Nhà Tiên Tri Cuối Cùng

GHI CHÚ DÀNH CHO ĐỘC GIẢ



Thực tế hay Hư cấu?
Cũng giống như nhân vật giáo sư Archibald Polk, tôi viết tiểu thuyết này bởi niềm đam mê dành cho khả năng trực giác của con người. Liệu có tồn tại? Và khởi nguồn từ đâu? Như thường lệ, tôi sẽ kết thúc cuộc phiêu lưu này với những ý tưởng và sự kiện dẫn đến câu chuyện, và phân chia theo chủ đề để độc giả tiện tra cứu.
Nhà Tiên tri Delphi của Hy Lạp. Đoạn mở đầu nhắc đến những huyền thoại và thực tế xoay quanh Nhà Tiên tri. Những người phụ nữ này có thấy trước tương lai hay không là chủ đề thuộc về tranh luận, nhưng một điều chắc chắn rằng những tiên đoán của Nhà Tiên tri Delphi đã thực sự mang đến thay đổi cơ bản cho tiến trình lịch sử văn minh phương Tây. Những chi tiết như ký tự epsilon bí ẩn và khí gây ảo giác đều có căn cứ thật sự. Bất cứ ai quan tâm đến đề tài này sẽ được khám phá nhiều hơn qua tác phẩm tuyệt vời mang tên The Oracle: The Lost Secrets and Hidden Message otAncient Delphi (Nhà Tiên tri: Những Bí mật Thất lạc và Thông điệp Ấn giấu từ Delphi cổ xưa) của William J. Broad.
Nhà Jason. Một tổ chức có thật gồm các nhà khoa học đang làm việc bên cạnh Bộ Quốc phòng và vẫn đang hoạt động. Nguồn tham khảo hấp dẫn về lịch sử cũng như những thành tựu đạt được của họ có trong cuốn The Jasons: The Secret History of Science’s Postwar Elite (Nhà Jason: Giai thoại Bí mật của những Nhân kiệt Khoa học Thời Hậu chiến) của Ann Finkbeiner.
Dự án Stargate. Chương trình có thật tại Học viện Nghiên cứu Stanford và được C.I.A. tài trợ. Những nghiên cứu mang tính tâm linh bắt nguồn từ đây.
Vận hành não bộ. Nhiều chi tiết trong truyện liên quan đến tính tạo hình của não bộ, việc cấy ghép nhờ thiết bị TMS (Tác nhân kích thích từ xuyên hộp xọ) và bản chất “máy móc tự nhiên” của con người. Bao nhiêu trong số đó là sự thật? Tất cả. Nếu muốn tìm tòi khám phá bí ẩn về não bộ loài người, tôi khuyên bạn nên đọc The Brain That Changes Itself (Não bộ tự cải biến) của bác sĩ Norman Doidge. Về chứng mất trí nhớ của Monk, những ứng dụng kĩ thuật hóa học ngày nay có khả năng xóa bỏ những mảng ký ức nhất định, đặc biệt là bằng thuốc propranolol.
Liệu ta có thể nhìn thấy tương lai? Các nhà khoa học đoạt giải Nobel trả lời rằng có. Thí nghiệm trên những người chơi bạc và binh lính được mô tả trong truyện là có thật và từng tiến hành lặp lại ở khắp các nghiên cứu lỗi lạc, ta có khả năng nhìn vào khoảng thời gian ba giây của tương lai. Làm sao có thể? Vẫn chưa có câu trả lời. Những câu chuyện về tài năng bác học ở Ấn Độ – như là cậu bé được đưa đến Oxford và người phụ nữ từng gặp mặt Einstein – là minh chứng thực tế cho vấn đề. Bạn có thể tham khảo thêm những câu chuyện lịch sử tương tự trong Intuition: Knowing Beyond Logic (Khả năng trực giác: Những hiểu biết ngoài luận lý).
Ấn Độ và người Gypsy. Lịch sử của người Romani và nguồn gốc của họ tại vùng Punjab ở Ấn Độ là có thật. Đây cũng là lý do biểu tượng bánh xe chakra xuất hiện nổi bật chính giữa quốc kỳ của Ấn Độ. Trong hệ thống đẳng cấp ở Ấn Độ, hoàn cảnh khốn cùng của tầng lớp “tiện dân” là một vấn đề đáng quan tâm. Một số nhà sử học tin rằng bất đồng giữa các đẳng cấp đã khiến cho tổ tiên người Gypsy rời khỏi Ấn Độ. Để hiểu thêm về vấn đề này, hãy tìm đọc bài báo mang tính quan ngại có tựa đềIndia’s Untouchables (Tầng lớp tiện dân ở Ấn Độ) trong ấn bản tháng 6 năm 2003 của tờ National Geographic. Nếu bạn từng ghé thăm đền Taj Mahal, có một nhà hàng xoay thực sự trên tầng thượng của khách sạn Deedar-e-Taj. Tôi khuyên bạn nên chọn món pani pani hoặc golguppa.
Di sản phóng xạ của Nga (Russia’s Radioactive Legacy). Những mô tả về thành phố Pripyat và kế hoạch niêm phong cỗ Quan tài cũ dưới một mái vòm khổng lồ bằng thép dày mười hai mét là có thật. Chi tiết liên quan đến các nhà máy plutonium cũ của Liên bang Xô viết ở dãy núi Ural cũng như những mối e ngại liên quan là có thật. Những thành phố ngầm nơi tù nhân bị giam giữ và lao động trong các hầm mỏ uranium trên thực tế cũng tồn tại. Hầu hết tù nhân đều chết trước thời hạn được phóng thích. Ngày nay, khu vực Chelyabinsk tại dãy Ural vẫn là một trong những địa điểm ô nhiễm phóng xạ lớn nhất trên trái đất. Hồ Karachay là một nhân chứng sống cho thảm họa hạt nhân và theo như Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC) tại Washington D.C., lượng phóng xạ trên bờ đủ gây chết người trong khoảng thời gian dưới một giờ đồng hồ. Đúng như Konstantin cảnh báo, đây không phải là nơi phù hợp để cắm trại. Tệ hơn là phóng xạ đang rò rỉ từ hồ này sang vùng đầm lầy Asanov kế cận. Lòng hồ cũng bị gãy nứt. Một trận động đất có khả năng gây ra điều Savina Martov chủ tâm thực hiện. Thảm họa này sẽ mang đến cái chết cho Bắc Băng Dương và lan sang Bắc Âu.
Hỏa lực đặc biệt. Trong quyển sách này, tôi có nhắc đến pháo sáng trợ âm, độc tố hấp thu bức xạ, kiếm dẻo, súng phi tiêu Taser, ngay cả súng điện thoại. Tất cả đều có thật.
Hội chứng tự kỷ và tự kỷ bác học. Nguyên nhân cho chứng tự kỷ vẫn chưa được tỏ tường. Nghiên cứu gần đây nhất khởi xướng bởi Dự án Gen Tự kỷ phối hợp với Viện Y tế Quốc gia đã phát hiện ra những gen nhất định, kèm theo nhân tố môi trường góp phần vào việc hình thành nên chứng rối loạn này. Để hiểu rõ hơn về dạng trí tuệ đặc biệt ấy, bạn nên đọc một tác phẩm của Tiến sĩ Temple Grandin có tựa đề Thinking in Pictures: My Life with Autism (Tư duy Hình ảnh: Cuộc đời tự kỷ của tôi). Một quyển sách khác cũng mô tả rất sâu sắc về chứng tự kỷ và tự kỷ bác học, đó là cuốn hồi ký của tác giả Daniel Tammet: Born on a Blue Monday (Ngày thứ Hai chào đời buồn tủi).
Chân thành mà nói, hạt giống tạo nên quyển tiểu thuyết này chính là lời trích dẫn từ Tiến sĩ Temple Grandin. Bà đã cho phép tôi sử dụng nó: “Nếu do một ma thuật nào đó, chứng tự kỷ bị nhổ tận gốc rễ khỏi thế giới này, thì đến giờ con người vẫn đang đứng trước cửa hang mà nhảy nhót quanh đống lửa bập bùng”. Đối với tôi, đó chính là âm hưởng cho lời trích từ Socrates ở phần mở đầu, nói về Nhà Tiên tri Delphi:
Hồng ân lớn lao nhất dành tặng cho nhân loại khởi nguồn từ cơn giận dữ, ấy chính là một món quà thiêng liêng. Nó khiến ta tự hỏi liệu những trí tuệ đặc biệt này có thực sự mở đường dẫn lối cho lịch sử nhân loại.
Để trả lời, xin được kết thúc bằng một phần danh sách các nhân vật lịch sử nổi tiếng được xem là có khuynh hướng tự kỷ ở mức độ khác biệt nào đó:
Hans Christian, Andersen, Jane Austen, Ludwig van Beethoven, Emily Dickinson, Thomas Edison, Albert Einstein,Henry Ford, Thomas Jefferson, Franz Kafka, Michelangelo,Wolfgang Amadeus, Mozart, Isaac Newton, Friedrich Nietzsche,Mark Twain, Nikola Tesla, Henry Thoreau, Alan Turing Nostradamus

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.