Linh Hồn Của Tiền
NHỮNG NGỘ NHẬN NGUY HIỂM VỀ SỰ THIẾU THỐN
Những ngộ nhận và mê tín chỉ có thể tác động đến người nào tin tưởng nó, nhưng một khi đã đặt niềm tin, chúng ta sẽ bị yểm bùa tuyệt đối, và phải sống hoàn toàn trong thế giới tưởng tượng ấy. Thiếu thốn là một điều nói dối, nhưng từ đời này sang đời khác, nó đã được truyền lại như một sự thật hiển nhiên, với sức mạnh khó lòng cưỡng lại, đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối và loại trừ mọi nghi ngờ hay thắc mắc.
Khi làm việc với những người có hoàn cảnh kinh tế hay nguồn lực rất khác nhau, tôi nhận ra rằng có thể làm rõ hệ thống niềm tin và giả định này cùng quan điểm sống gắn với nó. Từ đó ta có thể lùi xa thêm một chút, giải phóng bản thân khỏi vòng kiềm tỏa của nó và mỗi cá nhân trong cuộc đời riêng sẽ tự tìm hiểu đó có phải là cách sống đúng đắn hay không. Khi soi chiếu vào những ám ảnh về sự thiếu thốn, chúng ta sẽ nhận ra ba ngộ nhận cơ bản đã điều khiển mối quan hệ của chúng ta với tiền, ngăn cản ta tiếp xúc với cuộc sống thành thật và trọn vẹn hơn.
Ngộ nhận nguy hiểm thứ nhất: Không có đủ
Ngộ nhận phổ biến nhất về sự thiếu thốn là không có đủ. Không có đủ cho tất cả mọi người. Không phải ai cũng thành công. Sẽ có người bị bỏ lại. Có quá nhiều người. Không có đủ thức ăn. Không có đủ nước. Không có đủ không khí. Không có đủ thời gian. Không có đủ tiền.
Không có đủ trở thành lý do khiến chúng ta hạ mình làm những việc mà bản thân ta không thấy tự hào. Không có đủ dẫn đến nỗi sợ hãi thôi thúc chúng ta cố gắng để đảm bảo rằng mình, và những người thân yêu sẽ không rơi vào khốn khó, bị gạt ra ngoài lề, hay bỏ lại phía sau.
Một khi chúng ta coi thế giới của mình là thiếu hụt, toàn bộ năng lượng sống của chúng ta, mọi thứ ta nghĩ, mọi điều ta nói và mọi việc ta làm – nhất là khi liên quan đến tiền – đều là những nỗ lực vượt qua cảm giác thiếu thốn này và nỗi sợ hãi thua người khác hay bị gạt ra ngoài. Nhiệm vụ đảm bảo cuộc sống cho mình và những người thân, tùy chúng ta coi đó là ai, trở thành một trách nhiệm vinh quang. Nếu không có đủ cho tất cả mọi người thì việc chăm sóc được bản thân và người thân, thậm chí khi điều đó ảnh hưởng đến người khác, dường như là điều đáng tiếc nhưng tất yếu, và phần nào hợp lý. Nó giống như trò chơi giành ghế của trẻ con. Khi số ghế ít hơn số người chơi, bạn phải chú ý để không thua cuộc và đảm bảo rằng sau cuộc giành giật, bạn có được một chiếc ghế. Chúng ta không muốn trở thành kẻ vô dụng đáng thương, do vậy ta tranh đấu để có được nhiều hơn những người khác, ta quyết tâm vượt lên trước phán quyết đang treo lơ lửng trên đầu, mặc dù phán quyết gì ta cũng chưa biết rõ.
Sự thiếu hụt và nỗi sợ hãi phản ánh trong cách ta sống, những hệ thống và thể chế ta lập nên để kiểm soát quyền tiếp cận với những tài nguyên ta cho là có giá trị hoặc hạn chế. Mỗi người đều là thành viên trong cộng đồng toàn cầu, nhưng đôi khi do lo sợ, chúng ta đặt những ham muốn vật chất cá nhân lên trên sức khỏe, sự an toàn và hạnh phúc của người khác và dân tộc khác, chẳng hạn khi cần dầu lửa của nước ngoài. Trong những cộng đồng nhỏ của mình, chúng ta đáp lại nỗi sợ không có đủ bằng cách tạo ra những hệ thống ưu ái bản thân ta hay loại trừ người khác tiếp cận với những tài nguyên cơ bản như nước sạch, trường học tốt, dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp, hay nhà ở an toàn. Và trong chính gia đình của mình, không có đủ thúc giục chúng ta mua nhiều hơn lượng ta cần, hay thậm chí cả lượng ta muốn, khiến ta coi trọng, ưu ái hay cầu cạnh người khác để được ưu ái trên cơ sở giá trị của họ đối với ta về mặt tiền bạc. Các phẩm chất của con người họ không có ý nghĩa gì.
Ngộ nhận nguy hiểm thứ hai: Càng nhiều càng tốt
Ngộ nhận tiếp theo là càng nhiều càng tốt. Chúng ta luôn cố gắng có được nhiều hơn lượng hiện có. Đó là một phản ứng hợp lý khi bạn sợ rằng không có đủ, nhưng chính suy nghĩ này đã thúc đẩy một thứ văn hóa cạnh tranh khốc liệt để tích lũy, thu thập, và thỏa mãn lòng tham. Những điều này lại khiến ta càng thêm lo sợ và tăng tốc cho cuộc chạy đua. Không gì trong số đó khiến cuộc sống trở nên đáng quý. Thực tế là, cuộc đua giành lấy phần nhiều hơn đẩy chúng ta xa rời cơ hội trải nghiệm giá trị sâu sắc hơn của những thứ ta kiếm được hoặc đã có từ trước. Khi ăn quá nhanh hoặc quá nhiều, chúng ta không thể thưởng thức mùi vị của món ăn. Khi liên tục tập trung vào thứ tiếp theo – bộ váy tiếp theo, chiếc xe tiếp theo, công việc tiếp theo, kỳ nghỉ tiếp theo, lần sửa nhà tiếp theo – chúng ta khó có thể trân trọng món quà của những thứ chúng ta có trong thì hiện tại. Trong mối quan hệ với tiền bạc, quan điểm càng nhiều càng tốt làm ta không thể sống lý trí và giàu có hơn chỉ bằng những thứ ta hiện có.
Càng nhiều càng tốt là một cuộc đua không có điểm kết thúc và không có người chiến thắng. Nó giống như vòng quay bánh xe mà chúng ta nhảy lên, chạy mải miết và quên mất cách dừng lại. Cuối cùng, cuộc đua trở thành thứ gây nghiện, và như với mọi chất gây nghiện khác, bạn gần như không thể nào dừng lại chừng nào còn nằm trong vòng kiểm soát của nó. Nhưng dù bạn đi xa đến đâu, hay nhanh đến đâu, hay vượt qua bao nhiêu người, bạn không thể nào thắng cuộc. Trong ám ảnh về sự thiếu thốn, ngay cả khi có quá nhiều vẫn là chưa đủ.
Một người kiếm được 40 nghìn đô-la một năm sẽ thấy rất khó hiểu khi một người kiếm được năm triệu đô-la một năm tranh cãi về mức trợ cấp thôi việc, và đòi ít nhất mười lăm triệu đô-la nữa. Một số người có đủ của cải để sống ba lần cuộc đời mình vẫn ngày đêm lo lắng về chuyện mất tiền trên thị trường chứng khoán, bị cướp, hay lừa đảo, hay không có đủ khi về già. Trong cuộc sống sung túc về vật chất của họ, bất cứ cảm giác viên mãn thật sự nào cũng dễ dàng bị những sợ hãi và căng thẳng tiền bạc lấn át. Tại sao những người kiếm được hàng triệu đô-la nghĩ rằng họ vẫn còn cần nhiều hơn thế? Họ nghĩ rằng họ cần thêm bởi đó chính là một ngộ nhận phổ biến. Chúng ta đều nghĩ vậy, cho nên họ cũng nghĩ thế. Ngay cả những người có rất nhiều cũng không thể rời đường đua. Dù hoàn cảnh kinh tế của ta ra sao, cuộc rượt đuổi để giành lấy nhiều hơn đòi hỏi sự chú ý, vắt kiệt năng lượng và hủy hoại dần cơ hội hoàn thiện của ta. Khi chúng ta tin rằng có nhiều hơn sẽ tốt hơn, chúng ta không bao giờ đến đích. Dù đang ở đâu ta vẫn không bao giờ có đủ bởi lúc nào có nhiều hơn cũng tốt hơn. Những người theo đuổi quan điểm này, dù ý thức hay vô thức, và ai trong chúng ta cũng có một phần trong đó, buộc phải sống cuộc đời dang dở. Họ đánh mất khả năng dừng lại. Do đó, trong nền văn hóa thiếu thốn này, ngay cả những người có rất nhiều cũng không thể dừng cuộc chơi.
Quan điểm càng nhiều càng tốt còn khiến chúng ta lạc lối sâu hơn nữa. Nó khiến ta định nghĩa bản thân qua thành công về tiền bạc và những thành tích bên ngoài. Chúng ta đánh giá người khác căn cứ vào việc họ có những gì và có nhiều chừng nào. Ta bỏ qua những món quà tâm hồn không đo đếm được mà họ mang đến cho cuộc sống. Tất cả những bài học tinh thần đều dạy chúng ta nhìn sâu vào bản thân để tìm thấy sự viên mãn ta hằng khao khát, nhưng cuộc đua không cho ta có thời gian và không gian tinh thần nhìn lại nội tâm mình. Khi lao vào cuộc đua tìm kiếm nhiều thêm, chúng ta bỏ qua sự hoàn thiện và đầy đủ có sẵn, đang chờ được khám phá trong bản thân. Khi cố gắng tăng giá trị tài sản của mình, ta dần xa cách cơ hội khám phá và đào sâu giá trị tự thân.
Niềm tin rằng chúng ta phải sở hữu, và phải sở hữu nhiều hơn người khác, công ty khác hoặc đất nước khác là nguyên nhân phía sau tình trạng bạo lực, chiến tranh, tham nhũng và bóc lột trên trái đất. Trong tình trạng thiếu thốn, chúng ta tin rằng mình phải có thêm, thêm dầu, thêm đất, thêm sức mạnh quân sự, thêm thị phần, thêm lợi nhuận, thêm cổ phiếu, thêm tài sản, thêm sức mạnh, thêm tiền. Khi nỗ lực giành lấy nhiều hơn, chúng ta thường theo đuổi mục đích của mình bằng mọi giá, ngay cả khi phải hủy diệt cả một hay nhiều nền văn hóa và dân tộc.
Liệu những đất nước khác có cần đồ ăn nhanh, công viên giải trí, thuốc lá Mỹ không, hay chính những công ty Mỹ đã khôn ngoan mở rộng thị trường ra phạm vi quốc tế nhằm tăng lợi nhuận bất chấp ảnh hưởng họ có thể gây ra cho nền văn hóa, nông nghiệp, kinh tế, sức khỏe của các cộng đồng sở tại, thậm chí ngay cả khi có những cuộc phản đối rộng rãi chống lại sự có mặt của họ?
Liệu chúng ta có cần, hay thật sự muốn những thứ phục sức cầu kỳ, máy móc cao cấp mà chúng ta mang về nhà sau các chuyến đi mua sắm không, hay đó chỉ là phút bốc đồng nhất thời đáp lại tiếng gọi của nền văn hóa tiêu dùng và sự cám dỗ đều đặn đầy tính toán của các quảng cáo thời trang, thực phẩm và sản phẩm tiêu dùng? Liệu đứa bé năm tuổi cần những gì để cảm thấy được yêu thương, ngoài vài món quà chọn lựa kỹ càng? Thật ra chúng ta đang phục vụ lợi ích của ai khi trao cho trẻ con nhiều hơn lượng chúng cần hay có thể trân trọng?
Khi ta mặc sức kiếm thêm không một chút lưỡng lự, nó đã tiếp sức duy trì một nền kinh tế, văn hóa và lối sống thiếu bền vững; đó chính là những thứ sẽ khiến ta phải thất vọng, khi chúng chặn đường chúng ta đến với những khía cạnh sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn của cuộc sống và của bản thân ta.
Ngộ nhận nguy hiểm thứ ba: Đó là lẽ tất nhiên
Ngộ nhận nguy hiểm thứ ba chính là suy nghĩ đó là lẽ tất nhiên, và không thể nào khác được. Không có đủ cho mọi người, có càng nhiều chắc chắn là càng tốt, và những người có nhiều hơn chẳng bao giờ là chúng ta. Cuộc chơi thật không công bằng, nhưng chúng ta vẫn cần tham gia, bởi đó là lẽ tất nhiên. Thế giới này thật tuyệt vọng, vô ích, bất công, và chúng ta không bao giờ có thể thoát khỏi vòng vây của cái bẫy đã sập xuống.
Đó là lẽ tất nhiên chỉ là một ngộ nhận, nhưng có lẽ ảnh hưởng của nó lại mạnh mẽ hơn cả, bởi vì bao giờ người ta cũng có thể viện dẫn các ví dụ chứng minh cho nó. Khi một điều gì đó đã tồn tại trong thời gian dài, và những truyền thống, giả định hoặc thói quen đã tạo ra lớp vỏ bọc khiến nó dị ứng với thay đổi, một điều có vẻ tất nhiên và logic đó là nó sẽ mãi giữ nguyên như nó lúc này. Chính tại vị trí đó và thời điểm đó, sự mù quáng, bị động, u mê, và bên dưới tất cả là sự cam chịu, ăn sâu vào cuộc sống chúng ta. Cam chịu khiến ta thấy tuyệt vọng, vô dụng và hoài nghi. Nó cũng khiến ta trở nên bàng quan, thậm chí cho đến phút cuối, khi thiếu thốn vật chất được viện làm lý do giải thích vì sao ta không thực hiện quyết tâm và cống hiến những thứ ta vốn có – thời gian, sức lực và sức sáng tạo – để thay đổi cuộc sống. Nó khiến ta ngừng chất vấn mình đã thỏa hiệp với bản thân hay bóc lột người khác đến mức nào để kiếm được tiền trong công việc, sự nghiệp, mối quan hệ cá nhân hay cơ hội kinh doanh.
Đó là lẽ tất nhiên biện hộ cho lòng tham, định kiến, sự trì trệ trong mối quan hệ của chúng ta với tiền và với phần còn lại của nhân loại. Trong nhiều thế hệ, nó bảo vệ nạn buôn bán nô lệ tại Mỹ thời kỳ đầu, giúp số đông được hưởng ưu đãi có thể xây dựng những trang trại, thành phố, dựng lên những tập đoàn kinh doanh và gây dựng tài sản gia đình. Rất nhiều trong số đó đến nay vẫn còn tồn tại. Trong nhiều thế hệ hơn thế, nó bảo vệ và củng cố nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, phân biệt đối xử trong kinh tế và xã hội có hệ thống và trắng trợn, chống lại những dân tộc hoặc nhóm tôn giáo thiểu số khác. Trong lịch sử và cả ngày nay, nó dung dưỡng việc kinh doanh gian dối và cho các nhà lãnh đạo chính trị quyền bóc lột người khác để thu lợi tiền bạc cho bản thân.
Trên phạm vi toàn cầu, điều ngộ nhận này giúp những người có nhiều tiền nhất nắm trong tay quyền lực tối cao, đồng thời thấy mình được khuyến khích, được quyền làm như vậy. Chẳng hạn, nước Mỹ chỉ chiếm 4% dân số thế giới nhưng thải ra 25% lượng ô nhiễm dẫn đến hiện tượng trái đất ấm lên. Theo Geo 2000, báo cáo môi trường của Liên hợp quốc năm 1999, việc một nhóm thiểu số giàu mạnh tiêu dùng quá mức trong khi số đông cư dân số thế giới tiếp tục chìm trong đói nghèo là hai nguyên nhân chính của hiện tượng thoái hóa môi trường. Trong khi đó, các nước đang phát triển học tập mô hình kinh tế của châu Âu đang đi theo vết xe đổ của các nước này khi đặt quyền lực quá mức trong tay thiểu số giàu có, tạo ra những thể chế và hệ thống xã hội ưu đãi họ, không thể giải quyết tận gốc những bất công cố hữu và những hậu quả đối với sức khỏe, giáo dục và sự an toàn của tất cả mọi người, ngay cả trong các xã hội dân chủ.
Chúng ta nói rằng ta rất buồn khi chứng kiến những bất công như thế trên thế giới, nhưng dường như vấn đề bắt rễ sâu xa đến nỗi không thể phá bỏ. Chúng ta lại nạp mình cho lý do điều đó là tất yếu, thừa nhận rằng chúng ta bất lực và không thể thay đổi điều gì. Cùng lúc đó, chúng ta đã chối bỏ chính tiềm năng con người của mình, và khả năng cống hiến cho một thế giới thịnh vượng, công bằng và lành mạnh.
Điều đó là tất yếu là một trong những thử thách khó khăn nhất khi ta muốn chuyển biến mối quan hệ với tiền bạc, bởi vì nếu không thể từ bỏ cuộc rượt đuổi, rũ bỏ cảm giác bất lực và hoài nghi do cuộc đua đó tạo ra, chúng ta lại đi vào ngõ cụt. Nếu bạn không sẵn sàng đối mặt, rất khó để loại bỏ cái cách suy nghĩ đã khiến ta bế tắc. Chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ quan điểm việc đó là điều tất yếu, dù chỉ trong một khoảnh khắc, để xem xét có cơ may nào nó không phải là điều tất yếu, hay tất yếu là nó không như vậy. Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn hành động thế nào và biến đổi hoàn cảnh ra sao.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.