Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Quan niệm lui lại thời gian hưởng thụ



Trong một lớp học, trên bàn của cô giáo để một gói kẹo to. Cô giáo trẻ tuổi chỉ vào gói kẹo và nói với các học sinh: “Số kẹo này đều là của các em. Nhưng hôm nay cô không phát hết số kẹo đó cho mỗi em, mỗi ngày cô chỉ phát tặng cho các em một cái, và bắt đầu từ ngày hôm sau, khi đến lớp, bạn nào có bao nhiêu kẹo thì cô sẽ phát thêm cho bạn đó số kẹo bằng như thế. Nếu bạn không có chiếc kẹo nào, cô cũng không cho bạn đó kẹo, các em hiểu chưa?”. Lũ trẻ gật đầu.

Nói xong, cô giáo bắt đầu đi phát kẹo cho từng học sinh. Có bạn vội vã bóc kẹo, định ăn nhưng chợt dừng lại vì nghĩ đến lời của cô. Ngày đầu tiên, lũ trẻ không ăn hết kẹo. Ngày hôm sau, cô giáo khen ngợi chúng, đồng thời phát cho mỗi em học sinh một chiếc nữa. Ngày thứ ba, khi nhìn vào tay của các em, cô giáo đã thấy số lượng kẹo của mỗi em khác nhau, đa số trong tay của các bạn có hai chiếc kẹo, nhưng cũng có một số em chỉ còn một chiếc. Theo quy định, cô phát 2 chiếc kẹo cho em còn 2 chiếc kẹo và phát 1 chiếc cho em chỉ còn 1 chiếc kẹo.

Mấy ngày sau đó, số lượng kẹo trong tay các em đã có sự khác biệt lớn. Mỗi ngày, cô vẫn tuân theo quy tắc phát kẹo ban đầu. Một tuần trôi qua, khi cô giáo kiểm tra số lượng kẹo trong tay các em, những em dân tộc Do Thái đều giữ kẹo lại, chẳng ăn chiếc nào. Còn kẹo của các bạn nhỏ khác đều có số lượng khác nhau. Cuối cùng, cô giáo khen ngợi các bạn nhỏ vẫn giữ được số kẹo như ban đầu. Đó là những bạn có lòng kiên nhẫn và nghị lực lớn.

Trong gia đình Do Thái, lui lại thời gian hưởng thụ là điều quan trọng khi cha mẹ giáo dục con cái. Lui lại hưởng thụ là lựa chọn thời gian thỏa mãn của bản thân một cách hợp lí, để có được kết quả tốt hơn và sự hưởng thụ lớn hơn.

Giống như những đứa trẻ Do Thái trong ví dụ trên, chúng tạm thời chịu đựng cơn thèm ăn kẹo của mình, để sau đó có nhiều kẹo hơn. Kéo lui thời gian hưởng thụ là quan niệm đúng đắn của người Do Thái khi dạy con, cũng là bí mật lớn nhất để người Do Thái gặt hái được thành công.

Người Do Thái thường xuyên giáo dục trẻ kéo lui thời gian hưởng thụ. Cha mẹ luôn nói với con rằng, nếu con thích chơi, con cần tự sắp xếp thời gian để chơi, chỉ cần con đạt được thành tích học tập xuất sắc. Sau khi con đã lớn, tìm được công việc tốt, kiếm được nhiều tiền, con sẽ có thời gian tự do, lúc đó có thể chơi được. Nếu con làm ngược lại quá trình này, từ nhỏ đã chơi bời, con sẽ không học tốt, và con chỉ có thể nhận được một công việc bình thường, không kiếm được nhiều tiền và có ít thời gian tự do, thậm chí không có thời gian rảnh rỗi. Như vậy, con phải làm việc nỗ lực cả đời, không có thời gian nghỉ ngơi, không có niềm vui, không thể chơi bời. Đó là thái độ và cách nghĩ cơ bản khi muốn kéo dài sự hưởng thụ của người Do Thái.

Quan niệm lui hưởng thụ của người Do Thái giúp trẻ từ nhỏ đã học cách nhẫn nại. Những thứ mà con người muốn có không phải với tay là có được, mà đều cần chăm chỉ, cố gắng trong một thời gian dài. Kéo lui thời gian hưởng thụ có thể giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn và khả năng chịu áp lực tâm lý. Từ đó, giúp trẻ tôi luyện phẩm chất kiên cường vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Điều này vô cùng quan trọng đối với sự thành công sau này của trẻ. Nhiều người Do Thái đã thành công đều lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, điều này hẳn phụ thuộc vào sự giáo dục của cha mẹ Do Thái đối với trẻ. Cách giáo dục này bao gồm hai phương diện.

❃ Nắm bắt thời gian hợp lí

Từ nhỏ, cha mẹ Do Thái đã có ý thức dạy trẻ biết kéo lui thời gian hưởng thụ. Khi được 2 tuổi, trẻ đã bắt đầu có ý thức, trẻ có thể nghe hiểu từ “đợi”, cha mẹ cũng có ý thức để trẻ trải nghiệm hàm nghĩa của việc kéo dài thời gian đáp ứng nhu cầu của trẻ. Thông thường, nhanh nhất là vài phút, lâu nhất là quá hai ngày. Khả năng tri giác của trẻ 3 tuổi từng bước phát triển, lúc này, cha mẹ cần kéo dài một cách thích hợp thời gian khi thỏa mãn nhu cầu của trẻ. Khi trẻ càng lớn, thời gian cha mẹ kéo dài việc đáp ứng nhu cầu của trẻ càng lâu. Nhưng khi còn nhỏ, lúc cha mẹ kéo dài việc đáp ứng nhu cầu của trẻ, cần nghiêm túc nói với trẻ lí do, giảng giải cho trẻ hiểu, đến khi trẻ chấp nhận mới thôi.

❃ Bình tĩnh đối xử với trẻ

Khi trẻ vừa tiếp nhận cách giáo dục kéo lui thời gian hưởng thụ, có trẻ sẽ gào khóc vì yêu cầu của mình không thể đáp ứng ngay, lúc này cha mẹ Do Thái sẽ bình tĩnh và kiên nhẫn giáo dục trẻ. Thời gian kéo dài này đòi hỏi trẻ có tâm lí ổn định. Nhưng nếu trẻ còn nhỏ, chưa có khả năng này, cha mẹ có thể giám sát trẻ, giúp trẻ chờ đợi thời gian. Khi trẻ lớn một chút, cha mẹ để trẻ tự giám sát mình, tự rèn luyện sự nhẫn nại. Khi trẻ đã biết kiên nhẫn chờ đợi, cha mẹ nên kịp thời khen ngợi, để trẻ cảm nhận được tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ.

Kéo lui thời gian hưởng thụ là một trong những biện pháp quan trọng mà cha mẹ Do Thái dạy con cái. Qua cách giáo dục cha mẹ đã bồi dưỡng cho trẻ nghị lực và ý chí giúp trẻ bình tĩnh, dũng cảm khi gặp phải khó khăn trong cuộc sống, từ đó phát huy tốt nhất ưu điểm của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.