Nghệ Thuật Quyến Rũ

PHỤ LỤC A: MÔI TRƯỜNG QUYẾN RŨ/ THỜI GIAN QUYẾN RŨ



Trong quyến rũ, nạn nhân phải từ từ cảm thấy những thay đổi bên trong. Dưới tác động của bạn, họ giảm bớt phòng vệ, cảm thấy tự do hành động khác bình thường, trở thành một người khác. Một số nơi, môi trường và kinh nghiệm có thể giúp bạn rất nhiều khi tìm cách thay đổi, biến chuyển con mồi. Những nơi sang trọng, màu mè – bề ngoài xa hoa, tráng lệ, tinh thần muốn chơi bời thoải mái – tạo cảm giác vui vẻ như trẻ con, làm nạn nhân khó lòng suy nghĩ chín chắn. Tạo cảm giác thay đổi về thời gian cũng có hiệu ứng tương tự – không thể quên, những phút giây choáng váng, tâm trạng hội hè, chơi bời vui vẻ. Phải làm nạn nhân cảm thấy rằng ở cùng bạn họ có những giây phút khác hẳn thế giới thực của họ.

LỄ HỘI: THỜI GIAN VÀ NƠI CHỐN

Nhiều thế kỷ về trước, cuộc sống ở hầu hết những nền văn hóa đều bị vây phủ bởi công việc và lề thói. Nhưng vào những thời điểm nhất định trong năm, cuộc sống ấy lại được xen kẽ bằng lễ tết. Trong suốt những ngày lễ tết này – lễ hội thần nông của người La Mã cổ, lễ hội cây nêu 1-5 ở châu Âu, lễ hội potlatch vĩ đại của những người da đỏ Chinook – công việc đồng ánh hay buôn bán đều ngưng lại. Toàn thể bộ lạc hay thị trấn tụ họp lại với nhau ở moat nơi thiêng liêng được dành riêng cho kì lễ hội đó. Tạm thời được giải thoát khỏi bổn phận và trách nhiệm, mọi người đều được quyền “hoá điên lên”; họ thường mang những chiếc mặt nạ hay phục trang, những thứ ấy đem lạ cho họ những bản sắc mới, đôi lúc là của những nhân vật nay sức mạnh tái hiện lại những truyền thuyết vĩ đại trong nền văn hoá của họ. Lễ hội là một sự giải thoát lớn lao khỏi những gánh nặng của cuộc sống thường ngày, thay đổi cảm nghiệm về thời gian của con người, đem lại những giây phút mà họ như bước ra khỏi con người của chính mình. Thời gian như dừng lại. Những điều giống như những trải nghiệm như vậy vẫn còn có thể được tìm thấy ở những lễ hội hoá trang vĩ đại vẫn còn tồn tại trên thế giới.

Lễ hội tượng trưng cho một sự ngắt quảng trong cuộc sống hàng ngày của một người, là một trải nghiệm hoàn toàn khác biệt khỏi những lề thói thường ngày. Ở một mức độ gần gũi hơn thì đó chính là cách mà bạn mường tượng nên những bạn quyến rũ. Trong khi quá trình quyến rũ tiếp diễn, đối phương cũng cảm nhận được một sự khác biệt hoàn toàn khỏi đời sống hàng ngày – được tự do khỏi công việc và trách nhiệm. Lao mình vào niềm vui và chơi đùa, họ có thể hành động một cách khác lạ, có thể trở thành một người khác, cứ như thể họ đang mang một chiếc mặt nạ. Khoảng thời gian bạn ở với họ được dành heat cho họ mà không phải là gì khác. Thay vì cứ phải lặp lại vòng quay công việc và nghỉ ngơi thường ngày, bạn đang mang đến cho họ những khoảnh khắc ấn tượng, tuyệt vời nổi bật ra khỏi những gì sáo mòn. Bạn đưa họ tới những nơi không giống như những nơi mà họ thấy trong cuộc sống bình thường – là những nơi như chỉ có trên sân khấu, là những nơi được làm nổi bật lên. Môi trường vật lý tác động mạnh mẽ lên tâm trạng con người; vì vậy một nơi được dành riêng cho khoái lạc và vui chơi sẽ ngầm gợi nên những suy nghĩ về khoái lạc và vui chơi. Khi đối phương quay trở về với bổn phận của họ, trở về với thế giới thực của họ, họ sẽ cảm nhận được sự đối lập mạnh mẽ và họ sẽ bắt đầu say mê nơi kế tiếp mà bạn đưa họ tới. Những gì bạn đang tạo ra về cơ bản chính là không gian và thời gian dành dành cho lễ hội, những giây phút mà thế giới thực tại tan biến và tưởng tượng lấn át. Nền văn hoá của chúng ta không còn cho ta những trải nghiệm như vậy nữa, vì thế mà con người khao khát chúng. Đó là lí do tại sao mà hầu hết mọi người đều đang chờ đợi được người khác quyến rũ và cũng là lí do mà họ sẽ rơi vào vòng tay của bạn nếu bạn thực hiện đúng cách.

Sau đây là những thành phần then chốt đối với việc tái hiện nên không gian và thời gian lễ hội:

Tạo ra những hiệu ứng sân khấu. Sân khấu thường tạo một cảm giác về một thế giới kỳ ảo, tách biệt. Cách trang điểm của các diễn viên, cách bài trí sân khấu không chân thật nhưng lại lôi cuốn, những trang phục có đôi nét không xác thực – tất cả những hình ảnh được nhấn mạnh ấy cùng với câu chuyện của vở diễn sẽ tạo nên ảo giác. Để tạo ra hiệu ứng này trong đời thực, bạn phải tự tạo cho mình những phục trang, cách trang điểm và thái độ để có được một tính chất giả tạo, vui vẻ – đưa đến cảm giác bạn khoác lên mình những thứ ấy là vì niềm vui của khán giả. Nay chính là hiệu quả như một nữ thần do Marlene Dietrich tạo ra, hay hiệu quả hấp dẫn mà một tay ăn diện như Beau Brummel có được. Những cuộc gặp gỡ giữa bạn và đối phương cũng nên có một bầu không khí của kịch nghệ, có được thông qua khung cảnh mà bạn chọn và cả hành động của bạn nữa. Đừng để cho đối phương biết những gì sẽ xảy ra kế tiếp. Hãy tạo nên cảm giác hồi hộp thông qua những bước đi lắt léo dẫn tới một kết thúc có hậu; bạn đang biểu diễn mà. Bất cứ khi nào đối phương gặp bạn, họ được trở lại cảm giác mơ hồ như trong một vở diễn ấy. Cả hai đều có được cảm giác hào hứng như khi được mang những chiếc mặt nạ, được thể hiện một vai trò khác biệt so với vai trò mà cuộc sống đã sẻ chia cho bạn.

Sử dụng ngôn ngữ thuộc về thị giác gợi xúc cảm. Một số dạng kích thích thị giác nhất định biểu thị rằng bạn không ở trong thế giới thực. Bạn muốn tránh những hình ảnh có chiều sâu có thể gợi nên suy nghĩ, hoặc tội lỗi; thay vào đó, bạn nên sử dụng những khung cảnh hoàn toàn không mang chất gợi, những đồ vật lấp lánh, những tấm gương, những hồ nước, ánh sáng lấp lánh thường thường xuyên. Sự choáng ngợp của giác quan khi ở trong những không gian ấy sẽ tạo nên một cảm giác vui thích, mê say. Càng giả tạo bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Phô bày cho đối phuowng thấy một thế giới nay niềm vui, nay những cảnh sắc và âm thanh kích thích bản chất trẻ con trong con người họ. Sự xa xỉ – cảm giác tiền bạc đã được bỏ ra thậm chí là bị hoang phí – cũng sẽ làm tăng thêm xúc cảm rằng thực tại của trách nhiệm và đạo đức đã tan biến. Chúng ta gọi đó là hiệu ứng khêu gợi.

Đông vui hay thân mật. Nhiều người tụ họp lại với nhau sẽ đưa cảm giác xúc động về tâm lý lên tới mức nhạy cảm. Những kì lễ hội hay những buổi hoá trang đều dựa trên cảm xúc lan truyền nhanh do đám đông tạo ra. Thỉnh thoảng hãy đưa đối phương tới những nơi như thế nhằm làm giảm bớt đi tính chất thủ thế thường ngày của họ. Tương tự như vậy, bất lỳ hoàn cảnh nào đưa đẩy con người lại với nhau trong một không gian chật hẹp diễn ra trong một khoảng thời gian dài thì rất dễ dẫn đến chuyện quyến rũ. Trong nhiều năm, Sigmund Freud đã giữ được một nhóm những môn đồ khắng khít với nhau tham dự những bài thuyết giảng riêng của ông và cũng là những người liên quan đến những chuyện tình tới một con số gây ngạc nhiên. Vậy hãy đưa người ấy tới những nơi có không khí lễ hội và đông người, hoặc tìm kiếm đối phương ở một nơi chật hẹp nào đó.

Tạo ra những hiệu ứng thần bí. Những hiệu ứng thần bí hay tâm linh đều làm sao lãng tâm trí con người khỏi thực tại, làm cho họ cảm thấy như bay bổng và phấn khích. Cảm xúc ấy chính là một bước nhỏ để đi tới khoái cảm về thể xác. Sử dụng bất kỳ đạo cụ nào sẵn có – những cuốn sách về thiên văn học, những hình ảnh đẹp đẽ, hay những âm thanh mang vẻ bí hiểm từ một nền văn hóa xa xôi nào đó. Thầy đồng nổi danh người Úc thế kỷ XVIII Franz Mesmer đã lấp đầy phòng khách của mình với những âm thanh của đàn hạc, mùi hương của những loại hương trầm lạ lẫm và giọng một phụ nữ hát ở một căn phòng xa xa. Trên những bức tường thầy đặt những tấm kính màu và những tấm gương. Khách hàng của thầy sẽ cảm thấy thư giãn, tươi vui, và khi họ ngồi trong căn phòng nơi thầy dùng những thỏi nam châm có tác dụng chữa bệnh, họ sẽ cảm thấy có một thứ kim châm về tinh thần truyền từ người này sang người khác. Bất cứ điều gì bí ẩn một cách mơ hồ đều góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của thế giới thực, và sẽ rất dễ dàng để chuyển từ tâm linh sang tình dục.

Bóp méo cảm nghiệm về thời gian – tính chất chóng vánh và tuổi thanh xuân. Thời gian lễ hội có một đặc điểm về sự nhanh chónh và hào hứng làm cho con người cảm thấy sống động hơn. Hãy để quyến rũ làm trái tim đập nhanh hơn để đối phương không cảm nhận được hành trình thời gian đang trôi qua. Hãy đưa họ tới những nơi luôn nhộn nhịp những hoạt động và di chuyển. Cùng đi với họ trong những chuyến du lịch, làm phân tâm trí óc của họ bằng những cảnh vật mới. Tuổi thanh xuân có thể phai tàn và chấm dứt nhưng việc quyến rũ sẽ mang lại cảm giác tươi trẻ, bất kể tuổi tác của người ấy. Tuổi thanh xuân nói chung là tuổi tràn trề sinh lực. Nhịp độ của quyến rũ cũng phải được đẩy nhanh ở những thời khắc nhất định, tạo nên tác động quay cuồng trong suy nghĩ. Chẳng có gì là ngạc nhiên khi Casanova đã nhiều lần quyến rũ người khác ở những buổi khiêu vũ, hoặc những bản Van chính là công cụ được ưa thích của nhiều tay phong lưu thế kỷ XIX.

Tạo những khoảnh khắc. Cuộc sống hằng ngày là một chuỗi những công việc nặng nhọc, ở đó những hoạt động như nhau cứ lặp đi lặp lại không ngừng. Trái lại, chúng ta nhớ đến lễ hội như một thời điểm mà mọi thứ đều thay đổi – khi một chút yếu tố bất diệt và thần thoại thâm nhập vào đời sống chúng ta. Khi quyến rũ bạn cũng phải có được những đỉnh điểm như thế, đó là những khoảnh khắc có điều gì đó ấn tượng xảy đến và thời gian được cảm nhận một cách hoàn toàn khác biệt. Bạn phải cho đối phương những khoảnh khắc như thế, dù cho bạn khiến nó diễn ra ở một địa điểm – một lễ hội hóa trang, một rạp hát – nơi những khoảnh khắc ấy xảy đến một cách tự nhiên, hay là bạn tự tạo ra chúng bằng những hành động bất ngờ khơi dậy những tình cảm mãnh liệt. Hãy để những khoảnh khắc ấy thuần túy là thư giãn và vui tươi – không bị những suy nghĩ về công việc hay đạo đức xâm phạm. Bà Pompadour, quý phu nhân của vua Louis XV, sau mỗi vài tháng lại phải quyến rũ lại ông chồng dễ phát chán của mình; cực kỳ sáng tạo, bà đã tổ chức những buổi tiệc, những buổi khiêu vũ, những trò chơi, và một sân khấu nhỏ ở Versailles. Đối phương sẽ rất thích thú với những việc làm này, họ sẽ cảm nhận được cố gắng mà bạn đã bỏ ra để mua vui và quyến rũ họ.

DẪN CHỨNG CHO KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN QUYẾN RŨ

1. Vào khoảng năm 1710, một chàng thanh niên trẻ có cha là một nhà buôn rượu giàu có ở Osaka, Nhật Bản, nhận thấy mình càng ngày càng mộng tưởng. Chàng trai làm việc ngày đêm cho cha của mình, vì thế mà gánh nặng cuộc sống gia đình cùng với tất cả những bổn phận của nó tỏ ra rất khắc nghiệt. Như mọi thanh niên khác, chàng trai đã nghe kể về những quận dành cho vui chơi trong thành phố – những nơi mà những luật lệ khắc nghiệt thông thường của thời kỳ shogun trị vì có thể bị vi phạm. Đó là nơi bạn sẽ tìm thấy những trường nghệ thuật ukiyo, “thế giới chìm nổi” của lạc thú chóng qua, một nơi mà những diễn viên và gái điếm ngự trị. Đó là những gì mà chàng trai đang mộng tưởng. Đánh đổi thời gian của mình, chàng trai sắp xếp để có một buổi chiều để anh ta có thể lẻn ra ngoài mà không ai biết. Chàng trai hướng thẳng đến khu lạc thú đó.

2. Đó là một dãy những tòa nhà – nhà hàng, những câu lạc bộ cao cấp, những phòng trà – nổi bật khỏi phần còn lại của thành phố bởi màu sắc và vẻ lộng lẫy của nó. Lúc chàng thanh niên đặt chân vào đó, anh ta biết rằng mình đang ở một thế giới khác. Những diễn viên đi lang thang qua các đường phố trong những bộ đồ kimono được nhuộm rất công phu. Họ có những cách xử sự và thái độ cứ như thể họ vẫn còn đang trên sàn diễn. Những con đường tràn ngập năng lượng; nhịp sống trôi qua rất nhanh. Những chiếc đèn lồng cháy sáng nổi bật khỏi màn đêm, và cả những áp phích đầy màu sắc cho rạp hát kabuki gần đó cũng vậy. Những người phụ nữ cũng mang một ấn tượng hoàn toàn khác lạ. Họ nhìn thẳng vào chàng thanh niên không chút ngượng ngùng, hành động với tính chất tự do của một người đàn ông. Chàng trai thoáng thấy một onnagata, một trong những người đàn ông đóng những vai nữ trong rạp hát – một người đàn ông còn xinh đẹp hơn hầu hết những người phụ nữ mà chàng trai đã từng gặp và cũng là người mà những khách qua lại đối xử như người hoàng gia.

Chàng thanh niên trông thấy những người thanh niên khác như mình bước vào một phòng trà và thế là anh theo họ vào trong. Đây là nơi mà những gái điếm hạng sang nhất, những tayus nổi tiếng làm công việc của mình. Vài phút sau chàng thanh niên ngồi xuống, anh nghe thấy có tiếng ồn ào thì từ trên lầu một vài tayus bước xuống, theo sau là những nhạc công và người làm trò. Chân mày của những cô gái này đã được cạo đi, thay bằng một đường chì đen được kẻ đậm. Tóc họ được chải thành từng búi hoàn hảo, và chàng trai chưa bao giờ thấy những bộ kimono đẹp đến thế. Những tayus dường như lướt trên sàn nhà, dùng những bước đi khác nhau (bước khơi gợi, bước rón rén, bước cẩn trọng…), dựa vào đối tượng mà họ tiếp cận và những gì mà họ muốn truyền tải tới người ấy. Họ phớt lờ chàng trai; anh không biết làm thế nào để mời họ tới, nhưng chàng trai để ý rằng có một vài người đàn ông lớn tuổi hơn có một cách thức đùa giỡn với họ và đó là một dạng ngôn ngữ của tự thân nó. Rượu bắt đầu được rót, nhạc được nổi lên, và cuối cùng một vài cô gái điếm hạng thấp hơn bước vào. Lúc ấy lưỡi của chàng trai được thả lỏng. Những cô gái này thân thiện hơn và chàng trai bắt đầu quên đi mọi khái niệm về thời gian. Sau đó, chàng trai cố lảo đảo về nhà, chỉ đến sáng hôm sau mới nhận ra là mình đã tiêu tiền nhiều đến thế nào. Nếu người cha mà biết được thì…

Thế nhưng một vài tuần sau chàng trai quay trở lại đó. Cũng giống như hàng trăm những người con trai như thế ở Nhật, những người có những câu chuyện mang nay hơi thở của nền văn chương của thời kỳ ấy, chàng thanh niên đang trên con đường đi tới tiêu tán tất cả tài sản của người cha vào cái “thế giới chìm nổi” đó.

Quyến rũ là một thế giới khác mà bạn khởi bước dẫn họ vào đó. Giống như ukiyo, thế giới ấy dựa trên nền tảng của sự cách biệt nghiêm ngặt với thế giới thường nhật. Những khi đối phương ở bên cạnh bạn, thế giới bên ngoài – cùng với những đạo đức, quy tắc và trách nhiệm của nó – như tan biến. Bất cứ việc làm nào đều được phép, đặc biệt là những việc thường ngày bạn phải kiềm chế. Cuộc đối thoại trở nên nhẹ nhàng hơn và mang tính khơi gợi hơn. Trang phục và khung cảnh đều mang nét cường điệu. Sự cho phép ấy là để đối phương hành động một cách khác biệt, trở thành một con người khác, không có bất kỳ sự đè nén hay bình phẩm nào. Đó là một thế giới chìm nổi về mặt tâm lý được tập trung mà bạn tạo ra cho đối phương, thế giới ấy khiến người khác say mê. Khi họ rời khỏi bạn và trở về với cuộc sống bình thường, họ sẽ càng nhận thức được những gì mình đang bỏ lỡ. Chính giây phút mà họ khao khát bầu không khí do bạn tạo ra, quá trình quyến rũ được hoàn tất. Cũng như trong thế giới chìm nổi, tiền bạc phải được tiêu phí. Sự hào phóng và xa xỉ hòa quyện cùng với không gian quyến rũ.

3. Mọi chuyện bắt đầu vào đầu những năm 1960: Mọi người thường đến xưởng vẽ ở New York của Andy Warhol để tận hưởng bầu không khí và ở lại đó trong giây phút. Đến năm 1963, Andy Warhol dời đến một địa điểm mới ở Manhattan. Một thành viên trong đoàn trợ lý của mình đã phủ lên một vài bức tường và cột nhà bằng những tấm giấy thiếc còn một bức tường gạch và những thứ khác thì phun sơn màu bạc. Có một chiếc ghế đệm màu đỏ ở giữa, vài thanh kẹo bằng nhựa cao khoảng một mét rưỡi, một chiếc bàn xoay lấp lánh với những chiếc gương nhỏ và những chiếc gối bạc chứa nay khí hêli trôi bồng bềnh trong không khí là tất cả những thứ hoàn tất bộ đồ trang trí trong xưởng vẽ. Bấy giờ thì không gian hình chữ L ấy được biết đến với cái tên “Nhà Xưởng,” và sự việc bắt đầu diễn tiến. Ngày càng có nhiều người bắt đầu đổ xô tới – Andy suy luận, tại sao mình không để cửa mở, cứ để mọi chuyện xảy ra tự nhiên. Suốt ngày, Andy thường bận bịu với việc vẽ tranh và làm phim, còn những người khác thì tụ họp lại với nhau – nào là các diễn viên, những kẻ gạt tiền, những tay buôn bán ma túy, và những họa sĩ khác. Cứ thế thang máy cứ gầm rú suốt đêm vì những con người tốt đẹp này bắt đầu biến nơi này thành nhà của mình. Chỗ này có thể là Montgomery Clift, tay ôm khư khư lấy chai rượu của mình; còn chỗ kia một gã cộm cán trong làng thời trang xinh đẹp đang tán gẫu với một kẻ mặc đồng bóng và một tay quản lý bảo tàng. Họ cứ tuôn đến, tất cả họ đều trẻ trung và ăn mặc hào nhoáng. Andy đã từng nói với một người bạn của mình, tất cả giống như một chương trình truyền hình dành cho trẻ con nơi mà khách khứa cứ ùa tới trong một bữa tiệc không có kết thúc và luôn luôn có những trò giải trí mới. Và tất cả mọi chuyện thực sự trông giống như những gì vừa miêu tả – không có gì gọi là nghiêm túc xảy ra, chỉ có trò chuyện, tán tỉnh, những bóng đèn máy chụp hình nhấp nhá rồi đứng tạo dáng liên tu bất tận, như thể mọi người đang trong một bộ phim. Tay quản lý bảo tàng bắt đầu cười khúc khích như một chú nhóc thiếu niên, còn tay có vai vế trong ngành thời trang thì khoa tay múa chân như một con điếm.

Giữa đêm tất cả mọi người thường tụm lại với nhau. Bạn hầu như không thể nhúc nhích được. Ban nhạc đến, buổi trình diễn ánh sáng bắt đầu và mọi chuyện diễn tiến theo một chiều hướng mới, mỗi lúc một điên dại hơn. Bằng cách nào đó mà đám đông thường giải tán ở một thời điểm nào đó, rồi vào buổi chiều mọi thứ lại bắt đầu trở lại khi nhóm trợ lý từ từ quay lại. Khó có ai mà chỉ đi đến “Nhà Xưởng” có một lần.

Thật là khó chịu khi cứ luôn luôn phải hành động theo cùng một cách, thể hiện cùng một vai trò chán ngắt mà công việc và bổn phận đã áp đặt lên mình. Con người khao khát có một nơi hay một thời điểm mà họ có thể đeo một chiếc mặt nạ, hành động khác bình thường, làm một con người khác. Đó là lý do tại sao mà chúng ta lại tôn vinh các điễn viên: Họ có sự tự do và vui vẻ trong mối tương quan với chính cái tôi của họ là điều mà chúng ta muốn có được. Bất ký hoàn cảnh nào mang đến cho ta cơ hội để được thể hiện một vai trò khác, để được là một nghệ sĩ thì hoàn cảnh ấy quả là vô cùng hấp dẫn. Đó cỏ thể là một hoàn cảnh do bạn tạo ra, giống như “Nhà Xưởng” vậy. Hoặc đó cũng có thể là một nơi bạn đưa đối phương tới. Trong những hoàn cảnh như thế bạn hoàn toàn không thể thủ thế; bầu không khí vui vẻ, ý nghĩ mọi thứ đều được cho phép (chỉ trừ sự nghiêm túc) sẽ loại bỏ đi bất kỳ hình thức chống đối nào. Được ở một nơi như thế sẽ trở thành một thứ bùa mê. Để tái tạo lại hiệu quả ấy, hãy nhớ lại biện pháp ẩn dụ mà Andy đã sử dụng khi nói tới chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi. Hãy giữ cho mọi thứ nhẹ nhàng và vui tươi, tràn ngập những trò tiêu khiển, tiếng ồn, màu sắc, và một chút hỗn loạn. Không có gánh nặng, trách nhiệm hay chỉ trích. Một nơi để bạn đánh mất chính mình vào đó.

4. Năm 1746, một cô gái 17 tuổi tên Cristina đi đến thành phố Venice, Ý, cùng với người chú của mình, một linh mục, để tìm kiếm một tấm chồng. Cristina xuất thân từ một ngôi làng nhỏ nhưng lại có một số của hồi môn đáng kể. Tuy vậy, những người đàn ông ở Venice sẵn sàng cưới nàng lại không làm nàng hài long. Sau hai tuần lễ tìm kiếm vô ích, cô và vị linh mục chuẩn bị trở về làng của mình. Khi họ đang ngồi trên thuyền sắp sửa rời khỏi thành phố,Christina trông thấy một anh thanh niên ăn mặc lịch sự đang đi về phía họ. Cô gái nói với chú mình “Có một anh chàng đẹp trai kìa! Cháu ước gì anh ta ở cùng thuyền với chúng ta.” Có lẽ chàng trai không nghe thấy điều này nhưng anh ta vẫn tiến lại gần, đưa cho người lái thuyền một ít tiền, đoạn ngồi xuống bên cạnh Cristina trước sự ngạc nhiên quá đỗi của cô. Chàng trai tự giới thiệu mình là Jacques Casanova. Khi vị linh mục mở lời khen chàng trai về thái độ thân thiện của anh, Casanova đáp, “thưa cha đáng kính, có lẽ con sẽ không thân thiện như thế đâu nếu không phải là vì bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của cháu gái cha.”

Cristina kể cho Casanova nghe lý do tại sao họ đến Venice và tại sao họ lại bỏ đi. Casanova bật cười và quở cô – một người đàn ông không thể quyết định cưới một cô gái khi chỉ mới gặp cô ta được vài ngày. Anh ta phải tìm hiểu thêm về tính cách của cô, sẽ phải mất ít nhất sáu tháng. Bản thân Casanova cũng đang tìm kiếm một hiền thê và chàng trai giải thích cho cô biết tại sao mà anh ta đã thất vọng trước những cô gái mà anh đã gặp cũng như Cristina đã thất vọng trước những người đàn ông thế nào. Casanova dường như không có nơi đến; anh chỉ đơn giản là đồng hành cùng họ, tiếp chuyện với Cristina trên suốt quảng đường bằng những lời nói hóm hỉnh. Khi chiếc thuyền cập bến ở rìa Venice, Casanova thuê một chiếc xe ngựa đi đến thành phố Treviso gần đó và anh ta mời họ cùng đi. Từ đó họ có thể đón một chiếc xe để trở về làng của mình. Người chú đồng ý, và thế là họ tiến về phía chiếc xe ngựa, Casanova đưa tay choàng Cristina. Cristina hỏi, chuyện gì sẽ xảy ra nếu người yêu anh nhìn thấy chúng ta. Casanova trả lời, “anh chẳng có người yêu nào cả, và anh sẽ chẳng có một người yêu nào khác nữa và anh chưa bao giờ thấy được một co gái nào xinh đẹp như em – không, không phải ở Venice.” Những lời của Casanova thâm nhập vào suy nghĩ của Cristina, phủ đầy nó bằng tất cả những ý nghĩ lạ lùng nhất, rồi cô bắt đầu nói chuyện và cư xử với một thái độ hoàn toàn mới đối với cô, cô trở nên gần như không e ngại nữa. Cristina bảo Casanova rằng tiếc thay cô không thể ở lại Venice trong sáu tháng khoảng thời gian mà anh cần để hiểu rõ về một cô gái. Không chút chần chừ, Casanova đề nghị trả hết mọi chi phí của cô khi ở Venice suốt khoảng thời gian này trong khi anh tìm hiểu cô. Trên chuyến xe, cô suy nghĩ rất kỹ về lời đề nghị này, và khi đã đến Treviso, cô nói chuyện riêng với chú của mình, nài xin ông tự mình quay về làng rồi sau đó vài ngày trở lại đón cô. Cô đã yêu Casanova; cô muốn biết rõ hơn về anh ta; anh là một người đàn ông hoàn hảo, người có thể tin cậy được. Vị linh mục đồng ý làm như điều cô muốn.

Ngày hôm sau Casanova luôn ở cạnh cô. Ngay cả một biểu hiện bất đồng nhỏ nhặt nhất trong bản chất của chàng trai cũng không có. Họ dành cả ngày để đi lang thang vòng quanh thành phố, mua sắm và trò chuyện. Buổi tối anh dẫn cô đi xem kịch, sau đó đến sòng bạc, đưa cho cô một quân cờ domino và một chiếc mặt nạ. Casanova đưa tiền cho cô đánh bài và cô đã thắng. Lúc người chú quay trở lại Treviso, cô đã có tất cả nhưng lại quên đi kế hoạch kết hôn của mình – tất cả những gì cô có thể nghĩ tới là 6 tháng cô ở với Casanova. Tuy nhiên cô vẫn cùng chú trở về làng của mình và đợi Casanova đến thăm mình.

Một vài tuần sau đó, Casanova xuất hiện ở nhà cô, đi cùng anh là một chàng thanh niên đẹp trai tên Charles. Lúc ơ một mình với Cristina, Casanova liền giải thích tình hình: Charles là một người độc thân thích hợp nhất ở Venice, người có thể làm một người chồng tốt hơn anh. Cristina thừa nhận rằng mình cũng đã có những mối hoài nghi. Casanova đã quá kích động, đã làm cho Cristina nghĩ đến những thứ khác bên lề chuyện cưới xin, những cô cảm thấy hổ thẹn. Có lẽ như vậy sẽ tốt hơn. Cristina cảm ơn anh vì những đã chịu những nỗi đau như thế để tìm cho cô một người chồng. Trong những ngày kế tiếp, Charles bắt đầu tìm hiểu cô và họ đã cưới nhau vài tuần sau đó. Dù thế, giấc mơ và sự quyến rũ mà Casanova đã đem tới sẽ mãi đọng lại trong tâm trí cô.

Casanova không thể kết hôn được – điều đó đi ngược lại mọi thứ trong bản chất của anh. Nhưng khi tự ép buộc mình gần gũi với một cô gái trẻ cũng là đi ngược lại với bản chất của Casanova. Thà rời xa Cristina để giữ lại hình ảnh thơ mộng hoàn hảo còn hơn là hủy hoại đời cô. Hơn nữa, Casanova còn ham thích những trò tán tỉnh còn hơn bất cứ thứ gì khác.

Casanova đã mang đến cho một cô gái trẻ một giấc mơ tuyệt vời nhất. Khi anh ở bên cô ấy, anh dâng hiến mọi giây phút cho cô ấy. Casanova chẳng bao giờ nhắc tới công việc, ngăn không cho sự nhàm chán, những chi tiết tẻ nhạt phá vỡ giấc mơ ấy. Casanova còn đem đến những yếu tố sân khấu tuyệt vời. Anh mặc những bộ quần áo đẹp mắt nhất, nay những đồ trang sức óng ánh. Anh dẫn cô tới những nơi giải trí ngạc nhiên nhất – những lễ hội hóa trang, những buổi khiêu vũ mang mặt nạ, những sòng bạc, những chuyến hành trình không biết nơi đến. Casanova chính là bậc thầy vĩ đại trong việc tạo ra không gian và thời gian quyến rũ.
Casanova chính là mẫu người mà ai cũng khao khát trở thành. Khi có bạn ở kề bên, đối phương phải cảm nhận được một sự thay đổi. Thời gian trôi qua với một nhịp điệu khác biệt – họ hầu như không hề chú ý thời gian trôi qua. Họ có cảm giác mọi thứ ngừng lại vì họ, cũng như tất cả mọi hoạt động thường ngày đều tạm ngưng khi đến một kì lễ tết. Những niềm vui nhàn nhã mà bạn mang đến cho họ có tính lan truyền – niềm vui này sẽ dẫn tới niềm vui khác và cứ thế, cho tới khi quá trễ để quay trở lại.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.