Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái
Trẻ em Do Thái: THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI KHÁC LÀ NGUYÊN TẮC XỬ THẾ CỦA CON – Con sẽ đối đãi với “hàng xóm” như với chính bản thân mình
Trong công viên, cô bé Vernon đang ngồi trên chiếc ghế dài ăn những chiếc bánh rán mà mẹ làm cho, lúc đó cũng có một cậu bé bước đến và ngồi cạnh bé.
“Chào bạn, mình tên là Edmon”. Cậu bé chủ động chào hỏi.
“Chào bạn, mình là Vernon”. Cô bé trả lời, sau đó cầm một chiếc bánh giơ trước mặt Edmon và hỏi khẽ: “Bạn muốn ăn không?”. Edmon nói cảm ơn rồi cầm chiếc bánh ăn.
“Bố mẹ bạn đâu?”. Vernon cũng cầm một chiếc bánh lên, vừa ăn vừa hỏi Edmon.
“Ở kia, bố mẹ mình đang mua đồ, mình ở đây đợi họ”. Edmon ngẩng đầu lên nhìn về phía bố mẹ. Sau đó nói với Vernon: “Chiếc bánh này thật là ngon”.
“Đây là bánh mà mẹ mình tự làm đấy”. Vernon vui vẻ nói.
Lúc này, Edmon đã ăn hết chiếc bánh, Vernon lại lấy một chiếc bánh nữa đưa cho Edmon. Edmon cảm kích nói: “Cảm ơn bạn, bạn thật là tốt với mình”. Cô bé Vernon đáp: “Đây là điều mình nên làm. Mẹ mình thường nói, đối xử với “hàng xóm” cũng cần tốt như đối xử với bản thân mình”.
Cha mẹ Do Thái thường nói với con cái của mình rằng, cần yêu “hàng xóm” như yêu bản thân mình. “Hàng xóm” ở đây là tất cả những người xung quanh. Trong suy nghĩ của người Do Thái, con người có cùng tổ tiên, tất cả mọi người đều nên yêu thương nhau. Vua dầu mỏ Mỹ – Rockefeller đã làm từ thiện cả đời mình, ông đã giúp đỡ rất nhiều người khó khăn. Ông thường nói với con cháu mình: “Tất cả mọi người đều là “hàng xóm” của các con, các con cần cố gắng là một người “hàng xóm” tốt, yêu người khác như yêu bản thân mình”. Trong suy nghĩ của người Do Thái, yêu thương những người xung quanh đã trở thành một phần rất quan trọng trong cuộc sống.
Cha mẹ Do Thái thường dùng câu chuyện của Rockefeller để giáo dục con cái cần biết yêu thương mọi người vô điều kiện. Mỗi người đều nên học cách yêu người khác như yêu bản thân mình để có tinh thần cống hiến vô tư. Người Do Thái sở dĩ có thể yêu thương người khác chân thành như vậy là vì trước đây họ từng đã bị truy đuổi và bức hại, tình yêu thương lẫn nhau giữa những con người phải sống lang bạt đã khiến họ có sức sống phi thường, từ đó phục hưng được dân tộc. Vì thế, người Do Thái rất coi trọng truyền thống này và truyền đạt lại cho con cái ngay từ nhỏ.
Một người biết yêu thương người khác chân thành, mới nhận được sự tôn trọng và yêu mến của mọi người, đồng thời cuộc sống của người đó cũng trở nên phong phú và thiết thực hơn. Bởi vậy cha mẹ Do Thái bồi dưỡng cho con phẩm chất biết yêu thương, để trong quá trình trưởng thành sau này trẻ có tấm lòng khoan dung, bác ái. Người Do Thái dạy con cái yêu thương người khác theo những cách sau:
❃ Tạo thêm cơ hội cho trẻ giao lưu với người khác
Người Do Thái rất coi trọng sự giao lưu giữa những người xung quanh. Ngày nghỉ, họ thường mời bạn bè, hàng xóm đến nhà chơi, nhằm tăng cường giao lưu tình cảm. Trong không khí ấm áp, náo nhiệt đó, trẻ em được tiếp xúc với nhiều người, cảm nhận được tình cảm của hàng xóm và người thân. Ngoài ra, cha mẹ Do Thái cũng nghiêm túc giáo dục trẻ, ai cũng là người thân của mình, họ được Thượng Đế tạo ra, vì thế cần yêu quý lẫn nhau. Đồng thời, khi được sống trong môi trường đoàn kết hòa thuận đó, trẻ sẽ biết yêu thương người khác. Vì thế, tạo cho trẻ môi trường sống hài hòa, ấm áp với người thân, bạn bè, hàng xóm, sẽ có ảnh hưởng tích cực đến sự nhiệt tình và tình yêu thương ở trẻ.
❃ Ai cũng là người quan trọng
Từ nhỏ, cha mẹ Do Thái đã dạy con tin tưởng rằng: Ai cũng là người quan trọng, khi bạn nghĩ rằng suy nghĩ của mình rất quan trọng, thì người khác cũng cho rằng suy nghĩ của họ cũng quan trọng như vậy. Vì thế cần học cách suy nghĩ cho người khác. Cha mẹ thường xuyên kể cho trẻ nghe một số câu chuyện trong sách vở, dạy trẻ biết tôn trọng, yêu thương người khác, đứng ở góc độ của người khác để suy nghĩ, đối xử với mọi người như với một người quan trọng. Ngoài ra, cha mẹ còn giúp trẻ học cách quan sát và cảm nhận niềm vui, nỗi buồn của người khác, biết cổ vũ và an ủi mọi người kịp thời.
❃ Đối xử khoan dung với người khác
Khi ai đó phạm lỗi, chúng ta cần có thái độ khoan dung với họ. Trẻ còn nhỏ nên thường xuyên phạm phải lỗi, cha mẹ Do Thái sẽ kiên nhẫn lắng nghe trẻ giải thích, tìm ra nguyên nhân mắc lỗi của trẻ. Sau đó có biện pháp giúp trẻ sửa chữa, dạy trẻ những kĩ năng làm việc đúng đắn. Rất ít cha mẹ Do Thái trách mắng, quát tháo khi trẻ phạm lỗi, vì họ hiểu rằng đối xử đúng đắn với con cái sẽ giúp trẻ có thái độ hòa nhã, thân thiện, giúp trẻ học cách khoan dung, độ lượng.
Tình yêu là tình cảm giữa hai bên, khi bạn vô tư yêu quý ai đó, bạn cũng sẽ nhận được sự yêu quý của người khác. Cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng tình cảm yêu thương, tinh thần bác ái, nhân văn cho trẻ, để sau này trẻ lớn lên dùng tình yêu của mình giúp đỡ và khoan dung với mọi người.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.