Nếu người ta đã khám phá ra châu Phi là một bán đảo và có một đường biển rộng mở từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương, thì tất nhiên cũng có một đường biển từ phía Ấn Độ Dương tới Đại Tây Dương… Vậy tại sao người Ả Rập đã không tìm ra những biển hướng về phía tây?
Nếu người ta đã khám phá ra châu Phi là một bán đảo và có một đường biển rộng mở từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương, thì tất nhiên cũng có một đường biển từ phía Ấn Độ Dương tới Đại Tây Dương. Những người Ả Rập sống quanh những bờ biển phía tây và tây bắc Ấn Độ Dương là những người cũng tiến bộ ít ra là bằng với những người châu Âu đồng thời của họ, về những khoa đi biển, gồm khoa thiên văn, địa lý, toán học và nghệ thuật hàng hải. Vậy tại sao người Ả Rập đã không tìm ra những biển hướng về phía tây?
Khi Vasco da Gama cuối cùng đã đến được bờ biển Malabar, ông được tiếp đón bởi những người Ả Rập ở Tunis. Đây là người của một cộng đồng Ả Rập đông đảo, gồm những lái buôn và chủ tàu, đã thống trị công việc buôn bán ở Calicut với người nước ngoài. Từ lâu trước khi có cuộc khám phá con đường biển liên tục từ Tây sang Đông, người Ả Rập từ Bắc Phi và Trung Đông đã có một đời sống ổn định ở Ấn Độ rồi.
Những cấm kỵ về giai cấp xã hội có lẽ đã ngăn cản người tham gia công việc buôn bán với người nước ngoài. Một số bị những cấm đoán của tôn giáo không cho họ đi qua biển nước mặn. Đồng thời, sự bành trướng kỳ diệu của Hồi giáo ở những thế hệ sau Môhamét đã đưa đế quốc Hồi giáo vượt qua sông Indus và đi vào Ấn Độ trước giữa thế kỷ 8. Các lái buôn Ả Rập đổ xô đến những thành phố trên bờ biển Malabar.
Các người Hồi giáo đi đến đâu cũng cảm thấy như quê hương của mình trong thế giới Hồi giáo. Như chúng ta đã thấy, Ibn Battuta, một Marco Polo của thế giới Ả Rập đã sinh ra tại Tangier, trong những chuyến du hành rộng rãi đã trở thành một thẩm phán ở Đê Li và quần đảo maldive và được một lãnh chúa Hồi giáo Ấn Độ phải làm sứ giả sang Trung Hoa. Thành phố Calicut mà Gama đã đến có một khu người Ả Rập rất phồn thịnh. Các kho hàng và cửa tiệm do người Ả Rập làm chủ có mặt trong khắp thành phố và cộng đồng Ả Rập có pháp quan riêng của mình để xét xử. Các nhà cai trị người Ấn tỏ ra bao dung đối với tôn giáo của những lái buôn đến làm cho nền thương mại của thành phố họ phát đạt. Nhiều gia đình người Ấn ước mong con gái họ trở thành vợ của những lái buôn Ả Rập giàu có. Không lạ gì người Ả Rập ở Calicut không mấy hoan nghênh những kẻ xâm nhập Bồ Đào Nha.
Ngành hàng hải ở Ấn Độ Dương đã phát triển từ lâu trước khi Tiên tri Môhamét sinh ra. Lúc đầu người ta đi từ Ai Cập và Biển Đỏ đến Ấn Độ bằng đường dọc theo bờ biển. Dần dần khi khám phá ra những đợt gió mùa, người ta đã sử dụng chúng và việc đi lại trên biển gia tăng rất nhanh. Gió mùa là một nét đặc trưng của Ấn Độ Dương, đó là một mẫu gió đổi hướng theo mùa. Trong phạm vi hành tinh, nó là kết quả của sự tương quan đặc biệt giữa đất, biển và khí quyển – là kết quả của những khác biệt về nhiệt độ nóng hay lạnh của khối lượng trái đất đối với khối lượng của biển. Ở Ấn Độ và Đông Nam Á, gió mùa thay đổi ngược chiều theo mỗi mùa và vì thế giúp cho việc đi lại về hướng đông trên Ấn Độ Dương rất thuận lợi.
Dưới thời đế quốc Roma của hoàng đế Augustô, nền thương mại đường biển giữa Biển Đỏ và Ấn Độ đã phát triển đạt tới một trăm hai mươi tàu qua lại mỗi năm. Dưới thời Nêrô cai trị, sử gia Pliny than phiền rằng tiền của đế quốc đang bị tiêu hao để đổi lấy những món đồ trang sức rẻ tiền của ấn Độ. Những khối đồng tiền kẽm của Rôma tìm thấy ở Ấn Độ chứng tỏ nền thương mại đã bành trướng như thế nào.
Các lái buôn Ả Rập đã là những khuôn mặt quen thuộc ở Ấn Độ từ lâu trước khi có cuộc bành trướng trên bộ của Hồi giáo, nhưng sau thời Môhamét, ngoài lý do thương mại, còn có lý do của các cuộc thập tự chinh. Vào giữa thế kỷ 14, Ibn Battuta ghi nhận rằng các lái buôn Ả Rập đã được đưa từ bờ biển Malabar tới Trung Hoa trên những con tàu của Trung Hoa. Ở Quảng Đông, ngay từ thế kỷ 9, đã có một cộng đồng Ả Rập với pháp quan riêng của họ và chúng ta có những tư liệu rất sớm về những người Hồi giáo ở xa tận phía bắc như Korea.
Người châu Âu thường mang thành kiến rằng người Ả Rập không phải những nhà hàng hải tài giỏi hay thành công. Câu chuyện về những người Ả Rập ở Địa Trung Hải cho thấy phần nào nguyên do của thành kiến ấy. Giáo chủ Omar I (581-644) là người tổ chức lực lượng Hồi giáo sang Ba Tư và Ai Cập. Nhưng ông ta rất e ngại đường biển. Quan toàn quyền của ông ở Syria xin ông cho phép tấn công đảo Síp. Nhưng Omar không cho phép, vì ông thấy đường biển đầy bất trắc và nguy hiểm.
Ngoại trừ một ít đảo như Síp, Crêta và Sicily, người Ả Rập không cần phải vượt biển để đi từ nơi này đến nơi khác trong đế quốc của họ. Nếu những người Ả Rập ở miền bắc quen đi biển giống như những người Rôma, chắc hẳn lịch sử sau này của châu Âu đã phải khác đi rất nhiều.
Tuy nhiên, sống ở Địa Trung Hải, người Ả Rập bó buộc phải đi biển. Sau khi một hạm đội của Byzantin tái chiếm Alexandria (645 C.N.), Đế Quốc Hồi Giáo nhận thấy rõ ràng họ phải có một lực lượng hải quân. Alexandira trở thành trung tâm hải quân của họ, một căn cứ đào tạo hải quân và đóng tàu bằng gỗ đưa từ Syria về. Vào năm 655, hải quân Ả Rập ở Dhat al-Sawanri đánh bại một lực lượng năm trăm chiến thuyền của Byzantin.
Đế Quốc Hồi Giáo Ả Rập bành trướng trên đất liền xung quanh Địa Trung Hải. Bán đảo Iberia, điểm giao nhau giữa đất của châu Âu và đất của châu Phi, đã là một phần phía tây châu Âu thuộc quyền thống trị của Hồi giáo. Các sử gia vẫn còn tranh luận xem có thể gọi Địa Trung Hải là một cái hồ lớn của Hồi giáo hay không. Chính sức mạnh của người Ả Rập dựa trên các căn cứ địa trên đất liền của họ trên khắp Địa Trung Hải là cái đã hình thành tương lai của ngành hàng hải trên đất châu Âu và từ châu Âu đến các nơi khác.
Ngoại trừ một ít đảo như Síp, Crêta và Sicily, người Ả Rập không cần phải vượt biển để đi từ nơi này đến nơi khác trong đế quốc của họ. Nếu những người Ả Rập ở miền bắc quen đi biển giống như những người Rôma, chắc hẳn lịch sử sau này của châu Âu đã phải khác đi rất nhiều. Alexandria có thể đã trở thành một Venice của Hồi giáo. Nhưng ngược lại, cái thành phố to lớn đã có thời hoàng kim của mình với con số dân cư trên 600.000 người, đến cuối thế kỷ 9 chỉ còn 100.000 ngàn người. Các giáo chủ của thế kỷ 9 và 10 đã để cho thành phố suy tàn. Ngọn hải đăng Pharos nổi tiếng ở Alexandria, từng là một trong Bảy Kỳ Quan Thế giới của thời cổ, nay đã trở thành một phế tích. Và ngay cả những phế tích của nó cũng đã bị hủy diệt bởi một trận động đất ở thế kỷ 14. Tư tưởng và văn học Ả Rập hướng về đất liền.
Nhưng ở Địa Trung Hải, các đế quốc luân phiên được chinh phục và bị mất trên biển. Tàu bè là vũ khí của những nhà xây dựng các đế quốc. Trong những thế kỷ mà đế quốc Hồi giáo đang thua dần ở phương Tây, thì ở Ấn Độ Dương, nó vẫn tiếp tục yên ổn một cách kỳ lạ. Chính tại đây sức mạnh hải quân Ả Rập phát triển tự do. Sức mạnh đó được thể hiện nhờ Ibn Majid, hậu duệ của những nhà hàng hải nổi tiếng Ả Rập. Ông tự gọi mình là “Sư Tử của Biển Thịnh Nộ”, nổi tiếng vì được coi là người hiểu biết nhiều nhất về ngành hàng hải trên Biển Đỏ đáng sợ và Ấn Độ Dương. Ông đã trở thành vị thánh bổn mạng của những người đi biển Hồi giáo. Là tác giả của ba mươi tám tác phẩm bằng văn vần và văn xuôi, ông viết về mọi đề tài hàng hải của thời mình. Tác phẩm hữu dụng nhất cho các nhà hàng hải Ả Rập là cuốn Kitab al-Fawa id, hay Cẩm Nang Hàng Hải (1490) của ông, một tổng luận về mọi kiến thức của thời đó về ngành hàng hải, gồm những thông tin để hướng dẫn các người đi biển trên Biển Đỏ và Ấn Độ Dương. Cho tới hôm nay, trong một số lãnh vực, tác phẩm này của ông được coi là không có ai qua mặt được.
Vasco da Gama đã có một sự may mắn to lớn trong chuyến hành trình đầu tiên của mình. Một cách tình cờ kỳ lạ, khi ông đến Malindi, ông đã nhờ được một người hoa tiêu Ả Rập tài giỏi và đáng tin lái tàu của ông qua được Ấn Độ Dương, viên hoa tiêu đó chính là Ibn Majid. Vị thuyền trưởng Bồ Đào Nha đã không ngờ mình lại may mắn đến thế. Ngay cả Ibn Majid cũng không ngờ được rằng, khi họ đưa tàu cập bến Calicut, họ đã làm một hành vi vô cùng trớ trêu trong lịch sử. Vô tình bậc thầy hàng hải Ả Rập này đã dẫn người thuyền trưởng vĩ đại của châu Âu tới thành công mà sự thành công này lại có nghĩa là việc đánh bại nền hàng hải Ả Rập trên Ấn Độ Dương. Các sử gia Ả Rập sau này đã phải giải thích khác đi vai trò của Ibn Majid trong vụ này, bằng cách nói rằng ông chắc hẳn đã ở trong tình trạng say rượu khi tiết lộ cho Vasco da Gama những thông tin giúp ông này đến được Ấn Độ an toàn.
Thế nhưng khoa địa lý của Ả Rập rất phát triển. Trong khi những nhà trắc địa của châu Âu thời Trung cổ mê ngủ trong giáo điều, thì những nhà địa lý Ả Rập rất tự tin với những công trình của Ptolêmê, mà phương Tây đã chôn vùi cả ngàn năm. Thậm chí người Ả Rập còn hiệu đính công trình của Ptolêmê, bằng cách cho thấy rằng Ấn Độ Dương không phải một biển đóng kín mà là một đại dương mở ra Đại Tây Dương. Một trong những nhà địa lý Ả Rập tiên phong có ảnh hưởng lớn nhất là nhà bác học Al-Biruni (973-1050?), một trong những nhà khoa học vĩ đại của Hồi giáo thời Trung cổ. Ông vừa có sự quan sát sắc bén vừa có óc tò mò vô cùng và ngay trước khi lên 17 tuổi, ông đã chế ra một dụng cụ cải tiến để đo vĩ độ. Ông đã diễn tả một số những suy tư tiến bộ của Ả Rập về hình thù của châu Phi.
“Biển Đông bắt đầu ở Trung Hoa và đổ dọc theo bờ biển Ấn Độ xuống phía đất nước của người Zendj [Zanzibar]… Các nhà hàng hải chưa từng vượt qua ranh giới này, lý do là vì biển ở phía đông bắc đi vào đất liền… trong khi ở phía tây nam, như thể để bù trừ, đất liền lại trải ra biển… Bên kia điểm này, điểm luân phiên đi vào giữa các núi đồi rồi qua các thung lũng. Nước luôn luôn bị khuấy động vì mức lên xuống của thủy triều, các đợt sóng không ngừng tràn tới và lui, khiến cho các tàu bè bị đánh vỡ tan tành. Đó là lý do tại sao biển này không qua lại được. Nhưng điều này không ngăn cản Biển Đông ăn thông với Đại Dương qua một khoảng trống giữa các rặng núi dọc bờ biển phía nam [của châu Phi]. Chúng ta có những bằng chứng chắc chắn về sự ăn thông này mặc dầu không thể xác minh được nó bằng mắt nhìn. Chính vì sự thông thương này mà phần đất có người ở của trái đất đã được đặt vào chính giữa trung tâm của một vùng bao quanh tứ phía là biển”.
Chính Ibn Majid đã hài lòng nêu lên rằng những ý tưởng của Al-Biruni và của chính mình bây giờ đã được “những người Bồ Đào Nha giàu kinh nghiệm” chứng minh.