Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Con muốn làm đứa trẻ lễ phép nhất



Marcia là một cậu bé 5 tuổi người Do Thái, cậu rất thích chạy đi chạy lại quanh nhà. Một hôm, trong lúc chạy đuổi theo quả bóng, không may cậu đụng vào bố đang ngồi uống nước, và kết quả là cốc nước đổ hết vào người bố. Nhưng Marcia không chú ý đến điều đó, vẫn tiếp tục đuổi theo quả bóng.

Lúc này, bố gọi cậu lại, chỉ vào bộ quần áo ướt trên người mình và hỏi: “Marcia, vừa nãy còn làm ướt quần áo của bố. Bây giờ con biết nên làm thế nào không?”.

Marcia nhìn thấy quần áo bố ướt, cúi đầu không dám nói. Bố cậu nhắc: “Vậy con còn nhớ bố kể cho con câu chuyện về Lê-nin không? Khi ông ấy đụng vào người khác đã làm như thế nào nhỉ?”. Marcia đỏ mặt nói: “Lê-nin khi đụng vào người khác đã xin lỗi họ ạ”.

Sau khi nghe cậu trả lời, bố xoa đầu cậu và nói: “Đúng vậy, Marcia, khi con đụng vào người khác, con cần biết xin lỗi. Chứ không phải là cúi đầu tỏ ra xấu hổ, đó là lễ nghi cơ bản nhất. Sau này con hãy nhớ nhé”.

Marcia nghe bố nói vậy gật đầu đáp: “Vâng, thưa bố, con sẽ ghi nhớ ạ. Con muốn là một cậu bé lễ phép như Lê-nin, như vậy sẽ rất nhiều người yêu mến con”.

Mọi người đều biết rằng, lễ phép là phẩm chất cần có trong mối quan hệ giao tiếp giữa người, giúp giảm những xung đột, mâu thuẫn và tạo mối quan hệ hài hòa giữa người với người. Trong quan niệm của người Do Thái, phẩm chất con người tốt hay xấu được quyết định bởi thành công của người đó cao hay thấp. Vì thế, cha mẹ đã dạy con từ nhỏ cần biết lễ phép. Giống như việc dạy trẻ yêu thích sách vở, tiếp thu kiến thức và trí tuệ, cha mẹ Do Thái luôn coi trọng bồi dưỡng phẩm chất đạo đức cho con cái. Từ nhỏ họ đã cổ vũ con trở thành một người cao thượng, lịch sự và chu đáo. Cha mẹ thường xuyên kể cho trẻ nghe những câu chuyện về những nhân vật nổi tiếng ở các nước với phẩm chất cao thượng, đồng thời cũng luôn dùng câu chuyện lễ phép của người Do Thái để cổ vũ con cái, bồi dưỡng phẩm chất cao đẹp cho trẻ.

Cha mẹ Do Thái thường kể cho trẻ nghe những câu chuyện về Lenin. Qua những câu chuyện kể về sự lễ phép của Lenin hồi nhỏ, cha mẹ để trẻ hiểu rằng, phẩm chất quyết định thành công của con người. Phương pháp và nội dung giáo dục trẻ lễ phép con cái của người Do Thái thường bao gồm những phương diện sau:

❃ Xây dựng tấm gương tốt cho con

Các bậc cha mẹ Do Thái biết rằng, hành vi của mình luôn là bài học sinh động và hiệu quả nhất cho con cái. Vì thế, họ rất chú ý đến hành động, lời nói của mình. Trong gia đình, họ không chỉ có cử chỉ lịch sự, ăn nói hòa nhã, không nói tục, nói bậy, mà còn kiên nhẫn sửa chữa những hành vi không lễ phép của mình. Thông qua sự ảnh hưởng ngầm, giúp trẻ hình thành thói quen lễ phép. Vì vậy, các bậc cha mẹ hãy thực hiện như cha mẹ người Do Thái, cần có ý thức tu dưỡng bản thân, làm thành tấm gương lễ phép cho con cái.

❃ Dạy trẻ biết chú ý đến phép tắc

Cha mẹ Do Thái rất chú ý đến phép tắc, họ giáo dục con cái dựa trên bốn phương diện: Dáng vẻ, cử chỉ hành động, sắc thái biểu cảm và ngôn ngữ. Qua sự giáo dục này, bồi dưỡng trẻ chú ý đến lễ nghĩa cá nhân và những phẩm chất tốt đẹp khi đối xử với người khác: Về hình dáng bề ngoài, cha mẹ yêu cầu con cái cần giữ cho mình luôn sạch sẽ, thường xuyên rửa tay, tắm gội, ăn mặc gọn gàng. Về hành động cử chỉ, họ yêu cầu con đứng thẳng, đi thẳng, đầu ngẩng cao, mang lại cho người khác cảm giác tràn đầy sức sống. Về ngôn ngữ: cần dùng lời nói lễ phép, thái độ thành khẩn, nói năng dứt khoát, lưu loát. Ngoài ra, họ còn dạy con cái biết giữ gìn trật tự công cộng, bảo vệ môi trường, tuân thủ luật lệ giao thông.

❃ Dạy trẻ lịch sự, lễ phép với khách

Người Do Thái rất thích giao tiếp với người khác, khi cha mẹ đón tiếp khách, họ cũng thường dạy con có thái độ lịch sự, lễ phép, trong đó bao gồm việc đón khách, trò chuyện, tiễn khách và đến làm khách cũng vậy, phải luôn lịch sự, lễ phép. Cha mẹ thường dạy trẻ khi đón tiếp khách cần dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, nói chuyện cởi mở, nho nhã, khi khách ra về cũng cần tiễn ra tận cửa. Nếu đến nhà người khác làm khách, ngoài việc tuân thủ các quy tắc trên, thì khi ra về cần bày tỏ sự cảm ơn chân thành của mình với chủ nhà. Tóm lại, cha mẹ Do Thái rất kiên nhẫn hướng dẫn cho trẻ từng bước học cách đón tiếp khách, đồng thời cũng kịp thời cổ vũ, khen ngợi trẻ nếu trẻ biết lắng nghe và tiếp thu.

❃ Bồi dưỡng lòng tự tôn cho trẻ

Lễ phép là biểu hiện cử chỉ bên ngoài, nhưng nó phản ánh sự tu dưỡng phẩm chất đạo đức bên trong của con người. Người có lòng tự trọng sẽ có ý thức bảo vệ sự tôn nghiêm và để ý đến cảm nhận của người khác, từ đó mới hình thành cử chỉ lễ phép và phẩm chất đạo đức tốt đẹp thể hiện từ trong ra ngoài.

Vì thế, cha mẹ Do Thái luôn có ý thức tôn trọng con cái, bồi dưỡng lòng tự trọng cho con.

Phẩm chất cao thượng sẽ giúp trẻ gặt hái được thành công ngay. Muốn bồi dưỡng phẩm chất này, cha mẹ cần dạy trẻ lễ nghĩa từ nhỏ. Khi dạy con lễ phép, cha mẹ Do Thái cũng thường học hỏi phương pháp giáo dục các vĩ nhân qua các câu chuyện danh nhân, thiết nghĩ đó cũng là điểm đáng để các bậc cha mẹ khác học theo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.