Lời Tiên Tri Núi Andes

1. KHỐI LƯỢNG TỚI HẠN



Tôi lái xe đến nhà hàng ăn, cho xe vào bãi đỗ và ngồi một lúc trước tay lái để suy nghĩ. Tôi biết Charlene đang ở trong nhà hàng và nàng chờ tôi để bàn chuyện. Nhưng chuyện gì chứ? Từ sáu năm nay, tôi không được tin nàng. Vậy tại sao nàng lại xuất hiện vào lúc này?

Tôi xuống xe và đi về phía nhà hàng; phía sau tôi, những tia nắng cuối của buổi chiều tàn hắt màu hổ phách lên bãi đỗ xe còn ướt sũng nước mưa. Một tiếng đồng hồ trước đây, một cơn giông đã tắm gội mọi thứ, làm cho không khí trở nên trong trẻo và mát – hầu như không thật trong thứ ánh sáng đang tan biến này. Mảnh trăng non vừa xuất hiện.

Trong khi tôi rảo bước, những hình ảnh xa xưa của Charlene quay về trong ký ức tôi. Tôi thầm nghĩ, nàng có còn xinh đẹp như ngày ấy? Thời gian có làm nàng thay đổi? Và phải nghĩ sao đây về Bản Sách Cổ Chép Tay mà nàng đã đề cập, về bản văn cổ xưa được phát hiện tại Nam Mỹ mà nàng muốn cho tôi biết càng sớm càng tốt? Charlene đã nói với tôi qua điện thoại! “Em còn phải chờ ở sân bay hai giờ, trong thời gian này chúng ta có thể ăn tối với nhau chứ? Em biết chắc anh sẽ thích nghe nói về bản viết tay… Đó là loại bí ẩn mà anh ưa thích!

Loại bí ẩn mà tôi ưa thích? Charlene có ý nói gì?

Nhà hàng đầy ắp người. Có nhiều cặp đang chờ bàn trống. Cô tiếp viên cho tôi biết Charlene đã có bàn và tôi đi về một gác lửng nhìn xuống sảnh chính

Khi bước lên cầu thang, tôi thấy có một nhóm người đang bao quanh một bàn ăn, và điều đó khiến tôi chu ý. Trong nhóm có hai nhân viên cảnh sát. Họ đột ngột lao xuống cầu thang, suýt nữa làm tôi té ngã. Khi nhóm người đã tản mác, tôi nhận ra nhân vật trung tâm của sự chú ý

– một phụ nữ, vẫn còn ngồi ở bàn ăn… Thì ra, Charlene!

Tôi chạy đến:

– Charlene! Có chuyện gì thế? Em gặp rắc rối?

Charlene ngẩng đầu lên, tỏ vẻ bực tức, rồi đứng dậy và mỉm cười với tôi. Vẫn là nụ cười ngày ấy! Kiểu tóc của nàng hình như có đổi khác, nhưng khuôn mặt nàng vẫn y như trong ký ức của tôi: những nét thanh tao và đôi mắt xanh to.

Nàng nói với tôi:

– Có thể anh sẽ không tin nổi. Cách đây vài phút người ta đã đánh cắp cái cặp tài liệu của em.

– Có giấy tờ gì quan trọng trong đó không?

– Ồ, chẳng có gì quan trọng. Chỉ có vài tờ báo và tạp chí mà em đã mua trên máy bay. Ngốc thật! Những người ở bàn bên cạnh, có một gã đã đến bàn em và lấy cái cặp. Họ đã mô tả nhân dạng của gã cho cảnh sát truy bắt.

– Em có muốn anh giúp một tay thu hồi cái cặp?

– Thôi, đừng nghĩ đến chuyện đó nữa. Em không có nhiều thời gian và em có chuyện cần nói với anh.

Tôi gật đầu. Nhân viên phục vụ mang thực đơn đến và chúng tôi gọi món. Mười phút trôi qua, tôi cố không nói nhiều đến chuyện tôi đang về vùng quê để sống đơn độc và tĩnh tâm, nhưng Charlene là người khá tinh ý. Nàng nghiêng người về phía tôi, và một lần nữa, nàng mỉm cười, một nụ cười duyên dáng:

– Nào? Anh đang gặp phải chuyện gì?

– Tôi nhìn đôi mắt Charlene và nhận thấy sức cuốn hút của ánh mắt nàng.

Tôi hỏi:

– Em thực sự muốn biết ư?

– Thì từ hồi nào đến giờ em vẫn luôn là thế.

– Thật ra là anh muốn được ở một mình vài ngày bên bờ hồ. Anh vừa trải qua một thời gian làm việc căng thẳng, và anh muốn suy nghĩ về tương lai của mình.

– Em còn nhớ là anh đã thường nói về cái hồ ấy. Em tưởng anh và em gái anh đã bán nó rồi.

– Vẫn chưa dứt khoát… vấn đề là thuê đất. Vì khu điền trang đó ở gần thành phố, nên tiền thuê tăng lên hàng năm.

– Vậy giờ đây anh quyết định thế nào?

– Chưa biết nữa. Có một điều gì đó mới mẻ.

Nàng nhìn tôi với vẻ bí ẩn:

– Cứ như thể anh không còn ở yên như bao người khác.

– Có lẽ đúng. Tại sao em nói với anh điều đó?

– Vì nó có liên quan đến Bản Sách Cổ Chép Tay.

Trong một lúc, chúng tôi im lặng. Rồi tôi nói:

– Hãy cho anh biết về bản sách đó.

Charlene tựa vào lưng ghế, như để dễ dàng tập trung ý tưởng. Nàng nhìn tôi đăm đăm:

– Như em đã nói với anh qua điện thoại, cách nay vài năm, em không còn làm báo nữa đế chuyển sang làm một hội nghiên cứu chuyên phân tích những biến đổi xã hội và văn hoá. Em làm việc cho Liên Hiệp Quốc. Chuyến công tác gần đây của em là ở Peru.

“Trong thời gian công tác ở đó, tại trường đại học Lima, em được nghe những tin đồn liên quan đến sự phát hiện một tài liệu chép tay rất xưa. Nhưng, chẳng ai có thể cho em biết thêm thông tin về chuyện đó, kế cả những nhà khảo cổ học và nhân loại học. Trong văn phòng chính phủ, các viên chức đã cố tình che giấu, nói rằng họ chẳng hay biết chuyện đó.

Có người đã cho em biết chính phủ muốn tiêu huỷ tài liệu, nhưng chẳng thể giải thích lý do. Ngoài ra, nguồn tin của người đó không chắc chắn. Khi kết thúc công tác, em đã quyết định ở lại thêm vài ngày để xem có thể phát hiện điều gì không. Ban đầu, mọi con đường đều tỏ ra là những ngõ cụt. Nhưng một hôm, khi đang ăn trưa tại một nhà hàng ở Lima, em thấy có một linh mục đang nhìn em. Một lúc sau, linh mục bước đến và nói là biết em đang điều tra về vụ Bản Sách Cố Chép Tay. Ông không cho em biết tên, nhưng đồng ý trả lời mọi thắc mắc của em”.

Không ngưng nhìn tôi, Charlene do dự đôi chút, trước khi nói tiếp:

– Ông cho em biết lối chữ viết của Bản Sách Cố Chép Tay có niên đại vào khoảng năm 600 trước CN và bản văn này tiên báo một sự biến đổi triệt để của xã hội loài người.

Tôi hỏi:

– Điều đó sẽ bắt đầu vào lúc nào?

– Trong những năm cuối của thế kỷ 20.

– Sự biến đổi đó liên quan đến điều gì?

Charlene có vẻ bối rối một lúc:

– Vị linh mục đó đã khẳng định với em rằng đó là một sự phục hưng của ý thức, xảy ra trong thời gian nhất định. Nó không thuộc về tôn giáo, nhưng thuộc về tinh thần. Chúng ta đang phát hiện một điều gì đó mới lạ về đời sống con người, về ý nghĩa của sự tồn tại và, theo vị linh mục, sự phát hiện đó sẽ thay đối một cách sâu sắc văn hoá của chúng ta. “Vị linh mục cho em biết rằng Bản Sách cố Chép Tay chia ra từng phần hoặc từng chương. Mỗi chương được dành để nói về một khải thị đặc biệt về đời sống. Theo Bản Sách Cổ Chép Tay, trong thời kỳ đang mở này, loài người sẽ bắt đầu được hưởng lợi ích từ những khải thị và từ nền văn hoá hiện nay, chúng ta sẽ tiến sang một nền văn hoá hoàn toàn thuộc tâm linh”

Tôi lắc đầu và nhướn mày với vẻ hoài nghi:

– Em cho rằng chuyện đó là có thực?

– À… Em nghĩ rằng…

Chỉ tay về phía những người đang ngồi ở bàn phía dưới gác lửng, tôi nói:

– Thế giới thực tế là đây. Gần đây, em có thấy những thay đổi ở thế giới thực tế không?

Khi tôi vừa nói đến đó, từ chiếc bàn đặt gần bức tường có một giọng nói giận dữ vang lên. Tôi không thể nắm bắt ý câu nói, nhưng giọng nói khá lớn để cho mọi cuộc trò chuyện trong nhà hàng phải ngưng lại. Thoạt tiên, tôi nghĩ đó hẳn là một vụ trộm cắp khác, nhưng rồi tôi nhận ra chỉ là một cuộc cãi cọ. Một phụ nữ khoảng ba mươi tuổi đứng dậy, tức giận nhìn người đàn ông ngồi đối diện, lớn tiếng:

– Không, vấn đề là quan hệ của chúng ta không diễn ra như tôi mong muốn! Anh hiểu điều tôi nói chứ? Quả là không ổn!

Cô ta dằn lại, vứt cái khăn ăn lên bàn và rời khỏi sảnh.

Tôi và Charlene nhìn nhau, ngạc nhiên vì sự lớn tiếng đã xảy ra đúng vào lúc chúng tôi đang nói về những thực khách ở sảnh phía dưới. Cuối cùng, Charlene hất hàm về phía người đàn ông còn lại một mình ở bàn:

– Anh thấy đó, thế giới thực tế đang thay đổi.

Chưa hết ngạc nhiên bởi sự việc vừa xảy ra, tôi hỏi:

– Là thế nào?

– Sự biến đổi bắt đầu với mặc khải thứ nhất và, theo vị linh mục, mặc khải đó luôn lộ ra một cách vô thức. Ban đầu, nó biểu hiện bằng một sự lo âu.

– Một sự lo âu?

– Đúng vậy.

– Và chúng ta đang tìm gì?

Ban đầu, chúng ta không tin. Theo Bản Sách Cổ, trước tiên chúng ta trải qua một loạt trải nghiệm xen kẽ… Có những lúc đời sống có vẻ khác hẳn, mãnh liệt hơn, nhưng chúng ta không thể xác định cảm giác ấy, cũng chẳng thể duy trì nó. Khi nó tan biến, chúng ta cảm thấy không thoả mãn, lo âu trước một cuộc sống lại trở nên tầm thường.

– Em có nghĩ rằng sự giận dữ của người đàn bà lúc nãy là do loại lo âu ấy?

– Vâng, cô ấy cũng như tất cả chúng ta. Chúng ta tìm cách thể hiện mình nhiều hơn, và chống lại tất cả những ai ngăn trở chúng ta. Sự tìm kiếm đầy lo âu giải thích khuynh hướng cho mình là trung tâm đang trở thành đặc trưng của những năm gần đây; nó không chừa một ai, từ những nhà lãnh đạo đến người bình dân. Và, khi nó liên quan đến những quan hệ giữa con người, thì chúng ta yêu sách, khó tính đến mức những quan hệ hầu như là điều không thể.

Charlene nói trong khi nhìn vào mắt tôi.

Sư ghi nhận của nàng khiến tôi nhớ đến hai trải nghiệm tình cảm gần đây của tôi. Cả hai đều đã bắt đầu một cách tuyệt vời, nhưng không kéo dài quá một năm.

Tôi hỏi:

– Này ,hãy cho anh biết chuyện gì đã xảy ra cho quan hệ tình cảm của chúng ta?

– Em đã nói nhiều với vị linh mục về chuyện đó. Ông giải thích rằng, khi hai người bạn tình tỏ ra quá đòi hỏi, khó tính, khi một trong hai người chờ người kia chia sẻ thế giới của họ và tham dự vào những hoạt động của họ, thì có một cuộc đấu tranh diễn ra giữa hai kẻ ích kỷ.

Câu nói của Charlene làm tôi sững sờ. Quả thật, hai cuộc tình của tôi đã kết thúc bằng những tranh giành quyền lực. Chúng tôi đã nhiều lần cãi cọ về vấn đề thời gian. Mọi sự diễn ra quá nhanh. Chúng tôi không có nhiều thời gian đế có thể nhận ra những gì chúng tôi thật sự yêu thích. Nói tóm lại, sắp xếp thời gian cho một ngày cũng là điều rất khó.

Charlene nói tiếp:

– Do sự tranh giành quyền lực nên Bản Sách Cổ Chép Tay chúng ta khó có thể chung sống lâu dài với cùng một người.

– Anh thấy điều đó có vẻ không mấy “Tâm Linh”.

– Đó chính là điều em đã nói với vị linh mục. Và ông đã trả lời rằng, nếu hầu hết những căn bệnh mà xã hội đang phải gánh chịu có nguồn gốc từ nỗi sợ hãi, thì đó chỉ là một vấn đề nhất thời. Chúng ta sẽ nhận thức về điều chúng ta đang thực sự tìm kiếm, về tính chất đích thực của một trải nghiệm khác, trù phú hơn và không giống như trải nghiệm đã có. Khi chúng ta thực sự nhận thức điều đó, chúng ta tiến đến mặc khải thứ nhất.

Bữa ăn được dọn ra và chúng tôi ngưng nói một lúc trong khi người hầu bàn rót rượu. Sau đó, chúng tôi thưởng thức các món ăn. Charlene cau mày và bật cười khi lấy một miếng cá hồi từ đĩa của tôi. Sự hiện diện của nàng làm tôi cảm thấy thích thú.

Tôi nói:

– Vậy thì, trải nghiệm mà chúng ta đang tìm kiếm là gì? Mặc khải thứ nhất là gì?

Charlen chần chừ, có vẻ như không biết phải bắt đầu từ đâu:

– Thật khó nói. Nhưng theo giải thích của vị linh mục, chúng ta sẽ nắm bắt mặc khải thứ nhất khi nhận thức về những trùng hợp ngẫu nhiên xảy ra trong đời sống.

Charlen nghiêng người về phía tôi:

– Có bao giờ anh có trực giác về một điều gì đó mà anh ao ước? Trực giác về một phương hướng mà anh muốn thiết lập cho đời mình? Có bao giờ anh tự hỏi làm thế nào để điều đó xảy ra? Và rồi, sau khi đã hầu như quên lãng, anh đã gặp một người, hoặc đã đọc một điều hoặc đã đến một nơi mang đến cho anh cơ may mà anh đã chờ đợi. “Theo vị linh mục, những trường hợp ngẫu nhiên xảy ra càng lúc càng thường xuyên hơn, và khi xảy ra, chúng có vẻ biểu hiện nhiều điều hơn là sự ngẫu nhiên thuần tuý. Chúng có vẻ đã được định trước như thể cuộc đời chúng ta được hướng dẫn bởi một sức mạnh bí ẩn. Trải nghiệm đó mang đến một phần bí ẩn và nhờ nó chúng ta cảm thấy sinh động hơn.

Theo vị linh mục, trải nghiệm mà chúng ta thoáng thấy và mong muốn nó liên tục, không bị ngắt đoạn. Càng lúc người ta càng phải thừa nhận về tính hiện thực của hiện tượng, và có một điều gì đó đang diễn ra dưới bề mặt của cuộc sống hàng ngày. Đây là mặc khải thứ nhất”.

Charlene nhìn tôi với vẻ chờ đợi một câu trả lời, nhưng tôi lặng im.

– Anh không thấy ư? Mặc khải thứ nhất đưa chúng ta đến việc xem xét lại, bí ẩn đang bao quanh đời sống của mỗi người. Chúng ta đang sống với những trùng hợp ngẫu nhiên và, ngay cả khi không hiểu chúng, chúng cũng là dấu chỉ của một điều gì đó. Chúng ta lại bắt đầu cảm thấy – như trong thời thơ ấu của chúng ta – có một khía cạnh khác của đời sống để khám phá, có một quá trình khác đang diễn ra ở hậu trường.

Tôi hỏi:

– Có phải em đã thực sự chìm sâu vào vấn đề này?

– Em còn nhớ có một dạo anh cũng đã nói về những trải nghiệm tương tự.

Nhận xét của Charlene làm tôi giật mình. Nàng có lý. Quả thật, đã có một thời kỳ trong đời, tôi đã sống qua những trải nghiệm tương tự và tôi đã muốn dành cho chúng một giải thích tâm lý. Nhưng theo thời gian, tôi đã thay đổi ý kiến, tôi đã liệt những trải nghiệm đó vào loại không thực tế và thiếu trưởng thành, và tôi không còn quan tâm đến chúng nữa.

Trong thế phòng thủ, tôi đáp lại Charlene:

– Có lẽ vì dạo đó anh đã đọc triết học phương Đông hoặc sách của những nhà thần bí Ki tô giáo, hẳn em còn nhớ. Này Charlene, dẫu sao người ta đã viết nhiều về điều mà em gọi là mặc khải thứ nhất, về vấn đề này, giờ đây có gì mới không? Làm thế nào sự nhận thức về những trùng hợp bí ẩn có thể đưa đến một sự biến đổi văn hoá?

Sau một lúc nhìn mặt bàn, Charlene quay sang nhìn tôi:

Dĩ nhiên, người ta đã mô tả những trải nghiệm ấy. Vị linh mục cũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề. Trong suốt dòng lịch sử, các cá nhân đã cảm thấy có những trùng hợp ngẫu nhiên là cơ sở của nhiều tác phẩm triết học hoặc tôn giáo. Nhưng, có điều mới mẻ là số lượng!heo vị linh mục, sự biến đổi xảy ra là vì có một sô rất đông các cá nhân đang đồng thời cảm nhận sâu sắc trải nghiệm ấy.

– Một cách chính xác thì vị linh mục muốn nói gì?

Theo ông thì Bản Sách cổ Chép Tay loan báo rằng số người có ý thức về những trùng hợp ngẫu nhiên phải gia tăng rất nhiều trong thập niên thứ sáu của thế kỷ 20 và sự gia tăng đó phải tiếp tục cho đến đầu thế kỷ 21. Lúc đó, chúng ta sẽ tiến đến một con số chính xác, một con số gọi là một khối lượng tới hạn.

“Bản Sách Cổ Chép Tay tiên báo rằng khi đạt đến khối lượng tới hạn, chúng ta sẽ bắt đầu nhận ra từ quan điểm văn hoá, những trùng hợp ngẫu nhiên và xử lý chúng một cách nghiêm túc. Chúng ta sẽ nêu lên câu hỏi, không phải một cách cá biệt, mà một cách toàn thể rằng, ý nghĩa bị che khuất của đời sống thiêng liêng là gì. Và câu hỏi, được nêu lên cùng lúc bởi khá nhiều người, sẽ đưa đến sự khám phá những mặc khải khác, bởi Bản Sách Cổ Chép Tay khẳng định rằng chỉ cần có nhiều người nêu lên câu hỏi là chúng ta có thể bắt đầu có những câu trả lời… lần lượt từng câu một”.

Tôi hỏi:

– Khi chúng ta đã biết những mặc khải khác, thì văn hoá của chúng ta sẽ thay đổi?

– Đó là điều vị linh mục đã nói với em.

Tôi lặng im nhìn Charlene trong khi suy nghĩ về khối lượng tới hạn. Rồi tôi nói:

– Anh thấy những chuyện này là khá phức tạp đối với một Bản Sách

Cổ Chép Tay đã được viết vào năm 600 trước Công nguyên.

Em hiểu, em cũng đã có ý nghĩ như vậy. Nhưng vị linh mục cho em biết, những học giả uyên bác đã dịch bản sách cổ tin chắc về tính xác thực của nó. Trước hết, là vì nó đã được soạn bằng tiếng vùng Aram cùng ngôn ngữ với Cựu Ước.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.