Lời Tiên Tri Núi Andes

6. LÀM SÁNG TỎ QUÁ KHỨ



Phía trước chúng tôi, con đường hẹp lại và đột ngột đổi hướng men theo sườn dốc lởm chởm đá. Chiếc xe tải từ từ ôm cua. Phía dưới chúng tôi, dãy Andes trải dài với những đỉnh núi nối tiếp nhau bên trên lớp mây trắng.

Tôi liếc nhìn Sanchez. Nghiêng mình trên vô-lăng, ông chăm chú lái xe. Chúng tôi đã trải qua nhiều giờ tiến theo những sườn dốc đáng sợ, vượt qua những đoạn đường lởm chởm đá, và những cung đường bị hẹp lại bởi các tảng đá rơi xuống từ núi. Tôi muốn tiếp tục nói về cơ chế thống trị, nhưng thấy không phải lúc. Sanchez cần tập trung lái xe, vả lại tôi không rõ phải nêu lên câu hỏi gì. Tôi đã đọc xong phần cuối của mặc khải thứ năm, và bản văn này rất khớp với những điều linh mục Sanchez đã nói. Tôi thấy việc loại bỏ thói ưa thích thống trị là rất nên, nhất là khi nó làm tăng tốc sự tiến hoá, nhưng tôi vẫn chưa biết cơ chế ấy vận hành như thế nào.

– Anh đang nghĩ gì?

– Tôi đã đọc xong mặc khải thứ năm và đang suy nghĩ về những cơ chế. Tôi nghĩ rằng cơ chế của mình có liên quan đến khoảng cách được tạo ra giữa tôi với tha nhân, có phải thế?

– Vẫn chăm chú vào con đường, ông không trả lời. Một trăm mét phía trước, có một ôtô địa hình đang chắn ngang con đường; một người đàn ông và một phụ nữ đang đứng ở mép vực, cách xe của họ khoảng mười mét. Họ nhìn chúng tôi.

Sanchez dừng xe, quan sát hai người đó một lúc rồi nói: “Tôi biết người phụ nữ ấy. Bà là Julia. Không sao cả, chúng ta sẽ nói chuyện với họ”.

Họ có làn da nâu sậm; người đàn bà trạc ngũ tuần, và người đàn ông khoảng ba mươi tuổi. Chúng tôi xuống xe, và người đàn bà đi về phía chúng tôi.

– Chào cha Sanchez!

– Khoẻ chứ, Julia? – Sanchez đáp. – Rồi ông giới thiệu Julia với tôi và bà giới thiệu người đồng hành là Rolando.

Không nói gì thêm, Julia và Sanchez quay lưng về phía tôi và đi tới chỗ mà Julia và Rolando đã đứng. Rolando chăm chú nhìn tôi. Không suy nghĩ, tôi bước theo họ. Rolando cũng đi theo tôi, với vẻ mong muốn một diều gì đó. Tuy nét mặt còn trẻ, nhưng anh ta có làn da sậm và nhăn nheo.

Nhiều lần Rolando như muốn nói, nhưng cứ mỗi lần như thế, tôi liền quay mặt đi và bước nhanh hơn. Khi đến bên miệng vực, tôi ngồi xuống trên một tảng đá để tránh anh ta ngồi gần. Cách tôi vài mét Sanchez và Julia đang ngồi trên một mỏm đá lớn.

Rolando cố ngồi thật gần tôi, cái nhìn đăm đăm của anh ta khiến tôi e ngại, nhưng tôi vẫn muốn biết lý do.

Rolando nhận ra điều đó và hỏi tôi:

– Có phải ông đến đây vì Bản Sách Cổ Chép Tay?

Sau khi đã cân nhắc, tôi đáp:

– Tôi có nghe nói đến bản sách

Rolando có vẻ ngạc nhiên:

– Ông đã đọc nó rồi chứ?

– Tôi đã đọc một số đoạn. Còn anh? Anh biết gì về bản sách?

Sau một lúc im lặng, Rolando nói: “Ông là người Mỹ?”. Câu hỏi làm tôi bối rối, và tôi quyết định không trả lời. Tôi hỏi sang chuyện khác:

– Phải chăng bản sách có liên quan đến phế tích Machu Picchu?

– Theo tôi, nó chẳng có gì liên quan, ngoại trừ nó đã được viết vào thời điểm xây dựng Machu Picchu.

Tôi ngồi im ngắm cảnh quan tuyệt đẹp của dãy Andes. Tôi thầm nghĩ, nếu tôi tiếp tục lặng im, Rolando sẽ nói cho tôi biết anh ta và Julia đã làm gì ở nơi hoang vắng này và sự hiện diện của họ có liên quan gì đến Bản Sách Cổ Chép Tay. Chúng tôi không ai nói câu nào trong hai mươi phút. Cuối cùng, Rolando đứng dậy và đến bên hai người kia.

Tồi tiếp tục ngồi ngắm cảnh trong hơn nửa giờ, cố lắng nghe những đối thoại giữa Sanchez và Julia ở phía trên. Họ không hề quan tâm đến tôi. Khi tôi định đến với họ, họ đứng dậy và đi về phía chiếc xe của Julia. Tôi theo họ.

Sanchez nói với tôi:

– Hai người này phải ra đi.

Nhìn tôi với vẻ thân thiện, Julia gật đầu chào:

– Rất tiếc đã không có thời giờ để nói chuyện với anh. Hy vọng sẽ gặp lại anh. Thật ra, tôi có linh cảm là chúng ta sẽ sớm gặp nhau. Trong khi đi xuống con đường mòn lởm chởm đá, tôi muốn trả lời

Julia, nhưng chẳng biết nói gì. Julia và Rolando bước vào xe, vẫy tay từ biệt, và đi về hướng bắc, theo hướng tôi và Sanchez đã đến. Cuộc gặp gỡ này tôi cảm thấy không thoải mái.

Sau khi chúng tôi đã lên xe, Sanchez hỏi:

– Rolando có kể cho anh nghe về Wil à?

– Không, chẳng nói gì. Anh ta đã trông thấy Wil à? Sanchez ngạc nhiên:

– Họ đã gặp Wil trong một ngôi làng cách đây sáu mươi kilômét.

Julia cho tôi biết là Wil đã nói nhiều chuyện với Rolando. Bộ anh không nói cho Rolando biết anh là ai?

– Không, bởi tôi không biết có nên tin anh ta hay không.

– Tôi đã nói với anh là không sao cả, anh có thể nói chuyện mà! Tôi đã quen biết Julia nhiều năm! Bà có cơ sở kinh doanh ở Lima, nhưng từ khi Bản Sách Cổ Chép Tay được phát hiện, bà hướng đến việc tìm kiếm mặc khải thứ chín. Julia không khi nào đi với những người đáng ngờ. Chẳng có gì để phải sợ cả. Anh đã để mất những thông tin quan trọng.

Nhìn tôi với vẻ nghiêm túc, ông nói đó là một điển hình về cơ chế thống trị. “Anh quá tự tin đến mức đã bỏ qua một trùng hợp ngẫu nhiên quan trọng!”.

Sau đó, thấy vẻ phòng thủ của tôi, ông nói tiếp:

– Không sao cả, mỗi người đều có cơ chế của mình. Giờ đây, ít ra là anh đã biết cơ chế của anh hoạt động như thế nào.

– Thưa cha, tôi không hề biết. Tôi đã làm gì chứ?

– Phương pháp của anh nhằm chế ngự những hoàn cảnh, những con người, để đạt năng lượng, là vận hành cơ chế đó trong tâm trí và cơ chế đó thúc đẩy anh rút vào cái vỏ ốc của mình, giữ sự kín đáo và bí ẩn. Anh tự cho rằng đó là sự thận trọng, nhưng thật ra anh muốn người kia phải tìm hiểu điều gì đang diễn ra trong tâm trí anh. Nếu chuyện ấy xảy ra, anh giữ vẻ mơ hồ, anh buộc người kia phải bỏ công tìm hiểu những tình cảm đích thực của anh. Khi thực hiện điều đó, người kia sẽ phải quan tâm đến anh, và như vậy, mang đến năng lượng cho anh. Càng giữ người kia lâu dài trong sự mơ hồ, anh càng nhận được nhiều năng lượng hơn. Chẳng may cho anh, bao lâu anh còn thờ ơ, lạnh lùng, thì đời sống của anh không thể tiến hoá nhanh, vì anh luôn lặp lại những hành vi ứng xử tương tự. Nếu anh biết trò chuyện với Rolando, cuộc đời anh hẳn đã theo một hướng khác, có ý nghĩa.

Tôi cảm thấy tràn ngập bởi sự căng thẳng đang gia tăng. Tất cả minh hoạ điều mà Wil đã nói với tôi khi tôi không muốn cho Reneau biết thông tin. Tôi luôn tìm cách che giấu những ý tưởng của mình. Qua kính xe, tôi nhìn con đường đang tiến lên những con dốc rất gắt. Sanchez chăm chú cầm lái. Và khi con đường bớt quanh co, ông mới nói với tôi:

– Đối với mỗi người chúng ta, giai đoạn đầu của tiến trình làm sáng tỏ là cố gắng để ý thức về cơ chế thống trị của mình. Chẳng có gì sẽ thay đổi, bao lâu ta không thể nhìn thẳng vào chính mình để hiểu cách thức ta thao túng những người khác. Đó là điều vừa xảy ra với anh.

– Còn giai đoạn kế tiếp thì sao?

– Mỗi người đều phải nhìn lại quá khứ của mình, nhất là thời thơ ấu, để hiểu bằng cách nào cơ chế đó đã được hình thành. Khi thấy sự hình thành của nó, ta hãy đưa nó vào ý thức. Hãy nhớ rằng hầu hết những thành viên trong gia đình ta đều có cơ chế thống trị của riêng họ, và họ cũng tìm cách lấy đi năng lượng của những đứa trẻ như ta. Và ta đã có một chiến lược để giành lại năng lượng. Như thế, ta đã tạo ra một cơ chế phòng thủ. Một khi đã xác định sơ đồ của những tranh giành năng lượng trong gia đình ta, ta sẽ có thể vượt qua những chiến lược nhằm kiểm soát, và thấy điều đang thực sự diễn ra.

– Cha muốn nói gì?

– Mỗi người phải tìm hiểu lại trải nghiệm của mình trong gia đình trên quan điểm tiến hoá và quan điểm tâm linh, nhằm khám phá con người đích thực của mình. Sau khi đã thực hiện điều đó, cơ chế thống trị của chúng ta biến mất và đời sống đích thực của chúng ta cất cánh.

– Vậy, tôi phải bắt đầu như thế nào?

– Trước tiên anh phải hiểu cơ chế của anh đã được hình thành như thế nào. Hãy cho tôi biết về thân phụ của anh.

– Cha tôi là một người nhân ái, tươi vui, uyên bác, nhưng…

– Tôi do dự, không muốn nói những lời phê phán cha mình.

– Nhưng sao?

– Ông thường chỉ trích rằng, tôi chẳng làm gì ra hồn.- Ông phê phán anh như thế nào?

– Ông nêu lên những câu hỏi và luôn tìm khuyết điểm để chỉ trích.

– Và năng lượng của anh thế nào?

– Tôi thường thấy kiệt sức và cố tránh nói chuyện với ông.

– Như vậy, anh đã trở nên xa cách, không bày tỏ với cha anh bất cứ điều gì, để không bị ông chỉ trích. Ông là người chất vấn, và anh né tránh bằng sự xa cách của anh.

– Hẳn là thế, nhưng cha muốn nói gì khi dùng từ “người chất vấn”?

– Đó là một loại cơ chế khác. Những người sử dụng phương pháp nhằm đạt năng lượng kiểu này bị dẫn dắt bởi cơ chế nêu lên những câu hỏi và tìm kiếm trong đời tư của người khác, để thấy một mục tiêu chỉ trích. Nếu chiến lược đạt kết quả, người bị chỉ trích sẽ bị thu hút bởi cơ chế của người chỉ trích. Lúc đó, người bị thu hút cảm thấy bối rối trước người chất vấn, chỉ quan tâm đến người chất vấn, đến điều người chất vấn đang nghĩ nhằm tránh lỡ lời khiến người chất vấn nổi giận. Chính nét tâm lý đó mang đến cho người chất vấn năng lượng mà họ mong đợi.

“Hãy nhớ đến những tình huống khiến anh ở gần một người thuộc loại đó. Khi anh bị cuốn vào trong cơ chế của người ấy, phải chăng anh phản ứng theo cách nhằm không để bị chỉ trích? Người ấy làm anh thay đổi thái độ thông thường của anh và anh nhận xét mình qua những gì mà người ấy có thể nghĩ về anh”.

Tôi bỗng nhớ lại rõ ràng loại tình cảm này, và hình ảnh của Jensen xuất hiện trong tâm trí tôi.

Tôi hỏi:

– Như vậy, cha tôi là một người chất vấn?

– Tôi nghĩ thế.

– Tôi miên man nghĩ đến mẹ tôi. Nếu cha tôi thuộc loại người chất vấn, vậy mẹ tôi thì sao?

Sanchez hỏi tôi đang nghĩ gì.

Tôi nói:

– Tôi về cơ chế thống trị của mẹ. Vậy có tất cả bao nhiêu loại cơ chế?

– Trước hết, tôi phải giải thích cho anh về những phân loại được nêu trong Bản Sách Cổ Chép Tay. Mỗi người chúng ta hăng hái để đạt năng lượng, hoặc theo cách gây hấn khi buộc người khác quan tâm đến mình hoặc theo cách thụ động khi lợi dụng tình cảm hoặc sự tò mò của người khác để thu hút sự chú ý của họ Chẳng hạn, nếu ai đó đe doạ anh, bằng lời nói hoặc bằng thể chất, chỉ đơn giản vì sợ, anh buộc phải chú ý đến họ, và như vậy anh trao năng lượng cho họ. Người đe doạ anh bắt anh phải chịu sự thống trị có tính gây gổ, khiêu khích, cơ chế mà mặc khải thứ sáu gọi là sự hăm doạ.

“Nếu ngược lại, ai đó kể cho anh những điều khốn khổ vừa xảy đến với họ, với ngụ ý anh là người có trách nhiệm về điều đó, và nếu anh không chịu giúp đỡ họ, điều đó sẽ tiếp diễn, như thế người đó đang tìm cách thống trị anh theo lối thụ động, và đó là điều Bản Sách Cổ Chép Tay gọi là cơ chế than vãn. Anh hãy dành ra một lúc để nghĩ đến tình trạng này. Anh đã từng kề cận với những người gây ra cho anh mặc cảm có lỗi, ngay cả khi chẳng có một lý do đáng kể nào?”.

– Có ạ.

– Như thế là vì anh đã chấp nhận tiến vào cơ chế thống trị của người than vãn. Toàn bộ cơ chế của họ là ở chỗ khiến anh nghĩ rằng anh chưa hết lòng với họ. Chính vì thế mà anh cảm thấy có lỗi.

Sanchez nói tiếp:

– Ta có thể xét đến mỗi cơ chế cá biệt tuỳ theo nó thuộc loại thụ động hoặc loại gây hấn. Một người tinh tế trong cách gây hấn của họ, trong việc tìm thấy nhược điểm của anh, người đó là một kẻ chất vấn, như trường hợp của cha anh. Cơ chế thờ ơ, lãnh đạm mà anh dùng để đáp lại không có tính thụ động bằng thái độ than vãn mà tôi vừa nêu. Vậy, diễn tiến là như sau: hăm doạ và chất vấn, lãnh dạm và than vãn. Anh hiểu chứ?

– Vâng, cha có nghĩ rằng mỗi người chúng ta đều dứt khoát phải rơi vào một loại như vậy?

– Đúng vậy. Tuỳ theo hoàn cảnh, một số người còn sử dụng cùng lúc không chỉ một loại mà nhiều hơn, nhưng hầu hết chúng ta đều có một cơ chế thống trị thường trực, thông thường là cơ chế đã phát huy tác dụng một cách tốt hơn cả với những người trong gia đình khi còn nhỏ.

Đột nhiên, tôi thấy mọi sự được sáng tỏ. Tôi nhìn Sanchez:

– Giờ đây, tôi biết mẹ tôi cũng là một người thuộc loại chất vấn.

– Như vậy, anh đã nhận được một liều gấp đôi. Chẳng lạ gì khi anh có vẻ lạnh nhạt, xa cách. Nhưng ít ra họ đã không thể đe doạ anh. Anh không hề lo sợ cho sự an toàn của anh.

– Vậy điều gì hẳn đã xảy ra nếu tôi lo sợ cho sự an toàn của mình?

– Anh sẽ sa vào cơ chế của kẻ than vãn. Nếu anh là một đứa trẻ bị tước đi năng lượng bởi những người gây đau đớn cho anh về thể xác, thì sự thờ ơ lãnh đạm chẳng ích gì. Anh không thể dùng phương cách để chống lại họ. Họ không quan tâm đến oán hận của anh. Họ mạnh hơn anh nhiều. Vì thế, anh buộc phải trở nên thụ động và than vãn, tìm cách làm cho họ cảm thấy có lỗi về điều sai trái mà họ đã làm.

“Nếu phương cách như vậy là không đủ, anh buộc phải chờ cho đến khi đủ mạnh để có thể chống lại bạo lực, và đáp trả sự gây hấn bằng sự gây hấn.

Như chuyện đứa bé gái trong quán ăn gia đình người Peru mà anh đã kể cho tôi. Ngay ở trong gia đình, mỗi người đều cố tiến thật xa nhằm đạt được năng lượng, Tiếp đến, chiến lược của họ trở thành khuôn mẫu mà họ lặp lại, lặp lại suốt đời họ”.

– Tôi đã hiểu về loại người đe dọa, nhưng làm thế nào người ta trở thành kẻ chất vấn?

– Là một đứa trẻ, anh sẽ làm gì, nếu cha mẹ anh thường xuyên vắng nhà hoặc chỉ biết bận rộn với công việc của họ?

– Tôi chẳng biết nữa.

– Trong trường hợp đó, sự thờ ơ, lãnh đạm là không hiệu quả. Họ sẽ không nhận thấy. Anh buộc phải tìm kiếm, và cuối cùng tìm thấy một điểm yếu ở những con người thờ ơ lãnh đạm, nhằm đạt được năng lượng. Đó là điều kẻ chất vấn thực hiện.

Tồi hỏi khi bắt đầu

– Sự thờ ơ tạo ra những kẻ chất vấn.

– Đúng vậy.

– Và những kẻ chất vấn tạo ra những người thờ ơ. Và những kẻ đe doạ tạo ra những người than vãn. Hoặc nếu điều đó không ổn, tạo ra một kẻ de doạ khác.

– Thế đó. Các cơ chế thống trị tồn tại mãi như thế, nơi những người khác, những người tưởng mình không mắc phải. Để tiến bộ, ta phải loại bỏ ảo tưởng. Mỗi người chúng ta lần lượt vướng vào một cơ chế như thế, và chúng ta cần phải lùi lại và phát hiện nó.

Sau một lúc im lặng, tôi nói:

– Điều gì xảy ra khi một cơ chế được phát hiện?

– Lúc ấy, chúng ta thực sự tự do để vượt qua vai trò mang tính vô thức mà chúng ta đang giữ. Chúng ta có thể tìm thấy một ý nghĩa cao hơn về đời mình, một lý do tâm linh đã khiến chúng ta được sinh ra. Chúng ta có thể bắt đầu nhìn thấy rõ hơn con người thật của mình.

– Chúng ta đến rồi”, Sanchez kêu lên.

Con đường ngang qua giữa hai sườn núi; khi vượt qua sườn núi bên phải, tôi thấy ở phía trước một ngôi nhà nhỏ.

“Xe của ông ấy không có đó!”. Linh mục Sanchez thốt lên.

Ông dừng xe và chúng tôi đi bộ về phía ngôi nhà. Ông mở cửa và bước vào trong khi tôi chờ ở bên ngoài. Tôi hít thở sâu. Trời mát lạnh. Bâu trời xám xịt, nhiều mây. Có lẽ sắp mưa.

Sanchez trở ra:

– Chẳng thấy ai. Ông ấy chắc đã đến khu phế tích.

– Chúng ta đến đó bằng con đường nào? Sanchez dừng lại, bỗng dưng có vẻ mệt mỏi:

– Cách đây khoảng tám trăm mét phía trước chìa khoá xe đây. Anh hãy theo con đường này đến đỉnh kế tiếp, và anh sẽ thấy khu di chỉ. Tôi cần ở lại đây thiền định.

– Vâng.

Tôi lái xe về hướng một thung lũng nhỏ, rồi tiếp tục cho đến đỉnh núi kế tiếp. Cảnh quan khiến tôi bị mê hoặc. Trước mắt tôi là vẻ huy hoàng của phế tích Machu Picchu: Những ngôi đền đồ sộ trên i, được dựng bằng các khối đá chồng lên nhau một cách kỳ công. Kể cả dưới thứ ánh sáng xám xịt này, vẻ đẹp của khu phế tích quả là đáng kinh ngạc.

Tôi dừng xe và hít thở năng lượng của khu phế tích trong khoảng mười lăm phút. Có nhiều nhóm người đang đi giữa những phế tích. Tôi thây một người đàn ông mặc chiếc áo giống áo linh mục, nhưng vì ở xa nên tôi không chắc có phải linh mục Carl hay không. Người đó đang rời khỏi một phế tích.

Tôi lái xe đến gần. Khi nghe tiếng xe, người đó mỉm cười và dừng lại, bởi hình như ông biết đây là xe của linh mục Sanchez. Thây tôi đang cầm lái, ông có vẻ ngạc nhiên và đến gần. Ông trạc ba mươi, người béo lùn, mái tóc màu nâu sậm và đôi mắt xanh

Tôi giải thích:

– Tôi đi với linh mục Sanchez, nhưng ông- ấy đã ở lại phía sau.

– Tôi là Carl.

Phía sau ông, những phế tích trông càng hùng vĩ hơn.

Ông nói:

– Lần đầu tiên anh đến đây?

– Vâng, từ lâu tôi đã nghe nói; nhưng tôi không ngờ nó kỳ lạ và hùng vĩ đến thế.

– Đây là một trong những trung tâm năng lượng vĩ đại nhất thế giới.

Tôi chăm chú nhìn linh mục Carl, ông nói về năng lượng rõ ràng theo nghĩa mà Bản Sách Cổ Chép Tay dành cho từ này. Tôi gật đầu thú nhận:

– Thưa cha, tôi đã đạt đến điểm mà tôi đang cố gắng nạp đầy năng lượng và làm chủ cơ chế thống trị của mình.

– Anh không có vẻ thờ ơ, lãnh đạm. Tôi ngạc nhiên:

– Làm sao cha biết đó là cơ chế thống trị của tôi?

– Tôi có trực giác đối với các sự việc. Chính vì thế mà tôi có mặt ở đây.

– Có phải cha giúp người khác xác định cơ chế của họ?

– Đúng, và giúp họ nhìn thấy con người thật của họ.

Đôi mắt Carl ngời sáng, vẻ trung thực. Ông là người bộc trực và chẳng chút bối rối khi bày tỏ cảm nghĩ của mình với một người hoàn toàn xa lạ.

Tôi im lặng, và ông nói tiếp:

– Hẳn anh đã hiểu rõ năm mặc khải đầu tiên.

– Tôi đã đọc hầu hết. Và đã nói điều đó với nhiều người.

Nhận thấy mình nói quá mơ hồ nên tôi nói thêm- “Tôi tin rằng mình đã hiểu năm mặc khải đầu tiên nhưng đến mặc khải thứ sáu thì tôi không nắm vững”.

Carl gật đầu:

– Hầu hết những người mà tôi có dịp nói chuyện đều không biết về Bản Sách Cổ Chép Tay. Họ đến đây và cảm thấy được nạp đầy năng lượng. Và điều đó cũng đủ để họ xem xét lại cuộc đời họ.

– Làm thế nào cha gặp những người đó?

Ông nhìn tôi với vẻ thông hiểu:

– Những người đó tìm gặp tôi.

– Cha nói rằng cha giúp những người đó nhìn thấy con người thật của họ. Vậy, bằng cách nào?

Ông hít thở sâu và đáp:

– Chỉ có một cách. Mỗi người phải nhớ lại thời thơ ấu của mình, gia đình mình, và tìm hiểu điều gì đã xảy ra. Một khi ta đã nhận thức về cơ chế thống trị của ta, ta có thể thấy sự thật bí ẩn ở đằng sau sự tranh giành năng lượng. Một khi đã khám phá sự thật đó, nó mang đến năng lượng cho ta, vì nó cho ta biết con đường nào ta đang đi, ta đang thực sự làm g

– Đó là điều linh mục Sanchez đã nói với tôi, nhưng tôi muốn biết nhiều hơn về cách tìm thấy sự thật.

– Chúng ta sẽ nổi chuyện đó sau. Bây giờ, tôi muốn gặp linh mục Sanchez.

Tôi hướng mắt về các phế tích, và ông nói thêm: “Hãy thoải mái và thanh thản tham quan nơi này. Chúng tôi sẽ chờ anh ở nhà”.

Trong một tiếng rưỡi, tôi tham quan khu di chỉ. Thỉnh thoảng, tôi dừng lại ở những nơi tôi cảm thấy thích thú hơn cả… Tôi thán phục nền văn minh đã xây dựng những đền đài kỳ vĩ này. Làm thế nào người ta có thể nâng những khối đá lớn đến độ cao như thế và xếp chồng lên nhau? Điều đó gần như không thể.

Khi sự quan tâm đối với những phế tích bắt đầu giảm, những ý tưởng của tôi hướng về hoàn cảnh của chính tôi. Tuy nó không thật sự thay đối, nhưng tôi cảm thấy ít lo lắng hơn. Và sự an tâm của linh mục Sanchez đã ảnh hưởng đến tôi; ngoài ra, linh mục Carl cùng làm tôi cảm thấy thích thú.

Khi chiều xuống, tôi lái chiếc xe tải về nhà linh mục Carl. Từ xe, tôi thấy hai người đàn ông đứng bên nhau ở trong nhà. Khi vào nhà, tôi nghe có những tiếng cười. Hai linh mục đang chuẩn bị bừa tối. Carl mỉm cười với tôi và chỉ cho tôi một cái ghế. Tôi uể oải ngồi trước lò sưởi và nhìn quanh.

Nơi này là một căn phòng rộng với tường ốp ván gỗ. Ngoài ra, tôi có thể nhìn thấy hai phòng khác, và giữa chúng là một hành lang. Căn phòng được chiếu sáng bởi một ánh đèn lờ mờ; tôi nghe có tiếng máy phát điện.

Tôi được mời ngồi cạnh một bàn gỗ thô. Sanchez đọc một lời kinh ngắn, và chúng tôi ăn tối. Hai linh mục nói chuyện không dứt. Sau đó chúng tôi đến ngồi bên lò sưởi

Sanchez nói với tôi:

– Linh mục Carl đã gặp và nói chuyên với Wil. Tôi sửng sốt:

– Thưa cha, vào lúc nào?

Carl nói:

– Cách nay vài hôm, Wil đã đi qua đây. Tôi đã quen biết Wil cách nay một năm, và lần ấy ông đến đây dể cho tôi biết một vài thông tin hữu ích. ông nói với tôi rằng ông biết ai là người đang thúc đẩy chính quyền ngăn chặn Bản Sách cổ Chép Tay.

– Người đó là ai?

Sanchez nói xen vào:

– Là Hồng y Sebastian.

– Ông ta đã làm gì?

– Ông ta sử dụng ảnh hưởng chính trị của mình để chính quyền can dự vào việc ngăn chặn bản sách. Ông ta luôn có xu hướng sử dụng quyền lực. Vào lúc này, Hồng y Sebastian đang gia tăng nỗ lực, nhưng hình như ông ta phải trả giá.

– Tại sao?

– Ngoại trừ một vài linh mục của Hội đồng Miền Bắc, và vài cá nhân như Wil hoặc Julia, hình như chẳng ai khác có những văn bản.

– Còn những nhà khoa học tại Vinciente thì sao? Sau một lúc im lặng, Carl nói:

– Wil cho tôi biết là nhà cầm quyền đã đóng cửa trung tâm này. Tất cả các nhà nghiên cứu đều bị bắt giữ và mọi tư liệu của họ bị tịch thu.

– Cộng đồng khoa học chấp nhận việc ấy hay sao? Sanchez thốt lên:

– Phải chịu thôi. Vả lại, hầu hết các đồng nghiệp của họ đều không ủng hộ những nghiên cứu của họ. Nhà cầm quyền thông báo rằng họ hoạt động bất hợp pháp.

– Tôi không tin nhà cầm quyền có thể làm chuyện sai trái đến thế! Carl nói:

– Hãy tỉnh táo. Tôi đã đi một số nơi để kiểm chứng thông tin và thấy nhà cầm quyền đang gia tăng áp lực.

– Theo cha thì điều gì sẽ xảy ra? Carl nhún vai. Sanchez đáp:

– Tôi không biết nữa. Nhưng chuyện đó sẽ tuỳ thuộc vào điều mà

Wil sẽ tìm thấy.

– Tại sao?

– Theo tôi, Wil đang cố gắng tìm phần còn thiếu của Bản Sách Cổ Chép Tay là mặc khải thứ chín. Nếu tìm được, việc đó sẽ khiến nhiều người quan tâm, đủ để tạo ra một sự can thiệp từ bên ngoài.

Tôi hỏi Carl:

– Wil có cho cha biết, ông ấy đang đi đâu?

– Wil không rõ lắm, nhưng trực giác của Wil thôi thúc ông tiến xa hơn về phương bắc, đến Guatemala.

– Trực giác của Wil?

– Đúng, anh sẽ hiểu điều đó khi anh biết rõ hơn về con người thực sự của anh, và khi anh đã đạt đến mặc khải thứ bảy.

Tôi nhìn hai vị linh mục, kinh ngạc trước vẻ thanh thản của họ. Tôi hỏi:

– Tại sao hai cha có thể bình tĩnh đến thế? Nếu nhà chức trách đến đây và bắt giữ chúng ta thì sao?

Sanchez nhìn tôi:

– Anh không nên lẫn lộn bình tĩnh với vô tâm. Sự thanh thản cho chúng tôi một ý tưởng về sức mạnh được kết nối với nguồn năng lượng. Chúng tôi giữ sự kết nối vì đó là điều tốt đẹp nhất để thực hiện, dẫu tình huống có thế nào. Anh hiểu chứ?

– Vâng. Nhưng tôi thấy mình khó có thể giữ được sự kết nối. Hai linh mục mỉm cười. Một người nói:

– Điều đó sẽ dễ dàng hơn với anh khi anh biết rõ con người thật của mình.

Sanchez đứng dậy và cho biết ông đi rửa chén bát. Tôi hỏi Carl:

– Tôi phải làm gì để có thể biết con người thật của mình?

– Cha Sanchez có cho tôi biết anh đã hiểu về cơ chế thống trị của cha mẹ anh.

– Đúng vậy. Cha mẹ tôi là những người thuộc loại chất vấn, và điều đó khiến tôi trở thành một người thờ ơ, lãnh đạm.

– Giờ đây, anh phải có tầm nhìn xa hơn, vượt qua bên kia sự tranh giành năng lượng đã tồn tại trong gia đình anh, và tìm hiểu đâu là những lý do đích thực khiến anh có mặt ở đó.

Tôi nhìn nhưng chẳng hiểu ông nói gì. Ông giải thích:

– Tiến trình giúp anh phát hiện bản sắc tâm linh đích thực của mình buộc anh phải xem toàn bộ đời mình như một câu chuyện dài, và tìm thấy ý nghĩa cao hơn. Trước tiên, anh hnêu lên câu hỏi: Tại sao tôi được sinh ra trong gia đình này? Đâu là lý do?

Tôi nói:

– Nhưng, thưa cha, tôi không có một ý niệm nào.

– Cha anh là một người chất vấn. Ngoài ra, ông ấy còn là gì khác?

– Có phải cha muốn hỏi về những đam mê của cha tôi?

– Đúng.

– Cha tôi là một người luôn muốn sống trọn vẹn đời mình, với sự lương thiện, nhưng muốn đạt được mức tối đa. Cha hiểu ý con chứ?

– Hiểu, nhưng cha anh có đạt được điều đó?

– Ở một mức độ nào đó, nhưng ông luôn gặp điều không may khi gần đến mục tiêu.

Đôi lông mày của Carl cau lại trong vẻ trầm tư. Cuối cùng, ông nói;

– Cha anh cho rằng đời sống phải được sống đến hết mức, nhưng ông không thực hiện được điều đó có phải thế?

– Vâng.

– Vậy, anh có tự hỏi tại sao?

– Tôi không thắc mắc, nhưng luôn nghĩ rằng cha tôi kém may mắn.

– Phải chăng ông ấy không tìm thấy cách thức để đạt được ước mơ?

– Rất có thể.

– Còn mẹ anh thì sao?

– Mẹ tôi đã qua đời.

– Bà ấy xem cuộc đời là thế nào?

– Mẹ tôi đã sống như người ta đi lễ nhà thờ. Bà tuân theo những quy tắc của tín đồ Công giáo.

– Nghĩa là sao?

– Mẹ tôi tin vào luật của Thiên Chúa và cho rằng bổn phận của mỗi người là phục vụ cộng đồng.

– Bà ấy có tuân theo luật Thiên Chúa

– Hoàn toàn tuân theo, ít ra là theo cách mà Giáo hội đã rao giảng.

– Bà ấy có thuyết phục cha anh noi theo?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.