Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Trẻ em Do Thái: TÔN THỜ TRÍ TUỆ LÀ TÍN NGƯỠNG ĐỜI CON – Nhà cháy rồi, con cần mang theo trí tuệ



Una là một bé gái Do Thái xinh xắn, năm nay Una 5 tuổi.

Một hôm, Una đang đọc truyện tranh thì nghe mẹ nói: “Una, mẹ hỏi con điều này nhé, con phải thành thực trả lời mẹ, được không nào?”.

“Mẹ, vậy mẹ nhanh nói cho con biết, câu hỏi như thế nào ạ?”. Una đặt cuốn truyện tranh trong tay xuống và hỏi.

“Là thế này. Nếu có một ngày nhà chúng ta không may bị cháy, khi chạy đi, con cần mang theo thứ gì?”.

“Quá đơn giản ạ, con phải mang tiền hoặc vàng theo! Vì chúng rất có giá trị”.

Una trả lời một cách chắc chắn.

“Không đúng rồi, con hãy nghĩ kỹ xem nào”. Mẹ Una vừa lắc đầu vừa nói.

“Vậy con sẽ mang theo truyện tranh, vì mẹ nói sách vở rất quý giá, cần trân trọng sách vở”. Una trả lời mẹ.

“Una, con hãy thử nghĩ kỹ xem nào, vì bảo bối này vừa không có hình dáng, lại không có màu sắc và mùi vị, con có biết đó là thứ gì không?”.

“Con xin lỗi, mẹ, con không biết ạ”.

“Không sao, mẹ nghĩ cần nói cho con, nếu nhà mình bị cháy, con cần mang theo trí tuệ của mình. Vì trí tuệ là thứ không thể đốt cháy được và nó sẽ mãi mãi ở bên cạnh con, con hiểu chưa nào?”. Mẹ Una nói một cách long trọng.

“Ồ, con hiểu rồi, con cần mang theo trí tuệ, vì chẳng ai có thể lấy trí tuệ của con đi cả”. Una gật gù đáp lời mẹ.

Trong gia đình người Do Thái, trẻ em thường được hỏi những câu như vậy.

Thông thường, khi trẻ còn rất nhỏ, cha mẹ Do Thái đã khiến con thấm nhuần tư tưởng: “Người có trí tuệ là người hạnh phúc”, “Địa vị của học giả còn cao hơn địa vị của quốc vương”… Khi một đứa trẻ học được nhiều kiến thức từ sách vở, sẽ bắt đầu hiểu rằng một người có trí tuệ thực thụ phải biết khiêm tốn, người Do

Thái sẽ gọi những người đó là “Helimu” có nghĩa là “Người biết sử dụng trí tuệ”.

Người Do Thái không chỉ coi trọng trí tuệ, mà còn không ngừng tìm ra những phương pháp tăng cường trí tuệ. Ví dụ, họ dạy con cái phải biết quý trọng sách vở, chăm chỉ đọc sách để nâng cao hiểu biết. Đương nhiên ngoài những phương pháp mà ai cũng biết, cha mẹ Do Thái còn sử dụng các phương pháp khác để bồi dưỡng trí tuệ cho trẻ, ví dụ như bồi dưỡng khả năng độc lập trong học tập cho trẻ từ đó cho trẻ thêm nhiều kênh để tiếp thu tri thức…

❃ Bồi dưỡng khả năng học tập độc lập cho trẻ

Khi giáo dục con cái, người Do Thái đồng thời chú trọng cả giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình, càng đặc biệt chú trọng phương pháp tự dạy tự học, tăng cường khả năng độc lập trong học tập của trẻ. Vì họ cho rằng, giáo dục nhà trường chỉ là quá trình tiếp thu kiến thức cơ bản, trong khi thực tế có quá nhiều kiến thức chuyên ngành và kĩ năng làm việc trẻ cần học hỏi và thực hành trong môi trường chuyên nghiệp suốt một thời gian dài mới có thể nắm bắt được. Ngoài ra ở một phương diện khác, môi trường giáo dục trong mỗi ngôi trường tương đối thống nhất nhưng điều kiện và tố chất của từng học sinh lại là khác nhau cho nên mức độ tiếp thu của trẻ là không tương đồng. Vì vậy các bậc cha mẹ Do Thái đặc biệt quan tâm bồi dưỡng khả năng độc lập trong học tập của con.

Để bồi dưỡng khả năng này của trẻ, cha mẹ Do Thái thường sắp xếp để trẻ làm việc nhà có độ khó vượt quá độ tuổi trẻ. Ví dụ, bảo trẻ 8 tuổi tự sửa xe đạp của mình, để trẻ 9 tuổi tự kiếm tiền ăn trưa, yêu cầu trẻ 10 tuổi viết một bài luận chủ đề “Em nhìn nhận thế nào về văn hóa Do Thái”. Có thể ngay lúc đó, trẻ chưa thể hoàn thành xuất sắc những bài tập này, nhưng trong quá trình hoàn thành, trẻ sẽ cố gắng tra cứu tài liệu có liên quan và tích cực suy nghĩ. Những điều đó đều có lợi cho khả năng độc lập học tập và giải quyết vấn đề của trẻ.

❃ Sử dụng các kênh khác nhau để tiếp thu kiến thức

Người Do Thái sùng bái trí tuệ, trân trọng kiến thức, họ không chỉ có ý thức bồi dưỡng cho con cái khả năng tự học mà còn thường xuyên cổ vũ trẻ thu nhận kiến thức qua nhiều con đường khác nhau. Dưới đây, chúng ta hãy cùng xem vài kênh mà trẻ em Do Thái thường sử dụng để thu nhận kiến thức nhé!

(1) Thu thập nhiều tài liệu: Mỗi ngày, trẻ phải dành một khoảng thời gian nhất định, căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu học tập của mình để thu thập tài liệu, chúng có thể là sách vở, báo chí, đĩa, băng ghi âm…

(2) Sàng lọc tài liệu một cách khoa học và hợp lí: Trong quá trình thu thập tài liệu, người lớn sẽ hướng dẫn trẻ lựa chọn, sàng lọc những tài liệu nhất định phải đọc thành các nhóm, sau đó trẻ mới bắt đầu dành thời gian “đọc thông”, “đọc hiểu”, “đọc thấu”.

(3) Giao lưu với nhiều người khác: Trong cuộc sống, giao lưu với những người có cùng sở thích một cách có ý thức càng dễ cho việc thu thập những kiến thức trẻ muốn tìm hiểu, sau khi nghe xong giới thiệu của những người này, bản thân trẻ sẽ có thể tự đọc một cách có trọng điểm những tri thức tương quan.

(4) Sách vở không phải là nguồn kiến thức và trí tuệ duy nhất: Ngoài việc chăm chỉ đọc sách, hàng ngày trẻ còn phải xem ti vi, nghe đài, đọc báo, lên mạng… để cập nhật tin tức và tri thức.

Không thể phủ nhận rằng, dân tộc Do Thái là một dân tộc thần kỳ. Sự thần kỳ này không chỉ ở chỗ với thế giới họ là những người có trí tuệ vô song mà còn ở chỗ trải qua mấy nghìn năm rèn luyện giáo dục trí tuệ của họ cũng đạt được thành công rực rỡ. Vì vậy, tôn thờ trí tuệ, xem trọng trí tuệ là đạo lí căn bản mà mỗi bậc cha mẹ nên dạy con em mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.