TAM QUỐC DIỄN NGHĨA

Chương 70: Trương Phi Lấy Ngọa Khẩu Ải Huỳnh Trung Đoạt Thiên Ðản San



Trương Phi khỏe, dùng mưu lấy Ngõa Khẩu ải

Hoàng Trung già, bày kế đoạt Thiên Đãng sơn

Lại nói, Trương Cáp, dẫn bộ binh chia làm ba trại, dựa vào sườn núi hiểm trở; trại thứ nhất gọi là Nham Cừ, trại thứ hai là Mộng Đầu, trại thứ ba là Đãng Thạch. Hôm ấy, Trương Cáp để lại mỗi trại nửa quân giữ nhà, còn bao nhiêu kéo đến lấy Ba Tây. Có thám mã báo tin về Ba Tây, nói Trương Cáp đã kéo quân đến. Trương Phi vội gọi Lôi Đồng lại bàn bạc. Đồng nói:

– Lãng Trung địa thế núi non hiểm trở, có thể mai phục được. Tướng quân dẫn quân ra đánh, tôi kéo kỵ binh ra giúp tất bắt sống được Trương Cáp.

Trương Phi giao cho Lôi Đồng năm ngàn tinh binh mang đi, còn mình thì dẫn một vạn quân dời khỏi Lãng Trung ba mươi dặm sau thì gặp Trương Cáp. Hai bên dàn trận, Trương Phi ra ngựa, gọi Trương Cáp giao chiến. Cáp cầm giáo tế ngựa xốc tới, đánh nhau hơn hai mươi hiệp. Hậu quân của Trương Cáp bỗng hò reo ầm ĩ: té ra trông thấy cờ quạt của quân Thục phấp phới mé sau núi, quân Cáp rối rít cả lên, Cáp không dám ham đánh, quất ngựa chạy về. Trương Phi đuổi theo chém giết tơi bời. Phía trước, Lôi Đồng dẫn quân đánh đổ ra. Trương Cáp thua trong, chạy mãi về trại Nham Cừ, rồi lại chia binh ra giữ ba trại như trước, chứa nhiều gỗ đá giữ vững không ra đánh nữa.

Trương Phi dẫn quân tiến đến cách trại Nham Cừ mười dặm hạ trại. Hôm sau dẫn quân đến khiêu chiến. Cáp ở trên đỉnh núi, thổi sáo, đánh trống, uống rượu, nhất định không xuống Trương Phi sai quân sĩ chửi mắng om sòm, Cáp cũng không ra. Phi phải trở về trại.

Hôm sau, Phi lại sai Lôi Đồng đến dưới núi khiêu chiến, Cáp cũng không ra. Lôi Đồng thúc quân lên, trên núi gỗ đá lao xuống ầm ầm. Lôi Đồng vội vã rút lui. Quân ở trại Đãng Thạch và trại Mông Đầu đổ ra, đánh bại Lôi Đồng.

Hôm sau, Trương Phi lại đến khiêu chiến, Trương Cáp vẫn cứ giữ trên núi không xuống. Phi sai quân sĩ chửi mắng rất tàn tệ, Cáp ở trên núi cũng chửi.

Trương Phi mãi không biết dùng mẹo gì dử cho được Trương Cáp xuống núi. Phi mới kéo tận trước núi cắm trại, ngày nào cũng rượu say tuý luý, ngồi chửi mắng, sỉ nhục Trương Cáp. Huyền Đức sai người đến khao quân, thấy Trương Phi uống rượu suốt ngày, liền về báo tin. Huyền Đức giật mình, hỏi Khổng Minh, Khổng Minh cười, nói:

– Trong quân chắc không có rượu ngon, ở Thành Đô rất nhiều rượu tốt, nên đem năm mươi vò, chất vào ba chiếc xe tải ra đó để Trương tướng quân uống.

Huyền Đức thất kinh, nói:

– Em tôi xưa nay chỉ vì uống rượu mà lỡ việc sao quân sư lại đưa thêm rượu cho nó?

Khổng Minh cười, nói:

– Chúa công kết anh em với Dực Đức bao nhiêu lâu nay, vẫn chưa biết người thế nào ru? Dực Đức tuy uống rượu nóng nảy, nhưng hồi trước vào lấy Xuyên tha được Nghiêm Nhan, đó không phải là việc kẻ dũng phu có thể làm được. Nay cự nhau với Trương Cáp hơn năm mươi ngày, ngồi trước núi uống rượu chửi mắng, không coi ai ra gì, đó là mẹo đánh được Trương Cáp, chứ không phải tham chén đâu!

Huyền Đức nói:

– Đã đành rằng thế, nhưng cũng không nên quá tin, phải sai Nguỵ Diên đi giúp mới được.

Khổng Minh sai Nguỵ Diên tải rượu đi, mỗi xe cắm một lá cờ, đề hàng chữ to “Rượu ngon dùng trong quân”. Diên vâng lệnh đem rượu đến trại Trương Phi, nói là chúa công ban cho rượu tốt. Phi nhận rượu xong, bảo Nguỵ Diên, Lôi Đồng rằng:

– Hai người, mỗi người dẫn một toán quân chia làm hai cánh tả hữu, hễ trông thấy trong quân ta phất ngọn cờ đỏ, thì cùng tiến quân ra mà đánh.

Dặn dò đâu đấy. Phi lại sai mang rượu bày la liệt trước trướng, cho quân sĩ mở cờ đánh trống để uống rượu.

Quân đi do thám báo lên trên núi. Trương Cáp ra đỉnh núi đứng xem, thấy Trương Phi ngồi ngất ngưởng uống rượu, sai hai tên lính đánh vật ở trước mặt để làm vui.

Cáp nói:

– Trương Phi khinh ta quá đỗi!

Mới truyền lệnh đêm nay xuống cướp trại Trương Phi, sai trại Đãng Thạch và trại Mông Đầu chia làm hai đường tả hữu đánh giúp. Đêm hôm ấy, Trương Cáp nhân có bóng trăng lờ mờ, dẫn quân xuống núi đến thẳng trước trại Trương Phi. Tự đằng xa trông lại, Cáp thấy trong trướng bóng đèn đuối sáng choang, Trương Phi đang ngồi gật gù uống rượu. Trương Cáp đi đầu thét trong một tiếng. Trước núi thúc trống trợ oai, Cáp đánh thốc vào trung quân. Thấy Trương Phi vẫn ngồi ở đó, không nhúc nhích chút nào. Cáp tế ngựa xông đến tận trước mặt, đâm một nhát giáo, té ra là một bó cỏ, Cáp vội vàng quay ngựa về, thì bốn mặt pháo nổ vang lên, rồi có một tướng đi trước chặn mất đường đi, trợn cặp mắt tròn, tiếng như sét đánh, đúng là Trương Phi, Phi khua mâu tế ngựa xông đến đánh Trương Cáp. Hai tướng đánh nhau trong ánh lửa, bốn năm mươi hiệp. Cáp chỉ ngóng quân hai trại đến cứu, không ngờ quân cứu đã bị Nguỵ Diên, Lôi Đồng đánh bại cả rồi, và thừa thế cướp được hai trại. Cáp không thấy quân đến cứu, lại thấy trên đỉnh núi mình có lửa cháy, thì ra trại Trương Cáp cũng đã bị hậu quân của Trương Phi cướp rồi. Cáp mất cả ba trại, phải chạy về ải Ngoã Khẩu.

Trương Phi được trận to, báo tin về Thành Đô. Huyền Đức mừng lắm, mới biết Trương Phi uống rượu là dùng mẹo để lừa cho Trương Cáp xuống núi.

Trương Cáp lui về giữ ải Ngoã Khẩu, ba vạn quân đã mất hai vạn, phải sai người đến Tào Hồng cầu cứu. Hồng nổi giận, nói:

– Ngươi không nghe ta, cố đòi tiến binh cho được, nay mất cả ải khẩn yếu rồi, còn đến đây cầu cứu à?

Nói rồi, không cho quân đi cứu, lại sai người thúc Trương Cáp phải ra đánh. Cáp nóng ruột, phải nghĩ kế, mới chia quân làm hai cánh, kéo ra mé sau núi mai phục và dặn rằng:

– Ta giả đò thua chạy, Trương Phi tất nhiên đuổi theo, chúng mày xông ra trận lấy đường về của y.

Hôm ấy, Trương Cáp dẫn quân tiến lên, vừa gặp Lôi Đồng.

Đánh nhau được vài hiệp Cáp thua chạy. Lôi Đồng đuổi theo, hai toán phục quân đổ ra chặn mất đường về, Cáp quay lại đánh, đâm chết Lôi Đồng. Quân thua chạy về báo với Trương Phi.

Phi dẫn quân lại đánh Trương Cáp, Cáp cũng giả đò thua chạy, Phi không đuổi. Cáp lại tiến đến, đánh chưa được vài hiệp lại chạy. Phi biết đó là mưu kế, thu quân về trại, bàn với Nguỵ Diên rằng:

– Trương Cáp dùng kế mai phục, giết mất Lôi Đồng của ta, lại muốn lừa cả ta nữa, ta nhân kế nó mà dùng kế mình.

Nguỵ Diên hỏi kế thế nào, Phi nói:

– Ngày mai ta dẫn quân đi trước, ngươi đem tinh binh đi sau. Đợi khi nào quân phục của nó đổ ra, thì ngươi chia quân nhỏ rồi phóng hoả đốt xem, để ta thừa thế bắt Trương Cáp, báo thù Lôi Đồng.

Nguỵ Diên lĩnh mệnh.

Hôm sau, Trương Phi dẫn quân tiến đi. Trương Cáp lại đến đánh với Trương Phi độ mười hiệp. Cáp giả tảng thua chạy. Phi đuổi theo, Cáp vừa đánh vừa chạy, dử cho Trương Phi đuổi đến cửa hang, Cáp đổi hậu quân làm tiền quân đóng lại đánh nhau, chỉ mong hai cánh quân phục ra để vây Trương Phi. Không ngờ quân phục đã bị Nguỵ Diên chặn đuổi vào hang, đem xe lấp kín đường núi, châm lửa đốt xe, cây cối đều cháy, khói toả bốn bề, không biết đường nào mà ra. Trương Phi cứ việc xông vào đánh. Trương Cáp cố sống cố chết mới chạy thoát được về ải Ngoã Khẩu, nhặt nhạnh tàn quân, giữ vững không dám thò ra nữa.

Trương Phi, Nguỵ Diên đánh cửa Ngoã Khẩu, luôn mấy hôm không hạ được, bèn lui hai mươi dặm hạ trại. Phi cùng với Nguỵ Diên dẫn vài chục tên quân kỵ đi tìm đường nhỏ, bỗng thấy có mấy người vừa trai vừa gái, người nào cũng đeo khăn gói đang trèo núi, víu cây mà đi. Phi trỏ roi ra bảo Nguỵ Diên rằng:

– Cướp cửa ải Ngoã Khẩu, phải cần đến mấy người kia!

Liền gọi quân sĩ đến bảo, gọi các người ấy lại và không được làm họ sợ hãi. Phi lấy lời ngọt ngào dỗ dành để họ yên lòng, rồi hỏi:

– Chúng mày đi đâu thế?

Họ thưa rằng:

– Chúng tôi là dân Hán Trung, nay muốn trở về làng, nhưng thấy đại quân đánh nhau, nghẽn mất đường cái Lãng Trung. Vậy chúng tôi phải đi qua Sương Khê, rồi đi từ đường núi Tử Đồng, qua sông Cối Nghi để vào Hán Trung mà về nhà.

Phi lại nói:

– Đường này về ải Ngoã Khẩu, xa gần thế nào?

Họ Thưa:

– Từ con đường nhỏ núi Tử Đồng đi ra, chính là sau lưng ải Ngoã Khẩu.

Phi mừng lắm, đem bọn người ấy về trại cho cơm rượu ăn uống tử tế, rồi sai Nguỵ Diên dẫn quân đến đánh cửa ải, còn mình thì đem quân khinh kỵ đến đánh phía sau ải.

Nói về Trương Cáp không thấy quân đến cứu, trong bụng đang buồn, bỗng có tin Nguỵ Diên đến khiêu chiến. Cáp mặc áo giáp lên ngựa sắp sửa xuống núi, chợt lại thấy mé sau núi có bốn năm chỗ khói lửa, không biết là quân ở đâu đến. Cáp dẫn quân ra đánh thì đã thấy Trương Phi đến nơi rồi. Cáp sợ hãi, vội chạy theo đường nhỏ, ngựa không đi được, đằng sau thì Trương Phi đuổi gấp quá. Cáp phải bỏ ngựa, trèo lên núi tìm đường tắt đi trốn, chỉ còn được mười người kéo bộ đi theo, chạy về Nam Trịnh, ra mắt Tào Hồng. Hồng thấy thế, nổi giận mắng rằng:

– Ta đã bảo đừng đi, ngươi cứ khăng khăng một mực, lập tờ văn trạng xin đi. Bây giờ mất sạch cả quân, không biết tự tử đi cho rảnh, còn mặt mũi nào trông thấy ta nữa!

Bèn quát sai tả hữu lôi Cáp ra chém. Hành quân tư mã là Quách Hoài can rằng:

– Ba quân dễ kiếm, một tướng khó tìm. Trương Cáp tuy là người có tội, nhưng là người Nguỵ vương yêu mến, giết đi không tiện. Nay nên cấp thêm cho y năm nghìn quân, sai y đến đánh cửa Hà Manh, để cho rung động các xứ, Hán Trung ta tự nhiên yên vững. Nếu không thành công, hai tội ta sẽ trị làm một.

Táo Hồng nghe lời, lại cấp cho Trương Cáp năm nghìn quân, sai ra lấy ải Hà Manh. Cáp vâng lệnh ra đi.

Lại nói tướng giữ ải Hà Manh là Mạnh Đạt, Hoắc Tuấn, nghe tin Trương Cáp dẫn binh đến, Hoắc Tuấn có ý muốn kiên thủ; còn Mạnh Đạt thì muốn nghênh địch, liền đem quân xuống đánh nhau với Trương Cáp, nhưng bị thua to chạy về. Hoắc Tuấn viết thư cáo cấp về Thành Đô. Huyền Đức mời Khổng Minh đến thương nghị. Khổng Minh hội các tướng lại bảo rằng:

– Cửa Hà Manh ta nguy cấp lắm, phải sai người ra Lãng Trung gọi Dực Đức về mới địch được Trương Cáp.

Pháp Chính nói:

– Dực Đức đóng ở Lãng Trung, giữ ải Ngoã Khẩu cũng là một chỗ khẩn yếu, không nên gọi về. Quân sư nên chọn một đại tướng ở nhà đi cũng xong.

Khổng Minh cười, nói rằng:

– Trương Cáp là danh tướng nước Nguỵ, không phải tay tầm thường, phi Dực Đức không ai địch nổi.

Bỗng có một tướng lớn tiếng, bước ra nói rằng:

– Quân sư sao khinh chúng tôi thế? Tôi tuy bất tài, nhưng quyết xin chém đầu Trương Cáp về nộp dưới trướng!

Mọi người trông ra xem ai, thì chính là lão tướng Hoàng Trung.

Khổng Minh nói:

– Hán Thăng tuy có sức khoẻ, nhưng đã già cả rồi e không phải đối thủ của Trương Cáp.

Trung nghe xong, vểnh ngược bộ râu bạc mà nói rằng:

– Tôi tuy già, nhưng hai cánh tay còn giương nổi được cung ba tạ, gân sức còn mang nổi nghìn cân, không địch nổi được gã thất phu Trương Cáp hay sao?

Khổng Minh nói:

– Tướng quân đã ngót bảy mươi tuổi, còn gì mà chẳng già yếu!

Trung bước rảo xuống thềm, lấy một thanh đại đao trên giá, múa tít như bay. Lại lấy cung treo trên vách, giương gãy luôn hai chiếc.

Khổng Minh nói:

– Tướng quân muốn đi, nên dùng ai làm phó tướng?

Trung nói:

– Tôi xin lão tướng Nghiêm Nhan cùng đi với tôi, nếu có sơ suất điều gì, xin nộp cái đầu bạc này trước.

Huyền Đức mừng lắm, lập tức sai Hoàng Trung, Nghiêm Nhan dẫn binh ra đánh Trương Cáp.

Triệu Vân can rằng:

– Trương Cáp phạm vào cửa Hà Manh, quân sư chớ coi là trò đùa! Nếu cửa ải mất, thì Ích Châu nguy ngay. Sao quân sư lại có hai tướng già ra cự với đám cường địch?

Khổng Minh nói rằng:

– Ngươi cho hai người ấy già cả không làm nổi được việc, ta chắc rằng Hán Trung tự tay hai người ấy mà lấy được.

Triệu Vân và các tướng ai cũng cười khẩy lui ra.

Nói về Hoàng Trung, Nghiêm Nhan đến cửa ải, Mạnh Đạt, Hoặc Tuấn trông thấy cũng cười thầm Khổng Minh không biết dùng người, chỗ cửa ải khẩn yếu thế này mà lại đi sai hai anh già đến!

Hoàng Trung bảo với Nghiêm Nhan rằng:

– Ông có thấy họ động tĩnh gì không? Họ cười chúng ta già cả, không làm nổi việc. Ta nên lập kỳ công để cho họ biết tay.

Nghiêm Nhan nói:

– Xin tuân lời tướng quân!

Hai người bàn định xong, Hoàng Trung dẫn quân xuống ải đánh nhau với Trương Cáp. Cáp trông thấy Hoàng Trung, phì cười ra nói rằng:

– Thằng giặc già lụ khụ kia! Mày không biết xấu hổ còn muốn vác mặt ra trận à?

Trung giận, mắng rằng:

– Thằng nhãi con! Mày khinh tao già, nhưng thanh đao trong tay tao chưa già!

Liền vỗ ngựa xông lên quyết chiến với Trương Cáp. Hai bên đánh nhau, mới được hai mươi hiệp, bỗng đâu có tiếng reo rầm rĩ, té ra Nghiêm Nhan từ con đường nhỏ lén đánh mé sau Trương Cáp. Hai cánh quân ập lại, Cáp không địch nổi, phải thua chạy lui về tám chín mươi dặm. Hoàng Trung, Nghiêm Nhan cũng thu quân lên ải. Hai bên cùng đóng quân lại, không đánh chác gì nữa.

Tào Hồng nghe tin Trương Cáp thua trận nữa, lại muốn trị tội. Quách Hoài can rằng:

– Trương Cáp mà bị ta làm bức quá, tất hàng với Tây Thục. Nay nên sai tướng khác ra giúp, nhân thế để kiểm thúc y, cho y khỏi sinh bụng khác.

Hồng nghe lời, liền sai Hạ Hầu Thượng là cháu Hạ Hầu Đôn và hàng tướng Hàn Hạo là em Hàn Huyền dẫn năm nghìn quân đến giúp. Hai tướng đến trại Trương Cáp, hỏi việc quân, Cáp nói:

– Lão tướng là Hoàng Trung khoẻ lắm, lại có Nghiêm Nhan giúp đỡ, không nên khinh địch.

Hàn Hạo nói:

– Ta ở Trường Sa, đã biết giặc già ấy ghê gớm lắm. Nó đồng mưu với Nguỵ Diên dâng thành trì cho Lưu Bị, giết mất anh ta, nay đã gặp nhau, ta phải báo thù mới được!

Nói đoạn, cùng với Hạ Hầu Thượng dẫn quân dời trại kéo đi.

Hoàng Trung mấy hôm liền đi thám thính dò la, biết hết đường lối. Nghiêm Nhan bảo rằng:

– Cách đây có ngọn núi Thiên Đãng là chỗ Tào Tháo chứa lương thảo. Nếu ta cướp được núi ấy, chẹn mất lương thảo thì Hán Trung có thể lấy được.

Hoàng Trung nói:

– Lời tướng quân hợp ý tôi lắm! Nên dùng kế này… thế này…

Nghiêm Nhan theo kế, dẫn quân đi trước.

Hoàng Trung nghe tin Hạ Hầu Thượng, Hàn Hạo kéo quân đến, cũng dẫn quân mã ra trại nghênh địch. Hàn Hạo đứng trước trận quát mắng rằng:

– Thằng giặc già bất nghĩa kia!

Nói đoạn, thúc ngựa vào đánh nhau với Hoàng Trung. Hạ Hầu Thượng bèn ra đánh ập lại. Hoàng Trung ra sức địch hai tướng, độ mười hiệp, Trung thua chạy. Hai tướng đuổi theo hơn hai mươi dặm, cướp được trại Hoàng Trung, Trung lại lập một cái trại khác.

Hôm sau, Hạ Hầu Thượng, Hàn Hạo lại dẫn quân đến. Trung ra trận đánh vài hiệp lại chạy. Hai tướng đuổi đánh xa hai mươi dặm lại cướp được trại nữa, gọi Trương Cáp bảo giữ trại sau. Cáp đến trại trước can rằng:

– Hoàng Trung chạy luôn hai hôm, tất có mẹo lừa gì đây!

Hạ Hầu Thượng mắng Cáp rằng:

– Ngươi nhát như thế, không trách thua mãi. Nay chớ có nói lôi thôi, để chúng ta lập công cho mà xem!

Trương Cáp thẹn đỏ cả mặt đi ra.

Hôm sau, hai tướng lại dẫn quân đến đánh. Hoàng Trung lại thua chạy lui hai mươi dặm. Hai tướng lần lần đuổi kịp. Hôm sau nữa, hai tướng vừa ra quân thì Hoàng Trung đã vội bỏ chạy, thua luôn bốn năm trận, rút về cửa ải. Hai tướng đến sát cửa ải hạ trại. Hoàng Trung giữ chặt không ra nữa.

Mạnh Đạt thấy vậy, ngầm đưa thư về báo rõ đầu đuôi việc đó với Huyền Đức rằng: “Hoàng Trung thua trận chạy mấy lần nay đã lùi về trên ải”. Huyền Đức vội vàng hỏi Khổng Minh. Khổng Minh nói:

– Đó là mẹo của lão tướng làm cho quân địch sinh kiêu đó!

Triệu Vân và các tướng không tin. Huyền Đức sai Lưu Phong đến tiếp ứng cho Hoàng Trung.

Lưu Phong dẫn quân đến, Hoàng Trung hỏi:

– Tiểu tướng quân đến đây có việc gì?

Phong nói:

– Phụ thân tôi thấy tướng quân thua mãi, nên sai tôi đến giúp.

Trung cười, nói rằng:

– Đó là mẹo của lão phu làm cho quân địch sinh kiêu đấy! Đêm nay chỉ đánh một trận là đủ lấy lại các trại, lại đoạt được thêm lương thảo, xe ngựa. Thế gọi là bỏ trại không để cho quân kia mượn mà chứa lương thảo đó thôi. Đêm nay, Hoắc tướng quân ở nhà giữ ải, Mạnh tướng quân ra khuân vác lương thảo và cướp lấy ngựa; tiểu tướng quân coi ta phá giặc cho mà xem!

Canh hai đêm hôm ấy, Trung dẫn năm nghìn quân mở cửa ải kéo xuống. Hạ Hầu Thượng, Hàn Hạo mấy hôm không thấy quân trên ải xuống, sinh ra trễ nhác, không bị gì cả. Bất thình lình bị Hoàng Trung đánh thẳng vào trại, người chưa kịp mặc giáp, ngựa chưa kịp thắng yên, hai tướng phải liều mạng chạy trốn. Quân mã giày xéo lẫn nhau, chết hại không biết bao nhiêu. Hoàng Trung đuổi tràn mãi đến sáng, cướp luôn được ba trại, lại được khí giới lương thảo rất nhiều. Hoàng Trung sai Mạnh Đạt vận hết cả lên cửa ải. Hoàng Trung lại thúc quân đuổi theo. Lưu Phong can rằng:

– Quân ta đã mỏi mệt, nên cho nghỉ ngơi rồi sẽ hay.

Hoàng Trung nói:

– Không vào hang hổ, sao bắt được hổ con?

Nói đoạn, tế ngựa đi trước, quân sĩ đều hăng hái tiến lên. Trương Cáp muốn ra cự địch, nhưng vì quân nhà thua chạy về rối rít, không sao giữ được vững, phải bỏ hết cả trại chạy mãi về đến gần sông Hán Thuỷ.

Trương Cáp tìm thấy Hạ Hầu Thượng, Hàn Hạo cùng bàn với nhau rằng:

– Ở đây có núi Thiên Đãng, là chỗ chứa lương thảo, vả lại giáp cận với núi Mễ Thương cũng là kho lương. Hai xứ ấy đều là nguồn nuôi sống quân sĩ cả. Nếu để sơ suất thì là không có Hán Trung nữa đấy, phải tìm cách giữ cho cẩn thận mới được.

Hạ Hầu Thượng nói rằng:

– Núi Mễ Thương đã có chú ta là Hạ Hầu Uyên chia quân ra giữ rồi, vả lại gần ngay núi Định Quân, không phải lo cho lắm. Núi Thiên Đãng anh ta là Hạ Hầu Đức trấn thủ, chúng ta nên đến đó nương nhờ và giữ núi ấy nhân thể.

Thế rồi, Trương Cáp cùng hai tướng quân đến luôn núi Thiên Đăng, ra mắt Hạ Hầu Đức, thuật lại chuyện trước.

Hạ Hầu Đức nói:

– Ở đây ta đã đóng mười vạn quân rồi, các ngươi nên dẫn quân đi lấy lại các trại cũ.

Trương Cáp nói:

– Ta chỉ nên giữ vững, chớ không nên khinh động nữa.

Bổng nghe tiếng chiêng trống rầm rĩ. Hoàng Trung đã kéo quân đến nơi. Hạ Hầu Đức cười lớn nói rằng:

– Lão tặc chỉ cậy sức khoẻ, không biết binh pháp là gì!

Trương Cáp nói:

– Hoàng Trung có mưu, không phải chỉ khoẻ mà thôi đâu!

Đức nói:

– Quân Xuyên từ xa đến đây, mỏi mệt luôn mấy hôm rồi mà còn dám đem quân vào nơi hiểm trở này, thế nào gọi là biết mưu.

Cáp nói:

– Tuy rằng thế, ta cũng không nên khinh địch, cứ giữ trại cho vững là hơn!

Hàn Hạo xin dẫn quân ra đánh. Hạ Hầu Đức cho Hạo dẫn ba nghìn quân xuống núi. Hoàng Trung đem quân lại đánh, Lưu Phong can rằng:

– Bây giờ trời gần tối, mà quân ta từ xa đến đây, đã mỏi mệt cả, nên cho nghỉ ngơi.

Trung cười, nói rằng:

– Đây chính là trời cho ta dịp hay để lập công to, nếu không đánh ngay đi, thì trái lòng trời.

Nói xong, đánh trống ầm ĩ kéo đến. Hàn Hạo dẫn quân ra địch. Hoàng Trung múa đao xông vào, mới một hiệp đã chém chết Hàn Hạo ngã quay xuống đất. Quân Thục reo ầm cả lên, kéo lên trên núi. Trương Cáp, Hạ Hầu Thượng vội vàng dẫn quân ra địch. Bỗng lại nghe ở mé sau núi, tiếng réo vang dậy, lửa cháy đùng đùng, sáng rực cả trời đất. Hạ Hầu Đức dẫn quân ra cứu lửa, thì gặp ngay lão tướng là Nghiêm Nhan, tay cầm đao chém một nhát, Hạ Hầu Đức chết lăn xuống ngựa. Nguyên Hoàng Trung sai Nghiêm Nhan dẫn quân đi mai phục ở chỗ núi hẻo lánh, chỉ đợi quân Hoàng Trung đến là nhất tề châm lửa vào những đống rơm cỏ cháy đùng đùng, sáng rực núi non. Chém xong Hạ Hầu Đức, Hạ Hầu Thượng trước sau không nhìn ngó được nhau, phải bỏ núi Thiên Đãng nhằm chạy về núi Định Quân với Hạ Hầu Uyên. Hoàng Trung, Nghiêm Nhan giữ vững núi Thiên Đãng, rồi báo tin thắng trận về Thành Đô. Huyền Đức được tin bèn hợp các tướng lại ăn mừng. Pháp Chính nói:

– Trước kia, Tào Tháo dẹp Trương Lỗ, bình định Hán Trung, không nhân dịp lấy luôn Ba Thục, mà lại để Trương Cáp và Hạ Hầu Uyên đóng giữ, rồi tự dẫn đại quân về miền Bắc, đó là thất sách lắm. Nay Trương Cáp mới bị thua, Thiên Đãng thất thủ, nếu chúa công lúc này cử đại binh thân đến mà đánh, thì có thể lấy được Hán Trung. Định xong Hán Trung, rồi luyện quân, chứa thóc, xem xét tình thế, tiến ra có thể đánh được giặc, lui về có thể giữ vững. Đây là dịp trời, chớ nên bỏ lỡ.

Huyền Đức, Khổng Minh đều cho là rất phải, liền sai Triệu Vân, Trương Phi làm tiên phong; Huyền Đức, Khổng Minh dẫn mười vạn quân, chọn ngày đánh lấy Hán Trung, truyền hịch cho các nơi phải phòng bị nghiêm ngặt hơn nữa.

Năm Kiến An thứ hai mươi ba (218), tháng bảy, ngày tốt Huyền Đức dẫn đại quân ra cửa Hà Manh hạ trại, vời Hoàng Trung, Nghiêm Nhan về trại thưởng cho rất hậu và bảo rằng:

– Người ta ai cũng bảo tướng quân già yếu, chỉ có quân sư biết tài năng tướng quân, nay quả nhiên lập được công lạ. Nhưng còn núi Định Quân ở Hán Trung cũng là chỗ chứa lương thảo, lại là bình phong của Nam Trịnh, nếu hạ được núi Định Quân thì suốt dọc Dương Bình không phải lo lắng gì nữa. Không biết tướng quân có dám đánh lấy núi đó không?

Hoàng Trung hăng hái vâng lời, lĩnh quân đi ngay. Khổng Minh ngăn lại nói rằng:

– Lão tướng quân tuy còn khoẻ, nhưng Hạ Hầu Uyên không phải như Trương Cáp. Y giỏi thao lược, biết binh cơ. Tào Tháo cậy y che chở mặt Tây Lương. Khi trước, đóng quân ở Tràng An, để cự nhau với Mã Mạnh Khởi, nay lại đóng ở đây để giữ Hán Trung. Tháo không uỷ thác cho ai, mà sai y, vì y không phải là tay tầm thường. Nay tướng quân tuy đánh được Trương Cáp, nhưng vị tất đã đánh thắng nổi được y. Ta muốn kén một người sang Kinh Châu thế cho Vân Trường về thì hoạ chăng mới địch nổi y được.

Trung vùng lên đáp lại rằng:

– Ngày xưa, Liêm Pha tám mươi tuổi, còn ăn một đấu gạo, mười cân thịt, chư hầu nghe tiếng đều phải sợ, không dám xâm phạm bờ cõi nước Triệu. Huống chi tôi, chưa đến bảy mươi tuổi ư? Quân sư đã cho tôi là già, tôi không cần đến phó tướng nữa. Chỉ xin một mình dẫn ba nghìn quân bản bộ đi chém lấy đầu Hạ Hầu Uyên đem về nộp dưới cờ, để quân sư coi!

Khổng Minh hai ba lần không cho đi. Hoàng Trung cứ khăng khăng rằng một mực xin đi. Khổng Minh mới bảo rằng:

– Tướng quân đã muốn đi, thì để ta cho một người đi làm giám quân, có bằng lòng không?

Đó là:

Sai tướng nên dùng lời khích tướng

Tuổi già lại khéo dụng mưu già!

Chưa biết ai làm giám quân, xem đến hồi sau sẽ rõ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.