Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái
Dù còn nhỏ, nhưng con đã có tinh thần đoàn kết
Đi học về, cậu bé Manu vui vẻ nói với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay cô giáo dạy chúng con thế nào là tinh thần đoàn kết đấy”.
Mẹ đang quét dọn trong phòng khách, quay đầu nhìn con trai, mỉm cười nói: “Ồ, vậy con đã học được gì?”.
Manu chạy đến trước mặt mẹ, vội vàng nói: “Cô giáo kể cho chúng con nghe về câu chuyện của đàn ong mật. Mẹ ơi, mẹ biết không? Có con ong chuyên hút mật, có con ong chuyên làm nhiệm vụ trông coi các con ong khác, chúng có những nhiệm vụ khác nhau và cùng bảo vệ gia đình lớn. Hóa ra, đàn ong cũng thông minh thật đấy”.
Mẹ nhìn bộ dạng lắc lư ngộ nghĩnh của con trai, không nhịn được cười hỏi:
“Vậy con nghĩ là con thông minh hay là đàn ong thông minh?”.
Cậu bé Manu nghiêm túc nghĩ ngợi một lát rồi nói với mẹ: “Con nghĩ con cũng thông minh giống đàn ong, vì con cũng có tinh thần đoàn kết”.
Nói xong, cậu đặt cặp sách xuống, cầm cây chổi giúp mẹ quét nhà, vừa quét vừa nói: “Mẹ ơi, con quét nhà, mẹ lau nhà, mẹ con mình cùng nhau làm việc nhé”.
Mẹ nhìn cậu con trai, vui sướng mỉm cười.
Ví dụ trên cho thấy, dù ở trường học hay ở nhà, dân tộc Do Thái đều rất coi trọng việc giáo dục tinh thần đoàn kết cho trẻ. Họ cho rằng, đoàn kết mang lại cho con người sức mạnh, giúp con người thành công. Do Thái là dân tộc có tinh thần hợp tác đoàn kết nhất trên thế giới. Tác phẩm kinh điển “Talmud” chính là thành quả sáng tạo tập thể của họ. Khi đất nước Israel được khôi phục, ngoài người dân Israel, những người Do Thái trên khắp thế giới đã quyên góp được một lượng tiền mặt vô cùng lớn để phục hưng đất nước. Chính bởi ý thức hợp tác đoàn kết và tinh thần chủ nghĩa tập thể mà trải qua bao nhiêu khó khăn, bị truy sát bức hại, nhưng người Do Thái vẫn ngoan cường sống, chiến đấu và sinh tồn đến tận ngày nay.
“Talmud” dạy họ rằng: “Cần thường xuyên đứng ở góc độ ảnh hưởng tới toàn dân tộc để cân nhắc từng lời nói hành động của mình”. Vì thế, khi người Do Thái chuộc tội, họ không nói “tôi”, mà luôn nói “chúng tôi”, cho dù một người phạm tội, mọi người cũng cho rằng đó là lỗi của tập thể. Nếu một người nào đó phạm tội trộm cắp, những người khác đều cảm thấy hối lỗi và nghĩ rằng “Vì mình chưa thật sự nhân từ, lương thiện, nên anh ta mới phải trộm cắp”. Ý thức tập thể và tinh thần đoàn kết mạnh mẽ của người Do Thái đã giúp họ thận trọng hơn trong lời nói và việc làm. Họ luôn chú ý đến hành động, ngôn ngữ của mình, đồng thời họ cũng quan tâm đến người xung quanh, cùng nhau duy trì sự phồn vinh của dân tộc.
Nhiều dân tộc khác trên thế giới vô cùng tò mò, không hiểu được tại sao người Do Thái lại có một tinh thần tập thể và ý thức đoàn kết, hợp tác cao độ đến như thế. Người Do Thái đã trả lời rằng: “Chúng tôi tự mình không đoàn kết giúp đỡ nhau, còn dám hi vọng người khác giúp đỡ chúng tôi? Nếu chúng tôi không đoàn kết, thì làm sao có thể tồn tại sau nhiều nguy nan và bức hại như vậy?”. Cha mẹ Do Thái đã dạy con cái khi chúng còn rất nhỏ rằng, cần học cách đoàn kết với người khác, vì đoàn kết chính là sức mạnh. Họ hiểu được sự hợp tác tương trợ lẫn nhau mới có thể tạo nên sức mạnh to lớn. Giúp con người khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống. Cha mẹ Do Thái đã bồi dưỡng con cái họ tinh thần đoàn kết từ những phương diện sau:
❃ Bồi dưỡng tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cho trẻ
Cha mẹ Do Thái rất coi trọng việc bồi dưỡng tinh thần hợp tác, đoàn kết, loại bỏ tâm lí cô lập cho trẻ từ nhỏ. Bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm và ý thức tập thể cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng trong việc dạy con của người Do Thái. Họ dạy con cần sống chan hòa với thầy cô, bạn bè, chăm chỉ trực nhật, giúp đỡ những bạn bè gặp khó khăn… Đối với một số trẻ thích sống cô lập, trước tiên cha mẹ sẽ loại bỏ cảm giác xa cách để trẻ hòa nhập với mọi người, sau đó từng bước bồi dưỡng tinh thần đoàn kết cho trẻ.
❃ Bồi dưỡng tinh thần hợp tác, đoàn kết cho trẻ
Cha mẹ cùng trẻ chơi một số trò chơi để bồi dưỡng tinh thần hợp tác, đoàn kết cho trẻ. Bởi vì trò chơi là niềm yêu thích của trẻ nên việc dùng chúng để bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, hợp tác cho trẻ sẽ đạt được hiệu quả giáo dục tốt. Cha mẹ có thể chọn những trò chơi nhấn mạnh sự đoàn kết của một đội. Trong quá trình chơi, cha mẹ để trẻ thấy được lợi ích của sự đoàn kết, hợp tác. Ngoài ra, cha mẹ có thể kể cho trẻ nghe một vài câu chuyện về tinh thần đoàn kết của đoàn đội, để trẻ nhận biết được vai trò quan trọng của tinh thần hợp tác.
Từ lịch sử phát triển của người Do Thái, có thể thấy tầm quan trọng của sự hợp tác, đoàn kết. Xã hội tương lai là một xã hội cạnh tranh khốc liệt, chúng ta cần trau dồi tinh thần hợp tác đoàn kết mới có cơ hội đạt được thành công. Vì thế cha mẹ cần chú trọng bồi dưỡng tinh thần hợp tác, đoàn kết cho con cái mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.