TAM QUỐC DIỄN NGHĨA
Chương 83: Ðánh Hào Ðình, Tiên Chúa Diệt Quân Thù Giử Giang Khẩu, Thư Sinh Làm Đại Tướng
Đánh Hào Đình, tiên chủ bắt được thù nhân
Giữ Giang Khẩu, thư sinh cất làm đại tướng
Lại nói năm Chương Vũ thứ hai (221) tháng giêng, mùa xuân, quan võ oai hậu tướng quân là Hoàng Trung theo tiên chủ sang đánh Ngô. Chợt nghe thấy tiên chủ nói lão tướng vô dụng, lập tức cầm đao lên ngựa, dẫn năm sáu người đi theo, đến thẳng trại Di Lăng.
Ngô Ban cùng Trương Nam, Phùng Tập tiếp vào, hỏi rằng:
– Lão tướng quân đến đây có việc gì?
Trung nói:
– Ta từ khi ở Trường Sa theo hầu thiên tử đến giờ, lập nên bao nhiêu công lao. Nay tuy tuổi ngoại bảy mươi, nhưng mỗi bữa ăn còn nổi chục cân thịt, cánh tay còn giương nổi cung hai tạ, cưỡi được ngựa thiên lý, thì cũng chưa lấy gì làm già. Hôm qua chúa thượng nói bọn ta già cả vô dụng, bởi vậy ta lại đây, để đánh nhau với Đông Ngô, xem ta chém tướng, già hay không già?
Trung đương nói thì quân tiền bộ nước Ngô đã kéo đến trước trại. Hoàng Trung hăng hái ra trướng nhảy lên ngựa.
Bọn Phùng Tập can rằng:
– Lão tướng chớ nên khinh tiến vội.
Trung không nghe, tế ngựa ra đi. Ngô Ban sai Phùng Tập dẫn quân đánh giúp. Trung dừng ngựa đứng trước trận, cắp ngang đại đao, thách tướng tiên phong Ngô là Phan Chương giao chiến.
Phan Chương dẫn bộ tướng là Sử Tích ra trận. Tích khinh Trung già yếu, vác giáo xốc vào đánh, mới ba hiệp bị Trung chém một nhát ngã quay xuống đất. Phan Chương nổi giận, múa ngay thanh long đao của Quan Công lại đánh, Trung hăng sức đánh dữ quá, Chương địch không nổi, quay ngựa chạy về. Trung thừa thế đuổi theo, thu được toàn thắng.
Trung về đến nửa đường, gặp Quan Hưng, Trương Bào, Hưng nói:
– Chúng tôi phụng thánh chỉ, lại giúp lão tướng quân đây. Tướng quân đã lập được công rồi, xin mời về dinh ngay cho.
Trung không nghe.
Hôm sau, Phan Chương lại đến khiêu chiến, Trung hăng hái lên ngựa. Hưng, Bào hai người muốn ra đánh giúp, Trung không cho, Ngô Ban muốn giúp, Trung cũng chẳng nghe, chỉ một mình dẫn năm nghìn quân ra trận. Đánh nhau được mấy hiệp Chương vác đao chạy, Trung tế ngựa đuổi theo, quát to lên rằng:
– Tướng giặc đừng chạy nữa! Ta nay báo thù cho Quan Công đây!
Trung đuổi được hơn ba chục dặm, bỗng tiếng hò reo nổi lên tứ phía, quân phục kéo ra, hữu có Chu Thái, tả có Hàn Đương, trước mặt có Phan Chương, sau lưng là Lăng Thống, bọn người vây bọc Hoàng Trung ở giữa. Bỗng dưng lại nổi một cơn gió to, Trung vội vàng tháo đường chạy thì Mã Trung dẫn một toán quân trên sườn núi kéo xuống, bắn một phát tin ngay vào giữa vai Hoàng Trung, khiến Trung suýt ngã ngựa. Quân Ngô thấy Hoàng Trung bị trúng tên liền ùa lại đánh. Bỗng nhiên ở mé sau có tiếng hò reo ầm ĩ. Hai toán quân Thục ập đến đánh quân Ngô chạy toán lạc, cứu được Hoàng Trung. Đó là Quan Hưng, Trương Bào, hai tướng giữ gìn Hoàng Trung đưa về đến ngự doanh.
Trung tuổi già, khí lực đã kém, bị tên đau nặng lắm. Tiên chủ thân đến hỏi thăm, vỗ vào lưng nói:
– Để cho lão tướng quân bị thương thế này, là lỗi tại trẫm đó!
Trung nói:
– Tôi chỉ là một kẻ võ phu mà thôi, may mà gặp được bệ hạ. Nay tôi đã bảy mươi nhăm tuổi, sống lâu thế là đủ lắm rồi. Xin bệ hạ giữ gìn long thể cho khéo, để mà đồ Trung Nguyên.
Nói đoạn ngất đi. Đêm hôm ấy, Hoàng Trung mất ở ngự doanh.
Đời sau có thơ rằng:
Lão tướng nhất Hoàng Trung,
Vào Xuyên lập đại công.
Giáp vàng, mặc sáng nhoáng,
Cung sắt, giương nhẹ không.
Đảm khí vang Hà Bắc,
Oai danh lừng Thục Trung.
Phơ phơ đầu bạc trắng,
Đến chết vẫn anh hùng!
Tiên chủ thấy Hoàng Trung mất rồi, thương xót không biết ngần nào, sai khâm liệm, đem về táng tại Thành Đô.
Tiên chủ than rằng:
– Trong năm hổ tướng, đã mất ba người rồi, trẫm chưa báo được thù, đau đớn lắm thay!
Nói đoạn dẫn quân ngự lâm đến thẳng Hào Đình, hội hết cả các tướng, chia quân làm tám đường thuỷ bộ kéo sang Ngô. Tiên chủ sai Hoàng Quyền lĩnh quân thuỷ, còn mình thì dẫn đại quân bộ kéo đi.
Bấy giờ là trung tuần tháng hai, năm Chương Vũ thứ hai.
Hàn Đương, Chu Thái nghe tin tiên chủ ngự giá đến đánh, liền dẫn quân ra địch. Hai bên dàn trận: Hàn Đương, Chu Thái ra ngựa. Trận bên này, tiên chủ tự trong cửa cờ đi ra, che đôi tán vóc vàng, mao trắng, việt vàng, cờ tinh, cờ tiết che kín xung quanh.
Đương gọi lớn lên rằng:
– Bệ hạ nay đã làm Thục chúa, sao lại khinh thường mà đến đây, nếu có lỡ điều gì, thì hối sao cho kịp?
Tiên chủ trỏ roi sang mắng rằng:
– Những quân chó Ngô kia! Bay hại hai em trẫm, trẫm thề không chung trời đất với chúng bay!
Đương ngoảnh lại bảo các tướng rằng:
– Có ai dám xông vào đám quân Thục không?
Bộ tướng là Hạ Tuân vác đao quất ngựa ra. Sau lưng tiên chủ có Trương Bào cầm mâu xốc ngựa tới, quát to một tiếng, đâm Hạ Tuân. Tuân thấy Bào tiếng dữ như sét, trong bụng đã run toan chạy về. Em Chu Thái là Chu Bình, thấy Tuân không địch nổi, liền múa đao tế ngựa ra đánh giúp. Quan Hưng cùng múa đao cự địch. Trương Bào hét lên một tiếng, đâm trúng Hạ Tuân một mâu ngã ngựa. Chu Bình thấy vậy giật mình, trở tay không kịp, bị Quan Hưng cho một nhát đao chết nốt. Hai tiểu tướng thừa thế xông vào bắt Hàn Đương, Chu Thái. Hai người vội vàng chạy vào trận.
Tiên chủ than rằng:
– Đó mới thực cha hổ không đến nỗi đẻ ra con chó bao giờ!
Nói rồi cầm roi trỏ một cái, quân Thục kéo ùa lại, quân Ngô thua to, tám đạo quân bên Thục, tràn sang như thác lũ, giết quân Ngô thây nằm chất đồng, máu chảy thành sông.
Lại nói bấy giờ Cam Ninh đang dưỡng bệnh ở trong thuyền, nghe quân Thục rầm rộ kéo đến, vội vàng lên ngựa thì vừa gặp một toán quân rợ; người nào cũng xù tóc, đi chân không, đeo cung tên, tay cầm giáo dài, đao, múa, mộc, tướng đi đầu chính là vua Phiên Sa Ma Kha, mặt đỏ như phun tuyết, mắt biếc lồi ra ngoài, tay cầm một cái dùi tật lê bằng sắt, lưng đeo hai bộ cung, oai phong dữ tợn. Cam Ninh thấy thế giặc to lắm, không dám đánh, quay ngựa chạy, bị vua Phiên bắn một phát tin vào giữa sống óc. Ninh đeo cả tên mà chạy, đến mãi cửa sông Phú Trì, rồi chết dưới gốc cây to. Trên cây ấy có một đàn quạ, ước chừng vài trăm con, đậu lấp kín cả thi thể.
Ngô chủ nghe tin, thương xót vô cùng, sai người đem thây về, hậu lễ tống táng, lập miếu thờ phụng.
Người sau có thơ than rằng:
Hưng Bá anh hùng tướng đất Ngô,
Cánh buồm gấm đỏ trải giang hồ.
Thờ vua ra sức đền ơn nặng,
Báo bạn kiên tâm giải oán thù.
Khinh kỵ trăm tên xông trại giặc,
Rượu ngon ba cốc lập công to.
Quạ thần tiễn khách còn linh ứng,
Hương hoả nay đà biết mấy thu?
Lại nói, tiên chủ thừa cơ đuổi đánh, lấy được Hào Đình; quân Ngô tan chạy mất cả. Tiên chủ thu quân, không thấy Quan Hưng về, vội vàng sai bọn Trương Bào đi tìm khắp bốn phía.
Nguyên là Quan Hưng khi xông vào trận Ngô, gặp Phan Chương chính là người thù, liền tế ngựa đuổi theo, Chương kinh hãi chạy trốn vào trong hang núi, rồi mất hút. Hưng nghĩ Chương chỉ ở trong núi ấy, nhưng đi lại tìm tòi mãi vẫn không thấy. Dần dần trời tối, không biết lối ra. May nhờ có bóng trăng sao, Hưng thấy một túp nhà, xuống ngựa gõ cửa. Một ông giả ra hỏi, Hưng nói:
– Tôi là chiến tướng, lạc đường đến đây, xin nhờ một bữa cơm đỡ đói.
Ông già mời Quan Hưng vào trong nhà. Hưng trông lên trên giường thờ, thấy đèn nến sáng choang, ở giữa treo bức tượng Quan Công. Hưng khóc oà ngay lên, chạy vào lạy.
Ông già hỏi:
– Sao tướng quân khóc?
Hưng nói:
– Đây là cha tôi!
Hưng hỏi:
– Sao ông lại thờ cha tôi làm vậy?
Ông già đáp:
– Cả vùng này đều là địa phương của tôn thần cả. Khi ngài còn sống, nhà nào cũng còn thờ, huống chi bây giờ ngài đã thành thần? Lão phu chỉ mong quân Thục đến đánh báo thù cho sớm. Nay tướng quân đến đây, trăm họ xứ này có phúc lắm.
Nói đoạn làm rượu khoản đãi Quan Hưng, sai người dắt ngựa, cởi yên cho ăn. Cuối canh ba, lại nghe có người gõ cửa. Ông già ra hỏi, té ra tướng Ngô là Phan Chương cũng tới ngủ trọ. Chương vừa bước vào, Quan Hưng trông thấy, rút gươm quát to lên rằng:
– Phản tặc đừng chạy!
Chương quay mình chạy ra, bỗng lại có một người mặt đỏ râu dài, mặc áo bào xanh giáp vàng, cầm lăm lăm thanh kiếm đi vào. Chương thấy Quan Công hiển thánh, kêu rú lên một tiếng, hồn bay phách lạc, đang chực chạy thì bị Quan Hưng chém một nhát, ngã quay xuống đất. Hưng mổ ruột lấy máu, đem đến trước tượng thần Quan Công cúng tế.
Quan Hưng lấy lại được thanh long đao của Quan Công khi xưa, treo đầu Phan Chương vào cổ ngựa, rồi từ tạ ông già, cỡi ngựa của Phan Chương về trại. Còn thây của Phan Chương thì ông già đem thiêu ra tro.
Quan Hưng đi chưa được vài dặm, bỗng nghe có tiếng người nói ngựa kêu, rồi một toán quân kéo đến, tướng đi đầu chính là Mã Trung, bộ tướng của Phan Chương.
Mã Trung thấy Quan Hưng giết mất chủ tướng mình, treo đầu dưới cổ ngựa, mà thanh long đao cũng mất, liền nổi giận đùng đùng, tế ngựa xông vào đánh. Hưng thấy Mã Trung chính là thằng hại cha mình, cơn giận ở đâu bốc lên ngùn ngụt, khoa thanh long đao chém xuống. Bộ hạ của Mã Trung ba trăm người, xúm cả lại, vây bọc lấy Quan Hưng. Hưng thế đã nao núng, may đâu ở mé tây bắc, Trương Bào vừa dẫn một toán quân đến. Mã Trung thấy có quân cứu, vội vàng rút chạy. Hưng, Bào hai người thừa thế đuổi theo. Chưa được vài dặm, lại gặp My Phương, Phó Sĩ Nhân dẫn quân đến tìm Mã Trung. Hai bên đánh nhau lộn bậy một hồi. Hưng, Bào ít quân phải tháo lui.
Hai tướng cùng về Hào Đình ra mắt tiên chủ, dâng đầu Phan Chương, và thuật lại chuyện đó. Tiên chủ mừng rỡ, cho là chuyện lạ, khao thưởng cho ba quân.
Mã Trung trở về, ra mắt Hàn Đương, Chu Thái rồi thu nhặt bại quân, chia đường ra giữ các nơi. Quân sĩ bị thương không biết bao nhiêu mà kể.
Mã Trung đem Phó Sĩ Nhân, My Phương ra đóng đồn tại bến sông. Canh ba đêm ấy, chỗ nào cũng nghe tiếng quân sĩ khóc lóc. My Phương lẻn ra nghe trộm, thì thấy một bọn quân sĩ bàn với nhau rằng: “Chúng ta đều là quân Kinh Châu cả, bị Lã Mông đánh lừa, hại mất chúa công. Nay Lưu hoàng thúc ngự giá sang đánh, Đông Ngô nay mai tất hỏng mất. Xét ra ngài chỉ giận có My Phương, Phó Sĩ Nhân mà thôi. Chúng ta sao không giết quách hai thằng ấy, đem đến trại Thục mà đầu hàng, chắc được công to!” Lại nghe thấy một bọn nữa nói: “Việc ấy chớ nên hấp tấp, đợi lúc nào thuận tiện, chúng ta sẽ thừa cơ mà sửa ngay đi!”
My Phương nghe xong kinh hãi lắm, bàn với Phó Sĩ Nhân rằng:
– Bụng quân sinh biến cả rồi, hai chúng ta chưa biết sống chết thế nào đây? Nay Thục chủ chỉ còn giận có Mã Trung, chúng ta nên giết phăng nó đi, đem đầu đến dâng, kêu rằng bọn ta bất đắc dĩ phải hàng Ngô, nghe tin ngự giá đến đây, xin lại chịu tội.
Sĩ Nhân nói:
– Không nên đi, đi tất chết!
Phương nói:
– Thục chủ là người nhân đức, vả lại A Đẩu thái tử là cháu ngoại ta, hắn nghĩ đến tình thân thích, tất không nỡ hại.
Hai người bàn định đâu đấy, sắm sửa ngựa trước; đang lúc canh ba, vào trướng đâm chết Mã Trung, cắt lấy đầu, rồi dẫn vài mươi tên kỵ mã, đi tắt sang Hào Đình. Quân canh đường đưa vào ra mắt Trương Nam, Phùng Tập trước, kể hết tình đầu. Hôm sau đến ngự doanh, vào lạy tiên chủ, dâng đầu Mã Trung lên, khóc mà kêu rằng:
– Chúng tôi quả thật không có bụng làm phản, lỡ mắc mưu Lã Mông nói Quan Công đã mất, lừa cho chúng tôi mở cửa thành. Chúng tôi bất đắc dĩ phải hàng. Nay nghe thánh giá đến đây, nên chúng tôi giết thằng giặc này, để hả cái tức giận của bệ hạ, xin bệ hạ tha tội cho.
Tiên chủ nổi giận, mắng rằng:
– Trẫm từ Thành Đô ra đây đã lâu, hai chúng bây sao không đến thú tội? Nay thế đã nguy cấp, mới đến nói khéo để cầu thoát chết có phải không? Nếu trẫm tha cho chúng bay, khi xuống suối vàng, còn mặt mũi nào trông thấy Quan Công nữa!
Nói đoạn, sai Quan Hưng thiết ngay linh vị Quan Công ở trong dinh, tiên chủ thân dâng đầu Mã Trung lên cúng tế. Lại sai Quan Hưng đem My Phương, Phó Sĩ Nhân lột sạch quần áo, bắt ngồi quỳ trước linh vị, rồi cầm dao xẻo từng miếng thịt để tế Quan Công.
Bỗng Trương Bào bước ra, lạy thụp xuống đất, khóc mà kêu rằng:
– Kẻ thù của bác hai đã giết được cả rồi, còn thù của cha cháu, bao giờ mới trả xong?
Tiên chủ nói:
– Cháu chớ lo! Trẫm còn san phẳng cả Giang Nam, giết hết chó Ngô, kỳ bắt cho được hai thằng giặc ấy, để cháu đem muối thịt chúng nó tế cha cháu, mới nghe kia.
Bào khóc, lạy tạ trở ra.
Bấy giờ oai danh của tiên chủ lừng lẫy xa gần, người Giang Nam ai cũng hết vía, kêu khóc đêm ngày. Hàn Đương, Chu Thái khiếp sợ lắm, sai người về báo với Tôn Quyền, Quyền cả kinh, tụ văn võ lại bàn bạc.
Bộ Trắc tâu rằng:
– Thục chủ chỉ căm hờn bọn Lã Mông, Phan Chương, Mã Trung, My Phương, Phó Sĩ Nhân mà thôi, nay mấy người ấy mất cả rồi, còn lại có Phạm Cương, Trương Đạt, hai người hiện ở Đông Ngô, ta nên bắt đem trả Thục cùng với đầu lâu Trương Phi, trao lại Kinh Châu, đưa phu nhân về, dâng biểu cầu hoà, kết tình hiếu cũ, để mà đồng tâm diệt Nguỵ, như thế tự nhiên quân Thục phải rút về.
Tôn Quyền nghe lời, sai đóng một cái hòm bằng gỗ trầm hương, bỏ đầu Trương Phi vào, trói Phạm Cương, Trương Đạt giam trong cũi, sai Trình Bỉnh đi sứ mang quốc thư đến Hào Đình.
Bấy giờ, tiên chủ sắp kéo quân đi, chợt có cận thần vào tâu rằng:
– Đông Ngô sai sứ đem trả đầu Trương xa kỵ cùng hai tên giặc Phạm Cương và Trương Đạt.
Tiên chủ giơ hai tay lên trán nói:
– Đó là trời cho, mà cũng là em thứ ba trẫm khôn thiêng, run rủi ra thế đấy!
Lập tức sai Trương Bào để linh vị Trương Phi để tế. Tiên chủ trông thấy đầu lâu Trương Phi ở trong hòm, mặt mũi vẫn như thuở sống, liền khóc ầm lên. Trương Bào cầm dao sắc, đem Phạm Cương, Trương Đạt xẻo từng miếng thịt để tế vong hồn cha.
Tế xong rồi, tiên chủ vẫn chưa nguôi giận, nhất quyết diệt được Ngô mới nghe.
Mã Lương tâu rằng:
– Kẻ thù ta đã giết hết rồi, bụng giận cũng đã hả, đại phu nước Ngô là Trình Bỉnh đến đây, xin nộp trả Kinh Châu, và đưa phu nhân về, kết hiếu với nhau, để cùng đánh Nguỵ, xin bệ hạ giáng chỉ cho.
Tiên chủ giận nói:
– Kẻ thù không đội trời chung với ta là Tôn Quyền kia. Nếu bằng giảng hoà, thì ra phụ lời thề với hai em trẫm khi trước. Nay trẫm định trước diệt Ngô, sau diệt Nguỵ.
Nói rồi muốn chém sứ giả để tuyệt tình với nước Ngô. Các quan cố sức can ngăn mới thôi.
Trình Bỉnh được thoát, ôm đầu lủi thủi trở về, tâu với Ngô vương rằng:
– Thục chủ không nghe giảng hoà, nhất định đánh Ngô trước, rồi đánh Nguỵ sau. Các bầy tôi can mãi không nghe, không biết làm thế nào bây giờ?
Tôn Quyền kinh hãi, luống cuống cả lên.
Hám Trạch bước ra tâu rằng:
– Hiện nay có một cái cột chống được trời, làm sao lại không dùng đến?
Quyền vội hỏi người nào, Trạch tâu rằng:
– Khi xưa các việc to ở Đông Ngô đều trông cậy vào Chu lang, Chu lang mất rồi thì có Lỗ Tử Kính thay chân, Tử Kính mất lại có Lã Tử Minh. Nay Tử Minh tuy đã mất, hiện có Lục Bá Ngôn ở Kinh Châu, người ấy tuy là học trò nhưng có tài hùng lược. Cứ như ý tôi thì tài y chẳng kém gì tài Chu lang. Khi trước phá được Quan Công, mưu mô do tự hắn cả. Chúa thượng nếu dùng hắn, thì chắc phá được quân Thục. Nhược bằng có lầm lỡ điều gì, tôi xin cùng chịu tội với hắn.
Quyền nói:
– Giá không có lời Đức Nhuận thì cô suýt nữa lỡ mất việc to!
Trương Chiêu nói:
– Lục Tốn là một người học trò, không phải đối thủ với Lưu Bị, chớ có nên dùng!
Cố Ung cũng nói:
– Lục Tốn tuổi còn trẻ, danh tiếng chưa có, tôi e các tướng không phục; đã không phục, tất sinh loạn, chắc hẳn lỡ mất việc to.
Bộ Trắc cũng nói:
– Tài Lục Tốn chỉ trị được một quận mà thôi, nếu trao cho việc lớn chắc khó mà đương nổi.
Hám Trạch kêu to lên rằng:
– Nếu không dùng Lục Bá Ngôn thì Đông Ngô hỏng mất. Tôi xin đem cả nhà tôi để đảm bảo cho hắn.
Quyền nói:
– Cô cũng vẫn biết Lục Bá Ngôn là người kỳ tài, ý cô đã quyết, các ngươi đừng nhiều lời nữa!
Bèn sai đòi Lục Tốn đến. Tốn nguyên tên là Lục Nghị, sau mới đổi ra Tốn, tự là Bá Ngôn, quê ở Ngô Quận, cháu quan thành môn hiệu uý Lục Chữ, con quan Cửu Giang đô uý Lục Tuấn. Tốn mình dài tám thước, mặt đẹp như ngọc, hiện đang làm trấn tây tướng quân. Khi ấy, Tốn phụng mệnh đến chầu, Tốn lạy xong, Quyền nói rằng:
– Nay quân Thục kéo đến bờ cõi, cô muốn sai ngươi tổng đốc cả quân mã, để ra phá Lưu Bị.
Tốn tâu rằng:
– Các quan văn võ ở Giang Đông, toàn là cựu thần của đại vương cả. Tôi tuổi còn nhỏ, lại không có tài, sai bảo làm sao được!
Quyền nói:
– Hàm Đức Nhuận đem cả nhà ra bảo đảm cho ngươi, mà cô cũng đã biết tài ngươi gánh nổi việc. Nay phong cho ngươi làm đại đô đốc, ngươi chớ từ nữa.
Tốn nói:
– Nếu văn võ không phục, thì làm thế nào?
Quyền lập tức rút thanh đao đang đeo trao cho Lục Tốn và dặn rằng:
– Trong văn võ, nếu ai không tuân lệnh cho ngươi chém trước tâu sau.
Tốn nói:
– Đội ơn đại vương uỷ thác việc lớn, tôi đâu dám từ chối mãi, nhưng xin đại vương để đến ngày mai, hội cả các quan lại, rồi sẽ trao cho.
Hám Trạch nói:
– Phép ngày xưa sai tướng, tất phải đắp đàn, hội cả chúng lại, ban cho cờ mao trắng, lưỡi việt vàng, binh phù tướng ấn, có thế thì uy mới hành, lệnh mới nghiêm. Nay đại vương nên theo lễ ấy, chọn ngày đắp đàn, phong Bá Ngôn làm đại đô đốc, giao cho tiết việt, thì mọi người phải phục cả.
Quyền nghe lời, sai người ngày đêm đắp đàn, xong hội cả trăm quan, mời Lục Tốn lên đàn, phong làm đại đô đốc, hữu hộ quân trấn tây tướng quân, ban cho bảo kiếm ấn thụ, coi cả công việc trong sáu quận tám mươi mốt châu, kiêm lĩnh các đạo quân mã Kinh Sở.
Ngô vương dặn rằng:
– Tự cửa khổn trở vào, thì cô làm chủ, tự cửa khổn trở ra, mặc tướng quân trông nom!
Lục Tốn lĩnh mệnh xuống đàn, sai Từ Thịnh, Định Phụng làm hộ vệ, ngay hôm ấy cất quân đi. Một mặt, điều các lộ quân mã thuỷ bộ cùng tiến. Văn thư đưa đến Hào Đình, Hàn Đương và Chu Thái cả sợ nói:
– Tại sao chúa thượng lại dùng một anh thư sinh làm tổng binh thế?
Khi Tốn tới, không ai chịu phục. Tốn ra trướng bàn việc, mọi người miễn cưỡng đến chào mừng. Tốn nói:
– Chúa thượng cho ta làm đại tướng, đốc quân phá Thục. Việc quân có phép tắc, các ông phải tuân theo. Nếu làm trái thì phép vua không có nể ai cả, đừng để hối về sau.
Ai nấy nín lặng. Chu Thái nói:
– Hiện nay, An Đông tướng quân Tôn Hoàn là cháu chúa thượng, đang bị khốn ở Di Lăng, trong không lương thảo, ngoài chẳng cứu binh. Xin đô đốc mau dùng kế hay để cứu về cho yên lòng chúa thượng.
Tốn nói:
– Ta vốn biết Tôn An Đông rất được lòng quân sĩ, chắc hẳn giữ vững được, không cần phải cứu chữa nữa. Đợi khi nào ta phá xong Thục thì ông ấy sẽ thoát thôi.
Mọi người cười thầm, lui ra.
Hàn Đương bảo Chu Thái rằng:
– Sai đồ nhãi con này làm tướng thì Đông Ngô nguy mất. Ông thấy việc làm của hắn chưa?
Thái nói:
– Tôi mấy lần dùng lời thử hắn, nhưng không thấy hắn có mưu kế gì. Phá sao được Thục?
Hôm sau, Tốn truyền lệnh cho các tướng canh phòng các nơi, giữ vững quan ải, không được khinh địch. Ai nấy đều cười là nhát, không chịu nghe theo. Tốn liền ra trướng gọi các tướng vào bảo rằng:
– Ta vâng mệnh chúa thượng, tổng đốc quân mã, hôm qua đã hạ lệnh năm lần bảy lượt, sai các ngươi phải giữ vững các nơi. Tại sao không tuân lệnh ta?
Hàn Đương nói:
– Từ khi tôi theo Tôn tướng quân bình định Giang Nam đến giờ, xông pha hàng trăm trận; các tướng khác người thì theo Thảo nghịch tướng quân trước kia, người thì theo đại vương ngày nay, đều mặc giáp cầm gươm ra sống vào chết cả. Nay chúa công cử ông làm đại đô đốc để cự quân Thục, ông nên nhanh chóng lập mẹo, sai quân chia đường ra đánh dẹp, để đồ việc to mới phải; thế mà ông lại chỉ bắt giữ vững không ra đánh, phải chăng ông để trời giết đỡ giặc cho hay sao? Chúng tôi đây có phải là người tham sống sợ chết đâu, sao ông lại làm nhụt cả nhuệ khí của ta đi thế?
Các tướng thấy vậy ồ cả lên rằng:
– Hàn tướng quân nói phải lắm, chúng tôi xin liều một trận sống mái với giặc.
Lục Tốn nghe xong, rút gươm ra cầm lăm lăm trong tay, quát to lên rằng:
– Ta tuy là một kẻ học trò, nhưng được đội ơn chúa thượng, giao phó cho việc lớn, vì ta cũng có một chút dùng được, nghĩa là ta biết nhịn nhục, chịu đựng nặng nề. Các ngươi phải giữ vững các cửa ải và nơi hiểm yếu, không được làm bừa; hễ trái lệnh ta chém đầu đó.
Các tướng nét mặt hầm hầm lui ra.
Lại nói, tiên chủ dàn bày quân mã từ Hào Đình đến mãi cửa Xuyên, liên tiếp nhau bảy trăm dặm, trước sau cả thảy bốn mươi dinh trại. Ban ngày tinh kỳ rợp đất tối đến đèn đuốc rực trời.
Chợt có mật thám về báo rằng:
– Đông Ngô dùng Lục Tốn làm đại đô đốc, tổng chế cả quân mã. Tốn sai các tướng giữ vững các nơi hiểm yếu, không cho ra đánh nhau.
Tiên chủ hỏi:
– Lục Tốn là người thế nào?
Mã Lương tâu rằng:
– Lục Tốn tuy là một anh học trò ở Đông Ngô nhưng ít tuổi mà lắm tài, mưu mô sâu sắc, khi trước Đông Ngô đánh úp lấy Kinh Châu, cũng là nhờ quỷ kế của hắn cả.
Tiên chủ nổi giận nói:
– Thằng nhãi con mưu mẹo gian dối, hại mất em thứ hai trẫm, nay phải bắt lấy nó mới được!
Mã Lương can rằng:
– Tài của Lục Tốn không kém gì Chu Du, chớ nên khinh địch.
Tiên chủ nói:
– Trẫm cầm quân đã già đời rồi, lại không bằng một thằng ranh con miệng còn hôi sữa ấy sao?
Liền dẫn tiền quân, đánh các nơi cửa ải. Hàn Đương thấy tiên chủ dẫn quân đến, sai người vào báo với Lục Tốn. Tốn sợ Đương khinh động chăng, vội vàng phi ngựa đến xem, thấy Hàn Đương cưỡi ngựa đứng trên núi, nhìn xem quân Thục kéo đến bạt ngàn, trong quân thấp thoáng có tán vóc lọng vàng. Hàn Đương tiếp đón Lục Tốn, sóng ngựa đứng coi.
Đương trỏ tay, nói:
– Trong đám quân này tất có Lưu Bị, tôi muốn xuống đánh xem sao.
Tốn nói:
– Lưu Bị từ khi cất quân sang đông, được luôn mươi trận, nhuệ khí đang thịnh lắm. Nay ta chỉ nên ngồi cao thủ hiểm, chớ nên đánh, nếu đánh chắc là bất lợi. Hãy nên khuyên bảo tướng sĩ, tìm nhiều cách mà giữ gìn cho vững, để xem bên kia rồi ra thế nào. Bọn họ rong ruổi ở giữa đồng bằng, đang lúc đắc chí, ta giữ vững không ra, họ muốn đánh không được, tất phải dời đồn vào đóng trong rừng rậm, bấy giờ ta sẽ dùng mưu lạ mà phá là được.
Hàn Đương tuy ngoài miệng vâng lời, nhưng trong bụng vẫn không phục.
Tiên chủ sai tiền đội đến khiêu chiến, chửi bới sỉ nhục trăm chiều. Tốn sai bịt tai lại không nghe, mà cũng nhất định không cho ra đánh. Lại đi khắp nơi quan ải, khuyên dụ tướng sĩ, đóng giữ vững vàng.
Tiên chủ thấy quân Ngô không ra, ruột nóng bồn chồn.
Mã Lương tâu rằng:
– Lục Tốn mưu mô sâu sắc, bệ hạ từ xa lại đây qua xuân sang hạ, thế mà quân kia nhất định không ra là có ý chờ quân ta sinh biến đó, xin bệ hạ xét kỹ mà xem!
Tiên chủ nói:
– Nó còn có mưu mẹo gì, chẳng qua khiếp sợ đó thôi, đã thua mãi rồi, còn dám ra gì nữa!
Tiên phong là Phùng Tập vào tâu rằng:
– Hiện nay trời nắng chang chang, quân ta đóng cả ở trong lò lửa đỏ, đường lấy nước nôi rất là bất tiện.
Tiên chủ sai dời dinh trại vào đóng các nơi cây cối um tùm, men theo chỗ có khe suối, đợi qua hạ sang thu, rồi sẽ gộp sức lại mà tiến. Bọn Phùng Tập vâng lệnh, dời dinh trại vào các nơi rừng rú.
Mã Lương tâu rằng:
– Nếu quân ta rục rịch, quân Ngô kéo ùa đến, thì làm thế nào?
Tiên chủ nói:
– Trẫm sai Ngô Ban dẫn hơn vạn quân già yếu, đóng đồn sát trại Ngô, trẫm thì dẫn tám nghìn tinh binh, phục ở trong hang núi. Lục Tốn thấy trẫm dời trại, tất thừa thế lại đánh, trẫm sai Ngô Ban giả thua chạy, nếu hắn đuổi theo, trẫm dẫn phục binh ra chận đường về chắc bắt được thằng ranh con ấy!
Các quan văn võ cùng mừng, nói:
– Bệ hạ thần cơ diệu toán như thế, chúng tôi quả thực không bằng.
Mã Lương nói:
– Gần đây nghe Gia Cát thừa tướng ở Đông Xuyên, coi xét các nơi, phòng quân Nguỵ vào cướp. Bệ hạ sao không cho vẽ địa đồ các dinh trại, đem hỏi thừa tướng xem làm sao.
Tiên chủ nói:
– Trẫm cũng đã biết binh pháp, can gì phải hỏi đến thừa tướng nữa!
Lương nói:
– Từ xưa có câu: “Chịu nghe người thì sáng, chỉ cậy một mình thì tối”. Xin bệ hạ phải xét mới được.
Tiên chủ nói:
– Có phải thế, ngươi hãy đi vẽ địa đồ các trại, đem đến Thành Đô hỏi thừa tướng, phỏng có sai sót, nên về báo ngay cho biết.
Mã Lương lĩnh mệnh đi ra.
Thế rồi tiên chủ dời cả quân vào các nơi cây cối mát mẻ để tránh nắng.
Quân mật thám báo tin cho Hàn Đương, Chu Thái biết. Hai người mừng lắm, lại ra mắt Lục Tốn, nói:
– Hiện nay hơn bốn mươi dinh trại, quân Thục đã dời cả vào rừng rậm, men dựa khe suối, để tiện nước nôi và thêm mát mẻ, đô đốc nên thừa cơ đánh đi thôi.
Đó là:
Chúa Thục có mưu hay đặt phục,
Tướng Ngô cậy khoẻ suýt vào tròng!
Chưa biết Lục Tốn có nghe hay không, xem hồi sau sẽ hiểu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.