòng khách của tôi đã trở nên không khác gì một nơi công cộng khi các nhân viên gây quỹ cũng như nhân viên của các tổ chức phát triển xã hội của hết cơ quan này đến cơ quan khác – tất cả đều có uy tín và một hệ thống quản lý tốt – ra ra vào vào, để thông báo về các sự cố tồi tệ mà các quỹ của họ đột ngột gặp phải.

Trong cộng đồng hoạt động từ thiện, dễ hiểu là các quỹ tài trợ đều rất lo lắng về tình kinh tế và sự sụt giảm lợi tức từ các danh mục đầu tư của mình. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, các quỹ đều có tiềm lực tài chính rất mạnh, nắm trong tay hàng triệu, thậm chí là hàng trăm triệu đô-la và có khi còn nhiều hơn thế, đó là điều kiện để duy trì một nền tảng vững chắc cho các hoạt động và các khoản hỗ trợ. Họ đã cắt bớt lượng tiền tài trợ như là một bước phòng bị sớm về mặt tài chính. Những khoản cắt giảm này có tác động tai hại đến các tổ chức phi lợi nhuận và đến khả năng duy trì các hoạt động ở tại địa phương cũng như trên toàn thế giới.

Trong những tháng tiếp theo, các tổ chức phải chật vật lái câu chuyện của họ theo hướng làm thế nào để có thể làm được nhiều việc hơn chỉ với ít tiền bỏ ra hơn. Cùng lúc đó, một số quỹ bắt đầu đánh giá thận trọng các mối ưu tiên – một hệ quả của việc cắt giảm. Liệu có phải mục đích tối cao của họ là những khoản lợi nhuận đầy tham vọng, ngay cả khi những mục tiêu đó đòi hỏi phải cắt giảm các khoản hỗ trợ cho các hoạt động quan trọng? Hay trong hoàn cảnh như thế này, liệu có phù hợp hơn không khi các quỹ tiếp tục tài trợ cho các hoạt động đại diện cho những sứ mạng từ thiện đã được họ tuyên bố từ trước đó, khi họ thu xếp các vấn đề chi tiêu tài chính và mục tiêu tương lai trong nội bộ tổ chức có trách nhiệm để tôn trọng cam kết đó? Những câu chuyện này lại dẫn đến những vấn đề khác về bản chất của các khoản đầu tư của họ, và liệu danh mục đầu tư của họ có phải là yếu tố thể hiện chân thực các giá trị của quỹ tài trợ của họ hay không? Liệu có phù hợp không khi đầu tư và thu lợi từ ngành công nghiệp thuốc lá khi sứ mạng của quỹ tài trợ đó là bảo vệ sức khoẻ cộng đồng?

Quá trình bàn luận về những vấn đề này đối với cả hai phía, là một cơ hội để tự nhìn nhận lại bản thân, một sự mời gọi trở nên thành khẩn và rành mạch về các động cơ, mục đích, ưu tiên và cả cam kết. Đó là một lời kêu gọi loại bỏ câu chuyện về sự thiếu thốn cũng như các hành vi phòng ngừa bị động mà nó đòi hỏi, và thay vào đó là chuyển sang câu chuyện về sự đầy đủ, vẫn luôn có đủ và thế là đủ để chúng ta vượt qua thử thách.

Câu chuyện về sự đầy đủ mở rộng câu chuyện về tiền bạc và ngay cả những phẩm chất của tâm hồn cũng có thể nhập cuộc. Chúng tôi đã không chỉ định lắng nghe lẫn nhau, mà còn cả sự vĩ đại của nhau – sự vĩ đại đi kèm với tiền bạc. Chúng ta có thể quan sát chính mình và lắng nghe cách mà chúng ta tiến hành đối thoại và đưa ra các quyết định về tiền bạc. Chúng ta có thể tự hỏi lòng mình rằng mình muốn trở thành người như thế nào trong thời khắc ấy, với số tiền mình đang có; rằng chúng ta cần trở thành người như thế nào để có thể làm được nhiều điều có ích cho nhiều người nhất.

Câu chuyện về sự đầy đủ đã luôn nằm trong tâm điểm của mọi câu chuyện thành công mà tôi đã từng chứng kiến, cho dù nó diễn ra ở một ngôi làng còn gặp vô vàn khó khăn của Senegal, hoặc trong cuộc đấu tranh hay những lựa chọn của những người ở gần chúng ta hơn. Khi Bảy Người Vĩ đại kêu gọi chuyển hướng câu chuyện trong ngôi làng của họ – cam chịu thất bại hay bỏ làng ra đi – sang các ý tưởng sáng tạo để cải thiện cuộc sống ở mảnh đất nơi đây, thứ đầu tiên nảy nở ra đó là một cảm hứng về khả năng và năng lực con người. Từ đó mới phát sinh ra những chiến lược, những hành động quyết đoán, và cuối cùng là sự thành công. Những người khác, những người vượt lên được khỏi các cuộc ly dị, hay các thất bại trên phương diện cá nhân cũng như tiền bạc, những người vẫn tiếp tục chiến đấu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, thường nói với tôi rằng bước ngoặt của họ xuất hiện ngay vào lúc họ có thể chuyển hướng sự tập trung và câu chuyện của mình khỏi sự đau đớn, mất mát vào khoảnh khắc đó, và bắt đầu tập trung các nguồn lực nội tại của họ, xem xét nghiêm túc về các vận hội mới.

Trong cuốn Ethics for the New Millennium (Đạo đức cho Thiên niên kỷ mới) của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chia sẻ cho chúng ta về sự thông tuệ của nhà hiền triết Ấn Độ Shantiveda, người đã từng quan sát thấy rằng “chúng ta không có hy vọng tìm được đủ da thuộc để phủ lên toàn bộ mặt đất nhằm bảo vệ bàn chân chúng ta khỏi những cái gai, và trên thực tế là chúng ta không cần làm vậy. Có da thuộc để che hết lòng bàn chân của chúng ta là đủ.”

Chúng ta không thể luôn luôn thay đổi mọi hoàn cảnh xung quanh mình, nhưng chúng ta có thể lựa chọn câu chuyện mà chúng ta nói đến. Trong một thế giới đầy những gai nhọn, một nền văn hóa mà mọi câu chuyện đều bị choáng ngợp bởi những điều chưa có đủ, càng nhiều càng tốt, và tự nhiên nó phải thế, chúng ta không có lựa chọn nào khác là phải bước đi trên thế giới đó, nhưng chúng ta có thể bọc đôi bàn chân mình lại bằng những tấm da. Không hề phù nhận hay cố tình lờ đi những thứ đang thật sự có vấn đề, chúng ta vẫn có thể chuyển sự tập trung của mình vào những khía cạnh của cuộc sống mà ở đó chúng ta phát triển và thịnh vượng, và biến câu chuyện đó thành bối cảnh cho chuyến du hành của chúng ta. Chúng ta có thể lựa chọn từ ngữ của mình và tạo ra những “câu châm ngôn về cuộc sống” mới mẻ, có tác dụng điều chỉnh mối quan hệ với tiền bạc của chúng ta.

Điều thử thách đối với tôi khi khám phá ra đó là sự thiếu thốn những “câu châm ngôn về cuộc sống” khi nói đến vấn đề tiền bạc, sự thiếu thốn các cấu trúc và cụm từ ăn sâu vào trong niềm tin của tôi và đã được tôi chấp nhận trong nhiều năm trời không hề biết đến, chúng tác động lên cuộc sống của tôi với tiền bạc. Đối mặt với chúng, đánh giá lại giá trị của chúng, và viết lại chúng cho chân thực hơn là một bước đi hiệu quả, tuy không phải lúc nào cũng dễ dàng, và thường gợi mở ra những thay đổi sâu sắc.

Tiền bạc là nguyên nhân sâu xa của mọi vấn đề liên quan đến bình đẳng giới ở bất kỳ nơi đâu bạn để mắt tới. Tôi được sinh ra ở một thời kỳ và trong một gia đình mà mọi người đều cho rằng chỉ đàn ông mới có quyền đi kiếm tiền, còn phụ nữ thì không. Vào những năm 1950, một người phụ nữ thành đạt là một điều hiếm thấy, và mặc dù điều này đã trở nên phổ biến hơn trong xã hội ngày nay, đối với những người thuộc thế hệ của tôi thì đó vẫn là những trường hợp ngoại lệ và chúng tôi vẫn thấy đôi chút bất ngờ.

Những người phụ nữ trẻ hiện nay có một quan điểm được rút ra từ kinh nghiệm của chính bản thân họ về khả năng kiếm tiền của những người bạn cùng trang lứa, hay những người phụ nữ mà họ biết hoặc thấy xung quanh mình. Họ không hề thấy lạ lẫm trước việc kiếm và quản lý tiền bạc, nhưng nền văn hóa của chúng ta vẫn đặt ra những tiêu chuẩn khác nhau trong câu chuyện về tiền bạc trong cuộc sống của nam giới và của nữ giới. Một cách âm thầm hay lộ liễu, câu hỏi nảy sinh ra là: Người phụ nữ đã phải đánh đổi những thứ gì – cuộc sống hôn nhân, gia đình, con cái, trách nhiệm nuôi dạy con cái, hay những phẩm hạnh cơ bản nhất – để trở nên thành đạt về mặt tài chính? Những câu hỏi này có thể dành cho bất kỳ ai đối với những quyết định liên quan đến tiền bạc của họ, nhưng phụ nữ thương bị để ý về chuyện này hơn là đàn ông, những người thường tô vẽ cho mối quan hệ của mình với tiền bạc, và với những người đàn ông khác về vấn đề tiền bạc, trong một lớp vỏ bọc hào nhoáng. Hậu quả được thể hiện ra trong các chi tiết của những cuộc chuyện trò hàng ngày.

Trong chính cuộc sống của tôi, có một vấn đề thực tế là tôi hoàn toàn trông cậy vào chồng trong việc kiếm tiền và quyết định chi tiêu trong gia đình, còn mình thì cố gắng không dây dưa gì đến nó. Vấn đề mà sự phân công này đem đến không phải là ở tài xoay sở về mặt tiền bạc của chồng tôi, mà là những lý do mà tôi đưa ra để cố gắng tránh phải đối mặt với vấn đề tiền bạc hay với chồng tôi trong các vấn đề liên quan tới tiền bạc. Tôi có thể cố lý giải rằng anh ấy giỏi khoản này hơn tôi, hoặc đó là cách phân công việc nhà của chúng tôi, nhưng nếu tôi thật sự thành thực về việc đó, tôi biết rằng còn có những vấn đề tình cảm trong cách phân công trách nhiệm này mà còn chưa được nói ra và cân nhắc tới.

Khoản đóng góp tiền bạc đầu tiên mà tôi từng mang lại, đã đến với tôi từ một dịp hết sức bất ngờ. Đó là vào lúc Bill vẫn đang kiếm tiền cho gia đình, và chúng tôi vẫn sống thật đầy đủ, thoải mái. Lúc đó, tôi chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc gây quỹ, nhưng đã trở thành một điều phối viên cho một buổi họp nho nhỏ để lên chiến lược gây quỹ cho Dự án Xóa đói. Chúng tôi đã mời khoảng 40 người, và một doanh nhân đáng kính tên Leonard chủ trì cuộc họp. Sau khi chúng tôi giải quyết các vấn đề liên quan đến chiến lược gây quỹ, tôi biết đã đến lúc kêu gọi những người tham dự đóng góp tiền bạc, và tôi đã ra hiệu cho Leonard. Tôi đã rất ngạc nhiên khi ông ấy bảo tôi ngồi xuống và nhập vào nhóm khách mời.

Leonard bắt đầu phát ra những thư mời quyên góp. Tôi đã nghĩ đến công thiết kế những lá thư đó của mình – đến việc chúng trông vô cùng bắt mắt thế nào – không hề có một lỗi chính tả nào hết! Và sau đó túi bút chì được chuyền quanh cho mọi người, và đó chính là những cây bút chì do chính tay tôi gọt, có đủ cho tất cả mọi người – mọi việc diễn ra trôi chảy, và tôi đã cảm thấy rất tuyệt vời! Sau đó chính Leonard đã đưa cho tôi một lá thư mời, và tôi đã sững sờ một chút. Dù sao thì lúc đó tôi cũng vẫn chỉ là một bà mẹ trẻ và có một cơ hội tuyệt vời được làm việc cho Dự án Xóa đói, nhưng tiền công tôi nhận được thì chả đáng là bao, và bởi vậy tôi cũng không nghĩ là mình có một đồng nào cả.

Ở nhà, tôi có một khoản trợ cấp nhỏ dành cho việc mua sắm thực phẩm và các vật dụng gia đình, chăm sóc con cái, nhưng về cơ bản thì phần tiền dành cho chi tiêu cá nhân của tôi trong ngân sách của cả gia đình khá là ít ỏi, và tôi đã cảm thấy khó lòng mà cam kết quyên góp chỉ với số tiền đó. Đó là tiền của cả gia đình – không chỉ của riêng tôi – và tôi chẳng hề cảm thấy dễ dàng khi phải mang số tiền đó ra cam kết. Nhưng theo trái tim mách bảo, tôi đã cam kết quyên góp 2.000 đô-la, và tôi đã viết số tiền đó xuống lá thư, khi đó tôi thấy tràn ngập cảm xúc – phải, mặc dù là nó sẽ rất khó khăn, nhưng nó cũng là một lời tuyên bố thực thụ của tôi đối với cam kết của mình, và tôi sẽ chỉ phải sắp xếp lại một số việc chi tiêu trong gia đình và các khoản khác để làm được điều đó. Vì thế tôi đã chợt cảm thấy một niềm phấn khởi và sức mạnh dâng trào khi đặt bút ký vào bức thư mời với cam kết sẽ quyên góp 2.000 đô-la. Đó là bước đầu tiên tôi bắt đầu thể hiện tư thế của mình với tiền bạc trên vai trò cá nhân nhất. Tôi biết là chúng tôi sẽ tìm ra cách để thực hiện cam kết đó.

Tôi lên xe để đi về nhà và gần như là đã không thể hòa vào dòng xe khi chợt rơi vào một cơn hoảng sợ tột độ. Tôi đã làm cái gì vậy? Tôi không biết phải làm thế nào để có được số tiền đó cả. Và tôi sẽ nói thế nào với chồng mình đây? Tôi cảm thấy mình đã đi quá giới hạn. Làm sao tôi có thể bào chữa được cho việc cam kết quyên góp số tiền đó mà không bàn qua trước với anh ấy? Tôi nhận thấy rõ ràng sự bất lực của mình – giống như một sự khiêm nhường kiểu trẻ con trước mặt người chủ gia đình – và cả sự lo lắng, bất an xung quanh vấn đề tiền bạc này, và làm sao để tôi có thể thanh minh với chồng mình, và anh ấy sẽ xử sự như thế nào. Cuối cùng thì hóa ra Bill lại rất ủng hộ công việc gây quỹ của tôi và một cam kết chắc chắn hơn về các nguồn lực của gia đình. Nhưng trước khi tôi biết được điều đó thì thật sự tôi đã rất lo lắng.

Sự việc này tưởng chừng rất vụn vặt, nhưng câu chuyện xoay quanh tiền bạc của cả hai chúng tôi lúc đó đã tràn ngập những châm ngôn về cuộc sống, tôi thì thể hiện một truyền thống là không muốn dính dáng gì và một thái độ phụ thuộc, trong khi Bill thì thể hiện một quan điểm truyền thống của sự quản lý và kiểm soát. Chức năng và sức mạnh đối với tiền bạc của đàn ông và phụ nữ ở mọi nơi, trên cả thế giới đều diễn ra như vậy, như một quan niệm mặc nhiên được thừa nhận, như một điều gì đó mà chúng ta ngại khuấy động đến vì lo sợ hậu quả.

Trên khắp thế giới, phụ nữ đảm đương những công việc khổng lồ: chăm sóc con cái, nấu ăn, nuôi dưỡng cả gia đình, trông coi nhà cửa, bên cạnh việc theo đuổi những sự nghiệp vất vả và đòi hỏi hy sinh nhiều thứ. Đặc biệt là ở những nước kém phát triển hơn, những đóng góp của người phụ nữ là không thể đong đếm được, họ làm những công việc không được thừa nhận, không được trả công bằng tiền bạc, và thậm chí còn không bao giờ được coi là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế. Chỉ tính riêng khu vực châu Phi cận Sahara, 85% nông dân sản xuất ra lương thực là phụ nữ, nhưng công việc của họ thì không được thừa nhận. Chúng không được quy ra giá trị tiền bạc.

Ở các nước phát triển hơn, sự bất bình đẳng giới tính trong công sở xoay quanh vấn đề tiền bạc nổi lên rõ nét và đáng kinh ngạc. Tương tự, trong các vụ dàn xếp ly hôn, thái độ đối với các công việc truyền thống của người phụ nữ, như chăm sóc dạy dỗ con cái, và câu hỏi tại sao họ lại chỉ được trả công vô cùng ít ỏi, bất chấp vai trò thiết yếu của họ trong nền văn hóa của chúng ta, tất cả đều thể hiện một sự bất bình đẳng rõ nét. Nó được thể hiện ra trên quy mô to lớn, rõ nét nhất ở chỗ trong khi các tổ chức hoạt động vì phúc lợi cộng đồng thì luôn bị thiếu hụt nguồn đầu tư, trong khi các hoạt động công nghiệp và quân sự lại được đầu tư không tiếc tiền.

Những bất cập về vấn đề bình đẳng giới cũng như tiền bạc tồn tại ở quy mô rất lớn trên toàn thế giới, nhưng chúng bắt nguồn ngay tại chính những căn nhà, những gia đình của chúng ta, trong chính trái tim của chúng ta, nơi mà sự bất lực chi phối mọi cảm xúc về tiền bạc của chúng ta. Chỉ cho đến khi những vấn đề sâu xa xung quanh tiền bạc được hòa giải – giữa một người phụ nữ và một người đàn ông, và giữa tất cả phụ nữ với tất cả đàn ông – thì tiền sẽ còn đôi lúc trở thành những điểm mù, hoặc những căn nguyên gây bất đồng trong mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc và với lẫn nhau, từ những mối quan hệ riêng tư thân mật nhất cho tới những mối quan hệ xã hội rộng rãi nhất, và cả các chính sách xã hội nữa.

Chúng ta đều có những câu châm ngôn về cuộc sống ăn sâu vào niềm tin và thế giới quan của chúng ta. Ta hoàn toàn có thể viết chúng ra và thiết lập lại một cách có ý thức các phản ứng của mình, để chúng chứa đựng những cảm hứng chúng ta cần có nhằm củng cố vị trí của mình xung quanh vấn đề tiền bạc:

Tiền bạc giống như dòng nước. Chúng có thể là phương tiện thể hiện cam kết, cũng có thể là phương tiện truyền tải tình yêu thương.

Tiền bạc dịch chuyển hướng đến những quyết tâm cao cả nhất của chúng ta, bồi đắp cho thế giới của chúng ta và ngay chính chúng ta.

Những gì bạn nâng niu sẽ trở nên giá trị.

Khi bạn tạo nên một sự thay đổi với những gì mình có, nó sẽ phát triển mở rộng lên.

Hợp tác tạo nên thịnh vượng.

Sự sung túc thực thụ bắt nguồn từ sự đầy đủ; không bao giờ đến từ sự nhiều hơn.

Tiền bạc chứa đựng ý định của chúng ta. Nếu chúng ta sử dụng nó ngay thẳng, nó sẽ tiếp tục đưa sự ngay thẳng đi tiếp.
Hãy ý thức về dòng chảy của tiền bạc – hãy có trách nhiệm với dòng lưu chuyển tiền bạc của bạn trên thế giới.

Hãy để linh hồn điều khiển tiền bạc và hãy để tiền bạc thể hiện linh hồn của bạn.

Hãy tiếp cận những tài sản của mình – không chỉ là tiền bạc mà còn cả tính cách lẫn khả năng, các mối quan hệ và cả những nguồn lực phi tài chính khác của bạn.

Mỗi chúng ta đều có khả năng chuyển hướng, thay đổi và tạo ra những câu chuyện định hình nên thực trạng của bản thân. Chúng ta hoàn toàn nắm giữ chìa khóa và đường hướng của những câu chuyện này. Khi chúng ta nghe, nói và phản ứng dựa trên bối cảnh của sự đầy đủ, chúng ta sẽ tiếp cận được một sự tự do và sức mạnh hoàn toàn mới mẻ trong mối quan hệ của chúng ta đối với tiền bạc và cuộc sống.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.