Những Bước Đơn Giản Đến Ước Mơ
Phần 4: PHÓNG ĐẾN ƯỚC MƠ KHÔNG TƯỞNG CỦA BẠN! – CHƯƠNG 17
NHIÊN LIỆU CHO CẢ BẢY ĐỘNG CƠ: “NIỀM ĐAM MÊ MANG TÊN OPRAH WINFREY”
MỘT LỰA CHỌN THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI CÓ THỂ ĐẾN TỪ BẤT KỲ AI
Đam mê là nguồn nhiên liệu cho cả bảy động cơ.
OPRAH ĐÃ CHIẾM TRỌN TRÁI TIM TÔI CHỈ VỚI MỘT CÂU NÓI NHƯ THẾ NÀO
Tôi biết đến Oprah Winfrey khi cô xuất hiện trong buổi phỏng vấn đầu tiên với Barbara Walters. Buổi phỏng vấn này được thực hiện ngay sau khi cô nhận vai diễn đầu tiên trong bộ phim “Màu tím” (The Color Purple). Lúc đó, chương trình truyền hình mỗi ngày của cô cũng vừa được trình chiếu rộng rãi khắp nước Mỹ, nhưng tôi chưa từng xem nó hay bộ phim cô đóng. Khi Barbara phỏng vấn cô, tôi có ấn tượng sâu sắc về cả thái độ lẫn những câu trả lời của Oprah. Tôi bắt đầu cảm thấy thích cô khi Barbara đặt ra một câu hỏi mà tôi cho là giây phút đáng nhớ nhất trong cả buổi phỏng vấn. Câu trả lời của Oprah khiến tôi chỉ muốn nhảy vào màn hình tivi để ôm chầm lấy cô như tôi vẫn làm thế với con mình mỗi khi chúng nói hay làm một việc gì đó khiến trái tim tôi ngập tràn niềm tự hào mãnh liệt.
Câu hỏi của Barbara như thế này, “Oprah, cảm giác của cô khi sống ở Deep South khi còn nhỏ như thế nào? Chắc cô phải cảm thấy kinh khủng và đau đớn lắm vì nạn kỳ thị chủng tộc”.
Với một câu trả lời ngắn gọn, Oprah không chỉ khiến Barbara sững sờ không nói lên lời mà còn khiến tôi ngưỡng mộ và tôn trọng cô suốt đời. Cô nói: “Barbara à, từ khi còn bé, tôi đã phát hiện ra rằng không có sự kỳ thị nào đối với những gì xuất sắc cả”. Tuyệt vời, tôi nhảy cẫng lên và vỗ tay nhiệt liệt. Barbara có vẻ rất kinh ngạc, cô không biết phải nói gì nữa. Tôi chắc là cô đã chuẩn bị cả một lô câu hỏi tiếp theo nhưng câu trả lời ấy của Oprah đã “chặn” hết đường hỏi của cô.
Tôi thật sự tin rằng Oprah đã từng là nạn nhân của sự phân biệt màu da cả trong thời thơ ấu lẫn những thời điểm khác trong đời. Và nếu tôi suy đoán không lầm thì điều đó càng khiến cho câu trả lời của cô mạnh mẽ hơn đồng thời bộc lộ tính cách và con người cô. Nó cho biết cô hoàn toàn chịu trách nhiệm về bản thân, thái độ và cách cô phản hồi trong cuộc sống; rằng cô từ chối không đổ lỗi cho những người đã làm tổn thương cô; rằng cô phản hồi lại những hành vi tiêu cực của người khác một cách khôn ngoan và tử tế, vì thế những nỗi đau mà cô gánh chịu giúp cô trở nên giàu tình thương hơn thay vì nuôi dưỡng nỗi cay đắng cùng cực.
Có hai cách hiểu câu trả lời của Oprah. Nếu thật sự cô chưa bao giờ cảm thấy nỗi đau của sự kỳ thị thì có nghĩa là cô đã quá tập trung vào việc vươn tới thành công đến nỗi những mũi tên phóng vào cô đều không thể trúng đích. Còn nếu bạn hiểu câu trả lời của cô theo nghĩa đơn giản và không có mũi tên nào nhắm vào cô thì cuộc hành trình chinh phục ước mơ của cô thật cao quý và đầy cảm hứng đến nỗi nó hoàn toàn tước bỏ vũ khí của những người cản trở cô. Như vậy, bất kể tôi hiểu câu nói của cô theo cách nào, Oprah cũng xứng đáng được tôi tôn trọng và ngưỡng mộ.
Bởi vì Oprah đã chiếm được lòng tôn kính sâu sắc của tôi ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên ấy và càng lúc cô càng khiến tôi thêm ngưỡng mộ, nên tôi quan tâm đặc biệt đến thành công vang dội của cô trong đời sống cá nhân cũng như trong sự nghiệp. Một số người bạn thân của tôi, trong đó có Gary Smalley, từng là khách mời trong chương trình truyền hình của cô, và bao giờ tôi cũng có ấn tượng mạnh mẽ với cách cô nắm bắt tầm nhìn của khách nhanh chóng và nhiệt tình, cũng như cách cô giao tiếp với hàng triệu khán giả xem đài, khiến họ hiểu và cảm được tầm nhìn đó. Những người bạn của tôi bảo rằng cô là một người dẫn chương trình hòa nhã và quan tâm đến khách mời, nhưng phẩm chất tôi đánh giá cao nhất nơi cô là niềm đam mê vô tận dành cho cuộc sống, cho công việc, cho người khác và cho những gì xuất chúng. Tôi tin rằng đó cũng nguồn động lực giúp cô đạt đến thành công tột bậc ngày hôm nay.
NIỀM ĐAM MÊ CHÍNH LÀ NHIÊN LIỆU GIÚP CẢ BẢY ĐỘNG CƠ TÊN LỬA HOẠT ĐỘNG!
Niềm đam mê chính là yếu tố tạo nên thành công của Oprah và của tất cả những người đạt được ước mơ mà tôi biết. Trong thực tế, tôi chưa hề biết hay đọc về bất cứ ai đạt được ước mơ mà lại không được thúc đẩy bởi niềm đam mê cháy bỏng. Tôi nhận ra rằng niềm đam mê chính là nguồn năng lượng mạnh mẽ giúp cho bảy động cơ tên lửa của bạn hoạt động. Thiếu đi niềm đam mê này, các động cơ sẽ bị “chết máy” trước khi bạn đặt chân lên được mặt trăng. Niềm đam mê thúc đẩy bạn bước đi, kể cả khi bạn kiệt sức cả về thể xác lẫn tinh thần. Quả thật, nó chính là sức mạnh bí ẩn, là đặc điểm chung của tất cả những người nhắm đến mặt trăng và đến được đó.
TẠI SAO NHỮNG NGƯỜI GIÀU NHẤT NƯỚC MỸ VẪN TIẾP TỤC LÀM VIỆC?
Vào thời điểm tôi viết quyển sách này, tài sản của Bill Gates trị giá khoảng 36 tỷ đô. Nếu vợ chồng ông tiêu xài mỗi năm 100 triệu đô thì phải mất 360 năm họ mới dùng hết số tiền vốn đó. Chưa kể tiền lãi cũng đủ để ông tiêu xài thêm vài trăm năm nữa. Vậy thì câu hỏi đặt ra là, “Tại sao Bill Gates vẫn đi làm mỗi ngày?”. Steven Spielberg cũng sở hữu tài sản xấp xỉ một tỷ đô. Không nhiều như Bill Gates nhưng cũng đủ cho ông sống một cuộc sống đế vương trong suốt quãng đời còn lại. Vậy tại sao ông vẫn không ngừng sản xuất hết bộ phim này đến bộ phim khác? Bill Cosby có ít nhất 300 triệu đô, vậy mà tuần nào ông cũng đi làm 5 ngày như một viên chức mẫu mực. Danh sách này còn có cả Oprah Winfrey, Lee Iacocca, Ted Turner, Rupert Murdoch v.v… Họ không chỉ làm việc hàng ngày mà nếu bạn đi theo họ, bạn sẽ kiệt sức trước cường độ và thời gian làm việc của họ. Tại sao họ phải nhọc công gắng sức như vậy?
Chỉ có một câu trả lời đúng: niềm đam mê! Họ yêu công việc mình đang làm đến nỗi họ không bao giờ ngừng lao về phía trước.
NIỀM ĐAM MÊ LÀ ĐẶC TÍNH BẨM SINH HAY LÀ ĐIỀU BẠN CÓ THỂ HỌC ĐƯỢC?
Mặc dù niềm đam mê là một nét tiêu biểu mà bạn có thể tìm thấy trong những người đạt được ước mơ, tiếc thay nó lại không phải là điểm chung của phần đông nhân loại. Thực tế, nó cực kỳ hiếm. Tôi không nói về những niềm đam mê nhất thời mà ai trong đời cũng từng nếm trải. Tôi đang nói đến niềm đam mê thúc đẩy bạn đạt được những thành tựu phi thường. Nó hiếm như kim cương đối với đại đa số mọi người, nhưng lại phổ biến như không khí trong nhóm người đạt được ước mơ. Tại sao? Đó có phải là một đặc tính bẩm sinh không? Hay niềm đam mê là điều bạn có thể học được? Câu trả lời là cả hai. Một số người dường như khi được sinh ra đã mang trong tâm hồn niềm đam mê cháy bỏng. Họ được thúc đẩy bởi niềm đam mê ấy từ thuở ấu thơ. Nhưng hầu hết những người thành công mà tôi biết không được sinh ra với món quà sẵn có ấy; họ phải học cách nhóm lên ngọn lửa đam mê và nuôi dưỡng nó.
Những người có sẵn niềm đam mê “trời cho” có vẻ sở hữu một niềm đam mê tự nhiên đối với cuộc sống nói chung và với tất cả những việc mà họ chọn làm trong cuộc sống cá nhân hay trong sự nghiệp nói riêng. Đối tác của tôi, Jim Shaughnessy, là một ví dụ tiêu biểu cho trường hợp này. Từ lúc còn nhỏ, dù làm bất cứ việc gì anh cũng làm bằng tất cả tâm trí và năng lượng của mình. Điều này mang lại cho anh nhiều rắc rối khi anh đi sai đường lạc lối, nhưng ngược lại, nó giúp anh trở thành một thầy giáo giỏi và một doanh nhân thành đạt khi anh đi đúng hướng. Bạn có tin không, cả đến việc đi chợ mua rau anh cũng thực hiện một cách say mê. Những người như Jim hiếm hoi như chất Plutonium vậy. Hầu hết người đời phải học cách có được niềm đam mê. Và đấy cũng là tin vui cho những ai không được sinh ra với nó.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC NIỀM ĐAM MÊ?
Với những người không may mắn được sinh ra với niềm đam mê, có hai cách để đạt được nó. Một là “bắt lấy nó” giống như cách bạn đột ngột bị cảm vậy, chẳng có dấu hiệu gì báo trước cả; hai là từ từ phát triển nó, từng bước cụ thể “cấy” niềm đam mê vào một lĩnh vực nào đó mà bạn muốn gặt hái thành công.
Bắt lấy niềm đam mê là một cách dễ dàng nhất. Tôi phải thú nhận với bạn, niềm đam mê viết lách của tôi là do tôi “bắt lấy” chứ không phải do phát triển mà có. Bạn tiếp cận một điều gì đó mà bạn cảm thấy thích thú, rồi sau đó càng làm bao nhiêu bạn càng yêu công việc đó bấy nhiêu. Đó cũng là điều đã xảy ra với một trong những cộng sự của tôi. Anh gia nhập công ty chúng tôi vào năm 19 tuổi, và không biết mình nên tham gia vào lĩnh vực hoạt động nào của công ty. Anh chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác mà vẫn không quyết định được là mình sẽ “dừng chân” ở đâu. Rồi một hôm, tôi dẫn anh đến Hollywood để phụ giúp tôi quay những đoạn phim quảng cáo. Anh chứng kiến tất cả những công đoạn làm phim, từ đạo diễn, phối hợp với tổ quay cho đến khâu biên tập cuối cùng. Anh quan sát cách làm việc của tôi, tham gia và nhanh chóng “bắt” được niềm đam mê này. Lúc ấy anh mới 20 tuổi, còn bây giờ thì anh 39 tuổi. Anh đã viết kịch bản và đạo diễn hàng chục đoạn quảng cáo và các chương trình hoành tráng, kiếm được hàng triệu đô. Một ngày nào đó, bạn sẽ nhìn thấy anh ấy trên màn ảnh rộng, tôi sẽ không ngạc nhiên đâu nếu anh ấy bước lên bục nhận giải Oscar dành cho đạo diễn xuất sắc nhất. Anh ấy cực kỳ giỏi.
Trong khi việc “bắt lấy” niềm đam mê là một việc dễ dàng, thì việc ngồi chờ để bắt được nó khá là mạo hiểm. Bạn có thể mất cả đời mà vẫn không bắt được niềm đam mê nào, tệ hại hơn, bạn có thể bắt được những niềm đam mê có hại. Giả sử bạn mê đánh gôn nhưng lại không có thời gian và tiền bạc để thỏa mãn niềm đam mê đó, thì thay vì điều này mang lại niềm vui trong đời bạn, nó chỉ mang đến những nỗi thất vọng (nếu bạn không chơi đủ) hoặc sự nghèo khổ (nếu bạn bỏ ra quá nhiều tiền để chơi).
Hoặc có thể bạn “bắt nhầm” một niềm đam mê, nó giành giật nguồn thời gian và sức lực của bạn khỏi những điều ưu tiên trong cuộc sống của bạn. Nó có thể kiểm soát bạn thay vì bạn kiểm soát nó. Điều này thường xảy ra với những người nghiện làm việc. Họ cũng yêu vợ con gia đình mình nhưng lại hy sinh những người ấy cho công việc. Vào lúc họ nhận ra cuộc “trao đổi” này thì con cái họ đã lớn và hôn nhân của họ có thể khó bề cứu vãn.
Vì thế, mặc dù việc “bắt lấy” niềm đam mê không đòi hỏi nhiều nỗ lực, nó lại không có gì đảm bảo và đáng tin cậy. Bạn có thể chẳng bắt được gì cả, hoặc bắt được một niềm đam mê không đáng có.
GÂY DỰNG NIỀM ĐAM MÊ CŨNG GIỐNG NHƯ KHAI THÁC NĂNG LƯỢNG HẠT NHÂN!
Gây dựng niềm đam mê giống như việc bắt đầu một chuỗi phản ứng nguyên tử. Nếu được khai thác và kiểm soát đúng cách, nó sẽ mang lại cho bạn một nguồn năng lượng vô cùng lớn và lâu dài giúp bạn đạt được những ước mơ quan trọng nhất. Mặt khác, nếu không được kiểm soát đúng cách thì nó sẽ tạo ra sức mạnh tàn phá khủng khiếp. Khác với việc “bắt lấy” niềm đam mê, phát triển niềm đam mê đặt bạn vào vị trí làm chủ để khai thác tất cả tiềm năng của nó và biến ước mơ thành hiện thực. Mặc dù đây là việc làm đòi hỏi bạn cố gắng nhiều hơn là việc “bắt lấy” niềm đam mê, nó không quá khó như bạn nghĩ, một khi bạn hiểu rõ và học được những bước cụ thể cần thiết.
NIỀM ĐAM MÊ: NGUỒN NHIÊN LIỆU CUỘC SỐNG CÓ CHỨA HÀM LƯỢNG CHẤT OCTANE CAO NHẤT!
Nguồn nhiên liệu đam mê là một hỗn hợp gồm ba thành phần:tầm nhìn, hy vọng và sự thỏa mãn. Nó bắt đầu bằng việc có được tầm nhìn về kết quả mà bạn mơ ước. Mỗi lần bắt đầu một dự án mới, dù đó là một kịch bản cho chương trình truyền hình hay một chiến dịch tiếp thị sản phẩm mới, tôi luôn có một tầm nhìn hay ước mơ mà tôi muốn biến thành hiện thực. Nguồn nhiên liệu đam mê bao giờ cũng bắt đầu bằng một tầm nhìn. Đó là lý do tại sao bước đầu tiên trong Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ – viết ra định nghĩa về ước mơ của bạn trên giấy một cách rõ ràng và chính xác – lại quan trọng đến thế. Có thể bạn chưa nhận ra điều đó vào lúc này, nhưng khi bạn có một định nghĩa sáng tỏ về ước mơ của mình bằng văn bản, tức là bạn đã đặt thành phần đầu tiên của niềm đam mê cho ước mơ đó vào tâm trí của bạn.
Thành phần thứ hai tạo ra niềm đam mê là hy vọng. Hy vọng không đơn giản là một “ước muốn”. Nó không phải là một cảm giác yếu ớt, nhạt nhẽo. Hy vọng là một mong đợi thật sự về một kết quả cụ thể. Bạn càng mong đợi bao nhiêu hay kết quả đó càng có khả năng xảy ra bao nhiêu thì hy vọng của bạn càng lớn bấy nhiêu. Đó là lý do tại sao ba bước tiếp theo trong Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ lại quan trọng không kém. Việc chuyển ước mơ của bạn thành những mục tiêu, bước đi và công việc cụ thể giúp tăng cường sự tự tin của bạn vào việc đạt được kết quả chung cuộc. Quá trình này truyền niềm hy vọng cho tầm nhìn hoặc ước mơ vào tâm trí của bạn. Và hy vọng chính là thành phần “gây nổ” tạo ra nguồn năng lượng thật sự cho niềm đam mê của con người.
Thành phần cuối cùng của niềm đam mê là sự thỏa mãn hoặc niềm vui mà bạn trải nghiệm khi hoàn thành công việc để đạt được mục tiêu và biến ước mơ thành hiện thực. Khi bạn cảm nhận niềm vui và sự thỏa mãn này, niềm đam mê của bạn lại được tăng cường cho những thành quả thậm chí còn cao hơn nữa. Đó chính là hiệu ứng “hòn tuyết” của việc thành quả càng nhiều thì niềm vui càng lớn, niềm vui càng lớn thì đam mê càng cao, đam mê càng cao thì thành quả đạt được càng nhiều và cứ thế. Mặc dù niềm đam mê, niềm vui và thành quả của bạn ở điểm ban đầu chỉ là một nắm tuyết nhỏ nhưng đến lúc nó rơi xuống chân núi thì nó đã là một hòn tuyết khổng lồ. Vì thế, Quy Trình Hiện Thực Hóa Ước Mơ không chỉ là phương tiện biến ước mơ của bạn thành hiện thực mà còn truyền vào tâm trí của bạn ba thành phần chính của niềm đam mê là tầm nhìn, hy vọng và niềm vui.
Niềm đam mê là yếu tố hết sức quan trọng trong việc theo đuổi ước mơ, nhất là khi bạn có những ước mơ lớn và quyết tâm chinh phục nó. Nó là loại nhiên liệu mà một khi được đốt cháy sẽ giữ cho cả bảy động cơ của bạn hoạt động tốt trong suốt chuyến bay. Trong suốt chiều dài lịch sử, niềm đam mê đã thúc đẩy những người thành công nhất thế giới đạt được những thành tựu vĩ đại nhất trong mọi lĩnh vực. Niềm đam mê cũng có thể giúp bạn làm được điều đó.
Bí quyết hiệu nghiệm 14:
Có được nguồn nhiên liệu đam mê
1. Trên mỗi trang Ước mơ của bạn, hãy miêu tả niềm đam mê mà bạn hiện có trong lĩnh vực đó. Bạn nghĩ về ước mơ đó thường xuyên ra sao? Việc đạt được ước mơ đó quan trọng như thế nào đối với bạn? Đánh giá niềm đam mê của bạn theo thang điểm từ 0 đến 10, trong đó 0 tương đương với “không có đam mê” và 10 tương đương với mức độ ám ảnh (tức là lúc đi ngủ bạn nghĩ tới ước mơ đó, mở mắt thức giấc cũng nghĩ tới nó, bạn khó có thể tập trung vào bất cứ thứ gì khác vì tâm trí bạn cứ quay về ước mơ đó).
2. Với những ước mơ “quan trọng” mà bạn cảm thấy thiếu đi niềm đam mê, hãy trả lời những câu hỏi sau:
Bạn có một tầm nhìn rõ ràng và chính xác về ước mơ này không?
Bạn đã “chuyển” ước mơ này thành những mục tiêu, các bước và công việc cụ thể ra trên giấy chưa? Nếu chưa thì “hy vọng” của bạn chỉ là một “ước muốn” chứ không phải là một kế hoạch chi tiết từng bước một. Không có niềm hy vọng vững chắc, đam mê của bạn sẽ khó được duy trì.
Bạn có để cho những lời chỉ trích phá hoại lòng nhiệt tình và đam mê của bạn không? Nếu có, hãy làm lại bài tập về “xô nước phê bình” trong chương 6.
Bạn có cảm thấy nỗi sợ hãi mơ hồ hay mãnh liệt không? Nếu có, hãy đặt nỗi sợ hãi đó vào vị trí của nó bằng bài tập trong chương 5.
Bạn có nản lòng vì việc thiếu kiến thức hoặc thiếu điều kiện, những điều cần thiết để hoàn thành công việc, tuân theo các bước, đạt được mục tiêu và biến ước mơ thành hiện thực không? Nếu có, bạn cần nhận ra rằng việc tuyển chọn đúng đối tác, cố vấn và các nguồn lực bên ngoài là rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng niềm đam mê của bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.