Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái
Con hiểu, nguy hiểm và thành công tỉ lệ thuận với nhau
Cuối tuần, cậu bé Do Thái 9 tuổi – Brooks đang ngồi trước màn hình máy tính chơi trò “Phú ông trí tuệ”. Bỗng nhiên, cậu chạy ra phòng khách, nói với bố đang đọc báo: “Bố ơi, con muốn bố giúp con một việc, được không ạ?”.
“Được, con nói đi, việc gì vậy?”. Bố gấp tờ báo lại vui vẻ nói.
“Bố đi theo con ạ”. Brooks dẫn bố đến trước máy tính của mình, chỉ vào màn hình và nói: “Con muốn đầu tư một số tiền mua cổ phiếu sắt thép, bố có ý kiến gì không ạ?”.
Bố nhìn một lúc, rồi hỏi: “Con trai, tại sao con lại muốn đầu tư một số tiền lớn vào cổ phiếu sắt thép?”.
“Vì ba người chơi còn lại trong 15 phút đã nhanh chóng xây được nhà. Hơn nữa họ không có ý dừng lại, có thể họ muốn dùng phương pháp mua đất, xây nhà để đánh bại con, nhưng con nghĩ việc vội vã xây nhà như vậy có thể khiến cho giá sắt thép tiếp tục tăng mạnh. Vì thế con muốn mua cổ phiếu này”. Brooks trả lời.
“Con phân tích không tồi đâu, nhưng con trai à, con có nghĩ làm như vậy có mạo hiểm quá không?”. Bố tiếp tục hỏi.
“Đương nhiên con đã nghĩ rồi, nhưng bố luôn nói nguy hiểm và thành công luôn tỉ lệ thuận với nhau đấy thôi, con nghĩ mình nên thử xem sao”.
“Được, con đã nắm chắc như vậy, bố đương nhiên ủng hộ con”. Bố vỗ vai Brooks nói.
Thực tế đã chứng minh, phán đoán của Brooks là đúng sau khi cậu dùng “số tiền lớn” mua cổ phiếu sắt thép, giá cổ phiếu này tiếp tục tăng mạnh, Brooks cũng trở thành phú ông giàu nhất trong trò chơi “Phú ông trí tuệ”.
Người Do Thái từ trước tới nay luôn thích mạo hiểm. Trong việc buôn bán, các thương nhân có câu: “Chỉ cần đáng giá thì sẽ mạo hiểm”. Vì sự thành công và thất bại là không thể dự đoán được, nên họ cần có sự mạo hiểm nhất định. Hơn nữa, có rất nhiều nhân tố dẫn đến thành công mà con người không thể hoàn toàn nắm bắt được, chỉ có thể hiểu được một phần mà thôi. Bởi vậy, mạo hiểm luôn tồn tại khách quan, chỉ là nhiều hay ít mà thôi.
Việc kinh doanh cũng như vậy, chỉ có kinh doanh mạo hiểm, mới dễ dàng đạt được lợi nhuận cao. Do đó, cha mẹ Do Thái luôn giáo dục con cái cần đặc biệt họ coi trọng tinh thần mạo hiểm. Mục đích là để trẻ không cúi đầu trước khó khăn, dũng cảm thách thức. Đồng thời, họ cũng không dạy con tinh thần dũng cảm mù quáng. Qua một thời gian dài tìm tòi, họ đã nắm bắt được phương pháp rèn luyện tinh thần mạo hiểm cho con như sau:
❃ Truyền dạy cho trẻ quan niệm mạo hiểm đúng đắn từ nhỏ
Hành động mạo hiểm không phải là hành động vi phạm pháp luật, nó không làm tổn hại đến đạo đức xã hội, cũng không làm hại đến bản thân và người khác. Vì thế, cha mẹ Do Thái đặc biệt coi trọng truyền dạy tinh thần mạo hiểm cho con cái khi còn nhỏ, không dung túng những hành vi không đúng đắn của trẻ, cũng không tước đi ý thức sáng tạo và tinh thần khám phá của trẻ. Đặc biệt, cha mẹ luôn bảo vệ hứng thú, sở thích, cổ vũ và hướng dẫn trẻ học hỏi, tìm hiểu kiến thức hợp lí.
❃ Sắp xếp một số tình huống để kích thích tinh thần mạo hiểm của trẻ
Đối với trẻ, thế giới thật kỳ diệu, nhưng mức độ kỳ diệu mà trẻ cảm nhận rất khác so với người lớn, nhận thức của trẻ và người lớn đối với thế giới luôn ở hai tầng bậc khác nhau. Có những điều trong mắt trẻ thật mới mẻ, nhưng trong mắt người lớn lại vô cùng bình thường.
Với nhận thức trên, cha mẹ thường đặt mình vào vị trí của trẻ để giúp trẻ sắp xếp một số tình huống. Ví dụ, khi trẻ học đi và bị ngã, cha mẹ sẽ cố gắng cổ vũ trẻ tự đứng dậy và đi tiếp, chỉ khi trẻ ở trong tình trạng nguy hiểm mới giúp đỡ trẻ; Sau khi trẻ đi mẫu giáo, cha mẹ sẽ dẫn trẻ đến khu vui chơi, cổ vũ trẻ chơi cầu trượt, ngồi xích đu… Cuối cùng, theo sự lớn lên của trẻ, tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, điều kiện bản thân trẻ và môi trường, cha mẹ có thể cho trẻ tham gia leo núi, trượt băng, trượt pa-tanh… để rèn luyện phẩm chất kiên cường, kích thích tinh thần tìm tòi, ưa mạo hiểm của trẻ.
❃ Có sự hướng dẫn đúng đắn với những hành động mạo hiểm của trẻ
Trong cuộc sống hàng ngày, do trí tò mò, trẻ khó tránh khỏi có một số hành vi mạo hiểm như tháo gỡ đài, loa, điện thoại… Trong tình huống này, cha mẹ cần kiên nhẫn giảng giải cho trẻ, thậm chí có thể mua một số linh kiện khác dạy trẻ tháo lắp. Mục đích là để bảo vệ tinh thần mạo hiểm và hứng thú học hỏi của trẻ. Đương nhiên, đối với trẻ còn nhỏ có những hành động như rút phích cắm, ổ cắm… cha mẹ cần tỏ rõ thái độ nghiêm cấm, để trẻ hiểu những hành động ấy thật sự nguy hiểm.
Trong tác phẩm nổi tiếng “Talmud” đã nói: “Nguy hiểm thường tỉ lệ thuận với thành công”, cha mẹ cần nhớ rõ câu này, khi giáo dục tài chính cho trẻ, không quên kích thích một cách hợp lí tinh thần mạo hiểm của trẻ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.