Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ
CHƯƠNG 8
SỢI DÂY XÍCH THỨ NĂM: THIẾU KIẾN THỨC
Bạn không thể phóng tên lửa của mình lên mặt trăng nếu bạn không biết cách điều khiển tên lửa bay lên.
Hãy khám phá một kế hoạch bay với đầy đủ thông tin cần thiết để đến với ước mơ của bạn.
“Tôi không biết phải làm thế nào!”, “Thậm chí tôi còn không biết nên bắt đầu từ đâu.”, “Tôi không bao giờ làm được việc này, tôi không hề biết gì về cách làm cả”.
Đó là những lời ca thán quen thuộc về một rào chắn trên đường mà ai cũng có thể gặp phải – tình trạng “thiếu kiến thức”. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là trở ngại lớn nhất trên con đường thực hiện ước mơ của đa số mọi người. Nó ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống cá nhân cũng như sự nghiệp của bạn. Nhiều người để mặc cho những mối quan hệ thân thiết tàn lụi dần chỉ vì họ không biết phải làm gì để hiểu được nửa kia của mình cần gì, muốn gì hoặc làm thế nào để hàn gắn, cải thiện tình cảm giữa hai người?
Thử hỏi có bao nhiêu người bán hàng chỉ biết trơ mắt đứng nhìn doanh thu sụt giảm bởi vì họ không biết phải làm gì để vượt qua lời từ chối của khách hàng? Bao nhiêu bậc cha mẹ kêu trời rồi buông xuôi trước những đứa con tỏ ra ngỗ ngược và bất trị ở tuổi choai choai, chỉ vì họ chịu không biết cách nuôi dạy chúng? Chẳng có gì đáng buồn và đáng tuyệt vọng hơn việc bạn phải đối mặt với một tình cảnh mà bạn không biết phải làm gì hoặc làm như thế nào.
Đa số người lớn chọn cách đầu hàng hoặc rút lui khi phải đương đầu với một tình huống khiến họ bộc lộ sự thiếu kiến thức của mình. Mặc dù ai cũng cần phải học hỏi thêm ở lĩnh vực này hoặc lĩnh vực kia, trong thực tế, đây thường là một trở ngại trong nhận thức. Chỉ có 10% người trưởng thành, những người thành công tột bậc, coi việc thiếu kiến thức là điểm bất cập tạm thời vì họ biết đáp lại tiếng gọi của hành động và suy nghĩ sáng tạo.
Bạn có nghĩ là Thomas Edison được trang bị thông tin đầy đủ khi ông theo đuổi ước mơ phát minh ra đèn điện không? Thật ra, ông cũng chẳng biết gì hơn những người mới bắt đầu, thế nên ông mới phải mất đến 10 ngàn lần thử nghiệm trước khi ông thành công.
Còn Oprah Winfrey thì sao, vào lúc cô đồng ý đứng ra dẫn chương trình đầu tiên của mình? Chưa bao giờ dẫn chương trình nào trước đây, chắc chắn cô không có kinh nghiệm gì về việc này. Thiếu kiến thức trong một lĩnh vực nào đó là điều thông thường đối với con người, tựa như hơi thở vậy. Tuy nhiên, phần lớn người trưởng thành vẫn xem việc này như ngọn núi Everest trong cơn bão tuyết – một trở ngại không thể vượt qua. Và bởi vì nó được nhìn nhận dưới ánh sáng ấy nên không một ai dám nỗ lực trèo lên đỉnh núi hay chinh phục nó.
BÍ MẬT CỦA NHỮNG NGƯỜI THÀNH CÔNG NHẤT THẾ GIỚI
Đây là một bí mật khiến tôi ngã ngửa người khi phát hiện ra. Thay vì là một khó khăn không thể đánh bại, việc thiếu kiến thức trong bất cứ một tình huống nào có thể trở thành đòn bẩy cho những thành tựu và thành công phi thường. Trong thực tế, tôi thường thành công hơn nhiều ở những lĩnh vực mà tôi không hề có chút vốn liếng kiến thức so với những lĩnh vực mà tôi có chút hiểu biết. Tại sao ư?
Bởi vì mỗi khi đối mặt với một vấn đề mà tôi cảm thấy mình có một lỗ hổng kiến thức to tướng, tôi lập tức tìm đến những chuyên gia trong lĩnh vực đó. Tôi đã đạo diễn khoảng hơn 800 chương trình truyền hình, trong đó có nhiều chương tình tầm cỡ. Nếu tôi chẳng biết gì nhiều về thiết kế và dàn dựng chương trình mà lại cố tự mình làm cho bằng được, hẳn tôi sẽ phải tốn hàng ngàn giờ mà kết quả tối đa đạt được chỉ cỡ trung bình. Nhưng bởi vì tôi biết rõ điểm hạn chế của mình, tôi không phí sức làm cái việc gọi là “dã tràng xe cát”. Thay vào đó, tôi thuê những chuyên gia về thiết kế dàn dựng chương trình, và chỉ trong một khoảng thời gian ngắn đến bất ngờ, họ đã tạo ra cho tôi những chương trình truyền hình hoành tráng và chuyên nghiệp nhất.
Steven Spielberg là một trong số ít người kể chuyện và nhà đạo diễn đại tài trong lịch sử điện ảnh. Tuy vậy, ông không thể tự mình tạo ra những hiệu ứng xuất sắc tràn ngập trong những bộ phim của ông như bạn có thể thấy. Thậm chí ông cũng không bận tâm về việc này. Khi có một phân cảnh cần đến những hiệu ứng kỹ thuật đặc biệt, ông thuê những người giỏi nhất trong ngành làm thay cho mình, thường là công ty Industrial Light and Magic của George Lucas. Khi ông cần một mô hình khủng long, ông tìm đến Stan Winston, một bậc thầy trong việc chế tạo những mô hình hành động ở Hollywood. Như thế, việc thiếu kiến thức của Steven không hề là vật cản đường bất trị mà là đòn bẩy cho những thành công ngoài sức tưởng tượng của ông.
Bạn và tôi (cả những người khác nữa) chỉ có một số điểm mạnh và khả năng, trong khi chúng ta lại có vô số những điểm yếu và vượt ngoài khả năng của mình. Nói cách khác, những việc bạn biết và có thể làm ít hơn nhiều so với những việc bạn không biết và không thể làm. Nếu bạn không thể tìm ra cách biến những điểm thiếu hụt của mình từ chướng ngại vật thành đòn bẩy thì bạn sẽ không bao giờ đạt được bất cứ điều gì ngoài những kết quả tầm thường xoàng xĩnh. Điểm khác biệt lớn nhất giữa những người thành công và số đông còn lại là: người thành công nhờ người khác đắp vào khe hở kiến thức của mình, trong khi những người còn lại chỉ biết đầu hàng trước khó khăn. Tệ hơn nữa, nhiều người phớt lờ vấn đề này và vẫn húc đầu vào làm như thể họ biết hết mọi thứ trên đời. Những người muốn “đội đá vá trời” này cũng sẽ chẳng đạt được một thành tựu nào đáng kể trừ khi họ thừa nhận điểm yếu của mình rồi noi gương những người thành công, nghĩa là thuê người giỏi hơn mình trong một lĩnh vực nào đó về làm thay cho mình.
Nếu bạn muốn tách khỏi đám đông hiếm khi đạt được mơ ước của mình, bạn cần chấp nhận rằng bạn chỉ có một vài sở trường và vô số sở đoản. Đó là bước đầu tiên. Bước thứ hai là xác định những điểm mạnh cũng như những điểm yếu của bạn. Bên cạnh việc tự tìm hiểu bản thân, bạn hãy nhờ những người hiểu rõ bạn giúp sức. Họ sẽ giúp bạn nhận thấy những khía cạnh mà bạn có thể bỏ sót. Đó cũng là lý do tôi đề nghị bạn viết ra danh sách những điểm mạnh và điểm yếu của mình ở cuối chương 4. Danh sách này sẽ tạo nền tảng cho những bài tập ở chương sau.
KHÁM PHÁ BẢN THÂN – CHÌA KHÓA MỞ CÁNH CỬA ĐẾN ƯỚC MƠ
Tại sao bạn có xu hướng hành động nhất quán theo một mô thức nào đó, bất kể trong tình huống nào? Tại sao một số người có thể dễ dàng nói chuyện với bất kỳ ai, nhưng lại khó lắng nghe người khác đến thế? Tại sao có những người luôn tránh né việc tranh cãi còn người khác thì không?
Khi vợ chồng tôi phát hiện ra một trong những người thợ bảo trì của chúng tôi đã liên tục bắt chúng tôi trả giá cao hơn hàng ngàn đô cho những công việc mà chúng tôi tin cậy giao phó cho anh ta, cả hai chúng tôi đều bị tổn thương nặng nề và biết rằng chúng tôi sẽ phải nói chuyện thẳng thắn với anh ta. Ý nghĩ về việc đối chất khiến vợ tôi kinh hãi. Bản thân tôi cũng chẳng thích thú gì về việc này, nhưng nó không làm tôi lo ngại. Khi tôi đề cập vấn đề giá cả với anh ta, anh ta khăng khăng phủ nhận và nói dối để chống đỡ. Thậm chí anh ta còn đổ lỗi cho vợ tôi. Thế là tôi biết, chỉ còn một cách là đuổi việc anh ta. Mặc dù vợ tôi hoàn toàn ủng hộ tôi, nhưng nếu tôi yêu cầu cô ấy gọi điện thoại nói cho anh ta biết về quyết định đó, cô ấy sẽ phát hoảng và lo lắng suốt mấy ngày. Việc đó dễ như trở bàn tay đối với tôi nhưng sao lại khó khăn với vợ tôi đến thế? Chắc chắn không phải vì cô ấy là phụ nữ còn tôi là đàn ông. Nếu một việc tương tự xảy ra với người bạn thân của tôi, anh ấy cũng cảm thấy khó mà đối diện với nó giống như vợ tôi vậy. Lý do thật sự xuất phát từ tính cách cá nhân. Tôi có thể thoải mái đuổi việc một người, nếu phát hiện ra anh ta gian dối. Ngược lại, vợ tôi và người bạn thân của tôi gần như không thể mở lời nói lên “sự thật mất lòng”.
Trong khi đó, anh bạn của tôi sẽ kiên nhẫn lắng nghe người khác kể lể dông dài hàng giờ liền, còn tôi không thể chịu nổi mấy phút. Tôi muốn người đó đi thẳng vào vấn đề để tôi nhanh chóng đưa ra hướng giải quyết. Vấn đề không phải là cách xử lý của tôi tốt hơn cách xử lý của bạn tôi, mà là cách hành động và phản ứng của một người trong các tình huống khác nhau thường chịu ảnh hưởng mạnh mẽ (nếu không bị điều khiển hoàn toàn) từ tính cách của người ấy. Mỗi loại tính cách đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng. Chỉ khi bạn hiểu rõ tính cách bản thân cùng những khuynh hướng tự nhiên của nó, bạn mới có thể phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu và phối hợp với những người có tính cách bổ sung với bạn. Trong phần còn lại của chương này, tôi sẽ đưa ra một bài kiểm tra 5 phút nhằm giúp bạn xác định tính cách nổi trội của bạn cũng như tập trung vào việc tìm hiểu sở trường và sở đoản của bạn. Tất cả những tài liệu trong chủ đề này đều do người bạn tốt của tôi, Tiến sĩ Gary Smalley cung cấp.
BÀI KIỂM TRA TÍNH CÁCH TRONG 5 PHÚT
Trong bảng phía dưới, bốn chữ cái ở đầu mỗi cột đại diện cho bốn loại tính cách cơ bản. Ở mỗi dòng, hãy viết số 4 bên cạnh từ miêu tả bạn đúng nhất, số 3 bên cạnh từ miêu tả bạn gần đúng, số 2 bên cạnh từ miêu tả bạn hơi đúng và số 1 bên cạnh từ miêu tả bạn ít đúng nhất. Như vậy, với mỗi hàng ngang, bạn sẽ có một số 4, một số 3, một số 2 và một số 1. Ví dụ, sự lựa chọn của tôi ở hàng thứ nhất như sau:
(3) thích quyền lực (4) nhiệt tình (2) nhạy cảm (1) thích được hướng dẫn
Đây là bài kiểm tra bạn không thể nào rớt được.
Khi đọc từng hàng ngang một, bạn có thể thấy khó đưa ra quyết định từ nào miêu tả bạn đúng hơn so với từ khác. Thậm chí, bạn có thể cảm thấy từ nào cũng đúng với mình hoặc chẳng có từ nào đúng cả. Đừng hốt hoảng. Hãy cố đoán xem từ nào đúng nhất (đánh số 4) và từ nào ít đúng nhất (đánh số 1), rồi tiếp tục phán đoán hai từ còn lại. Kể cả khi bạn có một vài lựa chọn không chính xác thì kết quả cuối cùng cũng không bị ảnh hưởng là bao. Hãy thành thật, bạn sẽ phát hiện ra cả loại tính cách chính yếu lẫn thứ yếu của mình. Không ai chỉ thuộc về một loại tính cách riêng biệt, mà luôn có sự kết hợp độc nhất giữa bốn loại tính cách, với một hoặc hai loại chiếm ưu thế hoặc lấn át những loại khác.
Bây giờ bạn hãy cộng các số theo hàng dọc lại.
Mỗi cột đại diện cho một loại tính cách nhất định. Cột có số điểm cao nhất là tính cách chính của bạn, cột có số điểm cao nhì là tính cách phụ của bạn. Mặc dù trong bạn có sự kết hợp của bốn loại tính cách, hai nét tính cách có số điểm cao nhất bộc lộ rõ nhất sở trường, sở đoản cũng như khuynh hướng hành động của bạn.
BÀI KIỂM TRA TÍNH CÁCH TRONG 5 PHÚT
S R
1. __ Thích quyền lực __ Nhiệt tình
2. __ Chịu trách nhiệm __ Chấp nhận rủi ro
3. __ Kiên quyết __ Nhìn xa trông rộng
4. __ Dám nghĩ dám làm __ Hay nói
5. __ Cạnh tranh __ Thích khởi xướng
6. __ Giải quyết vấn đề __ Thích nổi tiếng
7. __ Làm việc hiệu quả __ Ham vui
8. __ Táo bạo __ Thích sự đa dạng
9. __ Quyết đoán __ Ngẫu hứng
10. __ Kiên trì __ Truyền cảm hứng
__ Tổng điểm cho S __ Tổng điểm cho R
C H
__ Nhạy cảm __ Thích được hướng dẫn
__ Trung thành __ Chính xác
__ Bình tĩnh, điềm đạm __ Kiên định
__ Thích công việc mang tính đều đặn __ Dễ hiểu, dễ đoán
__ Không thích sự thay đổi __ Thực tế
__ Nhường nhịn người khác __ Căn cứ vào sự thật
__ Tránh đụng độ __ Tận tâm, chu đáo
__ Dễ cảm thông __ Cầu toàn
__ Thích chăm sóc người khác __ Tỉ mỉ, chi tiết
__ Thích hóa giải __ Có óc phân tích
__ Tổng điểm cho C __ Tổng điểm cho H
Mỗi hàng ngang có 4 từ. Trong 10 hàng ngang trên, hãy viết số 4 bên cạnh từ miêu tả bạn đúng nhất, số 3 bên cạnh từ miêu tả bạn gần đúng, số 2 bên cạnh từ miêu tả bạn hơi đúng và số 1 bên cạnh từ miêu tả bạn ít đúng nhất. Mỗi hàng chỉ viết một số một lần duy nhất. Sau khi điền số xong, hãy cộng các số theo từng cột. Cột có số điểm cao nhất thể hiện tính cách chính của bạn, cột có số điểm cao nhì thể hiện tính cách phụ của bạn.
Tất cả những điều này có ý nghĩa gì?
Sau khi hoàn tất bài kiểm tra, bạn cũng muốn biết kết quả trên có ý nghĩa gì đúng không? Như đã nói ở trên, tính cách của một người biểu lộ khuynh hướng tự nhiên, điểm mạnh, điểm yếu của người ấy và quyết định việc anh ta hoặc cô ta sẽ phản ứng tự nhiên như thế nào trong hầu hết các tình huống. Cột nào cho điểm càng cao thì tính cách trong cột đó càng nổi trội. Gary Smalley so sánh bốn loại tính cách với loài vật vì như vậy sẽ dễ hình dung và ghi nhớ hơn những con số, chữ cái, màu sắc hay thuật ngữ khô cứng vẫn thường được gán cho tính cách con người. Tôi đồng ý với Gary, vì vậy tôi sẽ dùng hình ảnh loài vật.
S = Sư tử
Sư tử là những nhà lãnh đạo. Người có tính cách này thường là sếp trong công việc… hoặc ít nhất thì họ cũng nghĩ mình là sếp! Họ quyết đoán và là những người quản lý chứ không phải là người quan sát hay lắng nghe. Họ thích giải quyết vấn đề. Họ là những người theo chủ nghĩa cá nhân, luôn tìm kiếm các cuộc phiêu lưu và cơ hội mới. Sư tử rất tự tin và độc lập. Trong một nhóm, nếu không ai lãnh nhận trách nhiệm ngay lập tức thì Sư tử sẽ đứng ra nắm giữ vị trí này. Không may, nếu họ không học cách giảm thái độ hung hăng tự nhiên thì họ dễ gặp vấn đề với người khác. Phần lớn các doanh nhân là những con Sư tử dũng mãnh hoặc ít nhất thì cũng mang đậm tính cách này.
Khuynh hướng cơ bản: Hành động với nhịp độ nhanh, hướng về công việc.
Động lực đến từ: Kết quả, thử thách, hành động, quyền lực và sự công nhận thành quả đạt được.
Quản lý thời gian: Sư tử quan tâm đến hiện tại chứ không phải tương lai xa vời. Họ hoàn tất nhiều việc hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với đồng nghiệp, ghét lãng phí thời gian và thích đi thẳng vào vấn đề.
Phong cách giao tiếp: Biết cách bắt chuyện tốt nhưng lại không biết lắng nghe (giao tiếp một chiều).
Đưa ra quyết định: Bốc đồng, quyết định nhanh chóng, luôn hướng tới mục tiêu và kết quả cuối cùng, chú trọng đến kết quả, chỉ cần một vài thông tin là có thể đưa ra quyết định.
Trong những tình huống chịu áp lực hoặc căng thẳng:
Nắm quyền chỉ huy và trở nên độc đoán.
Nhu cầu lớn nhất: Muốn nhìn thấy kết quả, được trải nghiệm phong phú và đối mặt với thử thách, thích giải quyết vấn đề và muốn có câu trả lời trực tiếp.
Khát vọng của Sư tử: Tự do, quyền lực, sự phong phú, những nhiệm vụ khó khăn, cơ hội thăng tiến.
R = Rái cá
Rái cá dễ bị kích động, ham vui và thích nói chuyện. Họ biết cách động viên người khác và cần ở những nơi mà họ có thể phát huy khả năng giao tiếp và có tiếng nói trong những quyết định quan trọng. Bản chất hòa đồng của Rái cá khiến họ rất giỏi trong việc thiết lập các mối quan hệ – họ thường quen biết rất nhiều người. Họ có vẻ đáng mến và thân thiện trừ những lúc họ phải chịu áp lực, khi ấy họ có khuynh hướng sử dụng tài ăn nói của mình để công kích đối phương. Họ khao khát được nhiều người yêu mến và thích trở thành trung tâm vũ trụ. Họ thường quan tâm đến phong cách, thời trang và những gì hào nhoáng. Rái cá thích tiệc tùng và hầu như ai cũng thích kết giao với họ.
Khuynh hướng cơ bản: Hành động với nhịp độ nhanh, hướng về con người.
Động lực đến từ: Sự công nhận và tán thành của người khác.
Quản lý thời gian: Tập trung vào tương lai, có khuynh hướng vội vàng nhảy sang một việc hào hứng kế tiếp.
Phong cách giao tiếp: Nhiệt tình và khuấy động không khí, thường giao tiếp một chiều (nói nhiều hơn nghe) nhưng có thể khích lệ và truyền cảm hứng cho người khác.
Đưa ra quyết định: Nhanh và dựa trên cảm tính, vì thế có nhiều quyết định đúng nhưng quyết định sai cũng không ít.
Trong những tình huống chịu áp lực hoặc căng thẳng:
Rái cá thường tấn công, họ quan tâm đến sự nổi tiếng hơn là những kết quả hữu hình.
Nhu cầu lớn nhất: Sự công nhận và hoạt động xã hội, những hoạt động vui thú và không quá quan trọng đến tiểu tiết.
Khát vọng của Rái cá: Thanh thế, những mối quan hệ thân thiện, cơ hội giúp đỡ và động viên người khác, cơ hội chia sẻ ý kiến.
C = Chó (giống Golden Retriever)
Một từ miêu tả đặc trưng cho những người có tính cách này là lòng trung thành. Họ rất trung thành, thật vậy, họ có thể cắn răng chịu đựng nỗi đau đớn thiệt thòi trong những mối quan hệ chứ không từ bỏ. Họ biết lắng nghe, cực kỳ đồng cảm với người khác và luôn nói những lời động viên ấm lòng. Tuy vậy, họ có khuynh hướng làm vui lòng người khác nên khó trở nên quyết đoán trong các tình huống nan giải hoặc các mối quan hệ phức tạp khi cần thiết.
Khuynh hướng cơ bản: Hành động với nhịp độ chậm, hướng vào con người.
Động lực đến từ: Khao khát xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp và được người khác cảm kích.
Quản lý thời gian: Tập trung vào hiện tại, dành nhiều thời gian giúp đỡ người khác và xây dựng các mối quan hệ.
Phong cách giao tiếp: Giao tiếp hai chiều, biết lắng nghe và thể hiện sự cảm thông với người khác.
Đưa ra quyết định: Quyết định chậm, trông chờ ý kiến đóng góp của người khác và thường nghiêng theo ý kiến đó.
Trong những tình huống chịu áp lực hoặc căng thẳng:
Thường nhân nhượng trước ý kiến, suy nghĩ và mong muốn của người khác, đôi khi quá mức.
Nhu cầu lớn nhất: Sự an toàn, sự thay đổi từ từ và thời gian để điều chỉnh, môi trường không có mâu thuẫn.
Khát vọng của Chó (giống Golden Retriever): Những mối quan hệ bền vững, sự an toàn, môi trường quen thuộc, phù hợp, được dành riêng, thoải mái, thân thiện, có thể tự do làm việc theo tốc độ của mình.
H= Hải ly
Hải ly có nhu cầu mãnh liệt làm mọi việc theo đúng cách và đúng bài bản. Trong thực tế, họ là những người luôn “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”. Họ rất giỏi trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm hoặc trong bất kỳ hoàn cảnh/lĩnh vực nào đòi hỏi sự chính xác như kế toán, kỹ thuật v.v… Bởi vì quy định, tính nhất quán và tiêu chuẩn cao rất quan trọng với Hải ly nên họ thường tỏ ra thất vọng trước những người không mang cùng đặc tính đó với mình. Mong muốn cao nhất của họ là duy trì tiêu chuẩn cao (đôi khi thiếu thực tế) và điều này có thể hạn chế khả năng biểu lộ tình cảm chân tình của họ trong mối quan hệ với người khác.
Khuynh hướng cơ bản: Hành động với nhịp độ chậm, hướng về công việc.
Động lực đến từ: Khao khát làm mọi việc đúng cách và duy trì chất lượng cao.
Quản lý thời gian: Có khuynh hướng làm việc chậm rãi để đảm bảo tính chính xác.
Phong cách giao tiếp: Biết lắng nghe, trong giao tiếp hay đi vào chi tiết và thường tỏ ra khôn khéo.
Đưa ra quyết định: Tránh đưa ra quyết định, cần nhiều thông tin mới quyết định.
Trong những tình huống chịu áp lực hoặc căng thẳng: Cố tránh áp lực hoặc những tình huống căng thẳng, có thể phớt lờ thời hạn đưa ra.
Nhu cầu lớn nhất: Sự an toàn, sự thay đổi từ từ và thời gian để điều chỉnh, môi trường không có mâu thuẫn.
Khát vọng của Hải ly: Những nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể, sự ổn định, an toàn, ít rủi ro, những công việc yêu cầu tính tổ chức và chính xác cao.
TIN VUI CHO TÍNH CÁCH CỦA BẠN
Khi bạn tập trung khám phá các nét tính cách chính và phụ của mình, bạn cần hiểu rằng những đặc tính này chỉ là khuynh hướng tự nhiên. Những nhược điểm và khuynh hướng tiêu cực có thể được cải thiện, cân bằng, bổ sung hoặc thậm chí xóa bỏ bằng cách lựa chọn hành động đúng đắn trong từng tình huống cụ thể. Bạn đừng nghĩ “cha mẹ sinh con trời sinh tính” rồi để mặc cho khuynh hướng tự nhiên điều khiển, kiểm soát cuộc đời mình. Ví dụ, Sư tử nói dễ hơn nghe. Là một người mang bản tính Sư tử, tôi cảm thấy việc lắng nghe người khác không tự nhiên mà cũng chẳng dễ dàng chút nào. Khuynh hướng trời sinh của tôi là thích nói cho người khác nghe hơn là nghe người khác nói, nhưng tôi có thể chọn cách giữ im lặng và lắng nghe cho dù có những lúc tôi muốn làm ngược lại.
Bạn có thể lựa chọn nuôi dưỡng điểm mạnh của những tính cách phụ và chọn tận dụng chúng thay vì nghiêng theo điểm yếu tự nhiên. Khi đã biết rõ mình có khuynh hướng hành động theo một cách nào đó, bạn có thể trở nên cảnh giác và cân bằng lại khuynh hướng tự nhiên bằng cách điều chỉnh hành vi của mình.
Tôi đưa thông tin về bốn loại tính cách vào chương này với hai lý do. Lý do thứ nhất là giúp bạn nhận ra những điểm mạnh và điểm yếu vẫn còn ẩn giấu của mình để phát huy và cải thiện chúng. Lý do thứ hai cũng quan trọng không kém là bạn có thể sử dụng thông tin đó như một căn cứ để tìm người có những điểm mạnh giúp cân bằng hoặc bổ sung điểm yếu của bạn.
Trong trường hợp bạn không biết làm một việc gì đó, thay vì coi đó như một chướng ngại vật không thể vượt qua, ngăn cản bạn thực hiện ước mơ, bạn hãy tìm cách biến nó thành một đòn bẩy phóng bạn tới những thành công vượt bậc. Làm được như vậy tức là bạn đã chặt đứt vĩnh viễn sợi dây xích thứ năm trước giờ vẫn trói chặt bạn vào bệ phóng.
Chương 12 sẽ chứng tỏ cho bạn thấy bản thân việc tìm nguồn lực hỗ trợ bên ngoài là một động cơ tên lửa mạnh mẽ đến nỗi có khả năng đập tan sức kéo của trọng lực, đưa bạn đến những điều cao đẹp mà trước đây bạn chưa bao giờ dám mơ tưởng tới.
Bí quyết hiệu nghiệm:5
Vượt qua việc thiếu kiến thức
1. Trên mỗi trang ước mơ mà bạn đã tạo ra trong quyển Nhật ký Hiện Thực Hóa Ước Mơ, hãy liệt kê tất cả những điểm thiếu hụt về kiến thức có thể ngăn cản bạn không đạt được ước mơ đó. Ví dụ, nếu một trong những ước muốn của bạn là đáp ứng nhu cầu tình cảm sâu kín nhất của người bạn đời nhưng bạn không biết phải làm thế nào, hãy viết điều đó vào bên dưới ước mơ của bạn.
2. Dưới mỗi lỗ hổng kiến thức, bạn hãy ghi ra những kiểu chuyên gia bên ngoài có thể giúp bạn vượt qua điểm thiếu sót trong lĩnh vực đó. Trong ví dụ trên, bạn có thể liệt kê: chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình, tác giả viết sách về hôn nhân gia đình, mục sư và thậm chí có thể là một người bạn đang có cuộc sống hôn nhân lý tưởng.
3. Trên mỗi trang ước mơ, hãy nêu ra những điểm mạnh trong tính cách của bạn có thể giúp bạn hoàn thành nguyện vọng. Sau đó viết ra những điểm yếu có thể cản trở bạn. Cuối cùng viết ra những loại tính cách nào ở người khác mà bạn nên tìm kiếm để giúp bạn đạt được ước mơ đó. Ví dụ, nếu bạn có tính cách Rái cá và muốn mở công ty riêng, bạn cần tìm người hợp tác có tính cách Sư tử để gia tăng cơ hội thành công và một người có tính cách Hải ly để đảm nhận công việc chi tiết.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.