TAM QUỐC DIỄN NGHĨA

Chương 102: Khổng Minh Sáu Lần Ra Kỳ Sơn Tư Mã Ý Đại Chiến Nơi Vị Kiều



Tư Mã Ý chiếm giữ Bắc Nguyên, Vị Kiều

Gia Cát Lượng chế ra trâu gỗ, ngựa máy

Nói về Tiêu Chu hiện đang làm thái sử, hiểu biết thiên văn. Thấy Khổng Minh lại muốn cất quân đi, mới tâu với hậu chủ rằng:

– Chức tôi coi về việc thiên văn, có điều gì hay dở phải tâu cho rõ. Gần đây, có một đàn chim vài vạn con tự phương nam bay lại, đâm nhào cả xuống sông Hán Thủy mà chết, đó là một điềm không may. Tôi lại xem thiên tướng, thấy sao Khuê đứng vào phận Thái Bạch, khiến phương Bắc đang vượng lắm, không nên đánh Ngụy. Nhân dân ở Thành Đô nhiều người còn nghe trong cây Bách có tiếng khóc đêm. Những việc tai quái như thế xảy ra, xin thừa tướng giữ gìn không nên kinh động.

Khổng Minh nói:

– Ta chịu ơn thác cô của tiên đế rất trọng, nên hết sức đánh giặc, có đâu vì chút điềm gở huyền ảo mà bỏ việc to nhà nước được.

Liền sai mổ trâu bò làm lễ tế ở miếu Chiêu Liệt, rồi vào lễ khóc lóc khấn rằng:

– Lượng tôi năm lần ra Kỳ Sơn chưa lấy được một tấc đất nào, mang tội nhiều lắm. Nay thống lĩnh toàn bộ lại ra Kỳ Sơn, thề xin hết sức tận tâm, để tiểu trừ giặt cho nhà Hán, khôi phục lại Trung Nguyên, nguyện dốc hết tâm thần và sức lực kỳ đến chết mới thôi.

Tế xong, lại từ hậu chủ đến nơi Hán Trung, hội các tướng lại bàn bạc việc cất quân.

Chợt có tin báo Quan Hưng bị bệnh mất. Khổng Minh khóc ầm lên, ngất lăn xuống đất, nửa giờ mới tỉnh.

Các tướng ân cần khuyên giải. Khổng Minh than rằng:

– Thương thay người trung nghĩa như thế, mà trời không cho thọ. Ta phen này ra quân lại thiếu mất một viên đại tướng rồi!

Có thơ than rằng:

Sống thác là thường lý,

Phù du cũng một đời,

Miễn có trung với hiếu,

Hà tất sống lâu dài.

Khổng Minh dẫn bốn mươi vạn quân Thục chia làm năm đường tiến đi, sai Khương Duy, Ngụy Diên làm tiên phong, kéo ra hội ở Kỳ Sơn; sai Lý Khôi vận lương thảo ra cửa đường Tà Cốc trước, chờ sẵn ở đó.

Nói về nước Ngụy, nhân năm trước có rồng xanh tự trong giếng Ma Pha bay ra, mới đổi niên hiệu là Thanh Long. Năm ấy là năm Thanh Long thứ hai, mùa xuân, tháng hai, cận thần tâu rằng:

– Quân Thục hơn ba mươi vạn, chia làm năm đường, lại ra Kỳ Sơn.

Ngụy chủ thất kinh, kíp Tư Mã Ý đến hỏi rằng:

– Quân Thục đã ba năm không vào quấy nhiễu. Nay Gia Cát Lượng lại ra Kỳ Sơn thì làm thế nào?

Ý tâu rằng:

– Tôi xem thiên văn thấy vượng khí ở Trung Nguyên đang thịnh. Sao Khuê phạm vào ngôi Thái Bạch, không lợi cho Tây Xuyên. Nay Gia Cát Lượng tự cậy tài trí, muốn trái lòng trời, chẳng qua tự cầu lấy sự bại vong mà thôi. Tôi nhờ hồng phúc bệ hạ xin ra phá giặc ấy. Nhưng xin bệ hạ cho bốn người nữa, cùng đi với tôi.

Tào Tuấn hỏi:

– Bốn người ấy là ai?

Ý nói- Hạ Hầu Uyên có bốn con: Con cả tên là Bá, tự Trọng Quyền; thứ hai tên Uy, tự Quý Quyền; thứ ba tên Huệ, tự Nha Quyền; con út tên Hòa, tự Nghĩa Quyền. Bá Uy hai người giỏi cung ngựa. Huệ Hòa hai người tinh thao lược. Bốn người ấy vẫn muốn báo thù cho cha. Nay tôi xin cử Hạ Hầu Bá, Hạ Hầu Uy làm tả hữu tiên phong; Hạ Hầu Huệ, Hạ Hầu Hòa, làm hành quân tư mã, cùng giúp việc quân cơ, để phá quân Thục.

Tuấn nói:

– Trước kia phò mã Hạ Hầu Mậu lầm lỡ quân cơ, làm thiệt bao nhiêu quân mã, đến nay còn thẹn chưa về, bốn người này có giống Mậu không?

Ý nói:

– Bốn người này khác hẳn.

Tuấn ưng cho, sai Tư Mã Ý làm đại đô đốc được quyền điều dụng các tướng sĩ, chỉ huy quân mã các xứ.

Ý vâng lệnh, từ biệt ra thành.

Tuấn lại tận tay viết chiếu trao cho Ý, chiếu rằng:

“Ngươi đến vị tân, nên giữ vững thành trì, chớ nên ra đánh, quân Thục không giở trò gì được, thường hay giả tảng rút về để dụ địch, ngươi chớ nên đuổi theo. Đợi khi nào bọn chúng cạn lương, tự nhiên phải chạy. Bấy giờ sẽ thừa cơ mà đánh, chắc chắn sẽ thắng dễ dàng, mà quân mã cũng đỡ mỏi mệt. Mẹo hay không gì hơn thế”.

Tư Mã Ý cúi đầu chịu lời chiếu, ngay hôm ấy đến Trường An, tụ tập quân mã các xứ, cả thảy bốn chục vạn, kéo đến bến sông Vị hạ trại, lại sai năm vạn quân bắt chín nhịp cầu phao trên sông, cho tiên phong Hạ Hầu Bá, Hạ Hầu Uy qua bên bờ sông kia cắm trại. Lại sai đắp một dãy thành ở cánh đồng mé đông sau trại, phòng bị bất ngờ.

Ý đang bàn với các tướng, chợt có Quách Hoài, Tôn Lễ đến ra mắt. Ý đón vào. Chào hỏi xong xuôi, Hoài nói:

– Quân Thục hiện nay ở Kỳ Sơn, nếu để họ qua sông Vị lên bờ, liên tiếp giáp được với núi Bắc Sơn, chẹn ngang đường Lũng Đạo, thì thật đáng lo lắm.

Ý nói:

– Ông nói phải đấy. Ông hãy tổng đốc cả quân mã xứ Lũng Tây, giữ lấy Bắc Nguyên mà hạ trại, cứ việc giữ thành cao hào sâu, đóng quân lại chớ động, đợi khi nào quân địch hết lương, ta sẽ đánh.

Quách Hoài, Tôn Lễ lĩnh mệnh, dẫn quân đi hạ trại.

Bấy giờ Khổng Minh ra Kỳ Sơn, hạ năm trại lớn chia ra tả hữu, trước sau và ở giữa. Từ hang Từ Cốc đến mãi núi Kiếm Các, lập hai mười bốn trại lớn liên tiếp nhau, chia đóng quân mã, làm kế lâu dài. Hàng ngày sai người đi tuần tiễu.

Chợt có tin báo rằng:

– Quách Hoài, Tôn Lễ lĩnh quân Lũng Tây, hạ trại ở Bắc Nguyên.

Khổng Minh bảo các tướng rằng:

– Quân Ngụy cắm trại ở Bắc Nguyên, đó là sợ ta lấy mất đường ấy, làm nghẽn lối xứ Lũng đó thôi. Ta nay giả đò đánh Bắc Nguyên, nhưng kỳ thực đến ngầm lấy Vị Tân. Ta sai người đóng sẵn hơn trăm chiếc bè gỗ, tải cỏ khô, kéo năm nghìn quân thủy thủ giỏi, chở bè. Ngày đêm ta đánh mặt Bắc Nguyên, Tư Mã Ý tất dẫn quân lại cứu. Ta sang đò trước, qua bên kia sông, rồi ta cho tiền quân xuống cả bè, xuôi dòng đốt cầu, để đánh mặt sau, ta thì tự dẫn quân đến đánh phía trước dinh. Nếu lấy được mé nam sông Vị, thì tiến quân không khó gì nữa.

Các tướng tuân lệnh, người nào đi mặt nấy.

Có tiểu mã phi báo với Tư Mã Ý. Ý gọi các tướng đến bàn rằng:

– Khổng Minh làm thế, tất có mưu mẹo. Hắn giả tiếng là lấy Bắc Nguyên, nhưng kỳ thực lại đốt cầu phao của ta, thế là quấy mặt sau mà hóa ra đánh mặt trước đây.

Lập tức truyền lệnh cho Hạ Hầu Bá, Hạ Hầu Uy rằng:

– Khi nào nghe mé Bắc Nguyên có tiếng reo, thì đem binh vào núi Nam Sơn cạnh sông Vị Thuỷ, đợi quân Thục đến mà đánh.

Lại sai Trương Hổ, Nhạc Lâm dẫn hai nghìn tay cung nỏ, phục sẵn ở bờ bắc canh cầu phao, dặn rằng:

– Nếu quân Thục bơi bè gỗ thuận dòng xuôi xuống, phải nhất tề bắn tên ra, chớ cho đến gần cầu.

Lại truyền lệnh cho Quách Hoài, Tôn Lễ rằng:

– Khổng Minh đến đánh Bắc Nguyên, sang ngầm sông Vị Trại của người mới lập ra, không có mấy nỗi quân mã. Nên phục quân sẵn ở nửa đường, cuối giờ ngọ, quân Thục sang đò, chiều tối tất đến đánh trại. Ngươi nên giả tảng thua, quân Thục chắc đuổi theo, bấy giờ sẽ cho quân bắn tên ra. Quân ta tiến cả hai mặt thủy bộ. Nếu quân Thục kéo ùa đến, thì cứ xem ta trỏ vào đâu là đánh đấy. Truyền lệnh cho các tướng xong rồi Ý lại sai hai con là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu dẫn quân sang cứu Bắc Nguyên.

Nói về Khổng Minh sai Ngụy Diên, Mã Đại dẫn quân sang đò sông Vị, đánh giặc Bắc Nguyên; sai Ngô Ban, Ngô Ý dẫn quân thuận dòng xuống đốt cầu phao; sai Vương Bình, Trương Ngực làm tiền đội; Khương Duy, Mã Trung làm trung đội; Liêu Hóa, Trương Dực làm hậu đội, chia quân làm ba mặt, đánh trại trên bờ sông Vị.

Giờ Ngọ hôm ấy quân mã sang sông, dàn thành thế trận từ từ kéo đi. Ngụy Diên, Mã Đại đi gần đến Bắc Nguyên, thì trời đã tối. Tôn Lễ thấy có quân Thục đến bỏ trại chạy luôn. Ngụy Diên biết đã có phòng bị rồi, vội rút quân về, đã thấy bốn mặt tiếng reo nổi lên, rồi Tư Mã Ý, Quách Hoài hai mặt đổ đến. Ngụy Diên, Mã Đại cố sức đánh, quân Thục sa xuống sông chết đuối rất nhiều. Còn toán quân khác đang không có đường nào trốn, may gặp Ngô Ý dẫn quân đến cứu, mới thoát được về bờ bên này.

Ngô Ban dẫn một nửa quân bơi bè xuống đốt cầu phao, bị Trương Hổ, Nhạc Lâm ở trên bờ bắn tên xuống như mưa. Ngô Ban tin phải tên, lăn xuống sông chết. Quân sĩ nhảy trốn cả xuống sông, bao nhiêu bè quân Ngụy cướp được sạch.

Bấy giờ Vương Bình, Trương Ngực chưa biết quân Bắc Nguyên bị thua, cứ kéo thẳng đến trại Ngụy. Vào độ canh hai, nghe tiếng reo nổi ầm bốn phía. Vương Bình bảo với Trương Ngực rằng:

– Quân ta đánh mặt Bắc Nguyên chưa biết được thua thế nào. Trại Vị Nam này ở ngay trước mặt, sao lại không thấy một tên quân Ngụy nào? Chẳng lẽ Tư Mã Ý đã biết trước phòng bị rồi chăng? Chúng ta hãy đợi xem nơi cầu phao có ngọn lửa bốc lên rồi sẽ tiến binh.

Hai người mới kìm binh mã lại không tiến nữa. Chợt có kỵ mã báo rằng:

– Thừa tướng truyền phải rút về ngay. Quân ở Bắc Nguyên và quân đốt cầu thua cả rồi.

Vương Bình, Trương Ngực cả kinh, vội vàng rút quân về. Bỗng đâu, nổi một hiệu pháo, lửa sáng rực trời; quân Ngụy ở mé sau kéo đến. Vương Bình, Trương Ngực dẫn quân ra địch. Hai bên đánh nhau ráo riết một trận. Quân Thục thiệt hại mất già nửa. Hai tướng cố chết, vừa đánh vừa chạy được thoát.

Khổng Minh về đến trại Kỳ Sơn, thu nhặt quân tàn, ước chừng thiệt hơn một vạn người, trong bụng buồn rầu. Chợt có Phí Vĩ ở Thành Đô đến ra mắt. Khổng Minh nói rằng:

– Ta có một phong thư, muốn phiền túc hạ đem đến Đông Ngô. Không biết túc hạ có đi giúp được cho ta không?

Vĩ bẩm:

– Thừa tướng đã sai, tôi đâu dám từ.

Khổng Minh viết thư giao cho Phí Vĩ. Vĩ mang thư đến thẳng Kiến Nghiệp, vào ra mắt Ngô Vương Tôn Quyền, trình dâng thư lên. Tôn Quyền mở ra xem, thư rằng:

“Nhà Hán chẳng may, giường vua đứt mối; giặc Tào phản nghịch, vạ lây đến nay. Lượng chịu việc của Chiêu liệt Hoàng Đế ủy thác cho rất trọng, dám chẳng hết sức hết lòng! Nay đại binh của Lượng đã hội cả ở Kỳ Sơn, quân giặc sắp tan vỡ ở sông Vị Thủy. Xin bệ hạ nghĩ đến nghĩa đồng minh, sai tướng sang đánh mặt bắc, để cùng lấy Trung Nguyên, mà chia đôi thiên hạ. Thư nói khôn cùng, muôn mong soi xét”.

Quyền xem thư xong mừng lắm, bảo Phí Vĩ rằng:

– Trẫm muốn cất quân đã lâu, nhưng chưa có dịp nào. Nay Khổng Minh đã có thư đến đây, nay mai trẫm sẽ cất quân ra Sào Môn, đánh lấy Tân Thành, lại sai Lục Tốn, Gia Cát Cẩn đóng quân ở Giang Hạ, Miện Khẩu để lấy Đưong Dương; bọn Tôn Thiều thì cho đem quân ra Quảng Lăng, đánh lấy các xứ Hoài Âm. Ba xứ tiến binh cả một lúc, cả thảy ba mươi vạn quân, chỉ nay mai là lên đường.

Phú Vĩ lạy tạ nói:

– Nếu như thế thì Trung Nguyên chẳng mấy nỗi mà phá được.

Quyền mở tiệc yến thết đãi Phí Vĩ. Trong khi uống rượu, Quyền hỏi rằng:

– Trong quân thừa tướng, dùng ai làm tiên phong đi phá giặc?

Vĩ thưa:

– Có Ngụy Diên làm tiên phong.

Quyền cười, nói:

– Ngụy Diên sức khỏe có thừa, nhưng bụng thì bất chính. Nếu một mai Khổng Minh mất đi, hắn tất gây vạ, Khổng Minh há lại không biết ru?

Vĩ nói:

– Bệ hạ dạy phải lắm, tôi xin về nói với thừa tướng tôi.

Bèn từ Tôn Quyền về Kỳ Sơn, ra mắt Khổng Minh, nói việc Ngô vương khởi ba mươi vạn quân, chia làm ba đường, ngự giá thân chinh.

Khổng Minh hỏi:

– Ngô vương có nói gì nữa không?

Vĩ thuật lời Ngô vương nói về Ngụy Diên.

Khổng Minh than rằng:

– Ngô vương thực là chúa thông minh! Ta không phải là không biết Ngụy Diên, vì còn tiếc sức khỏe của hắn mà dùng đó thôi!

Vĩ nói:

– Thừa tướng nên khu xử việc ấy cho sớm.

Khổng Minh nói:

– Ta đã có cách khu xử rồi.

Vĩ lạy từ Khổng Minh, trở về Thành Đô.

Khổng Minh đang hội các tướng thương nghị việc tiến binh. Sực có một tướng Ngụy đến xin hàng. Khổng Minh đòi vào hỏi, tướng ấy bẩm rằng:

– Tôi là tỳ tướng nước Ngụy, tên là Trịnh Văn. Tôi vẫn cùng với Tần Lãnh lĩnh quân mã, theo Tư Mã Ý sai khiến. Không ngờ Ý tư vị, gia cho Tần Lãng làm tiền tướng quân, mà coi rẻ tôi như cỏ rác. Vì thế tôi bực mình, đến hàng thừa tướng, xin thu dụng cho.

Trịnh Văn vừa nói dứt lời, thì Tần Lãnh dẫn binh đến trước trại, thách Trịnh Văn ra đánh.

Khổng Minh nói:

– Võ nghệ người này, đọ với ngươi hơn kém làm sao?

Trịnh Văn thưa:

– Tôi chém được y lập tức.

Khổng Minh nói:

– Nếu giết được Tần Lãng, thì ta mới tin.

Trịnh Văn lên ngựa ra trại, đánh nhau với Tần Lãng. Khổng Minh cũng theo ra đứng xem.

Tần Lãng vác giáo, quát to mắng rằng:

– Quân phản tặc kia, ăn trộm ngựa chiến của ta, phải đem trả ngay đây.

Nói đoạn, xông thẳng vào đánh Trịnh Văn. Văn quất ngựa múa đao đón đánh, chỉ một hiệp, chém chết Tần Lãng ngã quay xuống ngựa. Quân Nguỵ chạy mất cả.

Trịnh Văn cầm đầu Tần Lãng vào trại. Khổng Minh về trướng ngồi chỉnh tề, gọi Trịnh Văn đến, bỗng nhiên nổi giận, quát tả hữu:

– Lôi ra chém cho ta!

Trịnh Văn kêu rằng:

– Tiểu tướng có tội gì đâu!

Khổng Minh nói:

– Ta đã biết mặt Tần Lãng rồi. Mày chém người này không phải là Tần Lãng, lừa dối thế nào được ta?

Văn lạy kêu rằng:

– Đây quả là Tần Minh, em ruột của Tần Lãng đây.

Khổng Minh cười mà rằng:

– Tư Mã Ý sai mày lại trá hàng, để thừa cơ hại ta. Nhưng lừa dối ta sao được. Nếu không nói cho thực, ta quyết lấy đầu mày không tha.

Trịnh Văn cứng họng, kêu van xin tha tội.

Khổng Minh nói:

– Mày có muốn sống, thì viết thư về đưa cho Tư Mã Ý, xui y đến cướp trại, ta sẽ tha tính mệnh cho. Nếu bắt được Tư Mã Ý, tức là công mày, ta lại trọng dụng thêm nữa.

Trịnh Văn viết một tờ thư trình lên Khổng Minh. Khổng Minh sai đem Trịnh Văn giam lại.

Phàn Kiến hỏi rằng:

– Thừa tướng sao lại biết người ấy trá hàng?

Khổng Minh nói:

– Tư Mã Ý dùng người cẩn thận. Nếu cho Tần Lãng làm tiền tướng quân, thì tất võ nghệ giỏi giang. Nay mới đánh nhau có một hiệp, đã bị Trịnh Văn giết chết, cho nên ta biết là trá.

Các tướng đều bái phục.

Khổng Minh kén một tay quân sĩ láu lỉnh, dặn nhỏ mọi điều. Tên ấy lĩnh mệnh, cầm thư đến thẳng trại Ngụy, xin vào ra mắt Tư Mã Ý. Ý gọi vào, tên ấy dâng phong thư. Ý mở ra xem, rồi hỏi rằng:

– Mày là thế nào?

Tên ấy thưa:

– Tôi là người ở Trung Nguyên, lưu lạc vào trong Thục. Trịnh Văn là người cùng làng với tôi. Nay Khổng Minh thấy Trịnh Văn có công, cho làm tiên phong. Trịnh Văn nhờ tôi đem thư này dâng đô đốc, hẹn đến đêm mai đốt lửa làm hiệu, xin đô đốc đem hết đại quân đến cướp trại Thục. Trịnh Văn xin làm nội ứng.

Tư Mã Ý hỏi vặn hai ba lần, lại xem đi xem lại tờ thư, quả nhiên là chữ của Trịnh Văn. Ý bấy giờ mới tin, cho quân sĩ ăn cơm uống rượu rồi dặn rằng:

– Canh ba đêm mai, ta tự dẫn quân đến cướp trại Thục nếu thành đại sự, ta sẽ trọng dụng ngươi.

Tên quân lạy từ về trại, thuật chuyện với Khổng Minh. Khổng Minh cắp một thanh kiếm, bước theo sau cương, cầm bút niệm câu thần chú; rồi gọi Vương Bình, Trương Ngực, Mã Trung, Mã Đại, Ngụy Diên, Khương Duy mỗi người dặn dò mẹo mực cho dẫn quân mai phục đâu đấy. Khổng Minh dẫn vài mươi người lên một đỉnh núi cao để chỉ huy ba quân.

Tư Mã Ý thấy thư của Trịnh Văn, muốn dẫn hai con đến cướp trại Thục. Con cả là Tư Mã Sư can rằng:

– Phụ thân tin gì một mảnh giấy, mà tự mang thân vào nơi nguy hiểm, lỡ sơ suất thì làm thế nào? Không bằng sai một tướng khác đi trước, phụ thân dẫn quân đến tiếp ứng sau là hơn.

Ý nghe lời, sai Tần Lãng dẫn một vạn quân đến cướp trại Thục. Ý tự dẫn quân đi sau tiếp ứng.

Chập tối hôm ấy, gió mát trăng trong. Sang canh hai, bỗng nhiên mây phủ khắp trời, đêm tối như mực, giáp mặt không trông thấy nhau.

Ý mừng rỡ, nói:

– Trời cho ta thành công chuyến này!

Bởi vậy, người ngậm tăm, ngựa khóa miệng, kéo đi. Tần Lãng dẫn một vạn quân, xông vào trại Thục, không thấy một người nào. Lãng biết mắc phải mẹo, vội vàng rút quân, thì bốn mặt lửa đã bốc cháy, tiếng reo dậy đất. Rồi mé tả có Vương Bình, Trương Ngực, mé hữu có Mã Đại, Mã Trung, hai mặt đổ lại. Tần Lãng cố chết mà đánh, không sao thoát ra được. Tư Mã Ý thấy lửa sáng rực trời, chưa biết quân mình được thua thế nào, thúc quân cứ trông chỗ ngọn lửa kéo đến. Bỗng nhiên lại nổi tiếng reo, trống đánh, tù và thổi om ả, pháo nổ ầm ầm, rồi Ngụy Diên, Khương Duy, hai mặt kéo ra. Quân Ngụy rối loạn, chạy tán lạc ra tứ phía, tổn hại mất tám chín phần. Bấy giờ một vạn quân của Tần Lãng bị quân Thục vây bọc bốn mặt, tên bắn ra như châu chấu, chết hại rất nhiều. Tần Lãng cũng chết ở trong đám loạn quân.

Tư Mã Ý dẫn bại quân chạy về bản trại. Tự cuối canh ba trở đi, trời lại quang đãng như trước. Khổng Minh ở trên đầu núi khua chiêng thu quân. Trong lúc canh hai, bỗng dưng có mây đen mù tối, nguyên là Khổng Minh dùng phép độn giáp làm ra. Sau khi thu quân, trời lại trong sáng, đó là Khổng Minh sai thần Lục đinh Lục giáp quét sạch mây đi, nên trời lại sáng.

Khi ấy Khổng Minh thắng trận về trại, sai đem Trịnh Văn ra chém, rồi bàn kế lấy trại Vị Nam. Ngày nào cũng sai quân kéo đến khai chiến. Quân Ngụy nhất định không ra. Khổng Minh ngồi một chiếc xe nhỏ, đi xem địa lý mé trước núi Kỳ Sơn, và góc đồng phía tây sông Vị. Khổng Minh đi đến một cửa hang, trông như hình quả bầu, giữa phình rộng ra, có thể chứa hàng nghìn người, được một quãng, núi đôi bên thắt lại, rồi lại phình ra một hang, chứa đựơc bốn năm người. Mé sau, núi bọc xung quanh, có một con đường ở giữa, chỉ một người một ngựa đi vừa. Khổng Minh xem xong, mừng lắm, hỏi quan hướng đạo rằng:

– Đây gọi là hang gì?

Quân hướng đạo đáp:

– Ở đây là hang Thượng Phương, lại thường gọi là hang Hồ Lô.

Khổng Minh về trại gọi hai tì tướng Đỗ Tuấn, Hồ Trung, dặn bảo mật kế, sai đem nghìn thợ vào trong hang Hồ Lô, chế tạo ra trâu ngựa gỗ có máy để dùng việc. Lại sai Mã Đại lĩnh năm trăm quân giữ chặt cửa hang, dặn rằng:

– Nội là thợ thuyền không được cho ra ngoài; người ngoài không được cho vào. Ta thỉnh thoảng đến coi xét. Mẹo bắt Tư Mã Ý chỉ ở kế ấy, chớ để tiết lộ.

Mã Đại vâng mệnh giữ cửa hang. Đỗ Tuấn, Hồ Trung coi đốc thợ thuyền chế tạo. Khổng Minh mỗi ngày đến chỉ bảo cách thức làm.

Một hôm, Dương Nghi vào bẩm rằng:

– Hiện nay lương gạo chứa cả ở núi Kiếm Các, dân phu và trâu ngựa vận tải vất vả lắm, làm thế nào?

Khổng Minh cười, nói:

– Ta nghĩ đã lâu rồi! Trước kia ta đã chứa sẵn gỗ, và gỗ to mới mua ở Tây Xuyên, ta đã sai người chế tạo ra trâu, để tải vận lương gạo, rất là tiện lợi. Trâu ngựa không phải ăn uống gì, có thể đi được cả ngày lẫn đêm.

Chúng cùng ngạc nhiên, hỏi rằng:

– Từ xưa đến giờ, chưa có trâu gỗ ngựa gỗ chạy được bao giờ. Thừa tướng có phép gì tài, mà chế ra được máy lạ như vậy?

Khổng Minh nói:

– Ta đã sai người chế tạo, nhưng chưa xong. Nay ta hãy kể cách thức vuông tròn, rộng hẹp, dài vắn, cho các người nghe.

Chúng mừng lắm. Khổng Minh viết ra một tờ giấy, đưa cho chúng xem. Các tướng xem xong, mừng nói rằng:

– Thừa tướng thật là thần nhân!

Qua vài ngày nữa, trâu ngựa chế tạo xong, chẳng khác gì trâu ngựa thực, lên núi, xuống núi được cả. Ba quân trông thấy đều vỗ tay reo mừng. Khổng Minh sai Cao Tường dẫn một nghìn quân, đem trâu ngựa vận lương tự núi Kiếm Các đến trại Kỳ Sơn, để cấp cho quân ăn.

Có thơ khen rằng:

“Núi Kiếm gập ghềnh xưa, ngựa chạy,

Hang Tà quanh quất lối trâu đi

Đời sau nếu biết dùng mưu ấy,

Tải vận còn ai khó nhọc gì!”

Tư Mã Ý ở trong trại, đang khi buồn bã, chợt có quân tiễu về báo quân Thục dùng trâu ngựa máy bằng gỗ vận lương, người không khó nhọc gì cả.

Tư Mã Ý giật mình, nói:

– Ta muốn giữ vững không ra, là vì thấy việc vận lương của hắn gian khổ, không tiếp tế luôn luôn được nên ta không đánh vội, đợi cho hắn hết lương thì phải chạy. Nay hắn dùng cách này, ý muốn ở đây lâu dài, không rút về nữa, làm thế nào bây giờ?

Liền gọi Trương Hổ, Nhạc Lâm đến dặn rằng:

– Hai ngươi, mỗi người dẫn năm trăm quân đi lẻn ra đường nhỏ hang Tà Cốc, đợi lúc quân Thục đem trâu ngựa gỗ vận lương đi qua thì kệ cho nó đi hết, rồi sẽ đổ ra, không nên bắt nhiều, chỉ lấy năm ba con mang về cho ta.

Hai tướng vâng lời, dẫn quân ăn mặc giả làm quân Thục nửa đêm đi lẻn theo đường nhỏ, phục ở trong hang. Hôm sau thấy Cao Tường dắt trâu ngựa đi qua. Đi vừa khỏi, hai bên đánh trống hò reo ùa ra. Quân Thục không kịp phòng bị, phải bỏ mất vài ba đôi trâu ngựa mà chạy. Hai tướng mừng rỡ, dắt về trại nhà.

Tư Mã Ý xem thấy trâu ngựa gỗ quả nhiên cử động được như trâu ngựa thực, mừng nói:

– Hắn biết dùng phép này, dễ thường người ta không biết dùng chăng?

Bèn gọi hơn trăm thợ đến, ngồi ngay trước mặt, tháo ra từng mảnh, sai theo đúng cách thức từng gang từng tấc, dài ngắn dày mỏng, cứ thế mà chế ra. Không đầy nửa tháng, làm ra hơn hai nghìn con, chẳng khác gì của Khổng Minh. Liền sai trấn viễn tướng quân Sầm Uy, dẫn một nghìn quân dắt trâu ngựa gỗ ra Lũng Tây, tải vận lương thảo, đi lại luôn luôn. Quân tướng nước Ngụy, ai cũng mừng rỡ.

Cao Tường về ra mắt Khổng Minh, thuật lại chuyện quân Ngụy cướp mất mấy đôi trâu ngựa gỗ.

Khổng Minh cười, nói:

– Ta rất mong cho nó cướp. Ta chỉ tổn thất mấy đôi ngựa gỗ, nhưng nay mai tất lấy được lương thảo chưa biết bao nhiêu mà kể!

Các tướng hỏi rằng:

– Sao thừa tướng lại chắc được như thế?

Khổng Minh nói:

– Tư Mã Ý trông thấy ngựa gỗ của ta, tất nhiên bắt chước cách thức cũng chế tạo ra được. Nhưng ta sẽ lại có mẹo khác.

Vài hôm sau, có người báo quân Ngụy cũng làm ra trâu ngựa gỗ, đem ra Lũng Tây tải lương thảo.

Khổng Minh mừng, nói:

– Có sai lời ta đâu!

Liền gọi Vương Bình dặn rằng:

– Ngươi dẫn một nghìn quân, ăn mặc giả làm quân Ngụy, đêm khuya đi lẻn qua Bắc Nguyên, nói phao là quân đi tuần lương, mà trà trộn vào bọn giặc, thừa cơ giết hết quân coi lương rồi dắt trâu ngựa về. Khi về qua Bắc Nguyên, chỗ ấy tất có quân Ngụy đuổi theo, ngươi nên sai quân vặn hết lưỡi ra thì trâu ngựa ấy không đi đi được nữa, và bỏ cả đấy mà chạy. Quân Ngụy đến nơi kéo cũng không nổi, lôi cũng không đi, bấy giờ ta sẽ có quân đến, ngươi lại phải quay lại, lấy lưỡi trâu ngựa tra vào, rồi dắt về. Quân Ngụy tất nghi là ma quỷ, không dám đuổi theo nữa đâu.

Vương Bình vâng lệnh, dẫn quân đi.

Khổng Minh lại gọi Trương Ngực đến dặn rằng:

– Ngươi dẫn trăm quân, ăn mặc giả làm thuần Lục đinh Lục giáp đầu quỷ mình thú, dùng thuốc ngũ sắc bôi vào mặt, làm ra hình thù quái dị. Người nào cũng một tay cầm lá cờ thêu, một tay cầm gươm, mình đeo bầu hồ lô, trong bầu chứa sẵn đồ khói lửa, phục ở bên cạnh núi, đợi khi trâu ngựa đi qua, thì đốt cho khói lửa bốc lên, rồi kéo ra dòng dắt trâu ngựa về.

Trương Ngực vâng lệnh dẫn quân đi.

Lại gọi Ngụy Diên, Khương Duy đến dặn rằng:

– Hai người dẫn một vạn quân, ra trại Bắc Nguyên, tiếp ứng cho trâu ngựa về.

Lại gọi Liêu Hoá, Trương Dực rằng:

– Hai người dẫn năm nghìn quân ra chẹn đường Tư Mã Ý lại cứu.

Lại dặn Mã Trung, Mã Đại rằng:

– Hai chúng ngươi dẫn hai nghìn quân đến Vị Nam khởi sự đánh nhau.

Sáu tướng tuân lệnh, ai nấy dẫn quân đi.

Nói về tướng Ngụy là Sầm Uy dẫn quân dắt trâu ngựa gỗ vận lương. Đang đi được tin báo có quân đi tuần tiễu. Uy sai người ra xem, quả nhiên là quân Ngụy thực mới yên tâm kéo đi. Quân hai cánh vừa hợp làm một, bỗng nhiên nổi tiếng reo, quân Thục ở trong đám quân Ngụy xông ra, hô lên rằng:

– Đại tướng Vương Bình đây!

Quân Ngụy chạy về trại Bắc Nguyên báo tin. Quách vội vàng dẫn quân đến cứu. Vương Bình sai quân rút lưỡi trâu ngựa ra bỏ cả dọc đường, rồi vừa đánh vừa chạy. Quách Hoài truyền quân không đuổi vội, hãy dắt trâu ngựa đem về, nhưng khi quân sĩ kéo ồ cả lại dắt trâu ngựa đi, thì lay không sao chuyển, kéo không sao động được. Quách Hoài nghi hoặc, không biết tại sao. Bỗng đâu, trống đánh tù và thổi, tiếng reo bốn mặt, rồi có hai cánh quân của Ngụy Diên, Khương Duy tràn đến, Vương Bình cũng quay lại, ba mặt đánh dồn vào Quách Hoài bị thua to chạy mất. Vương Bình sai quân tra lưỡi trâu ngựa vào, rồi đốc thúc kéo đi. Quách Hoài thấy vậy, toan quay binh lại đuổi. Bổng thấy mé sau núi, có một luồng khói đen ngùn ngụt bốc lên, rồi một đội thần binh kéo ra, mỗi người cầm một lá cờ, một thanh kiếm, mặt mũi kỳ quái, xúm quanh lại giữ trâu ngựa, đi nhanh như gió.

Quách Hoài thất kinh, nói:

– Đây hẳn là thần xuống giúp cho quân Thục!

Quân sĩ trông thấy, đều sợ mất vía, không dám đuổi theo.

Tư Mã Ý nghe tin quân Bắc Nguyên bị thua, vội vàng đem quân đến cứu. Đi đến nửa đường, sực có một tiếng pháo nổ lên, rồi hai mặt quân đổ ra. Cờ hiệu để chữ to Trương Dực, Liêu Hoá. Tư Mã Ý giật mình, quân Ngụy sợ run cầm cập, tan vỡ chạy trốn.

Đó là:

Đã gặp tướng thần, lương bị cướp,

Lại thêm quân phục, mạng hầu nguy.

Chưa biết Tư Mã Ý cự địch làm sao, xem hồi sau phân giải.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.