TAM QUỐC DIỄN NGHĨA

Chương 61: Giữa Sông, Tử Long Đoạt A Ðẩu Tôn Quyền Hòa Hoãn Với Tào Man



Triệu Vân chặn sông giằng lại A Đẩu

Tôn Quyền đưa thư đánh lui Tào Man

Bàng Thống, Pháp Chính hai người khuyên mãi Huyền Đức giết Lưu Chương ở ngay trong tiệc thì chỉ vẫy tay là lấy ngay được Tây Xuyên, Huyền Đức nhất định không nghe. Hôm sau, hai người lại cùng nhau ăn tiệc trong thành, chuyện trò đằm thắm. Tiệc đến nửa chừng, Bàng Thống bàn với Pháp Chính rằng:

– Việc đã đến thế này, không thể để cho chúa công định đoạt được, ta phải làm mới xong.

Bèn sai Nguỵ Diên lên thềm múa gươm, thừa cơ giết Lưu Chương. Diên vâng lệnh, rút gươm bước lên thềm nói rằng:

– Trong tiệc không có gì làm vui, tôi xin múa gươm để góp vui.

Bàng Thống lại gọi võ sĩ đứng cả dưới thềm để giúp sức cho Nguỵ Diên. Các tướng của Lưu Chương thấy Nguỵ Diên múa gươm và các võ sĩ mắt cứ nhìn chòng chọc lên nhà trên, tòng sự là Trương Nhiệm cũng rút gươm ra nói rằng:

– Múa gươm phải có hai người đối nhau mới vui, tôi xin cùng múa với Nguỵ tướng quân.

Nguỵ Diên đưa mắt cho Lưu Phong. Phong cũng rút gươm ra múa. Lưu Hội, Lãnh Bào, Đặng Hiền đều rút gươm kéo ùa ra, nói:

– Chúng tôi xin múa cả một lượt để góp phần vui.

Huyền Đức thất kinh vội vàng giật thanh gươm của một tên lính hầu, đứng lên nói:

– Anh em ta hội họp uống rượu, không có gì ngờ vực nhau cả, đây lại không phải là hội “Hồng môn”, can gì mà phải muốn gươm? Nếu ai không bỏ gươm đi thì ta chém!

Lưu Chương cũng mắng rằng:

– Anh em ta họp với nhau, hà tất phải đeo gươm!

Bèn bắt quân hầu bỏ cả gươm. Chúng thấy vậy ùa nhau kéo xuống hết. Huyền Đức lại gọi lên cho mỗi người cốc rượu, và nói rằng:

– Anh em ta là máu mủ trong họ với nhau, cùng bàn việc lớn, không bụng dạ nào, các ngươi chớ có ngờ vực!

Các tướng lạy tạ.

Lưu Chương cầm lấy tay Huyền Đức khóc và nói rằng:

– Em không bao giờ quên ơn anh được!

Hai người uống rượu vui vẻ mãi tới tận chiều mới tan tiệc.

Huyền Đức về trại, trách Bàng Thống rằng:

– Sao các ông lại đẩy tôi tới chỗ mang tiếng bất nghĩa? Từ rày không được thế nữa nhé!

Thống than thở lui ra.

Lưu Chương về đến trại, bọn Lưu Hội nói:

– Chúa công có biết quang cảnh trong ngày hôm nay không? Bất nhược về ngay cho sớm, chớ ở đây nữa mà sinh vạ.

Lưu Chương nói:

– Anh ta là Lưu Huyền Đức chứ có phải như người khác đâu!

Các tướng nói:

– Huyền Đức tuy không bụng dạ nào, nhưng bọn thủ hạ của y, ai cũng muốn nuốt ngay Tây Thục để cầu lấy phú quý.

Chương nói:

– Các ngươi không nên chia rẽ anh em ta.

Và nhất định không nghe, cứ ngày ngày cùng với Huyền Đức uống rượu, trò chuyện vui vẻ.

Chợt có tin báo Trương Lỗ sắp sửa binh mã xâm phạm vào cửa Hà Manh. Chương mời Huyền Đức ra chống cự. Huyền Đức vui vẻ vâng lời, ngay hôm ấy dẫn quân bản bộ ra cửa ải Hà Manh.

Các tướng khuyên Lưu Chương nên sai đại tướng giữ vững các cửa ải, đề phòng Huyền Đức có gây biến gì không. Chương trước còn không nghe, sau vì mọi người nói mãi, mới sai đô đốc ở Bạch Thuỷ là Cao Bái, Dương Hoài giữ vững cửa ải Bồi Thuỷ, còn mình thì trở về Thành Đô.

Huyền Đức đến Hà Manh, quân lệnh nghiêm minh, làm những điều ân huệ với dân để thu phục lòng người.

Có người báo tin ấy sang Đông Ngô. Tôn Quyền hội cả văn võ lại bàn bạc.

Cố Ung nói:

– Lưu Bị đem quân viễn chinh xông vào nơi núi non hiểm trở, chưa dễ đã về được. Chúa công sao không sai một đạo quận chặn lấp cửa vào Xuyên, cắt đứt đường y về, rồi đem hết cả quân Đông Ngô đánh lấy lại Kinh Tương có được không? Đó là một cơ hội rất hay, không nên bỏ lỡ.

Quyền nói:

– Mẹo ấy phải lắm!

Đang bàn bạc, bỗng một ngươi ở sau bình phong bước ra, thét mắng:

– Đứa nào bày ra kế ấy thế, nên chém đi! Định hại con bà hay sao?

Chúng giật mình trông xem ai, thì là Ngô quốc thái. Quốc thái giận lắm, nói:

– Cả đời ta chỉ được mụn con gái, gả cho Lưu Bị. Nay bọn ngươi động binh thì tính mạng con ta sẽ ra thế nào?

Nhân thể, lại mắng cả Tôn Quyền:

– Mày thừa kế nghiệp của cha anh, thống lĩnh tám mươi mốt châu quận, còn chưa vừa ý, lại muốn vì một chút lợi nhỏ, mà bỏ tình anh em hay sao?

Tôn Quyền vâng dạ luôn miệng rồi đáp rằng:

– Mẹ đã dạy thế, con đâu dám trái lời.

Liền quát các quan lui ra hết. Tôn Quyền đứng dưới hiên ngẫm nghĩ:

– Cơ hội này mà bỏ lỡ, thì Kinh Tương bao giờ mới lấy lại được?

Còn đang phân vân thì Trương Chiêu vào nói:

– Chúa công lo nghĩ việc gì thế?

Tôn Quyền nói:

– Chính là việc bàn bạc lúc nãy.

Chiêu nói:

– Việc ấy rất dễ. Nên sai một tướng tâm phúc đem độ năm trăm quân, lẻn vào Kinh Châu, đưa một phong thư mật đưa cho quận chúa, nói dối là quốc thái ở nhà mệt nặng, muốn trông thấy mặt con gái, mang quận chúa về ngay Đông Ngô. Huyền Đức chỉ có một con, bảo đem cả về nhân thể. Bấy giờ tất Huyền Đức phải đem Kinh Châu đổi lấy A Đẩu. Nếu không nghe, ta sẽ dấy binh thì chẳng còn ngại gì nữa!

Quyền nói:

– Kế ấy hay lắm! Ta có một tướng tên là Chu Thiện, rất can đảm, từ thuở nhỏ theo với anh ta, trèo tường vượt cổng thực tài. Nay sai đi việc này hẳn được.

Chiêu nói:

– Xin đừng tiết lộ, bảo y lên đường ngay thôi!

Tôn Quyền lập tức sai Chu Thiện dẫn năm trăm quân, ăn mặc giả làm lái buôn, chia làm năm thuyền; lại làm sẵn giấy thông hành giả, phòng khi có người hỏi đến, trong thuyền chứa giấu nhiều đồ khí giới.

Chu Thiên vâng lệnh, đi đường thuỷ sang Kinh Châu. Đến nơi, thuyền ghé cạnh bờ, Thiện lẻn vào thành, sai lính canh cửa báo tin cho Tôn phu nhân biết. Phu nhân gọi vào, Thiện trình thư lên.

Phu nhân thấy nói quốc thái ốm nặng, ứa nước mắt hỏi. Chu Thiện lạy bẩm.

– Quốc thái mệt nặng lắm, ngày đêm chỉ mong mỏi phu nhân, nếu phu nhân về chậm thì mẹ con khó được trông thấy mặt nhau. Quốc thái lại muốn xem mặt A Đẩu, xin phu nhân đem về nhân thể.

Phu nhân nói:

– Hoàng thúc mang quân đi đánh xa, nay ta muốn về, cần phải báo cho quân sư biết mới được.

Chu Thiện nói:

– Nếu quân sư bảo cần phải báo tin cho hoàng thúc, đợi lệnh trả lời rồi mới xuống thuyền, thì làm thế nào?

Phu nhân nói:

– Nếu cứ tự tiện ra đi, chắc sẽ bị cản trở.

Chu Thiện nói:

– Ở ngoài sông đã chuẩn bị thuyền bè đâu vào đấy cả rồi, chỉ còn việc mời phu nhân lên xe ra khỏi thành mà thôi.

Phu nhân nghe tin mẹ bệnh nặng, ruột nóng bồn chồn, liền ẵm A Đẩu bảy tuổi lên xe và ba mươi người đi theo. Người nào người nấy đeo gươm lên ngựa, rời Kinh Châu ra bờ sông xuống cả thuyền. Người trong cung điện định đi báo thì phu nhân đã tới trấn Sa Đầu rồi.

Chu Thiện sắp sửa bơi thuyền đi, bỗng thấy ở trên bờ có người gọi to:

– Xin đừng chở thuyền đi vội, thong thả cho tôi xuống tiễn phu nhân đã.

Người gọi đó là Triệu Vân đi tuần về, được tin ấy giật nảy mình, vội vàng đem bốn năm đầy tớ chạy như gió men bờ sông đuổi theo. Bấy giờ Chu Thiện cầm giáo dài, quát to lên rằng:

– Ngươi là ai mà dám đến đây cản trở chúa mẫu?

Nói thế rồi sai quân sĩ nhổ neo cả một lượt, đồ khí giới sắp bày ra la liệt trên thuyền. Gió thuận, nước xuôi, thuyền lướt vùn vụt giữa dòng sông.

Vân cứ chạy theo dọc bờ sông, vừa chạy vừa gọi rằng:

– Phu nhân muốn đi thì đi, tôi chỉ xin bẩm một câu mà thôi.

Chu Thiện làm lơ, thúc thuyền đi miết. Vân chạy theo được hơn mười dặm, chợt thấy trong lạch sông có chiếc thuyền đánh cá buộc cạnh bờ, Vân liền bỏ ngựa, cầm giáo nhảy lên thuyền, chỉ có hai người chở, theo thuyền phu nhân mà đuổi. Chu Thiện sai quân bắn ra. Vân lấy giáo gạt, tên rơi lả tả xuống nước. Còn cách nhau độ hơn một trượng, quân Ngô phóng giáo đâm loạn xạ sang thuyền Triệu Vân. Vân bỏ giáo, rút gươm Thanh Công chém bạt cả giáo, rồi nhảy vọt một cái sang ngay thuyền lớn. Quân Ngô rụng rời hết vía, ngã lăn tùm cả xuống sông. Vân vào trong khoang thuyền, thấy phu nhân đang ngồi ôm A Đẩu. Phu nhân quát mắng rằng:

– Ngươi là ai mà dám vô lễ thế?

Vân cài gươm vào vỏ, vâng vâng dạ dạ, nói:

– Chúa mẫu đi đâu, sao không nói cho quân sư được biết?

Phu nhân nói:

– Mẹ ta ốm nặng, ta phải vội về, nên không kịp báo đó.

Vân nói:

– Chúa mẫu về thăm bệnh, cớ sao lại mang cả tiểu chủ nhân đi?

Phu nhân nói:

– A Đẩu là con ta, để lại ở Kinh Châu không có người coi sóc.

Vân nói:

– Chúa mẫu nghĩ thế sai rồi! Chúa công chỉ vẻn vẹn có một giọt máu này, tôi một mình xông pha trong đám quân trăm vạn ở Trường Bản mới cứu được ra. Nay chúa mẫu lại mang cả đi, thế là nghĩa lý gì?

Phu nhân giận nói:

– Ngươi chẳng qua là một tên võ sĩ dưới trướng, cai quản thế nào được việc nhà ta?

Vân nói:

– Phu nhân muốn đi thì đi, nhưng phải để tiểu chủ nhân ở lại mới được.

Phu nhân thét rằng:

– Ngươi đang nửa đường sấn vào thuyền ta, định làm phản có phải không?

Vân nói:

– Phu nhân mà không để tiểu chủ nhân ở lại thì dẫu chết tôi cũng không dám để cho phu nhân đi.

Phu nhân quát sai thị tỳ xúm vào lôi xé Triệu Vân. Vân đẩy đám thị tỳ, người nào người nấy ngã dúi cả xuống, rồi sấn vào tận bọc phu nhân giằng lấy A Đẩu ôm ra đứng đầu thuyền. Vân muốn ghé vào bờ, nhưng không có ai giúp, muốn hành hung lại sợ không hợp lý, tiến thoái lưỡng nan. Phu nhân quát thị tỳ xúm vào mà giằng A Đẩu ra. Vân một tay ôm chặt lấy A Đẩu, một tay cầm lăm lăm thanh gươm, không ai dám đến gần, Chu Thiện ở phía sau ra sức giữ vững tay lái cho thyền chạy thật mau. Gió thuận nước xuôi, thuyền lướt vùn vụt như tên.

Vân chỉ có một mình, không thể ghé được thuyền vào bờ. Bỗng nhiên ở dưới hạ lưu, có độ mươi chiếc thuyền gióng hàng bơi tới, trống đánh vang lừng, cờ bay phấp phới. Vân nghĩ bụng:

– Chuyến này mắc phải mẹo Đông Ngô rồi!

Liền nhìn sang đầu thuyền thấy một tướng cầm ngọn mâu gọi to:

– Tẩu tẩu! Phải để cháu nhỏ lại đây!

Nguyên Trương Phi đang đi tuần tiễu, nghe thấy tin đó, vội vàng đến cửa sông Du Giang vừa gặp thuyền Đông Ngô, liền chặn ngay lại.

Phi rút gươm, nhảy vọt sang thuyền. Chu Thiện cầm đao đón đánh. Phi chém ngay một nhát ngã gục, rồi xách đầu Chu Thiện ném vào chỗ phu nhân ngồi.

Phu nhân giật mình nói:

– Thúc thúc sao dám vô lễ thế?

Trương Phi nói:

– Tẩu tẩu không coi anh tôi là trọng, dám tự tiện mang cháu về, đó mới là vô lễ.

Phu nhân nói:

– Mẹ ta mệt nặng gần chết. Nếu đợi anh chú trả lời, thì hỏng mất việc ta. Nhược bằng chú không cho ta về, ta tình nguyện đâm đầu xuống sông mà chết cho rảnh!

Trương Phi bàn với Triệu Vân rằng:

– Nếu cố bức bách cho phu nhân phải phẫn chí, thì chúng ta cũng không phải đạo hạ thần. Chi bằng đưa A Đẩu về là xong.

Rồi nói với phu nhân rằng:

– Chị ơi! Anh tôi là hoàng thúc nhà Hán, cũng không nhục gì danh giá của chị. Chị nay về thăm bệnh mẹ, nếu còn nhớ đến ân nghĩa anh tôi, thì xin chị mau trở về nhé!

Nói đoạn, Trương Phi ôm lấy A Đẩu sang thuyền của mình cùng với Tử Long trở về. Còn năm chiếc thuyền của phu nhân thì mặc ý cho đi.

Người sau có thơ khen Tử Long rằng:

Năm xưa cứu chúa ở Đương Dương

Nay lại liều thân chặn đại giang

Thuyền Ngô tướng sĩ bay hồn vía

Tử Long anh dũng tiếng đồn vang.

Lại có thơ khen Trương Phi rằng:

Hổ rống bên cầu tiếng thét rinh

Quân Tào trăm vạn rụng rời kinh

Buổi nay phò chúa trên sông cả

Danh tiếng nghìn thu để sử xanh!

Hai người mừng rỡ quay thuyền về. Đi chưa được vài dặm thì gặp đội thuyền lớn của Khổng Minh đến tiếp ứng. Khổng Minh thấy đã cướp được A Đẩu về, mừng lắm, bèn lên cả bộ, cưỡi ngựa đi về. Khổng Minh viết thư gửi đến cửa ải Hà Manh, báo tin cho Huyền Đức biết.

Tôn phu nhân về đến Ngô, thuật lại đầu đuôi việc Triệu Vân, Trương Phi chặn đường giết mất Chu Thiện và cướp lại A Đẩu. Tôn Quyền nổi giận nói:

– Em ta đã về đây rồi, không thân gì với bên kia nữa, thù giết Chu Thiện này, phải báo mới xong!

Liền hội cả văn võ lại, bàn việc cất quân đánh Kinh Châu. Chợt có người vào báo rằng Tào Tháo đem bốn mươi vạn đại quân, đến đánh báo thù trận Xích Bích mới rồi. Tôn Quyền nghe tin giật mình, gác việc Kinh Châu lại và bàn kế chống nhau với Tào Tháo. Giữa khi đó lại được tin quan trưởng sử là Trương Hoành mất, có viết lại một phong thư, sai người đem trình Tôn Quyền. Quyền mở thư xem, trong thư viết:

“Sông núi ở Mạt Lăng, có khí đế vương, xin chúa công dời đô ra đó để gây dựng cơ nghiệp muôn đời”.

Quyền xem xong khóc lớn, nói với các quan rằng:

– Trương Tử Cương khuyên ta dời đô, ta nỡ nào chẳng nghe lời?

Lập tức sai sửa sang đất Kiến Nghiệp, xây đắp thành Thạch Đầu.

Lã Mông nói:

– Quân Tào kéo đến, nên đắp ụ ở cửa Nhu Tu để phòng giữ.

Các tướng đều nói:

– Lên bờ đánh giặc, rồi rút xuống thuyền, cần gì phải đắp thành?

Mông nói:

– Việc dùng binh có lúc thuận lợi lúc khó khăn, chưa chắc đánh đã được ngay. Nếu gặp địch, hai bên giáp chiến, thì nước cũng không kịp uống, còn nói gì đến xuống thuyền?

Quyền nói:

– Người không lo xa, ắt vạ tới gần, ý kiến của Tử Minh hay lắm đấy.

Liền sai vài vạn quân đắp ụ Nhu Tu, làm không kể ngày đêm, xong đúng kỳ hạn.

Nói về Tào Tháo ở Hứa Đô, mỗi ngày một hống hách thêm. Quan trưởng sử là Đổng Chiêu thưa rằng:

– Từ xưa đến nay, chưa thấy bậc nhân thần nào công to bằng thừa tướng, dẫu đến Chu Công, Lã Vọng cũng theo chưa kịp. Chải gió gội mưa, hơn ba mươi năm trời quét sạch bao kẻ hung bạo, trừ hại cho nhân dân, đem lại được cơ đồ nhà Hán, sao lại chịu đứng trong hàng ngũ bầy tôi? Thừa tướng xứng đáng tiến chức lên làm Nguỵ công, phong thêm “lễ Cửu tích”[1] để biểu dương công đức.

Tuân Úc can rằng:

– Không nên, thừa tướng cất nghĩa binh là cốt để giúp nhà Hán. Nên giữ đạo trung trinh, giữ lòng khiêm nhượng mới phải. Quân tử yêu người phải khuyên lấy điều đức, làm thế không được!

Tháo nghe xong tái mặt lại. Đổng Chiêu nói:

– Sao lại vì một người mà để mọi người thất vọng?

Liền dâng biểu tôn Tào Tháo lên làm Nguỵ công, phong thêm lễ Cửu tích.

Tuân Úc than rằng:

– Ta không ngờ ngày nay lại nhìn thấy việc thế này!

Tháo nghe câu ấy, cho Úc là không có ý giúp mình.

Mùa đông tháng mười, năm Kiến An thứ mười bảy, Tháo cất quân sang đánh Đông Ngô, mang theo cả Tuân Úc. Úc biết Tháo muốn giết mình, liền cáo bệnh nghỉ lại ở Thọ Xuân. Một hôm, Tháo sai người đem cho Tuân Úc một hộp đồ ăn, trên hộp có chữ Tháo viết, phong lại tử tế. Úc mở hộp ra không thấy có gì cả. Úc biết ý, bèn uống thuốc độc tự tử, bấy giờ đã 50 tuổi.

Người sau có thơ than rằng:

Văn Nhược tài hoa nức tiếng cao

Tiếc thay lỡ bước cửa quyền hào

Suối vàng hổ mặt nhìn vua Hán

Đọ với Lưu hầu đọ được sao?

Con Tuân Úc là Tuân Hồn, đưa thư báo tin buồn cho Tào Tháo. Tháo hối hận quá, sai làm ma to, lại đặt tên thuỵ là Kinh hầu.

Lại nói, đại quân của Tào Tháo kéo đến Nhu Tu, Tháo sai Tào Hồng dẫn ba vạn quân thiết giáp đi trước do thám. Hồng đến bờ sông, rồi trở về bảo rằng:

– Mé bên kia sông, cả một rặng dài, chỉ thấy tinh kỳ nhan nhản, nhưng không biết quân sĩ của họ đóng quân ở chỗ nào.

Tháo áy náy, dẫn quân tiến đến thẳng cửa sông Nhu Tu, dàn thành thế trận, rồi dẫn hơn trăm thủ hạ lên sườn núi dòm sang bên kia, thấy chiến thuyền chia ra từng đội, hàng ngũ chỉnh tề; cờ thì chia làm năm sắc, khí giới sáng choang. Tôn Quyền ngồi trên chiếc thuyền to ở giữa, che một đôi tán vóc xanh, hai bên văn võ đứng hầu. Tháo trỏ roi nói:

– Đẻ con nên được như Tôn Trọng Mưu, chớ như con Lưu Cảnh Thăng thì chỉ là đồ chó lợn mà thôi!

Bỗng đâu, tiếng ầm ầm nổi dậy, thuyền Ngô ào ào kéo cả lên; trong ụ đất có toán quân đổ ra đánh, quân Tào ù té chạy cả, không sao ngăn lại được. Chợt lại có hơn một trăm kỵ mã sấn đến tận chân núi, một tướng cưỡi ngựa đi đầu, mắt biếc râu đỏ, chúng trông ra thì ra là Tôn Quyền. Quyền dẫn một đội quân đến đánh Tào Tháo. Tháo thất kinh, vội vàng quay ngựa về thì đại tướng Đông Ngô là Hàn Đương, Chu Thái xông ra đuổi theo. Hứa Chử ở sau lưng Tào Tháo, múa đao ra địch hai tướng. Tháo chạy thoát chạy về đến trại. Chử đánh nhau với hai tướng vài ba mươi hiệp rồi cũng về nốt.

Tháo về trại, trọng thưởng cho Hứa Chử, và trách các tướng rằng:

– Vừa gặp địch đã bỏ chạy trước làm mất cả nhuệ khí của ta. Từ rày còn như thế nữa, thì ta chém cả đó!

Canh hai đêm hôm ấy, ngoài trại tiếng hò reo rầm trời. Tháo vội vàng lên ngựa, thì bốn mặt lửa cháy đùng đùng, quân Ngô đã xông vào cướp trại lớn rồi. Hai bên đánh nhau mãi đến sáng, quân Tào phải lùi năm mươi dặm đóng trại.

Tháo buồn bực, giở quyển binh thư ra xem. Trình Dục vào bẩm rằng:

– Thừa tướng giỏi binh pháp, há không biết việc dùng binh cốt phải nhanh chóng hay sao? Thừa tướng chuyến này cất quân, dây dưa ngày tháng, để cho Tôn Quyền biết mà phòng bị trước, đắp được ụ ở cửa sông Nhu Tu. Ta khó lòng đánh được, chi bằng rút quân về Hứa Đô, sẽ tìm kế khác.

Tháo không trả lời:

Dục lui ra. Tháo ngả mình xuống nằm nghỉ, chợt nghe tiếng thuỷ triều réo ầm ầm như muôn ngàn con ngựa đua nhau phi chạy; trông ra xem, thấy dưới sông có vầng mặt trời đỏ chói, ánh sáng loá cả mắt; ngẩng đầu lên trên trời, lại thấy có hai vầng mặt trời nữa đối chiếu nhau. Bỗng nhiên, mặt trời dưới lòng sông bay vút lên rồi sa xuống núi trước trại, nổ ầm một tiếng như sét. Tháo giật mình tỉnh dậy, té ra giấc chiêm bao. Lúc ấy đương buổi trưa, Tháo sai đóng ngựa, dẫn năm mươi kỵ mã kéo đến chỗ sườn núi có mặt trời sa trong giấc mơ xem ra làm sao. Tháo vừa đến đang mải ngắm nghía thì thấy một toán quân mã, tướng đi đầu đội mũ vàng, mặc áo giáp vàng, chính là Tôn Quyền.

Quyền thấy Tháo đến, bình tĩnh dừng ngựa lại, giơ roi trỏ bảo Tào Tháo:

– Thừa tướng trấn giữ Trung Nguyên, phú quý tưởng đến thế là cùng, cớ sao lòng tham không đáy, lại muốn xâm phạm Giang Nam tôi?

Tháo đáp:

– Phận ngươi là tôi con, không biết tôn kính nhà vua, ta phụng mệnh thiên tử, đến đây hỏi tội ngươi đó!

Quyền cười, nói:

– Nói thế mà không biết ngượng mặt à? Thiên hạ ai không biết ngươi mượn tiếng thiên tử để sai bảo chư hầu. Ta đây không phải là không biết tôn kính nhà Hán, thực là muốn đánh ngươi để giúp nhà Hán đó.

Tháo giận lắm, quát các tướng lên núi bắt Tôn Quyền. Bỗng nhiên có tiếng trống nổi, hai toán quân ở sau núi đổ ra, bên hữu có Hàn Đương, Chu Thái; bên tả có Trần Vũ, Phan Chương. Bốn tướng dẫn ba ngàn quân cung nỏ, bắn ra như mưa. Tháo vội vàng dẫn các tướng chạy về. Bốn tướng đuổi theo riết lắm, may có Hứa Chử dẫn một đội quân hộ vệ, ra đánh trận, cứu được Tào Tháo. Quân Ngô thắng trận kéo về Nhu Tu.

Tháo về đến trại, tự nghĩ: “Tôn Quyền không phải là người tầm thường, ứng vào mặt trời đỏ trong giấc mộng, sau này ắt làm đến đế vương”. Bởi thế có ý muốn rút quân về, nhưng lại sợ Đông Ngô chê cười, chưa định tiến thoái bề nào. Hai bên lại chọi nhau hơn một tháng, đánh mấy trận khi được khi thua. Qua sang tháng giêng, mưa xuân tầm tã, ngòi lạch đầy nước, quân sĩ ở trên đám bùn lầy, vô cùng khổ sở. Tháo lo lắm, hội các tướng lại bàn bạc, người thì khuyên rút quân về, kẻ thì nói rằng nên nhân lúc mùa xuân ấm áp cứ đánh đi. Tháo trong bụng phân vân, chợt có sứ giả Đông Ngô đưa thư đến. Tháo mở thư ra xem, đại ý viết:

“Tôi với thừa tướng cùng là bầy tôi nhà Hán, thừa tướng không biết báo ơn trước, trị an nhân dân, mà cứ động việc binh đao, tàn hại sinh linh, người nhân đức đâu có thế? Hiện nay mưa xuân đang thịnh, ông nên về mau đi. Nếu không sẽ có vạ Xích Bích nữa đó. Ông nên nghĩ cho kỹ”.

Sau thư lại phê hai câu rằng:

“Ông mà không chết, tôi cũng khó ngồi yên được”.

Tháo xem xong cười mà nói rằng:

– Tôn Trọng Mưu không dối ta chăng.

Lập tức sai hậu thưởng cho sứ giả, truyền lệnh rút quân về rồi sai quan thái thú Lư Giang là Chu Quang trấn giữ Hoãn Thành, còn mình thu đại quân về Hứa Xương.

Tôn Quyền cũng thu quân về Mạt Lăng, bàn với các tướng rằng:

– Tào Tháo tuy đã về bắc, nhưng Lưu Bị còn ở Hà Manh. Sao không đem quân chống Tào lấy Kinh Châu nhân thể?

Trương Chiêu dâng kế rằng:

– Chưa nên động binh vội! Tôi có một mẹo này khiến Lưu Bị không trở về được Kinh Châu.

Ấy là:

Tào Tháo vừa rút về bắc địa

Tôn Quyền lại muốn đến Kinh Châu

Chưa biết Trương Chiêu hiến kế ra làm sao, xem đến hồi sau thì biết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.