Những Phát Hiện Về Vạn Vật Và Con Người

GIÁO ĐIỀU GIAM HÃM KIẾN THỨC



Châu Âu kitô giáo không đi theo công trình của Ptolêmê. Thay vào đó, những lãnh tụ Kitô giáo bảo thủ đã dựng một rào cản trước sự tiến bộ trong kiến thức về trái đất. Các nhà địa lý Kitô giáo thời Trung Cổ dồn sức lực của mình vào việc thêu dệt một hình ảnh sắc gọn, thần học, về những điều đã biết hay nghĩ là đã biết.
Địa lý không có chỗ trong danh sách “bảy môn khoa học nhân văn” thời Trung Cổ. Nó không vào được trong bốn môn của toán học (số học, âm nhạc, hình học và thiên văn), cũng không hợp với môn nào trong ba môn của khoa lý luận và ngôn ngữ (văn phạm, biện chứng và tu từ). Không có vị trí của một khoa học độc lập, địa lý là một cô nhi trong thế giới tri thức. Nó trở thành một tạp loại kiến thức và giả kiến thức, những giáo điều Kinh Thánh, những câu chuyện tầm phào, những suy luận của triết gia và những tưởng tượng thần thoại.
Thuật lại những điều đã xảy ra thì dễ hơn cắt nghĩa thỏa đáng nó xảy ra thế nào và tại sao. Sau khi Ptolêmê chết, Kitô giáo chinh phục Đế Quốc Rôma và hầu hết châu Âu. Tiếp theo là hiện tượng toàn châu Âu lãng quên kiến thức, gây ảnh hưởng cho châu lục này từ năm 300 đến năm 1300. Trong những thế kỷ này, các tín điều Kitô giáo đã đè bẹp hình ảnh hữu ích của thế giới mà những nhà địa lý xưa đã vẽ ra một cách hết sức chậm chạp, vất vả và tỉ mỉ. Chúng ta không còn tìm thấy những đường vẽ tỉ mỉ các bờ biển, sông ngòi, núi non mà Ptolêmê đã vẽ ra trên những sơ đồ dựa trên những dữ liệu thiên văn khá nhất thời đó.
Chúng ta không thiếu những bằng chứng về những gì các nhà địa lý Kitô giáo đã suy nghĩ thời đó. Có trên sáu trăm mappae mundi, bản đồ thế giới, còn sót lại từ thời Trung Cổ. Chúng có đủ kích cỡ – có tấm chỉ bằng 5 cm đường chéo, như trong bộ bách khoa của isdore ở Seville thế kỷ 7, có tấm lớn đường kính đến 150 cm như bản đồ ở Nhà Thờ Lớn Hereford (năm 1275). Điều đáng nói là khi những bản đồ như thế được vẽ do trí tưởng tượng, có rất ít những thay đổi trong các bản đồ của trái đất.
Hình dạng chung của những bản đồ này khiến chúng được gọi là “bản đồ bánh xe” hay “bản đồ T-0”. Toàn thể mặt đất ở được có hình một chiếc đĩa tròn (chữ 0), được chia ra bởi một dòng nước hình chữ T. Phương Đông đặt ở phía trên cùng, hồi đó có nghĩa là “hướng” của bản đồ. Trên chữ “T” là lục địa châu Á, phía dưới bên trái chữ T là lục địa châu Âu và bên phải là châu Phi. Thanh chữ T phân cách châu Âu với châu Phi là biển Địa Trung Hải; thanh ngang phân cách châu Âu và châu Phi với châu Á là sông Danube và sông Nil, được coi là chảy theo một đường duy nhất. Bao quanh tất cả là “Biển Đại Dương”.
Những bản đồ này được coi là bản đồ thế giới. Chúng được vẽ với mục đích diễn tả những tín điều của Kitô giáo theo kinh thánh. Jerusalem được vẽ ở trung tâm của bản đồ. “Đức Chúa đã phán như vậy. Đây là Giêrusalem. Ta đã đặt nó ở giữa các dân và các nước sông chung quanh nó” (Edêkiel 5.5). Những lời này của ngôn sứ Edêkiel loại bỏ mọi nhu cầu vụn vặt về vĩ tuyến và kinh tuyến. Bản dịch phổ thông của Kinh Thánh bằng tiếng Latinh còn dùng chữ umbilicus terrae, rốn của trái đất. Các nhà địa lý Kitô giáo trung cổ kiên quyết đặt Thành Thánh Giêrusalem vào đúng chỗ này.
Đặt nơi thánh thiêng nhất vào chỗ trung tâm không phải là chuyện mới. Như chúng ta đã thấy, người Ấn giáo cũng đặt núi Meru của họ vào “trung tâm của trái đất”. Niềm tin vào một núi thánh, với những cách diễn tả khác nhau ở Ai Cập, Babylon và những nơi khác, chỉ đơn giản là cách nói rằng chỗ ưu điểm nhất trên mặt đất chính là cái rốn của vũ trụ. Các thành phố của phương Đông thường coi mình là trung tâm. Babylon (= cửa của các thần) là nơi các thần đi xuống trái đất. Trong truyền thống Hồi Giáo, Ka’bah là điểm cao nhất thế giới và sao bắc đẩu cho thấy Mecca là đối tâm của bầu trời. Kinh thành cho một vua Trung hoa tốt là chỗ mà mặt trời không dọi bóng giữa trưa vào ngày hạ chí. Vì thế không lạ gì các nhà địa lý Kitô giáo cũng đặt Thành Thánh của họ vào trung tâm, biến nó thành nơi hành hương và thành mục tiêu của các cuộc thập tự chinh.
Điều đáng ngạc nhiên chính là xảy ra Bước Thụt Hậu lớn. Ai ai cũng muốn tin rằng mình ở trung tâm. Nhưng sau những tiến bộ tích luỹ được từ xa xưa, giờ đây phải có cố gắng để quên đi khối lượng những kiến thức đã tích luỹ ấy và rút lui vào một thế giới của đức tin và biểu tượng. Chúng ta đã thấy các hoàng đế Trung Hoa đã sáng chế ra Đồng Hồ Thiên Văn của Tô Tống như thế nào trước cả những đồng hồ ở phương Tây, để họ lại tịch thu kiến thức và kỹ thuật. Bước Thụt Hậu Lớn mà chúng ta sắp mô tả trong lãnh vực địa lý là một hành vi thụt lùi đáng nói hơn nhiều. Vì sự tiến bộ về kiến thức địa lý đã lan rộng ở phương Tây, đạt tới những giao điểm văn hoá của một lục địa đa dạng.
Các tín điều Kitô giáo và các hiểu biết Kinh Thánh đã áp đặt những điều tưởng tượng thần học trên bản đồ thế giới. Bản đồ trở thành hướng dẫn viên cho các Tín Điều. Mỗi câu chuyện và mỗi nơi được nhắc đến trong Kinh Thánh đều phải có một địa điểm xác định và trở thành một lãnh vực tìm kiếm đầy hấp dẫn đối với các nhà địa lý Kitô giáo. Một trong những điểm hấp dẫn nhất là Vườn Eđen. Ở phần phía đông của thế giới, các nhà địa lý thời Trung Cổ thường vẽ một vườn Địa Đường với hình của Ađam và Eva và con rắn, chung quanh là một bức tường cao hay một rặng núi.
Để làm cho thế giới phù hợp với hình ảnh thô sơ của Kinh Thánh, người ta cần phải thêu dệt lời Kinh Thánh và đồng thời phủ nhận hình dạng thực sự của trái đất.
Niềm tin vào Eđen trở thành một niềm vui sướng cũng như bổn phận. Các thầy dòng dũng cảm rong ruổi đi tìm vườn Địa Đường trở thành những người hùng trong câu chuyện phiêu lưu.
Nhưng ngay cả trong những chuyện cơ bản như xác định vị trí của vườn Eđen, thì các nhà địa lý Kitô giáo cũng không nhất trí với nhau. Một trong những người lữ hành nổi tiếng nhất tìm đến được Địa Đường là Saint Brendan, một tu sĩ gan dạ người ái Nhĩ Lan (484-457). Tin rằng Địa Đường ở một vị trí nào đó trên Đại Tây Dương, ông đã lênh đênh mạo hiểm trên thuyền mãi về hướng tây cho tới khi ông tới một hải đảo xinh đẹp, đất đai mầu mỡ chưa từng có. Saint Brendan tin chắc đây là địa đàng, “Đất Hứa của các Thánh”. Và ngay cả những người thích đặt Địa Đàng ở một nơi khác cũng vẫn giữ “Đảo Saint Brendan” trên các bản đồ của mình. Câu chuyện về người tu sĩ gan dạ này được kể đi kể lại bằng rất nhiều thứ tiếng châu Âu. Hòn đảo thánh này của ông đã được vẽ rõ nét trong các bản đồ trong hơn một ngàn năm, ít là cho tới 1759. Và các nhà bản đồ học thời cận đại cũng đã cố gắng đi tìm vị trí của nó. Nhà chế tạo địa cầu kinh điển Martin Behaim năm1492 đã Đảo Saint Brendan gần xích đạo, tây Canaries, trong khi một số nhà địa lý đặt nó ở gần Ái Nhĩ Lan hơn, số khác đặt nó ở vùng Tây Indies. Mãi sau hai thế kỷ có các cuộc thám hiểm Bồ Đào Nha (1526-1721) đi tìm Đảo Saint Brendan, các người Kitô giáo mới dứt khoát từ bỏ cuộc tìm kiếm. Họ đã tìm ra một chỗ khác tốt hơn cho Địa Đường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.