Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái
Giỏi lắm! Chiếc ghế con làm rất đẹp!
Bố của Morris là một thợ mộc giỏi, vì muốn con cái sau này cũng là một người thợ giỏi, ông không ngừng truyền dạy kiến thức cho con. Hôm đó, ông dạy các con làm một chiếc ghế nhỏ. Morris và các anh chị cùng nhau nghe bố giảng các bước và kĩ năng làm ghế. Sau khi giảng xong, bố yêu cầu mỗi người làm một chiếc ghế nhỏ.
Morris dựa vào lời giảng của bố, bắt đầu chăm chú làm ghế. Nhưng vài tiếng trôi qua, chiếc ghế của cậu không được trơn mịn bằng phẳng như của chị, cũng không chắc chắn như của anh. Nhìn chiếc ghế thô kệch, xấu xí của mình, Morris buồn bã.
Sau khi chứng kiến tất cả, bố bước đến trước mặt Morris, vỗ vai con và nói: “Con trai, giỏi lắm! Chiếc ghế của con rất đẹp. Khi bằng tuổi con bây giờ, chưa bao giờ bố làm được chiếc ghế đẹp như thế này. Mặc dù có một chiếc đinh ở chân ghế hơi bẹt, nhưng mỗi chiếc đinh trên chiếc ghế đều rất chắc chắn và sẽ không làm rách quần áo của người ngồi nó. Bố tin, lần sau cón sẽ làm chiếc ghế đẹp hơn. Có phải không, Morris?”. Morris ngẩng đầu lên nhìn bố, mắt ướt lệ trong lòng đầy cảm kích.
Trong gia đình Do Thái, cha mẹ dạy con chủ yếu bằng phương pháp cổ vũ, chứ không phải là trách móc hay gây khó khăn cho trẻ. Từ đó, tôi luyện sự tự tin và giúp trẻ cố gắng. Trẻ con cũng giống như người lớn đều hi vọng hành động của mình được người khác chấp nhận. Vì thế, phương pháp quan trọng nhất mà các bậc cha mẹ Do Thái dạy con chính là cổ vũ trẻ. Các bậc cha mẹ cần ghi nhớ đừng tiết kiệm lời khen và sự cổ vũ của mình, cần khích lệ và ủng hộ con nhiều hơn để trẻ phát huy tiềm năng, từ đó đạt được nhiều thành công.
Là một người cha, học giả người Do Thái – Jussi Mont cho rằng, sự tín nhiệm và cổ vũ của cha mẹ đối với con cái chính là thái độ khoan dung của cha mẹ với trẻ. Biểu hiện sự khoan dung này lại tạo cho trẻ nhiều cơ hội khi trẻ mắc lỗi. Nhiều vĩ nhân khi còn nhỏ, không biểu hiện xuất sắc như khi họ trưởng thành. Nhưng trong quá trình trưởng thành, vì có sự gợi ý và hướng dẫn đúng đắn của cha mẹ họ đã phát triển tối đa khả năng của mình. Được sự cổ vũ của cha mẹ, tài năng của họ mới dần dần được phát huy và cuối cùng giành được thành tích đáng ngưỡng mộ. Giống như Albert Einstein khi còn nhỏ nói năng chậm chạp, thậm chí thầy giáo của ông nói nói rằng “Tương lai chắc chắn sẽ chẳng làm được việc gì”. Nhưng cha của Albert Einstein luôn cổ vũ con trai, dẫn con đi gặp các học giả, mở rộng tầm hiểu biết cho con. Cuối cùng, được sự cổ vũ của cha, Albert Einstein đã có được tự tin, cố gắng phấn đấu và đưa ra “Thuyết tương đối” chấn động thế giới. Bởi vậy, cha mẹ cần học cách cổ vũ, khen ngợi, để con cảm nhận được sự ủng hộ của cha mẹ, từ đó tăng thêm tự tin.
Trong cuộc sống, chúng ta gặp nhiều trường hợp như vậy. Có bậc cha mẹ thấy con không có biểu hiện tốt, luôn tỏ ra thất vọng. Cách làm này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tự tin của con, khiến con tự ti trong học tập, thậm chí tư duy máy móc, phản ứng chậm chạp. Edison đã từng nói: “Thiên tài là sự cố gắng cộng với thử sức”. Sự khác biệt trí tuệ của một đứa trẻ thiên tài và một đứa trẻ bình thường không nhiều, nhưng chỉ cần bọn trẻ dũng cảm thử sức và cố gắng, chúng sẽ dần bước đến ngưỡng cửa thiên tài. Do vậy, cha mẹ cần bồi dưỡng trẻ dũng cảm thử sức và có niềm tin chiến thắng. Niềm tin này được khởi nguồn từ sự cổ vũ, khen ngợi không ngừng của cha mẹ. Trong gia đình Do Thái, cha mẹ đã cổ vũ con cái từ hai phương diện sau:
❃ Dùng lời nói cổ vũ khích lệ sự tự tin thành công của trẻ
Người Do Thái tin tưởng rằng: Niềm tin của bạn lớn mạnh bao nhiêu thì sức mạnh bạn thể hiện nhiều bấy nhiêu. Khi bạn có đủ niềm tin mạnh mẽ thay đổi vận mệnh của mình, tất cả khó khăn, thất bại, cản trở sẽ nhường đường cho sự thành công của bạn. Vì thế cha mẹ Do Thái không bao giờ nói với con: “Con không làm được đâu”, mà luôn nói với con “Con chắc chắn sẽ làm tốt!”, “Con giỏi lắm!”… để kích thích trẻ thể hiện tài năng và phát huy ưu thế, khai thác tiềm năng và sức mạnh tiềm ẩn của trẻ.
❃ Cho phép trẻ phạm sai lầm
Khi làm một việc gì đó, trẻ rất khó tránh khỏi phạm lỗi, thất bại. Trong trường hợp này, cha mẹ cần nhẫn nại giúp trẻ phân tích nguyên nhân thất bại, dạy cho trẻ kĩ năng làm việc, để trẻ ý thức được rằng, thất bại đó chỉ là hòn sỏi bé nhỏ trên đường đời mà ai cũng sẽ gặp phải. Cha mẹ Do Thái thường cổ vũ trẻ dũng cảm nhận lỗi, dũng cảm đối mặt với thất bại, từ đó đúc rút kinh nghiệm quý báu, bồi dưỡng sự tự tôn và tự tin cho trẻ. Cha mẹ Do Thái coi việc dũng cảm phạm lỗi của trẻ là cách để tiếp cận sự thành công. Điều cần làm của cha mẹ là kịp thời cổ vũ trẻ, không để trẻ mất tự tin.
Trong “Kinh Thánh Do Thái” nói rằng: “Là cha mẹ thì bất cứ lúc nào cũng không mất đi niềm tin và hi vọng vào con cái, đặc biệt là khi con cái gặp khó khăn”. Vì thế, mỗi bậc cha mẹ đều cần biết phát hiện tài năng của con, cổ vũ con phát huy tiềm năng đó. Ngoài ra, đối với những việc mà trẻ thích làm, cha mẹ cần cổ vũ con làm tốt, bồi dưỡng tự tin cho con, khích lệ sự sáng tạo và tìm tòi của trẻ trong cuộc sống, để con trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.