Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái
Cha mẹ Do Thái: QUAN NIỆM GIÁO DỤC CỦA CHÚNG TÔI CÓ SỨC ẢNH HƯỞNG LỚN NHẤT – Con yêu, chúng ta vui vẻ chấp nhận con
Vào một ngày cuối tuần đẹp trời, nhà Albert Einstein có tổ chức một bữa tiệc. Hôm nay, vườn hoa sau nhà của Albert Einstein rất náo nhiệt, đám trẻ con không ngừng chạy qua chạy lại, đuổi theo những chú bướm đang bay lượn, chúng gọi nhau í ới. Ở phía xa có một cậu bé ngồi một mình cạnh vườn hoa, cậu nhìn đàn kiến dưới đất bò qua bò lại. Tiếng ồn ào bên ngoài dường như không ảnh hưởng tới cậu. Cậu bé đó chính là nhà vật lí học có ảnh hưởng lớn đến thế giới sau này – Albert Einstein.
Một người hàng xóm nhìn thấy Einstein liền nói với mẹ cậu: “Einstein đang làm gì vậy? Sao cậu bé không chơi cùng với lũ trẻ?”.
Người mẹ hiền từ nhìn con nói: “Nó đang nghĩ đấy”.
Người hàng xóm lo lắng hỏi: “Tôi thấy Einstein thường xuyên ngồi một mình, rất ít nói, hình như phát triển chậm hơn những đứa trẻ khác. Anh chị không thấy lo lắng sao?”.
Người mẹ quay đầu lại, mỉm cười nhìn người hàng xóm, nghiêm túc nói: “Con trai nhà chúng tôi rất bình thường, chỉ là nó khá trầm tính, đó là vì nó đang suy nghĩ. Có một ngày, nó sẽ trở thành một giáo sư nổi tiếng”.
Sự tin tưởng của bố mẹ với Einstein giúp cậu trưởng thành theo cách của mình, đồng thời trở thành nhà vật lí vĩ đại nhất thế giới.
Sự trưởng thành của Einstein nói với chúng ta rằng, mỗi đứa trẻ đều có đặc điểm riêng, có sở trường và cũng có sở đoản. Do vậy, cha mẹ cần hiểu và tin tưởng trẻ, dù trẻ là người bình thường hay là thiên tài, là hoàn mĩ hay khiếm khuyết. Cha mẹ đều cần tìm hiểu ưu điểm, sở trường của trẻ. Từ đó, cho trẻ nền giáo dục tốt, giúp trẻ thành tài. Cha mẹ Do Thái cho rằng, mỗi đứa trẻ đều có cá tính riêng, cha mẹ nên thuận theo tính cách đó mà bồi dưỡng, không nên chờ đợi trẻ trở thành thiên tài. Cha mẹ cần học cách khoan dung để nhìn nhận sự khác biệt ở mỗi đứa trẻ, chấp nhận tất cả con người trẻ.
Văn hóa Do Thái đã từng lưu truyền câu: “Nếu con của bạn có tài nghệ làm thợ bánh mì, thì đừng ép buộc con làm bác sĩ”. Vì thế, khi giáo dục con cái, đầu tiên, cha mẹ cần chấp nhận đặc trưng riêng của con. Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đã vô cùng đặc biệt. Chúng có một sức mạnh tiềm ẩn. Nếu cha mẹ bắt ép trẻ làm theo ý nguyện của mình, sẽ vô tình phá hoại sức mạnh tiềm ẩn ấy. Do đó, các bậc cha mẹ Do Thái đều tôn trọng tính cách độc lập và cá tính khác biệt của con, chấp nhận tất cả ưu khuyết điểm của con.
Người Do Thái cho rằng, giáo dục trẻ không phải là bồi dưỡng thiên tài, mà là để trẻ sống bằng chính con người mình. Mỗi đứa trẻ đều có thiên phú riêng, đều vô cùng đặc biệt. Vì vậy cha mẹ cần có phương pháp giáo dục thích hợp để trẻ phát huy tài năng tiềm ẩn của mình. Chúng ta có thể học cách người Do Thái dạy con về phương diện này như sau:
❃ Bày tỏ thái độ của mình với con
Trong gia đình Do Thái, cha mẹ thường xuyên thể hiện sự tin tưởng với trẻ. Cho dù trẻ đang trong tâm trạng như thế nào, cha mẹ đều đặt mình vào vị trí của trẻ để hiểu trẻ, chứ không đứng ở góc độ của mình để trách mắng trẻ. Cha mẹ Do Thái rất kiên nhẫn với con cái, thường dùng lời lẽ dễ hiểu để bày tỏ sự tin tưởng, hài lòng của mình với con qua những buổi trò chuyện, từ đó, giúp trẻ tăng thêm sự tự tin và phát huy được tiềm năng vốn có.
❃ Bình thản chấp nhận thất bại và khuyết điểm của con
Trong quan niệm của cha mẹ Do Thái, trẻ thất bại và phạm lỗi là điều bình thường. Trẻ chưa có đủ kinh nghiệm và khả năng tự ý thức và xử lý tình huống nên khó tránh khỏi thiếu sót và phạm lỗi. Khi đối diện với thất bại và lỗi lầm của con cái, cha mẹ Do Thái thường chọn thái độ khoan dung độ lượng với con, chấp nhận khuyết điểm và yếu kém của con, cổ vũ con tìm cách khắc phục. Họ hiểu rằng chỉ có bao dung và vị tha mới giúp trẻ giải tỏa được nỗi sợ hãi, xóa bỏ cảm giác phạm lỗi, giúp trẻ vượt qua thất bại và bước đến thành công.
❃ Chấp nhận không có nghĩa là dung túng
Cha mẹ chấp nhận sự khác biệt tính cách, ưu điểm, khuyết điểm của con cái không có nghĩa là dung túng cho trẻ. Trong quan niệm của người Do Thái, trẻ có thể phạm lỗi, làm sai, nhưng không thể làm những việc tổn hại đến bản thân và người khác. Cha mẹ có thái độ bình tĩnh chấp nhận những khuyết điểm của trẻ, nhưng khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ sẽ dùng những biện pháp giáo dục nghiêm khắc. Cách làm này của cha mẹ nói với trẻ rằng, cha mẹ luôn yêu thương, khoan dung với trẻ, nhưng cũng cần có nguyên tắc. Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ hành động đúng đắn.
Yêu trẻ chính là chấp nhận trẻ. Điều này sẽ mang lại cảm giác an toàn và tự tin cho trẻ, để trẻ có được sức mạnh to lớn. Ngoài ra, sự khẳng định của cha mẹ cũng giúp trẻ học cách chấp nhận người khác. Từ đó, giúp trẻ có một trái tim khoan dung, rộng lượng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.