Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Trẻ em Do Thái: TỰ LẬP TỰ CƯỜNG LÀ KĨ NĂNG SINH TỒN CỦA CON – Tin vào bản thân mới có thể sớm tự lập



Jenni là một bé gái Do Thái 5 tuổi, bố Jenni luôn dạy cô bé biết tin vào bản thân và dựa vào chính mình.

Một lần, ở cổng vào khu vui chơi, lúc chờ bố mua vé, Jenni phát hiện dây giày của mình bị tuột liền cúi xuống thắt lại. Lúc này, một người nhìn thấy động tác thắt dây của Jenni không thành thạo lắm, liền bước đến muốn giúp đỡ, “Cô bé, dây giày của cháu dài quá! Chú giúp cháu thắt nhé, được không?”.

Jenni lắc đầu nhìn người đó, rồi mỉm cười nói: “Cháu cảm ơn chú, nhưng chú có biết cháu mấy tuổi không ạ?”.

Người đó nghe xong ngẩn người, sau đó mỉm cười nói: “Xin lỗi cháu, chú không biết cháu mấy tuổi, nhưng chú biết cháu còn nhỏ”.

“Ồ, không, cháu không còn nhỏ nữa, cháu đã 5 tuổi rồi, cháu tin mình có thể thắt được dây giày”. Nói xong, cô bé thắt lại dây giày và đứng lên.

Người đàn ông thấy vậy liền hào hứng giơ ngón cái lên và nói: “Chú thấy rồi, cháu thực sự đã lớn, cháu tuyệt lắm!”. Jenni nghe xong vui mừng cười to.

Trong ví dụ trên, cô bé Jenni nói rằng mình đã 5 tuổi, ý là cô bé đã lớn rồi, cô bé có thể tự buộc dây giày mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn. Thực sự, tin vào bản thân, dựa vào bản thân, phải có ý thức độc lập tự chủ với trẻ em Do Thái là điều vô cùng bình thường.

Đương nhiên, trẻ em Do Thái có thể tin tưởng vào bản thân, tự làm một số việc như vậy là nhờ sự giáo dục tận tình của bố mẹ. Mỗi trẻ em Do Thái từ nhỏ đều được bố mẹ dạy dỗ đặc biệt và chu đáo. Cha mẹ luôn coi trọng tính độc lập của con cái. Chỉ có được giáo dục độc lập từ nhỏ, ý thức độc lập của trẻ mới được bồi dưỡng, khi gặp khó khăn mới có thể thể hiện năng lực của bản thân. Sau đây, chúng ta hãy xem cha mẹ Do Thái đã dùng phương pháp nào dạy dỗ con cái độc lập nhé!

❃ Yêu con chứ tuyệt đối không nuông chiều con

Con cái là bảo bối của bố mẹ. Bố mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng không phải ai cũng biết thương yêu con đúng cách. Một số bậc cha mẹ cho rằng cốgắng đáp ứng mọi nhu cầu vật chất của con, làm tất cả mọi việc cho con, thế mới là yêu con. Thật ra không phải như vậy, đó không gọi là yêu con thực sự mà chỉ là sự nuông chiều, cứ làm như vậy một thời gian dài, cha mẹ đã tự tước đi quyền sống độc lập của trẻ, vô cùng bất lợi cho việc bồi dưỡng khả năng độc lập tự chủ cho trẻ.

Nhận thức rõ điều đó, cha mẹ Do Thái thường không nuông chiều con cái. Tình yêu của họ dành cho con đều có nguyên tắc, có mức độ. Nếu hành vi của trẻ vi phạm nguyên tắc, vượt quá giới hạn, cha mẹ sẽ không nương tay mà nghiêm khắc phê bình khuyên bảo, những việc làm này có mục đích là khiến trẻ sống độc lập và có nguyên tắc, để khi trưởng thành làm một người độc lập.

❃ Tôn trọng quyết định của con

Tôn trọng quyết định của con là cơ sở để trẻ học sống tự lập. Cha mẹ Do Thái rất coi trọng quan niệm này. Khi họ bày tỏ ý kiến của mình với con cái, bạn sẽ ít khi nghe thấy câu “Con còn nhỏ, con phải nghe lời bố mẹ!”, “Con còn nhỏ, chưa hiểu được đâu!”, “Đừng nói nữa, suy nghĩ của con sai rồi, con phải nghe lời bố mẹ”… Bạn sẽ thường được nghe những câu như: “Con yêu, suy nghĩ của con rất hay, hãy làm đi nhé!”, “Con yêu, bố mẹ ủng hộ con!”.

Cho dù trẻ đưa ra yêu cầu không hợp lí, cha mẹ Do Thái cũng không nổi giận đánh mắng mà đầu tiên họ sẽ nghĩ cách khuyên bảo uốn nắn suy nghĩ của trẻ, sau đó giảng giải cho trẻ hiểu nguyên nhân vì sao cha mẹ không đồng tình, cuối cùng cổ vũ trẻ nghĩ ra cách giải quyết hợp lí.

❃ Bồi dưỡng ý thức độc lập cho con

Ý thức độc lập có vai trò rất quan trọng đối với sự trưởng thành và phát triển của trẻ. Người Do Thái có rất nhiều phương pháp đặc biệt để bồi dưỡng ý thức độc lập cho con cái. Ví dụ như người Do Thái thường dùng những ví dụ bị người tin tưởng nhất “phản bội” để giáo dục con cái phải tin vào bản thân, dựa vào chính mình. Ngoài ra, vì muốn bồi dưỡng ý thức độc lập cho con, khi con gặp khó khăn, cha mẹ Do Thái thường không thay con làm mọi việc, mà chỉ đứng bên cạnh hướng dẫn, để trẻ tự khắc phục khó khăn.

❃ Giáo dục kĩ năng sống độc lập

Kĩ năng sống độc lập là tiền đề để trẻ sống độc lập, chỉ có nắm được kĩ năng này trẻ mới có thể sống độc lập, đồng thời giảm thiểu thói dựa dẫm vào bố mẹ. Từ nhỏ, cha mẹ Do Thái đã hướng dẫn trẻ tham gia vào các việc nhỏ trong gia đình như đổ rác, gấp quần áo, lau nhà… để rèn luyện khả năng sống độc lập cho trẻ. Dù đôi lúc việc dạy những kĩ năng này mất nhiều thời gian hơn so với việc bố mẹ tự làm, nhưng cha mẹ Do Thái vẫn kiên trì chỉ bảo cho trẻ đến cùng. Vì họ hiểu rằng: Chỉ khi để trẻ học những kĩ năng sống, trẻ mới có thể thực sự tách khỏi bố mẹ, thích nghi với cuộc sống, với xã hội. Cho nên khi dạy con kĩ năng sống các bậc cha mẹ cần học theo cha mẹ Do Thái, hết sức kiên nhẫn và kiên trì chỉ bảo cho trẻ.

Tin tưởng và dựa vào bản thân là biểu hiện tuyệt vời nhất của tính độc lập. Độc lập có thể giúp trẻ sau vấp ngã tự mình đứng lên, độc lập cũng giúp trẻ không lùi bước trước khó khăn, dũng cảm tiến về phía trước; độc lập có thể giúp trẻ học cách mạnh dạn, cố gắng thực hiện ước mơ và vươn tới thành công. Cha mẹ cần hiểu được tầm quan trọng của tính độc lập, quan tâm bồi dưỡng, giáo dục con để con sớm có thói quen độc lập.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.