Mạng Nhện Của Charlotte

CHƯƠNG 5: CÔ NHỆN CHARLOTTE



Đêm dường như quá dài. Bụng Wilbur rỗng không, trong đầu ngổn ngang bao ý nghĩ. Và khi mà bụng của bạn rỗng mà đầu bạn lại đầy ắp những suy nghĩ thì thật khó mà ngủ được. 

Đêm đó có đến hàng chục lần Wilbur tỉnh giấc, chú nhìn chằm chằm vào bóng đêm và cố thử đoán xem đã mấy giờ rồi. Sân trại không bao giờ có sự yên tĩnh tuyệt đối. Thậm chí vào lúc nửa đêm cũng vẫn có điều gì đó xao động. Lần đầu tiên thức giấc, chú nghe thấy tiếng Templeton đang gặm một lỗ nơi thùng gạo. Răng Templeton cạo kèn kẹt vào gỗ và gây ra tiếng ồn. 

– Cái gã chuột điên khùng đó, – Wilbur nghĩ thầm. – Tại sao lại thức suốt đêm và phá hoại tài sản của con người. Tại sao lão lại không thể đi ngủ như bất kỳ một con vật tử tế nào khác được nhỉ? 

Lần thứ hai khi Wilbur thức giấc, chú nghe thấy tiếng chị ngỗng trở mình trong ổ và kêu cục cục. 

– Mấy giờ rồi nhỉ? – Wilbur thầm thì hỏi chị ngỗng. 

– Có… có, có thể khoảng mười một giờ rưỡi rồi đấy. – Ngỗng cái nói. – Sao cậu không ngủ đi, Wilbur? 

– Tâm trí em đang ngổn ngang bao suy nghĩ, – Wilbur nói. 

– Vậy à? – Ngỗng cái nói. – Đó không phải là điều phiền muộn của tôi. Tôi chẳng có gì ở trong đầu, nhưng lại quá nhiều thứ dưới phao câu. Đã bao giờ cậu thử đi ngủ trong khi đang nằm trên tám quả trứng chưa? 

– Chưa ạ, – Wilbur trả lời. – Chắc là không lấy gì làm thoải mái lắm. Bao lâu thì trứng ngỗng sẽ nở hả chị? 

– Xấp… xấp xỉ ba mươi ngày, ấy là mọi người nói như vậy, – ngỗng đáp. – Nhưng tôi cũng ăn gian được một lúc. Vào buổi chiều ấm áp, tôi phủ một ít rơm lên trứng và ra ngoài đi dạo. 

Wilbur ngáp dài và thiếp đi. Trong giấc mơ chú lại nghe thấy tiếng nói cất lên: 

– Mình sẽ là bạn của bạn. Ngủ đi. Khi trời sáng bạn sẽ trông thấy mình.

Khoảng nửa giờ trước khi trời sáng, Wilbur bừng tỉnh và nghe ngóng. Sân trại vẫn tối. Đàn cừu nằm yên lặng. Thậm chí cả ngỗng cái cũng đã nằm im. Trên tầng trên, nền chính của nhà kho, tất cả đều yên tĩnh. Những con bò đang nghỉ ngơi, bầy ngựa thì ngủ. Chuột xám Templeton đã ngừng gặm gỗ và chạy đi đâu đó làm những việc vặt vãnh khác. Chỉ có những tiếng xao động khe khẽ từ trên mái, nơi chiếc chong chóng gió đang đu đưa, vọng xuống. Wilbur rất thích khoảnh khắc đó của sân trại – yên tĩnh và êm đềm chờ đón bình minh. 

“Sắp sáng rồi”, – chú nghĩ. 

Qua ô cửa sổ, một tia sáng yếu ớt xuất hiện. Những ngôi sao lần lượt biến mất. Wilbur đã có thể trông thấy ngỗng cái cách đó vài bước. Cô ta nằm im, đầu rúc dưới cánh. Rồi chú có thể nhìn thấy bầy cừu và lũ cừu con. Trời đã sáng. 

– Ôi, một ngày tuyệt vời. Cuối cùng thì mặt trời cũng đã mọc! Hôm nay mình sẽ thấy người bạn của mình. 

Wilbur nhìn ngó khắp nơi. Chú soát máng ăn không sót chỗ nào. Chú “kiểm tra” thành cửa sổ, chăm chú dõi nhìn lên trần nhà. Nhưng chú không phát hiện ra được điều gì mới. Sau cùng chú quyết định phải lên tiếng. Chú không thích để tiếng nói của mình phá vỡ sự yên ắng của buổi bình minh, nhưng chú không thể nghĩ nổi được cách nào khác để tìm ra người bạn mới bí ẩn mà chú không thấy ở đâu cả. Vì vậy, Wilbur đằng hắng: 

– Làm ơn chú ý! – Giọng chú to và cương quyết – Ai là người đêm qua vào lúc đi ngủ đã nói chuyện với tôi xin hãy vui lòng biểu lộ một dấu hiệu thích hợp nào đó được không! 

Wilbur ngừng nói và lắng nghe. Tất cả những con vật khác đều ngóc đầu dậy và chằm chằm nhìn chú. Wilbur cảm thấy xấu hổ, nhưng chú nhất quyết phải tiếp xúc cho bằng được với người bạn chưa quen nọ. 

– Làm ơn chú ý! – Chú nói. – Tôi sẽ nhắc lại lời thông báo. Liệu người bạn mà đêm hôm qua vào giờ đi ngủ đã nói chuyện với tôi có thể vui lòng lên tiếng được không. Nếu là bạn của tôi thì hãy cho tôi biết bạn ở đâu. 

Đàn cừu nhìn nhau nhăn mặt vẻ ghê tởm.

– Chấm dứt sự ngu ngốc khó chịu này của cháu đi. Wilbur! – Bác cừu già nhất bảo. – Nếu cháu có một người bạn mới ở đây thì có thể cháu đang khuấy động sự nghỉ ngơi của bạn cháu đấy, và cách phá vỡ tình bạn nhanh nhất là đánh thức người ta dậy vào buổi sáng trước khi người ta kịp chuẩn bị. Làm thế nào mà cháu biết chắc được bạn cháu là một người dậy sớm? 

– Tôi xin lỗi tất cả mọi người, – Wilbur thì thầm. – Tôi không định làm phiền mọi người đâu. 

Chú nằm xuống đống phân khô một cách hiền lành, quay mặt ra phía cửa. Chú không biết một điều rằng bạn chú ở gần ngay đây. Và bác cừu già nói đúng. Người bạn ấy còn đang ngủ. 

Vừa lúc đó Lurvy xuất hiện với xô cám cho bữa điểm tâm. Wilbur chạy đến, vội vã chén sạch tất cả thức ăn, rồi liếm cả quanh máng. Đàn cừu đi xuôi theo con đường nhỏ, có ngỗng đực lạch bạch chạy theo sau, vặt cỏ. Và khi ấy, đúng lúc Wilbur vừa định chợp mắt thì giọng nói trong đêm trước lại cất lên: 

– Xin kính mừng ngài, – giọng đó nói. 

Wilbur bật dậy: 

– Cái gì cơ? – Chú kêu lên. 

– Xin kính mừng ngài! – Giọng nói nhắc lại. 

– Bạn ở đâu thế? – Wilbur kêu to. – Làm ơn, làm ơn cho tôi biết bạn ở đâu. Và xin kính mừng ngài có nghĩa là gì vậy? 

– Xin kính mừng ngài có nghĩa là chào bạn. – Giọng đó nói – Đấy là cách mình thích dùng thay cho “xin chào” hay “chào buổi sáng tốt lành” thôi. Thật ra thì đây đúng là một sự thể hiện ngu ngốc, và mình cũng lấy làm ngạc nhiên vì mình đã sử dụng nó. Hãy ngẩng lên nhìn xem, ở chỗ góc cửa ấy! Mình đang vẫy chào bạn đấy mà! 

Cuối cùng thì Wilbur cũng đã nhìn thấy người vừa mới ân cần nói chuyện với chú. Trải rộng ra và phủ khắp phần trên cửa ra vào là một cái mạng nhện rất lớn, đính trên chiếc mạng là một cô nhện xám to đang nằm treo lơ lửng, đầu chúc xuống. Cô có kích thước khoảng bằng một hạt cao su, với tám cái chân, và một chân đang thân mật vẫy chào Wilbur. 

– Bây giờ đã trông thấy mình chưa? – Cô hỏi. 

– À, mình thấy rồi. – Wilbur nói. – Bạn thế nào? Chúc buổi sáng tốt đẹp! Rất vui sướng được gặp bạn. Thế bạn tên là gì? Mình có thể biết tên bạn được không? 

– Tên mình, – cô nhện nói, – là Charlotte! 

– Charlotte gì cơ?? – Wilbur hăm hở hỏi. 

– Charlotte A. Cavatica. Nhưng chỉ cần gọi mình là Charlotte là đủ. 

– Mình nghĩ là bạn rất đẹp. – Wilbur nói. 

– Mình xinh xắn, – Charlote đáp. – Không thể phủ nhận điều đó. Hầu như tất cả các cô nhện đều trông khá dễ coi. Mình không tuyệt sắc như một vài cô khác, nhưng mình xinh. Ước gì mình có thể trông thấy bạn rõ như là bạn trông thấy mình, Wilbur nhỉ? 

– Tại sao lại không? – Chú lợn hỏi. – Mình ở đây này. 

– Ừ, nhưng mình bị cận thị – Charlotte đáp. – Mình luôn bị cận nặng. Điều đó đôi khi tốt, nhưng không phải trong mọi trường hợp. Hãy xem mình tóm chú ruồi này. 

Một con ruồi sau khi bò dọc theo máng của Wilbur đã bay lên, va phải phần dưới chiếc mạng của Charlotte và đang giãy giụa trên những sợi tơ dính. Con ruồi đập cánh một cách điên cuồng, cố xé chiếc mạng hòng thoát thân. 

– Trước hết, – Charlotte nói, – mình sẽ xông vào. – Nhện buông mình từ trên xuống, đầu cắm xuống và lao về phía con ruồi. Khi cô bò, một sợi tơ nhỏ xíu óng ánh bạc trải dài ra phía sau. – Sau đó mình sẽ gói nó lại. – Cô túm lấy con ruồi, nhả ra mấy sợi tơ và quấn quanh thân ruồi để trói nó lại. Nó không còn cử động được nữa. Wilbur sợ sệt theo dõi mọi chuyện đang diễn ra. Chú hầu như không thể tin được vào mắt mình và mặc dù chẳng ưa gì giống ruồi chú cũng cảm thấy thương cho con ruồi này. 

– Đó! – Charlotte nói. – Bây giờ mình sẽ nghiền nó ra, như vậy thì nó sẽ trở nên ngon hơn. Cô đập con ruồi – Giờ thì nó không còn cảm thấy gì nữa, – Cô tiếp tục. – Mình đã có một bữa sáng bổ béo rồi! 

– Nghĩa là bạn ăn thịt ruồi ư? – Wilbur thở hổn hển. 

– Chứ còn gì nữa. Ruồi, rệp, châu chấu, bọ cánh cứng hảo hạng, nhậy, bướm, những con gián thơm ngon, muỗi mắt, ruồi nhuế, muỗi, dế… bất kỳ con gì vô ý rơi vào lưới của mình. Mình cũng phải sống chứ, đúng không nào? 

– Ồ, sao cơ nhỉ, tất nhiên rồi, – Wilbur nói. – Thế chúng có ngon không? 

– Ngon chứ. Lẽ dĩ nhiên là mình không thực sự ăn thịt chúng. Mình hút máu chúng. Mình thích hút máu. – Charlotte nói và cái giọng lanh lảnh, vui vẻ của cô thậm chí lại càng lanh lảnh và vui vẻ hơn. 

– Xin đừng nói vậy! – Wilbur rên rỉ. – Làm ơn xin đừng nói những điều như thế nữa! 

– Tại sao lại không? Đó là sự thật, và mình phải nói sự thật. Mình không hoàn toàn vui sướng khi mình ăn ruồi và rệp, nhưng mình bắt buộc phải làm như vậy. Một con nhện phải tự kiếm ăn bằng cách này hay cách khác, và mình sinh ra để làm kẻ đặt bẫy. Mình chỉ chăng tơ, bẫy ruồi và các loại côn trùng khác một cách hoàn toàn tự nhiên. Mẹ mình trước đây cũng là thợ đặt bẫy. Bà mình trước kia cũng vậy. Cả gia đình mình ai cũng thế. Hàng ngàn vạn năm về trước, họ hàng nhện nhà mình cũng đã biết bắt ruồi và rệp. 

– Đó là gen di truyền thật đáng sợ – Wilbur nói với vẻ phiền não. Chú buồn vì người bạn mới của chú quá khát máu. 

– Đúng thế, – Charlotte công nhận. – Nhưng mình biết làm sao được. Mình không hiểu những ngày xa xưa thời nguyên thủy bà tổ của loài nhện làm sao lại nảy ra được cái ý tưởng tuyệt vời là chăng tơ dệt mạng, nhưng bà đã làm như vậy, bà thật là thông minh. Từ đó, tất cả họ hàng nhện nhà mình đều phải làm những công việc như vậy. Nói chung điều ấy cũng không đến nỗi tồi tệ lắm. 

– Thật là tàn bạo! – Wilbur đáp, chú không muốn để mình bị thuyết phục. 

– Hừ, bạn không thể nói thế được. – Charlotte nói. – Người ta mang cả xô thức ăn đến cho bạn. Còn mình thì không được ai nuôi cả. Mình phải tự kiếm ăn. Mình sống nhờ ở sự không ngoan của chính mình. Mình phải sắc sảo và khéo léo, nếu không thì mình sẽ chết đói. Mình phải tự làm lấy mọi việc, bắt những gì mà mình có thể bắt – đón nhận tất cả những gì đến với mình. Và rồi điều ấy xảy ra bạn ạ. Ruồi, côn trùng, rồi rệp tự rơi vào bẫy của mình. Hơn nữa, – Charlotte khua một chân nói tiếp, – bạn có biết rằng nếu mình không bắt rệp và ăn thịt chúng, thì loài rệp sẽ sinh sôi nảy nở và trở nên đông đúc đến mức chúng sẽ tàn phá trái đất và tiêu diệt muôn loài không? 

– Thật thế ư? – Wilbur nói, mình không muốn điều đó xảy ra. Rốt cuộc thì chiếc mạng của bạn có thể là một vật có ích. 

Ngỗng cái lắng nghe cuộc trò chuyện vừa rồi và cục cục tự nhủ: “Wilbur còn quá ít hiểu biết về cuộc sống.” – Cô ta nghĩ. – “Nó thực sự là một chú lợn con nhỏ dại. Thậm chí nó không hề biết điều gì sắp xảy ra với nó vào dịp lễ Giáng sinh. Nó không biết rằng Lurvy và ông Zukerman đang dự định sẽ làm thịt nó”. 

Ngỗng cái dướn người lên một chút và đảo mấy quả trứng xuống phía dưới bụng để chúng có thể nhận được toàn bộ nhiệt lượng từ thân thể ấm áp và bộ lông mềm mại của cô ta. 

Charlotte nằm im đè lên con muỗi, chuẩn bị chén. Wilbur nằm xuống và nhắm nghiền hai mắt lại. Chú đã thấm mệt vì đêm hôm trước chú thức dậy nhiều lần do sự náo nức lần đầu tiên có một người bạn mới. Một làn gió nhẹ nhàng đưa lại mùi cỏ ba lá – cái mùi thơm ngào ngạt của thế giới phía bên kia hàng rào. 

“Ồ”, – chú nghĩ, – “mình đã có một người bạn mới, đúng vậy. Nhưng tình bạn này mới thật mong manh làm sao! Charlotte thật hung dữ, tàn bạo, xảo quyệt và khát máu – đó là điều mình không thích tí nào. Làm sao mình có thể quý mến cô ấy được đây, dù cho cô ấy có xinh đẹp, và tất nhiên, thông minh đi nữa”. 

Wilbur cảm thấy khổ sở vì nghi ngờ và sợ hãi, điều thường xảy ra khi có một người bạn mới. Nhưng rồi thời gian sẽ giúp chú nhận ra rằng chú đã hiểu lầm về Charlotte. Ẩn dưới cái vỏ bề ngoài khá hung tợn và tàn bạo của cô là một trái tim nhân hậu và chẳng bao lâu cô sẽ chứng tỏ sự trung thực và chân thành của mình cho đến phút chót.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.