TAM QUỐC DIỄN NGHĨA

Chương 114: Trừ Tư Mã, Ngụy Chúa Bị Hại Bỏ Lương Thảo, Khương Duy Cả Thắng



Tào Mao ruổi xe chết cửa nam

Khương Duy bỏ lương phá quân Ngụy

Khương Duy nhân có chiếu đòi về, bèn truyền lệnh rút quân.

Liêu Hóa nói:

– Tướng ở ngoài, tuy có mệnh vua, không nghe cũng được. Nay dẫu có chiếu, nhưng chớ nên lui vội.

Trương Dực nói:

– Tướng quân luôn động binh mấy năm, nên người Thục đều có lòng oán cả, không bằng chấp nhận dịp này vừa được trận, thu quân mã về cả, để yên bụng dân. Sau sẽ liệu kế khác.

Duy nghe lời, sai quân sĩ y phép lui về, để Liêu Hóa, Trương Dực đi chặn hậu, phòng quân Ngụy đuổi theo.

Nói về Đặng Ngải dẫn quân đuổi theo, trông thấy quân Thục đi trước, tinh kỳ nghiêm chỉnh, từ từ lui về.

Ngải than rằng:

– Khương Duy thực là học được phép Võ hầu sâu lắm!

Bởi thế cũng không dám đuổi nữa, quay binh trở lại trại Kỳ Sơn.

Khương Duy về đến Thành Đô, vào ra mắt Hậu chủ, hỏi tại sao mà đòi về.

Hậu chủ nói:

– Ngươi ở mãi ngoài biên đình, trẫm sợ quân sĩ vất vả, cho nên đòi ngươi về triều, chớ không có việc gì cả.

Duy tâu rằng:

– Tôi đã lấy được trại Kỳ Sơn, sắp sửa thành công, không ngờ nửa đường lại bỏ dở, biết là trúng phải mẹo phản gián của Đặng Ngải.

Hậu chủ nín lặng.

Khương Duy lại tâu rằng:

– Tôi thề hết sức đánh giặc, để báo ơn nước. Bệ hạ chớ nghe lời tiểu nhân mà sinh bụng ngờ vực.

Hậu chủ ngồi lâu lâu, mới nói rằng:

– Trẫm không nghi ngờ gì ngươi. Ngươi hãy về Hán Trung, đợi khi nào nước Ngụy có biến sẽ sang đánh.

Khương Duy thở dài, ra về Hán Trung.

Đảng Quân về trại Kỳ Sơn, báo việc ấy với Đặng Ngải, Ngải bàn với Tư Mã Vọng:

– Trong Thục vua tôi không hòa, tất sinh nội loạn.

Liền sai Đảng Quân về Lạc Dương báo tin ấy với Tư Mã Chiêu.

Chiêu mừng lắm có bụng muốn đánh Thục, hỏi trung hộ quân là Giả Sung rằng:

– Ta muốn đánh Thục có nên không?

Sung nói:

– Chưa nên, thiên tử còn có bụng ngờ chúa công. Nếu chúa công một mai đi vắng, ở nhà tất sinh chuyện ngay. Năm ngoái rồng vàng hai lần hiện trong giếng Ninh Lăng, quần thần dâng biểu là điềm lành. Thiên tử nói rằng: “Đó không phải điềm lành. Rồng là tượng vua, nay rồng trên không ở trời, dưới không ở ruộng, mà đi ở trong giếng, ấy là điều rồng phải giam hãm”. Rồi có làm một bài thơ rồng lặn, ý trong thơ chỉ rõ về chúa công. Thơ rằng:

Thương thay rồng chịu khốn

Không vượt khỏi vực sâu,

Trên trời đã không ở,

Giữa ruộng nào thấy đâu?

Cuốn khúc nằm đáy giếng,

Lươn chạch lượn trước sau,

Vây cánh xếp một xó,

Thân ta cùng một màu!

Tư Mã Chiêu nghe xong, nổi giận, bảo Giả Sung rằng:

– Người này lại muốn bắt chước Tào Phương đây! Nếu không liệu sớm đi, tất có khi hại ta.

Sung nói:

– Tôi xin sớm tối lo giúp chúa công việc ấy.

Bấy giờ là năm Cam Lộ thứ năm nhà Ngụy, mùa hạ, tháng tư, Tư Mã Chiêu đeo gươm lên điện. Mao đứng dậy đón vào.

Quần thần tâu rằng:

– Công đức của đại tướng quân cao vòi vọi nên phong làm Tấn công, gia lễ cửu tích.

Mao cúi đầu không nói câu gì.

Chiêu hét lên rằng:

– Cha con, anh em nhà tôi ba đời, biết bao nhiêu công lao với Ngụy. Nay làm Tấn công không đáng hay sao?

Mao đáp rằng:

– Dám đâu chẳng vâng lời.

Chiêu nói:

– Bài thơ rồng lặn, coi chúng tôi như con lươn, con chạch là ý làm sao?

Mao không trả lời được. Chiêu tủm tỉm cười trở ra.

Mao vào hậu cung cùng với thị trung Vương Thẩm, thượng thư Vương Kinh, tán kỵ thường thị Vương Nghiệp bàn bạc.

Vương Kinh khóc nói rằng:

– Không nên. Ngày xưa vua Chiêu Công nước Lỗ, không chịu nhịn nhục với họ Quí, đến nỗi phải bỏ nước mà chạy. Nay quyền to vào tay họ Tư Mã cả rồi, công khanh trong ngoài, không nghĩ gì đến lẽ thuận nghịch, a dua theo về với giặc, không cứ một ai. Vả lại quân túc vệ của bệ hạ đưa đón, không có người chịu dùng sức. Nếu không nín náu nhịn nhục, thì vạ đến nơi ngay. Xin hãy thong thả lo toan, chớ nên hấp tấp.

Mao nói rằng:

– Điều ấy mà chịu nhịn, thì còn điều gì không nhịn nữa? Ý trẫm đã quyết rồi, dù chết cũng không ngại!

Nói đoạn, vào tâu với Thái Hậu.

Vương Thẩm, Vương Nghiệp, bảo Vương Kinh rằng:

– Việc đã kíp rồi, chúng ta không nên dây vào mà chết cả họ, nên đến thú trước với Tư Mã Công, kẻo mà chết oan.

Kinh giận, nói rằng:

– Chúa lo, tôi phải nhục; chúa nhục tôi phải chết, các ngươi dám mang hai lòng à?

Hai người thấy Vương Kinh không nghe, liền đến báo với Tư Mã Chiêu trước.

Lại nói, Ngụy chủ Tào Mao vào nội cung, sai quan hộ vệ là Tiêu Bá tụ tập quân túc vệ trong điện, cùng đầy tớ hầu hạ được hơn ba trăm người, đánh trống hò reo tiếng ra. Mao cầm gươm ngồi trên xe quát tả hữu kéo ra cửa nam.

Vương Kinh lạy phục xuống khóc mà can rằng:

– Bệ hạ dắt vài trăm người đánh Tư Mã Chiêu, khác nào xua đàn dê vào trong miệng hổ, chết uổng vô ích. Tôi không dám tiếc mình đâu, nhưng thực là việc không nên làm.

Mao nói:

– Quân ta đã đi, ngươi không nên ngăn trở.

Liền giục quân kéo ra cửa Long Môn, đến nơi thấy Giả Sung mặc đồ nhung phục cưỡi ngựa, có Thành Tốt, Thành Tế đi kèm hai bên, dẫn vài nghìn quân cấm binh thiết giáp hò reo kéo đến.

Mao trỏ gươm quát mắng rằng:

– Tao là thiên tử đây, chúng bây xông vào nơi cung đình, muốn giết vua hay sao?

Cấm binh trông thấy Tào Mao cũng không dám động. Giả Sung bảo Thành Tế rằng:

– Tư Mã Công nuôi mày làm trò gì? Chính vì việc hôm nay đấy.

Tế cầm ngọn kích, ngoảnh lại hỏi Giả Sung rằng:

– Giết đi hay là trói lại?

Sung nói:

– Tư Mã Công truyền cho giết quách đi.

Thành Tế xông thẳng đến trước xe.

Mao quát lên rằng:

– Thất phu dám xấc à?

Mao nói vừa dứt lời, bị Thành Tế đâm một kích vào giữa ngực, ngã sấp xuống dưới xe; lại bồi thêm một kích từ sau lưng suốt ra ngoài bụng, Mao chết ở cạnh đường.

Tiên Bá cầm giá lại đánh, cũng bị Thành Tế đâm chết; chúng tan vỡ trốn sạch.

Vương Kinh tự mé sau chạy đến, quát mắng Giả Sung rằng:

– Quân nghịch tặc kia, sao dám giết vua làm vậy?

Sung nổi giận, quát tả hữu trói lại, rồi về báo với Tư Mã Chiêu. Chiêu vào cung, thấy Mao đã chết, giả vờ thất kinh, đập đầu xuống xe mà khóc, rồi sai người báo tin với các đại thần. Thái phó Tư Mã Phu vào, thấy thây Tào Mao nằm đấy, bèn gối đầu vào đùi khóc rằng:

– Giết bệ hạ là lỗi tại tôi đây!

Bèn dùng quan quách khâm liệm, đình tại mé tây thiên điện.

Chiêu mời quần thần vào bàn bạc. Quần thần đến cả, chỉ thiếu có thượng thư bộc xạ Trần Thái. Chiêu sai cậu Trần Thái là Tuân Khải gọi Thái đến.

Thái khóc nói rằng:

– Người ta vẫn cho tôi bằng với cậu. Nay cậu thực không bằng tôi.

Bèn mặc áo gai, đội khăn trở đi vào, khóc lạy trước linh cửu.

Chiêu cũng giả tảng khóc hỏi rằng:

– Việc hôm nay nên nghĩ thế nào bây giờ?

Thái nói:

– Chỉ chém Giả Sung đi, thì còn tạ được thiên hạ một chút mà thôi.

Chiêu ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói rằng:

– Nên kéo sụt xuống một bậc.

Thái nói:

– Tôi chỉ biết thế thôi, chớ không biết bậc nào nữa.

Chiêu nói:

– Thành Tế đại nghịch vô đạo, nên đem mổ bụng và giết cả ba họ nó đi.

Người sau có thơ than rằng:

Tư Mã năm xưa sai Giả Sung,

Giết vua Nam Ải máu tuông hồng,

Lại đem Thành Tế giết ba họ,

Tiếng tăm đồn đại kẻ gian hùng

.

Chiêu lại sai bắt cả nhà Vương Kinh bỏ ngục. Vương Kinh đang ở trong tòa đình úy, nghe thấy mẹ bị trói điệu đến. Kinh đập đầu khóc vang lên nói rằng:

– Con bất hiếu này, làm lụy đến cả mẹ đây!

Bà mẹ cười nói rằng:

– Người ta ai chẳng chết; chỉ sợ chết vì chuyện không đáng chết mà thôi; nay chết vì việc này, thì còn giận gì nữa!

Hôm sau Chiêu sai giải cả nhà Vương Kinh ra chợ cửa đông hành tội. Hai mẹ con Vương Kinh cười nụ chịu hình. Nhân dân trong thành ai thấy cũng ứa nước mắt.

Người sau có thơ khen rằng:

Đầu Hán Bá Vương mẫu,

Cuối Ngụy mẹ Vương kinh,

Khảng khái bụng trung liệt,

Gan góc chí kiên trinh,

Trọng tiết cao vun vút,

Coi mình nhẹ thênh thênh,

Mẹ ấy có con ấy,

Tiếng thơm ghi sử xanh.

Thái phó Tư Mã Phu xin dùng vương lễ táng cho Tào Mao. Chiêu nghe lời. Bọn Giả Sung khuyên Chiêu thay nhà Ngụy mà lên ngôi Hoàng Đế.

Chiêu nói rằng:

– Ngày xưa vua Văn Vương thiên hạ chia ba đã có hai phần rồi mà còn đem dân mình chịu việc nhà Ân, cho nên thánh nhân khen là chí đức. Ngụy Võ Đế không chịu thay ngôi nhà Hán, nay ta không chịu thay ngôi nhà Ngụy, cũng thế.

Bọn Giả Sung biết ý Tư Mã Chiêu để dành lại cho Tư Mã Viêm, mới không khuyên nữa.

Tháng sáu năm ấy, Tư Mã Chiêu lập Thường đạo hương công là Tào Hoàng lên làm vua, cải niên hiệu là Cảnh nguyên năm thứ nhất. Tào Hoàng đổi tên là Tào Hoán, tự là Cảnh Danh, nguyên là con Yên Vương Tào Vũ, tức là cháu Tào Tháo.

Hoán phong Tư Mã Chiêu làm thừa tướng, tước Tấn công thưởng cho mười vạn quan tiền, một vạn tấm lụa. Văn võ các quan đều được phong thưởng cả.

Có quân tế tác báo tin ấy về Thục.

Khương Duy nghe tin Tư Mã Chiêu giết Tào Mao lập Tào Hoán mừng nói rằng:

– Ta phen này cất quân đi, lại có cớ đây rồi!

Liền viết thư đưa sang Ngô, hẹn nhau cùng cất quân hỏi tội Tư Mã Chiêu giết chúa. Một mặt tâu với Hậu chủ cất mười lăm vạn quân, đem vài nghìn cỗ xe, trên xe đóng hòm ván; sai Liêu Hóa, Trương Dực làm tiên phong, Hóa đi lối ra hang Tí Ngọ, Dực đi lối ra hang Lạc Cốc; Duy ra hang Tà Cốc. Ba mặt cùng kéo đến Kỳ Sơn.

Đặng Ngải ở trong trại Kỳ Sơn, rèn tập quân mã, nghe tin quân Thục ba mặt kéo đến, bèn hội các tướng lại bàn bạc.

Tham quân Vương Quán ghé tai Đặng Ngải nói rằng:

– Cứ làm như thế…như thế…chắc là bắt được Khương Duy.

Ngải nói:

– Mẹo này hay đây, chỉ ngại không lừa nổi Khương Duy.

Quán nói:

– Tôi xin đi chuyến này.

Ngải nói:

– Nếu ngươi kiên gan được, thì tất cũng thành công.

Bèn cấp cho Vương quán năm nghìn quân cho đi. Quán liền đem đi thẳng hang Tà Cốc, vừa gặp quân tiễu mã tiền bộ của Khương Duy kéo đến.

Quán kêu rằng:

– Ta là tướng Ngụy đến hàng đây, nên báo với chủ tướng cho ta.

Quân tiễu mã về báo với Khương Duy, Duy sai ngăn cả quân mã ở ngoài, chỉ cho một người tướng đầu đi vào.

Quán lạy phục xuống đất nói rằng:

– Tôi là cháu Vương Kinh tên là Vương Quán. Tư Mã Chiêu giết vua, lại giết cả nhà chú tôi, đau đớn biết ngần nào. Nay mai tướng quân cất binh đến hỏi tội, vậy tôi xin đem năm nghìn quân bản bộ của tôi lại hàng, để báo thù cho chú tôi.

Duy mừng lắm bảo rằng:

– Ngươi đã có bụng thực lại hàng, ta cũng lấy bụng thực xử với ngươi. Quân ta chỉ cốt lo về việc lương, nên có vài nghìn xe lương, hiện ở cửa Xuyên, ngươi nên về đó vận tải đến Kỳ Sơn cho ta. Còn ta thì đến lấy trại Kỳ Sơn đây.

Quán mừng rỡ, chắc là Khương Duy mắc mẹo, vâng lời đi ngay.

Duy nói:

– Vận lương không phải dùng đến năm nghìn người, chỉ dẫn ba nghìn quân đi cũng đủ, còn để hai nghìn quân đưa đường cho ta đến đánh Kỳ Sơn.

Quán sợ Duy sinh nghi, vậy để hai nghìn quân lại, dẫn ba nghìn quân đi.

Duy sai Phó Thiêm dẫn hai nghìn quân hàng đợi khi dùng tới, chợt có Hạ Hầu Bá đến. Bá nói với Duy rằng:

– Đô đốc cớ sao lại nghe lời Vương Quán thế? Tôi ở nước Ngụy, chưa thấy ai nói Vương Quán là cháu Vương Kinh bao giờ. Đây tất là có mẹo lừa dối. Xin đô đốc xét cho.

Duy cười nói rằng:

– Ta đã biết Vương Quán trá rồi, cho nên chia bớt binh thế, nhân kế nó mà dùng kế mình.

Bá hỏi:

– Đô đốc lấy cớ gì mà biết trá?

Duy nói:

– Tư Mã Chiêu gian hùng, chẳng kém gì Tào Tháo. Nay đã giết ba họ Vương Kinh, có lẽ đâu còn để một người cháu nối giữ binh quyền ngoài cửa ải? Bởi thế ta biết là dối. Kiến thức Trọng Quyền chính hợp với ý ta lắm.

Bởi vậy Khương Duy không ra Tà Cốc vội, sai người phục sẵn ở giữa đường, đề phòng quân gian tế của Vương Quán. Chưa được mươi ngày, quả nhiên bắt được một tên mang thư của Vương Quán về báo cho Đặng Ngải. Duy tra hỏi tình đầu, khám bắt được phong thư. Trong thư hẹn đến ngày hai mươi tháng tám, thì vận lương từ con đường nhỏ đem về trại lớn, xin Đặng Ngải dẫn binh đến hang Đàm Sơn tiếp ứng. Duy giết phắt người mang thư, rồi một mặt đem thư đổi ngày hai mươi thành ngày rằm sai người ăn mặc giả làm quân Ngụy, đem đến đưa cho Đặng Ngải. Một mặt sai người đem vài trăm xe lương, tháo bỏ lương gạo ra, chứa củi khô cỏ ráo và đồ dẫn lửa vào trong, trùm kính vải xanh ở ngoài; sai phó thêm dẫn hai nghìn quân hàng, cầm toàn cờ hiệu tải lương. Duy cùng với Hạ Hầu Bá, mỗi người dẫn một toán quân phục sẵn trong hang núi. Lại sai Tưởng thư ra hang Tà Cốc, Liêu Hóa, Trương Dực tiến quân đến lấy Kỳ Sơn.

Đặng Ngải bắt được thư của Vương Quán, mừng lắm viết thư giao cho người ấy đem về trả lời. Đến ngày rằm tháng tám, Ngải dẫn năm vạn tinh binh đến hang Đàm Sơn. Còn cách một quãng xa, Ngải cho người trèo lên cao dòm xem làm sao, thì thấy xe lương liên tiếp nhau, không biết bao nhiêu mà kể, đang đi khuất trong đường núi, Ngải kìm ngựa lại ngắm nghía kỹ xem một hồi, quả nhiên toàn quân Ngụy.

Tả hữu bẩm rằng:

– Trời đã chiều tối, nên vào mau mà tiếp ứng cho Vương Quán ra khỏi cửa hang.

Ngải nói:

– Mé trước núi non khuất khúc, phòng có quân phục, thì lui làm sao cho kịp? Chỉ nên đứng đây mà đợi.

Đang nói chuyện, có hai tên kỵ mã chạy đến, báo rằng:

– Vương tướng quân mang lương thảo chạy về, có quân mã mặt sau đuổi theo, xin lại tiếp ứng ngay cho.

Ngải thất kinh, giục quân tiến đến. Bấy giờ vào đầu canh, trăng sáng như ban ngày. Nghe ở mé sau núi có tiếng hò reo, Ngải đồ là Vương Quán đánh nhau với quân Thục, thúc quân tiến thẳng đến. Bỗng đâu một toán quân ở trong rừng rậm đổ ra. Tướng Thục là Phó Thiêm quất ngựa quát to lên rằng:

– Đặng Ngải mày mắc phải mẹo của chủ tướng tao rồi. Sao không xuống ngựa chịu chết đi cho mau.

Ngải giật mình kíp quay ngựa về. Bấy giờ lửa trên xe cháy tung lên cả: Quân Thục trông thấy hiệu lửa, cùng đổ cả ra, đánh giết quân Ngụy tan tành. Bốn phía núi reo ầm lên rằng:

– Hễ ai bắt được Đặng Ngải, thưởng cho nghìn vàng, phong làm hầu vạn hộ.

Đặng Ngải hồn bay phách lạc, cởi giáp quẳng chỏm mũ, nhảy xuống ngựa đi lẫn vào bọn quân bộ, trèo non vượt suối trốn về. Khương Duy, Hạ Hầu Bá cứ trông người cưỡi ngựa đi đầu mà đuổi theo, không ngờ Đặng Ngải đã chạy bộ trốn thoát, Duy bấy giờ mới đem quân thắng trận, đến tiếp xe lương của Vương Quán.

Vương Quán vốn đã mật ước với Đặng Ngải, nên đã chuẩn bị sẵn lương thực, xe trượng, chỉ đợi đến là khởi sự. Chợt có người tâm phúc đến báo công việc đã bị tiết lộ, Đặng tướng quân chưa biết sống chết ra sao. Quán giật mình, sai người đi thám xem sao thì người ấy báo về có ba mặt quân sắp kéo đến. Sau lưng lại thấy bụi bay mù mịt, bốn phía lại không biết đường nào chạy. Quán quát sai quân sĩ phóng hỏa đốt sạch lương thảo, xe trượng. Một lát, lửa cháy đùng đùng, sáng rực đất trời.

Quán kêu to lên rằng:

– Việc kíp đến nơi rồi, chúng mày cố chết mà đánh đi thôi!

Nói đoạn, Quán dẫn quân đánh ra mé tây. Khương Duy thúc ba mặt quân đuổi rát, tưởng rằng Vương Quán thế nào cố chết cũng phải chạy về Ngụy, không ngờ lại kéo vào Hán Trung. Quán quân ít, sợ quân Thục đuổi kịp, mới sai người đốt phá các quan ải và đường sàn. Khương Duy sợ Hán Trung sơ suất, bèn không đuổi Đặng Ngải nữa, vội vàng cất quân lẻn đi đường tắt theo giết Vương Quán. Quán bị quân Thục vây đánh cả bốn mặt, không sao thoát được, liền đâm đầu xuống sông Hắc Long tự tử. Còn quân sĩ Khương Duy bắt được đem chôn sạch.

Duy tuy đánh được Đặng Ngải trận này, nhưng bị thiệt rất nhiều lương thảo, và bị phá hủy mất đường sàn, bởi thế cũng rút quân về Hán Trung.

Đặng Ngải dẫn bại binh về trại Kỳ Sơn, dâng biểu xin chịu tội, tự giáng chức xuống. Tư Mã Chiêu thấy Ngải nhiều khi lập được công to, không nỡ giáng chức, mà lại thưởng thêm cho tiền của rất nhiều. Ngải đem tiền của ấy cấp cho các gia đình tướng sĩ bị hại.

Chiêu sợ quân Thục lại ra, cấp thêm cho Đặng Ngải năm vạn quân để phòng giữ.

Khương Duy ngày đêm sửa san đường sàn, lại bàn cất quân sang đánh Ngụy.

Ấy là:

Đường sàn sửa gấp, quân rong ruổi,

Chưa được Trung Nguyên, chết chẳng thôi.

Chưa biết được thua thế nào, xem hồi sau sẽ hiểu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.