Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái
Học tri thức không bao giờ là muộn
Cậu bé Frank 12 tuổi rất ham chơi. Mỗi lần tan học về nhà, cậu không xem ti vi thì chơi trò chơi, chẳng có chút tinh thần ham học nào. Hôm đó, mẹ quyết định nói chuyện với Frank. Mẹ đến bên và hỏi: “Frank, sao con lại không thích học? Đó không phải là thói quen tốt đâu”.
“Mẹ ơi, học hành là việc của các cậu bé, bây giờ con đã lớn rồi, con không cần học nữa, mà con cũng chẳng có thời gian học, con bận lắm”. Frank trả lời.
“Frank, hôm nay mẹ phải nói với con, suy nghĩ này của con thật đáng sợ. Lẽ nào con quên câu chuyện của học giả người Do Thái – Chtel rồi sao? Ông ấy nghèo khổ, già cả điều kiện thiếu thốn như vậy mà vẫn miệt mài học tập? Lẽ nào con già hơn Chtel? Lẽ nào con không có thời gian học tập như Chtel?”. Mẹ của Frank hỏi lại.
Frank nghĩ ngợi một lát, sau đó trả lời chắc chắn: “Con xin lỗi đã để mẹ phải lo lắng. Bây giờ con biết mình nên làm thế nào rồi ạ”. Nói xong, Frank cầm sách vở ngồi vào bàn nghiêm túc học bài.
Trong ví dụ trên, ý mẹ Frank rất rõ ràng, một người cho dù nghèo khổ, già cả thế nào, không có thời gian ra sao vẫn nên biết rằng học tri thức không bao giờ là muộn. Đúng vậy, người Do Thái rất chú trọng học tri thức, rất nhiều người Do Thái đều coi danh ngôn của Seqier làm lời răn dạy bản thân, kích thích bản thân và cổ vũ người khác chăm chỉ học hành “Lúc này không học, bao giờ mới học?”.
Trong văn hóa của người Do Thái, người Do Thái sở dĩ coi trọng tri thức như vậy là vì họ cho rằng, tri thức có thể nâng cao trí tuệ nhân loại, học tập có thể giúp con người không ngừng tiến gần đến sự hoàn mỹ. Đồng thời, trong thời gian dài bị các dân tộc khác đàn áp, người Do Thái phải lang thang khắp nơi, họ càng có điều kiện thể nghiệm sự quan trọng của tri thức. Không có nơi cư trú cố định, họ không có được sự bảo đảm điều kiện sinh tồn và phát triển, chỉ có thể dựa vào tri thức và trí tuệ của mình để đổi lấy tiền bạc và địa vị, từ đó khẳng định vị trí của mình. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, người Do Thái đều đặt tri thức và trí tuệ lên hàng đầu, với họ, sách vở là nguồn dinh dưỡng của tiền bạc và sự sống.
Đặc biệt, dân tộc Do Thái còn là một dân tộc hiểu được tầm quan trọng của truyền thống, họ sẽ tổng hợp và lựa chọn những tinh hoa tri thức của thế hệ mình và các thế hệ đi trước để truyền thụ cho thế hệ sau biết tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm của cha ông. Đó là lí do vì sao người Do Thái ngày nay vẫn yêu tri thức và tôn sùng trí tuệ như vậy. Dưới đây, chúng ta hãy xem cha mẹ Do Thái đã dùng những biện pháp nào để dạy con cái biết rằng “học tri thức không bao giờ là muộn” nhé.
❃ Ham học hỏi bắt đầu từ việc ham đọc sách
Trong tập tục của người Do Thái có quy định như sau: Một người khi gặp phải khó khăn, muốn bán của cải để duy trì cuộc sống, đầu tiên cần nghĩ đến việc bán vàng bạc, châu báu, sau đó đến đất đai, nhà cửa, cuối cùng mới là sách vở, vì sách vở là thứ không thể bán được. Có thể thấy, sách vở có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Do Thái.
Đương nhiên, tình yêu đối với sách vở không thể được bồi dưỡng một sớm một chiều. Nó phải là sự giáo dục liên tục từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác của cha mẹ với con cái. Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ Do Thái luôn tôn trọng và yêu quý sách vở. Họ mua cho con các loại sách báo để kích thích hứng thú đọc sách của con, cùng con đọc sách để trẻ luôn luôn có cơ hội học hỏi kiến thức và thấy được giá trị của sách vở. Từ đó, trẻ sẽ yêu quý sách vở và ham học hỏi hơn.
❃ Dù giàu hay nghèo cũng cần phải học tri thức
Trong văn hóa người Do Thái, học tập không chỉ không phân biệt sớm muộn mà còn không phân biệt thân phận. Đầu thế kỷ XII, nhà triết học nổi tiếng người Do Thái – Maimonides đã nói: “Bất cứ người Do Thái nào, dù là trẻ hay già, khỏe mạnh hay ốm yếu, đều cần nghiên cứu “Latuo”. Thậm chí, một người ăn mày cũng cần nghiên cứu, học tập nó ngày đêm”. Dân tộc Israel ngày nay cũng như vậy, cho dù người giàu hay người nghèo cũng đều cố gắng tích lũy tri thức. Họ thường xuyên tự cổ vũ bản thân mình từ câu nói nổi tiếng trong cuốn Talmud “Một người không có tri thức, thì anh ta còn có cái gì? Một người có tri thức, thì anh ta còn thiếu cái gì?”.
Trong gia đình người Do Thái, cha mẹ cho con cái đọc một số tác phẩm kinh điển của dân tộc họ. Chẳng hạn, mỗi trẻ em Do Thái đều phải đọc thuộc kinh
“Cựu Ước”, sau đó đọc và nghiên cứu “Talmud”. Những cuốn sách cổ giàu trí tuệ này không chỉ giúp người Do Thái thoát khỏi sự mê muội và tầm thường, mà còn giúp họ dùng kiến thức thay đổi vận mệnh của mình.
Labi – một người Do Thái đã từng nói: “Trong vườn cây giáo dục, không có cây kết quả sớm, cũng không có cây kết quả muộn, chỉ có cây không ngừng mở rộng trí tuệ và tư tưởng”. Quả thật, học tập không có sớm muộn, không phân biệt thân phận, mỗi người có chí đều nên chăm chỉ, đọc sách học hỏi tri thức. Cho nên, các bậc phụ huynh đều phải rèn cho con thói quen yêu tri thức, thích học tập từ nhỏ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.