Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Trừng phạt con hợp lí sẽ hiệu quả nhất



Vào buổi sáng, người mẹ Do Thái đang chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà.

“Aaron, mau dậy ăn sáng đi con”. Mẹ gõ cửa phòng của Aaron và nói to.

“Con biết rồi ạ, con đang mặc quần áo”. Trong phòng vọng ra tiếng của Aaron.

10 phút trôi qua, Aaron chậm chạp bước ra khỏi phòng. Qua khe cửa, mẹ nhìn thấy chăn gối vứt bừa bãi trên giường. Vì thế mẹ hỏi: “Aaron, lẽ nào hôm nay con không định dọn dẹp chăn màn của mình ư?”.

“Vâng, mẹ ạ. Hôm nay con dậy hơi muộn, hơn nữa đến tối lại nằm, vì thế con định không gấp ạ”. Aaron bình thản nói.

“Được, đã như vậy thì bắt đầu từ ngày mai con hãy dậy sớm trước nửa tiếng”.

Mẹ nói.

“Tại sao ạ?”. Aaron bất mãn hỏi lại.

“Không sao cả, đó là vì mẹ phạt con không chịu gấp chăn màn tử tế, chỉ khi nào con dọn dẹp chăn gối cẩn thận thì mới có thể thức dậy như trước”.

“Được rồi, mẹ ơi, con sẽ gấp gọn gàng. Có điều, mẹ rót cho con một cốc sữa nóng được không, con đang rất vội”. Aaron vừa dọn giường vừa nói.

“Không vấn đề gì, dọn dẹp xong con có thể ra uống”.

Người mẹ thấy hiệu quả không tồi, vui mừng rót cho con trai một cốc sữa nóng.

Trong gia đình người Do Thái, dường như đứa trẻ nào cũng có thói quen tự gấp chăn màn. Thông thường, nếu có trẻ quên hoặc không định làm việc này, cha mẹ sẽ yêu cầu trẻ mỗi ngày dậy trước nửa tiếng, cho đến khi trẻ bắt đầu dọn dẹp chăn chiếu của mình gọn gàng mới thôi. Mục đích của sự trừng phạt chính là để trẻ thay đổi thói quen xấu, tạo thói quen tốt.

Trẻ còn nhỏ không tránh một số sai lầm. Lúc này, sự quản giáo của cha mẹ là điều cần thiết, nhưng cha mẹ không vì trẻ không hiểu biết mà thiếu tôn trọng trẻ, càng không nên vì bản thân tức giận mà giận cá chém thớt, mù quáng trách mắng trẻ. Chỉ có biện pháp trừng phạt hợp lí, khoa học mới giúp trẻ giảm bớt những hành vi không đúng. Người Do Thái cho rằng, trừng phạt không đúng cách sẽ tạo hậu quả không tốt cho sự trưởng thành của trẻ. Vì thế, trước khi trừng phạt trẻ, cha mẹ hãy đặt ra 10 câu hỏi sau:

(1) Mục đích của sự trừng phạt này là gì?

(2) Cách phạt này có thực sự ngăn chặn được những hành vi không đúng của trẻ không?

(3) Cách phạt này thực sự có thể giúp trẻ hiểu được hành vi sai trái của mình không?

(4) Tại sao mình lại trừng phạt con, có phải vì mình đang tức giận không?

(5) Có phải xuất phát từ sự kích động mà mình quyết định trừng phạt con không?

(6) Khi mình không tức giận, mình có trừng phạt con như vậy không?

(7) Cách phạt này có làm con cảm thấy xấu hổ hoặc tủi thân không?

(8) Lẽ nào không còn cách nào khác ư?

(9) Cách trừng phạt này là một phần của kế hoạch ư?

(10)Có phải mình luôn trừng phạt con như vậy?

Cha mẹ Do Thái sở không đúng rất có thể dĩ trả lời 10 câu hỏi này trước vì họ biết rằng trừng phạt mang đến 10 hiệu ứng không tốt như sau:

(1) Kích thích thêm những hành động không đúng của con.

(2) Khiến con cảm thấy phẫn nộ.

(3) Dễ làm con nảy sinh cảm giác thất bại.

(4) Không có lợi cho việc tăng cường sự tự tin của con.

(5) Dễ làm cho con tự ti.

(6) Dễ làm cho con cảm thấy sợ hãi.

(7) Con có thể xuất hiện tâm lí tuyệt vọng.

(8) Gây bất hòa giữa các mối quan hệ trong gia đình.

(9) Có thể khiến con sau này đối xử hà khắc với người khác.

(10) Có thể làm con mất đi dũng khí nói chuyện với bố mẹ.

Nhận thức được những “hậu quả” trên nên khi cha mẹ Do Thái dạy dỗ con cái thường tránh trừng phạt con, tuy nhiên, khi cần trừng phạt họ tuyệt đối không nhẹ tay. Đồng thời người Do Thái rất coi trọng trừng phạt hợp lí và khoa học, vì trừng phạt hợp lí sẽ giúp trẻ nhận thức được rằng hành vi đúng đắn quan trọng như thế nào trong cuộc sống.

❃ Dùng thái độ và ngôn ngữ ra hiệu cho trẻ

Sau mỗi lần phạm lỗi, trẻ sẽ cảm nhận được sự không hài lòng của cha mẹ khi nhìn vào vẻ mặt hay thái độ của họ. Lúc này, nếu là một đứa trẻ hiểu chuyện, trẻ sẽ có ý thức thay đổi hành vi xấu đó và lại có được sự khen ngợi của bố mẹ. Vì thế, đối với lỗi lầm của trẻ, đầu tiên cha mẹ nên biểu hiện sự không hài lòng qua ngôn ngữ và thái độ, để trẻ nhận biết được lỗi của mình và tự thay đổi; nếu trẻ không sửa chữa, cha mẹ mới sử dụng cách thức của mình để phạt trẻ.

❃ Tước đi cơ hội chơi của trẻ

Trò chơi đối với đa số trẻ rất quan trọng, vì đó là cách thức để trẻ giao tiếp với người khác và khám phá những điều chưa biết. Khi trẻ có thói quen vứt đồ chơi lung tung hoặc làm hỏng đồ chơi, cha mẹ Do Thái thường giấu đồ chơi của chúng đi, để trẻ cảm thấy mình bị mất đồ chơi, cho đến khi trẻ thay đổi thói quen xấu mới trả lại cho chúng. Ngoài ra, nếu trẻ thích bắt nạt các bạn nhỏ khác, cha mẹ Do Thái có thể bắt trẻ ở trong nhà, để trẻ không có cơ hội chơi đùa với các bạn, đến khi trẻ cảm thấy cô đơn và tỏ ý không muốn bắt nạt các bạn khác, cha mẹ mới cho phép trẻ ra ngoài chơi.

❃ Trách phạt trên cơ sở tôn trọng trẻ

Cha mẹ Do Thái thông thường không phạt trẻ trước mặt người khác, họ sẽ tìm một căn phòng riêng, sau đó cùng trẻ nói chuyện hoặc tiến hành trừng phạt hợp lí. Làm như vậy bảo vệ được lòng tự tôn của trẻ, không để trẻ cảm thấy xấu hổ.

Cách phạt hợp lí không dễ dàng thực hiện, nó đòi hỏi phải có sự kiên trì, cha mẹ không nên vì tình cảm cá nhân hoặc vì kích động nhất thời mà mù quáng thay đổi kế hoạch trừng phạt. Ngoài ra, trong quá trình trưởng thành, đứa trẻ nào cũng từng phạm lỗi, vì thế, cha mẹ không nên chỉ giúp trẻ sửa chữa lỗi lầm, mà còn nên bồi dưỡng cho trẻ tinh thần dám nhận lỗi và sửa lỗi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.