Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ

Phần 3: KÍCH HOẠT BẢY ĐỘNG CƠ CỰC MẠNH – CHƯƠNG 10



ĐỘNG CƠ THỨ NHẤT: “HIỆU SUẤT LÀM VIỆC HENRY FORD” MỘT THÓI QUEN TUYỆT VỜI MÀ AI CŨNG CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC

Henry Ford không sáng chế ra xe hơi nhưng điều ông làm được còn vĩ đại hơn rất nhiều!

Hồi còn bé tôi cứ tưởng Henry Ford là người phát minh ra xe hơi. Tôi thật sự kinh ngạc khi phát hiện ra nhiều người lớn cũng nghĩ như thế. Nếu bạn là một trong những người như vậy, tôi rất lấy làm tiếc khi phải nói cho bạn biết rằng Henry Ford không hề sáng chế ra xe hơi. Chiếc xe hơi đầu tiên được phát minh vào năm 1769 và chạy bằng động cơ hơi nước. Chiếc xe hơi chạy bằng xăng đầu tiên ra đời vào năm 1885 ở Đức, do Carl Benz tạo ra, 18 năm trước khi Henry Ford bán chiếc xe hơi đầu tiên của ông. Tuy nhiên, bạn không cần phải tiếc cho Ford, bởi vì những gì ông mang đến cho nước Mỹ và cả thế giới còn lớn lao hơn bất cứ một phát minh đơn lẻ nào. Ông đã nghĩ ra cách sản xuất hàng loạt xe hơi – và bất cứ thứ gì khác – với chi phí cực thấp, điều mà trước đó không ai dám mơ tới.

Bạn biết không, Henry có một mơ ước là mỗi gia đình người Mỹ đều có thể sở hữu một chiếc xe hơi. Thời bấy giờ, đó là một giấc mơ điên rồ, tựa như muốn hái sao trên trời. Xe hơi quá đắt so với thu nhập của một gia đình trung bình, bởi vì người ta sản xuất từng chiếc một. Chỉ có người cực giàu mới sắm được xe hơi. Nhưng Henry Ford đã biến ước mơ của mình thành hiện thực bằng cách phát triển dây chuyền lắp ráp.

Khi Henry Ford thành lập nhà máy sản xuất có tên gọi Model T vào năm 1908, trên toàn nước Mỹ có 250 nhà máy chế tạo xe hơi khác. Với dây chuyền lắp ráp của mình, ông có thể sản xuất 100 chiếc xe hơi một ngày, nhiều hơn hầu hết các hãng sản xuất khác làm ra trong vòng một tháng. Đến năm 1914, ông tăng năng suất lên được gần 1000 chiếc mỗi ngày, nhiều hơn đa số đối thủ khác sản xuất trong cả năm. Kết quả của dây chuyền lắp ráp đột phá này cực kỳ to lớn đối với Ford. Trong vòng 20 năm, từ năm 1908 đến năm 1928, ông đã sản xuất ra gần 17 triệu chiếc xe hơi, chiếm hơn một nửa số xe hơi trên toàn thế giới thời đó. Bí quyết của ông là tạo ra những trạm sản xuất, mỗi trạm có một nhóm thợ thực hiện cùng một công đoạn cố định cho từng chiếc xe được chuyển đến trạm đó. Ông phân chia đội ngũ lao động sao cho mỗi công nhân trở thành một chuyên gia về một hoạt động riêng biệt trong quy trình chế tạo xe hơi. Sau đó, các nhà máy khác học theo cách làm của ông, giúp nền công nghiệp nước Mỹ đạt năng suất cao nhất thế giới.

Việc tạo ra dây chuyền sản xuất hiện đại là một bước đại nhảy vọt về năng suất lao động, không chỉ cho công ty của Henry Ford mà còn cho tất cả các ngành công nghiệp ở Mỹ nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.

Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ sẽ mang lại cho bạn những điều mà dây chuyền sản xuất đã mang lại cho Henry Ford và các ngành công nghiệp trên thế giới.

Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ sẽ mang lại cho bạn những điều mà dây chuyền sản xuất đã mang lại cho Henry Ford và các ngành công nghiệp trên thế giới.

Trong quyển sách này, tôi sẽ đưa ra định nghĩa của mình về hiệu suất cá nhân. Trong thế giới công sở hay công nghiệp, hiệu suất cá nhân chỉ lượng hàng hóa hay dịch vụ mà một người có thể tạo ra trong mối tương quan với thời gian và chi phí. Nhưng đó không phải là điều mà tôi muốn nói khi đề cập đến hiệu suất cá nhân. Từ “hiệu suất” có vẻ lạnh lùng và máy móc, nhưng lại là từ duy nhất có thể chuyển tải được thông điệp của tôi.

Hiệu Suất Cá Nhân: Mức độ và số lượng thành tựu đáng kể mà bạn có thể đạt được trong một khoảng thời gian, phản ánh giá trị thật sự cũng như ước mơ và mục tiêu của bạn.

Khi suy nghĩ về định nghĩa trên, bạn nên bắt đầu với từ “thành tựu đáng kể”. Trong chương 4, tôi đã định nghĩa lại “thành tựu phi thường” là điều không thể chỉ thuần túy đánh giá bằng điểm số, sự nổi tiếng hoặc năng khiếu thể thao khi bạn còn đi học hay bằng tiền bạc, tài sản hoặc chức vụ mà bạn nắm giữ khi trưởng thành. Thật vậy, thước đo thật sự cho những gì mà bạn đạt được chính là lợi ích hoặc mức độ đáp ứng mà thành tựu đó mang lại cho bạn hay cho người khác. Như bạn có thể thấy, có một sự khác biệt rõ rệt giữa cách chúng ta đã được lập trình sẵn về việc đo lường các thành tựu với thước đo thật sự của nó. Điều tương tự cũng xảy ra với khái niệm “thành tựu đáng kể”.

Trong thực tế, bạn đã được lập trình để tin vào những chuẩn mực sai lạc mà người đời thường dùng để đánh giá tính quan trọng của những thành tựu mà bạn đạt được. Dựa trên những tiêu chuẩn này, một bà mẹ tối ngày ở nhà chăm sóc con cái, làm những công việc không tên và thường nhật để trông nom mái ấm gia đình không hề đạt được thành tựu gì đáng kể.

Thật là một sai lầm nghiêm trọng! Thử hỏi trên đời còn có công việc nào quan trọng hơn việc đảm bảo an toàn về thể chất, tinh thần cũng như niềm hạnh phúc của những đứa con nói riêng và cả gia đình nói chung? Sẽ có bao nhiêu cặp vợ chồng tránh được việc ly dị hay những buổi đến gặp các nhà trị liệu, sẽ có bao nhiêu thanh thiếu niên tránh được việc nghiện hút và tự tử nếu hôn nhân và các mối quan hệ gia đình được nuôi dưỡng chu đáo và tạo ra một đời sống hài hòa, an bình dưới mỗi mái nhà?

Vợ tôi, Shannon, là một người nội trợ, đồng thời là nội tướng quán xuyến mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Thỉnh thoảng vợ tôi nói rằng cô có cảm giác như mình chẳng làm được việc gì đáng kể trong đời. Cô ấy so sánh công việc hàng ngày của mình với những hoạt động và thành công trong sự nghiệp của tôi. Đối với tôi, việc nhìn thấy Shannon thực hiện được ước mơ của mình cũng quan trọng không kém việc ước mơ của tôi thành hiện thực. Cho nên, khi nghe những lời tâm sự như vậy, tôi không hạ thấp cảm xúc của vợ, mà tôi giúp cô định nghĩa những mục tiêu và ước muốn ngắn hạn và dài hạn của mình, để rồi lên kế hoạch đạt được chúng.

Cùng lúc ấy tôi nhận ra rằng, điều quan trọng là vợ tôi phải nhìn thấy được ý nghĩa thật sự của những thành quả mà cô đạt được nhờ những công việc bình dị mà cô đang làm mỗi ngày. Cô có ba đứa con tuyệt vời, ngoan ngoãn, khỏe mạnh và lúc nào cũng quấn quýt bên mẹ. Shannon mang lại cho các con tình yêu thương vô bờ bến, sự động viên khích lệ và niềm hy vọng. Cô tạo dựng cho chúng một cơ sở vững chắc về cảm xúc và tinh thần trong suốt cuộc đời, những cuộc đời đã được báo trước là sẽ nở hoa, tràn đầy sự kính trọng, niềm vui, sự an bình, niềm hy vọng và tình yêu thương.

Vậy những công việc hàng ngày của vợ tôi quan trọng đến mức nào? Chúng còn lớn lao hơn cả mức cô có thể hình dung. Phải, tôi muốn vợ mình thực hiện và đạt được tất cả những gì cô mơ ước, tất cả những điều cô cho là quan trọng. Đồng thời, tôi không muốn cô chấp nhận một khái niệm sai lầm đang lan tràn như một bệnh dịch trong xã hội rằng chỉ có những gì quy được ra tiền hoặc được người đời công nhận mới gọi là quan trọng. Thước đo thật sự của một thành tựu chính là ảnh hưởng lâu dài của nó đối với cuộc sống của chủ thể hoặc những người xung quanh. Theo ý nghĩa đó, tác động của một việc làm hay một thành quả vào cuộc sống con người càng lớn thì nó càng đáng kể.

Với nhận thức đúng đắn về “thành tựu đáng kể” này, chúng ta hãy cùng xem xét định nghĩa về hiệu suất cá nhân một lần nữa: đó là mức độ và số lượng thành tựu đáng kể mà bạn có thể đạt được trong một khoảng thời gian, phản ánh giá trị thật sự cũng như ước mơ và mục tiêu của bạn. Với định nghĩa này, tôi xin hứa với bạn rằng Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ tự thân nó sẽ tạo ra một sự khác biệt to lớn về hiệu suất cá nhân của bạn – trong gia đình và trong công việc – cũng giống những gì mà dây chuyền sản xuất của Henry Ford đã mang lại cho các ngành công nghiệp. Khi được tận dụng một cách thường xuyên, Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ sẽ giúp bạn đạt được số lượng thành tựu đáng kể nhiều hơn, với mức độ cao hơn. Nói một cách đơn giản, Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ là:

Viết ra định nghĩa ước mơ

Chuyển ước mơ đó thành những mục tiêu cụ thể

Chuyển mỗi mục tiêu thành những bước cụ thể

Chuyển mỗi bước thành những công việc cụ thể

Vạch ra thời hạn để hoàn thành từng công việc đó

Như bạn thấy đấy, Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ thật ra chỉ là một kỹ thuật đơn giản. Và mặc dù nó không có vẻ gì là một khái niệm đao to búa lớn, nếu bạn bắt đầu sử dụng nó một cách kiên định thì nó sẽ mang lại những kết quả kỳ vĩ. Đó chính là động cơ lớn nhất và quan trọng nhất để phóng tên lửa Saturn V của bạn vào không gian. Sự thật đáng buồn là một cỗ máy công lực cực đại và cần rất ít nỗ lực và thời gian để khởi động và duy trì như vậy lại không được đa số người đời (tôi sợ rằng hầu hết bạn đọc của tôi) khởi động và tận dụng. Tôi hy vọng bạn sẽ là một ngoại lệ và để giúp bạn, tôi sẽ hướng dẫn bạn từng bước thực hiện quy trình này, bằng chính kinh nghiệm của bản thân tôi. Nhưng trước hết, bạn cần tìm hiểu về nền tảng của Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ của bạn.

NỀN MÓNG CHO NHỮNG ƯỚC MƠ CỦA BẠN

George Washington có chung một mơ ước với Thomas Jefferson và những người cùng ký vào bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Ước mơ dựng nên một quốc gia dân chủ độc lập của họ được đặt trên những giá trị cá nhân, đặc điểm tính cách và điểm mạnh của mỗi người. Họ khắc phục những điểm thiếu hụt và hạn chế của mỗi cá nhân bằng việc phối hợp với nhau, dùng điểm mạnh của người này để bù đắp điểm yếu của người kia. Nhờ vậy mà ước mơ của họ đã trở thành hiện thực, và bạn và tôi cùng gia đình của chúng ta là những người được hưởng lợi trực tiếp từ ước mơ đó.

Adolf Hitler, Benito Mussolini và Hideki Tojo cũng có một ước mơ dựa trên các giá trị cá nhân, đặc điểm tính cách và sở trường sở đoản của họ. Ước mơ của họ không chỉ khiến họ chết sớm (người tự tử, kẻ bị treo cổ và bị ném đá), mà điều tồi tệ nhất chính là ước mơ của họ đã trở thành cơn ác mộng đối với chính đất nước của họ, cướp đi cuộc đời tươi đẹp của biết bao đàn ông đàn bà, người già con trẻ, và gần như đẩy cả một nhóm người đến chỗ bị hủy diệt. Không chỉ dừng lại ở đó, ước mơ của họ đã giết chết bao nhiêu người ở những quốc gia khác, phát sinh mầm mống của vũ khí hạt nhân và đe dọa thế hệ tương lai.

Sự khác biệt giữa ước mơ của Washington và Jefferson với ước mơ của Hitler, Mussolini và Tojo nằm ở sự khác biệt vô cùng lớn về giá trị cá nhân. Dù thích hay không thì mỗi ước mơ mà con người theo đuổi đều dựa trên những giá trị cá nhân của họ. Nếu những giá trị đó là lòng tham và sự bành trướng quyền lực, thì ước mơ sẽ trở thành cơn ác mộng đối với người khác. Mặt khác, nếu một ước mơ được sinh ra từ các giá trị cá nhân cao đẹp thì thành quả của ước mơ đó sẽ mang lại lợi ích không thể đếm xuể cho các thế hệ.

Nếu ví dụ về Washington và Jefferson quá xa vời đối với bạn, ta hãy lấy một ví dụ khác về một người thợ cắt tóc ở Nashville vào những năm 1950. Con gái ông sống với gia đình bên ngoại thời thơ ấu, sau đó chuyển về sống với mẹ khi vừa bước vào tuổi dậy thì. Cô bé vướng vào không ít rắc rối trong thời gian đó. Cuối cùng, đến năm 14 tuổi cô dọn về ở với cha. Người cha nuôi một ước mơ cho đứa con của mình, ông muốn nhìn thấy cô có lối sống tích cực hơn. Nền tảng ước mơ của ông là giá trị sống của bản thân ông: đánh giá cao tầm quan trọng của ý thức kỷ luật và giáo dục. Việc biến ước mơ của ông thành hiện thực không những giúp cô con gái thay đổi mà còn tạo cơ sở cho cô nuôi dưỡng những ước mơ của riêng mình. Tất cả chúng ta phải cám ơn Vernon Winfrey về việc ông đã xây dựng ước mơ cho cô con gái Oprah, dựa trên những giá trị cá nhân cao đẹp của ông.

BẠN MUỐN XÂY DỰNG ƯỚC MƠ CỦA MÌNH DỰA TRÊN NHỮNG GIÁ TRỊ CÁ NHÂN NÀO?

Những phương pháp và kỹ thuật trong quyển sách này có tác dụng mạnh mẽ đến nỗi nếu bạn kiên trì áp dụng, bạn sẽ bắt đầu đạt được những ước mơ chưa từng nghĩ đến trước đây. Đó là tin tốt lành cho bạn.

Nhưng đồng xu nào cũng có hai mặt. Những phương pháp và kỹ thuật này hiệu quả với tất cả các loại ước mơ, không phân biệt tốt xấu. Thế nghĩa là nếu bạn sử dụng những bí quyết này vào những ước mơ dựa trên các giá trị tiêu cực hoặc có thứ tự ưu tiên sai lầm thì bạn có thể phát hiện ra rằng, cho dù bạn đạt được ước mơ, bạn vẫn không hề cảm thấy hạnh phúc và mãn nguyện. Nếu bạn áp dụng những biện pháp này chỉ để gặt hái những thành công vang dội trong kinh doanh mà bỏ bê gia đình và các mối quan hệ thì thành công của bạn sẽ thiếu vắng sự hạnh phúc và mãn nguyện trong cuộc sống cá nhân. Tôi hy vọng rằng trước hết bạn cần có một cái nhìn sáng tỏ về những vấn đề cần được ưu tiên và những giá trị của mình, rồi dùng chúng như một nền móng vững chắc để xây nên lâu đài mơ ước cho bạn. Có như thế, kết quả đạt được mới thật sự là phần thưởng trọn vẹn cho bạn và cho những người mà bạn thương yêu.

Ty Cobb mơ ước trở thành vận động viên bóng chày vĩ đại nhất trong mọi thời đại. Ông đã làm được điều đó và lập được nhiều kỷ lục hơn bất cứ một tuyển thủ bóng chày nào trên thế giới. Ông mơ về danh vọng, tiền tài và đã đạt được cả hai. Bên cạnh tiếng tăm nổi như cồn trong làng bóng chày, vụ đầu tư khôn ngoan của ông vào công ty Coca-Cola khi nó được chào bán ra công chúng cũng mang lại cho ông một số tiền cực lớn, đủ để ông sống vài chục kiếp người mà không phải làm lụng. Cobb đã đạt được những ước mơ cao vời nhất, tuy vậy tiễn ông về nơi chín suối chỉ loe hoe có đúng ba người. Không một người con nào của ông có mặt. Họ đã đi đến chỗ căm ghét người đã sinh thành ra mình. Cobb có thừa thành công, danh vọng và tiền tài, nhưng trong cuộc sống cá nhân, con người này hoàn toàn thiếu vắng tình yêu, niềm vui và hạnh phúc.

Chẳng có gì không ổn hoặc sai trái trong những mơ ước của Cobb: trở thành người chơi bóng chày giỏi nhất trong lịch sử hay kiếm được một gia sản kếch xù. Nếu những ước mơ đó được xây dựng trên những giá trị đúng đắn và có thứ bậc ưu tiên hợp lý, ông sẽ sống một cuộc đời hạnh phúc và mãn nguyện, kể cả khi ông không đạt được ước mơ. Cuộc đời ông sẽ tràn ngập niềm vui xuất phát từ những mối quan hệ yêu thương với gia đình và bè bạn. Và như vậy, việc theo đuổi ước mơ của ông sẽ trở nên trọn vẹn và có ý nghĩa hơn. Thật đáng tiếc, ông đã sống và chết như một kẻ bất hạnh, bị người đời xa lánh vì tính nóng giận, ưa thù oán và thói cay nghiệt của ông. Khi trút hơi thở cuối cùng, ông vẫn sở hữu hơn 90 cúp vô địch bóng chày nhà nghề và hàng triệu đô trong ngân hàng. Nhưng ông lại hoàn toàn trắng tay ở những khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc sống: tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình, hạnh phúc và sự thanh bình trong nội tâm. Thật là một bi kịch đáng sợ, nếu như vào lúc bạn đạt được ước mơ cao nhất của mình thì cũng là lúc bạn phát hiện ra nó chẳng mang lại cho mình hạnh phúc, bởi vì giống như những ước mơ của Cobb, chúng được đặt trên những giá trị sai lệch.

Tôi không có ý định thuyết giảng một bài về những giá trị đúng đắn hoặc thậm chí không có ý đề nghị bạn mô phỏng các giá trị của tôi. Mục đích của tôi trong phần này chỉ đơn giản là giúp bạn xác định và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho những giá trị bản thân, để bạn có thể theo đuổi và đạt được những ước mơ quan trọng nhất trong cuộc sống, đồng thời gạt sang một bên hay trì hoãn những ước mơ không phản ánh đúng giá trị của bạn. Ví dụ, nếu bạn trân trọng vợ/chồng con cái hơn bất cứ điều gì trên đời thì liệu bạn có chạy theo những mục tiêu có thể hủy hoại đời sống hôn nhân và làm hại những đứa con của mình – trong hiện tại cũng như trong tương lai – không? Tôi biết vô số những người đàn ông, tuy thật lòng yêu thương vợ con, nhưng vẫn phá hoại mái ấm gia đình khi chạy theo ước mơ trong kinh doanh và sự nghiệp. Và hàng ngày có bao nhiêu bài báo kể về những người phụ nữ cảm thấy hối hận vì đã hy sinh cuộc sống gia đình để theo đuổi sự nghiệp? Bạn thân mến của tôi, bạn vẫn có thể có một cuộc sống gia đình hạnh phúc và một sự nghiệp rực rỡ. Nhưng để đạt được điều đó, bạn cần có một định nghĩa rõ ràng về các giá trị cá nhân và sắp xếp chúng theo đúng thứ tự ưu tiên. Sau đó, bạn sẽ biết mình nên thực hiện ước mơ nào trước ước mơ nào sau.

Trong chương 7, tôi đã yêu cầu bạn lên danh sách những lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống của bạn, bắt đầu từ lĩnh vực quan trọng nhất đến lĩnh vực ít quan trọng nhất. Nếu bạn chưa làm điều đó thì hãy quay lại chương 7 và hoàn tất bài tập này càng sớm càng tốt. Đây là bước đầu tiên trong Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ và là tiền đề cho những bước tiếp theo. Danh mục này không chỉ cho biết điều gì là quan trọng nhất đối với bạn mà còn phản ánh những giá trị cốt lõi của bạn nữa. Có thể bạn cần dành thêm thời gian suy ngẫm để khám phá những giá trị nền tảng trong mỗi lĩnh vực quan trọng. Ví dụ, nếu người bạn đời của bạn nằm ở vị trí số 1 trong danh sách thì có thể giá trị chính yếu của bạn là tình yêu, lòng trung thành và trách nhiệm đối với nhau. Nó cũng có thể phản ánh giá trị cơ bản của bạn là sự ích kỷ, nếu bạn coi trọng người bạn đời của mình dựa trên mức độ cô ấy hoặc anh ấy đáp ứng nhu cầu của bạn.

Tất cả những điều này có ý muốn nói, điều quan trọng nhất là bạn cần phải xem xét tất cả những ước mơ và thứ tự ưu tiên của chúng, để có thể hiểu được tầm quan trọng của mỗi ước mơ đối với bạn và những giá trị nâng đỡ ước mơ đó. Vì thế, trong khi suy nghĩ về những lĩnh vực quan trọng nhất của bạn, hãy trả lời câu hỏi: đâu là những giá trị cơ bản khiến cho lĩnh vực đó trở nên quan trọng đến thế đối với bạn?

Hai người bạn tốt của tôi, John Tesh và Connie Sellecca, là những người hết lòng theo đuổi những ước mơ chung và riêng của nhau. Và bởi vì những ước mơ này dựa trên những giá trị cốt lõi cao đẹp nên việc thực hiện chúng đem lại cho họ niềm vui và lợi ích nhân đôi.

Hãy quay lại bản danh sách của bạn và đảm bảo rằng mỗi lĩnh vực và ước mơ mà bạn nêu ra phản ánh giá trị thật sự của bạn. Khi làm việc này, có thể bạn cần thay đổi thứ tự ưu tiên mà bạn đã gán cho những lĩnh vực cụ thể.

NHẦM LẪN TRONG THỨ TỰ ƯU TIÊN CÓ THỂ KHIẾN BẠN PHẢI TRẢ GIÁ ĐẮT

Khi công ty của tôi làm ăn phát đạt vào năm 1977, tôi bắt đầu hình dung về những ước mơ tốt đẹp mà công việc kinh doanh tiến triển có thể thực hiện cho những đứa con của tôi. Chúng sẽ lớn lên trong một ngôi nhà đẹp, thay vì chen chúc trong một căn hộ chật chội. Chúng sẽ được học ở những ngôi trường chất lượng mà không phải mắc nợ. Chúng sẽ thoải mái chọn ngành nghề theo đam mê chứ không phải do nhu cầu tài chính. Sắc hồng của những ước mơ này chính là nguồn động lực thúc đẩy tôi bằng mọi cách phải thành công. Nhưng ước vọng làm giàu buộc tôi phải sống xa nhà khoảng 160 ngày một năm trong những năm đầu, và từ 300 đến 330 ngày một năm trong những năm sau.

Đúng là các con tôi đã lớn lên trong một ngôi nhà đẹp. Đúng là chúng được học ở những ngôi trường tốt nhất. Nhưng giờ đây nhìn lại, liệu tất cả những điều đó có đáng để tôi hy sinh thời gian ở bên con hay không? Nếu ngày ấy tôi thực hiện bài tập mà tôi vừa yêu cầu bạn làm thì tôi sẽ vẫn tận hưởng mức độ thành công tương đối (tuy không bằng mức độ thành công của tôi bây giờ) nhưng đổi lại tôi có được khoảng thời gian quý báu trong thời thơ ấu tươi đẹp của các con.

Vì vậy, việc đánh giá lại những lĩnh vực quan trọng và ước mơ dựa trên những giá trị cốt lõi đi kèm, rồi sắp xếp lại thứ tự ưu tiên của chúng khi cần thiết sẽ bảo đảm những điều thật sự quan trọng đối với bạn không bị đánh đổi bằng những điều ít quan trọng hơn. Một khi bạn đã hoàn tất công việc này, bạn sẽ sẵn sàng cho bước tiếp theo trong Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ.

QUY TRÌNH HIỆN THỰC HÓA ƯỚC MƠ: BÍ MẬT MẦU NHIỆM CỦA TỐP 3% NHỮNG NGƯỜI THÀNH CÔNG NHẤT

Một hôm Michael Landon hỏi con gái tôi, Carol, khi ấy 11 tuổi, rằng cô bé muốn làm gì khi lớn lên. Không do dự một một giây, Carol trả lời ngay lập tức, “Cháu muốn là cô gái đầu tiên có mặt trong đội bóng chày Phillies của Philadelphia.” Cô bé trả lời Michael nhanh chóng và dứt khoát như vậy là vì vài ngày trước cha con tôi đã thảo luận với nhau về vấn đề này. Hai tuần trước đó, cầu thủ ném bóng của đội Phillies là Steve Carlton đã ký tên vào găng tay tặng cô bé, thế là con gái tôi đi đến kết luận: cậu trai kia thật tuyệt và cô bé muốn được chơi cùng đội bóng với cậu ấy. Ngay đêm hôm đó, Carol đã chia sẻ với tôi về ước mơ này. Thật may là vài tháng trước, Zig Ziglar đã nhắn nhủ tôi rằng hãy làm người vun đắp ước mơ cho con trẻ chứ đừng làm người phá hỏng nó, kể cả khi đó là những ước mơ ngớ ngẩn và điên rồ nhất. Cho nên, khi nghe Carol nói thế tôi đã không bảo con, “Nhưng con ơi, con gái không được chơi trong liên đoàn bóng chày, vì thế con hãy từ bỏ ước mơ viển vông đó đi.” Thay vì thế tôi bảo Carol rằng khi cô bé có một ước mơ, hãy biến nó thành những mục tiêu cụ thể. Nghe vậy, cô bé quyết định mục tiêu của mình là trở thành người đánh bóng và chặn bóng giỏi nhất trong đội bóng ở trường.

Kế tiếp, Carol phải chuyển những mục tiêu đó thành những bước cụ thể. Cha con tôi cùng nhau quyết định: để trở thành người đánh bóng và chặn bóng giỏi nhất đội, cô bé phải thường xuyên tập luyện đánh bóng, ném bóng và bắt bóng. Cuối cùng, Carol phải chuyển những bước này thành các công việc cụ thể. Chúng tôi thống nhất với nhau rằng: một tuần ba lần tôi sẽ trở về nhà trước khi mặt trời lặn để cùng con gái tập ném bóng và bắt bóng. Rồi vào những ngày thứ 7, tôi sẽ đưa cô bé đến sân bóng để tập đánh bóng. Đây là một ví dụ đơn giản của Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ. Và bởi vì cha con tôi đã đi qua quy trình này, Carol mới có thể trả lời Michael đầy tự tin như vậy, vì cô bé thật lòng tin rằng cô bé sẽ nhìn thấy ước mơ của mình thành hiện thực.

Rốt cuộc, Carol đã không gia nhập đội bóng Phillies, bởi vì vào năm 13 tuổi, ước mơ của cô bé đã thay đổi. Tuy vậy, Carol đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc chặn bóng và đánh bóng, nhiều đến mức cô bé đã giúp cho cho đội bóng của mình đi từ một đội có thành tích kém nhất (chỉ có thua, không có thắng) thành đội bóng vô địch vào năm sau mà không để thua trận nào. Vẫn là đội bóng đó với những thành viên cũ và huấn luyện viên cũ, nhưng điểm khác biệt duy nhất giữa một đội bóng tệ nhất và một đội bóng vô địch là Carol và một vài người bạn trong đội đã khám phá được sức mạnh của Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ.

Chuyển ước mơ thành những mục tiêu cụ thể

Tương tự như ví dụ trên, một khi bạn đã có một định nghĩa rõ ràng về những ước mơ và xác định thứ tự ưu tiên cho chúng thì bước tiếp theo là chuyển mỗi ước mơ quan trọng đó thành những mục tiêu rõ ràng cụ thể. Hãy tự hỏi bản thân, “Mình cần đạt được những mục tiêu nào để thực hiện ước mơ này?” . Ví dụ, trong chương 7, tôi đã chia sẻ với bạn trang định nghĩa ước mơ trong lĩnh vực “Niềm đam mê và sở thích” của tôi. Ước mơ đầu tiên mà tôi nêu ra là hướng dẫn người khác về nghệ thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ. Tôi đã định nghĩa ước mơ này như sau:

Định nghĩa ước mơ thứ nhất

Tạo ra một bộ Cẩm Nang Hiện Thực Hóa Ước Mơ hoàn chỉnh dưới dạng băng ghi âm, video và giáo trình để tôi có thể trực tiếp tư vấn người thân, bạn bè và bất kỳ ai về những phương pháp và kỹ thuật cần thiết để biến ước mơ của họ thành hiện thực trong từng lĩnh vực cuộc sống.

Sau khi cân nhắc về ước mơ này, tôi đề ra những mục tiêu mà tôi cần đạt được để biến mơ ước đó thành hiện thực.

Mục tiêu

1. Tạo ra một bộ Cẩm Nang Hiện Thực Hóa Ước Mơ hoàn chỉnh dưới dạng băng ghi âm, video và giáo trình.

2. Hợp tác với một công ty có khả năng phát hành bộ Cẩm Nang Hiện Thực Hóa Ước Mơ tới tay hàng triệu người thông qua các kênh phân phối của họ.

Một ước mơ khác được xác định rõ ràng của tôi là trở thành người chồng lý tưởng mà vợ tôi hằng mong mỏi. Đây là một trong những ước mơ nằm ở vị trí ưu tiên cao nhất của tôi, bởi vì vợ tôi không chỉ là người phụ nữ tuyệt vời nhất mà tôi từng được biết, cô ấy còn tặng tôi một món quà quý giá nhất mà không ai có thể đem lại, đó chính là bản thân cô. Tôi chuyển ước mơ này thành những mục tiêu cụ thể như sau:

Định nghĩa ước mơ thứ 2

Trở thành người chồng lý tưởng của Shannon.

Mục tiêu

1. Tìm hiểu nhu cầu và khát khao sâu xa nhất của Shannon thuộc các lĩnh vực: cảm xúc, thể chất, tâm lý, tinh thần.

2. Tìm hiểu xem Shannon suy nghĩ như thế nào v ề việc đáp ứng những nhu cầu và khát khao đó một cách đầy đủ và hiệu quả nhất.

3. Xin lời khuyên từ Gary Smalley (chuyên gia về các mối quan hệ gia đình mà tôi tín nhiệm nhất) về những nhu cầu và khát khao sâu xa nhất của phụ nữ, đồng thời tiếp thu ý kiến của anh về cách đáp ứng những nhu cầu và khát khao đó.

4. Tập trung dành thời gian thường xuyên đáp ứng những nhu cầu và khát khao của Shannon.

Như bạn có thể thấy qua hai ví dụ trên, việc đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng ước mơ là một bước khá dễ dàng nhưng quan trọng trong Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ. Điều này đúng với tất cả các ước mơ trong mọi lĩnh vực, từ cá nhân đến sự nghiệp. Bây giờ là lúc thích hợp để bạn đưa ra một định nghĩa rõ ràng về ước mơ của bạn và chuyển nó thành những mục tiêu cụ thể.

Chuyển mục tiêu thành những bước cụ thể

Bước tiếp theo trong Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ là chuyển từng mục tiêu thành các bước cụ thể. Quay trở lại những ví dụ trên, đây là cách tôi làm việc này.

Mục tiêu thứ nhất

Tạo ra một bộ Cẩm Nang Hiện Thực Hóa Ước Mơ hoàn chỉnh dưới dạng băng ghi âm, video và giáo trình.

Các bước thực hiện

1. Xác định nội dung cần đưa vào giáo trình, băng ghi âm và video để hướng dẫn các phương pháp, kỹ thuật trong nghệ thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ một cách chi tiết và hiệu quả.

2. Xác định công sức và kinh phí cần bỏ ra để thực hiện bộ Cẩm Nang.

3. Lên thời hạn chính xác cho việc sản xuất giáo trình và băng.

4. Viết nội dung giáo trình.

5. Viết kịch bản cho băng ghi âm và video.

6. Tìm nguồn kinh phí cần thiết cho việc sản xuất và nhân bản bộ cẩm nang.

7. Thiết kế giáo trình và băng.

8. In giáo trình.

9. Thu âm băng.

10. Nhân bản và đóng gói băng ghi âm và video.

11. Đóng gói bộ Cẩm Nang Hiện Thực Hóa Ước Mơ.

Mục tiêu thứ hai

Hợp tác với một công ty có khả năng phát hành bộ Cẩm Nang Hiện Thực Hóa Ước Mơ tới tay hàng triệu người thông qua các kênh phân phối của họ.

Các bước thực hiện

1. Lên danh sách các nhà xuất bản và đơn vị phát hành có khả năng phân phối bộ Cẩm Nang Hiện Thực Hóa Ước Mơ.

2. Đánh giá khả năng tiếp thị và phân phối sản phẩm của những công ty này.

3. Yêu cầu người đại diện liên hệ với từng công ty để tìm hiểu mức độ quan tâm của họ về bộ Cẩm Nang.

4. Lên lịch gặp gỡ tiếp xúc với các công ty có tiềm năng và quan tâm đến bộ Cẩm Nang nhất.

5. Chọn đề xuất tốt nhất từ công ty có mạng lưới phân phối lớn nhất và nhiệt tình nhất trong công tác tiếp thị.

6. Ký kết hợp đồng với đối tác phân phối và đưa ra kế hoạch tiếp thị.

Chuyển mục tiêu thành những bước cụ thể là một công việc rất đơn giản. Thật ra, điều này có vẻ dễ đến mức bạn có khuynh hướng chỉ suy nghĩ trong đầu chứ không viết ra giấy. Hãy tin tôi khi tôi nói rằng điều quan trọng là bạn cần phải viết ra từng bước trong quy trình này. Nếu bạn không nhớ và không thực hiện từng bước như đã viết ra thì toàn bộ quy trình sẽ trở nên vô dụng. Hãy nhớ rằng bạn đang vẽ tấm bản đồ chi tiết để thực hiện ước mơ của mình. Bạn nghĩ mình sẽ nhớ rõ từng đường đi nước bước ư, nhưng nếu không có tấm bản đồ trong tay, bạn sẽ mất nhiều thời gian và dễ bị lạc hướng. Bây giờ là lúc thích hợp để bạn chọn một hoặc nhiều mục tiêu của mình và chuyển chúng thành từng bước cụ thể.

Chuyển các bước thành công việc cụ thể

Bước tiếp theo có thể là một trong những bước khó nhất của quy trình này nhưng thậm chí bước này cũng không quá khó khăn. Nói một cách đơn giản, bạn cần chuyển mỗi bước thành những công việc cụ thể kèm theo thời hạn hoàn thành. Một số bước có thể quá đơn giản không thể chẻ nhỏ ra thành những công việc chi tiết, tỉ mỉ, mà chỉ cần đưa ra thời hạn hoàn thành. Để đạt được các bước khác, có thể bạn cần phải làm nhiều việc. Hãy ghi rõ những việc cần làm cùng thời hạn cụ thể. Sau đây là một vài ví dụ.

Mục tiêu thứ nhất

Tạo ra một bộ Cẩm Nang Hiện Thực Hóa Ước Mơ hoàn chỉnh dưới dạng băng ghi âm, video và giáo trình.

Các bước thực hiện

1. Xác định nội dung cần đưa vào giáo trình, băng ghi âm và video để hướng dẫn các phương pháp, kỹ thuật trong nghệ thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ một cách chi tiết và hiệu quả.

Những việc cần làm

1. Viết đề cương khái quát cho giáo trình – hạn chót ngày 1 tháng 5.

2. Viết đề cương chi tiết cho giáo trình – hạn chót ngày 7 tháng 5.

3. Viết đề cương khái quát cho băng ghi âm và video – hạn chót ngày 14 tháng 5.

4. Viết đề cương chi tiết cho băng ghi âm và video – hạn chót ngày 14 tháng 6.

Mục tiêu thứ hai

Hợp tác với một công ty có khả năng phát hành bộ Cẩm Nang Hiện Thực Hóa Ước Mơ tới tay hàng triệu người thông qua các kênh phân phối của họ.

Các bước thực hiện

1. Lên danh sách các nhà xuất bản và đơn vị phát hành có khả năng phân phối bộ Cẩm Nang Hiện Thực Hóa Ước Mơ.

Những việc cần làm

1. Lên danh sách các nhà xuất bản và đơn vị phát hành tôi nghĩ là có khả năng phân phối sản phẩm – hạn chót ngày 1 tháng 5.

2. Yêu cầu người đại diện đưa ra một danh sách các nhà xuất bản và đơn vị phát hành mà họ nghĩ là có khả năng phân phối sản phẩm tốt nhất, càng sớm càng tốt – hạn chót ngày 1 tháng 5.

3. Tổng hợp danh sách các đơn vị phát hành tiềm năng sau khi đánh giá kỹ lưỡng từng công ty – hạn chót ngày 3 tháng 5.

Như bạn có thể thấy, bước này cũng rất đơn giản, cái khó là đưa ra được thời hạn hoàn thành công việc.

Giai đoạn cuối của Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ

Sau khi bạn đã viết ra định nghĩa rõ ràng về ước mơ của mình, rồi chuyển ước mơ đó thành những mục tiêu cụ thể, sau đó chuyển những mục tiêu đó thành những bước cụ thể và cuối cùng là chuyển các bước thành những công việc cần làm cùng với thời hạn hoàn thành, bạn sẽ có một tấm bản đồ chi tiết để đi đến ước mơ. Bây giờ, bạn chỉ cần nhìn vào tấm bản đồ đó để hoàn tất những công việc đã định. Nghe có vẻ nhẹ nhàng quá phải không? Nhưng có thể bạn nghĩ, “Khoan đã, chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi không thể thực hiện một bước nào đó vì thiếu kiến thức hoặc thiếu điều kiện?” Một câu hỏi rất hay.

Chắc chắn bạn sẽ đến những bước mà đơn giản là bạn không có đủ điều kiện hoặc không có khả năng thực hiện. Ví dụ bước thứ sáu trong mục tiêu thứ nhất của tôi là: “Tìm nguồn kinh phí cần thiết cho việc sản xuất và nhân bản bộ cẩm nang”. Nếu tôi muốn cho ra đời một bộ cẩm nang chất lượng cao và phát hành rộng rãi cho hàng trăm ngàn hoặc thậm chí hàng triệu người thì tôi không có đủ tiền để thực hiện bước này. Vì thế tôi phải tìm nguồn tài chính bên ngoài – một bước vô cùng quan trọng để đạt được mục tiêu cũng như ước mơ của tôi.

Bất cứ khi nào bạn sử dụng Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ để đạt được một điều gì đó thật sự có giá trị, bạn sẽ gặp phải những bước hay những công việc mà bạn không thể thực hiện một mình. Đừng sốc hoặc nản lòng khi rơi vào hoàn cảnh này. Điều đó xác nhận một lần nữa rằng ước mơ của bạn thật sự xứng đáng để bạn đầu tư tâm sức và thời gian cho nó. Hãy coi đó là dấu hiệu để bạn khởi động động cơ thứ ba trong nghệ thuật Hiện Thực Hóa Ước Mơ. Tôi đặt tên cho động cơ này là “Mô hình hợp tác Steven Spielberg”. Chương 12 sẽ đề cập chi tiết về cách kích hoạt động cơ này. Bạn sẽ khám phá ra đây là động cơ mạnh nhất trong bảy động cơ dùng để phóng tên lửa của bạn. Nó sẽ phá vỡ sức kéo của trọng lực và đưa bạn vào thế giới mới của những thành tựu kỳ vĩ. Nhưng trước khi khởi động động cơ này, bạn phải kích hoạt động cơ thứ hai – “Năng lượng Babe Ruth” – mà chúng ta sẽ tìm hiểu ở chương sau. Động cơ này sẽ khích lệ bạn nuôi dưỡng những ước mơ lớn mà bạn chưa bao giờ dám nghĩ tới.

Bí quyết hiệu nghiệm 7:

Đạt được nhiều hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn

1. Trong quyển sổ tay, hãy viết ra danh sách những giá trị cốt lõi quan trọng nhất của bạn và xác định thứ tự ưu tiên cho chúng (tính chính trực, tình yêu, đời sống tinh thần, sức khỏe, trách nhiệm, sự bảo đảm về mặt tài chính, các mối quan hệ gia đình, tình bạn, sự an toàn của bản thân, sự an toàn của gia đình, hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình…).

2. Dùng danh sách các giá trị cốt lõi này để xem lại thứ tự ưu tiên của những lĩnh vực quan trọng trong cuộc sống và từng ước mơ trong những lĩnh vực ấy trong quyển Nhật Ký Hiện Thực Hóa Ước Mơ của bạn. Liệu những lĩnh vực và ước mơ quan trọng này có thật sự phản ánh những giá trị cốt lõi quan trọng nhất đối với bạn? Có cần xét lại thứ tự ưu tiên của lĩnh vực nào hay ước mơ nào không?

Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ

Hãy hoàn thành những bài tập sau trong quyển Nhật Ký Hiện Thực Hóa Ước Mơ của bạn. Bạn có thể hoàn tất bài tập cho từng ước mơ hoặc nhiều ước mơ một lúc.

1. Bắt đầu với lĩnh vực quan trọng nhất của bạn và ước mơ quan trọng nhất trong lĩnh vực đó, hãy tạo ra một trang nhan đề “Từ ước mơ đến mục tiêu”. Trong trang này, hãy viết ra tất cả những mục tiêu cụ thể mà bạn nghĩ là cần hoàn thành để thực hiện ước mơ đó. Sau khi làm xong việc này, hãy chuyển sang ước mơ kế tiếp trong lĩnh vực đó, cứ thế với mỗi ước mơ ở những lĩnh vực khác.

2. Với mỗi mục tiêu mà bạn xác định, hãy tạo ra một trang nhan đề “Từ mục tiêu đến các bước thực hiện”. Trên mỗi trang này, hãy viết ra tất cả những bước mà bạn cần thực hiện để đạt được mục tiêu. Một lần nữa, hãy bắt đầu với những ước mơ quan trọng nhất.

3. Với mỗi bước ở trên, hãy tạo ra một trang nhan đề: “Từ các bước đến công việc”. Trên mỗi trang này, hãy viết ra tất cả những việc cần làm để hoàn thành bước đó. Nhớ đề ra thời hạn hoàn thành cho từng công việc.

4. Xem lại những việc cần làm cho từng bước của từng mục tiêu và khoanh tròn những việc mà bạn không thể tự mình làm được vì thiếu kiến thức, thiếu điều kiện (thời gian, tiền bạc hay tài năng), thiếu khả năng hoặc thiếu một đặc điểm tính cách nào đó.

5. Với mỗi mục khoanh tròn, hãy liệt kê kiểu người, công ty hoặc nguồn hỗ trợ bên ngoài mà bạn cần tuyển dụng để hoàn thành công việc. Ở phần kế tiếp trong sách, bạn sẽ học được những phương pháp và kỹ thuật cụ thể để thu hút các nguồn hỗ trợ bên ngoài.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.