Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Cha mẹ Do Thái: AI NÓI CHÚNG TÔI KHÔNG CHÚ TRỌNG GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CHO CON CÁI? – Con yêu, con phải hiếu kính với cha mẹ



Nhà Michelle có một quy định bất thành văn, đó là trước khi đi ngủ, cha mẹ kể cho con nghe một câu chuyện. Nhưng hôm nay, cô bé Michelle đột nhiên nói với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay con sẽ kể chuyện cho mẹ nghe!”.

Mẹ tò mò hỏi: “Tại sao hôm nay con lại kể chuyện cho mẹ nghe?”.

“Vì mẹ luôn kể chuyện cho con nghe, để ngày nào con cũng vui vẻ. Vì thế, hôm nay con sẽ kể chuyện cho mẹ nghe, để mẹ được vui vẻ ạ”.

“Vậy hôm nay con định kể cho mẹ nghe chuyện gì?”.

“Hôm nay, con sẽ kể cho mẹ nghe về câu chuyện hiếu kính với cha mẹ. Ngày xưa có một cậu bé tên là Laby, cậu rất hiếu kính với cha mẹ…”. Michelle nhẹ nhàng kể câu chuyện.

Nghe con gái kể xong mẹ khen ngợi: “Câu chuyện con kể hay lắm, mẹ rất vui”.

“Cảm ơn mẹ, cô giáo con đã kể cho chúng con chuyện này, vì thế con nghĩ, hôm nay nhất định sẽ kể cho mẹ nghe để báo đáp công ơn dạy dỗ của cha mẹ”. Cô bé mỉm cười nói.

Nghe con gái nói vậy, mẹ cảm thấy không cầm được nước mắt.

Trong văn hóa của người Do Thái, có rất nhiều câu chuyện dạy con cái hiếu kính với cha mẹ. Người Do Thái cũng rất biết dùng những câu chuyện để dạy dỗ con cái. Trong quá trình trưởng thành của trẻ, cha mẹ hoặc thầy cô giáo, sẽ kể cho trẻ nghe những câu chuyện dễ hiểu, từ đó bồi dưỡng đức tính hiếu thảo cho trẻ.

Trong một gia đình ba thế hệ của người Do Thái, con cái sẽ rất kính trọng ông bà, cha mẹ mình. Cha mẹ Do Thái hiểu rằng, họ là thầy cô giáo đầu tiên của con, nên họ cần sống có lí trí, là tấm gương tốt cho con noi theo, biết kính trọng người trên. Cha mẹ làm như vậy sẽ giúp con cái hiểu được hàm nghĩa của từ “kính trọng”. Do vậy, trong gia đình người Do Thái luôn tràn đầy sự ấm áp và hòa thuận, họ không chỉ biết tôn trọng nhau, mà còn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau. Chính bởi không khí đầm ấm đó, cộng với sự giáo dục của cha mẹ nên trẻ em Do Thái luôn biết hiếu kính, tôn trọng ông bà, cha mẹ.

Các bậc cha mẹ đều hiểu rằng, hiếu kính với ông bà, cha mẹ, người lớn là một trong những phẩm chất đạo đức cơ bản cao quý nhất, và ai cũng hi vọng con cái mình luôn có lòng hiếu thảo, hiếu kính với người lớn. Để làm được điều này, cha mẹ cần chú ý dạy con cái lòng hiếu thảo, hiếu kính trong cuộc sống hàng ngày.

❃ Cha mẹ là tấm gương tốt cho con

Khi bồi dưỡng lòng hiếu thuận cho con cái, cha mẹ Do Thái luôn nhớ đến trách nhiệm của bản thân. Vì thái độ của con cái đối với cha mẹ thế nào được quyết định bởi thái độ của cha mẹ đối xử với ông bà ra sao. Trong việc giáo dục con cái, cha mẹ Do Thái luôn coi trọng phẩm chất, họ không quên lấy mình làm gương, dùng hành động của mình để tác động đến con. Nếu vì điều kiện sống ở xa hoặc công việc bận rộn, không ở bên ông bà được, họ sẽ dùng ngày cuối tuần hoặc các ngày nghỉ, cùng con cái đến thăm ông bà. Trong môi trường đó, con cái sẽ chịu ảnh hưởng từ cha mẹ, dần dần học cách tôn trọng người lớn, tôn kính ông bà.

❃ Xây dựng mối quan hệ gia đình hợp lí, có tôn ti trật tự

Ngoài việc lấy bản thân làm gương để dạy con có tấm lòng hiếu thảo, tôn kính với ông bà, cha mẹ Do Thái còn chú ý đến việc xây dựng mối quan hệ hợp lí, có tôn ti trật tự trong gia đình. Hợp lí ở đây được hiểu là các thành viên trong gia đình đều có tư cách độc lập, địa vị bình đẳng, cha mẹ tôn trọng suy nghĩ và hành động của con, không dùng quyền uy ra lệnh cho con hoặc quyết định thay con, mà lắng nghe ý kiến của con cái, cố gắng xử lí mọi việc theo ý nguyện của con.

Ngoài ra, sự hợp lí còn thể hiện ở việc cha mẹ chủ trì việc nhà, vì mỗi gia đình đều là một chỉnh thể, cần có sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau, không thể coi bản thân là trên hết, tất cả mọi người đều nên tham gia vào công việc của gia đình, vun đắp cho hạnh phúc gia đình. Cha mẹ chính là trụ cột của gia đình, cũng là người giúp gia đình ổn định. Hơn nữa, trong gia đình người Do Thái rất ít xuất hiện “cậu ấm”, “tiểu thư”, cũng không có tình trạng tất cả người lớn đều “chạy theo” một đứa trẻ, ngược lại mỗi đứa trẻ Do Thái đều rất lễ phép và có lòng hiếu thuận. Do đó, xây dựng mối quan hệ gia đình hợp lí có tôn ti trật tự sẽ có lợi cho việc bồi dưỡng lòng hiếu thuận của trẻ.

❃ Tạo cơ hội cho trẻ hiếu thảo, tôn trọng cha mẹ

Trong việc xây dựng mối quan hệ gia đình hợp lí, có tôn ti trật tự, cha mẹ Do Thái còn đặc biệt chú ý tạo cho trẻ có cơ hội thể hiện lòng hiếu thảo, tôn trọng cha mẹ. Trong cuộc sống, lòng hiếu thảo của con cái cần không ngừng được thể hiện và bồi dưỡng. Ví dụ, cha mẹ Do Thái luôn yêu cầu trẻ hàng ngày trước khi đi học hay đi học về đều phải chào hỏi cha mẹ; Khi cha mẹ bị ốm hoặc không khỏe, trẻ biết chủ động chăm sóc và giúp cha mẹ tiếp khách; Khi cha mẹ đi công tác, trẻ biết giúp cha mẹ xếp hành lí và nhắc nhở cha mẹ những thứ có thể quên… Tóm lại, cho trẻ tham gia vào công việc lao động gia đình, nghe lời cha mẹ là những cách người Do Thái bồi dưỡng lòng hiếu thuận cho con.

Trẻ em Do Thái sở dĩ có thể tiếp nối phẩm chất tốt đẹp này là nhờ vào sự giáo dục của cha mẹ. Mặc dù, phương pháp giáo dục con của mỗi bậc cha mẹ Do Thái đều khác nhau nhưng quan niệm của họ là thống nhất. Vì thế, chúng ta có thể học tấm gương của cha mẹ Do Thái và dùng phương pháp của họ để giáo dục, bồi dưỡng con em mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.