Mạng Nhện Của Charlotte
CHƯƠNG 14: BÁC SĨ DORIAN
Hôm sau là thứ bảy, Fern đứng cạnh bồn rửa bát trong bếp, lau khô bát đĩa mà mẹ cô vừa rửa. Bà Arable lặng lẽ làm việc. Bà muốn Fern đi ra ngoài chơi với những đứa trẻ khác thay vì đến thẳng sân kho ngồi ngắm nhìn bầy gia súc.
– Charlotte là người kể chuyện hay nhất mà con từng được nghe. – Fern vừa nói, vừa lau bát.
– Ferny, – mẹ cô nghiêm khắc nói. – Con không được bịa chuyện. Con thừa biết là nhện không kể chuyện. Nhện không thể nói được.
– Nhưng Charlotte nói được đấy. – Fern đáp. – Cô ấy không nói to lắm.
– Nó kể loại chuyện gì? – Bà Arable hỏi.
– À, – Fern bắt đầu, – cô ấy kể cho con nghe về một người chị họ của cô ấy đã bắt một con cá vào mạng nhện. Mẹ không nghĩ là điều ấy thật hấp dẫn ư?
– Con ngoan của mẹ ơi! Làm thế nào mà một con cá lại rơi vào một chiếc mạng nhện được? – Bà Arable nói. – Con biết là nó không thể xảy ra được. Con lại thêu dệt chuyện rồi đấy.
– Ôi, chuyện có thật đấy mẹ ạ. – Fern đáp. – Charlotte không bao giờ nói dối. người chị họ này của cô ấy đã chăng một cái mạng nhện vắt ngang qua một con suối. Một hôm cô ta đang ở trên mạng và một con cá bé xíu nhảy lên không trung và vướng vào mạng nhện. một vây của con cá bị mắc, đuôi của nó quẫy tung lên và lấp lánh dưới ánh mặt trời. Mẹ không thể hình dung ra chiếc mạng đang võng xuống một cách nguy hiểm dưới sức nặng của con cá ư? Chị họ của Charlotte đã lẻn vào, lách ra và đã bị đánh vào đầu một cách không thương xót bởi con cá đang quẫy tung, nhện nhảy ra, nhảy vào, nhả tơ…
– Fern! – Mẹ cô bé cắt ngang. – Thôi đi! – Đừng có bịa những câu chuyện hoang đường nữa.
– Con không bịa đâu. – Fern nói. – Con chỉ kể cho mẹ nghe sự việc có thật thôi.
– Cuối cùng thì điều gì xảy ra? – Mẹ cô bé, lúc này trí tò mò đã thắng, liền hỏi.
– Chị họ của Charlotte đã thắng. Cô ấy gói con cá lại, rồi chén nó khi đã khỏe và sẵn sàng. Nhện cũng cần phải ăn, giống như tất cả chúng ta thôi.
– Phải, mẹ cho là thế. – Bà Arable yếu ớt nói.
– Charlotte có một người chị họ khác là nhà khinh khí cầu. Cô ta đứng bằng đầu, nhả ra rất nhiều tơ và được nâng bổng lên theo gió. Mẹ, mẹ không thích chỉ làm như vậy thôi ư?
– Phải, mẹ có, khi nghĩ đến điều đó. – Bà Arable đáp. – Nhưng Fern, con yêu, mẹ muốn hôm nay con chơi ở ngoài cửa chứ không đến sân kho nhà chú Homer. Hãy tìm vài đứa bạn của con và chơi cái gì đó vui vui ở ngoài nhà. Con đã ở cái sân kho ấy quá nhiều. Ở một mình quá nhiều không tốt cho con đâu.
– Một mình ư? – Fern nói. – Một mình ư? Những người bạn tốt nhất của con là ở tầng hầm sân kho. Đó là một chỗ rất dễ kết bạn. Hoàn toàn không cô đơn chút nào cả.
Một lúc sau Fern biến xuống đường đến nhà Zuckerman. Mẹ cô quét bụi trong phòng khách. Vừa làm bà vừa nghĩ về Fern. Việc một cô bé con quan tâm quá nhiều đến gia súc hình như không tự nhiên lắm. Cuối cùng bà Arable quyết định trong đầu là bà sẽ đến gặp bác sĩ Dorian và xin ông ta lời khuyên. Bà đánh xe ô tô ra và lái đến trụ sở của ông ở trong làng.
Bác sĩ Dorian có bộ râu rất rậm. Ông vui mừng được gặp bà Arable và đưa cho bà một cái ghế ngồi tiện lợi.
– Chuyện về con Fern nhà tôi. – Bà giải thích. – Fern ở sân kho nhà Zuckerman quá nhiều. Điều đó có vẻ không bình thường. Con bé nó ngồi trên một chiếc ghế vắt sữa ở một góc của tầng hầm sân kho, gần chuồng lợn và ngắm nhìn gia súc hết giờ này qua giờ khác. Nó chỉ ngồi và nghe thôi.
Bác sĩ Dorian tựa lưng và nhắm nghiền mắt lại.
– Thật mê thích làm sao! – Ông nói. – Ở đó hẳn thật sự đẹp và yên bình. Homer có mấy con cừu có phải không?
– Vâng, bà Arable nói. – Nhưng tất cả điều này bắt đầu với chú lợn mà chúng tôi đã để cho Fern nuôi bằng chai sữa. Con bé gọi nó là Wilbur. Homer đã mua nó, và từ hồi nó dời chỗ chúng tôi đến giờ, Fern đã đến nhà chú để được gần nó.
– Tôi đã nghe đồn về con lợn đó, – bác sĩ Dorian mở mắt ra và nói. – Người ta bảo rằng nó là một chú lợn hay lắm.
– Bác sĩ có nghe nói về những chữ xuất hiện trên mạng nhện chưa? – Bà Arable lo lắng hỏi.
– Rồi, – ông bác sĩ đáp.
– Vậy, bác sĩ có hiểu điều đó không? – Bà Arable hỏi.
– Hiểu gì cơ?
– Bác sĩ có hiểu làm thế nào mà lại có chữ viết trên một chiếc mạng nhện được không?
– Ồ, không. -Bác sĩ Dorian nói. – Tôi không hiểu điều ấy. Nhưng về vấn đề đó, trước hết là tôi không hiểu làm thế nào mà một con nhện lại học cách chăng một chiếc mạng nhện được. Khi các chữ xuất hiện, mọi người đều nói rằng chúng là một phép lạ. Nhưng không ai chỉ ra rằng bản thân chiếc mạng nhện cũng là một phép lạ.
– Điều gì là kỳ lạ về một chiếc mạng nhện? – Ba Arable nói. – Tôi không biết tại sao bác sĩ nói một chiếc mạng nhện lại là một phép lạ. Nó chỉ là một chiếc mạng nhện mà thôi.
– Bà có bao giờ thử chăng một cái không? – Bác sĩ Dorian hỏi.
Bà Arable xoay mình trên ghế một cách bứt rứt.
– Không, bà đáp. – Nhưng tôi có thể móc khăn và mạng bít tất.
– Chắc chắn rồi, – bác sĩ nói. – Nhưng có người đã dạy bà, phải không?
– Mẹ tôi đã dạy tôi.
– À, vậy ai dạy cho một con nhện? Một con nhện con biết cách chăng mạng mà không cần đến lời chỉ dẫn nào của bất kỳ ai. Bà không xem điều đó là một phép lạ ư?
– Tôi cho là thế, – bà Arable nói. – Trước đây tôi chưa hề nghĩ theo cách như vậy. Nhưng tôi vẫn không hiểu những chữ đó được đưa vào chiếc mạng như thế nào. Tôi không hiểu điều ấy và tôi không thích những gì mà tôi không thể hiểu được.
– Chẳng ai trong chúng ta muốn thế cả, bác sĩ Dorian thở dài nói. – Tôi là một bác sĩ. Bác sĩ là phải hiểu tất cả mọi thứ. Nhưng tôi không hiểu hết tất cả mọi thứ, và tôi không định để điều đó làm tôi phải lo nghĩ. Bà Arable bồn chồn. “Fern nói là bầy gia súc trò chuyện với nhau. Thưa bác sĩ Dorian, ông có tin là gia súc trò chuyện được không?”
– Tôi chưa bao giờ nghe được con nào nói điều gì, – ông đáp. – Nhưng điều ấy chẳng chứng tỏ được cái gì cả. Rất có thể có một con vật nói với tôi và tôi đã không nhận thấy được bởi vì tôi không chú ý. Trẻ con để ý tốt hơn là người lớn. Nếu Fern nói là gia súc ở sân kho nhà Zuckerman trò chuyện, tôi hoàn toàn sẵn lòng tin cô bé. Có thể nếu con người nói ít đi, loài vật sẽ nói nhiều hơn. Con người thường nói liên miên – tôi cho bà hay điều đó.
– Vậy thì, tôi cảm thấy đỡ lo về Fern, – bà Arable nói. – Bác sĩ không nghĩ là tôi cần lo lắng cho con bé chứ ?
– Trông con bé có khỏe không ?
– Ồ, có.
– Ăn ngon miệng chứ ?
– Ồ, có, con bé luôn thấy đói.
– Đêm ngủ ngon chứ ?
– Ồ, vâng.
– Thế thì đừng lo, – bác sĩ nói.
– Bác sĩ có nghĩ là con bé sẽ có ngày bắt đầu nghĩ về điều gì khác ngoài lợn và cừu và ngỗng và nhện ra không?
– Fern lên mấy rồi?
– Cháu lên tám.
– À. – Bác sĩ Dorian nói. – Tôi nghĩ là nó luôn yêu súc vật. Nhưng tôi không tin là nó sẽ suốt đời quanh quẩn ở tầng hầm sân kho nhà Zuckerman. Còn về bọn con trai thì sao – nó biết thằng bé nào không?
– Nó biết Henry Fussy, – bà Arable hân hoan nói.
Bác sĩ Dorian lại nhắm mắt lại và trầm tư suy nghĩ, – “Henry Fussy,” – ông ta lẩm bẩm. “Hừm, đặc biệt đấy.”
– Ồ, tôi không nghĩ bà có gì phải lo lắng cả. Hãy để Fern kết giao với bạn bè của cô bé ở sân kho nếu nó muốn vậy. Tôi sẽ bảo rằng, theo ý tôi, nhện và lợn cũng hoàn toàn thú vị như Henry Fussy. Nhưng tôi tiên đoán sẽ có một ngày mà ngay cả Henry cũng sẽ có những dịp tốt để thu hút sự chú ý của Fern. Thật kỳ lạ là trẻ con thay đổi qua năm này qua năm khác như thế nào. Avery thì sao ?
– Ồ, Avery, – bà Arable cười khe khẽ. – Avery lúc nào cũng bình thường. Tất nhiên nó chui vào bụi thường xuân độc, bị ong bắp cày và ong mật đốt, rồi nó mang ếch và rắn về nhà, và nó làm vỡ tất cả mọi thứ mà nó nhúng tay vào. Nó bình thường.
– Tốt, – bác sĩ nói.
Bà Arable chào tạm biệt và cảm ơn bác sĩ Dorian rất nhiều về những lời khuyên. Bà cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.