Súng khoác trên vai, Monk leo lên đoạn dốc ngoặt cuối cùng. Cách đó không xa, khu hầm mỏ co cụm trước mặt một vách đá granit. Những công trình phụ bằng kim loại và nhà máy điện cũ kĩ đã hoàn toàn gỉ sét. Nước rỉ xuống từ mái nhà lẫn máng xối qua lớp cáu bẩn đỏ quạch, cửa sổ vỡ nát hoặc đóng kín, dụng cụ khai thác bị ăn mòn, nằm lăn lóc một chỗ hàng thập kỷ nay: cuốc, xẻng, xe cút kít.
Cách xa vách đá là nơi của những đống quặng cũ kĩ và bãi đá thải cao ngất. Chiếc máy xúc còn nguyên cần kéo, dây tời và rất nhiều máng thả, một thời được dùng để tiếp tế cho xe chở quặng hoặc dỡ hàng lên xe tải.
Lúc Monk tập tễnh bước đi với vết thương băng bó qua loa, ông băn khoăn không hiểu lý do tại sao mình lại biết quá nhiều về hoạt động khai mỏ. Có khi nào gia đình ông từng can hệ…
Đầu ông bỗng rối tung bởi một chuỗi những hình ảnh chập choạng: một ông già trong trang phục liền quần, lấm lem muội than… cũng người đàn ông ấy trong chiếc quan tài… một phụ nữ khóc than…
Một cơn đau nhói như điện giật phá vỡ những mảnh ký ứclập lòe.
Ông nhăn mặt, dẫn đám trẻ và Marta ngang qua một loạt băng tải, đường ray dành cho xe chở quặng và những máng rác ngoằn ngoèo trước khi tiếp cận mục tiêu. Đường ray dẫn tới một khe hở trong lòng đá. Đó là lối vào chính của khu mỏ.
Monk ngoái nhìn lại khi cả nhóm tiếp tục tiến sâu hơn.
Hồ Karachya trải dài bên dưới. Monk ước lượng chiều rộng phải đến hai dặm còn chiều dài có lẽ gấp ba lần như thế. Ông nhìn quanh rặng núi um tùm ở phía xa, tìm lại nơi bắt đầu của chuyến hành trình gian khổ.
“Ta phải đi nhanh,” Konstantin nhắc ông. Monk gật đầu. Cậu bé đi giữa hai đứa trẻ nhỏ. Marta theo sau. Konstantin hướng thẳng đến khe hở, cậu bé phát hiện ra rắc rối ngay sau đó. Một vách ngăn lớn làm bằng những khối gỗ có trát vữa xung quanh đã bịt kín miệng hầm từ trên xuống dưới.
Tình trạng lộn xộn ngoài kia cho thấy không còn ai làm việc ở đây từ rất lâu. Nhưng Monk phát hiện ra những mẩu thuốc lá và vỏ chai vodka rỗng dưới chân vách. Vài dấu giày còn mới in trên nền cát. Khu mỏ không bị bỏ hoang như vẻ bề ngoài. Ai đó đã dừng chân ở đây.
Monk ngoái nhìn lần nữa. Không có dấu vết xe tải đỗ lại hay vệt bánh xe đi ngang khu mỏ, nếu có ai qua đây chắc phải dùng phương tiện khác. Konstantin từng kể về điều này.
Một con tàu đi dưới lòng hồ từ Khu mỏ phức hợp 337 đến Chelyabinsk 88. Bất cứ ai làm việc trong những hầm lò thường sẽ ra ngoài bằng lối bên kia.
Monk hy vọng sẽ không gặp phải vị khách bất ngờ nào ở đó.
Ông bước đến gần khung thép hình chữ nhật được tán đinh lên vách ngăn.
“Ta làm gì đây?” Monk hỏi cậu bé. “Phá vỡ?”
Konstantin cau mày, nâng then cài rồi đẩy mạnh, cửa bật mở, không bị khóa.
Monk lật đật giương súng về phía cánh cửa. “Cháu phải báo cho ông già này trước khi hành động chứ!” ông khẽ nhắc nhở.
“Không có ai tới đây,” Konstantin đáp lời. “Quá nguy hiểm. Nên không cần khóa. Chỉ đóng lại đề phòng gấu và chó sói.”
“Và cả hổ đi lạc,” Monk lẩm nhẩm. Konstantin thả ba lô, lôi đèn pin ra rồi đưa cho Monk. Súng trường lại được khoác trên vai.
Lọt vào bên trong cửa hầm chính, Monk chĩa đèn pin soi đường. Những thanh dầm gỗ khổng lồ trụ đỡ cho lối đi xẻ sâu vào núi. Một đường ray bằng thép len lỏi trong bóng tối, chạy dài theo ánh đèn loang loáng. Gần hơn là hai chiếc xe chở quặng cách vách ngăn không xa.
Trên đường đi, Monk còn lờ mờ nhìn thấy vài ngã rẽ. Ông cảm nhận ngọn núi chính là một tổ ong với vô số những đường hầm và ngõ ngách. Có lẽ đó là lý do để các thợ mỏ thường lang thang ra khỏi vùng bóng tối ảm đạm, hứng lấy chút ánh sáng, cho dù là thứ ánh sáng tỏa lên từ mặt hồ nhiễm độc.
Monk hỏi Konstantin hướng đi tiếp theo. “Vậy ta sẽ đến đâu?”
Konstantin im lặng.
Monk nhìn sang cậu bé.
Một cái nhún vai đáp lại. “Cháu không rõ, chỉ biết là đi xuôha.”
Monk thở dài. Tốt thôi, đó cũng là một hướng.
Đèn pin trong tay, ông tiếp tục dấn sâu vào lòng bóng tối.
Savina quan sát từng gương mặt đang mỉm cười rạng rỡ. Những đứa trẻ lớn huyên thuyên một cách hào hứng, trong khi lũ trẻ nhỏ nhốn nháo xung quanh, cố trút bỏ mọi cảm xúc hồi hộp. Trái ngược hoàn toàn với đám trẻ nhỏ nhất, chưa đầy năm tuổi, còn quá non nớt để được cấy ghép. Chúng ngồi tách rời, biểu hiện của chứng tự kỷ chưa được điều trị: lặng lẽ, ánh nhìn đăm đăm vô hồn, những cử chỉ lặp đi lặp lại.
Bốn giáo viên bận rộn với nhiệm vụ quản lý hơn sáu mươihọc trò.
“Ổn định nhóm nào!”
Tại Chelyabinsk 88, con tàu đã chờ sẵn bên trong những cánh cửa thông gió. Cuộc dạo chơi ngắn dành cho lũ trẻ. Hiếm khi chúng được tận hưởng niềm vui xa xỉ như vậy, nhưng chuyến tàu ngày hôm nay sẽ là hành trình một chiều. Sẽ không quay trở lại, bởi điểm đến là trạm dừng chân chết người ngay tại trung tâm của Chiến dịch Thổ Tinh.
Sau lưng Savina, khu nhà công nghiệp thời Xô viết chòng chọc hướng về lũ trẻ bằng những hốc mắt trũng sâu. Vẻ ám ảnh hiển hiện trên khuôn mặt các giáo viên mặc cho họ đang nói những lời có cánh.
“Các em uống thuốc đầy đủ rồi phải không?” Bà quản giáohô lớn.
Đó là loại thuốc an thần có chứa hợp chất hấp thu bức xạ. Chỉ một giờ đồng hồ nữa, lũ trẻ sẽ chìm vào giấc ngủ mê man, xua đi mọi bận tâm khi những tụ điện phát nổ ở cuối đường hầm, khởi động cho Chiến dịch Thổ Tinh. Trong đợt xả nước đầu tiên từ lòng hồ vào giữa đường hầm, lượng phóng xạ tỏa ra sẽ biến đổi hợp chất trong máu những đứa trẻ thành một độc tố thần kinh, kết liễu chúng ngay tức khắc.
Tất cả đều xem cái chết của lũ trẻ là kết quả của một đợt xóa sổ bằng thuốc độc, nhưng hành động giết chóc luôn khiến người ta phải chịu nhiều áp lực, ngay cả đến đội quân chuyên nghiệp cũng khó tránh khỏi. Không chỉ dừng ở đó, những hình hài yếu ớt sẽ bị chất lên chuyến tàu đưa đến trung tâm của Chiến dịch Thổ Tinh. Phóng xạ thoát ra từ lòng hồ sẽ thiêu rụi những xác chết, biến đổi DNA – đề phòng trường hợp ai đó dám liều lĩnh tiếp cận để điều tra về chúng. Lượng phóng xạ trong hầm sẽ cản trở mọi thâm nhập suốt hàng thập kỷ.
Kết cục được cho là một sự tàn nhẫn tối thiểu, đầy hiệu quả và mang đến cho lũ trẻ chút vui thú phù phiếm cuối cùng.
Savina vẫn đứng đó, hai bàn tay siết chặt sau lưng trong trạng thái căng thẳng, tự kìm nén thôi thúc lôi ngược chúng ra khỏi đoàn tàu.
Nhưng bà đã cứu mạng mười đứa trẻ.
Bà tự an ủi bản thân bằng sự thật ấy.
Mười đứa trẻ tài năng nhất.
Chúng vẫn ở trong khu căn hộ sau lưng, nơi đặt trung tâm điều khiển của Chiến dịch Thổ Tinh. Xong xuôi mọi việc ở đây, mười thành viên Omega sẽ theo bà đến cơ sở mới ở Moscow. Đã đến lúc đưa dự án ra khỏi bóng tối và xuất hiện dưới ánh sáng mặt trời.
Đó sẽ là phần di sản bà dành cho thế hệ sau.
Nhưng mỗi thứ đều có cái giá của nó. Tiếng cười đùa giòn tan, tiếng gọi nhau í ới vọng lại khi những đứa trẻ cuối cùng bước lên tàu. Chúng tranh luận xem ai sẽ lên khoang chở quặng, ai được lên toa cuối. Vài đứa lớn băn khoăn tại sao không có giáo viên đi theo giám sát, nhưng sự thật ấy có vẻ khiến chúng hứng khởi hơn là lo âu.
Còi rít lên, phanh thủy lực đẩy hơi phì phò, con tàu lăn bánh sau cú đánh điện kêu lách tách. Thanh âm sôi nổi rạo rực dần tan biến phía sau những cánh cửa sập từ từ khép lại phía cuối hầm.
Bốn giáo viên quay đầu bước đi. Không ai nói với ai một lời. Họ hiếm khi tiếp xúc. Ngoại trừ bà quản giáo mặc chiếc tạp dề dài đến mắt cá chân. Bà đưa tay về phía Savina định an ủi nhưng lại hạ xuống, nghĩ đó là điều nên làm.
“Bà không cần phải đến đây,” người phụ nữ khẽ nói.
Savina lẳng lặng quay gót, không tin vào cảm xúc lúc này.
Phải… Phải, nhưng rốt cuộc ta đã ở đây.
11:16 sáng
Thành phố Pripyat, Ukraina
Gray yên vị ở hàng ghế sau của chiếc limo. Rosauro làm tài xế, Luca ngồi kế bên. Họ phóng vụt qua trạm kiểm soát đầu tiên để thoát ra khỏi thành phố. Khu Vực Cấm trải rộng theo đường kính ba mươi kilômét kể từ lò phản ứng Chernobyl. Có hai trạm kiểm soát, một đóng ở mười kilômét đầu tiên và một ở kilômét thứ ba mươi.
Gray muốn vượt qua cổng gác thứ hai trước khi ai đó nhận ra điều bất thường tại lò phản ứng. Những xác chết sẽ sớm được phát hiện và khu vực sẽ bị phong tỏa.
Trước đó, khi Gray cùng Kowalski chạy bộ trở về Pripyat từ buổi lễ, ông đã gọi cho Rosauro bằng điện đàm do Masterson cung cấp. Bà cho hay không thể liên lạc được với Sigma. Ông chỉ đạo cho bà tiếp tục cố gắng. Lúc Gray về đến khách sạn, đường dây liên lạc với Washington đã thông suốt trở lại. Rosauro trưng dụng được một chiếc limo. Bà đánh cắp cả điện thoại di động của tay tài xế.
Tay Gray đang nắm chặt chiếc điện thoại, chờ cuộc gọi từ Giám đốc Crowe. Painter đã kiểm soát được Washington, ít ra Mapplethorpe không còn phận sự liên quan và Sasha đã an toàn.
Elizabeth và Kowalski ngồi đối diện. Anh bạn cộng sự phanh ngực để cho Elizabeth điều trị vết thương trên vai. “Đừng ngọ nguậy!”
“Trời ơi, đau muốn chết.”
“Chỉ là nước muối thôi.”
“Nhưng mà, xót như là con ch..”
Cái quắc mắt của Elizabeth cắt ngang câu nói tục.
Gray biết ơn Kowalski vì đã thả cái móc thép nặng nửa tấn để cứu mạng ông. Mặc dù chính Elena là người làm điều đó, tình huống bất ngờ lại do con mắt tinh nhanh của Kowalski nhận ra.
Họ vẫn còn ở trong vòng nguy hiểm.
Gray đảo mắt nhìn theo những khoảng đồi nối tiếp, cáng lò mọc rải rác quanh đó. Tim ông đập mạnh. Đầu óc luẩn quẩn hàng trăm những viễn cảnh khác nhau. Khi rời khỏi Chernobyl, ông biết họ cần phải đến một nơi nào đó.
Những lời cuối của Nicolas dằn vặt không nguôi tâm trí ông: lũ các người không thể chiến thắng… hàng triệu người vẫn sẽ chết.
Ông ta có ý gì? Đó không phải là lời đe dọa vớ vẩn. Một kế hoạch khác đang diễn ra. Ngay cả cái tên – Chiến dịch Thiên Vương Tinh – từng khiến ông lo ngại. Tên một chiến tháng của quân đội Xô viết trong Thế chiến thứ II chống lại Đức Quốc xã. Nhưng không phải chỉ có một chiến dịch duy nhất làm nên chiến thắng, cỗ xe hai chiến lược được sắp đặt hoàn hảo mang tên: Thiên Vương Tinh và Thổ Tinh. Nicolas đã cho Gray nhiều manh mối. Một chiến dịch khác sẽ bắt đầu, nhưng ở đâu và dưới hình thức nào?
Điện thoại reo vang.
Gray trượt nắp, ghé sát ống nghe. “Giám đốc Crowe?”
“Tinh hình bên đó sao rồi?” Painter sốt ruột.
“Tốt đẹp như mong đợi.”
“Phương tiện vận chuyển đã sắp xếp cho mọi người. Có một bãi đáp tư nhân cách Khu Vực Cấm vài dặm, dùng cho những khách mời vô cùng quan trọng của buổi lễ. Tinh báo Anh cung cấp một máy bay phản lực. Rõ ràng là họ đang cố giữ thể diện vì đã không nghe lời giáo sư Masterson với tư cách là cựu gián điệp. Nhân tiện, tôi cũng đã cảnh báo. Tin tức đang truyền đi rất nhanh qua các kênh tình báo về vụ tấn công dang dở ở Chernobyl. Vì mục tiêu an toàn, sơ tán khẩn cấp đang diễn ra nhưng tới lúc này thì các anh đã bỏ xa đám hỗn loạn rồi.”
“Tốt quá.” Gray không thể ngờ rằng giọng nói rắn rỏi của vị giám đốc đã giải thoát phần nào những lo âu đang đè nặng, ông không đơn độc trong cuộc chiến này.
“Anh có một ngày bận rộn thật rồi, Chỉ huy.”
“Nhờ có ông… nhưng tôi nghĩ là mọi việc chưa kết thúc.”
“Ý anh là gì?”
Gray nhắc lại lời viên thượng nghị sĩ Nga đã nói và mối nghi ngại của chính ông. “Khoan nào,” Painter yêu cầu. “Có Kat Bryant và Malcolm Jennings ở đây. Tôi sẽ mở loa.”
Gray tiếp tục giải thích về nguy cơ của một chiến dịch thứ hai hướng đến thương vong hàng loạt.
Kowalski cũng lắng nghe trong lúc Elizabeth dán một miếng băng lên vết thương. “Nói cho họ biết về cái gì mà giống như ‘Jelly Beans’ ấy,” anh chàng xen vào.
Gray cau mày khó chịu. Lúc còn ở khu vực mái vòm, Elena đã cố cảnh báo cho Kowalski trước khi cô tìm vào chỗ Nicolas, nhưng chắc là anh chàng đã nghe sai.
“Biết không,” Kowalski nhấn mạnh. “Jelly Beans tám mươitám ấy.”
Giọng Kat vang lên yếu ớt trong điện thoại. “Anh ta nói gì?”
“Tôi không nghĩ là anh ta hiểu điều…
“Anh ấy nói chella-bins đúng không?” “Không, jelly-beans”
Kowalski gật gù. Gray khẽ lắc đầu. Không tin được là phải nói chuyện khôi hài trong tình thế này.
Có tiếng Painter, Kat và Malcolm bàn luận vấn đề gì khá rối rắm. Gray không hiểu hết, chỉ nghe loáng thoáng Kat nói về con số tám mươi tám được viết lên máu.
Giọng Malcolm vang lên đầy kích động, hướng về Gray và Kat. “Cả hai có bao giờ nghe từ Chelyabinsk chưa?”
“Cheylabinsk?” Gray hỏi lớn.
Kowalski vểnh tai nghe.
Gray đảo mắt suy nghĩ. “Có lẽ là nó.”
Kat cũng đồng ý.
Malcolm nói liến thoắng, dấu hiệu cho thấy nhà bệnh học đang rất hào hứng. “Tôi có nghe qua cái tên này. Tinh hình xáo trộn ở đây không cho tôi cơ hội nào nghĩ đến ý nghĩa của nó.”
“Sao cơ?” Painter muốn hiểu rõ hơn.
“Là thi thể của giáo sư Polk. Mẩu phóng xạ trong phổi của ông khớp với hợp chất đồng vị đặc thù của uranium và plutonium tại lò phản ứng Chernobyl. Nhưng ông biết đấy, những xét nghiệm tiếp theo lại phủ nhận đánh giá này. Không rõ ràng như tôi nghĩ lúc đầu. Có vẻ như cơ thể ông nhiễm một hỗn hợp nhiều nguồn phóng xạ mặc dù mạnh nhất vẫn là nguồn nhiên liệu ởchernobyl.”
“Vậy các anh sẽ đi đâu với manh mối này?” Kat thắc mắc.
“Tôi đã tìm kiếm dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế về vùng nhiễm xạ. Có một khu vực trên thế giới có tính phóng xạ cao đến nỗi không thể nào xác định được dấu hiệu phơi nhiễm. Đó là thành phố Chelyabinsk ở miền trung nước Nga. Liên bang Xô viết đã bí mật khai thác uranium và sản xuất plutonium ở vùng núi Ural. Trong năm thập kỷ liền, mọi người bị cấm lui tới khu vực đó. Hạn chế mới được dỡ bỏ vài năm gần đây.” Ông ngừng lại để lấy giọng. “Chính tại Chelyabinsk, nguồn cung cấp nhiên liệu cho Chernobyl được khai thác và dự trữ.” Gray ngồi ngay lại. “Nên anh nghĩ đó là nơi giáo sư Polk bị nhiễm xạ – không phải ở lò phản ứng, mà là nơi sản xuất nhiên liệu. Tại Chelyabinsk.”
“Tôi tin là vậy. Ngay cả con số tám mươi tám. Người Xô viết đã xây những thành phố ngầm trong dãy núi Ural để khai thác mỏ và đặt tên theo mã vùng bưu điện. Chelyabinsk 40. Chelyabinsk 75.”
Và Chelyabinsk 88.
Tim Gray lại rộn lên. Ông đã biết nơi họ cần đến. Mã bưu điện chính là ẩn số. Painter cũng hiểu ra vấn đề. “Tôi sẽ liên lạc với tình báo Anh. Cho họ biết là anh sẽ đi lòng vòng một chút. Hơn một giờ nữa họ sẽ đón mọi người ở dãy núi Ural.”
Mong là họ có đủ thời gian.
Hàng triệu người sẽ chết.
Viên lính gác uể oải phất tay ra hiệu cho chiếc limo vượt qua trạm kiểm soát thứ hai, Painter lại tiếp tục. “Nhưng Gray này, không thể điều động bộ binh hỗ trợ cho các anh ở đó trong thời gian ngắn như vậy.”
Chiếc limo lướt như bay khỏi Khu Vực Cấm, không gian thoáng đãng hiện ra. “Tôi nghĩ là chúng tôi an toàn.”
Hai bên đường, xe tải đời cũ đậu dưới những rãnh thấp hoặc leo lên đường lánh nạn. Khoảng mười hai cái như thế. Rất đông người ngồi sau những thùng xe không mui.
Luca thông báo thật nhanh cho Rosauro từ băng ghế trước.
Bà cho chiếc limo đi chậm lại trong khi Luca thò tay vẫy bên ngoài cửa sổ.
Tín hiệu rất dễ hiểu.
Theo chúng tôi.
Chiếc limo tiếp tục lăn bánh, hàng xe tải phía sau hộ tống họ. Luca Hearn đã phát cảnh báo của riêng ông từ lúc ở khách sạn, khi họ không thể liên lạc được với trung tâm.
Gray nhớ lại những gì ông ta mô tả về người Romani: chúng tôi có mặt khắp nơi. Quả không sai, ông ta đã kêu gọi được lực lượng tiếp viện.
Một đội quân những người Gypsy sẵn sàng yểm trợ phía sauchiếc limo.
11:38 sáng
Phía Nam dãy Ural
Càng đi sâu, Monk càng tin tưởng rằng đây là nơi bị bỏ phế. Không có tiếng nói hay âm thanh của máy móc vọng lại. Dù an tâm rằng sẽ không ai phát hiện, lòng ông vẫn rối bời. Yên lặng bao trùm như thể căn hầm đang nín thở.
Monk đi xuống một đường dốc, cẳng chân bị thương nóng ran nhức nhối. Không có bản đồ, Monk phải lần tìm dấu vết của người có lẽ đã vứt thuốc lá và chai lọ ở cổng vào. Không quá khó khăn để nhận ra. Lớp cát vương vãi dưới chân còn in những dấu giày. Người thợ này đã theo một lộ trình trực tiếp, vượt qua vài dốc trượt.
Dù cho mọi vật hoang tàn, Monk vẫn tìm thấy vài bằng chứng cho những hoạt động vừa diễn ra: rác thải còn mới chất đống ở mỗi ngõ ngách, một dụng cụ sáng bóng dựa vào tường, cả những lon bia nổi lềnh bềnh trong thùng nước đá đã vơi phân nửa.
Konstantin theo sau cùng cô em gái trong khi Pyotr vẫn bám chặt vào Monk. Mắt cậu bé mở to quan sát lối đi tối om. Monk cảm nhận được nỗi sợ hãi mỗi lần Pyotr ghì lấy ông. Bóng tối khiến cậu hốt hoảng, không phải do tù túng. Đôi lần Monk tắt đèn để tìm kiếm sự hiện diện của nguồn ánh sáng khác.
Những lúc ấy, Pyotr lại quấn quanh hông thật chặt.
Marta ở sát bên cậu che chở, nhưng chính nó cũng run rẩy san sẻ nỗi sợ hãi ấy trong những khoảnh khắc tối đen như mực. Monk tiến về cuối dốc trượt. Trước mặt là một lối đi dài có đường ray, băng tải đứng im lìm. Đang dò tìm dấu chân, ông phát hiện một vệt xám loang loáng ở cuối đường hầm. ông cúi thấp, tắt đèn pin, Pyotr cũng nghiêng người theo.
Bóng tối phủ lấy họ, hệt một tấm màn che. Ánh sáng hết sứcmờ nhạt.
Konstantin bước đến bên Monk.
“Không thấy nữa,” Monk thì thầm, trao cho cậu bé cây đèn pin. Nếu ý nghĩ nơi này bị bỏ hoang là sai lầm, ông không muốn cho ai biết sự có mặt của họ.
Monk đưa súng về phía trước, khẩu súng tịch thu được từ tay bắn tỉa người Nga. “Yên lặng nhé,” ông khẽ cảnh báo và men theo đường hầm. ông bước trên những mấu tà vẹt bên ngoài đường ray, tránh giẫm vào lớp đá dăm. Lũ trẻ cũng bắt chước theo. Riêng Marta giữ thăng bằng trên một thanh ray. Monk căng tai lắng nghe động tĩnh. Tiếng nước tí tách nhỏ giọt, mỗi lúc lại vang vọng và trầm lắng hơn. Monk hoàn toàn tỉnh táo trước sự hiện hữu của hồ Karachay kề bên.
Khứu giác ông cũng ý thức được mùi hương trộn lẫn giữa các loại dầu nhờn và khói động cơ. Đến khúc cua, Monk lại ngửi thấy một mùi khác không thuộc về máy móc. Mùi hữu cơ hôi thối, bẩn thỉu.
Monk cẩn trọng rẽ lối, cuối đường là một hang động khoét sâu vào đá. Nó chỉ rộng bằng một phần trăm của Chelyabinsk 88nhưng cũng cao đến ba tầng và diện tích bằng nửa sân bóng đá.
Nền đất chứa đầy dụng cụ khai thác và hàng đống vật liệu xây dựng: ống dẫn cuộn, vài tầng dầm gỗ, cột giàn giáo đã tháo dỡ một nửa, đá chất thành từng đống. Một máy khoan lừng lững nằm trên chiếc xe tải bên hông. Một cuộc di dời chóng vánh có lẽ đã diễn ra nơi đây. Không hề theo trật tự, giống như ai đó vừa gói ghém thật nhanh mọi thứ trong chiếc xe lưu động rồi vứt bừa bãi. Ít ra vẫn còn ánh sáng.
Vài bóng đèn natri được lắp phía đối diện.
“Cẩn thận nhé,” Monk nhắc nhở lũ trẻ. Ông ra hiệu cho chúng chờ đằng sau, sẵn sàng nấp vào đống đá vụn nếu cần.
Monk cúi thấp người, súng trên vai, bước tới thật nhẹ nhàng, ông nín thở, thận trọng len lỏi qua mấy khoảng trống. Đi được một đoạn xa, ông nhìn thấy lớp cửa thông gió bằng thép đã đóng kín, phản chiếu ánh đèn. Nom chúng có vẻ mới hơn công trình hầm lò. Phía bên phải là một lán nhỏ gần như trạm thu phí. Cửa mở, vài màn hình tối đen, một bàn phím và những hàng công tắc.
Không có ai ở đây.
Monk nhận thấy khẩu súng khẽ rung lên. Ông đang căng thẳng tột độ. Hít một hơi thật sâu định thần, mùi hôi thối bỗng xộc lên nồng nặc. Monk phát hiện ra một vũng dầu loang qua đống thiết bị. Ông lùi lại, hé nhìn sau góc khuất.
Không phải dầu. Là máu.
Cái mùi kinh tởm bắt nguồn từ đó. Vài thi thể ngổn ngang xếp chồng lên nhau trong trang phục hầm lò lẫn áo khoác thí nghiệm. Máu vấy lên bức tường đằng sau. Một cuộc xử bắn.
Ai đó đang xóa sạch dấu vết.
Konstantin len lén xuất hiện sau lưng ông. Monk quay lại lắc đầu, chỉ về dãy máy tính. Ông không muốn lũ trẻ thấy cảnh giết chóc. Ông ra hiệu cho Pyotr và Kiska giữ nguyên vị trí.
Konstantin sải bước cùng Monk đến gần lối cửa sập. “Cháu từng ở đây,” cậu bé lên tiếng. “Thỉnh thoảng chúng cháu được đi tàu. Nơi đây là trạm điều khiển.”
“Chỉ cho bác,” Monk yêu cầu.
Konstantin biết rõ Thiếu tướng Savina Martov đang hoạch định chiến dịch mang tên Thổ Tinh. Ngay sau lớp cửa này.
Cả hai quay trở vào lán, Konstantin nghiên cứu bảng điều khiển, mắt nán lại trên những ký tự Cyrill. Monk cảm thấy trí tuệ của cậu bé đang chạy hết tốc lực, vượt quá trạng thái bình thường. Một lúc sau, hai bàn tay lướt trên tấm bảng, khéo léo và quyết đoán bật công tắc như thể đã làm điều này cả ngàn lần.
Nhìn động tác của cậu bé, Monk tò mò, “Sao cháu biết về Chiến dịch Thổ Tinh?” Konstantin thoáng nhìn ông với vẻ ngượng ngập lẫn u buồn. “Khả năng của cháu là tính toán nhanh và phân tích phát sinh. Cháu thường làm việc trong phòng máy tính ở căn cứ Warren.” Cậu bé nhún vai.
Monk hiểu ra vấn đề. Một cậu bé có thể biến thành nhà bác học nhưng vẫn sẽ là một cậu bé: tò mò, láu lỉnh, thích vượt qua ranh giới.
“Cháu đã tấn công dữ liệu của bà ta.”
Cậu bé lại nhún vai. “Cách đây một tuần, Sasha – chị gái của Pyotr – vẽ một bức tranh. Đưa cho cháu vào lúc nửa đêm. Lúc tất cả bị dựng dậy vì cơn ác mộng của Pyotr.”
“Bức tranh thế nào?”
“Đoàn tàu nơi đây, mang theo một đám trẻ, tất cả đều chết và bị thiêu cháy. Nó còn mô tả khu vực hầm lò phía sau lớp cửa sập. Thế… thế là ngày hôm sau, cháu đã đột nhập vào hệ thống dữ liệu của chiến dịch. Cháu biết được kế hoạch và lịch trình diễn ra. Cháu chỉ không biết làm gì để can thiệp hay phải tin tưởng ai. Sasha đi với Tiến sĩ Raev đến Mỹ, nên cháu nói chuyện với Pyotr.” Konstantin lắc đầu. “Cháu không hiểu làm cách nào Pyotr biết được… có thể là không biết… thỉnh thoảng mọi thứ lại như vậy.” Konstantin chờ đợi cái nhìn đồng cảm từ Monk.
Dù cậu chưa nói xong, ông vẫn gật đầu. “Pyotr biết gì?”ông hỏi thêm.
“Độ thấu cảm của Pyotr rất mạnh. Nó cảm nhận rằng bác có thể giúp. Thậm chí nó biết cả tên bác. Nói là Sasha đã thì thầm tên bác từ trong một giấc mơ. Cả hai đứa rất kỳ lạ, rất quyền năng.”
Monk nghe giọng cậu thoáng chút sợ sệt. Thậm chí Konstantin thận trọng ngoái nhìn Pyotr rồi quay trở lại công việc. “Vì vậy chúng cháu đến tìm bác.”
Cú bật công tắc cuối cùng khiến cho dãy màn hình bật sáng phía trên bảng điều khiển. Hình ảnh đen trắng được truyền từ rất nhiều góc độ, hiển thị cấu trúc giàn giáo trong hang. Một vách ngăn bằng thép rất lớn trên sàn.
Trung tâm của Chiến dịch Thổ Tinh. Chuyển động ở màn hình chính giữa thu hút Monk. Một đoàn tàu nằm bên ngoài khu vực hầm lò. Những xe quặng không mui chất đầy những đứa trẻ. Vài đứa leo xuống tàu và bối rối đứng nhìn. Một số khác đang cười đùa.
Konstantin siết chặt cổ tay áo Monk. “Chúng… chúng đã ở đây.”
Savina ngồi trong một trạm điều khiển sáng rực ánh đèn, kĩ thuật viên ở hai bên hỗ trợ. Họ đang chạy những phân tích sau cùng trên máy tính. Trạm được đặt trong công sự ngầm bên dưới một tòa nhà bỏ hoang. Không có cửa sổ. Mọi liên hệ với thế giới bên ngoài thông qua bảy màn hình LCD gắn trên tường. Hình ảnh truyền từ những máy quay trong hầm và tại khu vực chiến dịch diễn ra.
Bà chăm chú nhìn vào con tàu đã đỗ lại rồi đột ngột đứng lên, không thể ngồi lâu hơn. Chứng vẹo cột sống tái diễn. Bà quên tiêm thuốc vì quá bận rộn với những chuẩn bị cuối cùng. Lo âu bừng lên khiến bà quay lưng bước đi, không phải chỉ vì né tránh cảnh tượng xót xa – mặc dù thực tế là vậy.
Bà kiểm tra đồng hồ đeo tay. Quá bảy giờ ba mươi phút, vẫn không có động tĩnh gì từ Nicolas. Rời khỏi phòng điều khiển, hai bàn tay bà vặn siết. Bà không cho phép mình thể hiện cảm xúc yếu ớt. Bà bước tới cầu thang, cứ lặng lẽ di chuyển lên mà chẳng biết điểm dừng sẽ ở đâu.
Qua mạng lưới tình báo, bà đã hay tin về “tai nạn” rùm beng ở Chernobyl. Một vụ rò rỉ phóng xạ. Những xác chết. Khu vực đã được sơ tán. Nếu Nicolas thành công, việc di dời là quá muộn. Có lẽ con trai bà bị kẹt lại trong đống hỗn độn, chưa thể liên lạc được với bà. Chiến dịch của bà dự định bắt đầu trong bốn mươi lăm phút nữa, sau khi nghe xác nhận từ Nicolas.
Bà tưởng tượng con mình đang hả hê trong chiến tháng, có khi còn hẹn hò bí mật với Elena bé nhỏ. Nicolas sẽ không còn là mình nếu không tự chúc mừng bằng trò chơi tình ái rồi mới lo công việc. Nỗi tức giận hòa lẫn với lo âu.
Bà đã lên đến tầng phía trên trạm kiểm soát. Nó được sửa sang thành nơi ở cho các kĩ sư: phòng ngủ, khu tập thể dục và khu nghỉ ngơi trung tâm với ghế sofa cùng bàn ăn. Những người ở lại đây chỉ còn là mười đứa trẻ. Bà thuộc từng cái tên.
Chúng đồng thời ngoái nhìn như một bầy chim đang tung cánh quay đầu về hướng khác. Bà thoáng thấy e sợ bởi nhận ra có điều khác lạ trong tâm trí chúng. Mười đối tượng Omega là những bác học tài ba, kĩ năng của chúng vượt qua ngưỡng cửa thể chất, bay bổng ở nơi mà Savina không tài nào với tới.
Boris, cậu bé mười ba tuổi có đôi mắt xanh lam quan sát bà lâu nhất. Cậu có khả năng ghi nhớ và lưu giữ chính xác đến đáng sợ những hình ảnh thị giác. Cậu nhớ cả ngày sinh của bản thân.
“Sao chúng cháu không được đi cùng các bạn?” Cậu bé cất tiếng hỏi.
Những cái đầu còn lại gật gật.
Savina nuốt xuống trước khi trả lời. “Các cháu đi đường khác. Đã chuẩn bị ba lô đâu vào đấy chưa?”
Chúng nhìn chăm chăm. Không cần thiết phải trả lời. Tất nhiên là ba lô đã sẵn sàng. Câu hỏi khiến bà càng thêm lo lắng. Tình huống nhỏ trước lúc bà tiếp thêm sức mạnh cho Tổ quốc bước vào kỷ nguyên mới. Từ trong sâu thẳm, Savina biết rằng bà còn chưa nắm hết nguồn sức mạnh ấy.
“Một giờ nữa ta sẽ đi,” Savina an ủi.
Mười cặp mắt lại dõi theo bà.
Có tiếng bước chân dồn dập vang lên, một kĩ sư từ trạmđiều khiển.
“Thiếu tướng, ta có vài trục trặc ở cửa sập phía bên kia đường hầm. Bà có thể cho chỉ dẫn để tiếp tục.”
Bà gật đầu, không hề do dự trước vấn đề xảy ra.
Lúc rời đi, mười cặp mắt lạnh lùng và bình thản vẫn khắc khoải trong tâm trí bà. Bà vội vã tiến xuống cầu thang, tránh né những phán xét từ chúng.
“Mở hết cửa ra!” Monk hối thúc cậu bé.
Konstantin gật đầu từ bên trong trạm điều khiển. Động cơ điện rền vang, những bánh răng thép to lớn bắt đầu lăn, cửa từ từ mở rộng.
Konstantin nín thở chạy về phía ông. “Năm phút,” cậu bé nhắc.
Monk hiểu ý. Konstantin đã tắt hệ thống máy quay trong hầm và khởi động lại. Cậu bé cài chế độ mất tín hiệu tạm thời trong vòng năm phút. Chỉ có chừng đó thời gian để họ sơ tán lũ trẻ trên tàu trước khi máy quay hoạt động trở lại.
Chỉ có thể làm được như vậy. Trạm điều khiển chính nằm cuối đường hầm bên kia sẽ cắt điện tại đây một khi phát hiện ra mánh khóe che mắt họ.
Cơ hội duy nhất còn tận dụng được.
Cửa vừa tách, cả hai len qua. Marta cũng nhảy theo phía sau. Mặc dù thở phì phò vì mệt nhưng Marta đi rất nhanh, vượt qua cả Monk.
Nó hiểu được tình huống gấp gáp.
Cách đó một trăm mét, con tàu đỗ lại trên đường ray.
Monk tập tễnh chạy đến. Konstantin hét lên bằng tiếng Nga, yêu cầu lũ trẻ rời tàu và di chuyển ra bên ngoài cửa sập. Cậu bé dùng cả hai tay mà vẫy.
“Cho tất cả xuống tàu,” Monk dặn dò. “Bác phải đưa tàu đi càng nhanh càng tốt.” Monk chạy dọc đường tàu, hai khẩu súng trường trên vai, mỗi khẩu chứa ổ đạn sáu mươi viên. Konstantin đã giảng giải sơ qua về chế độ lái tàu bằng tay. Không nhiều nhặn gì.
Vào khoang lái, kéo mạnh cần gạt về phía trên.
Monk hỗ trợ cho Konstantin lúc này đang ở phía bên kia. “Tất cả xuống tàu! Thoát ra cửa!”
Konstantin hét vang mệnh lệnh bằng tiếng Nga.
Hỗn loạn diễn ra mất nửa phút. Lũ trẻ gào thét, khóc lóc, chen lấn, xô đẩy nhau, vài bàn tay bám chặt vào Konstantin. Nhưng chúng đã được huấn luyện tuân thủ mệnh lệnh rất gắt gao. Cả đoàn chầm chậm di chuyển, nhích dần về phía cửa sập.
Không còn cản trở, Monk tiến về khoang kín đầu tàu. Nhảy qua lối vào mở sẵn, ông đi thẳng đến buồng lái. Hai bên ghế lái là cần gạt màu xanh và màu đỏ. Màu xanh để đi. Màu đỏ để thắng lại. Một bảng nhỏ hiển thị đồng hồ đo và chỉ số điện áp. Monk không có thời gian phân biệt, ông nghiêng người ra cửa sổ. “Konstantin!” Giọng cậu bé vang từ đằng xa. “Hết rồi! Đi thôi!”
Tạm ổn.
Monk gạt cần xanh về phía trước. Động cơ đánh điện, vài tia lửa bắn vào khoảng tối. Tàu lắc lư chuyển động rồi lăn bánh. Còn bốn phút.
Ông phải cho tàu qua bên kia đường hầm trước khi hệ thống máy quay hoạt động lại. Quan trọng là Konstantin phải dẫn được lũ trẻ ra khỏi hầm và đóng cửa sập. Monk đã chỉ cho cậu bé cách hãm bánh răng để cửa khép chặt.
Konstantin còn có thêm một nhiệm vụ khác.
Monk lấy được hai thiết bị thu phát từ những thợ mỏ. Đến gần cửa bên kia, ông sẽ phát tín hiệu để Konstantin mở ra. Nếu mọi chuyện đúng theo kế hoạch, Monk sẽ có được lợi thế bất ngờ – cùng với hai khẩu súng nạp đầy đạn. Nếu coi đây là một kế hoạch tự sát, ông đâu còn lựa chọn nào khác. Lũ trẻ an toàn ngay lúc này, nhưng nếu Chiến dịch Thổ Tinh thành công, còn bao nhiêu triệu người khác sẽ chết? Lựa chọn duy nhất là xông thẳng vào trạm điều khiển trung tâm và nổ súng.
Ban đầu ông đề nghị phá hủy khu vực hầm nhưng Konstantin đã gạt đi. Có năm mươi tụ điện được nhồi thuốc nổ. Cho dù ông vượt qua được quãng đường nửa kilômét để tiếp cận, chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể kích hoạt khối thuốc nổ.
Vì vậy mục tiêu đã xác định.
Con tàu lạch cạch di chuyển trong hầm tối, thỉnh thoảng xuất hiện vài bóng đèn. Khoang lái có một đèn pha duy nhất phía trước. Tàu tăng tốc, Monk để ý thấy có biển hiển thị cây số trên vách hầm. Theo Konstantin thì đường hầm dài bốn kilômét.
Monk nín thở, nhẩm đếm thời gian một phút. Ông thấy con số 2 in trên vách.
Đã được nửa đường.
Ông còn chưa đến ba mươi giây để hành động.
Không tệ, nhưng cũng không mấy tuyệt vời.
Đèn vụt tắt như thể có bàn tay của Chúa vừa vỗ nhịp.
Con tàu mang theo nỗi thất vọng trong ông. Nó từ từ dừng lại trong bóng tối.
Có tiếng hét thất thanh của một đứa trẻ phía sau lưng ông. Người Monk cứng đờ. Âm thanh quen thuộc.
Của Pyotr.
Savina nhìn vào dãy màn hình tối đen trong trạm điều khiển. Bà lắc đầu. Vài phút trước, người kĩ sư đã thông báo cho bà về tình trạng trục trặc của hệ thống cửa sập ở cuối đường hầm. Các máy
quay bị ngắt, theo một chương trình biệt lập dù không ai đặt lệnh.
Những ngờ vực khiến bà sôi sục. Có gì đó bất ổn. Thay vì ngồi yên, bà nhanh chóng cắt toàn bộ mạch điện trong hầm.
“M.c. ba ba bảy,” Savina xác nhận lại. “Có một phân trạm ở khu mỏ này.”
Một kĩ sư điện gật đầu.
“Tôi nhớ là có cả một máy quay gắn trong lán điều khiển ở đó. Để các anh có thể liên lạc với người ở bên kia.”
Viên kĩ sư lại gật đầu, mắt ông ta mở to. “Nó thuộc một hệ thống độc lập.”
Đề phòng trường hợp hỏng hóc như lúc này, hai trạm vẫn có thể liên lạc.
“Bật máy quay đó lên.” Bà đập nhẹ vào màn hình.
Viên kĩ sư gõ thật nhanh trên máy tính. Một lúc sau, màn hình nhấp nháy trắng đen. Máy quay khá nhỏ và tiện dụng, được gắn phía trên bảng điều khiển để có thể quan sát hoạt động từ bên kia đường hầm.
Savina tựa sát vào đó. Bên ngoài lán, một đám trẻ lúc nhúc tụ tập. Rất đông. Những đứa trẻ được xếp lên tàu.
Savina còn đang bối rối thì một cậu bé dong dỏng cao xuất hiện. Cậu bé có mái tóc đen, khuôn mặt dài góc cạnh. Tay bà siết chặt. Bà nhận ra cậu bé.
Konstantin.
Chuyện gì đang diễn ra?
Buổi sáng bận rộn không cho bà thời gian theo dõi kết quả săn lùng của Trung úy Borsakov. Bà trông thấy Konstantin vẫy tay và ra hiệu cho đám trẻ yên lặng. Borsakov chắc chắn đã thất bại.
Nhưng chúng làm gì ở đây?
Bà đảo mắt tìm kiếm một người đàn ông và hai đứa trẻ. Đặc biệt là đứa trẻ bà mong muốn gặp lại.
Pyotr thét lên trong lúc bóng tối bao phủ lấy cậu. Mắt cậu mở to tìm kiếm chút ánh sáng. Marta ôm lấy Pyotr trong cánh tay vững chãi, cả hai đã lẻn lên toa cuối trong lúc hỗn loạn.
Pyotr biết cậu cần phải ở bên cạnh Monk. Nhưng bóng tối…
Pyotr thở hổn hển, chìm trong vùng mênh mông hun hút. Cậu bé không ngừng lắc lư mặc cho Marta ráng sức giữ chặt. Cơn ác mộng của cậu bé đã biến thành sự thật. Giấc mơ cứ lặp lại: cái bóng lớn dần bủa vây lấy cậu, phủ kín thành bóng tối dày đặc. Cách duy nhất để chống lại là biến mình thành ngọn đuốc rực sáng – và cậu bé sẽ thức dậy trong tiếng la hét.
Những đứa trẻ khác nói rằng nhìn thấy cậu bốc cháy cả trong những giấc mơ của chúng. Đầu tiên cậu nghĩ là chúng đang trêu chọc, nhưng sau vài lần, lũ trẻ bắt đầu nhìn cậu rất kỳ quặc, hiếm khi trò chuyện hay chơi đùa cùng cậu. Các giáo viên cũng bắt đầu giận dữ. Họ quở trách, không cho cậu ăn bánh ngọt với mật ong, bảo rằng cậu khiến cho những học sinh khác lo lắng đến nỗi không hoàn thành tốt bài kiểm tra sau đó. Họ đổ lỗi cho cậu vì làm chúng hoảng sợ.
Cậu cũng sợ hãi đến tận xương tủy – dù đó chỉ là một giấc mơ. Bóng tối lúc này không còn là trong mơ.
Cậu cố gắng trốn thoát, nhưng bóng tối vô cùng, chẳng hề bao dung chút ánh sáng dù là le lói. Đường đi khiến cậu kinh hãi, nhưng vẫn tốt hơn là bị chôn chặt giữa màn tối.
Vài chấm sáng như những lỗ kim chọc thủng lớp vải đen ngòm, lờ mờ xuất hiện. Và nhiều chấm sáng khác len lỏi. Cậu ngước nhìn cảnh vật đầy sao đang trải dài, đẩy lùi bóng đêm lại phía sau.
Nhưng cậu nhận ra sự thật. Không phải là những ánh sao.
Khi căng thẳng, trái tim Pyotr rung rinh như một con chim bị mắc bẫy. Chấm sáng mỗi lúc một lớn dần, chói lòa khi rơi xuống thấp. Cậu biết mình nên quay lưng bỏ chạy. Nhưng mắt cậu vẫn mở to… vì chính khoảng tối bên trong con người cậu cũng đang gào thét tìm kiếm, hừng hực muốn nuốt trọn ánh sáng.
Chùm sao bắt đầu rơi thật nhanh. Từ khắp các hướng, chúng lao vun vút, ập vào người cậu.
Có tiếng khóc cùng những con tim đập loạn nhịp. Tất cả lấp đầy tâm trí cậu. Bầu trời đêm đổ sụp, cậu bật ngã, ngọn lửa bắt đầu nhen nhóm.
Tiếng hú cảnh báo rộn lên từ phía xa. Marta biết được bí mật của cậu.
Trong những khoảnh khắc thức tỉnh đằng sau ác mộng đó, khi cậu tỉnh dậy và thét lên, đó không chỉ là nỗi sợ hãi – mà còn có cả niềm hân hoan.
Có điều gì đó lạ lùng đến mức nguy hiểm xảy ra trong số các đứa trẻ.
Sau khi ngắt điện, Savina tiếp tục quan sát hình ảnh truyền về từ khu mỏ 337. Mặc dù không có âm thanh nhưng rõ ràng lũ trẻ đang ở trong tâm trạng lo lắng, một vài đứa khóc, còn lại đứng ngồi bồn chồn không yên. Chỉ có Konstantin là tỏ ra bình tĩnh. Cậu bé xuất hiện trước tầm máy rồi lại biến mất.
Savina vẫn tiếp tục tìm kiếm Pyotr trong số đám trẻ.
Bà đã có mười đối tượng Omega, nhưng nếu cậu bé còn đó…
Một đứa trẻ ngã khuỵu trên nền đất. Đứa đứng cạnh vừa quay sang cũng ngã xuống như một tác động dây chuyền. Chúng lần lượt đổ gục. Một cậu bé hốt hoảng bỏ chạy – nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng chung.
Viên kĩ sư cũng nhận thấy điều đó. “Là do độc tố thần kinh đúng không?”
Savina vẫn chăm chú, không mấy chắc chắn. Hợp chất hấp thu bức xạ sẽ không công hiệu khi chưa tác dụng với lượng phóng xạ lớn. Chỉ số phóng xạ ở M.c. 337 chưa cao đến mức đó. Một lát sau, Konstantin lại xuất hiện, bế một cô bé mềm rũ trên tay. Đó là cô em gái Kiska. Cậu bé hướng thẳng vào máy quay, đôi mắt khiếp sợ.
Savina nhận ra một tia chớp ánh lên trong mắt cậu rồi vụt tắt. Cậu bé ngã xuống. Không phải do độc tố thần kinh. Konstantin và Kiska không hề bị tiêm thuốc.
Có tiếng va đập phía trên. Âm thanh liên tiếp vọng lại.
Savina theo phản xạ ngước nhìn lên.
Ôi, không…
Bà lập tức chạy về phía cầu thang, bước qua hai bậc một. Lưng bà rã rời, một nỗi đau thấu tim dồn lên theo từng nhịp đập. Bà lao vào căn phòng nơi có mười đứa trẻ đang ngóng chờ.
Tất cả đều gục ngã, trên ghế, trên sàn nhà, đầu ngả về một bên, chân tay chùng xuống.
Bà quỳ bên Boris, kiểm tra mạch trên cổ cậu bé. Nhịp đập khá yếu. vẫn còn sống.
Bà xoay người cậu bé lại, lật mi mắt đang khép hờ. Đồng tử dãn rộng và không còn phản ứng với ánh sáng.
Bà đứng dậy nhìn quanh căn phòng. Chuyện gì đang xảy ra?