Phương Pháp Giáo Dục Con Của Người Do Thái

Từ nhỏ con đã có thể tự mình tiến lên phía trước



Buổi chiều thứ bảy, anh Sparks (người Do Thái) đang chuẩn bị quét sân. Anh vừa bước ra sân, cậu con trai 5 tuổi Nick vội chạy đến, nói: “Bố, con cần bố giúp. Bố hãy giúp con làm một tấm biển, con định bán những hòn đá này”.

Nick vô cùng thích đá. Cậu có nhiều loại đá khác nhau, có những hòn là do cậu sưu tập, có không ít hòn là bạn bè tặng. Nick coi chúng như “bảo bối” cẩn thận đặt chúng trong giỏ, thường xuyên lau rửa, phân loại.

Sau 15 phút, Nick lấy tấm biển mà bố vừa viết, xách giỏ và mang theo bốn hòn đá đẹp nhất ra ngoài đường. Khi đến nơi, cậu xếp những hòn đá đó thẳng hàng và đặt cạnh đó chiếc giỏ nhỏ, sau đó cậu ngồi xuống và đợi khách đến mua đá.

Sparks rất quan tâm đến con trai, luôn đứng ở xa theo dõi sự việc. Sau nửa tiếng trôi qua, không có ai đi ngang qua. Anh đến trước mặt con và hỏi: “Nick, những hòn đá của con bán thế nào rồi?”.

“Ồ, cũng được bố ạ”. Nick trả lời.

“Ừ, vậy cái giỏ đó có tác dụng gì?”. Sparks hỏi.

“Là để đựng tiền, bố ạ”. Nick trịnh trọng trả lời.

“Vậy con bán mỗi hòn đá này là bao nhiêu?”.

“1 đô ạ và có thể chọn tùy ý”.

“Nick, con cần biết rằng không ai muốn bỏ 1 đô để mua 1 hòn đá cả”.

“Không, bố ơi, chắc chắn sẽ có người mua”.

“Nhưng Nick à, con đường này rất ít người qua lại, con hãy về nhà chơi thì hơn!”.

“Không, bố ơi, con tin có rất nhiều người đi qua đây”. Nick nói: “Vì con biết nhiều người đi bộ trên con đường này, có một số người còn đến xem nhà ở đây”. Sparks không nói nữa, anh trở về sân nhà và nhìn theo con từ xa.

Sparks vừa trở về sân, thì có một chiếc xe nhỏ đi đến. Khi nó sắp đến chỗ cậu bé, Nick vội vàng giơ tấm biển lên. Rồi đột nhiên, chiếc xe dừng lại, từ trên xe có một người phụ nữ bước xuống, người phụ nữ đến trước mặt Nick, ngồi xuống và chọn một hòn đá, sau đó đưa 1 đô cho cậu.

Người phụ nữ mua hòn đá lên xe và đi, Nick vội vàng chạy về chỗ bố, vừa giơ đồng 1 đô trong tay, vừa hét to: “Bố ơi, bố xem, con đã bán được một hòn đá rồi”.

Sparks không ngăn cản con, vì anh tin vào khả năng của con trai mình.

Trong mắt người Do Thái, tự tin là một phẩm chất cần có, đó là sự khẳng định đối với bản thân. Nếu một người có đủ tự tin, anh ta sẽ trở thành người mà mình muốn. Vì thế, người Do Thái thường dạy con mình: “Tự tin giúp con người cố gắng khắc phục khó khăn, chiến thắng thất bại, đạt được thành công.

Nếu con có đủ tự tin và luôn cố gắng, con sẽ làm được mọi việc!”.

Cha mẹ muốn bồi dưỡng sự tự tin cho con cái, cần tìm ra nguyên nhân khiến trẻ không tự tin. Nhà giáo dục nổi tiếng người Do Thái, Kravet cho rằng: “Nguyên nhân trẻ cảm thấy không tự tin chính là sự tự ti, tự ti là kẻ thù lớn nhất của tự tin”. Vì thế, trước khi bồi dưỡng sự tự tin cần loại bỏ tâm lí tự ti ở trẻ. Nhận thức được điều này, cha mẹ Do Thái luôn tôn trọng con cái, để con biết rằng bản thân mình rất quan trọng, sau đó kết hợp với một số biện pháp khác để nâng cao sự tự tin cho trẻ.

❃ Cổ vũ trẻ qua gương người thành đạt

Cha mẹ Do Thái luôn giới thiệu cho con cái những người đạt thành tích kiệt xuất trong gia tộc hoặc những nhân vật xuất sắc của dân tộc mình, để xây dựng tấm gương cho trẻ học tập và noi theo. Như vậy, cha mẹ đã làm tăng niềm tự hào và sự tự tin cho trẻ.

❃ Khen ngợi và cổ vũ kịp thời

Người Do Thái đặc biệt chú ý đến việc khen ngợi con cái. Họ thường dành nhiều lời khen tặng để trẻ tiếp tục cố gắng. Cha mẹ tận dụng mọi ưu điểm của con để khen tặng như: Thành thật, có tinh thần chính nghĩa, biết ca hát hay có khả năng biểu diễn… Không những thế cha mẹ còn viết ưu điểm đó ra giấy, dán ở nơi dễ nhìn thấy nhất trong nhà để cổ vũ trẻ. Đồng thời, khi trẻ vượt qua bản thân, hoàn thành một việc nào đó, cha mẹ sẽ khen ngợi con công khai, giúp con tăng thêm niềm tự hào và sự tự tin.

❃ Không làm giúp trẻ, để trẻ tự đi về phía trước

“Việc của mình tự mình làm” là nguyên tắc cơ bản khi người Do Thái dạy con. Vì tâm lí tự tin ở trẻ có được ngoài nhờ sự tôn trọng và cổ vũ của cha mẹ, còn từ sự thành công trẻ đạt được từng lần từng lần bồi dưỡng lên. Bởi vậy, cha mẹ Do Thái thường để con cái tự tìm hiểu và làm những việc mình thích. Cho dù trẻ làm việc đó có tồi tệ thế nào, họ cũng không nổi cáu, chỉ kiên nhẫn giảng giải và hướng dẫn. Mục đích là để trẻ trải nghiệm cảm giác thành công, từ đó tăng thêm tự tin cho trẻ.

❃ Giúp trẻ thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của mình

Chúng ta đều biết, mỗi người đều có ưu – khuyết điểm riêng. Cha mẹ Do Thái không chỉ liệt kê ưu điểm của con cái, mà đồng thời cũng chỉ ra những khuyết điểm của trẻ. Sau khi chỉ ra khuyết điểm của con, cha mẹ sẽ cùng con phân tích nguyên nhân tạo nên khuyết điểm đó và cùng tìm biện pháp khắc phục. Đặc biệt, cha mẹ sẽ cổ vũ con cố gắng thay đổi khuyết điểm. Cho dù những khuyết điểm đó rất khó sửa chữa, người lớn vẫn giúp trẻ nhìn thẳng vào khuyết điểm, không vì có khuyết điểm mà nảy sinh tâm lí tiêu cực.

Tự tin là điều kiện có lợi để con người đạt được thành công, và mức độ tự tin sẽ quyết định thành công đó lớn hay nhỏ. Vì thế, các bậc cha mẹ cần học tập cách dạy con của người Do Thái, chú ý bồi dưỡng sự tự tin cho con từ nhỏ, để trẻ ngày càng tự tin và xuất sắc hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.